Thứ Năm, 8 tháng 5, 2014

Vài Ý Kiến Sau Khi Đọc Tóc Mai của vhp.Hạ Vũ (GS Nguyễn Lý- Tưởng)

Vài Ý Kiến Sau Khi Đọc Truyện Tóc Mai của vhp.Hạ Vũ
                            GS Nguyễn Lý - Tưởng



 Võ Hồng Phi, bút hiệu vhp.Hạ Vũ,  là cựu sinh viên Viện Hán Học Huế khóa II, 1960-1965, đối với anh em chúng tôi, những người cựu sinh viên Viện Hán Học Huế là người bạn, người em đã từng gặp gỡ, quen biết nhau từ những năm 1960, đến nay cũng đã hơn nửa thế kỷ. Lâu lâu, có dịp thuận tiện, anh chị em chúng tôi họp mặt để nhắc lại những kỷ niệm ngày xưa học cùng trường. Tôi biết Võ Hồng Phi  được đào tạo trong một khóa trình 5 năm tại Viện Hán Học Huế, sau khi tốt nghiệp được tuyển dụng làm cô giáo dạy môn Việt Văn tại trường Trung Học Đệ Nhị Cấp Thủ Khoa Nghĩa ở Châu Đốc. Cô là người có kiến thức, nhiều tài năng, thỉnh thoảng cũng có làm thơ viết văn... nhưng chưa nghe nói "có tác phẩm" xuất bản trước và sau 1975 tại Việt Nam cũng như tại hải ngoại. Mới đây, cô cho biết "cô sẽ gởi tặng tôi tác phẩm mới của cô (thơ và văn)".
Chúa nhật 4 tháng 5/2014 vừa rồi, nhân dịp họp mặt của anh chị em cựu sinh viên Viện Hán học Huế tại Nam Cali, tôi nhận được một lúc hai tác phẩm thơ và văn của cô tặng.

Ngay sau khi về đến nhà, tôi để ra hai ngày đọc hết cả hai tác phẩm nầy. Đây là tác phẩm đầu tay của cô. Cô viết văn khi bước vào tuổi cuối Thu khác với trường hợp của tôi, đã có thơ và truyện đăng báo khi vào tuổi đương Xuân,  mới 17 tuổi, đang học lớp  Đệ Tam (bây giờ là lớp 10). Tôi không được hân hạnh đọc bản thảo để có vài cảm tưởng được đăng vào sách của cô như các bạn khác.  Nhưng riêng đối với anh chị em trong gia đình (cựu sinh viên Viện Hán Học), tôi cũng có bổn phận viết cho cô vài lời về tác phẩm đầu tay của cô.



Tôi nhớ lại  trường hợp của tôi vào năm 1957, cách nay 57 năm.  Lúc đó, tôi mới 17 tuổi, đang học lớp 10  ban Trung học. Lần đầu tiên, truyện ngắn có  tựa đề "Ông Lão Thức Thời" được đăng trên Nguyệt San "Mầm Sống" tại  Huế. Truyện ngắn đó có kèm theo một bài thơ (nghĩa là vừa văn, vừa thơ cùng một lúc được đăng lên báo). Tôi đã ký một bút hiệu rất bí hiểm, ít ai biết đó là bút hiệu của tôi. Nguyệt San "Mầm Sống số 6 phát hành vào tháng 6/1957" đã gây nên sóng gió trong cuộc đời tôi. Báo mới phát hành đã bán hết  sạch... Người ta tìm đọc số báo đó... Tòa Soạn đã phải cho in thêm và phát hành lần thứ hai, vẫn bán hết  sạch. Chủ nhiệm là LM Nguyễn Văn Lập (sau  nầy là Viện Trưởng Đại Học Đà Lạt) và chủ bút là Hùng Anh (bút hiệu của LM Nguyễn Văn  Phước, giáo sư Tiểu Chủng Viện Huế) đều ngạc nhiên.  Nhưng sau đó, hai vị đã hiểu ra sự  thật.
Chính vì cái truyện ngắn đó, mặc dù là hư cấu (tưởng tượng ra mà viết) nhưng người đọc đều biết đó là chuyện thật. Tên những  nhân vật trong truyện là tên do tác giả đặt ra, nhưng mọi người đều biết tác giả muốn nói đến nhân vật nào trong xã hội thời đó.  Điều không ai ngờ tác giả là một cậu học sinh mới 17 tuổi!  Tâm lý của một học sinh, lần đầu tiên cầm bút viết văn, có bài được đăng lên báo làm cho tôi cảm kích biết bao!  Vậy hôm nay, bạn tôi là cô giáo Võ Hồng Phi cho ra đời tác phẩm đầu tay, vào tuổi cuối đời thì tâm trạng của cô có giống tâm trạng của tôi 57 năm trước đây hay không? (thú thật hồi đó tôi vô cùng cảm kích).
Sau khi cô từ giã cõi đời, dù có để lại cho con cháu tài sản, nhà cửa, nữ trang quý giá hay vài chục ngàn, vài trăm ngàn đô la... thì cũng không có ý nghĩa cho bằng để lại cho con cháu một cuốn sách!  Người xưa thường nói: lập chí, lập ngôn, lập hội... đạt được ba chuyện đó thì tên tuổi sẽ tồn tại mãi với đời. Lập chí là đưa ra được những tư tưởng, chủ trương đường lối về chính trị hay những tư tưởng về triết học, văn chương. Lập ngôn là viết những tư tưởng đó ra thành sách vở, sắp xếp cho có hệ thống. Lập Hội là kết hợp lại những người cùng tư tưởng với mình hay ủng hộ tư tưởng của mình thành một nhóm, một tổ chức để phổ biến hay thực hiện tư tưởng đó. Người xưa cũng nói "dĩ văn hội hữu" (dùng văn chương để kết bạn). Thơ văn của mình, tác phẩm của mình được phổ biến ra cho bạn bè, cho độc giả như vậy là mình đã góp mặt vào làng văn, thì sẽ có nhiều bạn văn chương (hay bạn độc giả) đó cũng là "dĩ văn hội hữu."

Người viết văn, làm thơ là nhân chứng của xã hội mình đang sống. Từ những hình ảnh đã thấy, đã gặp, đã biết hoặc đã nghe kể lại... họ đã dựng nên những câu chuyện gọi là tiểu thuyết.  Dù là hư cấu đi nữa, thì chúng ta vẫn cảm thấy có cái gì đó rất thật, rất bình thường, không phải điều quá đáng. Trái lại, trong  hồi ký, tác giả là nhân chứng trực tiếp hay gián tiếp. Những điều thuật lại  có một giá trị lịch sử mà tác giả đem tên tuổi của mình ra làm chứng, chịu trách nhiệm trước dư luận về những điều mình viết ra.  Người đọc sẽ đánh giá tư cách và đạo đức của người viết. Nhân vật chính trong truyện "Tóc Mai" tên là Hồng, sinh quán ở Miền Nam, bỏ trường Gia Long thi vào Viện Hán Học Huế, làm một cuộc phiêu lưu đi tìm tương lai cùng với bạn bè, đúng là Võ Hồng Phi đây rồi. Tập truyện nầy cũng có ý nghĩa như là một tập hồi ký, viết lại quá khứ của Hồng và gia đình...
Cuối thế kỷ 18, khi nhà Lê bị diệt vong thì Nguyễn Du đã cho ra đời tác phẩm bất  hủ là "Đoạn Trường Tân Thanh" mà  người đời sau gọi là "Truyện Kiều" (hay Kim Vân Kiều Truyện) và tên tuổi Nguyễn Du đã đi vào văn học Việt Nam như là một Thi  Hào.  Sau 1975, toàn dân Việt Nam, nhất là những người sống ở Miền Nam (thuộc chế độ VNCH) đã trở thành những nhà thơ, nhà văn. Những người lính trước đây chỉ biết cầm súng chiến đấu, những công chức, cán bộ trước đây chỉ biết công việc hành chánh hay công tác dân sự. Sau 1975, trong nhà tù cộng sản, họ cũng đã trở thành nhà thơ, nhà văn. Ngay cả những người vợ, người mẹ, người con, người em ở nhà cũng đã trở thành nhà thơ, nhà văn, trở thành những nhân chứng của thời đại mình đang sống. Cô giáo Võ Hồng Phi, đã từng dạy môn Việt Văn bậc trung học, là vợ của người tù "cải tạo" cũng không có trường  hợp ngoại lệ như những người vợ sĩ quan khác.  Chắc chắn rằng ngay từ thời điểm đó Võ Hồng Phi đã cầm bút làm thơ, viết văn rồi. Và còn chắc chắn hơn nữa, ngay từ khi là sinh viên Viện Hán Học Huế, sống giữa đất thần kinh thơ mộng, lại còn gần gũi với văn chương chữ nghĩa, gần với các bậc giáo sư cũng là nhà thơ, nhà văn... thì sinh viên Võ Hồng Phi cũng đã trở thành thi sĩ từ khuya rồi (mặc dù cô không nhận mình là thi sĩ).
Đọc trong tác phẩm của cô, qua nhân vật Hồng trong truyện thì cô đã là nhân chứng trực tiếp về ngày 30/4/1975, hay hình ảnh "vô thường" trong cuộc chiến tranh "sống đó rồi chết đó" của mấy người bạn sĩ quan Không Quân tại Đà Nẵng, hoàn cảnh gia đình của Hồng sau ngày 30/4/1975, sau khi người chồng đi tù "cải  tạo" tại rừng núi miền Bắc, cảnh mấy  mẹ con kiếm sống qua ngày tại Sài Gòn, hoàn cảnh của mấy anh em, chị em, bạn bè cùng cảnh ngộ, cảnh đi thăm nuôi chồng trong tù... Qua những đoạn phim đó, Võ Hồng Phi là nhân chứng trực tiếp... Những gì được ghi lại trong sách này cũng có những điều tác giả nghe kể lại, nghe nói lại vì lúc đó tác giả không có mặt chẳng hạn như cuộc sống của anh em trong nhà tù, chuyện người tù trốn trại bị đem ra xử tử... Những ai đã từng sống trong hoàn cảnh đó khi đọc văn của Võ Hồng Phi đều có cảm tưởng cô là người trong cuộc... nhưng chúng ta cũng có thể gọi cô là nhân chứng gián tiếp (được nghe người khác kể lại). Dù là trực tiếp hay gián tiếp, điều quan trọng là tác giả đã có khả năng và can đảm cầm bút ghi lại những điều mắt thấy tai nghe hay nghe người khác kể lại... Làm được công việc đó, đương nhiên cô đã trở thành nhà văn, nhà thơ, nhà báo và khi tác phẩm của cô được xuất bản thì độc giả phải gọi cô  là nhà văn, nhà thơ, nhà báo.  Không có gì để cho cô phải từ chối điều đó.
Vấn đề là những điều cô ghi lại, viết lại đó có được mấy mươi phần trăm là sự  thật?  Tôi là một người theo ngành sử học, được đào tạo chính quy theo một chương trình của Đại học Văn khoa và Sư phạm và có tác phẩm nghiên cứu, có nghị định bổ nhiệm làm giáo sư, được tín nhiệm là Tổng Thư Ký Hội Sử học Việt Nam, được tham dự một số hội nghị về sử học, được mời thuyết trình một số đề tài về sử học, có công trình nghiên cứu từ cổ sử đến hiện đại...Tất nhiên tôi có biết qua các phương pháp để thẩm định một tác phẩm có liên quan đến lịch sử. Tôi đã bỏ thì giờ đọc trọn tác phẩm của Võ Hồng Phi.  Đây là một sự ghi chép lại khá trung thực các biến cố lịch sử dưới con mắt nhân chứng của cô. Cũng có những điều cô ghi lại, tôi không có khả năng để kiểm chứng, Những nhân vật trong truyện, dù không nói rõ tên thật, thì nhiều người cũng đã đoán biết được cô muốn nói đến người nào rồi? Tâm lý con người: cái gì mình biết, mình nghe nói mà để trong bụng thật là khó.  Nhiều người rất muốn nói ra cho người khác nghe, nói cho người khác biết.  Đã dám viết ra thì tất nhiên sẽ có nhiều người đọc. Trong số người đọc sẽ có người thương, kẻ ghét, sẽ có người trở thành kẻ thù của mình.  Sứ mạng  của người cầm bút là dám nói lên sự thật. Tôi biết mục đích của cô là chỉ muốn nói về mình, về gia đình mình... nhưng rồi cô vẫn  không tránh khỏi điều liên quan đến kẻ khác.

Cái khó của người cầm bút viết văn, trước hết là sắp xếp câu chuyện (giống như phân cảnh một truyện phim) làm sao cho câu chuyện có mạch lạc, hợp tình, hợp lý, và chuyển tải được tư tưởng của tác giả vào câu chuyện đó.  Cái khó thứ hai là viết về đối thoại giữa các nhân vật.  Người đọc sẽ đánh giá "tài viết văn" của một tác giả qua hai lãnh vực nầy.  Phân biệt tài cao thấp là ở chỗ đó. Võ Hồng Phi đã thành công (tương đối thôi) ở cả hai lãnh vực nầy. Viết một bài nghiên cứu, một bài bình luận chính trị, phân tích thời sự khác với viết một truyện ngắn hay truyện dài. Người có học, có bằng cấp, có kiến thức rộng thì có thể viết được một cuốn sách, trình bày một vấn đề... nhưng không ai xem những tác phẩm đó là tác phẩm văn nghệ (văn chương, nghệ thuật) như một cuốn truyện, một tập thơ, một bài hát... Đối với người Việt Nam thường coi trọng người có bằng cấp, người có địa vị trong xã hội hay người giàu có, làm chủ một cơ nghiệp lớn. Nhưng đối với các dân tộc khác trên thế giới, đặc biệt là Tây phương thì họ xem trọng người có tài, qua các tác phẩm văn chương, nghệ thuật để lại cho đời.  Chúng ta không hiểu được tại sao có người bỏ ra hàng chục triệu dollars để mua một bức tranh (chỉ vì giá trị nghệ thuật của tác phẩm đó).

Tôi cầu chúc bạn Võ Hồng Phi:  đã viết được một cuốn  sách... trong tương lai sẽ viết được nhiều cuốn sách khác. Hãy can đảm nhận lãnh trách nhiệm làm nhà văn nói lên sự thật.




Nguyễn Lý-Tưởng

(Ngày 6 tháng 5/2014)




Không có nhận xét nào: