Nhân Ngày Quốc Hận 30/4/1975
Nhìn Lại Lịch Sử, Nhớ Đến Những Người Đã Hy Sinh
“Sinh Vi Tướng, Tử Vi Thần”
GS Nguyễn Lý-Tưởng
Khởi đi từ việc quân Pháp đã cho tàu chiến đến gây hấn và
đánh chiếm nước ta vào thế kỷ 19 và những nhà ái quốc đã hô hào duy tân, tự cường,
nâng cao dân trí để cùng đấu tranh giàng lại độc lập cho đến khi Hồ Chí Minh
đem chủ nghĩa cộng sản áp đặt lên đất nước ta, gây nên một cuộc nội chiến giữa
những người quốc gia yêu chuộng tự do và những người cộng sản chủ trương bành
trướng chủ nghĩa duy vật, làm tay sai cho Liên Sô và Trung Cộng. Kết quả là
ngày Quốc Hận 30/4/1975, và sự có mặt của mấy triệu người Việt Nam ở hải ngoại
hiện nay. Vì không thể sống chung với cộng sản độc tài, chúng ta đã bỏ hết nhà
cửa, tài sản, bỏ cả quê hương, mồ mả tổ tiên, bạn bè, người thân, v.v. để vượt
biển đi tìm tự do. Cuộc tranh đấu cho tự do, dân chủ và nhân quyền vẫn được tiếp
tục nhằm xóa bỏ chế độ cộng sản tại Việt Nam.
Trong biến cố 30/4/1975, Cộng Sản Việt Nam đã thắng về quân
sự, nhưng chúng không thắng được ý chí bất khuất của Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa
và toàn thể nhân dân Miền Nam. Vì thế, chúng đã lập ra các nhà tù cải tạo để
giam giữ, hành hạ những người đã phục vụ cho chế độ Việt Nam Cộng Hòa trước
đây. Chúng đã đày đọa anh em chúng ta tận
những nơi rừng thiêng nước độc ở Miền Bắc. Đói rét, bệnh hoạn, xa gia đình, xa
quê hương, một số anh em đã bỏ xác trong trại tù tập trung cải tạo, một số sống
sót sau hàng chục năm bị ngược đãi, đã được trở về trong cảnh gia đình tan nát,
dân chúng lầm than.
Nhờ sự can thiệp của Liên Hiệp Quốc, của các quốc gia yêu
chuộng tự do và nhất là các phong trào đấu tranh cho nhân quyền trên thế giới,
đặc biệt là ở Hoa Kỳ, nên sau 15 năm dưới chế độ cộng sản, một số các cựu sĩ
quan, viên chức của chế độ VNCH cùng với gia đình đã được đoàn tụ với thân nhân
ở nước ngoài hoặc được định cư tại Mỹ.
Thực tế đã cho chúng ta thấy rõ, Chủ Nghĩa Cộng Sản đã đem lại
cho Việt Nam một nền kinh tế suy sụp, dân chúng phải sống trong cảnh nghèo đói,
bị áp bức. Nền luân lý, đạo đức, văn hóa của tổ tiên hoàn toàn bị suy đồi, con
người sống với nhau không còn tình cha con, tình vợ chống, tình làng xóm nữa mà
đã trở thành những kẻ gian dối, phản bội, hận thù giai cấp, duy vật, mất niềm
tin vào Thượng Đế, vào các tôn giáo nhất là đạo thờ kính ông bà tổ tiên đã khuất.
Nhân ngày Quốc Hận 30 tháng 4, chúng ta không quên công lao
và xương máu của chiến sĩ đồng bào đã đổ ra vì tự do, độc lập và để ngăn chận
chủ nghĩa cộng sản vô thần.
Trong số những anh hùng đó, có một số người đã được báo chí,
sử sách nêu tên như các tướng, Phạm Văn Phú, Nguyễn Khoa Nam, Lê Văn Hưng, Lê
Nguyên Vỹ, Trần Văn Hai...và một số sĩ quan, hạ sĩ quan, binh sĩ đã lấy tấm
thân đền nợ nước, thà chết vinh hơn sống nhục, đã tự tử không chịu đầu hàng,
không chịu trao thân cho kẻ thù bắt bớ, giam cầm, tù tội. Tuy thân xác họ ngày
nay đã ra tro bụi, nhưng tên tuổi của họ vẫn còn sống mãi trong sử sách, sống
mãi trong lòng mọi người.
Cứ mỗi lần kỷ niệm ngày Quốc Hận 30 Tháng 4, báo chí, đài
phát thanh và qua các cuộc họp mặt của đồng bào trong các buổi lễ, các cuộc
meetings, người ta lại nhắc nhở đến họ, vinh danh họ. Người xưa thường nói:
“Sinh vi tướng, tử vi thần” (nghĩa là khi còn sống làm tướng chỉ huy quân đội,
khi chết trở nên thần thánh được nhân dân tôn thờ). Hai Bà Trưng, Ngô Quyền,
Đinh Bộ Lĩnh, Lê Đại Hành, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Quang Trung,v.v. là
những anh hung trong sử sách Việt Nam, tuy đã chết nhưng vẫn còn được sùng kính
như những vị thần thánh của các tôn giáo. Họ là những vị thần của dân tộc Việt
Nam và sẽ phù hộ cho chúng ta trong cuộc tranh đấu chống xâm lăng, chống cộng sản,
đem lại tự do, thanh bình và thịnh vượng cho dân tộc.
Nhân ngày quốc hận 30 tháng 4, chúng ta hãy nhớ đến một số
các vị anh hùng đã chứng tỏ tinh thấn bất khuất trước kẻ thù, đã nêu gương
trung liệt đối với tổ quốc và đồng bào. Chúng tôi xin được nói về các vị tướng
đã hy sinh mạng sống mình để chứng tỏ lòng trung thành với tổ quốc, bất khuất
trước kẻ thù:
1.Thiếu Tướng Phạm
Văn Phú, Tư lệnh Quân đoàn II, Quân khu II (vùng II ChiếnThuật tại Pleiku). Ông sinh ngày
16/10/1928 tại Hà Đông trong một gia đình trung lưu, miền Bắc. Thân phụ là cụ
ông Phạm Văn Tích và cụ bà Nguyễn Thị Nhiễm. Sau khi học hết chương trình trung
học, ông tình nguyện vào trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt là trường đào tạo sĩ quan
hiện dịch, khóa 8 khai giảng ngày 1 tháng 7/1952. Sau 01 năm thụ huấn, mãn khóa
với cấp bậc Thiếu úy (28/6/1953: thủ khoa là Thiếu Úy Nguyễn Bá Thìn tự Long
sau nầy là Đại Tá, chết tại trại tù Yến Bái). Thiếu Úy Phạm Văn Phú được chọn
vào binh chủng Nhảy Dù, một binh chủng thiện chiến của quân đội. Năm 1953-1954,
tình hình chiến sự rất sôi động tại các chiến trường Miền Bắc, ông được thả dù
xuống căn cứ Điện Biên Phủ, nơi có khoảng 20.000 lính Pháp-Việt đang trấn giữ
và bên ngoài có khoảng 60.000 lính Việt Minh đang bao vây, tấn công. Khoảng 5
tháng sau ngày ra trường, từ Thiếu úy, ông được thăng cấp Trung Úy vào ngày 1
tháng 12 năm 1953 và trong vòng 3 tháng sau, từ Trung Đội Trưởng ông được lên cấp
Đại Đội Trường Đại đội 1 Tiểu Đoàn 5 Nhảy Dù và khoảng 40 ngày sau ông được
thăng cấp Đại Úy tại mặt trận (25/4/1954) vì có công tái chiếm trọng điểm chiến
lược (đồi Elianne) trong trận Điện Biên Phủ. Và 12 ngày sau khi ông được thăng
cấp Đại Úy, căn cứ Điện Biên Phủ thất thủ, ông bị bắt vào lúc 9 giờ sáng ngày 7
tháng 5/1954 trước khi Tướng De Castrie, chỉ huy căn cứ Điện Biên Phủ đầu hàng;
lúc đó, không ai biết tin tức Đại Úy Phú sống hay chết, xem như mất tích. Gần
01 năm sau ngày ký kết Hiệp Đinh Genève (20/7/1954) ông được trao trả tù binh tại
cầu Bến Hải, vĩ tuyến 17 tỉnh Quảng Trị vào ngày 8 tháng 7/1955.
Ông đã trải qua các khóa huấn luyện về Dẫn Đạo Chỉ Huy, về Lực
Lượng Đặc Biệt,v.v. Từ Đại Úy, Thiếu Tá đến Thiếu Tướng, trong vòng 16, 17 năm,
ông lần lượt giữ các chức vụ : Tỉnh Đòan Trưởng Bảo An, Quận Trưởng, Tham Mưu Trưởng Lực Lượng Đặc Biệt, Xử Lý Thưởng Vụ Tư Lệnh Sư Đoàn 2 Bộ Binh, Phụ Tá Tư Lệnh Sư Đoàn 2 rồi Sư Đoàn 1, Tư Lệnh Biệt Khu 44 (Đồng Tháp Mười), 1969, vinh
thăng Chuẩn Tướng, Tư Lệnh Lực lượng Đặc Biệt. Năm 1970,Tư Lệnh Sư Đoàn 1 Bộ
Binh (23/8/1970), 15/4/1971 vinh thăng Thiếu Tướng tại mặt trận (Sư Đoàn 1).
Năm 1972, vì lý do sức khỏe, về Saigon chữa bệnh. Năm 1973: Chỉ Huy Trưởng
Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung. Ngày 5/11/1974, Tư Lệnh Quân Đoàn II, Quân Khu II tại Pleiku
Sau hiệp định Paris (27-01-1973) Việt Cộng
lợi dụng quân Mỹ rút, đã tăng cường xâm nhập quân lính, xe tăng tứ Bắc vào Nam
theo đường Trường Sơn và dọc biên giới Lào, Miên, đã tạo áp lực nặng nề cho
vùng cao nguyên Pleiku, Ban Mê Thuột. Năm 1974, Việt Cộng đánh chiểm tỉnh Phước
Long và vùng Ba Biên Giới (Việt-Miên-Lào), tháng 3/1975, Việt Cộng tấn công vào
thị xã Ban Mê Thuột đồng thời chiếm Quảng Trị. Trước tình hình đó, trong cuộc họp
mật tại Cam Ranh ngày 13/4/1975, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu ra lệnh cho Thiếu
Tướng Phạm Văn Phú triệt thoái khỏi Pleiku để giữ vùng Duyên Hải. Quyết định
sai lầm đó đã khiến cho cả một Quân đoàn QL/VNCH tan rã. Hàng triệu cán bộ,
công chức và gia đình cũng như đồng bào phải bỏ nhà cửa, tài sản chạy thoát
thân, gây nên tình trạng hỗn loạn toàn Miền Trung. Nhân đà thắng lợi đó, cộng sản
Hà Nội ra lệnh đem quân ào ạt tiến chiếm Miền Nam...
Đầu tháng 4/1975, Thiếu Tướng Phú lâm bệnh phải vào điều trị tại Tổng Y Viện Cộng Hòa, trước ngày 30/4/1975. Sau
khi nghe tin Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu, Đại Tướng Trần Thiện Khiêm, Thủ
Tướng Nguyễn Bá Cẩn... đã bỏ Saigon trốn ra ngoại quốc, Phó Tổng Thống Trần Văn
Hương trao quyền cho Đại Tướng Dương Văn Minh, tướng lãnh mạnh ai nấy chạy, Ông
liền trở về tư dinh, 19 đường Gia Long, Saigon để sắp xếp cho vợ con ra đi và
ra lệnh cho sĩ quan tùy viên là Trung Úy (có sách viết là Đại Úy) Đỗ Đức Tân
(cũng là em vợ của ông) đem vợ con ông ra phi trường Tân Sơn Nhất để di tản... Khi
vợ con ra khỏi nhà rồi, ông quyết định uống thuốc tự tử để trọn lòng trung
thành với tổ quốc, không muốn cho bản thân bị kẻ thù làm nhục khi bị cộng sản bắt
lần thứ hai... Trung Úy Mạnh, sĩ quan An Ninh biết được liền báo cho vợ con ông
đang ở phi trường quay trở lại, đưa ông vào bệnh viện Grall ngay trước mặt nhà,
để cấp cứu. Nhưng vì thuốc quá mạnh nên không còn cứu được nữa. Vợ con, bạn
bè... những người chứng kiến giây phút đau lòng đó không ai là không cảm thương
cho một vị tướng khi sa cơ thất thế, chỉ có đem cái chết đền nợ non sông mà
thôi.
Sau khi ông chết rồi, Việt Cộng đã tịch thu hết nhà cửa, tài sản của ông
khiến cho vợ con phải cảnh không nhà cửa, tiền bạc, đành tìm đến nương tựa nhà
bà con (nhà Trung Úy Tấn), người biết chuyện không ai mà không thương mến ông.
(Tôi có người bạn là Đại Tá Nguyễn Bá Thìn tự Long, cùng tuổi, cùng khóa
8 sinh viên sĩ quan Đà Lạt với tướng Phú... cho biết: Trước 1954, Tướng Phú đã
có một đời vợ, khi ông bị tù sau trận Điện Biên Phủ, người nầy đã bỏ ông. Năm
1957, anh Long đã giới thiệu cho ông Phú bà Đỗ Thị Lâm Đệ, sinh năm 1935 tại Thượng Hải, cha mẹ đều là người
Hoa, về sau bà mẹ lấy một người Việt Nam, cô nầy trở thành người Việt, lấy họ Đỗ
là họ Việt. Cô nầy xinh đẹp, quý phái, nhân hậu hay thương người và có tướng là
mệnh phụ phu nhân... Bạn bè tướng Phú thường nói “bà nầy có tướng là mệnh phụ
phu nhân nên mới gặp được tướng Phú từ lúc hàn vi”. Tôi quen Tướng Phú năm 1970
khi ông về làm Tư Lệnh Sư đoàn 1 ở Huế,
lúc đó tôi đang là Dân Biểu tỉnh Thừa Thiên. Tôi có giới thiệu người bạn, hiện
nay đang ở Australia, nguyên là binh nhì thuộc Sư Đoàn 1 nhưng có Tú Tài Pháp,
có bằng Cử Nhân và Cao Học... để giúp Tướng Phú giao dịch thư từ với các bạn người
Pháp trong Hội Cựu Chiến Binh Điện Biên Phủ của Pháp. Bạn tôi cũng dạy con ông
Phú học. Năm 1972, ông Phú từ Huế về Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung, tôi có đề
nghị với ông cho con trai ông vào học trường La Salle Taberd Saigon là trường tư thục công giáo danh tiếng... Về
sau cậu nầy được du học Mỹ và khoảng 1980-1990, đã bảo lãnh cho mẹ và các em
qua Mỹ. Hiện nay phu nhân của Thiếu Tướng Phú đã qua đời, các con đang ở Mỹ)
Huy chương: Đệ Tam Đẳng Bảo Quốc
Huân Chương – Anh Dũng Bội Tinh với Nhành Dương Liễu – 53 Huy chương đủ mọi loại
khác nhau và một số huy chương Pháp, Mỹ...
2.Thiếu Tướng Nguyễn
Khoa Nam
Sinh ngày 23/9/1927 trong một gia đình danh giá ở đất Thừa
Thiên, thân phụ là cụ Nguyễn Khoa Túc (Thanh Tra Học Chánh), thân mẫu là Công
Tôn Nữ Mộc Cẩn thuộc dòng Tuy Lý Vương , hoàng tộc nhà Nguyễn. Tổ tiên từ đời nầy
qua đời khác có công giúp chúa Nguyễn mở mang bờ cõi trong cuộc Nam Tiến, đánh
dẹp loạn lạc, đem lại thái bình cho dân chúng. Sử sách còn ghi tên: Ông Nguyễn
Khoa Đăng (quan Nội Tán) , Nguyễn Khoa Chiêm (Tham Mưu) của chúa Nguyễn, Nguyễn
Khoa Minh (thời Minh Mạng), tổ tiên có một vị tiến sĩ từ chức quan lập ra chùa
Ba La Mật ở Phú Vang, trở thành Hòa Thượng... rất danh tiếng. Ở Huế có 4 họ tộc
lớn là Nguyễn Khoa, Hồ Đắc, Thân Trọng, Hà Thúc... thì Nguyễn Khoa được kể là
danh giá bậc nhất... Nguyễn Khoa Nam lớn lên là một người con hiếu thảo, đạo đức,
một học sinh tốt: năm 1946, ông thi đỗ Tú Tài I, làm Chủ Sự Hành Chánh tại Huế.
Năm 1953, động viên vào trường Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức, mang cấp bậc Thiếu úy
(1953), thụ huấn cấp Đại Đội Trưởng tại trường Võ Bị Đà Lạt (1954), là một sĩ
quan có tinh thần trách nhiệm, ở bất cứ đơn vị nào ông cũng được binh sĩ cũng
như cấp chỉ huy kính phục. Với nhiều công lao trên các chiến trường, nhiều lần
du học về các khóa chuyên môn quân sự cao cấp tại Hoa Kỳ... Ông lần lượt giữ các
chức vụ Đại Đội Trưởng, Tiểu Đoàn Trường, Lữ Đoàn Trưởng Lữ Đoàn Nhảy Dù, thăng
Đại Tá (1969), Tư Lệnh Sư đoàn 7 Bộ Binh (1970), vinh thăng Chuẩn Tướng (1971),
vinh thăng Thiếu Tướng (1972), Thiếu Tướng thực thụ (1974) sau đó được bổ nhiệm
làm Tư Lệnh Quân Đoàn IV vùng IV Bộ Tư Lệnh đóng tại Cần Thơ, chịu trách nhiệm
bảo vệ đồng bằng sông Cửu Long (Miền Tây) là nơi dân cư đông đúc, ruộng đất phì
nhiêu, là một vùng chiến lược quan trọng.
Ngày 37/4/1975, sau khi Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu từ chức,
trao quyền lại cho Phó Tổng Thống Trần Văn Hương rồi trốn chạy ra ngoại quốc.
Sau đó, trước áp lực quân sự của Việt Cộng từ Hà Nội đang ồ ạt tiến vào. Ngoài
ra, còn do áp lực của Mỹ và của Lực Lượng Hòa Giải Dân Tộc của ông Vũ Văn Mẫu
mà đàng sau là Thượng Tọa Thích Trí Quang nhất định đòi hỏi phải cụ Trần Văn
Hương trao quyền lại cho Đại Tướng Dương Văn Minh. Trước và sau khi bàn giao chức
vụ Tổng Thống VNCH tại Dinh Độc Lập, Dương Văn Minh đã cam kết bảo vệ tổ quốc,
bảo vệ đồng bào. Nhưng sáng 30/4/1975, Minh đã tuyên bố đầu hàng CS mà không có
một nỗ lực chiến đấu nào mặc dầu lúc đó quân đội vẫn còn, lãnh thổ vẫn còn,
chưa mất hết tất cả.
Trước lệnh buông súng đầu hàng của Dương Văn Minh, Thiếu Tướng
Nguyễn Khoa Nam đã bình tĩnh, tập họp quân đội dưới cờ, thông báo tình hình. Hết
đêm 30/4, qua ngày hôm sau, lúc 6:30 sáng 1 tháng 5/1975, ông mặc quân phục, ngồi
tại văn phòng tư lệnh, dung súng tự sát để trở về với tổ tiên anh hùng, mới 48
tuổi. Thân làm tướng “thành mất thì tướng phải chết theo thành”, ông không muốn
để cho tấm thân phải bị sỉ nhục bởi quân thù.
Tất cả sĩ quan, binh sĩ và đồng bào nghe tin đó đều không cầm
được nước mắt. Những sĩ quan và binh sĩ còn trung thành với ông đã đưa thi hài
ông qua Quân y viện Phan Thanh Giản, Cần Thơ. Trung Tá Bác Sĩ Hoàng Như Tùng,
Giám đốc Quân y viện Cần Thơ đã lo việc mai táng cho Thiếu Tướng tại Nghĩa Trang quân đội Cần Thơ. Ngày hôm sau 2/5/1975, chị ruột là Nguyễn Khoa Diệu
Khâm từ Saigon đến Cần Thơ dựng
bia mộ. Mấy năm sau (1984), bà con dòng họ cải táng, đưa tro cốt về gởi tại
chùa Già Lam đường Lê Quang Định, Gia Định do Hòa Thượng Thích Trí Thủ... Thiếu
Tướng Nguyễn Khoa Nam ở độc thân, không lập gia đình, tu thân theo tinh thần Phật
giáo, ăn chay, niệm Phật.
Huy chương: Bảo Quốc Huân Chương Đệ Tam Đẳng và các huy
chương đủ loại...
3. Chuẩn Tướng Lê Văn
Hưng (Tư lệnh Phó Quân Đoàn IV)
Sinh ngày 27/3/1933 tại Hốc Môn, Gia Định, cha mất sớm, ở với
mẹ là Trương Thị Đức, trong một gia đình trung lưu, là học sinh giỏi tại trường
Trung học Huỳnh Khương Ninh, Dakao, Saigon, lớn lên trong cảnh chiến tranh, nhập
ngũ theo lệnh Tổng động viện trước Hiệp Định Geneve (20/7/1954), tốt nghiệp sĩ
quan Thủ Đức với cấp bậc Thiếu Úy (1955), phục vụ quân đội dưới thời Tổng Thống
Ngô Đình Diệm từ (1955-1963), chỉ huy từ đại đội đến tiểu đoàn. Năm 1967, Trung
Tá Trung đoàn trưởng Trung đoàn 31 Sư đoàn 21 Bộ Binh. Năm 1968, vinh thăng Đại
Tá. Năm 1970, Tỉnh Trưởng Phong Dinh (Cần Thơ), Năm 1971, Tư lệnh phó Sư đoàn
21 BB rồi lên Tư Lệnh Sư đoàn 5 BB, thăng Chuẩn Tướng (9/3/1972). Ngày
6/4/1972, Việt Cộng bao vây An Lộc (tỉnh Bình Long) Chuẩn Tướng Lê Văn Hưng
dùng trực thăng nhảy dù xuống An Lộc, tử thủ cùng với Đại Tá Trần Văn Nhựt, Tỉnh
Trưởng Bình Long, thời gian bị VC bao vây gần 3 tháng. Cuối cùng Việt cộng bị đẩy
lui. Ngày 7/7/1972, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đến tại mặt trận gắn Bảo Quốc Huân Chương Đệ Tam Đẳng kèm Anh Dũng Bội Tinh với Nhành Dương Liễu, vinh thăng
Chuẩn Tướng thực thụ. Ngoài ra còn thêm huy chương đặc biệt “Bình Long Anh
Dũng”. Trận đánh nổi tiếng nầy khiến cho cả thế giới đều biết “Chuẩn Tướng Lê Văn Hưng, người anh hùng tử thủ Bình Long
- An Lộc”... xem như một trận Điện Biên Phủ thứ 2 trong lịch sử chiến tranh Việt
Nam. Trận đánh đã tiêu diệt hàng chục ngàn lính Việt Cộng. Năm 1973, ông qua
làm Tư lệnh Sư đoàn 21 BB ở Miền Tây. Năm 1974, Tư lệnh phó Quân Đoàn IV dưới
quyền của Thiếu Tướng Nguyễn Khoa Nam.
Ngày 30/4/1975, sau khi được lệnh đầu hàng, ông gặp gỡ, tâm
sự với sĩ quan và binh sĩ dưới quyền, từ giã anh em và gia đình. Ông nói “Tôi bằng
lòng chọn cái chết. Tướng mà không giữ được nước, không bảo vệ được thành thì
phải chết theo thành”. Lúc 8:45 phút tối
30/4/1975, ông dùng súng tự tử tại văn phòng Phó Tư Lệnh, lúc 42 tuổi để lại
người mẹ, vợ và bốn người con: 3 gái, 01 trai. (an táng tại khu đất của gia
đình).
Huy chương: Đệ Tam đẳng Bảo Quốc Huân Chương, Chương Mỹ Bội Tinh Đệ Nhất Hạng, Lục Quân
Huân Chương Đệ I hạng, 28 Anh Dũng Bội Tinh với Nhành Dương Liễu, 3 Chiến
Thương Bội Tinh, Huy chương của Hoa Kỳ tặngv.v.
4. Chuẩn Tướng Trần
Văn Hai
Sinh 1/1925 tại Gò Công trong một gia đình trung lưu, sau
khi học hết chương trình Trung Học, tình nguyện vào Quân Đội,
-1952 tốt nghiệp
khóa 7 Võ Bị Liên Quân Đà Lạt với cấp bậc Thiếu Úy, đã lần lượt giữ các chức vụ: Tiểu Đoàn Trưởng,
-1963, Thiếu Tá Chỉ Huy Trưởng Trung Tâm Huấn Luyện Biệt Động Quân Dục Mỹ (Nha Trang),
-1965, Trung
Tá Tỉnh Trưởng Phú Yên,
-1967 thăng Đại Tá ,
-1968 Đại Tá Chỉ Huy Trưởng Biệt Động
Quân,
- 1968, Tổng Giám Đốc Cảnh Sát Quốc Gia, 7/1970, vinh thăng Chuẩn Tướng
Tư lệnh Biệt khu 44 (vùng Đồng Tháp Mười: các tỉnh Kiến Tường, Kiến Phong, Châu
Đốc, An Giang),
-1972, Tư Lệnh Phó Quân Đoàn II tại Pleiku (Biệt động quân biên
phòng),
-Chỉ huy trưởng Trung Tâm huấn luyện Lam Sơn kiêm Trung Tâm Dục Mỹ,
- Chỉ Huy Trưởng Trường Hạ Sĩ Quan Nha Trang, -1/11/1974: Tư Lệnh Sư Đoàn &
BB... Trải qua các đơn vị, ông được tiếng là một người có tư cách, gương mẫu, tận
tụy phục vụ cho quốc gia. Thời tuổi trẻ, ông đã từng là đảng viên Đại Việt
(cùng người anh là Trần Văn Xuân, Thủ lãnh Thanh Niên Bảo Quốc Đoàn của Đại Việt)
mục đích tranh đấu giải phóng dân tộc khỏi ách thực dân, xây dựng cho đất nước
một chế độ tự do dân chủ. Trải qua các chiến trường, ông chứng tỏ là một cấp chỉ
huy có khả năng và trong sạch. Sĩ quan và binh sĩ dưới quyền ai cũng thương và kính
phục ông.
Ngày 30/4/1975, khi có lệnh buông súng đầu hàng, lúc đó ông
đang ở Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 7 Mỹ Tho, gần Saigon, ông tập họp sĩ quan và binh sĩ,
phổ biến tin tức, cám ơn và từ giã anh em. Ông khuyên mọi người nên trở về nhà
lo cho vợ con, không nên tiếp tục chiến đấu đổ máu vô ích. Ông nói: “Vận nước đã đến hồi như vậy rồi, không làm
gì hơn được”. Khoảng nửa đêm 30/4 gần sáng 01 tháng 5/1975, ông ăn mặc áo quần
chỉnh tề, mang đầy dủ huy chương trên ngực rồi vào phòng chỉ huy của Tư Lệnh Sư Đoàn, uống khoảng 20 viên thuốc hiệu Optalidon (thuốc trị đau nhức đầu của
Pháp) và 1/3 chai rượu nho (rượu lễ của Linh Mục) rồi gục đầu chết trên bàn.
Khoảng 4 giờ sáng, sĩ quan trực mới biết ông đã chết. Sáng 1/5/1975, thi hài
ông được đưa vào quàn tại bệnh xá Sư đoàn 7. Lúc 2 giờ chiều, sĩ quan tùy viên
của ông là Trung Úy Huỳnh Văn Hoa về Saigon báo tin cho vợ ông, bà Phạm Thị
Cúc, ngay sau đó, mẹ và các em của ông thuê xe tang từ Saigon về Mỹ Tho đưa xác
ông về tại bệnh viện Grall (Đồn Đất) đường Nguyễn Du, Saigon. Việc khâm liệm hoàn
tất vào lúc 8 giờ tối. Sáng hôm sau, 2/5/1975, an táng tại Nghĩa trang chùa
Vĩnh Nghiêm, Saigon. Tôi có người bạn, ngày xưa là Trương Ty Cảnh Sát dưới quyền
ông, nghe tin vội chạy đến bệnh viện Grall, chứng kiến tận mắt cảnh thi hài ông
nằm trên giường, mặc áo quần sĩ quan cấp tướng, ngực mang đầy huy chương. Anh bạn
tôi nói: “Những hạng người như thế trên đời nầy dễ gì có được” rồi anh bật
khóc.
5. Chuẩn Tướng Lê
Nguyên Vỹ (Tư lệnh Sư đoàn 5 BB)
Sinh ngày 22/8/1933, cha: Lê Nguyên Liên, mẹ: Lê Thị Huệ, trong một gia đình Nho học, danh giá tại thị
xã Sơn Tậy. Họ Lê nhiều người đỗ đạt, đã từng giữ chức vụ lớn trogn chính quyền
quốc gia như Trung Tướng Lê Nguyên Khang, v.v. Chuẩn tướng Lê Nguyên Vỹ là con
đầu lòng trong một gia đình gồm 2 em gái cùng mẹ và một em trai cùng cha khác mẹ,
hiện còn ở Việt Nam. Năm 1951, học hết trung học tại Hà Nội, ông trúng tuyển
khóa 2 Lê Lợi, trường Võ Bị địa phương Huế (thường gọi là trường Hạ Sĩ Quan Đập
Đá), Năm 1953 theo học Khóa Huấn Luyện
Biệt Kích tại Bãi Cháy, Hưng Yên, lên Trung Úy thuộc tiểu đoàn 19 BVN do đại Úy
Đỗ Cao Trí chỉ huy (1970 là Trung Tướng). Năm 1954, tiểu đoàn 19 BNVN trở thành
Tiểu đoàn 6 Nhảy Dù, ông được chọn du học khóa Nhảy Dù tại Pau (Pháp). Năm 1955
đánh nhau với Bình Xuyên tại trường Petrus Ký Saigon, bị thương. Năm 1956, vinh
thăng Đại Úy, Quận trưởng Bến Cát (Bình Dương). Năm 1965 lên Thiếu Tá. Năm
1968, Trung Tá Trung đoàn trưởng trung đoàn 8 Sư đoàn 5 BB. Năm 1970, Đại Tá,
du học Mỹ, trở về làm Tư lệnh phó Sư đoàn 5 BB. Năm 1972, phụ tá Chuẩn tướng Lê
Văn Hưng tại trận An Lộc. Ông là người đầu tiên sử dụng M.72 hạ xe tăng Việt Cộng
tại mặt trận Bình Long-An Lộc, từ đó binh sĩ thêm tin tưởng vào loại vũ khí mới
nầy. 1973 Đại Tá Tư lệnh phó Sư đoàn 21 dưới quyền chỉ huy của Chuẩn tướng Lê
Văn Hưng. Ngày 01/11/197 đặc cách ân thưởng Đệ Tam Đẳng Bảo Quốc Huân Chương với
Anh Dũng Bội Tinh nhành Dương Liễu, một tuần sau lên Tư lệnh Sư đoàn 5 BB. Ngày
1/11/1974, vinh thăng Chuẩn tướng.
Ngày 30/4/1975, Chuẩn Tướng Lê Nguyên Vỹ đã tự tử sau khi được
lệnh đầu hàng...Theo Trung Tá Văn, Tham mưu phó Chiến Tranh Chính Trị Sư đoàn 5
BB kể lại cho ông Lê Nguyên Hoàng (anh con bác của Chuẩn Tướng Lê Nguyên Vỹ) giờ
phút cuối cùng của Chuẩn tướng Vỹ như sau:
Ngày 30/4/1975, khi nghe tin Dương Văn Minh tuyên bố đầu
hàng thì Chuẩn Tướng Lê Nguyên Vỹ họp sĩ quan, binh sĩ Sư đoàn 5 lại và nói: “Mặc
dù có lệnh trên nhưng tôi cương quyết không đầu hang. Tôi sẽ có cách tự xử
riêng với tôi. Anh em ai lo thân nấy, chạy được thì chạy”.
Trong khi bên ngoài, VC bắc loa kêu gọi đầu hàng thì ông vẫn
bình tĩnh và ra lệnh cho nhà bếp tổ chức một bữa tiệc mời anh em. Sau khi ăn uống
no say, ông đứng dậy và đi vào phòng bên cạnh. Lát sau, có tiếng súng nổ, mọi
người chạy vào thấy ông ăn mặc quân phục chỉnh tề, mang huy chương và quân hàm
Chuẩn tướng nằm chết trên giường. Ông đã dùng súng bắn xuyên cằm lên đầu tự tử.
Lúc đó khoảng 12:30 chiều ngày 30/4/1975.
Tất cả các sĩ quan đều có mặt khi Việt Cộng vào. Tướng chỉ
huy của VC thấy như vậy, đã nói: “Đây mới xứng đáng là con nhà tướng”.
Anh em đem chôn ông tại
sân Bộ Tư Lệnh bên cạnh cột cờ, nhưng VC không cho. Cuối cùng phải đem chôn
trong vườn cao su ở bên ngoài đồn.
Trong lúc chiến trận xảy ra thì vợ con ông đã chạy theo dòng
người di tản ra ngoại quốc. Hai ngày sau khi ông chết, 2/5/1975, người vợ của Trung Tá Phan Mạnh Tuân (anh ruột bà Lê Nguyên Vỹ) đi gặp Việt cộng, nói dối là vợ của
ông Lê Nguyên Vỹ , xin nhận xác chồng về chôn. Bà con đã đào mộ cũ lấy xác đem
về chôn ở Hạnh Thông Tây, có lập bia mộ rõ ràng. Năm 1987, bà mẹ của ông, đã
ngoài 80 tuổi, và anh em của ông từ Sơn
Tây vào cùng ông Lê Nguyên Hoàng (Trung Tá VNCH vừa đi tù cải tạo về) đi cải táng,
lấy cốt của Chuẩn Tướng Lê Nguyên Vỹ đem thiêu để mang về quê nhà, thị xã Sơn
Tây. Ông Lê Nguyên Hoàng đã quan sát kỹ thấy sọ của Chuẩn Tướng có vết đạn
xuyên qua. Hiện nay, bà con dòng họ ở ngoài Bắc đã xây lăng mộ cho Chuẩn Tướng
tại quê nhà. Vợ con của ông hiện đang sống ở Mỹ. Hoàn cảnh gia đình, năm 1954,
mẹ và anh em đều ở lại Miền Bắc, chỉ có ông Lê Nguyên Vỹ theo đơn vị vào Nam và
lúc đó đang đi học về Không Quân tại Pau (Pháp). Chúng tôi viết lại mấy dòng nầy
qua lời kể của Trung Tá Lê Nguyên Hoàng, hiện đang sinh sống tại thành phố
Garden Grove, California, USA
Kết luận: Nhân ngày Quốc Hận 30/4/1975, chúng tôi xin đốt
nén hương tưởng niệm các bậc anh hùng “sinh vi tướng, tử vi thần” và những sĩ
quan, binh sĩ cũng như những người yêu nước và đồng bào vô tội đã chết trong
ngày 30/4/1975 và trong suốt cuộc chiến chống lại cộng sản từ 1945 đến nay. Sau
ngày 30/4/1975, máu của những người yêu nước vẫn còn đổ ra trong các cuộc tranh
đấu cho tự do, dân chủ và nhân quyền. Gương trung dũng của quý vị là gương sáng
cho muôn đời noi theo.
(bài nầy đã viết cách nay gần 20 năm, và đã được bổ túc vào
tháng 4/2015)
Nguyễn Lý Tưởng