CHỮ NHO ... DỄ HỌC (Bài 28)
Các bộ 9 nét
Như thường lệ, trước khi bắt đầu bài viết nầy, mời tất cả cùng giải đoán câu đố chữ của bài trước...
Tam nhân đồng hành, tất hữu ngã sư. 三人同行必有我师.
Nhất nhật tam tĩnh ngô thân. 一日三省吾身.
Có nghĩa :
Ba người cùng đi, ắt có một người là thầy của ta.
Mỗi ngày phải ba lần kiểm điểm về bản thân mình.
Trước khi Giải đáp câu đố chữ, ta hãy Giải đáp trước về xuất xứ của 2 câu nói trên trong câu đố:
Cả 2 câu nói trên đều có xuất xứ từ sách Luận Ngữ. Câu đầu là của Khổng Tử, câu nầy cũng có trong sách Minh Tâm Bửu Giám của ta, nguyên văn như sau :
子曰:"三人行,必有我師焉;择其善者而从之,其不善者而改之.
Tử viết : "Tam nhân hành, tất hữu ngã sư yên; trạch kỳ thiện giả nhi tòng chi, kỳ bất thiện giả nhi cải chi."
Có nghĩa :
Khổng Tử nói rằng: " Ba người cùng đi, ắt có một người là thầy của ta đó; chọn người giỏi người hiền mà học theo, người không giỏi không hiền thì nhìn vào đó mà thay đổi bản thân ta."
Câu sau là của Tăng Tử, nguyên văn như sau:
曾子曰:‘吾日三省吾身,为人谋而不忠乎?与朋友交而不信乎?传不习乎?Tăng Tử viết: "Ngô nhật tam tỉnh ngô thân. Vị nhân mưu nhi bất trung hồ? Dữ bằng hữu giao nhi bất tín hồ? Truyền bất tập hồ" có nghĩa:
Tăng Tử nói rằng: "Mỗi ngày phải ba lần tự kiểm điểm bản thân xem, có hết sức mà làm những việc người ta giao phó hoặc nhờ cậy không? Có giữ được sự tín nghĩa với bạn bè hay không? Có ôn tập những gì mà thầy đã dạy không?
Đây là 2 câu nói để Tu Thân và Học Tập trong sách Luận Ngữ, ở đây mượn để làm câu đố chữ chơi cho vui mà thôi!
Tam nhân đồng hành ...
Tam tỉnh ngô thân
Giải Đáp :
Tam nhân đồng hành, lấy chữ TAM 三 và chữ NHÂN 人.
Nhất Nhật tam tĩnh ngô thân, lấy chữ NHẬT 日.
Lấy chữ NHÂN 人 chồng lên chữ TAM 三, rồi viết chữ NHẬT 日 bên dưới, ta sẽ có chữ XUÂN 春.
Thiên hữu tứ thời XUÂN tại thủ, 天有四時春在首.
Nhân sinh bách hạnh hiếu vi tiên. 人生百行孝為先。
Có nghĩa :
Trời có 4 mùa, mùa XUÂN là mùa đứng đầu.
Người có cả trăm đức hạnh, hiếu là đức hạnh trước tiên.
Mùa Xuân là mùa đầu tiên trong năm, nên lễ hội đầu tiên của mùa Xuân gọi là XUÂN TIẾT 春節, vì là ngày đầu tiên trong năm nên còn được gọi là NGUYÊN ĐÁN TIẾT 元旦節, ta gọi là TẾT NGUYÊN ĐÁN; cũng vì thế mà 3 ngày Tết còn được gọi là 3 ngày Xuân; Đón Xuân là Đón Tết, Mừng Xuân đến là Mừng Tết đến đó vậy.
Xuân Tiết
Tết Nguyên Đán
XUÂN PHONG 春風 là Gió xuân, là thứ gió mát mẻ dễ chịu của mùa xuân, cho nên nói XUÂN PHONG HÓA VŨ 春風化雨 là được tắm gội trong gió mưa xuân, nên rất thoải mái dễ chịu, ví như được sự giáo dục lành mạnh của các bậc minh sư. Được học với các thầy cô giỏi như được tắm gội trong mưa xuân gió xuân, như được "Xuân Phong Hóa Vũ!" nên Thành Ngữ...
XUÂN PHONG ĐẮC Ý 春風得意 chỉ đi thi được đậu đạt, gặt hái được công danh, như trong bài "Đăng Khoa Hậu" là Sau khi thi đậu của Mạnh Giao đời Đường:
春風得意馬蹄疾, XUÂN PHONG ĐẮC Ý mã đề tật,
一日看盡長安花。 Nhất nhật khán tận Trường An hoa.
一日看盡長安花。 Nhất nhật khán tận Trường An hoa.
Có nghĩa :
Đắc ý trong gió xuân (Thi đậu) nên vó ngựa chạy nhanh,
Chỉ trong một ngày đã ngắm hết các hoa đẹp của Trường An.
Gió xuân đắc ý ngựa nhanh,
Một ngày ngắm hết hoa thành Tràng An.
Xuân phong đắc ý mã đề tật...
Sau nầy XUÂN PHONG ĐẮC Ý thường dùng đễ chỉ thành công trong sự nghiệp, trong tình ái hôn nhân, trong các mặt cho kết qủa tốt đẹp mỹ mãn đều nói được là "Xuân Phong Đắc Ý." Và khi đã Xuân Phong Đắc Ý thì con người cũng...
MÃN DIỆN XUÂN PHONG 滿面春風 là Gió xuân đầy cả mặt, chỉ sự vui mừng đắc ý, nét hân hoan biểu hiện cả lên trên mặt, nên nói là Xuân Phong Mãn Diện. Trai gái hoan hỉ giao hợp với nhau thì gọi là
XUÂN PHONG NHẤT ĐỘ 春風一度, nên thuốc uống để gợi dục, gợi tình gọi là XUÂN DƯỢC 春藥, hiện nay là Viagra.
Xuân Phong hóa vũ
Mãn diện xuân phong
1. BỘ PHONG 風 :
PHONG 風 : là GIÓ. PHONG 風 là chữ Hình Thanh theo diễn tiến của chữ viết như sau:
Giáp Cốt văn Kim Văn Đại Triện Tiểu Triện Lệ Thư
甲骨文 | 金文 | 金文大篆 | 小篆 | 繁体隶书 |
Ta thấy :
Giáp Cốt Văn là chữ Tượng Hình, hình của một người đội mão cao, xoay mặt về phía bên phải, mình cong về phía sau, hai tay đưa ra phía trước như để cản gió, các ngón chân như cố bám díu lại vì bị gió thổi. Nhưng đến Đại Triện thì chuyển thành Hình Thanh, gồm chữ PHÀM 凡 ở phía trên và bên ngoài chỉ ÂM, bộ TRÙNG 虫 là Sâu Bọ ở dưới bên trong chỉ Ý, với hàm ý là: Phong động Trùng sinh 風動蟲生 (Gió chuyển động thì côn trùng sinh sôi nẩy nở) nên PHONG là GIÓ, mà...
GIÓ là Hiện tượng tự nhiên của không khí lưu thông từ chỗ nầy sang chỗ khác, từ cao xuống thấp, từ lạnh sang nóng, từ đông sang tây... là sự vận động tự nhiên của bề mặt Trái Đất.
GIÓ là Hiện tượng tự nhiên của không khí lưu thông từ chỗ nầy sang chỗ khác, từ cao xuống thấp, từ lạnh sang nóng, từ đông sang tây... là sự vận động tự nhiên của bề mặt Trái Đất.
PHONG chỉ sự di chuyển, thay đổi, lan truyền nhanh chóng, như: Phong Ba 風波 (sóng gió), Phong Vũ 風雨(gió mưa), Phong Trào 風潮 (Gió đưa nước thủy triều mà cũng có nghĩa là một hiện tượng phát sinh và lan truyền trong xã hội con người)...
PHONG chỉ những thói quen được hình thành trong đời sống xã hội, như: Phong Tục 風俗, Phong Hóa 風化...
PHONG chỉ sự lan truyền tin tức, như: Phong Thanh 風聲 (Ta hay nói trại thành "Phong Phanh"), Phong Truyền 風傳...
PHONG chỉ Cảnh trí, Thái độ, cử chỉ, như: Phong Cảnh 風景, Phong Độ 風度, Phong Cách 風格, Tác Phong 作風...
PHONG chỉ những thói quen được hình thành trong đời sống xã hội, như: Phong Tục 風俗, Phong Hóa 風化...
PHONG chỉ sự lan truyền tin tức, như: Phong Thanh 風聲 (Ta hay nói trại thành "Phong Phanh"), Phong Truyền 風傳...
PHONG chỉ Cảnh trí, Thái độ, cử chỉ, như: Phong Cảnh 風景, Phong Độ 風度, Phong Cách 風格, Tác Phong 作風...
PHONG LƯU 風流 là chỉ sự lưu chuyển như dòng chảy của gió, nên rất thoải mái dễ chịu. Cuộc sống Phong Lưu là cuộc sống dư dã giàu có. Con người Phong Lưu là con người Phóng khoáng Rộng rãi... chịu chơi! Nên PHONG LƯU hay bị hiểu lầm là ăn chơi trác táng, có cuộc sống buông thả. Thực ra người tài tử phong lưu là người tài tử đa tình như trong Thôi Nương Thi của Dương Cự Nguyên đời Đường như sau:
風流才子多春思, Phong Lưu Tài Tử đa xuân tứ,
腸斷蕭娘一紙書. Trường đoạn Tiêu nương nhất chỉ thư.
Có nghĩa :
Chàng tài tử phong lưu hay nghĩ ngợi về những tình xuân êm ái,
Chàng đã rất dễ đau lòng xót dạ khi nhận được thư của một nàng nào đó !...
Phong lưu tài tử đa xuân tứ...
PHONG 風 là Động từ thì có nghĩa là Hóng Gió, người miền Nam gọi là Hứng Gió. Trong sách Luận Ngữ, chương Tiên Tấn, tả cảnh thái bình thịnh trị có câu: "莫春者,春服既成。冠者五六人,童子六七人,浴乎沂,風乎舞雩,詠而歸。Mạc xuân giả, xuân phục ký thành, quan giả ngũ lục nhân, đồng tử lục thất nhân, dục hồ nghi, PHONG hồ vũ vu, vịnh nhi quy." Có nghĩa:
"Lúc cuối xuân, khi quần áo xuân đã may xong. Năm sáu người lớn, sáu bảy trẻ em, tắm ở sông Nghi, HÓNG GIÓ ở đền Vũ Vu, rồi ca hát mà về."
Trong truyện "Anh Hùng Xạ Điêu" ( 射鵰英雄傳 ) của Kim Dung, con gái của Hoàng Dược Sư là Hoàng Dung đã chê ông Độc trong Ngư Tiều Canh Độc 魚,樵,耕,讀 là chỉ học vẹt, khi hỏi ông là trong Thất Thập Nhị Hiền (72 học trò giỏi của Khổng Tử ) có bao nhiêu người già, bao nhiêu người trẻ, ông đã không trả lời được. Hoàng Dung mới mượn câu nói "Quan giả ngũ lục nhân, đồng tử lục thất nhân" nầy mà giải thích rằng : QUAN GIẢ 冠者 là Người đội mão là người già, NGŨ LỤC NHÂN là Năm Sáu người, mà 5 lần 6 là 30 người. Còn ĐỒNG TỬ 童子 là Trẻ Nhỏ là người Trẻ, LỤC THẤT NHÂN là Sáu Bảy người, mà 6 lần 7 là 42 người. Vậy nên, THẤT THẬP NHỊ HIỀN có 30 người già và 42 người trẻ. (Mời đọc bài "Câu Đối của Kim Dung" trên google của Đỗ Chiêu Đức sẽ rõ ràng hơn).
Có tất cả 38 chữ được ghép bởi bộ PHONG nầy, tiêu biểu có:
颱 THAI hoăc ĐÀI : là Gió Bão; từ kép là THAI PHONG 颱風: từ nầy đã được Anh hóa thành TYPHOON trong tiếng Anh.
颯 TÁP: là Phe Phẩy, Phần phật, từ thường gặp là từ kép TÁP TÁP 颯颯, như trong bài Văn Cầm (nghe đàn ) của Tôn Nội Tử (Tôn Thị ) đời Đường:
初疑颯颯涼風動, Sơ nghi táp táp lương phong động,
又似蕭蕭暮雨零。 Hựu tự tiêu tiêu mộ vũ linh.
近若流泉來碧嶂, Cận nhược lưu tuyền lai bích chướng,
遠如玄鶴下青冥。 Viễn như huyền hạc hạ thanh minh.
Có nghĩa :
Lúc đầu ngỡ là gió mát phe phẩy nổi lên,
Lại giống như tiếng mưa rơi thánh thót lúc ban chiều.
Gần thì nghe như tiếng suối đổ lên trên ghềnh đá biếc,
Xa thì nghe như là con hạc đen bay vút xuống vực xanh!...
Cụ Nguyễn Du đã mượn 4 câu trên để tả tiếng đàn của Thúy Kiều khi nàng đàn cho Kim Trọng nghe lần đầu tiên:
Trong như tiếng hạc bay qua,
Đục như nước suối mới sa nửa vời.
Tiếng khoan như gió thoảng ngoài,
Tiếng mau sầm sập như trời đổ mưa.
飄 PHIÊU : là Phất Phơ, là Phiêu Diêu, là Phơi Phới. Từ kép là PHIÊU PHIÊU 飄飄. Như trong bài Tiền Xích Bích Phú của Tô Đông Pha có câu: "... Phiêu phiêu hồ như di thế độc lập, vũ hóa nhi đăng tiên... 飄飄乎如遺世獨立,羽化而登仙... Có nghĩa:
Cảm thấy như là tách rời khỏi cuộc đời, chắp cánh phơi phới bay lên cỏi tiên...
TÙY PHONG PHIÊU ĐỘNG 隨風飄動 : là Theo gió phất phơ, ta hay nói là Phất phơ trước gió.
PHIÊU DẬT 飄逸 là Thanh thoát khác thường.
PHIÊU BẠC 飄泊 PHIÊU LINH 飄零 : là Trôi nổi, Trôi dạt rày đây mai đó không định hướng. Như PHIÊU BẠC GIANG HỒ...
Phiêu phiêu hồ như di thế độc lập, vũ hóa nhi đăng tiên
2. BỘ CÁCH 革 :
CÁCH 革 : là DA. CÁCH 革 là chữ Tượng Hình theo diễn tiến của chữ viết như sau:
甲骨文 | 金文 | 金文大篆 | 小篆 | 繁体隶书 |
Ta thấy :
Phần Kim Văn như hình của một con thú bị mổ banh ra, phần trên là da đầu, phần dưới là da 2 bên sườn, phần cuối là đuôi, nên: CÁCH là Da Thú đã được Thuộc, là đã cạo sạch lông. Ta có các từ như CÁCH NANG 革囊 là Túi Da, CÁCH LÝ 革履 là Giày Da, CÁCH ĐÁI 革帶 là Dây nịch bằng Da ...
Vì DA còn được dùng làm bao đựng gươm đao, để bọc thuyền, bọc xe... phục vụ cho chiến tranh nên ta có từ BINH CÁCH 兵革 dùng để chỉ Chiến Tranh như từ BINH NHUNG 兵戎, BING HỎA 兵火 hay CAN QUA 干戈 vậy. Khi Kiều khuyên Từ Hải quy hàng, làm cho Từ Hải phải chết đứng giữa trận tiền, thì Hồ Tôn Hiến đã an ủi Thúy Kiều là:
Rằng: "Nàng chút phận hồng nhan,
Gặp cơn BINH CÁCH nhiễu nàn cũng thương,
Đã hay thành toán miếu đường,
Góp công cũng có lời nàng mới nên!"
CÁCH 革 còn có nghĩa là CẢI BIẾN 改變 là Thay đổi, ta nói là CẢI CÁCH 改革; là Thay cũ đổi mới, ta gọi là CÁCH TÂN 革新; từ đó ta có từ CÁCH MỆNH 革命 là Thay đổi vận mệnh của con người, của xã hội. CÁCH MỆNH còn theo thói quen đọc là CÁCH MẠNG, có nghĩa là Thay đổi về Tư Tưởng, về Tư Duy, về Khoa Học Kỹ Thuật... Nghĩa rộng rãi và lớn nhất của CÁCH MẠNG là Thay đổi cơ cấu xã hội hoặc Thay đổi cả một Chế độ của xã hội đó.
CÁCH 革 còn có nghĩa là Tước Bỏ, Xóa Bỏ, như CÁCH CHỨC 革職, CÁCH CỐ ĐĨNH TÂN 革故鼎新 là Xóa bỏ cái cũ củng cố cái mới.
Cuối cùng, CÁCH 革 là Một trong Bát âm của Âm nhạc cổ truyền được thể hiện qua cái Trống bọc bằng Da.
Cách cố đĩnh tân
Có tất cả 98 chữ được ghép bởi bộ CÁCh nầy, tiêu biểu có:
HÀI 鞋 : là Giày. BÌ HÀI 皮鞋 là Giày Da; THIẾT HÀI 鐵鞋 là Giày sắt. Đọc tiểu thuyết võ hiệp hay gặp câu:
踏破鐵鞋無覓處, Đạp phá thiết hài vô mịch xứ,
得來全不費功夫 . Đắc lai toàn bất phí công phu.
Có nghĩa :
Dẵm nát cả (đi mòn cả) giày sắt cũng không tìm thấy,
Không ngờ kiếm được lại không tốn chút công sức nào cả!
Chỉ những việc ta cố ý tìm, bỏ nhiều thời gian công sức để tìm, mà không tìm được, rồi trong một tình cờ nào đó (ta không có ý tìm kiếm) thì lại có được NÓ một cách dễ dàng không tốn chút công sức nào cả!
TIÊN 鞭 : là Roi Da, nghĩa rộng chỉ tất cả loại ROI, như MÃ TIÊN 馬鞭 là Roi Ngựa. ĐẰNG TIÊN 藤鞭 là Roi Mây, CƯƠNG TIÊN 鋼鞭 là Roi Thép, một loại vũ khí ngày xưa. Đọc truyện Phong Thần ta thường thấy từ ĐẢ THẦN TIÊN 打神鞭 là Roi dùng để đánh cả Thần lẫn Tiên. Ta có thành ngữ :
TIÊN TRƯỜNG MẠC CẬP 鞭長莫及: là Roi dài không tới, chỉ sức mình không làm nổi chuyện gì đó. Thành ngữ nầy có xuất xứ từ đời Xuân Thu Chiến Quốc, theo tích:
Sở Trang Vương ỷ thế mình là nước lớn, chưa được sự đồng ý của nước Tống là nước nhỏ yếu hơn mình, cho sứ giả là Thân Châu đi ngang qua nước Tống để đến nước Tề. Tống Vương giận bắt giết Thân Châu. Sở Trang Vương bèn phát binh đánh Tống. Tống Vương cầu cứu nước Tấn. Đại phu của nước Tấn là Bá Tông can Tấn Cảnh Công không cho xuất binh, ông ta nói rằng: "Tuy tiên chi trường, bất cập mã phúc 雖鞭之長,不及馬腹" Có nghĩa: Cây roi ngựa tuy dài nhưng cũng không với tới được bụng ngựa" Ta không có lý do gì để cứu nước Tống mà phải làm mất lòng nước Sở cả! Hơn nữa, ta cũng không thể nào bảo vệ nước Tống thường xuyên cho được." Trong tác phẩm "Sãi Vãi" của Nguyễn Cư Trinh, khi luận về chữ SỢ, ông Sãi đã nói rằng:
Sợ vọt vắn, chưa mau chơn ngựa;
Sợ vách thưa, còn lậu hơi sương;
Sợ là sợ mật tuy lành mà ruồi những vấn vương;
Sợ là sợ mật tuy lành mà ruồi những vấn vương;
Sợ là sợ hoa chẳng độc mà bướm đà mê mẩn.
Tuy tiên chi trường, bất cập mã phúc
TIÊN 鞭 : còn dùng để chỉ cái gì đó có hình dáng dài dài, như TIÊN PHÁO 鞭炮 là Pháo nổ; NGƯU TIÊN 牛鞭 là Cái... dài dài của con Bò, là "Ngầu Bín" hầm thuốc Bắc để các ông ăn cho bổ dương.
3. BỘ CỐT 骨 :
CỐT 骨 : là Xương. CỐT 骨 là chữ dùng Tượng Hình để Hội Ý , theo diễn tiến của chữ viết như sau:
甲骨文 | 金文 | 金文大篆 | 小篆 | 繁体隶书 |
Ta Thấy :
Tiểu Triện giống như là bộ xương người đã được lột hết thịt, nên CỐT 骨 là cái LỎI, là phần cứng để chống chỏi và bảo vệ cho cơ thể được thẳng đứng. Từ kép của Cốt là CỐT CÁCH 骨胳, ta nói là Xương Cốt. Cốt Cách còn chỉ cái dáng vẻ bên ngoài của một con người, như trong Truyện Kiều, cụ Nguyễn Du đã tả chị em Thúy Kiều là:
Mai CỐT CÁCH, tuyết tinh thần,
Mỗi người một vẻ mười phân vẹn mười.
CỐT NHỤC 骨肉: là Xương Thịt, còn dùng để chỉ bà con anh chị em Ruột Thịt, có liên hệ huyết thống. Ta có thành ngữ CỐT NHỤC TÌNH THÂM 骨肉情深, CỐT NHỤC TƯƠNG TÀN 骨肉相殘 là Anh em hay bà con ruột thịt mà tàn hại lẫn nhau!
MINH TÂM KHẮC CỐT 銘心刻骨 : là Chạm vào Tim, khắc vào Xương. Ta nói là "Ghi Lòng Tạc Dạ." Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du đã cho Thúy Kiều nói lời cảm tạ khi Từ Hải giúp nàng báo ân báo oán là:
Chạm xương chép dạ xiết chi,
Dễ đem gan óc đền nghì trời mây!
Dễ đem gan óc đền nghì trời mây!
CỐT 骨 còn chỉ những thứ giống như xương dùng để chống đỡ, như TẢN CỐT 傘骨 là Cái sườn sắt của cây dù. PHIẾN CỐT 扇骨 là Các Nan quạt bằng tre.
CỐT 骨 còn chỉ cái Bản Chất bên trong, cái khí khái của con người được biểu hiện qua thơ văn, gọi là cái KHÍ CỐT 氣骨, như trong câu đối Tết của Trần Tế Xương:
CỐT 骨 còn chỉ cái Bản Chất bên trong, cái khí khái của con người được biểu hiện qua thơ văn, gọi là cái KHÍ CỐT 氣骨, như trong câu đối Tết của Trần Tế Xương:
Cực nhân gian chi phẩm giá, phong nguyệt tình hoài;
極 人 間 之 品 價, 風 月 情 懷,
Tối thế thượng chi phong lưu, giang hồ KHÍ CỐT.
最 世 上 之 風 流, 江 湖 氣 骨。
(mời đọc "Liễn Tết cho... ép phê ngược" trên google)
Có tất cả 48 chữ được ghép bởi bộ CỐT nầy, tiêu biểu có :
KHÔ LÂU 骷髏 : là Bộ Xương Người, mà cũng là bộ Sọ người, ta quen gọi là Đầu Lâu. Khô Lâu là Bộ Xương Cách Trí!
CỐT TỦY 骨髓 : Ta nói là Xương Tủy. Tủy là chất ở bên trong xương, nuôi dưỡng xương và tạo huyết cầu cho cơ thể.
THỂ 體 : là Cái Thân Mình, còn gọi là THÂN THỂ 身體, là phần thịt bao bọc bên ngoài xương, là cái Hình Dáng, cái Dáng Vẻ bên ngoài. Còn gọi là THỂ THÁI 體態. Trong Cảnh Thế Thông Ngôn của Phùng Mộng Long đời Minh có bài thơ như sau:
二八佳人體態酥, Nhị bát giai nhân thể thái tô,
夜間伏劍斬愚夫。 Dạ gian phục kiếm trảm ngu phu.
雖然不見人頭落, Tuy nhiên bất kiến nhân đầu lạc,
但教郎君骨髓枯。 Đản giáo lang quân cốt tủy khô!
Có nghĩa :
Người đẹp đôi tám có thân hình xốp dẽo dòn tan,
Đêm đến nàng phục sẵn một thanh kiếm để chém anh chồng
ngu khờ. Mặc dù không thấy có đầu người rơi rụng. Nhưng...
Lang quân của nàng xương cốt ngày một khô héo võ vàng!
Giai nhân hai tám dịu dàng,
Đêm đêm dấu kiếm chém chàng ngu si.
Đầu người nào có thấy chi,
Ốm o còm cỏi còn gì lang quân !
Giai nhân hai tám dịu dàng
4. BỘ QỦY 鬼 :
QỦY 鬼 : là MA. QỦY 鬼 là chữ Tượng Hình, theo diễn tiến của chữ viết như sau:
甲骨文 | 金文 | 金文大篆 | 小篆 | 繁体隶书 |
Ta thấy :
Giáp Cốt Văn giống như hình người có cái đầu to tướng đang quỳ xuống đất; Kim Văn Đại Triện lại giống hình của người có cái đầu nhọn đang đứng lom khom. Nói chung, QUỶ 鬼 là MA 魔, là Hồn ma bóng quế chớ không phải người, nên hình dạng không ổn định lúc tạo chữ.
Có một điều trái ngược thú vị giữa tiếng Việt và tiếng Hoa là: Người Hoa gọi con MA 魔 bằng chữ QUỶ 鬼, còn ta gọi con QỦY 鬼 bằng chữ MA ĐẦU 魔頭. Theo nghĩa chữ Nho thì...
QỦY 鬼 : là Hồn ma bóng quế, không có hình hài thực thể. Còn
MA 魔 : là Yêu Ma Qủy Quái 妖魔鬼怪, có hình dáng hẵn hoi, sờ mó được, có thể hãm hại và phá phách con người không chịu nổi!
Có tất cả 30 chữ được ghép bởi bộ QỦY nầy, tiêu biểu có:
HỒN PHÁCH 魂魄 : trái với Nhục Thể, là phần không thấy được bằng mắt trực thuộc vào cơ thể con người, còn gọi là HỒN VÍA. Theo mê tín dân gian con người có 3 Hồn 9 Vía. Nhớ hồi nhỏ ở trong xóm có ai ngất xỉu thì bà con hay kêu "3 hồn 9 vía của người đó về ăn cơm ăn cá!" Ta có thành ngữ HỒN PHI PHÁCH TÁN 魂飛魄散, Hồn Vía Lên Mây, Hồn Lìa Khỏi Xác là HỒN BẤT PHỤ THỂ 魂不附體...
Hồn phi phách tán Yêu ma qủy quái
THỂ PHÁCH 體魄 : là Thể xác và Tinh thần, thường dùng để chỉ Thân Xác của con người. Trong Truyện Kiều, Thúy Kiều đã luận về Đạm Tiên như sau:
Kiều rằng: "Những đấng tài hoa,
Thác là THỂ PHÁCH còn là tinh anh....
SI MỊ VÕNG LƯỢNG 魑魅魍魉 : là 4 con quỷ trong núi chuyên choc phá người đi đường. Trong Xạ Điêu Anh Hùng Truyện 射鵰英雄傳, tức Anh Hùng Xạ Điêu của nhà văn Kim Dung, lúc Quách Tỉnh cỏng Hoàng Dung lên núi để nhờ Nhất Đăng Đại Sư chửa thương, bị Ngư Tiều Canh Độc 魚,樵,耕,讀 chặn đường không cho lên... Ông Độc đã moi ra một câu đối hóc búa mà ngày xưa thầy ông đã ra cho ông khi còn đi học, và mãi cho đến nay mặc dù đã đậu Trạng Nguyên mấy chục năm rồi ông vẫn chưa đối lại được. Câu đối đó như sau :
Cầm Sắt Tì Bà bát đại vương, nhất ban đầu diện ,
琴 瑟 琵 琶 八 大 王, 一 般 頭 面,
Có nghĩa : Cầm sắt tì bà (là 4 loại nhạc cụ), mỗi chữ trên đầu đều có 2 chữ VƯƠNG 王, nên gọi là bát đại vương. Nhất ban đầu diện là mặt mũi đều giống nhau, vì 2 chữ vương của mỗi chữ đều nằm ở trên đầu.
Vế ra quả là hóc búa, trong một lúc muốn đối cho chỉnh không phải là dễ, nhưng Hoàng Dung lại rất thông minh dĩnh ngộ, lại đúng ngay tình cảnh mình đang gặp trước mắt, nên nàng bèn cất tiếng đối ngay :
Si Mị Võng Lượng tứ tiểu quỷ, các tự đỗ tràng .
魑 魅 魍 魉 四 小 鬼, 各 自 肚 肠.
Quách Tỉnh và Hoàng Dung
Ngư, Tiều, Canh , Độc
Có nghĩa : Si mị võng lượng là 4 loài tiểu quỷ ở trong núi, chuyên phá phách người đi đường, các tự đỗ tràng (trường) là mỗi con bụng dạ đều khác nhau. Câu đối thật khéo, thật chỉnh. Cầm sắt tì bà đối với Si mị võng lượng, Bát đại vương đối với Tứ tiểu quỷ, Nhất ban đầu diện đối với Các tự đỗ tràng, vì phần trong của 4 chữ QUỶ là 4 bộ khác nhau. Câu đối còn hay ở chỗ, vừa đối chỉnh lại vừa mượn ý câu đối mà mắng 4 ông Ngư Tiều Canh Độc là "tứ tiểu quỷ," mỗi người một bụng dạ khác nhau, như 4 con quỷ núi đều tìm cách ngăn chặn không cho Quách Tĩnh và Hoàng Dung lên núi...
Đến nước nầy, Ông Độc cũng phải chịu Hoàng Dung là giỏi và để cho 2 người lên núi... (Mời đọc bài "Câu Đối của Kim Dung" trên google của Đỗ Chiêu Đức sẽ rõ ràng hơn).
5. BỘ CỬU 韭 :
CỬU 韭 : là Hẹ. CỬU 韭 là chữ Tượng Hình theo diễn tiến của chữ viết như sau:
甲骨文 | 金文 | 金文大篆 | 小篆 | 繁体隶书 |
Ta thấy :
Đại Triện, Tiểu Triện giống như là một bụi hẹ mọc lên từ dưới đất, nên CỬU 韭 là HẸ, một loại rau cải mà ta thường dùng hàng ngày, lá hẹ thon dài, hè thu nở hoa màu trắng, ta gọi là Hẹ Bông. Hạt hẹ có thể làm thuốc gọi là CỬU HOÀNG 韭黄.
Trong bài Tặng Vệ Bát Xử Sĩ của Thi Thánh Đỗ Phủ có câu:
夜雨剪春韭, Dạ vũ tiễn xuân CỬU,
新炊間黄粱. Tân xuy gián hoàng lương.
Có nghĩa :
Đêm xuân mưa gió, vì bạn mà đi cắt hẹ xuân để đãi... Ăn với...
Nồi cơm kê vàng vừa mới nấu chín xới lên thơm phức.
Chữ GIAN 間 là Động từ nên đọc là GIÁN, có nghĩa là trộn đều, ở đây là Xới lên khi nồi hoàng lương vừa chín (TÂN XUY là mới nấu).
Có 6 chữ được ghép bởi bộ CỬU, tiêu biểu có chữ:
TIÊM 韱 : Một loại cỏ núi có lá dài và nhỏ, nên TIÊM còn có nghĩa là Nhỏ Bé, thông dụng với chữ TIÊM 纖 là TIÊM TẾ 纖細, có nghĩa là Nhỏ Nhắn, như trong bài Khiển Hoài 遣懷 của Đỗ Mục, một thi sĩ nổi tiếng ở vào cuối đời Đường:
落魄江湖載酒行,Lạc phách giang hồ tải tửu hành,
楚腰纖細掌中輕。Sở yêu TIÊM TẾ chưởng trung khinh.
十年一覺揚州夢,Thập niên nhất giác Dương Châu mộng,
十年一覺揚州夢,Thập niên nhất giác Dương Châu mộng,
贏得青樓薄倖名。Doanh đắc thanh lâu bạc hãnh danh.
Doanh đắc thanh lâu bạc hãnh danh
CHÚ THÍCH :
KHIỂN HOÀI: Khiển là điều động, như điều khiển. Khiển còn có nghĩa là Giải bày. Hoài là Lòng dạ, nên khiển hoài là bày tỏ nổi lòng, là giải bày tâm sự.
LẠC PHÁCH: là Sa cơ thất thế, là lụn bại. Lạc Phách Giang Hồ là thất thểu, lang thang trong chốn giang hồ.
SỞ YÊU: Chỉ chung cái eo rất thon rất nhỏ của phái nữ. Theo điển tích: Sở Linh Vương rất thích những người đẹp có cái eo thon nhỏ, nên tất cả cung nữ trong cung đều thắt eo và nhịn ăn cho có được cái eo thon để được vua thương!
TIÊM TẾ : Nhỏ nhắn gọn gàng dễ thương.
CHƯỞNG TRUNG KHINH: Chưởng là lòng bàn tay. Chưởng Trung Khinh là nhẹ nhàng trong lòng bàn tay. Theo tích: Hoàng hậu của Hán Thành Đế là Triệu Phi Yến có thân hình nhẹ như chim én, có thể ca múa ở trên lòng bàn tay của lực sĩ.
DOANH: là thắng, là lời, là gặt hái được.
BẠC HÃNH: là bạc tình, là… Sở Khanh. Bạc Hãnh Lang là chàng họ Sở!
NGHĨA BÀI THƠ :
GIẢI BÀY TÂM SỰ
Bất đắc chí, lang thang lưu lạc giang hồ với một bầu rượu trong tay. Ta lăn lóc trong đám người đẹp eo thon ẻo lả của thanh lâu. Suốt mười năm trường thoáng qua như một giấc mộng dài chìm đắm trong tửu sắc ở Dương Châu. Kết cuộc, được gì đây ? Chỉ được tiếng là gã bạc tình nổi tiếng nhất lầu xanh mà thôi!
Cảm khái thay lời tâm sự của một thư sinh lạc phách! Tự mình nhìn lại mình, tự mình đánh giá mình, để thấy được sự tự huỷ hoại mình trong ăn chơi trác táng khi bất đắc chí, khi thất cơ lỡ vận… cũng chẳng giải quyết được gì, chỉ tổ làm cho mình càng trụy lạc chìm đắm hơn mà thôi!
Câu cuối của bài thơ đã được cụ Nguyễn Du mượn lời để nói về anh chàng Sở Khanh trong Truyện Kiều là:
Bạc tình nổi tiếng lầu xanh,
(Một tay chôn biết mấy cành phù dung!)
DIỄN NÔM :
KHIỂN HOÀI
Bầu rượu lang thang khắp lữ trình,
Eo thon mình nhẹ khéo là xinh.
Mười năm tỉnh giấc Dương Châu mộng,
Nổi tiếng lầu xanh kẻ bạc tình!
Lục bát :
Đắm chìm tửu sắc lang thang,
Eo thon mình én dạ càng ngẩn ngơ.
Dương Châu giấc mộng ơ hờ,
Mười năm nổi tiếng lẳng lơ bạc tình!
Bạc tình nổi tiếng lầu xanh!
Như thường lệ, trước khi kết thúc bài viết nầy, mời tất cả cùng đoán một chữ theo 2 câu thơ sau đây:
人面不知何處去, Nhân diện bất tri hà xứ khứ,
桃花依舊笑東風。 Đào hoa y cựu tiếu đông phong.
là ...
Trước sau nào thấy mặt người,
Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông.
Truyện Kiều.
Căn cứ vào ý nghĩa của 2 câu thơ trên viết ra một chữ mới. Có nghĩa là: Đoán một chữ qua 2 câu thơ trên theo tích sau đây:
THÔI HỘ là một thi nhân đời Đường, chưa rõ ngày sinh ngày mất, sống vào khoảng niên đại Đường Đức Tông (742 – 805). Ông đẹp trai, ít giao du, một ngày trong tiết Thanh minh, đi chơi ngoài thành, thấy một nhà có vườn đào đương trổ hoa rất đẹp, bèn gõ cửa xin nước uống. Một người con gái đẹp nghiêm trang ra hỏi rồi đem nước mời uống. Đến tiết thanh minh năm sau, Thôi Hộ nhớ cảnh cũ, lại thăm thì cửa đóng then gài. Chàng để bài thơ này ở trên cửa rồi đi.
題昔所見處 Đề Tích Sở Kiến Xứ
去年今日此門中, Khứ niên kim nhật thử môn trung,
人面桃花相映紅。 Nhân diện đào hoa tương ánh hồng.
人面不知何處去, Nhân diện bất tri hà xứ khứ,
桃花依舊笑東風。 Đào hoa y cựu tiếu đông phong.
Diễn Nôm :
Năm ngoái hôm nay cũng cửa nầy,
Hoa đào người đẹp má hây hây.
Biết nay người đẹp về đâu nhỉ ?
Như trước hoa đào vẫn nở đây !
Mấy hôm sau nhân có việc lại đi ngang qua, chợt nghe tiếng khóc trong nhà. Gỏ cửa hỏi thăm. Một ông lão bước ra thấy chàng bèn hỏi: “Cậu có phải là Thôi Hộ không? Con gái tôi đọc thơ cậu xong, tương tư rồi nhịn ăn mà chết.” Thôi Hộ vào khấn, chợt cô gái ấy sống lại, bèn cưới làm vợ. Mãi đến năm 796, niên hiệu Trinh Nguyên, Thôi Hộ mới đậu tiến sĩ, làm tiết độ sứ ở Lĩnh Nam.
Bài này còn có tên tựa khác là: “ĐỀ ĐÔ THÀNH NAM TRANG 題都城南莊 ” (Ghi lại chuyện ở thôn trang phía nam của Đô thành). Đô Thành tức là kinh đô Trường An của nhà Đường, nay là thành phố Tây An tỉnh Thiểm Tây, một trong 4 cố đô xưa của Trung Hoa.
Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông !
Xin hẹn bài viết sau : Các bộ 9 nét ( tiếp theo và hết ).
Đỗ Chiêu Đức
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét