Thứ Bảy, 10 tháng 5, 2014

Viết Về Mẹ - Hoàng Đằng

Viết Về Mẹ
Viết vào dịp Mother’s Day

Bạn mình qua email nhắc mình sắp đến ngày Mother’s Day rồi. Mình xem lịch biết được ngày 11/5 tới, ngày Chủ Nhật thứ 2 trong tháng năm, là ngày Mother’s Day (Ngày Tôn Vinh Mẹ) bên Mỹ. Ở Việt Nam, cũng có ngày báo hiếu cho cha mẹ, tổ tiên, đặc biệt cho Mẹ vào rằm tháng 7 Âm Lịch.
Thời buổi bây giờ, trong xu thế toàn cầu hóa, “tứ hải giai huynh đệ”, cái gì tốt dễ lan truyền, trở thành cái chung của thiên hạ; việc hiếu cũng vậy thôi; thành thử không đợi đến rằm tháng 7 Giáp Ngọ, nhân Ngày Tôn Vinh Mẹ của Mỹ, mình viết đôi dòng về Mẹ để chia xẻ với bạn bè khắp nơi.

Mẹ ở đâu, mẹ thời nào, mẹ thuộc sắc dân nào cũng sinh đẻ, bú mớm, nuôi dạy, tác thành cho con cái. Tuy nhiên, mỗi mẹ thực hiện những thiên chức ấy trong những điều kiện, hoàn cảnh khác nhau. Từ đó, có mẹ vất vả nhiều, mẹ vất vả ít.

Hôm nay, mình chỉ nói mẹ mình.
Suốt cuộc đời, mẹ mình quá khổ - khổ trăm bề, khổ chỉ để phục vụ người khác.
Mẹ kết duyên với cha, về sống trong gia đình mà chỉ một mình mẹ là phụ nữ - bà nội mình đã mất từ lâu trước dó; gia đình lại đông anh em trai; với bổn phận làm dâu, mẹ phải gồng mình đóng vai nội tướng khi còn quá trẻ.
Ngoài công việc đồng áng ở ngoài như mọi thành viên trong gia đình, mẹ phải trôi tròn việc nhà một mình, không ai xẻ chia. Mẹ giặt giũ quần áo, chiếu chăn. Mẹ sửa soạn, nấu nướng ngoài các bữa ăn cho cả gia đình còn thêm các dịp kỵ giỗ, việc phái, việc họ, việc làng nếu một thành viên trong gia đình có phiên chịu. Buổi tối, mẹ xay, giã, giần, sàng thủ công số lượng gạo không những để ăn mà còn để bán lấy tiền chi tiêu. Mẹ lo “rau heo. cháo chó”, thóc gà nước vịt sáng chiều.

Rồi mẹ có con, ngoài công việc thông thường, mẹ còn việc chăm sóc con cái. Mẹ bận rộn cả ngày lẫn đêm; mẹ không có một chút thời giờ nào để nghỉ ngơi. Như thử, mẹ sinh ra để làm việc và làm việc. Tuy nhiên, nhờ xem đó là đương nhiên, mẹ không bao giờ kêu ca.
Ngoài 30 tuổi, mẹ bị ho - ho liên miên gần nửa năm trời. Cùng trang lứa với mẹ, nhiều bà cũng bị ho – ho lâu ngày thành ho lao; không thuốc không thầy, họ phải chết non để lại con dại mồ côi bơ vơ. Mẹ may mắn bệnh lành; không biết do sức đề kháng tốt của mẹ  hay do hiệu nghiệm của những cây lá mẹ dùng theo mách bảo từ bất cứ ai hoặc do tài năng của thầy lang mà cha mời đến thăm khám và bốc thuốc cho mẹ?

Mẹ không những làm mẹ của mình mà còn đóng vai mẹ cho các con mình. Sau năm 1975, mình bị tập trung học tập cải tạo khi con mình đứa còn bồng trên tay, đứa mới đi lững chững và đang mồ côi mẹ.
Mẹ ở với các cháu, lo ăn, lo mặc, lo thuốc men cho chúng trong cảnh “vạn sự khởi đầu nan” ở một khu khẩn hoang lập ấp. Nhà cửa tranh lá, ọp ẹp. Hàng ngày, các cháu bò lết ở nhà, mẹ vác cuốc vô rẫy, trồng khoai, vun sắn, tỉa bắp. Đến mùa thu hoạch, bà cháu bữa đói bữa no với những lương thực, thực phẩm do mẹ sản xuất được. Vậy mà còn nghĩ đến mình nơi rừng sâu nước độc, mẹ lo dành giụm thỉnh thoảng vượt đường dài, thăm nuôi.
Ban ngày, mẹ quần quật với công việc nương rẫy. Đêm về, bà và các cháu sống hẩm hiu dưới bóng ngọn đèn dầu hỏa lờ mờ trên cái sạp tre ngông nghênh trong ngôi nhà nhỏ xiêu vẹo, chung quanh rền vang tiếng các loại côn trùng rên rỉ, thỉnh thoảng, xen vào tiếng rú gầm của các thú dữ đang đi tìm mồi ở những khu rừng nguyên sinh gần kề. Mẹ ngủ không bao giờ yên giấc vì lòng mẹ rối bời với trăm nghìn suy nghĩ: tương lai đi về đâu - không phải tương lai của mẹ mà tương lai của con rồi của cháu. Trước mặt mẹ, trong ác mộng cũng như trong hiện thực, mù mờ một hình ảnh vô định. Do tình hình chế độ mới thay đổi, mẹ sống giữa người tốt cũng nhiều mà người xấu cũng lắm; có người trước đây nồng ấm với gia đình mình, bây giờ trở nên lạt lẽo với mẹ. Trong những buổi tối học tập chính sách chủ trương của chính quyền mới, trong cách cư xử của cán bộ địa phương, mẹ ,vì có mình là con, phải chịu sự đối xử thiếu bình thường.

Tuy nhiên, thời gian qua, mọi vật, mọi sự trên đời thay đổi. May thay! Mẹ còn, mình còn và các con mình còn.

Đến lúc cuộc sống của mình tương đối ổn định, mình muốn mẹ ở cùng. Mình không có cao vọng “đền ơn đáp nghĩa”, mình chỉ muốn tạo cơ hội mẹ con chia ngọt xẻ bùi với nhau.
Tuy nhiên, mẹ đến ở với mình, mà mẹ không nghĩ nhà mình cũng là nhà mẹ; theo mẹ, nhà mẹ là nơi ngày xưa mẹ về làm dâu ông nội cơ! Mẹ ở với mình, lâu lắm cũng chỉ một tháng, rồi mẹ nằng nặc đòi phải về thôi.
Nhà mình chẳng có việc gì để mẹ làm trong khi mẹ cứ muốn làm việc, mẹ ngồi không yên, mẹ muốn nhen bếp nấu nướng mà bếp ga, bếp điện mẹ chưa hề dùng, tai nạn khó tránh được. Mẹ muốn cầm chổi quét nhà, mà bậc thềm nhà đã cao lại nhiều cấp, mẹ già, mắt kém, chân yếu, thần kinh không chuẩn; lỡ té, gãy xương, mẹ nằm một chỗ thì khổ cho mẹ mà cũng khổ cho mình. Mình sợ vậy, nên mình không cho mẹ làm, đó cũng là lý do góp phần để mẹ không ưa ở với mình. Mẹ đơn giản nghĩ “tay có làm thì hàm mới nhai,” không làm mà đến bữa ăn, tức là ăn bám.

Người xưa có câu: “Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra,” “Nghĩa”, đơn giản theo mình hiểu, là những việc phải làm do thiên chức. Những gì mẹ làm cho con cho cháu mẹ không bao giờ nghĩ con cháu phải đền đáp lại; con cháu có làm gì, ấy là để tỏ lòng hiếu thảo – việc để phân biệt con người khác con vật. Và tất cả những gì con cháu làm dù lớn lao đến đâu cũng không thấm vào đâu so với “nghĩa mẹ”.
Lại có câu hát: “Tình mẹ bao la như biển Thái Bình.” Thái Bình Dương là biển có diện tích rộng nhất, sóng yên biển lặng nhất so với các đại dương khác. “Tình” trong “tình mẹ” gồm tình cảm và tình thương, “Tình mẹ” là vĩ đại, êm ái nhất. Tình con chỉ là một hạt cát trong sa mạc so với tình mẹ là cả sa mạc mênh mông.

Ấy là những cảm nhận của mình mỗi lần nghĩ về mẹ khi đã ở tuổi ngoài 70 này./.
05/5/2014

Hoàng Đằng

Không có nhận xét nào: