Chủ Nhật, 6 tháng 4, 2014

Bến Mê - Truyên ngắn của vhp.Hạ Vũ

Bến Mê

Cả tuần nay ba mẹ con Hồng vui mừng hớn hở cùng bận rộn lu bu. Chồng nàng vừa "Tốt nghiệp Đại Hộc Máu," được bà con và chòm xóm tới thăm viếng chúc mừng liên miên.  Hôm nay Chủ Nhật, nàng nghỉ một ngày "phe phẩy" (từ ngữ thời “bao cấp” chỉ những người mua đi bán lại ở Chợ Trời để kiếm sống), ở nhà để vui vẻ trọn vẹn với chồng con.  Sáng sớm, Hồng ra sân trước làm vài động tác thể dục và hít thở sâu vài hơi để thu vào lồng ngực không khí mát rượi của một ngày mới, bỗng thấy có một người đàn ông trung niên cùng một bé gái khoảng bốn tuổi đứng sớ rớ trước cổng rào. Hồng chưa kịp hỏi thăm, ông ta lên tiếng trước:
“Chào chị Hồng, hôm qua tình cờ tôi gặp cô Phương đi mua sắm ở chợ Bến Thành.  Cô ấy cho tôi biết ông xã chị đã về và cho địa chỉ nhà của anh chị.  Hôm nay tôi đến thăm ông bà liền đây.”
Cô Phương là một người bạn đồng nghiệp thân thiết của Hồng ngày xưa thời làm cô giáo. Nếu người khách không nhắc đến Phương, Hồng cũng nhận ra ngay ông ta là một người bạn cố tri của chồng nàng qua giọng nói nửa Huế nửa Nam rất đặc biệt của ông.   
 “A ... Chào anh Nguyên.  Cả chục năm bạn bè bặt tin, không liên lạc được với nhau.  Bây giờ mới gặp lại. Mời ... mời anh và cháu vào nhà.”
Hồng vừa nói, vừa mở cổng, vừa nhìn cháu bé gái. Thấy vậy, Nguyện xoay qua đứa bé, anh bảo:
“Chào bác Hồng đi con.”
Đứa bé đứng nép người vào Nguyên, tròn xoe cặp mắt nhìn Hồng một lúc rồi lí nhí chào nàng.  Cặp mắt của bé thuộc loại mắt tròn, to, và đen nhánh có khả năng hớp hồn người ngắm, miệng của bé hơi móm, một cái móm làm tăng sự duyên dáng của nụ cười, nước da bánh mật làm tăng thêm sự đậm đà của nhan sắc.  Hồng nhận ra cháu bé không giống Nguyên chút nào.  Anh thuộc loại "người đàn ông không đẹp trai" tuy anh rất tài hoa và chơi đàn rất hay. Khuôn mặt của anh dài, mắt một mí lại cận thị nặng.  Bây giờ, sau bao năm sống dưới sự cai trị của "Đỉnh Cao Trí Tuệ Loài Người" mặt anh càng dài thêm, mắt càng hẹp lại.  Ngày xưa anh thuộc loại nhóm người có nước da trắng so với nhiều người Việt Nam khác, bây giờ da mặt anh rám nắng, sạm đen. 
Hồng e dè hỏi:
“Vậy ... cháu gái đây là con anh? Còn mẹ cháu đâu, sao anh không dẫn theo để giới thiệu với chúng tôi cho quen biết.”
“Chuyện của tôi dài lắm, chị ơi.  Khi nào có dịp tôi kể cho anh chị nghe.”
 Vào nhà, gặp lại Xuân, ông xã của Hồng, bao nhiêu chuyện xưa cũ được ba người bạn nhắc lại, rồi xoay ra chuyện đổi đời "xuống chó" của chúng tôi.  Nguyện cho biết năm 1974 anh cưới vợ rồi thuyên chuyển về Sài Gòn làm Chủ Sự một phòng ở Nha Ngư Nghiệp.  Sau 1975, anh được Chế Độ Mới lưu dụng vì có trình độ chuyên môn.  Anh không dính líu đến quân đội nên chỉ phải học lý thuyết Mác - Lê một tuần tại cơ quan.
Khi kể tới chuyện "học tập", anh bỗng hỏi Hồng:
“Cô nàng ‘tròn tròn, đen đen, móm móm’ ngày xưa bây giờ ở đâu, hả chị?  Cổ có di tản được vào năm 75 không?” 
“Tôi bặt vô âm tín với ‘người đẹp ba tiêu chuẩn’ của anh từ ngày tôi rời trường cũ lận.” 
Câu nói thật của nàng như một làn sương mờ che phủ nét tươi vui trên khuôn mặt anh.  Anh khẻ thở dài...

oOo

Cô nàng ‘tròn tròn, đen đen, móm móm’ ngày xưa là Bạch Mai, một nữ giáo sinh tốt nghiệp Đại Học Sư Phạm Sài Gòn. Cô được bổ nhiệm về dạy Sử Địa tại trường Trung Học Công lập lớn của tỉnh lỵ miền biên giới này sau Hồng hai niên khóa. Bạch Mai được giới thiệu ở trọ chung với Hồng và Phương.  Bạch Mai có một dáng người tầm thước, nước da ngâm ngâm đen mặn mà, tóc xỏa ngang lưng tha thướt.  Nổi bật trên gương mặt nàng là cặp mắt to tròn long lanh có sức quyến rũ mạnh, và miệng hơi móm mỗi khi cười e lệ làm xiêu lòng người.  Trong số người bị "sét đánh" đó có Nguyên, khi ấy làm Trưởng Ty Ngư Nghiệp.  Anh còn trẻ, con nhà giàu, học trường Tây, chơi kèn rất hay, tánh tình rộng rãi, hào phóng.  Anh ấy với Xuân là đôi bạn thân.  Chúa Nhật nào hai anh cũng cùng nhau tới nhà trọ của các nàng chuyện trò hoặc rũ nhau đi cắm trại chung với học trò các cô. 
Bạn bè quen biết nhau chưa được bao lâu thì anh Nguyên được đi tu nghiệp sáu tháng ở Ấn Độ.  Trước khi đi, anh tâm sự với Hồng là anh bị cô nàng "đen đen, ròn tròn, móm móm" hớp hồn nhưng anh chưa dám nói nên lời vì anh chưa đủ thì giờ để xây dựng tình cảm với "người đẹp."  Hồng góp ý với Nguyên rằng, "Thì anh năng viết thư, đừng để sợi dây liên lạc bị đứt cho đến ngày về rồi tính tới."  Thế rồi anh đi, viết lá thư đầu tiên gởi cho “người đẹp ba tiêu chuẩn” của anh.  Anh không nói nên Hồng không biết anh viết gì trong đó và vì sao người đẹp không hồi âm.  Anh chỉ bảo rằng anh ngại ngùng, không viết tiếp, nghĩ rằng thời gian sáu tháng không dài, qua nhanh thôi, rồi anh sẽ về và tiếp tục cuộc đeo đuổi.  Nhưng tiếc thay, khi Nguyên về nước Bạch Mai đã trao trái tim cho một  chàng sĩ quan của  Quân lực VNCH.  Chuyện đã lỡ làng, anh thành kẻ thất tình,  ân hận vì đã chọn đi tu nghiệp Ấn Độ và xem đó là một lầm lẫn lớn trong đời của anh. 


(Hình minh họa)
Thế rồi, Hồng lập gia đình, theo chồng “bỏ cuộc chơi.”  Người đẹp ‘ba tiêu chuẩn” của Nguyên cũng theo người hùng đẹp trai về dinh... trại.  Thời gian trôi... Mọi người đi mỗi ngã với mỗi hoàn cảnh riêng của mình, mất liên lạc với nhau...
Hôm nay gặp lại anh, nhắc tới Bạch Mai, lòng Hồng  xao xuyến.  Có thể bây giờ "người đẹp" này đang thân sơ thất sở nuôi con và chồng trong trại tù cải tạo, cũng có thể đang hưởng hạnh phúc gia đình ở một nơi cách đây nửa vòng trái đất.
Nguyên nhỏ giọng rầu rầu nói tiếp:
“Từ ngày Bạch Mai đi lấy chồng, ngoài những lúc làm việc, tôi chỉ biết tới lui hội họp tiệc tùng, nhảy nhót với anh chị em trong tỉnh để giải sầu.  Thường thì ông bà Trưởng Ty Quan Thuế là người đứng ra tổ chức các cuộc vui này vì nhà ông bà  rộng rãi, sân vườn đẹp đẽ.  Cô con gái lớn của ông bà lúc đó là học sinh lớp đệ ngũ của cô Phương. Cô ta cũng tham gia vui vẻ với các chú bác.  Khi cô bé xong Trung Học, tôi kết hôn với cô ta.”
Nghe đến đó, Hồng xen vào một câu nói đùa:
“Lại một chuyện tình ‘Cháu Diễm chú Đạt.’ (1)  Anh là bạn vong niên với ông bà Trưởng Ty ấy, quen gọi ba má của cô bé là anh chị, sửa cách xưng hô coi bộ khó dữ đa!”
“Tôi bị ‘á khẩu’ mấy tháng, rồi ‘trẹo lưỡi’ thêm mấy tháng nữa mới gọi được hai tiếng ‘ba má’ đấy chứ!”
Xuân cười, trêu bạn:
“Có vợ trẻ hơn cả chục tuổi mặc sức anh hãnh diện với mọi người.  ‘Chồng già vợ trẻ là tiên’! Sướng nhé!”
“Địa ngục, anh chị ơi!  Sau 1975, đời sống khó khăn mà cô nàng vẫn tính trẻ con, không biết lo cho gia đình, cứ đi chơi và nhảy nhót chui với hết người trai trẻ này tới người kia.  Khi tôi khuyên can thì gây sự với tôi, còn vác dao rượt chém tôi làm cho con bé sợ hãi, không dám gần mẹ.  Cô nàng bỏ mặc việc chăm sóc con cho tôi từ khi còn nằm ngữa tới bây giờ.  Đi làm tôi phải gởi nhờ chỗ này chỗ kia.  Lương tiền không đủ sống làm sao mà mướn người giữ cháu.  Mỗi lần đi công tác dưới tỉnh tôi phải mang con theo.  Con tôi đi bụi đời với tôi từ nhỏ.”
Nghe đến đây, Hồng nêu thắc mắc: “Khi anh họp hành hoặc ra đồng ra ruộng hướng dẫn cho nông dân đào ao, nuôi cá, anh dắt nó theo để dầm mưa dang nắng à?  Nó có đau ốm liên miên không? Thiệt tội nghiệp con bé quá!”
“Tôi nhờ các cô trong văn phòng ở tỉnh trông nom giùm khi nào tôi ra ngoài làm việc.  Ai thấy hoàn cảnh này của tôi cũng tận tình giúp đỡ.  Ai cũng thương con bé cả.  Sống như thế này khổ quá, có mẹ cũng như không. Anh chị à, kỳ này tôi quyết định mang con bé vượt biên.” 
“Anh bỏ cô vợ ở lại à?”
“Chính cô ta bỏ tôi, không chịu đi.”
“Anh tới lui mấy năm trời từ lúc cô ta là một cô bé cho tới khi thành thiếu nữ mà anh không nhận biết được tư cách tính tình của cô ta hay sao để ra cớ sự như ngày hôm nay?”
Nguyên trầm ngâm một lúc, đoạn anh thở dài nói tiếp:
“Biết chứ anh chị, nhưng... nhưng cô ta giống Bạch Mai quá... cũng ‘đen đen, tròn tròn, móm móm’ làm tôi lạc vào bến mê... cho đến bây giờ...”
(Hình minh họa)

vhp.Hạ Vũ
                                         Nam Cali,  28/3/ 2014
 -------------------------------
 (1) ‘Cháu Diễm chú Đạt’ hai nhân vật trong truyện dài Yêu của nhà văn Chu Tử


Không có nhận xét nào: