Thứ Năm, 8 tháng 5, 2014

Làm Thầy, Rứa Mới Phải _ Hoàng Đằng


Làm Thầy, Rứa Mới Phải

Chuyện anh mình kể như sau:
Ngày xưa anh học môn Vật Lý với một ông thầy du học ở Pháp mới về. Lúc giảng bài, thầy không đủ thuật ngữ tiếng Việt ngành vật lý. Vì vậy, thầy dùng nửa tiếng Việt, nửa tiếng Pháp, nhiều lúc, thầy lúng túng vì tìm không ra từ để diễn đạt. Học sinh cười rộ lên, thầy giận lắm.

Một hôm, thầy từ trên bục giảng đi xuống giữa lớp, tới ngang chỗ anh ngồi, anh bật cười, thầy đỏ mặt, tức run, kéo anh lên trên bảng, đánh 2 tát tai kèm theo nhiều lời nhiếc mắng. Anh phân bua mấy thầy cũng không nghe. Rồi thầy kéo anh đến phòng Tổng Giám Thị.

Thầy Tổng Giám Thị ra lệnh cho anh đứng yên ở đó và đề nghị thầy về lớp tiếp tục dạy. Xong, thầy Tổng Giám Thị “lên lớp” với anh:
- Con hỗn láo với thầy. Con sẽ chịu hình phạt của nhà trường. Hình phạt như thế nào sẽ do Hội Đồng Giáo sư quyết định trong cuộc họp sáng mai.
Bị oan, anh phân trần với thầy Tổng Giám Thị:
- Thưa thầy, con cười không phải cười thầy, con cười vì con đang nghĩ đến một chuyện vui của bạn con  ngoài giờ học.
Thầy Tổng Giám Thị có lẽ hiểu chuyện, thầy tình cảm nói nhưng giọng vẫn trách móc:
- Ngồi trong lớp, tại sao con không chăm chú vào lời giảng của thầy mà lại nghĩ lung tung rồi cười. Thôi con ở lại đây khoảng nửa giờ để thầy nguôi giận. Phòng Giám Thị sẽ đem con tới giao thầy.
Thầy Tổng Giám Thị dẫn anh về lớp. Anh chào thầy, thầy gật đầu rồi ra dấu cho về chỗ ngồi. Thầy cứ dạy như thử trước đó không có gì xẩy ra.
Vậy mà từ đó các bạn nữ trong lớp, có dịp là trêu chọc anh:
- Đáng kiếp, thằng nhóc lắc xắc, bị thầy  bép cho 2 tai, khiếp chưa?
Anh hổ thẹn lắm, nhưng không biết làm sao.

Đến kỳ thi tú tài cuối năm ấy, anh đậu phần thi viết và phải vào thi vấn đáp. Oái oăm thay! Hỏi vấn đáp môn Vật Lý, giám khảo là thầy đã tát tai và đưa anh đến phòng Tổng Giám Thị.

Anh cứ sợ thầy nhớ chuyện mình cười trong lớp rồi thù oán, đánh hỏng. Anh nấn ná không chịu vào phòng thi sớm, chờ thầy hỏi xong tất cả thí sinh, chiều tối, anh mới vào. Thầy hỏi:
- Tại sao đến giờ anh mới vào?
Anh run người, biện bạch:
- Con đứng ngoài, ôn lại bài vở cho kỹ lần cuối để vào trả lời những câu hỏi của thầy.
Thầy nhìn anh, hỏi:
- Anh muốn làm thủ tục bốc thăm không?
Anh thưa:
- Cái đó tùy thầy.
Thầy không cho anh bốc thăm, cũng không hỏi gì anh về bài vở, thầy bất ngờ hỏi:
- Anh cần bao nhiêu điểm để đỗ?
Câu hỏi làm cho anh bối rối. Tuy nhiên, cái sợ giảm đi nhiều, suy nghĩ vài giây, anh thành thật trả lời:
- Con cần khoảng 6 điểm.
Thầy khoanh số 6 sau tên anh trong bảng điểm rồi nhỏ nhẹ như  người cha chuyện trò với con trong lúc vui vẻ:
- Trước đây mấy tháng, thầy đã hiểu lầm con và đánh con 2 tát tai. Sau đó, thầy hiểu sự việc, thầy ăn năn lắm. Thôi, với tình cảm thầy- trò, trò-thầy, con thông cảm nghe!
Người anh cảm thấy nhỏ nhẹ, cảm động nói không ra lời; mà dù nói ra lời được thì trong trường hợp ấy thú thật anh cũng không biết nói gì.

Việc anh từng nghĩ dại: thầy, nếu có dịp, sẽ trù dập anh là quá sai lầm. Thầy ví như cha; thầy thương học trò như cha thương con; ở đời, không ai tránh khỏi lỗi lầm, người ta chỉ khác nhau ở chỗ có chịu sửa chữa lỗi lầm không và sửa chữa như thế nào. Thầy của anh biết lỗi lầm và tìm cách khắc phục; đó là thái độ xử sự vừa tình vừa lý của người trên đối với người dưới. Không cố chấp, không độc đoán, Làm thầy, rứa mới phải!
 26/4/2014
Hoàng Đằng


Không có nhận xét nào: