KHÔNG CÓ NGÀY 20 THÁNG 11
TÌNH THẦY TRÒ VẪN QUÁ ĐẸP
Có
những ngôi trường xuất hiện trên cõi đời này như ngôi sao băng lóe trên bầu
trời giây lát để rồi tắt lịm, để lại nhiều hoài niệm bâng khuâng cho lứa học
trò mới lớn trong thời buổi tao loạn đầy biến động. Tôi muốn nói về trường
trung học Nguyễn Phúc Chu, tỉnh Bình Tuy, cùng thầy Hoàng Đằng và thầy Dương
Đình Trọng.
Mùa hè năm 1972, Quảng Trị quê hương tôi trở thành một chiến trường khốc liệt. Tôi cùng gia đình tản cư phiêu bạt vào nam. Tạm cư ở Non Nước – Đà Nẵng hai năm. Hè 1974, cả nhà tôi vào nam định cư ở quận Đông Hà, tỉnh Bình Tuy (nay thuộc xã Tân Hà, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận). Tháng 10 năm đó, trường Trung Học Nguyễn Phúc Chu được thành lập, với tám lớp trung học đệ I cấp, ba lớp đệ II cấp. Tôi học lớp 10 ban B, hiệu trưởng là thầy Hoàng Đằng, chú tôi - thầy Đoàn Đức làm giám học.
Trường mới thành lập nên chưa đủ giáo viên, nên có mời thầy Dương Đình Trọng thỉnh giảng dạy lớp tôi môn Pháp văn. Giáo viên môn Việt văn cũng thiếu nên thầy Hoàng Đằng đảm nhiệm.
Tôi nhớ giờ Việt văn đầu tiên, thầy Đằng đọc cho chúng tôi chép nguyên văn bằng tiếng Hán Việt bài Đạo đức kinh của Lão Tử, “Đạo, khả đạo, vô thường đạo. Danh, khả danh, vô thường danh….” Giờ thứ hai thầy giảng say mê cái đạo trời mênh mông, to lớn, vô thủy, vô chung, không tên, không tuổi . “ Không tên ấy là khởi nguồn của trời đất, có tên ấy là mẹ của muôn vật”... Thầy say mê nói, hai tay chắp sau lưng đi lên đi xuống nói, còn đám học sinh lớp 10 B chúng tôi mơ mơ hồ hồ với cái đạo đầy trừu tượng mà không thể nắm bắt được. Một anh bạn cuối lớp nhét trái mận vào tay thầy đang ngoặc ở sau lưng, thầy vô thức cầm lấy và tiếp tục nói về cái đạo trời lồng lộng. Mười lăm phút sau thầy mới biết trong tay mình có trái mận của …. Lão Tử. Thầy nhẹ nhàng đặt nó lên bàn thầy giáo và tiếp tục hành trình về cái… Đạo. Tối hôm đó tôi học thuộc bài mà chẳng biết đạo là gì. Nhưng nhờ thầy mà hai, ba mươi năm sau tôi biết chút chút về tư tưởng của một triết gia lỗi lạc Đông phương.
Thầy Trọng có phong cách khác hẳn thầy Đằng. Thầy dạy cuốn hút, quan sát lớp rất kĩ. Ăn nói lưu loát và đặt vấn đề lôi cuốn học sinh. Thầy dạy Pháp văn nhưng hình như kiến thức của cả các môn khác thầy am hiểu rất sâu. Biết tôi học khá môn Anh văn thầy hay đố tôi về cách dùng giới từ. Các bài tập khó Anh văn ngoại khóa về giới từ của thầy tôi chỉ làm được chừng 50%. Thầy từng đi lính, là sĩ quan biệt phái nên thầy kể chuyện đời lính rất hay.
Năm 1975 là năm đầy biến động. Với người này thì đây là sự giải phóng đất nước, với người ý thức hệ khác thì đó là thời kì loạn lạc. Trường Trung Học Nguyễn Phúc Chu không tồn tại, và các thầy đi cải tạo rất nhiều, trong đó có thầy Đằng, thầy Trọng và cả chú tôi - thầy Đoàn Đức.
Sau khi đi cải tạo ra, thầy Trọng rất yếu. Có lần tôi theo chú Đức lên thăm thầy, thầy da vàng và rất ốm. Thỉnh thoảng tôi đi rẫy và gặp thầy. Ốm yếu nhưng vẫn đi rẫy để mưu sinh. Cả xã Tân Hà đều như vậy, đó là thời kì 1975 - 1980. Tuy ốm nhưng phong cách và trí tuệ thầy vẫn anh minh. Phong cách trí thức vẫn toát ra theo bước chân lên rẫy của chú tôi và thầy.
Rồi tôi vào đại học, tôi đi bộ đội tuốt tận Campuchia. Khi tôi trở lại Tân Hà thì trường xưa trở thành trường cấp 1. Thầy cô, bàn bè mỗi người mỗi phương viễn xứ. Lớp 10B và tuổi hoa niên của tôi không còn dấu tích, nó hư vô, nó vô vi như học thuyết của Lão Tử mà thầy Đằng dạy. Rất nhiều lần tôi đi qua nền cũ trường xưa mà ngậm ngùi. Các trường tôi từng học như Trung học Nguyễn Hoàng - Quảng Trị, Trung học Bình Tuy đều có hội ái hữu, có hội cựu học sinh, có blog, có trang web, có trang mạng intrenet liên thông. Còn trường Nguyễn Phúc Chu của chúng tôi như ngội sao băng xẹt qua bầu trời niên thiếu và bay vào cõi mênh mông của kí ức. Bay mãi , không về...
Bỗng một ngày đẹp trời, tôi nhận được 5; 6 cái email của các sư huynh cựu học sinh trường Nguyễn Hoàng gửi đến. Email gửi bài viết của thầy Đằng viết về thầy Trọng "CHUYỆN ĐỜI THẦY TÔI". Ôi cái hư vô rỗng không mà chứa đầy tất cả, cái bát rỗng không mà chứa đựng đầy kỉ niệm. Triết lí vô vi của Lão Tử qua lời giảng thầy Đằng đúng là bất tử. Tôi bồi hồi nhớ về thầy cô, bạn bè, trường xưa cảnh cũ, những rung động đầu đời. Đạo nghĩa thầy trò thật đẹp. Chuyện thầy Đằng chăm sóc thầy Trọng trong trại cải tạo được sự ngưỡng mộ của nhiều người. Tôi không thấy điều nào đẹp hơn như vậy. Tôi phát hiện ra điều tôi cần viết hoa ở đây: KHÔNG CÓ NGÀY 20 THÁNG 11 TÌNH THẦY TRÒ VẪN QUÁ ĐẸP RỒI.
Thị xã Lagi, đêm 19 tháng 11 năm 2013
Đoàn Minh Lợi
(Nguồn La Thụy blog)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét