Chủ Nhật, 25 tháng 3, 2018

Đại Việt Sử Thi Q. X (Hồ Đắc Duy):Nhà Hồ & Hậu Trần

       Đại Việt Sử Thi Q. X (Hồ Đắc Duy)
                        Nhà Hồ & Hậu Trần 
                             ***** 



HỒ QUÝ LY (1400)

Tiếm ngôi vua, chuyên quyền quá bước
Đổi niên hiệu thành nước Đại Ngu (1400)
Nhận mình con cháu Thuấn Ngu?
Bỏ họ Lê, đổi họ Hồ từ đây

Thuở bấy giờ có nhiều ẩn sĩ
Cũng nhiều phường quái quỷ lưu manh
Như là Đồng Thức, Hối Khanh (1401)
Dâng thư sàm tấu mong giành tranh công

Hoàng Hối Khanh người làng Lệ Thủy
Tỉnh Quảng Bình nơi cũ Hóa Châu
Cùng quan Đặng Tất bàn nhau
Viết thư mật báo âm mưu cướp quyền

Được giao quyền Sung Cát Địa Sứ
Bàn giao đất cho lũ nhà Minh
Năm chín (59) thôn của nước mình
Cắt ra đưa trả nhà Minh bấy giờ

Đất Cổ Lâu trả nhiều quá thể
Hoàng Hối Khanh không kể cơ đồ
Cắt đất cho giặc như cho
Tiên nhân hậu thế có ngờ được không ?
  
 Vương Nhữ Chu có công chế tác (1396)
Làm ra đồng giấy bạc lưu thương
Định ra tỷ lệ rõ ràng
Quan hai tiền giấy bằng quan tiền đồng

Thông Bảo Nội sao: đồng tiền giấy
Tiền đầu tiên được thấy nước ta
Đo lường cân thước đặt ra
Đấu, thưng làm chuẩn ban ra để dùng

Ông cũng từng đặt ra triều phục
Quy định màu, hia mão các quan
Tùy theo chức tước mà mang
Khi vào triều kiến thêm phần trang nghiêm

       Đoạn văn nguyên ở trong sử ký
     Chép những lời giải thích dời đô :

Năm thứ 10 [1397], (Minh Hồng Vũ năm thứ 30). Mùa xuân, tháng giêng, sai Lại Bộ Thượng Thư kiêm Thái Sư lệnh Đỗ Tỉnh (có sách chép là Mẫn) đi xem đất và đo đạc động An Tôn phủ Thanh Hóa, đắp thành đào hào, lập nhà tông miếu, dựng đàn xã tắc, mở đường phố, có ý muốn dời kinh đô đến đó, tháng 3 thì công việc hoàn tất.
Trước đó, triều đình bàn bạc chưa xong, hành khiển Phạm Cự Luận khuyên nên thôi.
Quý Ly nói: "Ý ta đã định từ trước rồi, ngươi còn nói gì nữa!"
Đến đây thì thực hiện.
       Lúc ấy, Khu Mật Chủ Sự Nguyễn Nhữ Thuyết dâng thư can, đại ý nói: "Ngày xưa, nhà Chu, nhà Ngụy dời kinh đô đều gặp điều chẳng lành. Nay đất Long Đỗ1255 có núi Tản Viên, có sông Lô nhị1256 , núi cao sông sâu, đất bằng phẳng rộng rãi. Từ xưa, các bậc đế vương mở nền dựng nước, không đời nào không lấy đất làm nơi sâu gốc bền rễ. Hãy nên noi theo việc trước: khi ấy quân Nguyên bị giết, giặc Chiêm phải nộp đầu... Xin nghĩ lại điều đó, để làm thế vững vàng cho nước nhà. An [29a] Tôn đất đai chật hẹp, hẻo lánh, ở nơi đầu non cuối nước, hợp với loạn mà không hợp với trị. Cho dù dựa vào thế hiểm trở thì đời xưa đã có câu: "Cốt ở đức chứ không cốt ở hiểm"1257 .
Quý Ly không nghe. Sau đến kỳ xét công Quý Ly thấy có tên Nhữ Thuyết liền nói:
"Người ngày từng nói cốt ở đức không cốt ở hiểm".
Rồi phế bỏ không dùng.

Hoàng Hối Khanh dâng lên kế sách (1404)
Lập Hộ Tịch rồi bắt kê khai
Ghi danh từ tuổi lên hai
Chép vào sổ bộ sai người thống kê

Lịnh đuổi về những người lưu lạc
Truyền các nơi hạn chế gia nô
Cho mua thóc lúa vào kho
Đắp đường thiên lý để cho dễ dàng (1402)

Nguyễn Đại Năng có tài châm cứu (1403)
Dùng kim châm để chữa cho người
Đặt chức Quảng tế khắp nơi
Chăm nom sức khỏe trông coi giữ gìn

Về hành chính đổi tên các lộ
Đặt lại chức chánh phó ban cho
Định ra mức thuế điền tô
Đặt chức Liêm Phóng để dò xét dân (1400)

Năm Ất Dậu (1405) sai quân đắp lũy
Hồ Nguyên Trừng được chỉ định cho
Đa Bang thành đắp thật to
Ngả ba Bạch Hạc đóng sâu cọc ngầm

Trấn giữ nơi có tầm trọng yếu
Để phòng ngừa các mũi tấn công
Của giặc phia nam sông Hồng
Hồ Nguyên Trừng cũng đã từng nói : Thần không ngại đánh, chỉ sợ lòng dân có theo hay không
  
Hồ Quý Ly dùng trăm biện pháp
Mục đích là đàn áp nhân dân
Trước tiên để diệt nhà Trần
Thi hành bạo lực chẳng cần nhân tâm

Chỉ trong vòng bảy năm thống trị
Hồ Quý Ly đã thí nhiều người
Xuất vua, giết rể và rồi (1389)
Giết luôn đồng đội, con thầy chẳng thương

Nguyển Đa Phương là con thầy cũ
 Ông nhận làm đệ tử của mình
Về sau ganh tỵ tranh giành
Dèm pha bức hại Phương đành chết oan

Dựng quán xá dọc đường sơn cốc (1402)
Chằng dây thừng để giúp thuyền qua (1399)
Lập thêm trường học nơi xa (1397)
Quan điền chục mẫu để mà trả lương

Dùng chữ Nôm thay luôn chữ Hán (1396)
Lần đầu tiên môn toán ra thi
Khảo hạch có đến bốn kỳ
Chọn ra ngày tháng định kỳ mỗi khoa

Bày ra cách: "Cầu lời nói thẳng" (1392, 1405)
Thực chất là cái bẫy giăng ra
Nghề này học được ai là?
Đã làm trước đó mười ba năm rồi

Lại dời đô ra ngoài Thanh Hóa (1397)
Lấy An Tôn làm chỗ đóng đô
Người can thì để ý thù
Tính tình nhỏ nhặt như trò trẻ con
"Cốt ở đức không hơn ở hiểm"
Đó là lời Như Thuyết căn ngăn (1402)
Ngụy Thức, Nguyển Bẩm tâu rằng:
"Sống cho phải đạo hiếu trung với người" (1397)

 *
HỒ HÁN THƯƠNG (1401 - 1407)

Hồ Hán Thương thay ngôi Quốc Tổ
Đem đại quân phủ dụ Chiêm Thành
Bồ Điền sứ giả nói quanh (1402)
Dân đất Chiêm Động xin mình lui quân

Mẹ Hán Thương: Huy Ninh công chúa
Công chúa là con gái Minh Tông
Trước sau có những hai chồng
Nhân Vinh chồng trước rồi chồng tiếp theo

Lê Quý Ly chồng theo chồng trước
Bởi không cho giữ tiết tang chồng
Đó là lệnh của Nghệ Tông 
Cho quan Nhiếp Chính làm chồng Huy Ninh

Buộc Chiêm quốc dâng thành Cổ Lũy
Đặt đất nầy ra lộ Thăng Hoa
Cảnh Chân lại được điều qua
Làm An Phủ Sứ đất ta lấy người

Trên Thạch Sơn có ngôi thành cổ
Là tiền đồn án ngữ cửa sông
Dưới chân: Cổ Lũy cô thôn
Châu Sa thành của người Chăm bấy giờ

Vua nhà Minh thừa cơ rối loạn
Vì gian thần soán đoạt ngôi vua
Nhiều lần sách nhiễu thăm dò (1403, 1404, 1405)
Lúc bắt triều cống, khi cho người vào

Đầu tháng tư vào năm Bính Tuất
Quân nhà Minh đánh thốc Lãnh Kinh (1406)
Đem sang mười vạn tinh binh
Nguyên Trừng tướng quốc suýt thành tù nhân

Đến tháng chín thêm lần xâm lược
Tân Thành Hầu Trương Phụ tướng quân
Đem theo bốn chục vạn quân
Đánh vào Pha Lũy tiến dần kinh sư

Một cánh khác thì do Mộc Thạnh (1406)
Mở đường vào tiến đánh tạt qua
Hán Thương ra lệnh quân ta
Trải dài dàn trận để mà chặn quân

Giặc đánh úp tấn công như chớp
Tướng nhà Hồ đang mải vui chơi
Tả thần Dực Nguyễn Công Khôi
Chết ngay tại trận không lời trối trăn

Quân Thiên Trường không ngăn được giặc
Chúng tràn vào ở khắp Thăng Long
Ra tay vét hết tiền đồng
Thiêu con trai nhỏ, sục lùng gái tơ

Quân nhà Hồ rút về Thanh Hóa
Còn lòng dân thì quá chán chê
Nhà Hồ đức mỏng manh ghê
Cho nên giặc đến lại về theo phe

Hồ Qúy Ly bị Tầu bắt sống
Trói gô rồi giải thẳng Kim Lăng
Đặt quan cai trị dần dần
Đổi thành Giao Chỉ, chia là Phủ Châu (1407)

48 Phủ, 5 Châu áp đặt
Lập ra ty Án sát Đô ty
Đặt quan bố chính chỉ vì
Dễ bề cai trị đất chia từng vùng

Tổng kết chung giặc thu tất cả:
Chín nghìn thuyền, chiến mã bốn trăm
Hơn ba triệu mốt hộ dân
Một trăm voi chiến, băm lăm nghìn bò

Hậu Trần: 
GIẢN ĐỊNH ĐẾ (1407 - 1409)

Giản Định Đế hiện giờ đang ở
Châu Trường Yên Mộ Độ lên ngôi
"Diệt Minh" treo bảng cầu người
Đặng Tất nghe được tới nơi hội cùng

Giản Định Đế húy tên Trần Ngỗi
Con Nghệ Tông, ở cuối đời Hồ
Khởi binh khôi phục cơ đồ
Tài không đủ có, hay ngờ người thân

Vua phong Tất Quốc Công đại tướng
Khắp quân dân hưởng ứng quá chừng
Bô Cô một trận oai hùng
Đánh cho Mộc Thạnh cong lưng chạy dài

Đặng Tất là con trai Đình Dực
Là người làng Thiên Lộc, Nghệ An
Ông là tướng giỏi đời Trần
Suốt đời ông chỉ hết lòng vì dân
  
Đời sau ca ngợi ông rằng:
"Đặng Tất là bậc trung nghĩa, trí dũng song toàn, quả là nhân tài của thiên hạ chứ đâu phải nhân tài của riêng Ô Châu này thôi đâu... Cái tiếc của Đặng Tất là vì những lời gièm pha như lưỡi gươm chí mạng khiến chí lớn không thành. Tuy nhiên cái chết của Đặng Tất đâu phải tội của ông mà chính là nỗi bất hạnh của nhà Trần vậy. Người quân tử đâu có lấy sự thành bại để đánh giá anh hùng"

Giết Lưu Tuấn, Đô Ty Lữ Nghị
Quân nhà Trần như thế chẻ tre
Tiếc thay vua vốn hay nghe
Mộng Trang sàm tấu tru di đại thần

Chém Cảnh Chân, bóp hầu Đặng Tất (1409)
Khiến bao người phẫn uất chán chê
Nghĩa quân tan vỡ tức thì
Mặc cho Trương Phụ ra uy vẫy vùng

Nguyễn Cảnh Chân cũng là danh tướng
Người Ngọc Sơn thuộc huyện Thanh Chương
Giết ngay Đô sứ Liễu Tông
Đuổi theo Lưu Tuấn hết đường lui quân

Phụ tới đâu, gươm vung tới đó (1409)
Xác người phơi thành núi thảm thay

Sai người quấn ruột vào cây
Hoặc đem rán lấy mở nầy đốt chơi


Lại có đứa moi thai, mổ bụng (1409)
Có đứa thì móc họng, cắt tai
Hoặc đem thiến hoạn bé trai
Lùa theo gái đẹp khắp nơi đem về


Đói thê thảm, dân quê mất trắng
Khắp ruộng đồng lúa chẳng trổ bông
Lại thêm dịch bệnh quá chừng (1407,1409)
Xác người vất vưởng nằm chồng lên nhau

Mấy tháng sau suy tôn Quý Khoáng (1409)
Lên làm vua thống quản quyền uy
Khắp nơi hào kiệt theo về
Chỉnh trang binh mã, chỉ huy mọi người

Vua Trùng Quang, tên người: Quý Khoáng
Cháu Nghệ Tông, nỗi trống chiêu quân
Hô hào dân chống ngoại xâm
Xua quân đánh thốc Hạ Hồng Bến La

Trong khi đó người ta trong nước
Nhiều người như Hà Mạc nổi lên
Giết tên Tả Dịch đương quyền (1410)
Trong quân lộn xộn nên đành bại vong

Vua Trùng Quang hòa trong thế yếu
Sai sứ thần Nguyễn Biểu cầu phong
Giữa triều xem giặc như không
Đem thân thuyết khách một lòng vì dân


Nguyễn Biểu đem chí nhân, đại nghĩa
Cùng luận bàn ở giữa hành dinh
Mắt nhìn Trương Phụ tổng binh
Buông lời đanh thép nêu danh kẻ thù


(Miếu thờ Nguyễn Biểu ơ Hưng Nguyên (Nghệ An)

Trương Phụ cho dọn ngay bàn tiệc
Cổ đầu người để thếch Nguyễn quân
Đầu lâu luộc chín bày mâm
Nhe răng như dọa quỷ thần cũng kinh

Môi Nguyễn Biểu cạn bình rượu đỏ
Vung tay người vừa gõ vừa ngâm:
"Ngọc thiệt, trân tu đã đủ mùi
Gia hào thêm có cỗ đầu người
Nem công, chả phượng còn thua béo
Thịt gấu, gan lân cũng kém tươi
Có lối lộc ninh so cũng một
Vật bày thỏ thủ bội hơn mười
Kìa kìa ngon ngọt tày vai lợn
Tráng sĩ như Phàn tiếng để đời
Còn ta thì đối với ngươi
Anh hùng hảo hớn ai người hơn nhau

Phụ giận quá cột đầu Nguyễn Biểu
Dưới chân cầu dìm chết mới thôi
Đặng Dung hận kẻ giết người
Quyết tâm bắt sống tên này mới nghe (1413)

Kênh soái Già gặp khi trời tối
Đột nhập vào thuyền, đợi quân canh…
Định tâm bắt Phụ một mình
Vì không biết mặt nên đành chịu thua


Dân và vua hết lòng phục quốc
Đường gập ghềnh những bước gian nan
Còn đâu thuở ấy huy hoàng
Nước non chừ thật muôn vàn nguy nan

Hết Đặng Dung rồi sang Cảnh Dị
Đến vua Trần cũng bị giặc vây
Vua quan đã lọt vào tay
Tổng Binh Trương Phụ giết ngay mấy người (1413)

Mười hai đời, khởi công dựng nước
Triều nhà Trần chấm dứt từ đây
Một trăm bảy bốn năm dài
Hậu Trần thêm bảy năm rồi thay ngôi

Năm Giáp Ngọ sai nguời cai trị (1414)
Suốt một vùng Giao Chỉ bấy giờ
Ngọc ngà vơ vét đầy kho
Bắt dân xuống biển để mò ngọc trai

Giặc Minh lại ra tay tàn sát
Chiếm lấy ngay mỏ bạc mỏ vàng (1415)
Dân ta cơ cực cùng đường
Lâm vào thảm cảnh tang thương não nề


Năm Giáp Ngọ đặt nguời cai trị (1414) 
Một vùng đất Giao Chỉ bấy giờ 
Ngọc ngà vơ vét đầy kho 
Bắt dân xuống biển để mò ngọc trai 

Giặc Minh lại ra tay tàn ác 
Chiếm lấy ngay mỏ bạc mỏ vàng (1415) 
Dân ta cơ cực cùng đường 
Lâm vào thảm cảnh tang thương não nề


                                           (Còn tiếp)

                                                                   



Không có nhận xét nào: