Sau tết, giữa năm đệ thất, vì công việc
làm ăn mới ba mẹ tôi dọn về Tây Ninh ở. Buổi sáng ngày cuối trước khi theo
chuyến xe hàng mướn của anh năm Đen xóm trên chỡ đống đồ đạc còn lại, mẹ tôi
dắt tôi đi từ giã mấy người quen hàng xóm rồi ra cầu đò chờ đón chuyến đò giữa
trưa của bà tư đưa qua bên kia sông, phía cù lao nhà Hân ngày trước để bà thăm
lại mộ bác Diệu lần cuối. Trời bây giờ đã lưng chừng mùa xuân rồi mà cũng còn
vài cơn gió Đông nhè nhẹ lạnh. Gốc mai già đơn độc trước cổng trụ sở xã vẫn còn
lưa thưa dăm cánh hoa cuối mùa tiếc nuối.
Từ ngày Hân đi, chưa lần nào tôi ra lại cầu
đò, thiếu Hân tôi thấy nó đáng ghét và chẳng cần nhìn thêm chi nữa. Không còn
Hân, tôi không còn thương tiếng mưa êm đềm trên mái tranh già mà muốn mưa như
bùng như bão nhưng lại sợ ở nơi đang ở Hân sẽ lạnh cả lòng. Cái trống trường
treo lũng lẵng ở hành lang ngay lớp nhất là cái để thương để nhớ mỗi khi vào
lớp ra về thay vì không thích nó như xưa vì từng âm thanh vang lên bây giờ
tưởng chừng như còn Hân đừng chờ mình đâu đó. Tôi cũng không buồn đi ngang qua quán nước ọp ẹp bán bánh tai heo trên đường
tới trường, tôi chẳng thèm ăn dù nó có bốc mùi thơm ngào ngạt. Cái hơi nóng bập
bùng của nhóm lửa lá bàng khô ở góc sân trường mà cô thầy cho phép đốt trong
những sáng đầu thu đã không còn đủ ấm để sưỡi trọn nổi nhớ Hân trong lòng tôi
từ đó. Tôi cất giữ cuốn tập viết cũ, có ép đôi ba cánh bướm và những cánh hoa
khô mà Hân đã tặng hôm chia tay tại cầu đò một cách cẩn thận trong cái cặp đi
học mỗi ngày để được thấy hai đứa vẫn còn đi bên nhau trên đường đến trường ngày
hai buổi.
Lên bờ, mẹ nắm tay tôi đi lần theo con
đường đất mòn sau xóm nhà cù lao. Phía bên kia căn nhà tranh nhỏ của Hân và mấy
bụi chuối già không còn đó nữa. Băng qua cái đầm sen rộng ở phần đầu của con
rạch chảy theo chiều ra sông, tôi bỏ tay mẹ ra, ngắt vội cái hoa sen lớn đỏ
thắm và hai bông súng trắng nhỏ nhoi rồi chạy vội theo chân bà về hướng nghĩa
trang cũ. Xác xơ hàng cây dừa già nua đứng lặng câm trong cái nắng giữa trưa
gay gắt đổ. Tới mộ bác Diệu, mẹ đi quanh chầm chậm nói thì thầm gì đó rồi bà
nhìn tôi với đôi mắt rưng rưng. Tôi cắm vội cái hoa sen và hai bông súng trắng
trước tấm bia bằng xi măng đã úa màu lam xẩm. Tôi chỉ cho mẹ xem hoa sen là bác
Diệu, bông súng là tôi và Hân, hai cái bông súng nhỏ nhoi tội nghiệp sẽ còn mãi
tươi vì đã có cái hoa sen vĩ đại vương mình che sức nắng nung người của trời
đất. Mẹ vò đầu tôi, nói thêm gì đó trước mộ sau khi đốt mấy cây nhang thơm mùi
bông cúc. Nghe lời mẹ tôi đứng cúi đầu xá nhiều xá, nghe môi mình chơtï mặn mới
biết rằng mình đã khóc tự hồi nào.
Trở lại chợ, mẹ con tôi nhìn căn nhà lần
cuối vì ngày mai nó sẽ thuộc vào người chủ mới, ông bà cai tổng Huân ở chợ Gò
Dầu Hạ. Chiếc xe chỡ hàng chạy chầm chậm ra ngã ba, rẽ trái rồi thẳng hướng lên
Tây Ninh, mẹ ôm tôi vào lòng nhìn lại xa xa phía sau. Cái truông nứa dài nằm
đàng sau những đám ruộng trơ gốc rạ sau mùa gặt cuối năm hai bên đường dần dần
mất hút. Lẽ loi đâu đó vài cụm mây chiều
hững hờ xuống thấp. Tôi mang theo cái ký ức buồn thiu theo mẹ bỏ Hiệp Thạnh đi
từ buổi chiều trời quên mưa hôm đó.
Ngày đầu tựu trường năm đệ thất, vai mang
cái cặp đi học trong đó có cuốn tập ép hình hoa và bướm của Hân tặng, tôi đứng
thấp thõm ngay ngã ba xế lối vào cho con gái, cái thấp thõm như những sáng chờ
Hân theo con đò bà Tư qua sông ngay cầu đò, dõi mắt tìm Hân trong đám đông học
trò chưa quen cho tới khi cánh cổng sắt vô tình hờ khép lại. Những ngày sau đó
tôi cũng đến trường thật sớm, đứng chỗ cũ tìm Hân cho đến khi vào học và không
biết là mình đã đứng như vậy trong bao nhiêu ngày.Trời đã chập chửng có đôi ba
cơn mưa đầu mùa, tôi thôi không còn đứng tìm Hân nữa từ những ngày đầu mùa thi
đệ nhị lục cá nguyệt.
Tôi chơi thân với Bảo không lâu sau khi Bảo
vào học trễ được sắp ngồi kế bên mình.
Nhà Bảo là căn biệt thự khá đẹp trên đường Võ Tánh, không xa ngã ba chợ
cũ bao nhiêu. Ba của Bảo là một công chức cao cấp trong tòa hành chánh tỉnh.
Hai bác rất hiền và thương người mặc dù không theo đạo nào cả. Sáng sớm từ nhà
mình, một căn nhà gạch không nhỏ lắm ở khúc đường Pasteur, gần nhà thờ tỉnh,
tôi đi bộ ngang nhà Bảo rồi hai đứa cùng đi chung tới trường. Mỗi lần cùng đứng
chờ tôi nhìn đám con gái vào cổng trước cửa trường, vào lớp học Bảo cười toe
toét cho rằng chắc tôi thích ai đó. Không giống như tôi, Bảo không học giỏi lắm
nhưng mới đệ thất mà xem ra ngang tàng nhưng sẳn sàng giúp bạn nếu bị người
khác ăn hiếp. Hai đứa chiều nào cũng đạp xe đi khắp hang cùng ngõ hẹp, từ cuối
phố Gia Long đến ngã ba Giếng Mạch. Không có tiền nhiều nhưng bánh mì, nước đá
nhận chế si-rô đỏ cũng đủ chia làm hai phần không dư không thiếu trong suốt mấy
năm học. Hai đứa tập tành làm thơ đầu năm đệ tứ, cũng học tới học lui mấy chữ
bằng bằng trắc trắc, cũng viết để tặng người này người nọ nhưng tất cả chỉ là
thơ con cóc.
Thứ bảy chủ nhật không thấy mặt tôi ở nhà
là ba mẹ biết ngay tôi đang ở đâu và ngược lại ba mẹ Bảo cũng vậy. Hai đứa lớn
dần với mớ kỷ niệm thân yêu không dễ tìm ở đâu được. Chiến tranh dần dần lan
rộng và căng thẳng hơn những năm qua. Tiếng đại bác có thể nghe văng vẳng từ xa
ở miệt biên giới. Có những đêm tối trời ánh sáng hỏa châu bập bùng như ánh sáng
vàng vỏ của một nửa vầng trăng lên muộn giữa khuya. Không may cái đồn điền cao
su của gia đình từ cầu Trà Phí chạy lên tới bên này chân núi Bà Đen bị thiệt
hại nặng vì mấy trận đánh của đôi bên, cho nên ba mẹ tôi quyết định tạm gởi tôi
cho một ông cậu ở Sài Gòn học tiếp năm đệ tam. Tôi và Bảo chia tay trong lúc
cái bắt đầu biết buồn của lưng chừng tuổi mình mới lớn sau mùa hè năm đệ tứ.
Năm đó, tôi có về lại Tây Ninh ăn tết và hai đứa đi chơi với nhau đôi ngày ít
ỏi.
Tôi về lại Tây Ninh học lên đệ nhị vì mẹ
tôi không muốn tôi xa nhà vã lại ba tôi cũng đã chùng chân mõi gối đời lưu lạc
nên ông không phản đối. Ngày đầu năm học mới trong lúc đứng chờ Bảo vào phòng
thầy giám học hỏi han gì đó ngoài hành lang, tôi giựt thót người khi nghe có
tiếng gọi tên Hân trong nhóm ba cô nói cười luôn miệng đi ngang qua. Tôi chạy
vụt theo chân mặc cho Bảo réo một réo hai. Hân quay lại, cả hai đứa nhìn nhau
khóc rấm rứt. Ngày hai đứa khóc trước mộ mẹ Hân, tôi không biết tại sao nhưng
tôi hiểu lần này tại sao tôi lại khóc. Hân ôm mặt rưng rưng tôi cúi đầu nghẹn
tiếng. Đám bạn Hân phía bên kia ngơ ngác, Bảo bên này cũng trố mắt lặng thinh.
Trời đã có một chút nắng sớm, chuông vào học kéo dài rồi ngưng bặt, Hân vẫy tay
cùng mấy cô bạn trở lên lớp, tôi vui mừng kéo Bảo băng qua cái sân trường loang
lỡ cỏ của những ngày cuối hè. Cuốn sách vật lý cứ để mở trang đầu trên bàn lớp
học mặc dù thầy đã giảng thật lâu, tôi nhìn Bảo cười. Đã từ lâu lắm rồi tôi mới
có một cái cười trọn vẹn.
Hân theo bà dì họ về Bến Cầu ở chừng không
hơn nửa năm thì bà dì lập gia đình rồi theo chồng xuống Trãng Bàng, nhà ở ngay
ngã ba đường vào Tha La xóm đạo. Dì cũng dắt díu Hân theo và cho vào học tại
trường trung học quận. Lên Tây Ninh, Hân cùng cô bạn khác cũng quê Trãng Bàng ở
trọ tại một căn phố của dãy nhà ngói cũ không xa trường. Cùng với Bảo, ba người
xem nhau như là bạn thân. Tôi kể cho Bảo nghe chuyện quê nghèo Hiệp Thạnh có
cái bến đò cũ kỷ, có cái bánh tai heo, có cái vườn chuối thơm hương cau của Hân
và con đò chỡ Hân bỏ xóm theo về phương xa khác. Chiều tan trường, đi bên nhau
ai cũng muốn con đường về nhà trọ Hân hun hút dài thêm nữa.
Tôi đưa Hân về thăm ba mẹ. Gặp lại Hân ông
bà mừng vui khôn xiết nhất là mẹ tôi, bà thì thầm tiếng thương tiếng mến gì đó
luôn miệng. Mỗi lần tôi đưa Hân về, bà đều đi theo sau dúi vào tay Hân xấp giấy
nho nhỏ. Mãi đến sau này ba mới nói cho tôi biết là bà cho Hân chút ít tiền
xài. Mới đó mà trời sắp vào những ngày cuối đông, đường phố đã biết lạnh, phía
bên kia sông chiều về sương đêm thường xuống sớm. Tiếng súng của chiến trận vẫn
nghe rõ từng đêm qua từng đêm, hỏa châu cũng le lói nhạt nhòa ẩn hiện ở một góc
trời xa xa đâu đó. Trong cái lạnh của nửa lễ giáng sinh, tôi và Hân đứng chấp tay
bên nhau trước tượng Chúa ngoài sân nhà thờ, hai đứa nói với nhau tiếng yêu lần
đầu và xin Chúa ban phước lành cho chúng tôi đến ngày cuối đời. Ở trên gác
chuông cao, tiếng chuông một lần nữa ngân vang và kéo dài theo những hạt mưa
như bụi bất chợt về chênh chếch nửa khuya.
Lên đại học, Hân vào Đại học Sư Phạm để
tròn ước mơ làm cô giáo còn tôi thì không khá lắm nên đành lang thang trên
giãng đường trường Luật. Mớ kỷ niệm xưa ở quê nhà chưa kịp nói cho nhau trọn
vẹn thì đã ôm ấp thêm những buồn vui mới nào là thương hàng phượng bên đường
mỗi chiều đón Hân về chung bước, nào là nhớ bóng mát che ngang đầu hai đứa, nấn
níu không chịu về để mặc con đường Duy Tân hun hút dài. Cũng dìu nhau trốn mưa
bên vĩa hè Nguyền Huệ hay đan tay nhau để Hân thả tóc dài theo lá me bay nửa
ngõ Gia Long.
Cuối mùa thi Bảo rớt tú tài 2 đành vào lính rồi biền biệt đất trời, tin gởi
đi nhanh nhưng tin tìm hắn về thường quá muộn. Giữa năm thứ hai sư phạm, Hân đi
Trảng Bàng ở chơi với bà dì một ngày rồi sáng hôm sau đón xe lên Hiệp Thạnh, về
lại xóm nghèo bên cù lao cũ thăm mộ mẹ dưới cơn mưa rả rích. Trời bất chợt nổi
giông gió lớn, chiếc đò ngang đưa Hân trở lại bên này xóm chợ bị giòng nước
xoáy ngược ở khúc rẽ vào làm chiếc đò quay vòng rồi chìm sâu dưới sông. Dân
làng ùa nhau người ghe, người lội bừa ra sức tiếp cứu trong cơn mưa như trút
nước. Giữa trưa, người ta tìm thấy xác Hân nằm bập bềnh bên cạnh cầu đò, tóc
Hân xõa dài lên xuống theo con nước vừa lớn mù mờ trong màn mưa chập chùng. Vẫn
chưa có chút nắng lên dù đã xế trưa.
Tôi gục đầu ngồi chết lịm trên ghế giãng
đường khi nghe tin Hân chết từ cô bạn cùng lớp, cùng nhà trọ với Hân. Tôi lên
Trãng Bàng kịp giờ đưa Hân ra mộ sáng hôm sau. B??c theo cái xe lam ba bánh làm
xe tang đưa Hân vào nghĩa trang của Tha
La xóm đạo tôi thẩn thờ như cái xác chết biết đi trong màn bụi nắng đỏ đầu
ngày. Để mặc cho mình khóc rấm rứt tôi đau đớn bỏ cuốn tập có ép bướm và hoa
xuống huyệt sâu cùng với nắm đất lạnh chưa kịp khô hơi nắng. Người đưa đám tang
lưa thưa bỏ đi, tôi vẫn còn chết lặng trước tấm mộ bia khắc tên Hân làm vội
bằng một miếng gỗ nâu đen cũ kỹ. Tôi cúi xuống thấp, đặt tay lên nấm đất mới
đấp vừa đủ cao. Trời bắt đầu có nắng. Chút nước mắt mặn nhỏ từng giọt nhỏ cố
len vào đất khô như cố mang theo hơi ấm xuống nơi có một phần đời đã bỏ quên
dưới mộ.
Bỏ Tây Ninh từ đó tôi tha phương và cũng từ ngày đó tôi sợ những dòng sông dù biết rằng con sông nào
rồi cũng chảy theo chiều ra biển.
Thuyên Huy
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét