Thứ Ba, 15 tháng 4, 2014

Tán Gẫu về bài thơ Đi Xe Đạp của Lão Gàn - Châu Thạch

Tán gẫu về bài thơ “Đi xe đạp” của Lão Gàn
                                       Châu Thạch

Người ta thường nói thơ đường có tám câu năm mươi sáu chữ là một chuỗi  kim cương sáng lóng lánh.  Điều đó thật đúng, nhưng ngày nay tôi thấy trên nhiều trang mạng có những phong cách sáng tác mới mà bài thơ Đường chỉ như là những xâu hạt hoặc chùm trái cây nho nhỏ có hương vị thơm ngon, khiến cho người đọc thưởng thức được cái bình dị, dí dỏm, thoải mái, không cao siêu cầu kỳ kia một cách thích thú.  Có rất nhiều bài thơ như vậy trên Góc Thơ Đường Đất Đứng như bài “ Đi xe đạp” của Lão Gàn:

Đi Xe Đạp
(Thơ mời họa)

Sáng nay, chuyện khẩn, phải đi xa
Xe đạp bơm lên…chọi lấy đà
Được trớn xuôi đường bon thoải mái
Bắt đầu leo dốc thở phì phà
Đang ngồi…choáng váng mờ hoa mắt
Vừa xuống…đầm đìa ướt đẫm da
Cực lắm…tuổi nầy công việc dễ
Vậy mà đau nhức cái thân “tra”
                               29/3/2014
                               Lão Gàn

Tác giả lấy bút hiệu là lão Gàn.  Gàn thì hay nói những điều trái tai, chướng đời nhưng trong bài thơ nầy tác giả lại tả nhưng điều rất đúng, khó ai phản bác được. Nhập đề của bài thơ tác giả giới thiệu  về việc khởi hành một chuyến đi bằng con ngựa sắt của mình:

"Sáng nay, chuyện khẩn, phải đi xa
Xe đạp bơm lên… chọi lấy đà"

Qua hai câu mở, đọc lướt bài thơ ta có thể đoán được Lão Gàn là một ông già vừa nghèo vừa neo đơn. Nghèo là vì thời nay có ai đi xa mà phải đi xe đạp đâu, nếu không có xe hơi thì cũng đi bằng xe gắn máy. Neo đơn là vì đã già mà không có con cháu chở đi, phải đi bằng con ngựa sắt của mình. Nếu thầy bói đoán sai thì có thể đoán ngược lại đây là ông già giàu có yêu thể thao nên thích ruổi rong bằng xe đạp, mà rong ruổi đường xa trên con ngựa sắt trong tuổi già có dư tiền bạc thì cái bút hiệu Lão Gàn chắc đúng chứ không sai. Qua hai câu thơ nầy ta cũng có thể đoán được sáu phần đúng, bốn phần sai: Lão Gàn ở miền Nam trong vùng không kháng chiến. Người miền Nam trong vùng không kháng chiến thường có cách lên xe “chọi lấy đà,” nghĩa là ngồi yên vị trên yên xe rồi mới chọi hai chân xuống đất lấy đà trước khi đặt chân lên bàn đạp đạp xe đi. Miền Bắc và vùng kháng chiến miền Nam thì có cách khởi hành bằng xe đạp khác hơn. Họ đặt chân trái trên bàn đạp, nhấn mạnh cho xe đi tới, chân phải bỏ quàng qua yên xe rồi thừa thế ngồi vào yên  đạp bàn đạp cho xe đi luôn. Nếu lần nầy đoán cũng sai nữa thì Lão Gàn đích thị là ông già cẩn thận ở vùng nầy mà đi xe theo kiểu vùng kia.

Hai câu trạng miêu tả động tác, cử chỉ bình thường của người đi xe đạp qua từng đoạn đường và tùy theo tình trạng của con đường xuống hay lên dốc mà thôi:

"Được trớn xuôi đường bon thoải mái
Bắt đầu leo dốc thở phì phà"

Hai câu nầy theo tôi chữ “Được trớn” với chữ “ Bắt đầu” dùng để đối nhau thì không chuẩn. Nếu tác giả thay chữ “Bắt đầu” bằng chữ “Mất đà” thì câu thơ thành ra “Được trớn xuôi đường bon thoải mái/ Mất đà leo dốc thở phì phà” thì có lẽ tốt hơn.

Hai câu luận diễn tả biến chuyển xảy ra bất ngờ trong cơ thể mà người tuổi cao hay gặp khi dùng quá sức mình. Tình trạng nầy hay đưa đến đột quỵ đối với các lão thành cho nên xin chớ xem thường, mà nên cẩn thận, chỉ làm việc nhẹ vừa sức mà thôi:

"Đang ngồi… choáng váng mờ hoa mắt
Vừa xuống… đầm đìa ướt đẫm da"

Trong hai câu luận nầy tác giả đối rất chỉnh nhưng dùng chữ thì có chỗ dư từ. Đã “ hoa mắt” mà còn dùng thêm chữ “mờ”, đã “ đầm đìa”  mà còn dùng thêm chữ “đẫm” nữa làm cho ý bị lặp lại hai lần. Ta hiểu trong thơ Đường mỗi từ là một viên kim cương khác nhau cho nên phải gạn lọc từng từ, đừng nên để cho đồng âm hay đồng nghĩa.

  Hai câu kết của bài thơ là hai câu ta thán, nhưng cách than thở trong hai câu thơ nầy không nặng nề mà nhẹ nhàng như một tiếng cười thanh thản:

"Cực lắm… tuổi nầy công việc dễ
Vậy mà đau nhức cái thân “tra."

Chữ “ tra” cũng cho ta đoán được tác giả là người Miền Trung từ Thừa Thiên- Huế trở ra, vì người vùng nầy hay dùng chữ “tra” để thế chữ “già”.

Tóm lại “Đi xe Đạp” không thể nói là một bài Đường thi thâm thúy, trọn vẹn nhưng có cái phong cách thơ thật là thoải mái, đáng yêu.  Đọc bài thơ ta có thể đoán mò Lão Gàn là một ông già chơi chữ nghiệp dư có tâm hồn bình dị và yêu đời. Lão Gàn ở đây chỉ là tự đặt bút hiệu cho vui thôi chứ lão không gàn chút nào. Lão là người chừng mực, chuẩn mực, vui tính và thong dong, rất dễ làm quen để trò chuyện hài hòa.


Xin bạn đọc cũng vui lòng đừng cho đây là một bài bình thơ mà chỉ xem đây chỉ là mấy lời tán gẫu mà người viết vì đọc được một bài thơ hợp ý nên phấn chấn trong lòng nghĩ chi viết nấy có đúng có sai mà thôi. Người viết có ý góp một chút gì đó sau bài thơ để bạn đọc kéo dài thêm vài phút giây thư giản. Quý vị nào muốn kéo dài cuộc vui thêm nữa thì xin thảo luận trên phần thảo luận của Góc Thơ Đường một cách cởi mở, hài hòa và thân thiện cho đời “đẹp thêm chút nữa ai ơi” .
                                                      Châu Thạch

(Nguồn: Đất Đứng)






Không có nhận xét nào: