Chủ Nhật, 3 tháng 4, 2016

Thầy Tôi Điều Tra Tội Phạm - Hoàng Đằng

(Cụ Hà Ngại: người thứ 2 tính từ mặt)

Thầy Tôi Điều Tra Tội Phạm            
 Hoàng Đằng                         

Thầy tôi là cụ Hà Ngại (1890 – 1976) quê ở Quảng Nam. Cụ là một trong ít vị khoa bảng cựu học sót lại mà tôi có may mắn được thụ giáo ở Viện Hán Học Huế trong những năm đầu thập kỷ 1960.
Lúc ấy, các cụ đã trên dưới 70 tuổi, nghĩa là tuổi nghỉ ngơi; các cụ đi dạy chỉ vì muốn truyền thụ vốn cổ học cho hậu sinh để dòng chảy văn hóa nước nhà khỏi bị đứt quãng.

Cụ Hà Ngại đậu cử nhân Hán Học khoa Nhâm Tý (1912) tại trường thi Thừa Thiên, qua năm Quý Sửu (1913), có dự thi Hội ở Huế, không thành công, sau đó thi đậu vào học 3 năm tại trường Hậu Bổ Huế từ năm 1916 – trường Hậu Bổ Huế, Ecole d’Administration, lập năm 1911 nhằm đào tạo các quan hành chánh, dạng như trường quốc gia hành chánh bây giờ..
Ra trường, cụ bước vào quan lộ; chức vụ đầu tiên là Hậu Bổ tỉnh Bình Định - hàm tùng lục phẩm (chức quan dự bị chờ điền khuyết), chức vụ cuối cùng là Quản Đạo Kontum – hàm tùng nhị phẩm (tương đương tỉnh trưởng hay chủ tịch tỉnh bây giờ).

Trong thời gian đầu thập kỷ 1920, cụ giữ chức Tri huyện Phù Cát tỉnh Bình Định (tương đương chủ tịch huyện bây giờ), cụ giải quyết được khá nhiều vụ tranh chấp rắc rối trong dân. Thời ấy, tri huyện có trách nhiệm với mọi việc dù lớn hay nhỏ trong huyện. Đặc biệt, đối với các vụ án, tri huyện vừa điều tra vừa xét xử.

Chuyện điều tra phá án làm chết người sau đây chứng tỏ thầy tôi giỏi mẹo tìm ra thủ phạm.
Một hôm, thầy tôi đang làm việc ở công đường, lý dịch một làng nọ tới trình báo có một xác người chết với nhiều thương tích nằm khuất giữa đồng lúa đang chín vàng trĩu chẽn. Thầy tôi vội vàng lên đường tới hiện trường. Nhìn xác chết, qua thương tích, thầy tôi biết ngay xác chết này là xác của một người bị hành hung chết.
Dân chúng nhận diện, cho rằng đây là xác của tên chuyên nghề ăn trộm ở làng bên cạnh, từng có tiền án tiền sự.
Ai giết tên ăn trộm này? Trí thắc mắc, thầy tôi đang đi tới đi lui. Thình lình, thầy tôi gặp một xác chó chết gần đó, hàng vú dưới bụng con chó đang căng. Thầy tôi nghĩ ngay giữa cái chết của tên trộm và cái chết của con chó đẻ có liên quan.
Thầy tôi lặng lẽ bảo mấy lính lệ - lính lệ là lính ở các phủ, huyện được phái canh, tuần hoặc ban bố hiệu lệnh … - đi theo vào xóm gần đó, soát xem nhà nào hiện có nuôi chó con.
Trong xóm, có 2 nhà có chó con: một nhà 03 con, một nhà 04 con. Thầy tôi lệnh lính đánh dấu chó con của từng nhà rồi bắt hết đem ra chỗ có xác con chó đẻ. Thầy tôi bảo thả cả 7 chó con lên xác con chó đẻ. Chỉ 03 chó con sà vào xác chó đẻ tìm vú để bú, còn 04 con chỉ ngửi rồi đi. Ba con chó bú đã nhận ra mẹ bị chết của chúng.
Thầy tôi liền dẫn toán lính lệ vào nhà chủ của 03 chó con, lục soát, thấy một cây gậy đầu còn dính máu. Thầy tôi liền cho bắt chủ nhà. Chủ nhà không chối cãi, nhận đã đánh chết tên ăn trộm:
- Bẩm quan lớn, tên trộm vào nhà đầu độc làm chết con chó đẻ của con để tính chuyện lấy trộm. Không may cho nó, con biết được, thức dậy, giận mất khôn, lấy gậy đánh nó, lỡ tay, nó chết; con đưa cả xác người lẫn xác chó ra giấu giữa lúa, phi tang; nào ngờ, sự cố vỡ lở; con cúi đầu xin quan lớn soi xét.

Theo luật lúc bấy giờ, đáng lẽ tội phạm lãnh án 3 năm tù; nhưng chiếu theo những tình tiết giảm nhẹ: thành khẩn nhận tội, tội lại thuộc loại ngộ sát và ngộ sát một tên trộm để giữ bình yên hương thôn, thầy tôi chỉ tuyên án 01 năm.

Tôi rời Viện Hán Học Huế hơn 50 năm rồi, nhân đọc tập hồi ký “Khúc Tiêu Đồng” của thầy tôi, tôi xin kể lại chuyện này trong nhiều chuyện ứng xử việc công của thầy tôi xem như một nén hương tưởng nhớ thầy.
30/3/2016
(22/2/Bính Thân)

Không có nhận xét nào: