Năm Tuổi Của Em (*)
Nửa đêm gà gáy, tiếng chim kêu
Giặc đến đầu thôn, bắn giết nhiều.
Năm đó em sinh: thời loạn lạc,
Vườn hoang nhà trống cảnh tiêu điều.
Quân Pháp dàn quân ở Hải Phòng,
Thanh niên tiền tuyến quyết xung phong.
Hy sinh xương máu cho ai nhỉ?
Lũ khỉ vô rừng chẳng uổng công!
Chiến khu là chốn để nương thân,
Giặc đến thì ai cảnh nợ nần ?
Cộng Sản vẫn còn sau chiến trận,
Tha hồ vơ vét của nhân dân.
Hô hào kháng chiến bấy nhiêu năm?
Đất nước chia hai, cảnh tối tăm.
Nhà cửa ruộng vườn đành bỏ lại,
Lên tàu vượt biển chạy vô Nam.
Hai chục năm sau, năm bảy lăm,
Vượt biên, vượt biển, chốn rừng thâm...
Anh đi cải tạo, tù lao động,
Em vẫn nuôi con, lạnh chiếu nằm.
Năm nay em đã bảy mươi hai,
Năm tuổi của em, có phát tài?
Tuổi thọ trời cho ngoài thất thập,
Làm sao em giữ trọn hình hài!
Nguyễn Lý Tưởng
(04 tháng 2 năm
2018)
(* Tuổi Bính Tuất 1946- Mậu Tuất 2018)
Bài thơ này tôi viết cho một người bạn sinh năm 1946 là năm Hồ Chí Minh rước Pháp vào 5 thành phố lớn của Việt Nam... để Pháp thương lượng với Tưởng Giới Thạch cho quân Tàu rút khỏi Việt Nam (quân Tàu vào VN tước khí giới của Nhật sau khi Nhật đầu hàng. Lúc đó các đảng phái cách mạng Việt Nam theo quân Tưởng Giới Thạch từ bên Tàu trở về Hà Nội... đối lập với Việt Minh do Hồ Chí Minh lãnh đạo). Pháp đóng tại Hải Phòng, Hà Nội, Nam Định, Huế, Đà Nẵng... một cách hợp pháp... Ngày 19/12/1946, Hồ Chí Minh ra lệnh toàn quốc kháng chiến (sau khi đã cho thiếp lập các chiến khu ở vùng rừng núi và bộ đội Việt Minh đã rút lui vào đó an toàn)... Toàn dân Việt Nam và những người yêu nước nhất là thanh niên tay không hoặc với vũ khí thô sơ... đã tấn công vào quân Pháp... Việt Minh tuyên truyền: đó là công lao của đảng Cộng Sản, xương máu của toàn dân đã đổ ra là của Đảng Cộng Sản, của Việt Minh..."Việt Minh cướp công của người Việt Nam yêu nước."
NLT (ngày 04 tháng 2 năm 2018)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét