Thứ Bảy, 19 tháng 4, 2014

Nỗi Nhớ - vhp.Hải Vân & Lời Bình của N Triều

  •              
  •          Nỗi Nhớ
                          *
    Lúc hành quân dừng chân bờ suối vắng,
    Dải nước trong hay tóc phủ vai gầy?
    Hương núi rừng hay hương tóc em bay?
    Bao kỷ niệm, bao ngọt ngào, sâu lắng!
    Nhớ làm sao những buổi chiều nhạt nắng,
    Đi bên em bước nhẹ tựa hơi sương,
    Gió len lén hôn má đỏ môi hường,
    Tà áo mỏng vấn vương theo nhịp bước.
    Ta nhớ lắm đêm trăng mờ hẹn ước,
    Đếm sao trời hay đếm nhịp tim em?!
    Muốn nói tiếng yêu nhưng lại im lìm,
    Để tiếc nuối đuổi theo ta da diết!
    Giờ chôn đời giữa núi rừng trùng điệp,
    Nỗi nhớ càng tràn ngập trái tim ta!

  •                       vhp.Hải Vân

  • Quý bạn thân mến,
    Người cầm bút, phần lớn là viết về mình… để “Ce que l’on concoit bien, s’énonce clairement”
    < concoit  viết thiếu cédille=chữ c có ngoéo dưới> có nghĩa là “Điều gì thấu hiểu… bày tỏ rõ ràng.” Hiểu về hoàn cảnh của mình thì diễn đạt phân minh.  Nhưng nhiều khi…không phải vậy.
    Người cầm bút khi hạ bút, không chỉ viết về mình… mà còn hư cấu, phi ngã, nhiều khi nhập vai một cách tài tình bằng “đa nhân cách” nữa.
    Theo NT, nỗi nhớ ở đây, có thể không phải là của tác giả…mà Chị Hải Vân viết thay cho nỗi lòng một người lính đang đóng quân <hay hành quân>ở vùng rừng núi xa xôi.  Người ấy, khi nghỉ ngơi, dừng chân bên bờ suối hoang vu, ít người lui tới, chợt nhìn thấy “dải nước trong,” lổ đổ, lồng bóng những cây rừng, chợt cảm nhận những mùi hương thoang thoảng của cỏ dại hoa rừng… và chạnh lòng nhớ đến người thương. Chị Hải Vân đã khéo léo hoán dụ+so sánh (chi tiết tổng thể:” tóc phủ vai gầy” + ”hương tóc ai bay”là người yêu dấu xa cách).  Để trên tiền đề đó, nhân vật trữ tình hồi tưởng đến những kỷ niệm đầy thơ mộng, thi vị, đắm say, <ngọt ngào, sâu lắng> với biết bao là ngây ngất, không phai (những buổi chiều nhạt nắng, bước nhẹ tựa hơi sương, gió len lén (hay chính là anh ấy?), vấn vương theo nhịp bước của nàng <hay những điều đó đã cuốn mất hồn anh>, những “đêm trăng mờ hẹn ước”,  "đếm sao trời < số lượng nhiều… nhiều vô kể như những nhịp tim em?
    (Chị Hải Vân ơi… chàng làm gì… mà cảm nhận… mà nghe rõ những nhịp tim của người yêu?  Đang loạn nhịp?  NT xin hỏi nhỏ, có phải trong khung cảnh hữu tình ấy, có sự đồng tình của ánh trăng mờ ban đêm, nên anh đã mạnh mẽ hơn, không còn len lén nữa… cả gan… ôm đại người yêu (?)… để nghe lòng mình thổn thức(?!)… Và trong giây phút lắng đọng ấy… anh như đã…"đếm nhịp tim em?!” <dấu hỏi-dấu than, sao gợi tả…lạ lùng!>.
    Chưa hết, tác giả còn sử dụng nhóm từ nhấn mạnh hơn, tô đậm thêm nỗi nhớ da diết của chàng trai <nhớ làm sao, ta nhớ lắm…> rất là gợi tả, khắc sâu.
    *Cuối cùng, chàng trai không dám ngỏ lời… <cũng không hề lợi dụng cơ hội…>. Có lẽ do câu thơ "Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi (Lương Châu từ/Vương Hàn <khoảng trước sau năm 713>) = Chinh chiến xưa nay mấy kẻ về.  Thời chiến chinh, có lẽ, chàng không dám ngỏ lời, như vậy cũng phải.  Vì “chiến tranh, đâu phải chuyện… trò đùa.”
    Và cuối cùng, chỉ còn nuối tiếc, cuối cùng chỉ còn hai phương trời ngăn cách, xa xôi muôn trùng. Mãi đến bây giờ nỗi nhớ… về hình bóng ấy… vẫn miên man, tràn ngập cả cõi lòng,"tràn ngập trái tim ta”…
    Bài thơ 8 chữ nhịp nhàng, gieo vần liên tiếp, gợi tả, nhịp thơ đa phần là 3/3/2. Có 3 câu đổi nhịp để cách điệu, dồn sắc thái biểu cảm, đậm đà cảm xúc, điểm nhãn cho thơ… (Đếm sao trời/ hay đếm/ nhịp tim em <3/2/3>; Muốn nói tiếng yêu/ nhưng lại im lìm <4/4>; Và câu kết:  Nỗi nhớ còn/ tràn ngập/ trái tim ta <3/2/3>… cũng như các câu hỏi tu từ, câu cảm thán… xao lòng.
    Xin cảm ơn Chị Hải Vân… đã “nói thay” những “nỗi nhớ,” những sâu kín trong tâm hồn, những tâm tình của lớp người trai trẻ trong thế hệ bấy giờ.
    Một bài thơ như thay lời muốn nói cho ai… đầy cảm xúc.
    Thân mến, NT.

Không có nhận xét nào: