Thứ Bảy, 22 tháng 8, 2020

Tổ Chim Sáo - NLT

                        Tổ Chim Sáo

(Truyện ngắn của NLT)


     Thằng Diệu, cháu mụ Hảo, có một con chim sáo thật khôn. Mình nó màu đà, chân vàng, mỏ viền vàng, với đôi mắt thật tinh anh. Chim sáo nói được, nó đi theo thằng Diệu suốt ngày, khi thì nó đậu trên mình trâu, khi thì nó đậu trên vai thằng Diệu. Diệu bắt châu chấu cho sáo ăn. Diệu tập cho sáo nói: "Mạ đi chợ về", "Chào bác", "Diêu ơi Diệu!", "Mệ ơi! Mệ!"... Thấy chim sáo chạy nhảy tung tăng trên dám cỏ, trên ruộng, trước sân nhà...tôi rất thích. Tôi cứ đi theo thằng Diệu và ngắm nghía chim sáo mãi...

     Thằng Diệu ở với mụ Hảo là mệ ngoại của nó. Tên của mụ là gì thì tôi không biết, nhưng ở quê tôi người ta thường lấy tên con để gọi thay cho cha mẹ. Chẳng hạn, con tên là Hảo thì người ta gọi mẹ chị Hảo là mụ Hảo.

     Mụ Hảo không có cha mẹ anh em gì hết, mụ là đứa trẻ mồ côi. Mụ ra đời vào năm 1885, năm kinh thành Huế thất thủ, Tôn Thất Thuyết phò vua Hàm Nghi chạy ra Quảng Trị và nhân danh vua truyền "Hịch Cần Vương", "Bình Tây Sát Tả". Sau đó bọn người quá khích đã kéo nhau đến bao vây các làng theo đạo Công Giáo, đốt phá, chém giết dân lành vô tội. Ngày 8 tháng 9 năm 1885 tức ngày 30 tháng 7 năm Ất Dậu, dân làng tôi bị thiêu sát tập thể, không phân biệt già trẻ, trai gái. Cha mụ Hảo chết trong trận đó... Mụ Hảo lớn lên trong cảnh mồ côi và gặp được một người chồng cùng cảnh ngộ, ông Nguyễn Văn Mới. Ông được bà Cai Cơ đem về nuôi để làm con lập tự vì bà Cai không có con trai nối dòng. Nhưng ông không chịu lo làm ăn nên bị bà Cai đuổi đi và chọn người cháu khác trong họ để nuôi. Sau đó ông lập gia đình với mụ Hảo.

     Chồng chết sớm, mụ Hảo ở với vợ chồng người con gái. Anh ấy mồ côi cả cha lẫn mẹ, nên xem mụ như mẹ ruột. Gia đình đó gồm có mụ Hảo, vợ chồng người con gái và mấy đứa cháu. Họ ở trong một cái lều tranh thấp thỏi, nhỏ bé, chỉ bằng cái nhà bếp của người ta mà thôi.

     Cả nhà mụ đi làm thuê, cuối ngày ngữa nón ra lãnh mấy lon gạo đem về nuôi cháu. Biến cố năm 1885, dòng họ nhà tôi chỉ còn sống sót được mấy người, nên ông nội tôi phải gánh vác công việc của cả gia tộc, quản lý ruộng vườn và nuôi mấy người cháu mồ côi, lo mồ mả tổ tiên, giỗ chạp... Sau khi ông tôi chết, bà tôi và các con tiếp tục công việc ruộng vườn, và tạo dựng thêm nhà cửa, đất đai, trâu bò. So với trong làng  thì gia đình tôi cũng thuộc vào hàng khá giả. Cha mẹ tôi cho mụ Hảo nuôi một con trâu nái, nếu trâu sinh được hai con thì phần mụ một con. Khi nào đến mùa cày bừa thì cha mẹ tôi huy động trâu bò về làm việc mấy hôm cho kịp thời vụ. Thằng Diệu giữ con trâu đó. Nhà mụ lại ở cạnh nhà tôi, nên tôi thường qua chơi với thằng Diệu. Thật ra, tôi chỉ vì say mê chim sáo của nó mà thôi.

     Chim sáo đó có tài bắt chước tiếng người, tiếng chuông nhà thờ, tiếng sáo trúc, tiếng nhạc... Tôi ước mơ có được một con sáo như thế.

     Một hôm, tôi gặp thằng Diệu dẫn trâu đi tắm, tôi năn nỉ nó bán cho tôi chim sáo. Nó không chịu... Lúc đó tôi chưa có sẵn tiền và cũng chưa biết lấy gì để đổi cho nó. Nhưng tôi cứ nói ý định của mình để xem thái độ của nó ra sao. Dù cả nhà nó mang ơn cha mẹ tôi, nhưng khi nói đến chim sáo thì nó phủi ơn ngay. Nó cho rằng chim sáo của nó giá trị hơn cả tài sản, nhà cửa, ruộng vườn của cha mẹ tôi đang có. Tôi nhờ mụ Hảo nói giúp cũng không được. Diệu quý chim sáo hơn cả mạng sống của nó. Cha mẹ nó cũng về phe với nó. Họ thương con và không nỡ cướp mất chim sáo của con. Người dân quê nghèo chỉ biết sống với tình cảm. Một con sáo không là gì cả, nhưng đó là gói ghém tất cả tình cảm của họ. Tôi nghĩ rằng nếu chim sáo chết, chắc thằng Diệu cũng sẽ chết theo.

     Năm 1945, Việt Minh lên cướp chính quyền được ít lâu thì cha tôi bị chúng bắt giam tại lao xá Quảng Trị cùng cụ Phó bảng Lê Nguyên Lượng, cụ Tuần Vũ Nguyễn Văn Thơ, cụ Hoàng Trọng Thuần, cụ Tú Mân. Sau  khi chính phủ liên hiệp Hồ Chí Minh ra đời, những thành phần đối lập với Việt Minh bị giam giữ được tự do. Cha tôi và các đồng chí được trở về với gia đình.

     Tết năm 1946 (Bính Tuất), trời rét đậm, cha tôi phải đi qua hai cánh đồng mới đến làng Xuân Thành để ăn giỗ tại nhà cụ Phó Bảng. Giỗ xong, cụ Phó Bảng họp đồng chí vào ban đêm ở giữa cánh đồng hoang vắng. Cha tôi nhận công tác đứng ra lập đệ tứ khu của Quốc Dân Đảng, tích trữ lương thực khí giới để dánh Tây và cũng để tự vệ.

     Tết năm 1947 là một cái Tết đau buồn nhất cho gia đình chúng tôi và cho toàn thể đồng bào trong tỉnh Quảng Trị. Nghe tin quân Pháp sắp đổ bộ, từng doàn lính Việt Minh kéo nhau đi qua làng tôi để ra phía bắc... Mỗi người lính Vệ Quốc Đoàn đều giắt lá cây trên người để ngụy trang, người thì đi giày, người thì mang dép lốp xe hơi, người thì đi chân đất. Họ không có áo quần đầy đủ, quân phục được may bằng vải thô sơ, màu xanh lem luốc trông như màu cứt ngựa. Năm đó cha tôi bị Việt Minh bắt, nên trong nhà không ăn Tết. Ai cũng lo sợ chiến tranh.

     Khoảng mười ngày trước Tết, quân Pháp từ hai ngã kéo vào tỉnh lỵ Quảng Trị. Một toàn từ Đà Nẵng ra Huế rồi ra Quảng Trị, và một toán từ Lào qua đường Lao Bảo, Khe Sanh kéo về Đông Hà, Quảng Trị. Tàu Pháp từ Cửa Việt lên Đông Hà, pháo kích vào các vị trí chiến đấu của Việt Minh. Không có tiếng súng kháng cự, Việt Minh rút vào rừng và tản ra các vùng quê để tránh đụng độ vì lực lượng của Pháp quá mạnh trong khi Việt Minh thì không có đủ vũ khí đạn dược. Đám Dân Quân Tự Vệ chỉ có gươm giáo mà thôi.

     Tiếng súng rất gần, trời rét như cắt thịt, chim én bay vào nhà... Mẹ tôi đốt một lò than hồng để cho cả nhà sưởi ấm.

     Ngày đó tôi mới sáu, bảy tuổi chưa biết gì... Nhưng thấy mẹ tôi đầy lo lắng, buồn khổ nên tôi cũng buồn lây. Nếu lỡ ra có lúc gặp bạn bè, chúng tôi vui cười với nhau thì mẹ tôi tỏ ý không bằng lòng. Tôi hiểu rằng Việt Minh bắt cha tôi đi lần nầy chắc người sẽ không bao giờ còn sống mà trở về, nên gia đình tôi xem như cha tôi đã chết và chúng tôi sống trong hoàn cảnh tang tóc, phải có bộ mặt buồn rầu theo phong tục xưa. Thật sự tôi rất buồn vì xa cha, tôi là con út, sau hơn mười năm mẹ tôi bệnh hoạn không sinh đẻ được. Cha tôi thường đi cầu nguyện tại đền thờ Đức Mẹ La Vang là nơi rất linh thiêng để xin cho mẹ tôi có được một người con trai. Cha tôi và anh cả của tôi đều bị Việt Minh bắt. Lần nầy không biết chúng giam cha và anh tôi ở đâu, hoàn toàn không có tin tức nên xem như cả hai cha con đã bị chúng thủ tiêu rồi.

     Khắp trong vùng quê tôi, bọn Dân Quân Tự Vệ được lệnh khủng bố, chúng nhắm vào những người có học, thành phần hương lý, thành phần Nho học, địa chủ... Các làng Công Giáo được chúng chiếu cố nhiều nhất. Bà con họ hàng của tôi và những người đồng hương bị chúng bắt đi thủ tiêu rất nhiều. Chúng giết người bằng gươm, dao chứ không bắn. Có người bị chúng chôn sống. Tất cả những người bị bắt đều bị giết chết, chỉ có một  mình ông Cửu Thế ở Quảng Trị bị chúng chém gần đứt cổ rồi mà bò về được. Về sau tôi có dịp gặp ông vì ông là bạn của cha tôi. Tôi thấy nhát gươm bọn Việt Minh chém vào cổ ông mà rùng mình. Đó là người chứng duy nhất còn sống sót. Không ai có thể tưởng tượng được khi nhìn sau gáy ông. Trời cho ông sống chứ không ai ở trong hoàn cảnh như ông mà lết đi được hàng cây số để thoát thân.

     Sau khi cụ Trần Văn Lý đứng ra lập chính quyền lâm thời tại Huế và tổ chức quân đội quốc gia để chống lại sự  khủng bố của Việt Minh thì ngày 4 tháng 1 năm 1947, trước Tết Bính Tuất, quân Pháp đến Quảng Trị, ông Nguyễn Văn Mân (Tú Mân) lên làm Tỉnh Trưởng và ông đứng ra tổ chức lực lượng bảo vệ của tỉnh. Một trung đội lính quốc gia do ông Cai Thống chỉ huy đã đến hoạt động tại quê tôi. Mấy tháng sau đó, vào một đêm mùa Xuân, Việt Minh đã huy động một lực lượng đến bao vây làng tôi. Chúng đốt nhà đồng bào và đốt luôn ngôi chùa tranh tại làng Dương Lệ Văn. Một số nhà trong làng bị đốt cháy trong đó có nhà mụ Hảo, nhà mụ Bính, nhà ông Tứ, nhà ông Bình, nhà Mệ Đoàn, nhà ông Trợ Linh, nhà Mệ Toàn... là những nhà nghèo, khố rách áo ôm trong làng. Tôi không thể tưởng tượng được một chính quyền mệnh danh là Cộng Sản, là cách mạng, tranh đấu cho dân nghèo mà lại hành động như thế?

     Ngay trong lúc đó, từ làng bên cạnh, ông Cai Thống đã kịp điều động một tiểu đội lính tới giải vây cho làng tôi. Một tên Việt Minh bị bắn chết, mình trần trùng trục, chỉ có cái quần đùi. Nghe tiếng súng phản công, bọn chúng bèn ra lệnh rút lui và tháo chạy về hướng cánh đồng sau lưng làng tôi.

     Túp lều tranh của gia đình thằng Diệu bị cháy rụi không còn một thứ gì. Sáng ra, mọi người chạy đến hỏi thăm những nhà bị nạn, ai cũng căm phẫn trước hành động vô lý, bất nhân của bọn Cộng Sản. Sáu mươi năm trước, dân làng tôi đã bị một trận tàn sát, thiêu đốt toàn bộ nhà cửa, giết hại hàng ngàn dân rồi. Nay lại tái diễn cái cảnh đó, nên mọi người rất lo sợ. Những người như mụ Hảo thì có làm gì nên tội, họ cũng không phải là nhà giàu, họ cũng không phải là Việt gian bán nước, theo Tây, tại sao lại kéo đến đốt nhà mụ?

     Sáng hôm sau, cả nhà mụ Hảo qua tạm trú tại nhà tôi. Gia tài sự nghiệp chẳng còn gì, gạo cơm cũng không có, áo quần đều cháy sạch, nồi niêu cũng không còn. May mà thằng Diệu cột trâu ở ngoài vườn, thấy lửa cháy, trâu giựt đứt giây chạy thoát được. Thằng Diệu chỉ còn con chim sáo, vật quý giá nhất trên đời của nó.

     Mọi người trong nhà mụ Hảo đều như điên như dại, ngẩn ngẩn, ngơ ngơ… Tai họa đến với họ một cách vô lý như thế, họ chỉ biết căm hờn Cộng Sản mà thôi.

     Những ngày thằng Diệu tạm trú tại nhà tôi, tôi được chơi chung với nó, đi bắt châu chấu cho sáo ăn, tập chọc him sáo nói… Tôi tạm quên đi nỗi buồn mất cha, mất anh. Từ khi cha và anh tôi bị Cộng Sản bắt đi, đêm nào tôi cũng nằm mơ thấy cha tôi về với tôi. Khi tỉnh dậy, biết rằng cha không còn nữa nên tôi tủi thân nằm khóc một mình. Mẹ tôi vì quá buồn phiền nên sinh bệnh.

     Sau lần Việt Minh đến tấn công đốt nhà mụ Hảo và một số nhà ở bên ngoài rìa của làng, dân làng tôi họp nhau lại, cử một phái đoàn lên tỉnh gặp ông Tỉnh Trưởng xin cấp súng để tự vệ, không cần ăn lương của nhà nước. Lực lượng võ trang tự vệ đó gọi là “Hương Vệ”. Mỗi đêm dân làng kéo nhau đến khu vực chung quanh nhà thờ để ngủ, nơi đó có hương vệ với mười khẩu súng trường loại indochinoise, và một số lựu đạn. Người ta rào làng lại, có cổng ra vào, có gài lựu đạn hoặc ban đêm thì đóng cửa, canh phòng cẩn mật. Trận thứ hai, Việt Minh đến đánh, đốt một số nhà trong đó có nhà ông Thất… Trận thứ ba, Việt Minh thất bại nặng và chết rất nhiều, nên từ đó dân làng tôi được yên ổn một thời gian. Bọn trẻ trong làng, mỗi đêm tập họp tại nhà thờ, sau khi đọc kinh cầu nguyện thì từng nhóm ngồi nghe các cụ già kể chuyện rất vui. Tôi thường đến nghe cụ Lan kể chuyện, có nhiều chuyện vui khiến chúng tôi say mê ngồi bên cụ suốt đêm.

     Thằng Diệu từ ngày qua tạm trú nhà tôi, thường ra ruộng bắt châu chấu cho sáo ăn, có khi trưa hè trời nắng, hắn vẫn lặn lội dưới bùn lầy… Mùa hè năm 1949, Diệu bị cảm sốt nặng rồi chuyển qua chứng thương hàn. Lúc bấy giờ ở nhà quê không ai có thuốc tây, chỉ dùng lá tía tô, kinh giới, hành tỏi, ném và rượu để uống. Bệnh thương hàn nhập lý, Diệu suốt ngày mê sảng và đã chết vào một buổi sáng khi cha mẹ hắn ra đồng làm việc. Thời gian này, gia đình thằng Diệu dọn qua ở gần vườn nhà thờ, chiếm một chỗ trong trường học. Thằng Diệu chết nơi đó, trong cảnh nghèo nàn thiếu thốn. Dân làng góp nhau lại lo chon cất. Hôm đưa đám, chim sáo cứ bay theo kêu “Diệu ơi! Diệu ơi! Rồi nó lại bay lên đậu trên nóc nhà thờ, ai kêu nó cũng không xuống… Thế rồi, chim sáo cũng không thèm đi kiếm mồi và sau đó ít lâu, nó cũng chết theo thằng Diệu. Cả làng tôi ai cũng biết chuyện.

     Cuối mùa Xuân năm Kỷ Sửu 1949, hai cây đào mận trong vườn nhà tôi ra hoa và sây trái, chim chóc kéo nhau về ăn trái cây chín, làm tổ đầy trong vườn… nào chúc miều, bông lau, chích chòe, chim sẻ… làm tổ trên đống rơm lớn… Chúng tôi tha hồ bắt chim về nuôi. Nhưng một hôm tôi thấy hai con sáo tha những cọng rơm bay lên đọt cây cau trước mặt nhà… Tôi để ý theo dõi… và chẳng bao lâu tổ chim sáo thành hình. Tôi mừng rỡ như muốn điên lên. Thằng Phẩm, con ông Tứ, nhà bị cháy năm 1947 cùng với nhà thằng Diệu. Cha mẹ nó xin cho nó đến ở giữ trâu trong nhà tôi. Nó cũng là người bà con họ hàng với tôi. Hai đứa chúng tôi trèo lên để thăm dò tổ chim thì thấy có hai trứng chim màu xanh.

     Chim sáo rất khó nuôi và khó bắt chim con. Nếu thấy động là chúng phá tổ, mổ trứng rồi bỏ đi. Vì thế, mỗi ngày chúng tôi ngồi trước thềm nhà nhìn ra, theo dõi chim sáo bay về ríu rít với nhau trên tổ. Tôi chỉ mong đợi ngày chim sáo nở con để bắt về nuôi. Tôi hứa cho thằng Phẩm một con và tôi một con.

     Trong năm đó, anh tôi bị Viêt Minh giết chết, khi chưa đầy ba mươi tuổi, để lại một con gái và một người vợ đang mang thai. Sau khi anh tôi chết, tình hình an ninh trong vùng quê tôi rất trầm trọng, ngoại trừ mấy làng có đồn Hương Vệ như Đại Lộc, Dương Lộc, Dương Lệ, Nhu Lý, Bố Liêu, An Lộng… còn các làng khác thì ngày Quốc Gia, đêm Cộng Sản về tuyên truyền, họp dân sinh hoạt, thu thuế cho kháng chiến, bắt dân đi bộ đội để dánh Tây… Rồi bỗng một hôm có một Linh Mục người làng về thăm. Trong xứ của cha có người theo Việt Minh; nhờ quen với họ, nên cha được dễ dãi đi lại trong vùng. Cha có đến thăm gia đình tôi và khi biết hoàn cảnh mẹ góa con côi, cha đã bàn với mẹ tôi nên cho tôi lên tỉnh học để yên tâm học hành. Cả nhà tôi đều bị Việt Minh giết chỉ còn lại một mình tôi là con trai. Chị tôi đi lấy chồng xa. Theo lời khuyên của cha, mẹ tôi quyết định cho tôi đi theo ngài.

     Tôi không kịp sắp xếp đồ đạc áo quần, chỉ đóng vai một chú tiểu đi theo thầy, tôi mang sách kinh cho cha và đi theo cha qua các họ đạo. Cha đi thăm và dâng Thánh lễ tại các nơi đó. Từ sáng cho đến tối chúng tôi mới về đến Bố Liêu là nơi có nhà thờ của cha. Sau  khi ăn cơm xong, cha dẫn tôi vào một phòng riêng, có sẵn giường ngũ, và bảo tôi:

-Con ngủ đây, sáng mai lên tỉnh.

     Tôi khép cửa lại, căn phòng tối tăm, không có một ngọn đèn dầu. Trời bắt đầu vào mùa Thu, có hơi sương và gió lạnh. Tôi đóng chặt các cửa sổ, leo lên giường nằm. Theo thói quen mẹ tôi dạy, trước khi đi ngủ, tôi có đọc mấy kinh cầu nguyện cho linh hồn cha và anh tôi, cho bà con họ hàng đã qua đời, cầu nguyện cho mẹ và chị cùng mọi người trong gia đình… Khi bắt đầu cầu nguyện, nước mắt tôi trào ra. Tôi cảm thấy nhớ mẹ vô cùng và muốn trở về với mẹ ngay lúc nầy. Tôi thấy một mình bơ vơ nơi chốn lạ quê người, trong cảnh cô đơn, vắng vẻ nầy, tôi vô cùng tủi thân. Tôi cứ quỳ trên giường nhìn lên tượng Chúa chịu khổ hình trên thập giá.

     Tôi cứ suy nghĩ miên man suốt đêm, không ngủ được. Tương lai của tôi rồi sẽ ra sao? Ai sẽ lo cho tôi trên bước đường tha hương? Tôi đâu còn gần mẹ để được nưng niu chiều chuộng. Những nơi tôi sẽ đến trọ học, người ta sẽ đối xử với tôi như thế nào? Tôi sẽ sống làm sao chọ họ vui lòng. Xưa nay tôi ở với mẹ, tuy còn nhỏ tuổi nhưng tôi luôn tỏ ra có tư cách, không bao giờ ăn nói bậy bạ, tục tĩu, vào nhà thờ luôn giữ thái độ nghiêm trang cung kính. Thầy giáo dạy cho tôi học vỡ lòng là một người bà con, thầy dạy lớp tiểu học là cháu một cụ Nghè, danh giá, trí thức trong vùng. Các thầy rất thương tôi. Ngoài giờ dạy thầy thường đến thăm gia đình và khen tôi ngoan, học giỏi nên mẹ tôi rất vui lòng. Bạn bè của cha tôi là những người hoạt động chống Việt Minh, chống Pháp, họ thường đến nhà tôi hội họp. Những câu chuyện họ bàn bạc, trao đổi với nhau đã lọt vào tai tôi, từ nhỏ  tôi đã hiểu thế nào là tranh đấu, thế nào là tham gia hoạt động cách mạng v.v… Tôi ý thức rằng mình mới mười tuổi đầu mà đã bước vào con đường tranh đấu kể từ hôm nay. Tôi quyết tâm phải học giỏi, phải trở nên một người có tư cách và sau này phải tiếp tục con đường tranh đấu của cha anh…

     Gần sáng, tôi mới thiếp đi được một chút thì cha già Đẳng đã gọi dậy đi xem lễ ở nhà thờ, sau đó ăn sáng và chuẩn bị lên đường.

     Cha ngồi trên xe, có một người trung niên trong giáo xứ kéo xe. Đó là một chiếc xe kéo, hai bánh, kiểu xưa; người kéo xe khỏe mạnh, chạy nhanh. Còn tôi và Trọng, con chị Trợ thì chạy bộ theo xe. Chúng tôi đi tay không, chẳng mang vật gì hết vì sợ bọn canh gác của Việt Minh để ý. Thời bấy giờ người ta có câu: “xơ rơ xác rác là thằng liên lạc, trợn trạc là thằng giật bom, lom xom là thằng tự vệ, quần đà áo nghệ là vệ quốc đoàn…” Cứ nhìn tác phong thì biết là loại người nào trong hàng ngũ Việt Minh.

     Chúng tôi cố gắng chạy theo cho kịp người kéo xe, cho đến khi mờ mắt, mồ hôi nhễ nhại, vẫn cứ phải cúi đầu chạy. Khi xe chạy đến Cầu Sãi, vào địa giới của huyện lỵ Triệu Phong, chúng tôi mới ngừng lại để nghỉ ngơi vì nơi đó có quán xá và có đồn lính của Quốc Gia. Chúng tôi được vào quán uống nước chè xanh nóng có miếng gừng thơm cho đỡ mệt. Một lát sau, đoàn người lại tiếp tục lên đường… Vào đến Quảng Trị, xe rẽ trái đi về hướng làng Trí Bưu.

     Chúng tôi được đưa đến nhà Bà Tham là chị ruột của anh Cao chồng chị Thạch, con bác tôi. Bà là người đẹp có tiếng ở quê tôi ngày xưa, lấy chồng là một ông Tham Sự công chánh giàu có ở làng Trí Bưu, cách tỉnh lỵ Quảng Trị chừng một cây số. Chồng chết, bà ở vậy nuôi con. Gia đình bà đông con, ba trai, sáu gái, hai chị lớn đi lấy chồng, một chị vào học ở Huế, còn lại chị Phụng, chị Lân, chị Nguyệt. Chị nào cũng đẹp và rất tốt với tôi. Bà Tham dạy con rất nghiêm, trong nhà không có người làm, con cái chia nhau mọi công việc kể cả việc làm vệ sinh cầu tiêu, đều do mấy chị đảm trách hết. Chị Nguyệt lớn hơn tôi một tuổi và rất thương tôi, chị thường giúp tôi giặt quần áo, còn chị Phụng, anh Long thì thì giúp xem bài vở học hành của tôi. Tôi sinh hoạt với trong nhà, anh em làm gì thì tôi làm nấy. Đến bữa ngồi ăn chung. Bà Tham có bà con họ hàng với mẹ tôi, theo vai vế, tôi gọi bà bằng chị nên bà bắt các anh chị trong nhà gọi tôi bằng cậu. Điều mà tôi rất ái ngại vì tôi nhỏ nhất trong nhà. Gia đình bà Tham rất đạo đức, mỗi tối đều có đọc kinh cầu nguyện cho Việt Nam  được hòa bình, ngày nào cũng đi lễ ở nhà thờ…

     Niên khóa 1949-1950 tôi học ở trường tiểu học Têrêxa Quảng Trị, một trường tiểu học Công Giáo có uy tín. Trường lợp tranh, vách đất, cạnh nhà thờ Thạch Hãn. Gần đó còn có một nghĩa địa của người Pháp, mỗi lần có đám tang, chúng tôi thường chạy ra xem Tây thổi kèn. Mỗi ngày chúng tôi phải đi bộ từ Trí Bưu lên Quảng Trị. Bạn học sinh với tôi như Hai, Học, Vĩnh, Tự, Cương… họp nhau cùng đi thành một đoàn. Có khi trời mưa rét lạnh, chúng tôi phải mang tơi lá che mưa đi học. Tơi lá là loại áo mưa được đan bằng lá đót, gọi là chằm tơi (may). Cái tơi lá rất tiện, mưa hướng nào thì xoay về hướng đó. Có lần đi học gặp trời bão, tôi bị gió hất cả người lẫn áo tơi lá đưa vào bụi dứa có gai, nằm gọn trong đó luôn mà không sao cả. Mỗi ngày Chúa Nhật, xe tăng của Pháp hộ tống quan tư, quan năm gì đó đến xem lễ tại nhà thờ Trí Bưu. Chiếc xe bọc sắt kín mít, trên xe có một cái nắp đậy lại. Người lính mang kính có gắn máy nghe ngồi điều khiển xe, trông rất oai vệ. Xe chạy qua đường, chúng tôi sợ quá, phải chạy xa xuống ruộng không dám đứng bên lề đường. Những ngày nghỉ, tôi rủ Trọng lên tỉnh chơi, đi hết phố nầy qua phố khác, xem giày dép, áo quần, đồ chơi, bánh kẹo v.v… Nhưng không có tiền để mua.

     Quảng Trị là một thành phố nhỏ, trước đây theo lệnh của Việt Minh, đồng bào bỏ nhà cửa di cư về miền quê. Chúng còn ra lệnh đập phá đình chùa, phố xá, nhà cửa để cho quân Pháp đến không có chỗ ở. Một thời gian sau, dân chúng ở vùng quê lục tục kéo về vì ở thành phố thì được an ninh, đau ốm có thuốc men, có điện nước, gạo, thức ăn đầy đủ. Có tiền thì mua gì cũng được. Ở tỉnh có trường học cho con em. Những người tản cư trở về, mất đi mấy năm không đi học được, nên lớp của tôi có những anh, những chị đã lớn tuổi. Nhờ cố gắng học nên tôi được kể là học sinh giỏi trong lớp, được Thầy và các Dì phước thương.

     Tết năm Canh Dần 1950, tôi không về nhà ăn Tết được. Đây là cái Tết xa nhà đầu tiên của tôi… Tôi và Trọng không biết đi thăm ai nên chạy bộ lên tỉnh, nơi đó có nhà bà con, để tìm một chút không khí gia đình. Tối ba mươi, hướng về gia đình, tôi cảm thấy buồn vô hạn. Tôi cứ nhớ lại những cái Tết năm xưa tại quê nhà… Từ lễ Giáng Sinh cho đến Tết các nhau cừng hơn một tháng, hay tháng rưỡi, cả làng huy động dân đi chở cát về rải đường cho sạch để bà con đi lại mừng lễ. Người ta dọn dẹp đường sá cho rộng rãi, chặt những nhánh tre đổ ra đường cho khỏi vướng… Mấy ngày gần Tết nhà nào cũng lo dọn dẹp nhà cửa, lau chùi bàn thờ, chùi các đồ đồng cho bong loáng, thuê người viết câu đối, chuẩn bị hoa tươi nào mai, nào thược dược để chưng trước nhà cho đẹp. Những năm có cha tôi ở nhà, trước Tết mẹ tôi làm nguyên một con heo để lấy thịt làm giò chả, làm nem, ướp thịt nướng và các món ăn ngày Tết để đãi đằng bà con, con cháu ở xa và bạn bè đến thăm. Khách thường đến vào ngày mồng hai mồng ba, ở lại chơi bài, chơi cờ một vài hôm mới về. Cha mẹ tôi chuộng khách, thương con cháu, không tiếc thứ gì. Có khi cả con heo không đủ cho khách bạn.

     Tục quê tôi, ngày Tết phải đãi bà con nghèo và những người làm thuê cho mình trong năm một bữa ăn no, thường là thịt heo với bánh tét. Người ta gọi là đi ăn Tết, khách tới nhà thì phải dọn ra một mâm đầy. Đợi cho đủ vài ba người thì nhà bếp dọn lên một mâm. Chỉ có người giàu đến thăm thì mời trà, mứt bánh hay rượu hoặc cau trầu. Con cháu đến thăm, người lớn thường cho tiền, mỗi đứa được vài đồng để chơi bài, mua bánh… Không khí Tết kéo dài cả tuần, cả tháng…

     Mùa Tết là mùa nghỉ ngơi, ruộng vườn đã cày cấy xong đợi gặt lúa vào tháng ba. Rau tươi trong vườn cũng dồi dào. Thời tiết mùa Xuân, mưa phùn làm cho rau màu xanh tốt, ăn không kịp là rau già, phải làm dưa để dành đến mùa khác mà ăn. Dưa cải là món ăn chiến lược vào mùa rét nên quê tôi có câu: “nói cho lắm cũng nước mắm dưa cải, nói cho phải cũng dưa cải nước mắm”… là thế .

     Ra Tết, có khi phải làm thêm một con heo nữa mới đủ đãi bạn bè. Đời sống nhà nông, làm ra để mà ăn. Nhà nuôi heo, gà, vịt, trước là để ăn, để lo kỵ giỗ ông bà, lo mồ mả tổ tiên. Có dư thừa ra mới bán lấy tiền. Vì cả họ tôi chết gần hết vào năm 1885, nên tổ tiên để đất ruộng, vườn tược lại cho ông nội tôi, hết đời ông nội thì các bác và cha tôi phải lo giỗ chạp. Do đó mà quanh năm hết lo xin lễ cầu hồn cho người này đến người khác. Cứ mỗi lần có giỗ là con cháu tụ họp về, cũng phải có ăn uống để cho con cháu anh  em gặp mặt hàn huyên tâm sự.

     Từ nhỏ tôi sống trong không khí như thế nên lần này bơ vơ, không biết đến với ai, không biết đi nhà nào… Tết đối với mọi người đầm ấm vui vẻ biết bao mà với riêng tôi sao lạnh lùng buồn tủi đến thế! Tôi biết mẹ tôi cũng đau khổ lắm khi cho tôi đi học xa. Nhưng bà là một người mẹ suốt đời đau khổ mà vẫn biết chọn cho con mình một con đường để vươn lên. Mẹ tôi thường nói:

     “Đi cho biết đó biết đây,

Ở nhà với mẹ biết ngày nào khôn”.

     Mẹ tôi phải đứt ruột khi để cho tôi đi xa trong cái tuổi mới lên mười. Tám anh  em, nay chỉ còn một mình tôi là con trai, lại là con út. Chị tôi đi lấy chồng ở làng xa, một mình mẹ ở quê nhà lo gìn giữ cơ nghiệp của ông cha, của chồng… Trong tình hình chiến tranh ngày càng lan rộng, mẹ tôi một mình bươn chãi, chăm lo chút hương hỏa còn lại cho tương lai tôi sau này. Thật là một sự hy sinh vô bờ bến…

     Suốt đêm 30 Tết, tôi cứ nằm nghĩ ngợi mãi, nhớ hết chuyện này đến chuyện nọ, nhớ cha, nhớ mẹ, nhớ anh, nhớ chị, nhớ cháu… Tôi khóc một mình, khóc thầm lén vì sợ người ta biết. Sáng mồng một, mọi người đi lễ nhà thờ về thì đi thăm bà con nội ngoại. Tôi và Trọng không biết đi đâu nên tản bộ lên tỉnh, nơi đó có nhà bà con, để tìm một chút không khí gia đình.

     Những ngày Tết qua đi trong âm thầm, và tôi tiếp tục đi học lại. Tới trường, bạn bè đều có áo mới, riêng tôi chẳng có gì là mới cả… Thế rồi một hôm, mẹ tôi nhờ bác thợ Ẩm, một người thợ may ở gần nhà tôi lên tỉnh thăm tôi. Ông mang lên cho tôi một chục trứng luộc, một cặp gà sống, một số bánh ít đen và trắng do mẹ tôi làm… Ông xin phép bà Tham cho tôi về quê để thọ tang ông cậu ruột mới chết. Họ hàng bên ngoại tôi tổ chức lễ cầu hồn và phát tang, cho con cháu phục khăn áo. Mẹ tôi chỉ còn một mình tôi là con trai, tuy nhỏ tuổi, nhưng vai vế trong họ lại lớn, có đứa gọi tôi bằng chú bằng bác, nên mẹ tôi nhờ ông lên tỉnh đón tôi về.

     Ông có quen biết với bên Việt Minh, nên xin được giấy đi đường không bị Việt Minh gây trở ngại. Ông đưa tôi lên xe đi từ Quảng Trị về Lai Phước, từ đó đi bộ đến bến Rào Vịnh… lên đò ngang qua sông về làng Đại Lộc là khu an toàn do chính quyền Quốc Gia kiểm soát. Chúng tôi còn phải đi thêm một đoạn đường nữa, qua làng Dương Lệ Đông mới đến làng tôi. Dọc đường ông dặn tôi, “họ” có hỏi là con ai thì trả lời là con của ông… đừng nói rõ gốc gác gia đình mà nguy hiểm. 

     Cộng Sản thù ghét cha tôi và muốn tiêu diệt cả dòng họ tôi cho tiệt nòi tiệt giống…

     Con sông Cái gọi là Rào Vịnh, về phía Đại Lộc có Hương Vệ nên Việt Cộng không dám xuất hiện, nhưng bờ bên kia, thuộc làng Đại Áng là vùng xôi đậu, tuy có lý trưởng, nhưng Việt Minh vẫn hoạt động, chúng thường cho người canh gác bí mật và đón đường bắt người, đem thủ tiêu… Tôi có bà Thím đi thăm con cũng bị chúng bắt và chôn sống. Vì thế, chuyến đi này rất nguy hiểm. Thông thường, chúng tôi đi theo lính Quốc Gia hoặc Hương Vệ làng để được an toàn. 

     Đến bến đò Rào Vịnh, chúng tôi thấy bên kia sông có nhiều người tụ tập, người lớn, trẻ con như đang chờ đợi chúng tôi. Khi thuyền ra giữa sông, tôi thấy một cậu nhỏ vào trạc tuổi tôi, tay cầm cái lồng chim, đưa lên cao như vẫy gọi. Tôi không biết nó đang làm gì, phải chăng đây là một ám hiệu? Tôi chưa đoán được có chyện gì xảy ra ở bên đó. Nhưng khi thuyền gần cập bến thì tôi nhận ra thằng Phẩm, đứa giữ trâu cho gia đình tôi, tay cầm cái lồng có con chim sáo đã đủ lông đủ cánh rồi. Tôi vô cùng mừng rỡ. 

     Thuyền vừa ghé bến, Phẩm liền chạy đến khoe với tôi:

     -Chú đi học rồi, tôi ở nhà canh chừng tổ chim sáo, không cho đứa nào leo lên phá, sợ chim bỏ tổ… Mấy tháng sau tôi mới được hai con chim sáo con để nuôi. Nhưng chỉ có một con còn sống. Tôi làm một cái lồng đẹp để đựng chim và chờ đợi mãi không thấy chú về. Hôm nay đi đón chú, tôi mang theo lồng chim sáo tặng chú đây.

     Tôi ôm lấy thằng Phẩm, không có gì sung sướng bằng có được con chim sáo. Không biết chim sáo của tôi có giỏi như chim sáo của thằng Diệu hay không?  Mấy ngày về thăm quê, tôi cứ xách lồng chim ra vườn bắt châu chấu cho chim ăn, tôi cho chim uống cả nước miếng của tôi nữa, để cho nó mến chủ.

     Đám tang của cậu tôi đã qua mà tôi còn muốn ở nhà không chịu đi học. Ngày trở lại trường, tôi muốn mang theo chim sáo lên tỉnh nuôi, nhưng mẹ tôi bảo:

    -Con rán lo học cho kịp chúng bạn, để chim sáo cho thằng Phẩm nuôi, mai mốt nghỉ hè về nhà tha hồ mà chơi…

     Thế là tôi lại phải khăn gói lên đường. Sau  khi từ giã mẹ, tôi ngắm nghía chim sáo một hồi rồi mới ra đi.

      Thằng Phầm ở giúp việc cho gia đình tôi đến năm mười tám tuổi thì từ giã xóm làng, lên tỉnh nạp đơn gia nhập quân đội quốc gia. Hắn đi lính để trả thù Việt Minh đã đốt nhà và giết hại bà con của hắn. Hắn vào sinh ra tử khắp các chiến trường…

      Mười lăm năm sau, tôi trở về thăm quê, đúng vào ngày có đám tang Nguyễn Văn Phẩm, Trung sĩ Quân đội Việt Nam Cộng Hòa tử trận tại Mỹ Chánh, Quảng Trị… Trong lễ truy điệu, tôi đã khóc, không nói nên lời được. Những kỷ niệm thời thơ ấu đã sống lại trong tôi, những tình cảm bạn bè đó, tôi sẽ trân trọng mãi.


 (bài này NLT đã viết khoảng 1994-1995 khi mới qua Mỹ)







Không có nhận xét nào: