Lễ Tưởng Niệm
Thầy Nguyễn Văn Dương ở Huế
I-Tường thuật lễ tưởng niệm thầy Nguyễn Văn Dương tại Huế
Thầy Nguyễn Văn Dương qua đời khuya 15/02/2017 (19/Giêng/Đinh Dậu) tại Sài Gòn và lễ an táng đã được cử hành ngày 19/02/2017 (23/Giêng/Đinh Dậu) tại nghĩa trang gia đình ở Bình Dương.
Hôm nay (22/02/2017 tức là 26/Giêng/Đinh Dậu), lúc 08 giờ, môn đệ của Thầy từ viện Hán Học, trường Quốc Học, Đại Học Văn Khoa và Đại Học Sư Phạm Huế, tổ chức lễ Tưởng Niệm Thầy trong khuôn viên Phủ Thờ Công Chúa Ngọc Sơn – nơi ở của gia đình cựu sinh viên Hán Học khoá I (1959 – 1964) Phan Thuận An.
Dự lễ có 29 người, trong đó, 28 người là môn đệ và 01 người là đại diện gia đình Thầy.
Bàn thờ thiết lập dưới chiếc lộng che có chưng di ảnh Thầy, lư trầm, lư hương, bộ đèn đồng có gắn đèn cầy, hương hoa bánh trái và một số tác phẩm biên khảo tiêu biểu cho sự nghiệp nghiên cứu, trước tác của Thầy.
Đèn thắp lên hoà ánh sáng vào nắng ban mai, trầm ngún toả mùi thơm cùng với các bông hoa đang nở, hương đốt ngoằn ngoèo khói toả. Anh Phan Thuận An trong bộ quốc phục trình bày ý nghĩa buổi tưởng niệm hôm nay; anh Hoàng Đằng, cựu sinh viên Hán Học khoá II (1960 – 1965), thay mặt tất cả anh chị em, đọc lời tưởng niệm; những người tham dự lần lượt dâng hương; những môn đệ từ trường Quốc Học, từ Đại Học Văn Khoa và Đại Học Sư Phạm Huế trình diện trước di ảnh Thầy, mỗi đơn vị cử một bạn đại diện ứng khẩu tụng ca công đức của Thầy.
Mọi người đều nói lên lòng cảm phục đối với sự hiếu học của Thầy, sự tận tuỵ, phương pháp truyền thụ đem đến nhiều kết quả trong giảng dạy của Thầy, sự nghiêm túc, cần mẫn, say mê trong nghiên cứu, trước tác của Thầy.
Cô Nguyễn thị Minh Nguyệt, cháu dâu gọi Thầy bằng chú, thay mặt gia đình cảm ơn các cựu môn đệ đã nghĩ đến Thầy bằng buổi lễ hôm nay, cô Nguyệt cũng cho biết một đôi điều về cuộc đời và con người Thầy mà có lẽ, ngoài gia đình ra, chưa ai biết.
Anh Phan Thuận An giới thiệu sơ lược từng tác phẩm của Thầy.
Anh Phan Thuận An vào chiếu lạy tạ, buổi lễ kết thúc trên 09 giờ sáng.
Cuối cùng, gia đình anh Phan Thuận An chiêu đãi bún giò, bánh, trái và cà phê xem như dọn bữa ăn sáng cho tất cả anh chị em.
10:30 giờ, anh chị em chia tay nhau.
1- Thầy Nguyễn Văn Dương có rất nhiều sách. Sau năm 1975, Thầy cho đào một cái hầm lớn trong vườn, sau gian thờ của ngôi nhà – nơi Thầy sinh ra – tại làng Ngọc Anh, huyện Phú Vang, rồi trục đổ tất cả sách xuống chôn. Thầy xem chôn sách như chôn một người thân yêu. Chôn xong, ba ngày sau, Thầy làm lễ mở cửa mả. Số sách này mục nát, biến thành đất.
2- Khoảng năm 1980, thấy rằng công việc nghiên cứu khó thực hiện trong hoàn cảnh lúc bấy giờ, Thầy vượt biên; rủi là bị bắt và bị giam cầm; trong thời gian giam cầm, Nhà Nước hiểu được lòng say mê nghiên cứu của Thầy; trong nhà giam, Thầy được cấp một phòng riêng, tương đối tốt và Nhà Nước khuyến khích Thầy muốn nghiên cứu thì cứ dùng phòng giam ấy mà nghiên cứu.
3- Sau khi ra khỏi nhà giam, Thầy mời các vị có thực học, lập một ban dịch thuật và trước tác gồm 06 người. Thầy trả tiền thù lao. Bao nhiêu tiền bạc Thầy Cô làm ra chi vào việc ấy và xuất bản tác phẩm. Thậm chí đại gia đình Thầy có bán (nhượng quyền sử dụng) một số đất; tiền thu về chia cho các thành viên trong đại gia đình. Thầy cũng sử dụng phần mình được chia vào nghiên cứu, dịch thuật, biên khảo. Thầy nói để lại sách là để lại tri thức cho đời; đời này chưa biết dùng những tri thức hôm nay thì đời sau, đời sau nữa sẽ dùng.
Anh Nguyễn Đức Cung, cựu sinh viên Hán Học 1959 – 1962, trước Tết Đinh Dậu có ghé thăm Thầy và thắc mắc không biết tại sao nơi ở của Thầy không xứng đáng cho một trí thức lớn như vậy. Tháng 12 năm 2015, nhân dịp ghé Sài Gòn trên đường về Cần Thơ họp bạn viện Hán Học, tôi có ghé thăm nơi ở của Thầy, tôi cũng có cảm nhận như anh Nguyễn Đức Cung.
Vậy mà một bạn gần đây phỏng vấn Thầy rồi đưa lên Internet, bạn ấy hỏi:
- Thầy sống trong môi trường như thế này, cảm thấy thoải mái không?
Thầy trả lời không chút do dự:
- Thoải mái chơ! Ngoài hưu bổng ra, các con thành đạt, làm ăn khá, chu cấp thêm nhiều cho ba mẹ chúng; thành thử, Thầy chẳng thấy thiếu cái gì nữa.
Sự đam mê vào công việc đã làm cho Thầy quên đi những cái “chưa xứng đáng” mà một người như Thầy đáng lẽ được hưởng.
Đó cũng là một nét đặc biệt thêm vào nhiều nét đặc biệt nơi con người Thầy.
Người đưa tin: Hoàng Đằng
22/02/2017 (26/Giêng/Đinh Dậu)
*******Tưởng Niệm Thầy Nguyễn Văn Dương
Khuya 15/02/2017 (19/Giêng/Đinh Dậu), tại Sài Gòn, sau một thời gian dài vật lộn với bệnh tật của tuổi già, linh hồn Thầy đã thoát ra khỏi sự gò bó của thể xác, bay bổng tìm cõi an nhàn. Thân xác là vật chất sẽ tan, về với cát bụi, linh hồn là tinh anh, tự do đi đây đi đó.
Hôm nay (22/02/2017 – 26/Giêng/Đinh Dậu), chúng em – những cựu môn đệ của Thầy tại Viện Hán Học ngày xưa hiện định cư ở Huế và vùng phụ cận –, vì đường sá xa xôi, tuổi già sức yếu, điều kiện khó khăn, không thể đích thân vào Sài Gòn, nhập đoàn tiễn đưa Thầy về nơi an nghỉ ngàn thu, đành mượn nơi đây – khuôn viên Phủ Thờ Công Chúa Ngọc Sơn - lập linh án vọng bái tưởng niệm Thầy.
Chúng em chọn nơi này vì đây là nơi Thầy đã đến nhiều lần thể theo lời mời của chúng em trong những lần họp mặt thân mật, mỗi khi Thầy từ Sài Gòn về thăm quê.
Kính lạy vong hồn Thầy,
Nhìn di ảnh Thầy, chúng em trong lòng tuôn dậy biết bao kỷ niệm.
Viện Hán Học mở năm học 1959 – 1960 trong hoàn cảnh thiếu thốn: trường sở mượn tạm Di Luân Đường, đội ngũ giảng huấn gồm đa số là các bậc khoa bảng cựu học tuổi đời trên dưới 70, “gần đất xa trời”. Năm học sau (1960 – 1961), Thầy được điều động từ trường Hồ Ngọc Cẩn - Gia Định ra. Lúc ấy, Thầy 27 tuổi, là vị giáo sư trẻ nhất của Viện. Với vốn học mang tính hàn lâm, Thầy truyền thụ vốn học cho chúng em qua các môn: Hán Văn Giáo Khoa, Việt Văn, Triết Học Trung Hoa. Hình ảnh một thầy giáo trẻ, tay xách cặp, tay đánh xa theo nhịp bước thoăn thoắt của đôi chân còn in đậm trong trí chúng em.
Kính lạy vong hồn Thầy,
Chúng em bùi ngùi nhớ lại tấm lòng tốt của Thầy. Một số trong chúng em muốn thi Tú Tài, vì là thí sinh tự do, cần giấy chứng nhận đã được dạy xong chương trình lớp đệ Nhị hoặc đệ Nhất, đến ngỏ ý với Thầy, Thầy sốt sắng đáp ứng ngay; Thầy ngày xưa của chúng em là vậy, không đòi hỏi, không gây khó khăn, một lòng một dạ muốn môn đệ thăng hoa.
Thầy có cách dạy đặc biệt riêng. Thầy không chú trọng nhồi nhét kiến thức mà chú trọng nhiều đến phương pháp tự học. Trước một đề mục trong chương trình, Thầy giới thiệu những sách đã viết về đề mục ấy, khuyến khích chúng em tìm đọc và ghi chú những điều quan trọng cần nhớ vào những tấm fiche bằng giấy bìa cứng cỡ ½ bàn tay, sắp xếp fiche theo từng nội dung vào những ngăn riêng, để khi cần dễ bề tra cứu. Nhờ phương pháp làm việc khoa học mà Thầy truyền thụ cho, sau này, vào đời, chúng em đã áp dụng vào tất cả mọi việc trong sinh hoạt, trong học tập, trong công tác, trong nghiên cứu và có thể đi sâu, đi xa một cách dễ dàng.
Thầy là một tấm gương sáng về học tập. Xuất thân từ một làng quê – làng Ngọc Anh, huyện Phú Vang, trong thập kỷ 1940, 1950, chiến tranh loạn lạc, Thầy vẫn quyết chí học xong tiểu học, trung học rồi lên đường vô Nam tiếp tục bậc Đại Học; ra đời, Thầy vừa đi dạy, vừa nghiên cứu học tập để đạt đích cuối cùng của việc học ở trường là văn bằng Tiến Sĩ.
Cái quý nơi Thầy còn là việc miệt mài trọn đời nghiên cứu, viết lách, Thầy đã để lại cho đời nhiều công trình biên khảo, dịch thuật về triết học, văn học, sử học.
Mỗi công trình là một đứa con tinh thần. Thầy nâng niu và dùng như quà tặng, đem chia xẻ với những người thân yêu nhất trong đó chúng em Thầy không quên. Từ rày trở đi, nhìn những cuốn sách Thầy tặng, chúng em sẽ mường tượng đang đón tiếp Thầy đến thăm. Quý hoá quá, Thầy ơi!
Kính lạy vong hồn Thầy,
Công ơn Thầy đối với chúng em không thể nói hết được. Đã hơn nửa thế kỷ thầy trò xa nhau; bây giờ, nghe tin Thầy đi xa, bồi hồi xúc động, chúng em rối lòng, điều nhớ điều quên.
Hương đang cháy, khói đang toả, chúng em tin tưởng vong hồn Thầy đang về với chúng em. Chúng em lần lượt vái lạy, tạ công ơn Thầy dạy dỗ. “Sống khôn thác thiêng”, mong Thầy chứng giám!
Vẫn biết “sinh là ký, tử là quy”, cõi đời này chỉ tạm bợ, nhưng trước cảnh chia ly, Thầy ra đi, Cô còn ở lại, làm sao khỏi vương vấn tiếc thương. Chúng em xin gởi lời chia buồn đến cô Phan Ngọc Quế và toàn thể tang quyến.
Thành kính bái biệt Thầy!
Cựu sinh viên Hán Học tại Huế
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét