Thứ Sáu, 2 tháng 5, 2014

Bà Chúa Liễu Hạnh - Nguyễn Mộng Khôi




Bà Chúa Liễu Hạnh
Nguyễn Mộng Khôi
--o0o--
 
            Theo huyền sử nước ta, có 4 vị thần bất tử (tứ bất tử ) là:
- Thần Tản Viên,
- Phù Ðổng Thiên Vương,
- Chử Ðồng Tử và
- Bà Chúa Liễu Hạnh.
            Vì bất Tử, Bà đã giáng trần nhiều lần ở nhiều địa phương vào những thời kỳ khác nhau, ở Thăng Long làm công chúa, có khi làm thường dân ở Nam Ðịnh rồi Thanh Hóa. Nhưng dù ở địa vị nào Bà luôn luôn giúp người hoạn nạn khi cầu tới. Bà có công âm phù triều đình, dẹp yên giặc giã giúp dân trừ dịch. Do vậy, Bà được tôn là Thánh Mẫu hay Mẫu Liễu và được lập đền thờ ở nhiều nơi. Người dân miền Nam còn tin tưởng Chúa Liễu Hạnh cũng là Bà Chúa Xứ Núi Sam và Bà Yang Ino Po Nagar ở Tháp Bà Nha Trang.
            Câu chuyện truyền khẩu từ bao thế kỷ kể lại rằng, Liễu Hạnh là con gái Ngọc Hoàng ở Thiên đình, lỡ tay đánh rơi chén ngọc, bị đày xuống trần làm con gái của vua Lê Thái Tôn(1434-1442), tên là công chúa Giáng Tiên. Giáng Tiên lớn lên kết duyên với Ðào Lang. Sống chung được 3 năm thì về Trời. Nhưng hạn hạ giới chưa hết lại phải phạt xuống cõi trần làm con một gia đình nông dân làng Vân Cát, Nam Ðịnh rồi một gia đình khác ở Phố Cát, Thanh Hóa.

Khi đã về cõi Trời, hồn Bà Liểu thường hiện xuống thế gian. Có lần Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan(1528-1613) và hai người bạn đang chơi thuyền trên Hồ Tây thì Bà ung dung bước vào rồi làm thơ xướng họa. Kẻ tiên người tục liên ngâm đắc chí. Họ Phùng đã để lại những bài thơ rất hay trong Phùng Công thi tập, Nghi Trai Thi Tập ... viết bằng chữ Hán.
            Nhà văn Sơn Nam, do những sưu khảo từ lâu về vùng đồng bằng Nam Bộ, là người chủ trương: Nam Bộ Học cho rằng Bà Liễu Hạnh, Bà Yang Ino Po Nagar ở Tháp Bà Nha Trang và Bà Chúa Xứ Núi Sam Châu Ðốc là một.
            Nhiều người thắc mắc những sưu khảo đó; vì tượng tháp Bà ở Nha Trang do người Chiêm Thành xây khoảng thế kỷ thứ 7. Năm 817 dưới triều vua Harivarman I, tháp thờ Linga( Linh Phù nam hay vị Thần Sáng Tạo thuộc Ấn Ðộ giáo). Năm 918 dưới triều vua Indravarman III, tháp bị cháy rồi được sửa chữa và tượng được đúc lại bằng vàng. Ðến năm 965, tượng Linga bị trộm, nhà vau cho thay thế bằng tượng nữ thần Shiva bằng đá mà đang được thờ ở tháp Bà bây giờ.
            Ðền thờ Bà Chúa Xứ núi Sam tỉnh Châu Ðốc được xây khoảng thế kỷ 19 do phu nhân của ông Nguyễn Văn Thoại(Thoại Ngọc Hầu), nhưng bức tượng Bà Chúa Xứ thì rất xưa và vẫn còn là một điều huyền bí. Năm 1938, ông Malleret, giám đốc viện khảo cổ Sài Gòn đến núi Sam, viếng miếu Bà và xác nhận, pho tượng tạc từ thời Trung Cổ khoảng gần hai ngàn năm, nhiều nét tương tự các pho tượng thời Bà La Môn của Ấn Ðộ, bởi mái tóc dợn sóng, mũi cao. Pho tượng bằng đá xanh, điêu khắc trong tư thế ngồi, chân trái co vào, chân phải duỗi thẳng, tay phải đặt lên đầu gối, tay trái chỏi ra sau. Sự tìm thấy tượng Bà cũng là chuyện lạ. Xưa kia tọa lạc ở đỉnh núi Sam. Quân Xiêm thường hay vượt biên giới sang cướp phá. Chúng thấy pho tượng cổ, đẹp định mang về nước, nhưng chỉ kéo xuống triền núi rồi nặng quá phải bỏ lại. Khi giặc Xiêm rút, dân quanh vùng kéo cả làng tới định mang tượng xuống, nhưng vẫn không lay chuyển được. Họ cầu khấn; rồi được Bà nhập vào một cô gái, tự xưng là Bà Chúa Xứ và truyền cho dân làng dùng 40 thiếu nữ đồng trinh tắm rửa sạch sẽ Bà mới cho phép khiêng về thờ.
            Như vậy thì bức tượng ở Tháp Bà Nha Trang và tượng Bà Chúa Xứ Châu Ðốc rõ ràng là những hình tượng không giống người Việt. Nhưng mà, người dân ở đây đều tin tưởng cả hai Bà đều là hóa thân của Mẫu Liễu hay Bà Liễu Hạnh. Những người đồng bóng thì hoàn toàn tin tưởng là Bà Chúa Liễu Hạnh, Bà Chúa Tháp Bà và Chúa Xứ Châu Ðốc chỉ là một. Vì vậy, trong lúc nhập đồng, múa bóng thì Bà Chúa phán rằng:
... Bà đi Châu Đốc,
            Bà về Nam Vang
            Quê Bà ở tận Nha Trang...
             (Chầu Văn, múa bóng )
            Và phần đông dân chúng miền Nam đều tin là sự hóa thân của Chúa Liễu Hạnh tựa hồ như Bồ Tát Quán Thế Âm. Bồ Tát sanh ở Ðại Hàn là Thị Kính. Giáng trần ở Việt Nam là Chúa Ba, chùa Hương. Tại Phổ Ðà Sơn Trung Quốc là một vị sư. Ở Tây Tạng là vị đương kim Ðạt Lai Lạt Ma. Vì vậy khi hóa thân, Bà Chúa Tháp Bà, Bà Chúa Xứ Châu Ðốc không cần phải có dáng dấp người Việt.
            Chúa Liễu Hạnh giáng trần nhiều lần nên có nhiều ngày vía, ngày giỗ khác nhau ở nhiều nơi; mà nơi nào cũng thu hút được số đông dân chúng như ở phủ Tây Hồ Hà Nội, Phố Cát Thanh Hóa, Núi Sam Châu Ðốc... Nhưng ngày giỗ Bà được tổ chức long trọng nhất và phản ảnh phong tục văn hóa lịch sử nước ta là Hội Phủ Giầy ở Nam Ðịnh


            Hội Phủ Giầy được coi là giỗ Mẹ. Phủ Giầy xưa có tên là Kẻ Giầy. Từ khi Bà Liễu Hạnh được suy tôn là Mẫu Nghi Thiên Hạ, Chế Thắng Hoà Diệu Ðại Vương và được sắc phong là Thượng Ðẳng Tối Linh Thần thì Kẻ Giầy được đổi tên là Phủ Giầy. Tuy nhiên có thuyết cho rằng cái tên Phủ Giầy bắt nguồn từ sự tích Bà Chúa Liễu giáng trần lần thứ hai đã tặng cho nhà vua đương thời Triều Lê một đôi giầy khi nhà vua ghé thăm quê hương trần thế của Bà.
            Hội Phủ Giầy mở vào cuối Xuân, kéo dài 10 ngày từ mồng một đến mồng mười tháng ba âm lịch, ở Xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Ðịnh và những vùng chung quanh nhắc nhở nhau:
- Còn Trời còn nước, còn non,
           Mồng năm rước Mẫu ta còn đi xem.
           Ai về nhắn với chị em,
            Bảo nhau dắt díu đi xem hội này.
Lễ hội có nhiều tiết mục phản ảnh đến sinh hoạt của người dân, các cuộc thi đô vật và các cuộc đấu khác mang tinh thần thượng võ. Có nhiều tiết mục nghi lễ và trò chơi như hát chèo, hát tuồng, hát trống quân... Hồi trước năm 1945, cái trò chơi rất thịnh hành mà nhiều người có máu cờ bạc ưa thích là trò chơi Ba Que Xỏ Lá. Người chủ trò Ba Que Xỏ Lá thường là một thanh niên mặt mày láu cá, tay cầm ba cái que. Một trong ba cái que có xỏ một chiếc lá ở dưới. Người chơi đặt tiền. Hễ kéo ra đúng cái que có xỏ lá thì được tiền của chủ trò. Nhưng chưa người nào ăn tiền được người chủ trò cho dù họ có bắt đúng cái que có xỏ lá thì chủ trò dùng một thủ thuật rất nhanh, chuyển cái lá sang que khác, nên khách mất tiền toi cho chủ trò hay cho gã ba que xỏ lá.
Hội Phủ Giầy còn là hội chợ thông lệ hàng năm, có bày bán nhiều mặt hàng thủ công nghệ và có bán cả bàn, ghế, giường, tủ chạm trổ công phu, đồ khảm xà cừ, hoành phi, liễn đối...
            Có nhiều món ăn đặc sản, nhưng món thịt bò thui chấm với tương gừng thì nổi tiếng và được nhiều người ưa thích.

            Bà Chúa Liễu Hạnh được nhân gian thờ phụng từ lâu lắm rồi có lẽ cùng thời với thần Tản Viên, Phù Ðổng Thiên Vương, Chử Ðồng Tử trong các đời vua Hùng, nhưng mà những người đồng cô bóng cậu đều tin rằng Chúa Mẫu Liễu có mặt trước các đời Hùng Vương vì Bà là một trong 4 vị Thần khai thiên lập địa là Mẫu Thượng Thiên(Thiên Phủ), Mẫu Thượng Ngàn(Ðịa Phủ), Mẫu Thoải(Thủy Phủ) và Mẫu Liễu.
           Nguyền Mộng Khôi


-- o0o --

Không có nhận xét nào: