Thứ Năm, 8 tháng 2, 2018

Ám Ảnh Tết Xưa - Hoàng Thy Tuyết


              Ám Ảnh Tết Xưa
Từ dạo sang đây đến nay, tôi vẫn giữ lại những thói quen thường nhật cho chính mình sau một đêm dài say ngủ. Khi bừng mắt thức giấc, công việc đầu tiên của một người Kitô giáo là quỳ dậy, chấp tay lên ngực, đọc lời cảm tạ tri ân Thiên Chúa đã ban cho mình đêm qua an lành cùng dâng lên Ngài lời cầu nguyện cuộc sống trong ngày đang tới; rồi bước xuống khỏi giường với tay kéo những bức rèm che cửa sổ của ngôi nhà đang trú ngụ, đưa mắt ngắm mây trời một thoáng, thầm thì gửi lời chào một ngày mới đẹp tươi.

Và hôm nay, trời quang mây tạnh; mặt trời lấp ló đã lên kìa, hy vọng một ngày ấm áp giữa mùa Đông buốt giá nơi này lại đến để sưởi lòng tôi ấm lại mà nghĩ tới những ngày cuối năm nơi quê nhà xa xăm - nơi mà mọi người đang rạo rực đón Xuân sang, trong đó có cả hàng trăm người mà mình quen biết thân thương...
"Phút giao mùa ngây ngất đêm ba mươi;
Nhớ biết mấy những ngày Xuân đầm ấm..."
Cứ ngỡ Xuân Hạ Thu Đông - bốn mùa - luân phiên trong vũ trụ với bao sắc màu đẹp mê hồn nhân thế! Những nồng nàn yêu thương đầm ấm của gia đình, bà con thân thuộc sẽ vùi lấp tất cả nỗi ám ảnh kinh hoàng của chiến tranh mà tôi một thời không may chung sống cùng vận nước nổi trôi trong điêu tàn.
Nhưng không, những nỗi ám ảnh kinh hoàng ấy nay gặp cơ duyên bừng bừng sống lại. Cả tuần nay, tôi tự kềm chế bằng mọi cách, khỏa lấp, cố khỏa lấp, điền vào sự sợ hãi bằng những hình ảnh trân quý của gia đình và tình yêu thương của con cháu cộng thêm những kỷ niệm ngọc ngà bên bằng hữu. Mà sao không được, tôi phải ngồi vào đây, dàn trải ký ức, may chi cái nặng nề trong lòng sẽ vơi đi, cả nhà nhé!
Vốn ham đọc tin tức từ quê nhà, nhất là bóng đá U23 VN vừa mang vinh quang về cho đất nước, lòng tôi rộn ràng hả hê tràn ngập yêu thương, bất chợt đọc đến tin: "Chào mừng Kỷ niệm 50 năm Tổng Tấn Công Xuân Mậu Thân." Tim tôi thót lại, rồi đập mạnh thình thịch, mồ hôi tự nhiên vã ra, tay chân bủn rủn.
Thế là cả tuần nay, những cơn ác mộng lại quay về trong giấc ngủ hằng đêm! Hội chứng chiến tranh lại thêm một lần nữa về với tôi mất rồi!!
Ôi thời gian, thời gian! Mới đó mà đã 50 năm, đúng 1/2 thế kỷ qua đi, và tôi may mắn còn ngồi đây với bao hồi ức của tuổi thiếu niên trong thời bom đạn chiến chinh của quê hương Việt Nam khói lửa, đặc biệt Tết Mậu Thân. Tôi nhớ rõ như in một cuộn phim buồn chiếu chậm hôm nay trên xứ người.

Chiều 30 Tết năm đó, tôi thấy ông ngoại các cháu (cha tôi) treo ngay cửa chính một khung ảnh lớn có hình Thánh Giuse, tôi hiểu ngay điều này vì người Thiên Chúa giáo có niềm tin trông cậy vào sự che chở của Ngài cho mọi hoàn cảnh trong đời sống! Và y như rằng mọi sự được hiển linh đó, các bạn ạ!
Thông thường, có mấy ai không rạo rực với giấc ngủ đêm ba mươi! "Còn đêm nào vui hơn đêm ba mươi!" Mọi việc trong nhà hầu như hoàn tất, ngoài sân cổng ngõ được quét vôi trắng, trên bàn thờ nến và hoa tươi đẹp hơn ngày thường, anh chị còn bày biện mứt bánh, trà rượu lên bàn ngay ngắn, có cả khay cau trầu của Mạ têm tươm tất chờ đón khách đầu năm. Bánh tét được vớt sớm từ chiều, tôi và thằng em trai mỗi đứa được cho một đòn nhỏ, ôm hoài trong người ngay cả khi lên giường, cẩn thận mở cái nắp hộc đầu giường bỏ vô; đòn bánh đặt kế bên cạnh đôi dép mới chị mua cho mấy hôm trước đang cất kỹ trong đó, dặn lòng chỉ mang khi đi lễ minh niên thôi! Chao ơi, trân quý đôi dép mới đến thế là cùng! Nhưng bánh để cạnh dép có mất vệ sinh không, các bạn? Mạ thấy vậy, không hề trách mắng, chỉ nhìn con rồi tủm tỉm cười.
Và rồi bao háo hức đêm 30 Tết cũng chìm vào giấc ngủ thần tiên của tuổi thơ… Tôi bỗng giật mình thức giấc khi trời chưa sáng với những tiếng đấm cửa thình thịch nhà sau, cùng với tiếng gọi tên cha tôi một cách hốt hoảng: "Bác H ơi! Bác H ơi! Nguy rồi, nguy rồi! Việt Cộng về sau xóm rồi! Mở cửa, mở cửa, chạy… chạy…, Bác ơi!"  Tôi như ngáo ộp, lơ mơ còn ngái ngủ, nhìn qua, thấy Mạ ngồi run lập cập, em trai đang ngủ say, nhìn ra phòng khách thấy cha tôi, vừa đi ra cửa vừa cài khuy áo dài thụng đen, còn anh trai hoảng hốt khoác vội vào người chiếc áo xanh đồng phục của mấy anh "Diệt Trừ Sốt Rét" thời đó - áo có in hai chử US bên túi trái trước ngực; chị dâu ôm hai cháu vào lòng chạy ra đưa cho mệ nội (mạ tôi) bớt một đứa rồi ngồi chụm lại với nhau, lo sợ, im lặng; chỉ có bác Sọi nói oang oang như thông báo, rồi bác lại tiếp tục chạy qua nhà khác bên xóm.
Tiếng súng nổ liên hồi càng lúc càng gần hơn! Cả nhà lo rối lên, vì nhà chỉ có cái hầm làm kiểu dã chiến - cái hầm xây hỏng lên mặt đất, phía trên, cha tôi gác sơ sài mấy tấm ván ngựa và thả lên đó ít đồ đạc đơn sơ! Bốn bức tường hầm, dù thấp, cứ rung rinh đưa qua đưa lại nhè nhẹ như cái võng đong đưa khi có tiếng nổ xa xa.
Cả nhà đang ngồi núp trong hầm, bỗng đâu một tiếng nổ chát chúa ngay trên nhà, inh cả tai, đồ đạc nghe rơi loảng choảng, tung tóe khắp nơi. Cùng lúc, từ đâu đằng sau vườn, có bốn thanh niên lạ mặt, tay cầm súng, lăm lăm chạy vô nhà, trong đó, một người không có súng, chỉ đeo ở thắt lưng mấy quả đạn, hình giống như cái chày giã tiêu ớt, sau này tôi mới biết đó là lựu đạn chày! Anh này đi chân trần, mặt mày bôi đen, vừa bước vào nhà, anh ta vung tay nắm lấy cổ áo cha tôi và quát to bằng tiếng địa phương Quảng Trị quê mình: "Ông già này “chiêu hồi” hả? Bắn bỏ!"  Nghe mà tóa hỏa tam tinh, chỉ thoang thoáng hiểu là cha mình sẽ bị giết, tôi tự nhiên khóc òa… Ngược lại, cha tôi, lúc đó, thật điềm đạm trả lời: "Không phải vậy, thưa anh, tôi là dân địa phương nơi đây, sinh sống từ xưa đến nay ở trong ngôi nhà này… Tôi đang chuẩn bị đi lễ đầu năm!"  May ơi là may! Anh ấy buông tay xuống, cả nhà thở phào. Thì ra khi nghe bác Sọi thông báo, cha tôi đã chuẩn bị tư tưởng để đương đầu với tình huống bất trắc, nên mới mặc chiếc áo dài vào. Tuy nhiên, một nỗi lo khác là khi nhìn lại không thấy anh trai đâu, anh chạy thoát thân tự lúc nào  mà cả nhà không hay!
Tiếp đến, họ dìu vào nhà một người bị thương ở chân, đặt nằm xuống sàn bếp, anh này xanh léc - có vẻ mất máu nhiều; anh nói khẽ như rên:
"Khát nước quá, khát nước quá!" Giọng nói nghe như giọng trong đài phát thanh Hà Nội; lúc đó ngây thơ, tôi chưa biết đó là bộ đội miền Bắc vào Nam chiến đấu.
Lát sau, một người khá cao, mặc bộ kaki màu vàng sậm, quần cộc, giày vải, đầu đội mũ cối xanh, hông đeo súng ngắn, bước vào, ngồi xuống một bên anh thương bệnh binh. Thay vì cho uống nước, người đeo súng ngắn cố động viên người bị thương bằng cách rút trong túi ra một quyển sổ nhỏ và đọc như ngâm thơ, tôi nghe dài lắm nhưng không hiểu gì, chỉ nhớ có mấy từ lặp đi lặp lại ba bốn lần sau cùng: "Hồ Chí Minh muôn năm…!!!" Thương bịnh binh này vẫn kêu gào xin nước! Anh đeo súng ngắn trả lời vỗ về: "Đồng chí nằm yên, trời tối sẽ đưa đi!"
Bom đạn vẫn chưa buông tha, tiếp thêm một tiếng nổ vang trời, chớp sáng, nổ tung tóe trên chòm cây nhà tôi như sét đánh. Sau này người ta bảo đó là ca-nông chơm, loại đạn ca- nông nổ trên không và re vô số mảnh găm xuống phần không gian phía dưới, trúng ai, trúng gì thì rán chịu!
Đến nước nầy, không ai bảo ai, cả nhà bỏ chạy qua nhà mệ Hường bên xóm – nhà tôi và nhà mệ rất thân thiết nhau, vui buồn đều chia sẻ, hai nhà cách nhau mảnh vườn nho nhỏ, nhà mệ lại có hầm trú ẩn rất vững. Cả nhà tôi kéo nhau chạy vô theo đường bếp, bất ngờ thấy một thanh niên thật trẻ, tầm 18, 19 tuổi thôi, ôm súng và ngồi nép bên thành chuồng heo nhà mệ. Cả hai nhà nhét kín vô cái hầm hai lớp bao bố cát, bắt đầu đọc kinh, tiếng kinh cầu nghe râm ran, dội vang, như kêu gào thảm thiết lên Ngai Chúa, xin Ngài xót thương che chở cho hai gia đình. Bỗng ở ngay cửa hầm, xuất hiện, từ đâu, thêm một người ngồi án ngữ đó, bên cạnh là một mớ lựu đạn chày! Cảnh tượng rùng rợn quá! Sự bất an đong đầy thêm trong khóe mắt của những người thân! Rồi một loạt đạn từ phía sau nhà xé toang cánh cửa bếp, âm thanh sắc như gươm, nghe rít rợn người; cậu thanh niên núp bên bờ chuồng cũng nhào vô hầm, ôm cả súng; mệ Hường muốn nhào ra khỏi hầm. Khổ nỗi, cái cửa hầm quá nhỏ, mà hai người, cùng một lúc, kẻ muốn vô, người muốn ra, không ai nhường ai; lại thêm, mùi phân chuồng dính vào giày cậu thanh niên này bốc lên mùi hôi nồng nặc! Ôi thôi không chịu nổi, mệ Hường hét toáng lên: "Cho tui ra, cho tui ra rồi ai mần chi thì mần, chạy… Ô ông Mệ ơi!" Cả hai nhà ùa ra khỏi hầm, theo đường mòn của xóm, cúi đầu chạy, bỏ qua nhà ông Dưỡng, mệ Ơn, mệ Mẹo, bác Nghĩa rồi mới tới ngang nhà ông Trung. Vừa chạy lon xon, tôi vừa đưa mắt nhìn hai bên đường, thấy có lính nhảy dù đang khi ẩn khi hiện, một tay cầm súng, một tay đưa lên khoát khoát ra hiệu cho dân chạy qua nhà thờ Long Hưng; trớ trêu là nhà thờ Long Hưng cũng còn khá xa, lại phải chạy qua cánh đồng nữa, súng đạn hai bên đang đua nhau xả vèo vèo! Ôi nhớ lại, tôi vẫn còn quá kinh hoàng; đúng là dân chạy loạn giữa hai làn đạn đang xâu xé lẫn nhau.
Lúc đó, cha tôi bảo bà con chạy vào nhà ông Trung núp tạm rồi tính sau, cả đoàn người chạy vô, nhà ông Trung rộng mênh mông, tôi ngồi ngay một góc nhà, thấy có cái nia trên sàn, tôi quơ nhanh tay, lấy nia, che một góc trước chỗ ngồi và xem đó như một nơi an toàn! Nghĩ lại, nực cười thật! Ngồi đó cũng chưa yên, lính nhảy dù bắt buộc dân phải di tản lên nhà thờ.
Thật ngạc nhiên khi chạy đến giáo đường Long Hưng thì thấy cảnh vui như hội, bà con làng xóm đã đông đủ từ sớm, và có vẻ an bình hơn dưới xóm! Gia đình tôi may mắn được bác Xạ Danh mời vô ở chung nhà, và cho xuống căn hầm kiên cố, ăn ngủ ngay trong căn hầm đó. Bác Xạ là người đứng ra xây dựng giáo đường Long Hưng và cũng là bạn thân của cha tôi.
Một đêm an lành trôi qua. Sáng hôm sau, thức giấc không còn nghe tiếng súng rền như hôm qua, người người hoan hỉ chia sẻ cho nhau biết tin, mọi sự đã kết thúc, lính nhảy dù đã làm chủ tình hình và dân chúng có thể trở lại nhà của mình; mọi người lục đục kéo nhau về; hôm qua chạy như bay, hôm nay quay về ai cũng chùn bước e dè, có lẽ nỗi lo sợ chưa tiêu tan hẳn.

Thời gian đã qua thật lâu, nhưng cảm xúc trở lại ngôi nhà sáng mồng hai Tết Mậu Thân 1968 năm xưa không chút phai mờ trong tôi hôm nay!
Đến đầu ngõ, thấy người người xôn xao, họ tập trung đến khu nhà xóm tôi; tò mò, tôi lách người, chạy vội xem sao? Một cảnh hoang tàn hiện ra trước mắt, những căn nhà cháy rụi, khói còn nghi ngút; trên mấy nền nhà, đây đó mấy bộ xương người đen thui, cong queo, tội nghiệp! Nhà tôi may mắn không bị cháy! Nhưng tôi bàng hoàng hơn, khi bước vào nhà, thấy mọi người, vì hiếu kỳ, tham quan chiến tranh tàn phá nhà tôi như đi du lịch sinh thái hôm nay vậy. Tôi nhìn lên mái nhà như cái rổ thưa bị hư chưa vá, tường chằng chịt những mảnh đạn còn găm; kinh hoàng hơn là một thanh niên chết, nằm vắt ngang lên cái bàn đón Tết hôm qua, mùi tanh của máu pha mùi thuốc súng còn vương vãi quanh phòng khách mà giờ tôi vẫn còn cảm nhận được!
Tôi đứng đó, nhìn ngôi nhà mình xa lạ, cái bàn học của chị em tôi bên góc cũng rách nát tả tơi, sách vở tung bay như truyền đơn tàu bay thả trong nhà. Tôi đứng đờ người, không cảm xúc, cũng không còn biết sợ thây ma xa lạ kia đang nằm ngay trong nhà. Tôi đang tựa vào cánh cửa, thẫn thờ, thì bỗng tôi nghe tiếng cha tôi đang nói với ai đó: "Có con trai cậy nhờ vào những lúc như vầy đây." Tôi quay phắt ra, bàng hoàng cực độ, khi thấy anh trai và cha tôi đang khiêng xác người thanh niên hôm qua được đồng đội – có lẽ là cán bộ - ngâm thơ vỗ về, đang nằm như ngủ đặt lên một tấm ván rồi tròng vào hai sợi gióng sắt. Với hình thức di chuyển như vậy, cha và anh tôi đã đưa tất cả ba thanh niên đang tuổi xuân đi vào lòng đất mẹ - các anh đã từ biệt tất cả tình thân thương còn vướng lại trên cõi đời mà lặng lẽ ra đi giữa một đêm Xuân Tết Mậu Thân!
Chưa hết. Nhìn ra đường, tôi thấy thi thể một lính nhảy dù cũng đang tuổi thanh niên tràn trề nhựa sống đã nằm xuống im lìm nơi chốn xa xăm của miền địa đầu giới tuyến; anh lính này may mắn hơn sẽ được các chiến hữu đưa về với người thân trong nay mai. 
Suy cho cùng, nỗi đau xót mất người thân của hai miền Nam Bắc không ai hơn ai và chiến tranh muôn đời là đáng nguyền rũa!
Thế là sau đó, cứ mỗi khi Tết về, chị em nhà tôi, thay vì vui vẻ đón Xuân như xưa, thì được mạ lo cho mỗi đứa một hành trang mới: đó là một bao cát trong đó có dăm ba bộ áo quần, ít ra cũng hai đòn bánh tét, thêm một ít mứt bánh, với bao lời dặn dò chu đáo, để phòng chiến tranh về như Tết Mậu Thân.

Nay Thánh Đường Long Hưng trở thành khu di tích lịch sử, hoang tàn, đổ nát, rong rêu, trông buồn hiu nằm chơ vơ bên vệ đường Quốc Lộ 1. Mỗi lần có dịp quay về, tôi như đang gặp lại bao người thân quen trong giấc mơ xưa với bao thương nhớ vơi đầy.
Nắng vàng xuyên qua khung cửa sổ, đẹp lung linh, tôi quay về thực tại, bước ra khỏi giấc mơ hãi hùng của Tết Mậu Thân để cùng chồng, con, cháu như tổ chim sẻ tung bay đón Tết tha hương thật nhiều sắc màu của tuổi “xuân già” đượm mùi chín mộng yêu thương, cả nhà nhé!
Hoàng Thy Tuyết
04/02/2018





Không có nhận xét nào: