Thứ Năm, 15 tháng 3, 2018

Đại Việt Sử Thi Q. VIII (Hồ Đắc Duy) Nhà Trần : Trần Anh Tông

       Đại Việt Sử Thi Q. VIII (Hồ Đắc Duy)
                            Nhà Trần             
                               *****
                                                   (Trần Anh Tông hoàng đế)

TRẦN ANH TÔNG HOÀNG ĐẾ (1293 - 1314)

Thái tử Thuyên lên ngôi hoàng đế (1293)
Vào tháng ba, Quý Tỵ cuối xuân
Hưng Long niên hiệu tân quân
Bắt ngay vào việc điều quân biên phòng

Giặc động binh ở vùng biên giới
Sứ Lương Tằng đã tới Thăng Long
Đem thư cùng chiếu sắc phong
Dụ rằng cho gọi Anh Tông sang chầu

Vua ta giao Tử Kỳ đi sứ
Qua Trung Nguyên giữ mối bang giao
Nói rằng lấy cớ bị đau
Nên không đi được sang chầu vua Nguyên

Hốt Tất Liệt, tháng giêng tạ thế (1294)
Nên mưu đồ về việc xâm lăng
Phải đành bỏ cuộc giữa chừng
Tử Kỳ lại được Thành Tông trả về

Luật nhà Trần mỗi khi đánh bạc
Kẻ bất tuân bị phạt tới cùng
Có quan thượng phẩm Nguyễn Hưng
Bị vua đánh chết để răn mọi người


Quân Ai Lao thường hay quấy nhiễu
Đã bốn lần thanh tảo Man Di
Phạm Ngũ Lão: hai lần đi
Một lần Trương Hiển chết vì khi quân

Trương Hiễn vốn tướng quân Mông Cổ
Đã đầu hàng, xin ở nước ta
Vua ban tước phẩm lụa là
Tuyển vào quân đội, điều ra biên phòng

Hiển tử trận được phong Minh Tự
Đưa cho vào thờ ở Thái Thường
Tỏ lòng với kẻ hiền lương
Ban cấp chu đáo khói hương phụng thờ

Xuống chiếu cho sĩ nhân được biết (1299)
Ôn luyện bài để kịp kỳ thi
Định ra mũ áo nhung y
Cho quan văn võ phân chia tỏ tường (1300)

Lệnh vua ban soát tù khắp trại (1301)
Thả ngay ra các loại hàm oan
Và cho thông báo rõ ràng
Về cách thi cử, biểu chương thế nào


Về phép thi khởi đầu Ám Tả
Kế đến là kinh nghĩa, kinh thi
Đề thơ, theo luật, phú ghi
Thứ ba: Chế chiếu, biểu quy thư đồ

Kỳ thứ tư là thi đối sách
Hỏi luận đề về bảy khoa riêng
Mạc Đĩnh Chi đậu trạng nguyên
Bùi Mộ bảng nhãn ghi danh từng người



Nguyễn Trung Ngạn đỗ ngay Hoàng Giáp (1304)
Đỗ khoa này hơn khoảng ba trăm
Đương thời gọi Ngạn thần đồng
Cũng tay xuất chúng nằm chung bảng vàng
                     Nguyễn Trung Ngạn làm quan Đại Doãn
Người Thổ Hoàng thuộc huyện Ân Thi
Người xin vua, cho lập kho
Trữ thóc cứu đói lo cho dân nghèo (1337)

Sách để lại: Giới Hiên Thi Tập
Đó chính là tác phẩm thời danh
Chất thơ phóng khoáng đã dành
Khí phách họ Nguyễn như thành núi cao

Lễ về sau: vinh qui bái tổ
Cho ba người ra cửa Long Môn
Để cho dân chúng được dòm
Những người giỏi nhất nước Nam bấy giờ

Nguyễn Sĩ Cố làm thơ quốc ngữ
Khởi đầu cho thơ phú sau này
Là người có óc khôi hài
Được vời vào giảng những bài Ngũ kinh

Ông nổi danh là người uyên bác
Vua mời về giữ chức dạy vua
Để đời mấy áng văn thơ:
Tụng giá tây chinh yết Bạch Hạc Hiển Uy Linh từ

Quy ngư phù ấn quải yêu gian,
Tư sự hy cầu phó tướng quan.
Bạc liệt thư sinh vô vọng xứ,
Chỉ lai từ hạ khất bình an.

                       Tụng giá tây chinh yết Tản Viên từ
Sơn tự thiên cao thần nhạc linh,
Tâm hương tài khấu dĩ văn thanh.
Mỵ Nương diệc cụ uy nghi giả,
Thả vị thư sinh bảo thử hành.

Còn người nữa nức danh kim cổ
Là Đĩnh Chi tướng mạo khó xem
Đã làm kinh ngạc vua Nguyên
Vì tài ứng đối danh truyền khắp nơi 

Chi họ Mạc là người Lũng Động
Cũng là người học rộng bút nghiên
Ngoại giao đi sứ sang Nguyên
Vài ba câu chuyện còn truyền đến nay:

Năm 1308 Mạc Đĩnh Chi đi sứ đến cửa khẩu sai hẹn, quân canh bắt phải chờ đến sáng hôm sau. viên quan phụ trách canh cửa ải ra câu đối nếu đối được thì họ sẽ mở cửa.
Quá quan trì, quan quan bế, nguyện quá khách quá quan
(nghĩa là: Tới cửa ải trễ, cửa quan đóng, mời khách qua đường cứ qua)
Ông đã đối lại như sau:
Xuất đối dị, đối đối nan, thỉnh Tiên sinh tiên đối
(nghĩa là: Ra câu đối dễ, đối câu đối khó, xin mời Tiên sinh đối trước).
Tới kinh đô, Mạc Đĩnh Chi được vời vào tiếp kiến Hoàng đế nhà Nguyên Vua Nguyên đọc một câu đối:
Nhật: hỏa; vân: yên; bạch đán thiêu tàn ngọc thỏ.
(nghĩa là: Mặt trời là lửa, mây là khói; ban ngày đốt cháy vầng trăng).
Ông đã ứng khẩu đọc:
Nguyệt: cung; tinh: đạn; hoàng hôn xạ lạc kim ô.
(nghĩa là: Trăng là cung, sao là tên; chiều tối bắn rơi mặt trời).

Có lần Mạc Đĩnh Chi sang sứ đúng vào dịp người hậu phi của vua Nguyên mất. Lúc tế lễ, người Nguyên đưa cho Chánh sứ An Nam bài điếu văn viết sẵn, bảo đọc. Khi Mạc Đĩnh Chi mở giấy ra thì chỉ thấy viết có 4 chữ "Nhất"
Ông đọc thành bài điếu văn:

Thanh thiên nhất đóa vân
Hồng lô nhất điểm tuyết
Ngự uyển nhất chi hoa
Dao trì nhất phiến nguyệt
Y! Vân tán, tuyết tiêu, hoa tàn, nguyệt khuyết!

(Một đám mây giữa trời xanh
Một điểm tuyết trong lò lửa
Một bông hoa giữa vườn thượng uyển
Một vầng trăng trên mặt nước hồ
Ôi! mây tản, tuyết tan, hoa tàn, trăng khuyết! )

Bài văn khiến người Nguyên rất khâm phục.
Một lần Mạc Đĩnh Chi đến thăm phủ Thừa tướng nhà Nguyên. Trong phủ có treo một bức trướng to hình con chim sẻ đậu trên cành trúc trông rất thật. Mạc Đĩnh Chi ngỡ là chim sẻ thật đậu ngoài cửa sổ nên chạy đến chụp thì mới vỡ lẽ đó chỉ là bức hoạ. Thừa tướng và các quan quân nhà Nguyên đều phá lên cười và có ý châm chọc. Mạc Đĩnh Chi vội lấy bức họa xuống và xé toạc thành nhiều mảnh. Mọi người đều kinh ngạc. Bấy giờ ông mới nghiêm mặt giải thích:
Tôi nghe người xưa vẽ cành mai và chim sẽ, chứ chưa thấy vẽ chim sẻ đậu cành trúc bao giờ. Nay trong bức trướng của tể tướng lại thêu cành trúc với chim sẽ. Trúc là bậc quân tử, chim sẽ là kẻ tiểu nhân. Tể tướng thêu như vậy là để tiểu nhân trên quân tử, sợ rằng đạo của tiểu nhân sẽ mạnh, đạo của quân tử sẽ suy. Tôi vì thánh triều mà trừ giúp bọn tiểu nhân
Một hôm Mạc Đĩnh Chi cùng với phái bộ triều Nguyên đi chơi. Tới gần một cái cầu, chẳng may Trạng Việt Nam bị sa hố, phái bộ đều chạy lại để đỡ ông dậy. Để đùa vui, họ ra cho ông một vế câu đối:
Can mộc, hoành cừ, lục giả tương như tự đạo
(Nghĩa là: Gỗ thẳng, cầu ngang, đường đi ngỡ là đất phẳng)
Cái khó của câu này là ở chỗ dùng toàn tên người ghép lại. Theo đó, can mộc là Đoàn Can Mộc - một nhân vật đời Chiến quốc, Hoành Cừ: tên hiệu của Trương Tải - một triết gia đời Bắc Tống, Lục Giả: người nước Sở, giỏi biện luận, theo giúp Hán Cao Tổ, tương như: Lạn Tương Như, một nhân vật nổi tiếng đời Chiến Quốc, tự đạo: Giả Tự Đạo, người đời nhà Tống, một quyền thần chuyên chế.
Mạc Đĩnh Chi nhìn quanh nom thấy ở bên kia sông có cái đình dưới chân núi, nhân thế chỉ tay thẳng đình mà đối:
Đại đình, an thạch, vọng chi nghiễm nhược Thai sơn
(Nghĩa là: Đình to, đá vững, nhác nom như thể Thiên Thai)
Câu này cũng dùng toàn tên người ghép lại như ở câu trên mà lại có ý khoáng đạt hơn nhiều, theo đó Đại Đình là một biệt hiệu của Thần Nôngan thạch tức Vương An Thạch thừa tướng đời Bắc Tống, Vọng Chi là người đời Hán, làm phụ chính cho Hán Nguyên đế (hai từ "nghiễm nhược" và "Thai sơn", các nhà nghiên cứu cho biết chưa tra cứu ra là ai).
Một lần nữa, người Nguyên lại phải khâm phục tài văn học của Mạc Đĩnh Chi.
Lại một lần khác, Mạc Đĩnh Chi cùng với sứ thần một số nước ra mắt vua Nguyên. Nhân có nước nào đó dâng chiếc quạt, vua Nguyên bắt sứ thần Đại Việt và sứ thần Triều Tiên đề thơ. Giữa lúc Mạc Đĩnh Chi còn tìm tứ thơ, thì sứ Triều Tiên đã viết liếng thoắng. Ông nhìn theo quản bút đọc thấy sứ Triều Tiên viết hai câu chữ Hán, dịch nghĩa như sau:
"Nóng nực oi ả, thì như Y Doãn, Chu Công" (là những người được vua trọng dụng)
"Rét buốt lạnh lùng, thì như Bá Di, Thúc Tề" (là những người bị ruồng bỏ)
Với sự nhanh trí kì lạ, Mạc Đĩnh Chi liền phát triển hai câu thơ trên thành một bài xuất sắc, mô tả chiếc quạt:
Lưu kim thước thạch, thiên vị địa lô, nhĩ ư tư thì hề, Y Chu cự nho.
Bắc phong kỳ lương, vũ tuyết tái đồ, nhĩ ư tư thì hề, Di Tề ngã phu.
Y! dụng chi tắc hành, xả chi tắc tàng, duy ngã dữ nhĩ, hữu như thị phù.
Dịch nghĩa:
Chảy vàng, tan đá, trời đất như lò, ngươi bấy giờ là Y Chu đại nho.
Gió bấc căm căm, mưa tuyết mịt mù, ngươi bấy giờ là Di Tề đói xo.
Ôi, được dùng thì làm, bỏ thì nằm co, chỉ ta cùng ngươi là thế ru![1]
Bài của Mạc Đĩnh Chi làm xong trước, ý sắc sảo, văn lại hay, nên vua Nguyên xem xong cứ gật gù khen mãi. Vua Nguyên cảm phục tài và đức của Mạc Đĩnh Chi, và phong "Lưỡng quốc trạng nguyên."

Năm Kỷ Hợi Thượng Hoàng lên núi (1299)
Chốn thiền môn một cõi am mây
Pho kinh tràng hạt trên tay
Đầu Đà khổ hạnh ngày ngày tịnh tâm

Núi Yên Tử, lan rừng mấy đóa
Chim hót mừng bên Ngọa Vân Am
Phù sinh ảo ảnh ngàn năm
Phất phơ khóm trúc, thì thầm suối reo

Bỏ việc đời, men theo hành đạo
Đất Chiêm Thành một dạo dừng chân (3001)
Thượng Hoàng gặp gỡ Chế Mân
Trong lòng muốn gả Huyền Trân cho chàng

Năm Bính Ngọ, vừa tròn tháng sáu
Phái đoàn Chiêm làm lễ rước dâu
Thớt voi, kiệu gấm quân hầu
Cung nhân, cờ quạt trước sau đàng hoàng

Vua Chế Mân dâng châu Ô Lý
Làm món quà dẫn cưới Huyền Trân
Nhữ Hài cử đến coi dân
Đổi thành Thuận, Hóa thuộc phần đất ta
Chế Đa Da là con công chúa
Sai sứ thần báo tử về kinh
Tháng năm vua của Chiêm Thành
Trong cơn bạo bệnh thình lình tử vong

Vua sai ông Đặng Vân cùng với
Trần Khắc Chung qua tới nước Chiêm
Dự phần tang lễ đưa linh
Liệu đem công chúa xuống thuyền hồi loan (1306)

Một mưu toan nhắm vào triều đại
Rằng Huyền Trân cùng với Khắc Chung
Trên thuyền họ đã tư thông
Lênh đênh cả mấy tháng ròng nổi trôi

Nếu tính kỹ rạch ròi mới thấy
Thì Huyền Trân lúc ấy mới sinh
Thời gian hậu sản đang hành
Đớn đau, bầm dập gập gềnh sóng xô…

Vào mùa thu, Thượng hoàng thánh hóa ( 1308 )
Ngài đã băng ở Ngọa Vân Am
Đem về táng ở Long Hưng
Phải dùng đến khúc Long Ngâm dẫn đường
Mười năm sau Chế Mân tạ thế
Huệ Võ Vương đánh chiếm Chiêm Thành
Lao vào một cuộc viễn chinh
Trên đường nam tiến quên tình thông gia
Đoàn Nhữ Hài vượt qua tới trước
Dùng kế thần dụ bắt Chiêm Vương (1312 )
Đem về giam ở Gia Lâm
Năm sau vương chết lễ tang trà tỳ (1313 )

Dân Chiêm Thành trong khi chạy loạn
Chế Đà A trốn đến Qua Oa
Người thì mất mẹ chết cha
Lạc luôn Thế tử con bà Huyền Trân

Vua Anh Tông cầm cương trị nước
Người thông minh mực thước nhân hòa
Việc triều luôn duyệt xem qua
Truyền ngôi vào giữa tháng ba Giáp Dần (1314 )

Thơ để lại "Thủy Vân tùy bút"
Lúc băng hà sai đốt hết đi
Đến khi long thể lâm nguy
Nhà sư Phổ Huệ nằn nì xin vua 


Ngài gạt phăng vì sư nói đến
Chuyện tử sinh ảnh hưởng tới ngài
Sư chưa chết, tại sao hay?
Không nên nói đến chuyện này với ta

(Còn tiếp)




Không có nhận xét nào: