Người Đi Bỏ Nỗi Đau Ở Lại
(Mượn
một chút sự thật, phần còn lại của chuyện được viết bằng tưởng tượng, người viết
tự dựng bối cảnh khác và đổi tên nhân vật, xin thứ lỗi cho những trùng hợp vô
tình nếu có).
Thằng nhỏ ngồi một mình, lặng
thinh, nhìn đám học trò nhỏ chạy nhảy, la hét ồn ào ở một góc sân, trong giờ ra
chơi một hồi lâu rồi đứng dậy, dường như muốn đi ra nhập bọn nhưng lại thôi, nó
ngồi xuống. Trời giữa hạ, nắng sáng rực, ngập cả sân trường ngay từ lúc chuông
reo vào lớp, hàng cây khuynh diệp quanh dãy hàng rào sắt cao, xanh xanh một màu
lá. Đứng canh chừng học trò trong giờ ra chơi từ cuối bờ tường, ngó ra bải đậu
xe, Tuyền thấy thằng bé là lạ, nhìn một hồi lâu, bỏ ly nước trà nóng vừa uống hết,
lửng thửng đi về hướng nó, ba bốn đứa con gái quen, học lớp 5 hay 6 gì đó,
phòng bên lớp của Tuyền dạy, đi ngang qua, vừa cúi đầu cười “thưa thầy” rồi ùa nhau hối hả chạy
không kịp chờ trả lời.
Tuyền đến gần bên, thằng nhỏ đứng ngay dậy, vòng tay, lễ phép cúi đầu
chào, nhỏ nhẹ thưa thầy bằng tiếng Việt rất đúng, Tuyền xoa đầu, bảo nó ngồi xuống
lại, hỏi tên, lớp mấy và sao không chạy ra chơi như mấy em khác. Tuyền trố mắt
ngạc nhiên, thằng nhỏ lại có cùng tên Tuyền với mình, học trò lớp một của cô Tú
Minh, nằm ngay xế chân cầu thang tầng trệt, ngó qua căn-tin bán thức ăn. Thấy
nó cứ buồn xo, hỏi ra mới biết, sáng thứ bảy hôm nay, mẹ nó không dẫn đi học tiếng
Việt như thường lệ, vì bận phải đi làm thêm, người quen, nhà kế bên không xa,
cùng con đường, cũng có đứa con gái đi học chung, nhận lời chỡ nó đến trường và
mẹ nó sẽ đón khi tan học. Chuông reo vào lớp lại, Tuyền xoa đầu nó cười, thằng
nhỏ bấy giờ mới mỉm cười theo, chậm rải đi vào cửa trường, vừa đi vừa ngó lại
sau, dù bận hối thúc đám học trò còn nấn ná trên sân chơi, Tuyền cũng không
quên nhìn theo, vẩy tay chào.
Từ trên lầu xuống, học trò lớn nhỏ ra về ồn ào như bầy ong vở tổ, vừa
ngang qua lớp của cô Tú Minh, thằng Tuyền mang túi xách, theo sau đám bạn lửng
thửng đi ra, thấy Tuyền nó bẽn lẽn, cúi đầu gập người chào, bỏ đi trước, ra đứng
dưới gốc cây Phượng tím già, phía trong cánh cửa sắt của cổng trường, nơi mà học
trò thường đứng chờ người nhà tới đón. Không mấy vội, vả lại nhớ chuyện hồi ra
chơi, Tuyền cũng cảm thấy hơi lo, nên nấn ná, chưa ra xe về, cầm chắc xem có ai đến đón nó không.
Giữa trưa, trời bắt đầu nóng gay nóng gắt, gió từ hướng dưới bờ sông
Maribyrnong lùa lên, hăng hắc mùi cỏ khô khó chịu, lơ lững nhè nhẹ trong sân
trường. Học trò được cha mẹ đón thưa dần ngoài cổng, xe hơi từng chiếc một, đến
rồi đi, thỉnh thoảng có tiếng còi giành chỗ, có tiếng gọi tên đứa này đứa nọ
như thường lệ. Thằng Tuyền vẫn còn loanh quanh chỗ hồi nãy, hai ba đứa con trai
trạc tuổi, chưa có ai đón, đi qua đi lại, hỏi han nó gì đó rồi tiếp tục đuổi
nhau. Nhìn đồng hồ tay, thở dài, nghĩ thầm, không biết thằng nhỏ có biết địa chỉ
nhà nó không đây, nếu có gì phải đưa nó về nhà. Mấy cô dạy lớp nhỏ, trong đó có
Tú Minh, tụm nhau ra cửa, thấy Tuyền ngạc nhiên, vì thường ngày sau chuông
không lâu thì anh đã biến mất rồi. Tuyền mỉm cười mà không nói gì, đi theo vài
bước, họ cũng cười theo, hẹn gặp lại tuần tới.
Tuyền quay lại nhìn, thằng Tuyền, nó đang ôm chầm đầu người con gái, ngồi
xuống thấp, tóc dài ngang lưng, che gần hết cái áo cụt tay màu tím nhạt, hôn lấy
hôn để, cười thật hồn nhiên, dưới bóng nắng len từng vệt nhỏ, xuyên một vài
nhánh lẻ loi của cây phượng tím già nua xuống sân, nơi nó đã đứng chờ. Tuyền cảm
thấy an lòng nhưng vì cái tên Tuyền của nó, cái trùng hợp khó nói, và cũng có
chút tò mò, Tuyền vội vã đi về hướng cổng trường, với hy vọng được dịp làm quen
với họ. Tuyền tới, vừa lúc người con gái tay xách cái túi xách, tay nắm tay thằng
bé, quay lưng đi ra ngoài đường, trong sân, lưa thưa hai ba đứa học trò chưa có
ai tới đón, còn lại, đua nhau chạy đuổi đám chim bồ câu hoang trong sân ngập
bóng nắng, hét hò ầm ỉ. Theo sau vài bước, Tuyền gọi tên thằng bé, hai người
cùng một lúc ngừng bước, quay lại, Tuyền chết trân, người con gái cũng đứng bất
động, thằng bé Tuyền thấy lạ, lắc lắc tay mẹ nó gọi “mẹ mẹ”, Tuyền bỏ cái cặp đựng sách vở xuống đất, bàng hoàng xoa
hai tay, chút gió nhẹ giữa trưa thổi ngang, xua tóc người con gái qua một bên, để
lộ khuôn mặt tròn màu nắng hồng đậm. Cả hai rươm rướm mắt, gọi tên nhau, Châu,
người con gái, rưng rức ngồi xuống ôm con vào lòng, rồi cả hai lặng câm, thằng
bé Tuyền ngơ ngác nhìn qua nhìn lại, miệng ấp úng “mẹ mẹ, thầy thầy”.
Cùng chung lớp với nhau ở trường
Sư Phạm Sài Gòn, chào hỏi đôi ba lần, khi trong sân trường, lúc vào phòng học,
nhưng Tuyền và Châu thật tình quen thân, sau hôm hai người được sắp xếp dạy thực
tập chung, bài sử ký về Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ cho học sinh lớp nhất của trường
Sư Phạm Thực Hành, tuy cửa chính nằm trên đường Trần Bình Trọng nhưng có cái cổng
riêng, có thể đi qua từ trong sân trường QGSP bên này. Tuyền để ý Châu ngay từ
khi mới vào học, nhưng thấy cô lúc nào cũng đi chung nhóm với mấy cô khác nên
ngài ngại, chưa dám mở lời làm quen. Châu cũng không ngu ngơ gì mà không biết,
khi bắt gặp Tuyền nhìn len lén xa xa ở bờ tường cuối sân hay trên hành lang lầu
của lớp, Châu thấy hồn mình có cái gì đó khó nói khi nghĩ tới Tuyền, cái gì đó
vương vương vấn vấn, trong đêm vắng một mình trên gác trọ cuối đường Nguyễn Biểu.
Hôm dạy bài sử ký, Tuyền làm một bài hát nho nhỏ, tập học trò hát, thay vì đọc
bài, về Nguyễn Huệ, Châu phụ viết bài lên bảng đen, nhắc nhở bọn nhỏ chú ý chép
cho đẹp cho đúng, học trò hát vang, thuộc không sót một chữ, trả lời câu hỏi do
Châu đặt ra đúng phanh phách, gần xong hết bài, cả lớp nhiệt liệt vỗ tay vang ầm
cả một dãy lớp học dài, cô Phương, cô giáo chính thức của lớp nhất, vui vẻ ra mặt,
khen hai thầy cô thực tập tiếng một tiếng hai, từ hôm đó, Tuyền có cái tên ngộ
nghĩnh “thầy Bắc Bình Vương” do đám học
trò trường sư phạm thực hành đặt cho một cách dễ thương và trong hồn mình, Châu
cũng đã biết thương biết nhớ bốn tiếng “thầy Bắc Bình Vương” ngồ ngộ, từ buổi
chiều tan trường, Tuyền theo tiễn Châu ra trạm xe buýt ở đầu chợ Nancy, nói tiếng
cám ơn thêm lần nữa.
Hai người thật sự thương rồi yêu nhau, sau chuyến đi “nghiên cứu địa
phương”, thăm trường Sư Phạm Long An và lăng ông Nguyễn Huỳnh Đức. Đôi ba lần
Tuyền đi ra Thắng Nhì, Vũng Tàu thăm mẹ Châu, gia đình có cái sạp nhỏ, bán nhiều
loại mắm nầy mắm kia trong chợ xã, Châu cũng về ghé nhà Tuyền ở ngã ba Phú
Giáo, Bình Dương, gia đình làm nghề tráng bánh tráng, bỏ mối tại chợ Búng, chợ
Lái Thiêu, có khi ra tới tận Củ Chi, Hốc Môn. Như những chuyện tình thiên mệnh khác, họ cũng
có con đường mình đưa nhau về, cũng có những cơn mưa chiều, chờ nhau thèm vạt nắng
muộn, cũng biết giận, biết hờn một lần nào ai đó lỗi hẹn, những cái nắm tay bồi
hồi và nụ hôn dìu dịu, để cùng mơ ước một ngày hạnh phúc, thứ hạnh phúc, giản dị,
bình thường, sẽ đi đến cuối đời người của đôi vợ chồng son làm nghề gỏ đầu trẻ.
Qua Tết, trước ngày trở xuống Sài Gòn, mẹ Tuyền nhắc lại chuyện cô tư
Khương, người đã giúp bà số tiền khá lớn, chửa trị cơn bệnh lao phổi kéo dài
quái ác, khi gia đình bỏ Bến Tranh, trôi giạt về sống tạm bợ ở ngã ba Củ Chi,
sau ngày ba Tuyền bị thương tật ở chân vì mìn của du kích Việt Cộng gài chận
lính quốc gia VNCH, trên miếng ruộng cách đường lộ không mấy xa, gia đình túng
thiếu, ba Tuyền đi đứng chưa vững, cơn bệnh lao của mẹ bộc phát, may mà có cô
tư Khương, nhà cửa khá giả, thương cảm cảnh tình, bà đưa mẹ Tuyền vào bệnh viện
Nguyễn Văn Học ở Gia Định điều trị thuốc thang, gần bốn năm tháng trời. Cô tư
góa chồng, lớn tuổi hơn ba mẹ Tuyền, ăn chay trường, có xe đò nhỏ chạy đường Củ
Chi-Sài Gòn, cô có đứa con gái, Hương, nhỏ hơn Tuyền hai ba tuổi, dễ thương, ít
nói, hai đứa thỉnh thoảng chạy qua chạy lại chơi đùa, trong những năm cuối tiểu
học.
Sau ngày mẹ Tuyền khỏi bệnh, ba Tuyền cũng tạm đi đi lại lại được, sẳn
có người em bà con xa đâu đó, gặp lại, làm nghề tráng bánh rũ, ông bà quyết định
về Phú Giáo học nghề và tạm đủ sống kể từ ngày đó. Ông bà vẫn thường xuyên ghé
thăm cô tư Khương, vài lần cũng có Tuyền theo, gặp lại Hương, cũng vui vẻ hỏi
han cũng có chút thẹn thùng, bẽn lẽn, trả gom trả góp dần dần, chút đỉnh số tiền
nợ nhưng đã có nhiều lần cô tư từ chối nhận, cứ bảo là để khi nào dư giả rồi
tính. Mẹ Tuyền, từ ngày về Phú Giáo tời giờ, vẫn nhắc tới “cái ơn trọng” mà gia
đình đã mang và cái mà ba mẹ Tuyền không quên nữa là, việc cô tư Khương muốn
sau này, hai đứa, Tuyền và Hương sẽ “yên bề gia thất” với nhau, và gia đình Tuyền
đã hứa với cô tư một lời rồi. Thấy Tuyền sắp tốt nghiệp nay mai, bà nhắc lại lời
hứa, dù không bảo là Tuyền phải nghe theo nhưng bà muốn, đã là lúc anh nghĩ tới
và cho ông bà biết ý định của mình. Cũng đã lâu rồi, Tuyền cứ tưởng, chuyện này
không phải là chuyện quan trọng nhắc tới nữa cho nên, nghe bà xong, anh hơi bối
rối đôi chút, khi nghĩ tới Châu, mối tình đẹp mà anh đang có ở chặng đời này,
chưa biết trả lời sao, Tuyền nhỏ nhẹ, “xin
ông bà cho anh thêm chút thời gian nữa, đừng hứa với người ta gì thêm nữa, để
ra trường đi dạy rồi tính”.
Sài Gòn mùa mưa tới, cũng những cơn mưa bất chợt, khi chập chùng hùng hỗ,
lúc lất phất như bụi phấn bay, trời thì cứ vẫn có nắng, dù nắng sớm lên hay muộn
màng xuống, Phượng bắt đầu lưa thưa nở đỏ nhạt trên đường, từ Cộng Hòa xuống, từ
Thành Thái lên. Chiến cuộc xem ra tạm dịu dần đôi chút, trong những ngày cuối
mùa hè đỏ lửa, tuy vẫn còn nghe tiếng súng mọi nơi, nhưng dường như, giống thứ
vi trùng ác nghiệt ung thư, lặng lẽ nằm im chờ đâu đó, gậm nhấm cơ thể con bệnh
một cách âm thầm, rồi bộc phát tàn phá đời người không xót thương, miền bắc cứ
tiếp tục vượt Trường Sơn, ùn ùn đổ quân vào Nam, quân lính VNCH vẫn cầm súng ở
chiến hào tuyến đầu, nhìn về phía trước dưới cái vàng vỏ mù mờ của từng đóm sáng
hỏa châu, bừng lên nhanh rồi cũng vội tắt bất chợt, cuộc chiến vẫn vô tâm chực
chờ, rình rập bùng lên mà không ai biết trước được khi nào. Sau giờ học, trước
ngày thi tốt nghiệp vài tuần, Tuyền cùng đám bạn chung lớp, rủ nhau đến nhà trọ Châu ở nấu nướng ăn chiều, trước là qua bữa ăn sau là để chúc lành nhau mọi việc.
Chập chững tối, trời trở mưa bất chợt, kéo dài, đám bạn chờ không được, kéo
nhau đội mưa về trước, Tuyền ở lại, tiếng xe xích lô, tiếng xe Honda, tiếng người
chào nhau, ồn ào ngoài đường rổi im bặt, mưa hững hờ, cứ rơi từng chập xuống
như lúc nó bắt đầu. Đám bạn đi rồi, còn lại hai người, trời lành lạnh, mỉm cười
nhìn nhau, Châu bỏ xuống gác, có mùi cà phê từ dưới quyện lên, Tuyền ngã người
xuống cạnh giường ngủ, nhìn lên tường, ánh đèn đường hắt vào,lặng lờ trải dài
ngang tấm tranh, hình hai người tình đi giữa rừng thu, làm mùa thu trong đó
càng úa vàng hơn cả cái màu vàng của người họa sĩ muốn vẽ. Châu nằm xuống bên cạnh,
thả tóc chạy dài trên ngực, Tuyền buồn buồn kể lại, câu chuyện số tiền cứu mạng
mẹ mình của cô tư Khương và lời hứa hôn của gia đình, câu chuyện mà Tuyền đã
không nhớ tới và không nói ra từ ngày hai người yêu nhau, và Tuyền chưa bao giờ
nghĩ là nó sẽ xãy ra. Châu lặng thinh nghe, xoay qua nhìn Tuyền, nụ cười thường
ngày vẫn ở đó, cô nàng trách nhẹ “sao lại
không nói với cô ta, có gì để trách móc đâu, mọi việc sẽ qua, nàng tin là vậy,
rồi mọi người sẽ hiểu, họ đi tìm hạnh phúc cho chính mình mà, ví dù, có chuyện
gì đi nữa, cô đã yêu Tuyền, yêu một lần và chấp nhận khi yêu cô sẳn sàng cho
người mình yêu tất cả, phần còn lại cứ phó thác cho định mệnh”. Tuyền bỗng
dưng muốn khóc, ngồi dậy, với tay lấy tách cà phê uống một hơi, mùi cà phê, mùi
thơm của tóc tay, của da thịt, của chăn chiếu chen lấn nhau, quyện bám vào nhau
từng nhịp, đuổi tiếng mưa đi xa, khỏi căn phòng vừa có chút hơi người âm ấm.
Châu nằm đó, ngực trần, họ hôn nhau, bồi hồi chờ cho nhau, những gì mà thượng đế
đã ban phát cho con người từ thuở đất trời vừa mới có, nhưng rồi, cuối cùng,
chuyện đêm nay ngủ lại, dừng ở đó, với Tuyền, hình hài này sẽ là còn một chút
gì để nhớ vạn đời sau.
Tốt nghiệp, Châu cùng Kim Phụng, quê Long Thành, cô bạn khá thân
trong nhóm mấy người, tụm ba tụm năm, từ ngày mới vào trường, về Vũng Tàu, dạy ở
trường tiểu học Thắng Nhì, Kim Phụng ở nhà của một bà dì ruột, không xa chợ xã
bao nhiêu, cách nhà Châu chừng vài bà trăm thước. Mang nỗi buồn cho riêng mình,
nhớ Tuyền, chờ đợi, nhưng không muốn thấy mẹ lo, cho nên Châu cứ phải dối bà là
Tuyền đã chuyển sang học ngành mới, chuyện hai người sẽ tính tới không lâu nay
mai. Ngày hai buổi đi về với Kim Phụng, được bạn ủi an, đôi khi Châu cảm thấy
mình mệt mỏi, nhưng cố quên, Tuyền về Phú Giáo trước ngày chọn nhiệm sở nhưng lại
không có mặt hôm đó, bạn bè cùng lớp thấy Châu buồn buồn nên chẳng ai dám hỏi,
và từ đó đến nay, cũng đã hơn một tháng trời cũng không có tin gì, Châu không
dám nghĩ tới cái chọn lựa sau cùng mà Tuyền phải chịu, cho vừa lòng cha mẹ, một
sự lựa chọn để phải phụ tình nhau nhưng cô nàng không làm sao được. Hôm về Phú
giáo, hẹn Châu trở xuống trường chọn nhiệm sở như đã sắp xếp, Tuyền định về nhà
lần này, một là thăm lại cha mẹ, trước khi đi dạy xa, hai là xin ông bà lựa lời,
hủy bỏ lời hứa hôn với cô tư Khương và xin phép cho anh được cưới Châu. Đêm ngủ
lại Phú Giáo đó, quân Cộng sản, từ mật khu Dương Minh Châu, chưa tới giữa
khuya, cả trăm lính, vượt qua nhánh sông nhỏ, tràn xuống đánh chiếm đồn lính Địa
phương quân VNCH và nổi lửa đốt chợ, chiếm giữ xã Phú Giáo cho tới sáng sớm hôm
sau, trước khi rút đi, họ đã bắt dẫn theo vài chục người dân trong làng, chừng
năm ba anh lính Nghĩa quân, hai ba người trưởng ấp không chạy thoát được, trong
đó có Tuyền. Châu, Kim Phụng cùng nhau đón xe đò lên Bình Dương, rồi đi Phú
Giáo, gặp lại ba mẹ Tuyền, ông bà cho biết tin, đã hơn tháng trời rồi mà không
biết Tuyền ra sao, mệnh hệ như thế nào và cũng giống như gia đình của mấy người
bị bắt đi khác, ông bà không biết làm gì hơn là thấp thỏm chờ trong đau buồn,
lo sợ.
Sau ngày hiệp định Ba Lê ký kết, hơn một năm mấy, vẫn không có tin gì của
Tuyền, đầu hè, một lần nữa, một mình, Châu đi lên Phú Giáo, gặp lại, trong gian
nhà giữa, mẹ Tuyền ôm cô sụt sùi khóc, Châu chết lặng, hồn đớn đau cào xé, cả
hai không nói được tiếng nào, mắt môi, một già một trẻ ướt đẩm nước mắt, khi
nhìn lên đầu tủ thờ, hình Tuyền đó, đen trắng, cười thật tươi, tấm hình mà Châu
vẫn còn cất giữ. Hai ba người lớn tuổi, bị quân cộng sản bắt đi theo trong đêm
đó, được thả về làng hơn một năm nay, cho biết, họ bị nhập chung đoàn với cả
trăm người khác, từ Lộc Ninh, Chơn Thành, bắt làm dân công, khuân vác quân
trang quân dụng, gạo thóc, theo đường mòn rừng Trường Sơn, tiếp tế cho chiến
trường Tam Biên, đánh Ban Mê Thuộc, ngày băng ngang Quảng Đức, họ đã bị máy bay
B 52 của Mỹ dội bom ác liệt, đoàn người đi trước, trong đó có Tuyền, không biết
bao nhiêu là người chết, dân công cũng như quân lính cộng sản, nằm la liệt trên
xác rừng lá úa vàng, hôm sau, họ cho tập họp số còn lại, đoàn người đã chết hơn
phân nửa, đám dân làng Phú Giáo bị bắt
không còn thấy Tuyền nữa. Châu cũng biết thêm, Hương, con gái cô tư Khương, đã
lấy chồng ở Sài Gòn hơn mấy tháng nay.
Dạo này thường thấy mẹ mình
buồn buồn gì đó, Châu cũng hiểu và thương cho bà quá, qua Tết, tựu trường trở lại,
để mẹ an tâm, Châu đồng ý lập gia đình với Phố, một người bạn cũ, lúc còn ở
trung học, người đã thầm thương nhớ trộm cô nàng, ở xóm trên nhưng không dám ngỏ
lời, Phố thi rớt tú tài hai, vào lính, ra trường làm sĩ quan phóng viên chiến
trường, theo bước quân VNCH trên khắp nẻo đường đất nước. Mẹ Châu, không thắc mắc
gì nhiều, thêm nữa, thấy Châu thôi không nhắc nhỡ gì tới Tuyền như những ngày mới
về nhà, linh tính cho bà cảm thấy có cái gì lấn cần rồi đây, bà vài lần hỏi đon
hỏi ren Kim Phụng, nhưng cô này cười cười cứ một hai “không có gì đâu bác”, bà lầm bầm nhưng chẳng trách gì con “tụi này bây giờ khó hiểu quá”. Đám cưới
không rình rang, không cao lương mỹ vị nhưng cũng có đủ họ hàng hai bên, có đủ
thầy cô bè bạn và hàng xóm láng giềng, thấy Châu vui cười, bà vui lây, quên hết,
thôi không nhắc gì chuyện cũ. Đêm tân hôn, cũng có thân xác, cũng có mệt mỏi vội
vàng, cững có mùi da thịt, nhưng trong cái mệt mỏi vội vàng đó, Châu không có
cái cảm giác khó quên mà cô có được, với Tuyền trong đêm mưa trên gác trọ Nguyễn
Biểu và dường như, mùi da thịt đêm này, không quyện lấy nhau mà cứ theo hồn xót
xa hai ngã rẽ, đắng như lá sầu đâu cuối mùa thu rụng lá.
Từ ngày lấy nhau, đời lính, Phố rày đây mai đó, cũng gió núi cũng mưa rừng,
Châu được cha mẹ chồng tốt bụng, cho phép ở lại với mẹ mình, không cần phải làm
dâu làm con, vã lại hai nhà không xa nên, chạy qua chạy lại được rồi. Châu sinh
đứa con trai đầu lòng, tròn trịa, dễ thương, đặt tên là Gia Tuyền, đúng tên và
chữ lót của Tuyền như lời tâm sự với Kim Phụng là “mai sau có chuyện gì không thành, nếu có con, là con trai, mình sẽ đặt
nó tên Tuyền, cái tên sẽ theo mình suốt đời”. Được mấy ngày phép, Phố vui
cười bồng ẵm thằng nhỏ, hài lòng với tên nó, không thắc mắc gì, còn cho là tên
đẹp, rồi hối hả đi như những lần về phép trước. Giữa mùa Đông, cận Tết, của những ngày cuối
năm 1974, Phố tử thương khi theo chân quân VNCH làm phóng sự trên chiến trường
Bình Long, Quảng Đức. Đám tang, cũng đơn giản như hôm đám cưới, hai họ, bạn bè,
thầy cô, những người đến chung vui ngày đó với cô dâu, giờ cũng có mặt ngậm
ngùi, chia buồn cho đời góa phụ. Hai mẹ con, một lớn một bé thơ, đầu quấn khăn
tang trắng, ngồi chờ cúi đầu trã lễ, trước cái quan tài phủ trọn lá cờ vàng ba
sọc đỏ, không nhiều nhưng trên mặt Châu, giữa cái ảm đạm, mù mờ, lan tỏa trong
căn phòng chật hẹp của khói nhang, người ta thấy đâu đó có chút nước mắt, lăn
dài xuống hai bờ môi trần, mím chặt một màu nhợt nhạt.
Trước ngày Ban Mê Thuộc thất thủ, đoàn người bị bắt làm dân công tãi đồ,
từ trong nam ra, được tạm nghỉ vài hôm, trong vùng quân cộng sản vừa chiếm đóng,
một khu rừng rậm bao la, đại pháo xe tăng, chất thàng hàng, bộ đội đông nghẹt, rầm
rập lớp ra lớp vào, giữa đoạn đường ngay ngã ba tam biên,Tuyền thoát chết,chỉ bị thương nhẹ, hôm máy bay B 52 dội bom ở Quảng Đức, nhờ vào cái hố trũng sâu
mà anh cùng hai ba người nữa trốn, cách bên ngoài chu vi sức tàn phá của bom
khá xa, cùng một nhóm, trong đó có năm bảy người cùng làng Phú Giáo, được lệnh
đi chặt cây nứa, để làm đường ống dẫn nước uống từ con suối trong xanh, cho
lính ghé dưỡng quân, lợi dụng lúc chiều tối, trốn thoát được qua bên kia biên
giới Miên, rồi sau đó, gần nửa tháng trời, bằng đường bộ, họ lần mò qua tới đất
Thái, bị quân lính đưa vào một trại tạm giữ những người nhập cảnh bất hợp pháp.
Sau ngày 30 tháng 4, cộng sản vào Sài Gòn, Tuyền, cũng như hàng ngàn người Việt
bỏ nước trốn cộng sản, đến Thái Lan, bằng ghe tàu hay đi bộ, được LQH đưa vào
trại tỵ nạn.
Miền Nam mất, hơn hai năm được cho phép tiếp tục dạy ở trường tiểu học
Thắng Nhì, sau những khóa bồi dưởng, học tập chính trị, Châu cảm thấy chán chường
trước những lời xỉa xói, bêu xấu qua bốn chữ “vợ sĩ quan Ngụy” của đám giáo viên từ bưng biền ra và từ miền Bắc
vào, thêm nữa, công việc buôn bán của sạp mắm trong chợ cũng bị hạch sách đủ điều,
cho nên, quyết định bồng con theo tàu của người quen Kim Phụng vượt biên, mẹ
Châu không chịu đi, bà ở lại để giữ ông bà được mồ yên mả ấm. Đêm chia tay, bà
ôm hai mẹ con thằng bé Tuyền khóc sướt mướt “tội nghiệp con tôi, cháu tôi”, giữa bóng đêm mờ mờ, dưới ánh trăng
non, lạnh lùng và vô tình trên bãi vắng. Ở trại tỵ nạn Nam Dương không bao lâu,
Kim Phụng và Châu chia tay nhau ở đó, Kim Phụng theo gia đình đi Pháp, Châu dắt
con theo chuyến bay Qantas, đến xứ Úc hút tận cực Nam trong một chiều nắng ấm cuối
mùa hạ.
Trưa thứ bảy tan trường, như đã hứa,
Tuyền đưa thằng bé Tuyền về, thay vì Châu phải đến đón, ngồi trong xe ngó ra
ngoài nó cười nói một mình trên đường. Về tới nhà, xuống xe, nó ôm chầm lấy
Châu, đang đứng chờ trước cửa, miệng một hai gì đó “chú Tuyền”. Gặp lại nhau, đến thăm vài lần, cả hai không ai nhắc lại
chuyện cũ, buồn vui gì cũng qua rồi và cũng không có gì để trách nhau, chưa ai
dám nghĩ tới chuyện “nối lại tình xưa hay
nghĩa cũ”, vì mẹ góa con côi, nên Châu được chính phủ tiểu bang ưu tiên, cấp
cho một căn nhà một phòng ngủ tầng trệt của dãy lầu chung cư Ascot Vale, có xe
điện đi ngang trường dạy tiếng Việt nhiều chuyến trong ngày. May mắn, Châu tìm
được công việc phụ sắp xếp hàng cho siêu thị Cole gần nhà hơn một năm nay, giờ
giấc cũng tiện, sáng có thể đi bộ, đưa con đi học tại trường tiểu học cách chỗ
làm không xa, chiều thì có người quen, nhà kế bên, ở cùng con đường đón giùm, về
ở chơi với con của họ, chút xíu thì Châu tan sở ghé ngang đón. Mẹ Châu mất chừng
hơn một năm sau ngày cô đến Úc vì bệnh cũ tái phát, nhờ vài người quen tốt bụng,
Châu mượn một số tiền, gởi về Vũng Tàu để bà chạy chữa, nhưng không thuyển giảm,
có bà dì quen xa, ở Bà Rịa xuống lo chuyện ma chay, tang lễ rồi đem về chôn cất
tại một khu nghĩa địa trên đó, nên cũng không phải đơn lạnh. Kim Phụng từ bên
Pháp nhận tin bà bệnh, cũng đã gởi tiền về nhưng sau khi bà mất, trong thơ gởi
qua chia buồn, Kim Phụng mới nói ra chuyện này.
Giữa Thu, sau ngày gặp lại nhau, chừng ba bốn tháng, Châu cho Tuyền biết
cô đã bị ung thư vú, sau ngày mẹ mất bên Việt Nam, đang thường xuyên vào bệnh
viện theo dỏi và uống thuốc điều trị, bác sĩ bảo rằng, vì mới khám phá nên
không đến nổi nào, không nguy hiểm lắm. Đã gọi là ung thư thì ung thư nào cũng
là tên “tử thần” chờ chực đâu đó, sớm
hay muộn chứ ít khi nào thoát qua. Tuyền chợt thấy lòng mình chùng xuống, nặng
một nổi buồn không tả xiết, càng nát lòng hơn khi thấy Châu nói nói cười cười với
con mình nhưng trong nụ cười có cái gì đó ưu tư sầu muộn. Một đêm mưa, cũng lại
đêm mưa, trong căn phòng khách, Châu nhắc lại tiếng yêu Tuyền của ngày đầu và
xin cho nàng giữ nó cho tới ngày cuối, Châu thú thật, cô biết bệnh mình hơn ai
hết, cho nên, tội cho thằng bé Tuyền, Châu khóc ngất, tiếng thằng bé ngái ngủ
trong phòng vang ra đều đều, Tuyền bất chợt quên mình, hai người ôm chẩm lấy
nhau, vai hai người ướt sủng nước mắt, Châu nắm chặt tay Tuyền, đưa lên môi
mình, cố tìm lại chút dư hương của đêm mưa trên gác trọ Nguyễn Biểu mười năm
trước. Châu xin Tuyền hứa cho một lời, “nếu
một mai em chết rồi, xin anh thương em, lo cho thằng Tuyền khôn lớn, muộn rồi, ở
kiếp này, thôi xin làm lại từ đầu ở đời sau”
Châu trút hơi thở cuối cùng,
sau hôm vào bệnh viện lại không hơn một ngày, Tuyền đứng bên giường, nhìn máy
đo nhịp tim, giảm dần xuống tới con số 0 rồi ngừng ở đó, người bác sĩ trực,
nhìn anh, lắc đầu, Tuyền chết lặng, đưa tay vuốt mái tóc rối bời ngay lại, mắt
Châu nhắm lại từ lâu, không còn kịp nhìn thằng bé Tuyền lần cuối, vừa được Tuyền
vội vã bế lên, nó đưa tay rờ qua rờ lại mặt mẹ mình, gọi “mẹ mẹ”, ngó qua Tuyền “mẹ lạnh
quá”, rồi òa lên khóc, người y tá, tháo gở dây chuyền nước biển, dây nối
kim chích và máy móc, lặng lẽ đẩy cái giường về phía khu nhà xác, Tuyền bồng thằng
Tuyền theo sau, nó tiếp tục gọi mẹ, Tuyền dật dờ bước đi như bóng ma đơn lẻ, một
nửa hồn mình đã chết. Ngoài đường, tiếng còi xe cứu thương hối hả chạy, rú lên
rợn người, Tuyền dựa người vào tường, quỵ
xuống, ôm chặt thằng bé Tuyền vào lòng, nức nở khóc, ở đằng xa, ở phía cuối
hành lang, ngọn đèn vàng màu lá úa giữa thu trong nhà xác vừa chợt tắt.
Thuyên
Huy
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét