CHỮ HÁN VÀ VĂN HÓA DÂN TỘC
Chữ Hán là văn tự do người
Hán sáng tạo. Từ đầu công nguyên,
chữ Hán đã được truyền vào nước ta. Chữ Hán là một văn tự ngay tại
Trung quốc cũng có nhiều cách đọc; đọc theo các của người Việt gọi
là Hán – Việt. Cũng như Triều Tiên và Nhật Bản, trong nhiều thế kỷ,
chữ Hán đã được người Việt xem là văn tự chính thống; không chỉ
dùng trong hành chánh mà dùng cả trong các ngành học thuật và sáng
tác văn chương. Vì thế trong quá khứ, nền văn hóa Việt Nam qua các
chặng đường phát triển luôn luôn có mối quan hệ mật thiết với chữ
Hán. Ngày nay muốn nghiên cứu văn hóa dân tộc, chúng ta cũng cần có
vốn chữ Hán.
1. Vai trò chữ Hán trong ngôn ngữ Việt
Chữ Hán giữ một vai trò quan trọng trong ngôn ngữ Việt. Theo xác định
của các nhà nghiên cứu ngôn ngữ, kho từ vựng tiếng Việt có đến 70%
từ Hán – Việt, năm 2002, Viện Ngôn ngữ học xuất bản quyển Từ
điển từ mới tiếng Việt (Nxb
Tp HCM) tập hợp những từ mới xuất
hiện từ năm 1985 đến năm 2000. Trong
gần 2500 từ mới của sách ấy, số từ Hán – Việt cũng lên đến 50%.
Từ Hán – Việt không chỉ dành riêng cho giới học thức, mà còn là công cụ
ngôn ngữ phổ biến đại chúng, nhưng riêng các ngành nghiên cứu học
thuật – văn hóa thì tỷ lệ sử dụng cao hơn. Chúng ta không thể vì chỉ
muốn làm cho tiếng Việt tuyệt đối trong sáng mà vội vàng Việt hóa
toàn bộ các từ Hán – Việt. Việc chuyển các từ Hán Việt ra từ
thuần Việt phải từng bước trải nghiệm và được đại chúng đồng thuận
lựa chọn chứ không ai có thể áp đặt.
Vì thế, muốn nâng cao văn
hóa ngôn ngữ, chúng ta cần phải trau dồi vốn từ Hán – Việt. Có
nhiều cách trau dồi, nhưng đơn giản nhất là dùng từ điển; từ nào
không hiểu hoặc còn nghi ngại thì tra cứu để sử dụng cho đúng. Tùy
trình độ và mục đích sử dụng mà chọ lựa từ điển. Từ điển tiếng
Việt cũng giúp chúng ta hiểu được những từ Hán Việt thường dùng,
cao hơn thì dùng từ điển chữ Hán.
Việc dùng từ điển cũng cần
phải đối chiếu kiểm cứng, chứ không nên hoàn toàn tin chắc ở một
sách nào; dầu là bậc học giả có uy tín cũng có khi sơ suất. Cụ
thể như sách Hán Việt từ điển của Đào Duy Anh giải thích “phượng tùng
vĩ” là cây phượng vĩ thì không đúng, đó là cây thiên tuế, còn cây phượng vĩ
Trung Quốc gọi là “phượng hoàng mộc”. Sách Hán việt từ điển của Thiều Cửu giải thích từ “mai”, chỉ ghi nghĩa
là cây mơ có trái nấu canh chua, chứ không nói gì đến cây mai có hoa chưng tết;
khi dẫn câu trong Kinh Thư để minh họa: “Nhược tác hòa canh, nhĩ duy diêm mai”,
thì dịch nghĩa là: “Bằng nấu canh ăn, bui dùng muối mơ” (Từ cổ: bui là chỉ có
một) thì không chính xác. Khi cử Phó Duyệt làm Tể tướng, Ân Cao Tông nói với ông: “Nhược tác
tửu lễ, nhĩ duy cúc nghiệt; nhược tác hòa
canh, nhĩ duy diêm mai” (Khi làm rượu lễ, nhà ngươi là men rượu; khi nâú bát canh, nhà ngươi là mơ muối). Thế mà có tác giả viết về hoa mai
lại trích nguyên câu trong từ điển ấy dể dẫn nhập; sách in sai “muối mơ” ra
“muối mở” thì tác giả ấy đã sửa thành “muối mở.” Ngoài ra, có những từ thường
dùng nhưng vẫn không có trong các từ điển chữ Hán phổ thông, như nhóm từ “Cửu
huyền thất tổ” (Bảy vì tổ trong chín đời) thường thấy trên các bàn thờ tổ tiên
hay từ “hợp long” chỉ việc nối thông các cây cầu hoặc các con đê ngăn nước,
phải tìm trong các tự điển Từ nguyên, Từ hải hoặc Đại
tự điển của Trung Quốc mới có.
2. Văn hóa Việt trong những di sản Hán –Nôm:
Nhữngdi sản ấy phần lớn
hiện lưu trữ tại thư viện của Viện nghiên cứu Hán – Nôm (Hà Nội) và các thư
viện tại Sài Gòn cũng có một số ít.
a. Năm 1993, Viện nghiên cứu Hán
Nôm và Học viện Viễn Đông Bác cổ Pháp xuất bản bộ Di sản Hán Nôm thư mục đề yếu giới
thiệu 5038 đầu sách, bao gồm 16164 cuốn chia thành các loại:
- Sách viết bằng chữ Hán (10135
cuốn)
- Sách viết bằng chữ Nôm (1373
cuốn)
- Sách sao chép in lại của Trung
Quốc (1641 cuốn)
- Thần sắc (404 cuốn)
- Thần tích (535 cuốn)
- Tục lệ (732 cuốn)
- Địa bạ (503 cuốn)
- Xã chí (16 cuốn)
- Cổ chí (96 cuốn)
- Ngoài ra, còn có 729 cuốn chưa
lên ký hiệu.
Nội dung các sách ấy gồm nhiều
chủ đề:
- Chính trị xã hội: Quan chức,
Bang giao
- Địa lý: Bản đồ, Địa lý toàn
quốc, Địa lý địa phương
- Kinh tế: Nông nghiệp, Thủ công
nghiệp
- Lịch sử: Sử học, Sử liệu, Gia
phả
- Ngữ văn: Thơ văn hợp biên,
Văn, Thơ, Kịch nghệ, Văn học các dân tộc ít người, Công cụ tra cứu.
- Pháp chế: Luật lệ nhà nước,
Tục lệ địa phương
- Quân sự: Binh Thư và vũ khí
- Tôn giáo – Tư tưởng – Triết
học: Nho giáo, Phật giáo, Đạo giáo, Thiên Chúa giáo, Phong thủy, Tín ngưỡng
nhân gian.
- Văn hóa – Giáo dục: Sách giáo
khoa, Thi cử
- Y dược: Dược liệu, Y trị
Những sách trong kho Hán Nôm
trên gồm nhiều nguồn cung cấp:
- Sách do Học viện Viễn đông bác
cổ Pháp tại Hà Nội trao lại năm 1958.
- Sách tiếp nhận từ các thư
viện: Long Cương (Cao Xuân Dục), Hoàng Xuân Hãn, Hội Khai trí tiến đức, Văn
Miếu, Khoa học Trung ương, Vụ bảo tồn bảo tàng, Ty Văn hóa Hà Đông, Trường Đại
học Tổng hợp Hà Nội, bộ Giáo dục.
- Sách do Viện nghiên cứ Hán Nôm
sưu tầm trong nhân gian:
Nếu không bị tiêu hủy trong chiến tranh và thiên tai
thì kho di sản Hán Nôm của ông cha ta còn đồ sộ hơn nữa. Nhưng bấy nhiêu mà
khai thác hết được thì cũng đáng mừng cho nền văn hóa dân tộc, chỉ tiếc rằng số
sách dịch ra tiếng Việt chưa được bao nhiêu.
b. Tại Sài Gòn có
hai thư viện lớn: Thư viện Khoa học Xã hội và Thư viện Khoa học Tổng hợp. Số
sách Hán Nôm tại hai thư viện này không nhiều, nhưng tại Thư viện Khoa học Tổng
hợp có bộ tuồng cổ chữ Nôm là một di sản rất quý. Đây là những vở tuồng do nhà
Học Lâm triều vua Tự Đức thu nhập trong dân gian đem về kinh nhuận sắc rồi giao
lại cho các gánh hát trình diễn. Vua Tự Đức của một đại thần chép cho ông mỗi
vở một bản. Không rõ do đâu năm 1889
nước Anh đã nhập vào thư viện Bristist Museum (Luân Đôn) một bộ đóng thành 28
tập. Năm 1971, thư viện này đã đem tặng Việt Nam (Sài Gòn) bản pho-to 28 tập
sách ấy. Thư viện Khoa học Tổng hợp Tp Hồ Chí Minh hiện lưu trữ 24 tập và đã
nhờ dịch giả Nguyễn Thị Thanh Xuân phiên dịch ra quốc ngữ, bước đầu được 7 tập.
Năm qua, thư viện đã tổ chức nghiệm tu các tập sách dịch ấy.
3. Văn hóa Việt tại những di tích thắng cảnh:
Những nơi này thường có
bi ký, thần tích, thần sắc, liễn đối và thơ vịnh bằng chữ Hán. Đây cũng là
nguồn tư liệu phong phú cho việc nghiên cứu văn hóa dân tộc. Những di tích lịch sử và danh lam –
thắng cảnh nổi tiếng cấp quốc gia đã được công bố qua những công trình nghiên
cứu khá công phu của nhiều tác giả. Nhờ đó mà những tấm bia sù sì mốc meo đã
ngời lên ánh sáng của quá khứ vàng son, những bức hoành tấm liễu tróc sơn mòn
chữ bỗng vang lên tiếng nói oai hùng của ông cha thưở trước. Ngoài ra, tại các
địa phương trong cả nước cũng có nhiều đình chùa, lăng mộ, từ đường còn giữ
được những vật thể có giá trị văn hóa, nhưng chưa được nghiên cứu khai thác đầy
đủ. Gần đây, có hiện tượng đáng mừng là tại nhiều địa phương đã có những người
tự đứng ra nghiên cứu di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh của địa phương
mình với tất cả tâm tình sâu nặng của người con đối với quê mẹ thân yêu.
Chữ Hán Việt ngày càng lỗi thời,
ít ai dùng nữa. Nhưng thứ chữ lỗi thời ấy có thể tạo dòng thông với quá khứ,
giúp ta giữ được bản sắc văn hóa dân tộc. Trước đây, vì không giải quyết được
mối tương quan giữa “đạo” và ‘thực” nên sinh viên chúng tôi đã đồng tình với
việc giải tán Viện Hán học. Nhưng dẫu lìa
ngó ý còn vương tơ lòng, nên từ đó, mỗi người có cách riêng tự tìm đến dòng
thông với quá khứ. Ngày nay, lớp chúng tôi đã đứng bên lằn ranh “thấp thập”,
mối duyên xưa với nền Hán học xin trao lại những người máu chảy ruột mềm. Chúng tôi tin rằng lớp đàn em sau sẽ có cách xử
lý thông minh hơn về mối tương quan giữa “đạo” và “thực” để kho tàng Hán Nôm
của cha ông khỏi làm mồi cho mồi cho mối mọt.
Nguyễn Công Thuần
Cựu sinh viên quy chế
mới của Viện Hán Học Huế
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét