Thứ Ba, 30 tháng 6, 2015

Chiều Lỗi Hẹn - Trầm Vân

    

  Chiều Lỗi Hẹn

Lỡ rồi anh lỗi hẹn rồi
Trái tim bối rối bồi hồi ăn năn
Chắc em lệ nhỏ âm thầm
Bàn tay tình vội đưa khăn lau chiều

Con đường lạc tiếng chim kêu
Mình em đưa gót phố hiu hắt buồn
Áo bay đôi vạt dỗi hờn
Chia đôi nỗi nhớ cô đơn lạnh lùng

Tóc buồn em xõa rối tung
Chờ anh cột lại sợi thun quấn tình
Đừng buồn phai má hồng xinh
Cây nghiêng cành đợi đôi mình đó thôi

Ngày mai nào có xa vời
Phố vui sánh bước lứa đôi nồng nàn
Dắt tình qua phố lang thang
Dắt chiều qua lối mơ màng cỏ hoa

Lỡ rồi, đừng giận anh nha
Đừng em , thao thức sương nhòa bóng đêm
Mai vòng xe chở êm đềm
Đường xanh mộng ước thần tiên hẹn hò

    Trầm Vân



Xót Xa Trường Cũ - Đàoanhdũng


Trẻ - Già & Trẻ Mãi Không Gìa (Quang Yến)


TRẺ _ GIÀ

Quên đi đầu tóc bạc
Cứ ngở mình trẻ ra 
Mấy em khen phong độ
Vẫn tưởng như chưa già !!!

Ra đường liếc ngang dọc
Nhìn gái đẹp mắt hoa 
Kính lão giờ mấy độ
Vẫn tưởng như chưa già !!!

Giá như là thoát tục
Râu tóc lìa thật xa 
Suốt đời là hỷ xã
So đo chi... trẻ già !!!

     Quang Yến

*******************************
 TRẺ  MÃI  KHÔNG  GIÀ 

Nhuộm lại mái tóc bạc
Vào mỹ viện căng da
Nhìn qua sao teen quá !
Ai bảo là ta già ? 

Ra đường phóng Honda
Áo quần thật bảnh bao 
Phố ung dung ta dạo 
Ai bảo là ta già ?

Giá như cho sống mãi 
Trăm tuổi vẫn tà tà 
Râu ria mài nhẵn nhụi
Ôi ! Trẻ mãi không Già !!!

          Quang Yến




Đôi Thiên Nga - Như Phương

 
                   
                  
           Đôi Thiên Nga

     Trên mặt hồ thiên nga từng đôi,
     Nước trong, soi bóng hàng cây sồi
     Cánh trắng như tuyết, cùng nhau múa
     Vui vầy, như hạnh phúc đời người .

           Như Phương
      Fremont,June 15

Thứ Hai, 29 tháng 6, 2015

Tình Quê (Cao Linh Tử) & Giả Gạo Được Mùa (MXThanh)


        Tình Quê

Chày đôi từng giã gạo Nàng Tây
Gõ nhịp cùm cum tiếng cũng hay
Trăng sáng tàu cau lơi lả gọi
Hương thơm gốc rạ ngập ngừng bay
Quê nghèo giản dị nuôi từng bữa
Tuổi trẻ hồn nhiên lớn mỗi ngày
Sương nắng đi qua gần cuối ngõ
Thương sao ký ức thuở xưa nầy

        Cao Linh Tử


                  ******

Bài họa:
   
 Giã Gạo Được Mùa

Bà con giã gạo trắng miền Tây,
Thời vụ trúng mùa lúa mới hay.
Trai tráng làng quê vui mở hội,
Thiếu niên trẻ nít thả diều bay.
Hoa đồng cỏ nội hương thơm ngát,
Phụ lão nông phu trãi tháng ngày.
Mưa nắng bốn mùa xin thuận lợi,
An cư lạc nghiệp ước mơ này...

Mai Xuân Thanh 
Ngày 25 tháng 06 năm 2015



Còn Gì Nữa Đâu - Quang Yên


 Còn Gì Nữa Đâu

Ta còn 
Một nửa 
Đời sau .

Nửa kia 
Đã bạc 
Theo màu 
Thời gian .

Nửa nầy 
Cũng sẽ
Sắp tàn 

Sẽ rơi 
Như chiếc 
Lá vàng
Mùa Thu!!!

       Quang Yến



Thiên Đường Mê Hoặc - Trầm Vân



Thiên Đường Mê Hoặc


Nụ cười em trổ rực hoa
Thiên đường nào có đâu xa rất gần
Bên em gió thoảng lâng lâng
Đôi bờ môi mọng khép vầng trăng thơ

Con đường hoa cỏ ngu ngơ
Thiên đường là lối hẹn chờ đắm mê
Tóc bay làn gió vân vê
Tình anh theo lạc lối về trần gian

Chìm trong đôi mắt mơ màng
Thơ anh ngụp lặn trong hang động tình
Tay em dài ngón thon xinh
Giữ anh trong cõi bồng bềnh thơ bay

Buổi chiều chếnh choáng cơn say
Hàng cây nghiêng ngả nắng gầy ngủ quên
Dắt tay nhau bước êm đềm
Tiếng chim líu ríu ru mềm lòng nhau

Nhìn em má thắm môi đào
Nụ hôn thoát tục môi trao thiên thần
Tình ta như sóng trào dâng
Thơ anh bỗng thoát cõi trần phiêu du

Mê cung tình khép cửa hờ
Thiên đường ngây ngất cơn mơ bồng bềnh

    Trầm Vân



Hoa Ti-gôn - Như Phương


                 Hoa Ti-gôn
    Thấy Ti-gôn khi sáu tuổi vào trường,
    Trước lớp, những chùm hoa vương vương,
    Len trong đám lá màu xanh thắm
    Đẹp làm sao, lòng như mãi thương.
 
    Lớn lên mới đọc những vần thơ,
    Ti-gôn, tình lãng mạn, mộng mơ,
    Dáng hoa ví như trái tim vỡ,
    Cho tình đôi ngã, đành hững hờ.

    Tuổi học trò, thơ chép hàng trăm,
     Bài thơ Ti Gôn thuộc nằm lòng,
     Nâng niu từng cánh hoa ép vở
     Khung trời lãng mạn, qua bao năm!

     Vẫn nhớ Tigôn rợp mái trường,
     Bao năm Ti gôn còn vấn vương,
     Ngoài kia những cánh hoa mới nở
     Là hình ảnh xưa, gợi tình thương.
     
                        Như Phương
                        June 2015





Chủ Nhật, 28 tháng 6, 2015

Hạ Tàn - Quang Yến

  
    Hạ Tàn

Hạ tàn phượng bỏ đi tu 
Ngẩn ngơ tà áo !!!
Trắng như mây trời .

Tóc thề buồn chẳng muốn rơi .
Cất vào trong cặp
Của đời học sinh .

Hạ tàn ve cũng thất tình
Đêm nằm than thở 
Một mình hở ve ?!!!

Tìm đâu ánh nắng trưa hè ?
Tìm đâu bạn cũ 
Để nghe tiếng lòng !!!

            Quang Yến



Mưa Tháng Sáu - Nguyễn Đ Thắng


  Mưa Tháng Sáu

Tháng Sáu trời mưa chẳng suốt ngày
Mà ly rượu cạn vẫn tràn say
Cơn mưa bất chợt đi rồi đến
Giấc ngủ không dài những phút ngây.

Mưa cứ rứt ray tận cõi lòng
Hết còn đợi đếm hoặc chờ đong
Mưa rơi mưa vẫn rơi từng hạt
Phương ấy môi xưa có nhạt hồng?

Canh lụn dần tàn hạt vắng rơi
Im lìm thức giấc mắt ngơ rồi
Tiếng gió giao mùa lùa qua cửa
Nỗi buồn ngấm lạnh nỗi đơn côi.

Còn lại gì không những sắc mầu
Một đời thất bại xót niềm đau
Lời thơ khắc khoải từng con chữ
Từng khối vận lòng tiếp nối nhau.

Nguyễn Đắc Thắng
20150622




Áo Tím Phương Trời - Trầm Vân


Áo Tím Phương Trời

Áo dài ơi , áo tím ơi

Áo em bay tím phương trời thơ anh
Chợt nghe nỗi nhớ chòng chành
Nắng hồng rơi nhẹ vòng quanh áo dài

Em về nhẹ bước khoan thai
Hương ngan ngát thả từ ngoài vào trong
Đóa thơ anh nở trong lòng
Dịu dàng xòe cánh nhớ mong đợi chờ

Thu về vàng lá ngu ngơ
Tiếng chim rón rén đậu bờ môi thơm
Con đường hò hẹn bồn chồn
Gió hôn tóc lá tình hôn nụ cười

Tìm về thương tuổi đôi mươi
Tình say ngây ngất một thời dại ngây
Nồng nàn cháy bỏng vòng tay
Vòng ôm siết chặt tháng ngày nhớ thương

Thế rồi áo tím gió sương
Em xa ngày ấy nỗi buồn xé tim
Thơ anh trôi dạt nổi chìm
Ngày xưa trìu mến biết tìm nơi đâu

Áo em bay tím qua cầu
Tím buồn rơi xuống rối nhàu nước trôi
Đừng em buồn tím xa xôi
Cho thơ anh rối tím lời xót xa


   
 Trầm Vân




Soi Bóng Bên Hồ- Như Phương

                               

                            
                             SOI BÓNG BÊN HỒ

                        Soi bóng bên bờ hồ mộng mơ
                        Bước chân ai  lạc đến Toronto,
                        Mây nhẹ lang thang trên sóng biếc
                        Nắng Hè ấm nước vùng Ngủ Hồ.

                        Những  cánh buồm xa  như thả hồn
                        Hiền hoà hồ lặng giữa hoàng hôn.
                        Lắng nghe con nước lăn tăn vổ
                        Mệt mỏi, ưu tư thôi không còn.
                       
                        Niagara hùng vĩ, cạnh bên lòng,
                        Georgian, Cottages của hồ  Huron:
                        Thả cần câu trên con thuyền gỗ,
                         Cá tươi ta nướng trên than hồng.

                        Bơi lội vẫy vùng bến cát xanh,
                        Docks dài cho tàu nhỏ đổ quanh
                        Nơi đây, mọi người đều hoan hỉ
                        Sách vở, sáo đàn, canvas vẽ tranh.

                        Không tiếc lời ca tụng Ontario
                        Ngàn phong cảnh của vùng Ngũ Hồ
                        Berries mùa nóng cho vị ngọt
                       Toronto, sóng đẹp, buồm màu nhấp nhô.

                                           Như Phương

                                               Hè 2015
                                  



                     



Thứ Bảy, 27 tháng 6, 2015

Phân Tích Bài Thơ Xuân Tình của Mạnh Hạo Nhiên (Nguyễn Cang)

   Phân tích bài thơ XUÂN TÌNH (春情) của Mạnh Hạo Nhiên  ( ) (689-740).  
           ( Nguyễn  Cang)
Nguyên văn                    Âm Hán Việt
    春情                                Xuân Tình
青樓曉日珠簾映  Thanh lâu hiểu nhật châu liêm ánh
紅粉春妝寶鏡催  Hồng phấn xuân trang bảo kính thôi
已厭交懽憐枕席  Dĩ yếm giao hoan liên chẩm tịch
相將遊戲遶池臺  Tương tương du hí nhiễu trì đài
坐時衣帶縈纖草  Tọa thì y đới oanh tiêm thảo
行即裙裾掃落梅  Hành tức quần cư tảo lạc mai
更道明朝不當作  Cánh đạo minh triêu bất đương tác
共鬥管絃來 Tư yêu cộng đấu quản huyền lai.
 ( )         (Mạnh Hạo Nhiên)
Lời mở đầu:
Việc nghiên cứu thơ Đường, tính tới nay, có không biết bao nhiêu người viết bài và vẫn còn tiếp tục chưa có dấu hiệu chấm dứt. Câu hỏi đặt ra là tại sao chưa chấm dứt? Lý do đơn giản là thơ Đường thường làm dưới dạng thất ngôn bát cú hoặc thất ngôn tứ tuyệt quy định 56 chữ hoặc 28 chữ một bài, nên ý chưa nói hết, thành thử mỗi người phân tích theo suy nghĩ và cảm nhận riêng của mình cho nên có nhiều ý lạ mà lại hấp dẫn người đọc nên họ cứ phân tích mãi. Có điều cần lưu ý là thời Đường cách nay hơn 1000 năm thì làm sao truy cứu cho đúng ý tác giả. Tôi mạo muội phân tích bài nầy nhằm mục đích tìm hiểu thêm,mà tài liệu tham khảo thì thật hiếm, nên khó tránh khỏi thiếu sót.
Phân tích bài thơ nầy để tìm hiểu nội dung và nghệ thuật sáng tác của tác giả đồng thời đính kèm bản dịch của các nhà biên khảo để các bạn thưởng thức.

Giới thiệu tác giả:
Mạnh Hạo Nhiên ( )689-740, thời Thịnh Đường. Ông người Tương Dương, Tương Châu , nay thuộc tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. Ông thuộc lớp đàn anh của Lí Bạch, là người có tư cách, phúc hậu , đức độ. Ông có học vấn cao, tài năng thơ phú trác tuyệt được nhiều người đương thời khen ngợi, kết bạn tâm giao với nhiều thi nhân cũng như các quan văn đang làm việc trong triều đình. Những người bạn đáng kể là Trương Cửu Linh, Ôn Đình Quân, Lí Bạch v.v.  Có lần Vương Duy mời ông vào nội phủ, tình cờ gặp được vua Đường là Huyền Tôn Đường Minh Hoàng.Tuy nhiên ông không thích chốn quan trường mà chỉ muốn về ẩn cư tại Long Môn quê nhà để vui thú điền viên, ngao du sơn thủy, trải lòng với quê hương ruộng đồng. Cuối năm Khai Nguyên ông bịnh nặng rồi mất.
  Sự nghiệp văn chương của ông thật đồ sộ, đứng sừng sững như ngọn núi cao với 260 bài thơ. Ông làm thơ theo luật rất nghiêm cách nhưng hào hùng,phóng khoán, lừng lẫy một phương. Ông nổi tiếng với bài thơ 5 chữ: Xuân Hiểu, Lâm Động Đình, được nhiều người tán thưởng. Trong những người bạn tâm giao thì Lí Bạch là người ông mến mộ nhất, chính Lí Bạch đã làm thơ tặng ông trong bài "Hoàng Hạc Lâu Tống Mạnh Hạo Nhiên chi Quảng Lăng" để tiễn ông đi làm quan nơi xa,đó là Dương Châu. Ông tiễn đưa bạn với tâm trạng đầy trắc ần vì chỗ Mạnh Hạo Nhiên sắp đến là một nơi hoang vắng, đường đi đầy bất trắc; lo cho bạn không biết có bình yên không? Với tâm trạng cô đơn buồn thê thiết, ông vừa lo cho bạn vừ lo cho phận mình. Với thể thơ truyền thống cổ điển, bài tứ tuyệt 28 chữ đã cô đọng cả một niềm ưu tư khắc khoải khôn nguôi. Bài thơ mở đầu bằng lối thơ quen thuộc của thề Đường thi, giới thiệu khung cảnh trước mắt: Cố nhân tây từ Hoàng Hạc Lâu(Bạn từ Hoàng Hạc Lâu phía tây, lên đường)...

Chú thích từ ngữ:
1. Xuân tình (春情):tình xuân. Chữ tình () có bộ "tâm" viết đứng, bên trái, nghĩa là tim, còn bên phải là chữ thanh : màu xanh.  Vậy tình là tình cảm, tình ái, trai gái yêu nhau.
2. Thanh lâu (青樓): lầu xanh, nhà chứa gái điếm, chốn ăn chơi trụy lạc
3. Hiểu nhật (曉日), hiểu là sớm, ban mai; nhật() là mặt trời, ngày. Vậy hiểu nhật là nắng sớm ban mai.
4. bảo kính (寶鏡): gương quý (gương soi mặt).
5. Thôi(): thôi thúc, có bộ "nhân" bên trái.
6.Yếm (): chán.
7.Liên(): thương, yêu, tiếc.  Còn một âm nữa là "lân".
8. chẩm tịch (枕席): (chẩm 枕: cái gối; tịch 席 : chiếc chiếu). Chỉ khuê phòng ái ân (vợ chồng).
9. trì (): cái ao.
10. oanh(): vương vít, quay quanh, vòng quanh.  (Oanh hồi: vòng quanh lại).
11. Quản huyền(管絃): quản() là ống sáo bằng trúc, (có bộ "trúc" trên đầu); huyền : là dây đàn.  Quản huyền: ống sáo cây đàn.

Dịch nghĩa:
1.Ở lầu xanh, nắng sớm chiếu trên rèm ngọc.
2.Trang điểm phấn hồng, thúc giục soi gương quý.
3.Đã chán chung vui, còn tiếc gối chăn.
4.Cùng dìu nhau dạo chơi quanh ao đài.
5.Lúc ngồi, dải áo vương vít cỏ mịn.
6.Lúc đi, gấu quần quét hoa mai rụng.
7.Lại bảo sáng mai chớ làm như thế nữa.
8.Riêng mời bạn biết chơi đàn sáo đến cùng hòa vui.

Đại ý
: Tác giả tả một buổi sinh hoạt của một kĩ nữ chốn lầu xanh buổi sớm mai.

Bố cục:
1/ hai câu đề(1&2):
Kĩ nữ ngủ dậy, bước xuống giừơng trang điểm.
2/hai câu thực(3&4):
Chán chuyện gối chăn, kĩ nữ bước ra sân đi dạo một vòng cho khuây khỏa.
3/hai câu luận(5&6):
Tả lúc ngồi lúc đi của kĩ nữ.
4/hai câu kết(7&8):
Kĩ nữ hẹn ngày mai thay đổi cách chơi bằng đàn và sáo.
Lời bình:   

   "Xuân tình" là tình cảm phát sinh trong lòng vào mùa xuân ấp áp. Bài thơ mở đầu bằng hai chữ "Thanh lâu" nghĩa là "lầu xanh", nhưng đó là nghĩa đen còn nghĩa bóng chỉ nơi chơi bời đĩ điếm.  Ở đây tôi tìm hiểu chữ "thanh lâu" với nghĩa bóng nầy. Trong truyện Kiều có câu: "Thanh lâu hai lượt thanh y hai lần" là muốn nói tới nghĩa trên cho nên từ xưa tới nay khi nhắc đến hai chữ "lầu xanh" ai cũng thấy rùng mình, bởi đó là nơi ăn chơi trác táng của những tay công tử con nhà giàu hoặc những đại gia có máu mặt. Nhìn bên ngoài khó biết được đó là lầu xanh nơi chứa gái làng chơi còn gọi là kĩ nữ, kiều nữ, thanh nữ... và đặc biệt, nhà phê bình thơ Đường nổi tiếng Kim Thính Thán, gọi những kĩ nữ trong bài nầy bằng cái tên "nữ lang" thật lãng mạn, đầy ngưỡng mộ.
    Tác giả Mạnh Hạo Nhiên dùng ngòi bút sắc bén, nhạy cảm của mình để tả khung cảnh thanh lâu rất đặc biệt như là một khách sạn sang trọng, nhưng  đó là một thanh lâu cao cấp, nơi chôn lấp biết bao cuộc đời trong trắng của những đứa con gái ngây thơ, lỡ sa vào cạm bẫy của tú bà. Lầu có trướng rũ màn che, trang hoàng lộng lẫy, kết bằng ngọc châu. Một sớm mai, vào ngày xuân, lòng thiếu nữ phơi phới tràn lên sức sống mảnh liệt, nàng kĩ nữ thức dậy trang điểm phấn hồng để bắt đầu cho một ngày mới. Tác giả không tả cảnh ồn ào, dập dìu như thường thấy là đưa người cửa trước rước nguòi cửa sau. Điều nầy làm ta suy nghĩ là người kĩ nữ trong thanh lâu nầy chỉ tiếp những khách đặc biệt, những vương công tử, những tao nhân mặc khách, nên tâm trạng cũng như dáng điệu của nàng thật thanh thản, kín đáo, lại ung dung dạo chơi ngoài vườn mà không thấy cảnh ồn ào xô bồ, hoặc những âm thanh lời nói tục tỉu:
青樓曉日珠簾映  Thanh lâu hiểu nhật châu liêm ánh
紅粉春粧寶鏡催  Hồng phấn xuân trang bảo kính thôi
    Cũng là chốn thanh lâu nhưng thử xem thanh lâu của Nguyễn Du tả trong truyện Kiều có khác với thanh lâu của Mạnh Hạo Nhiên tả trong bài nầy không? Cũng trướng rũ màn che kết bằng ngọc châu, nhưng ngòi bút của Nguyễn Du như có thần, ông tả bên trong như có tiếng nói tiếng cười đú đởn, những âm thanh sặc mùi sa đọa, và như thấy dáng ẻo lả, đong đưa, ngả ngớn của những kĩ nữ đang đùa với khách làng chơi (Kiều, câu 1227-1230):
Lầu xanh mới rũ trướng đào
Càng treo giá ngọc càng cao phẩm người
Biết bao bướm lã ong lơi
Cuộc say đầy tháng trận cười suốt đêm.
   Cuộc vui nào rồi cũng tàn, ái ân cho lắm để dài tiếc thương! Trong truyện Kiều, Nguyễn Du đã khéo diễn tả tâm trạng của Kiều sau những lần tiếp khách làng chơi, những lúc đó nàng cảm thấy ê chề chán nản:
Biết bao bướm lã ong lơi
Cuộc say đầy tháng trận cười suốt đêm
Dập dìu lá gió cành chim
Sớm đưa Tống Ngọc tối tìm Trường Khanh.
    Tâm trạng người kĩ nữ luôn biến động: lúc vui lúc buồn tùy hoàn cảnh, vui khi hương sắc còn mặn mà, thơm tho, được khách chiều chuộng, tâng tiu, buồn khi nhan sắc tàn phai không còn kẻ đón người đưa. Cuộc mây mưa với bao nhiêu người cho đủ? Khách ra về để lại cho nàng nỗi bơ vơ chán ngắt, tiền bạc không danh vọng không, còn gì nữa để thiết tha? Trong lòng còn đọng lại niềm tiếc nhớ gối chăn đã đưa nàng đến bến bờ hạnh phúc ái ân tuy ngắn ngủi!
Người kĩ nữ buồn nhớ nhà bèn bước ra sân dạo một vòng quanh ao sen cho khuây khỏa tâm hồn:

已厭交懽憐枕席  Dĩ yếm giao hoan liên chẩm tịch
相將遊戲遶池臺  Tương tương du hí nhiễu trì đài

    Rồi kĩ nữ ngồi xuống cạnh bờ ao, nàng nhìn những bông sen đang nở dưới ao lòng nghe nôn nao quặn thắt nhớ về quê cũ xa mờ. Bây giờ là mùa xuân "Cỏ non xanh rợn chân trời/ Cành lê trắng điểm một vài bông hoa" (Kiều/ Nguyễn Du). Kĩ nữ ngồi xuống thảm cỏ xanh, vạt áo vương cỏ mịn tạo thành một bức tranh tuyệt đẹp. Đoạn nàng đứng lên bước quanh vườn, ống quần quét nhẹ trên những cánh hoa mai vừa rụng trong đêm qua. Cảnh tượng thật nên thơ thi vị. Chú ý câu 3/ :"Dĩ yếm giao hoan liên chẩm tịch", MHN tiên sinh tỏ ra xuất sắc trong phép dùng chữ đặt câu: Yếm (chán) là đầy đủ. Liên (tiếc) là gần gũi  .Chưa đủ thì gần kề, đủ rồi thì chán, xích ra xa. Câu chứa 7 chữ có ý nghĩa dâm, nhưng khi ta đọc lên chỉ thấy si (mê) chứ không thấy dâm. Thật lạ thay!

坐時衣帶縈纖草  Tọa thì y đới oanh tiêm thảo
行即裙裾掃落梅  Hành tức quần cư tảo lạc mai

   Bây giờ nắng đã lên cao, kĩ nữ quay gót trở vô nhà, nàng nhắn với nữ tỳ, với bạn rằng ngày mai sẽ bày ra trò chơi khác, mời bạn  mang đến những sáo, đàn  để thi nhau đàn ca múa hát cho vui:
更道明朝不當作  Cánh đạo minh triêu bất đương tác
共鬥管絃來  Tư yêu cộng đấu quản huyền lai.

Thật tiếc cho thân phận bọt bèo của nàng kĩ nữ, nàng cũng như bao nguòi con gái khác ở tuổi thanh xuân, luôn ước mơ có mặt mái ấm gia đình hạnh phúc nhưng hạnh phúc vượt quá tầm tay.  Lầu xanh đã chôn chặt đời nàng như một định mệnh không lối thoát!
    Còn một loại ca kĩ nữa, sống bằng nghề ca hát, chuốc rượu giúp vui cho các đại gia công tử của một thời phong kiến bên Trung Hoa. Tác giả không chứng kiến tận mắt cảnh ăn chơi sa đọa nhưng dưới ngòi bút điêu luyện đã lột tả được cảnh ăn chơi trụy lạc của bọn giàu tiền lắm bạc. Tác giả chèo thuyền trên sông, dừng lại cạnh quán rượu, nghe được tiếng ca, tiếng  cười cợt của những "thương nữ" đang phục vụ cho khách làng chơi ở một quán rượu bên kia sông trong cảnh nước mất nhà tan mà họ vẫn dững dưng vô trách nhiệm.  Một nhà thơ nổi tiếng với bài thất ngôn tứ tuyệt tuyệt vời, tới ngày nay còn truyền tụng, đó là Đỗ Mục (803-852) một danh sĩ tài hoa đa tình, ông đã đề cập tới loại ca kĩ nầy qua bài Bạc Tần Hoài thật đặc sắc, trong đó có điển tích "Hậu Đình Hoa" liên quan tới lịch sử Trung Quốc. Lời thơ bình dị, tuy nhẹ nhàng mà sâu xa bi thiết, xoáy vào lòng người như kim châm, thương cho cảnh nước mất nhà tan mà lòng người thì thờ ơ, cứ ăn chơi say đắm trong đau thương mất mát.
 Truyện kể rằng  vua Trần Hậu chủ (583-587) tên là Trần Thúc Bảo nổi tiếng phong lưu, đam mê tửu sắc, đến nổi giặc tiến vào thành mà vẫn còn ngâm ca khúc "Hậu Đình Hoa" bên cạnh  hai người đẹp là Trương Lệ Hoa và Khổng Quý Tân. Nhà Hậu Trần bị diệt vong một phần là do khúc hát nầy vì nó có tính cách bi quan ủy mị. Những ca kĩ kia cũng như nhà vua chỉ biết vui chơi trong hoan lạc. Ca kĩ hay "thương nữ" cũng là một. Ta hãy cùng nhau đọc lại bài thơ nầy:
Bạc Tần Hoài - Đỗ Mục.


泊秦淮
煙籠寒水月籠沙
夜泊秦淮近酒家
商女不知亡國恨
隔江猶唱後庭花   
Bạc Tần Hoài*
Yên lung hàn thủy nguyệt lung sa
Dạ bạc Tần Hoài cận tửu gia
Thương nữ bất tri vong quốc hận
Cách giang do xướng Hậu Đình Hoa**

      
Chú thích:

*Tần Hoài: tên con sông từ tỉnh Giang Tô chảy lên phía Bắc vào sông Trường Giang.
**Hậu Đình Hoa: tên khúc hát làm trong buổi tiệc của vua Trần Hậu Chủ và Trương Quý Phi thời Nam Bắc triều,
trong đó có câu:  
Yểu cơ kiểm tự hoa hàm lộ,
Ngọc thụ lưu quang chiếu hậu đình.
(Mặt người đẹp như hoa ngậm sương,
Cây ngọc chiếu sáng cả sân sau).Bản Dịch của Trần Trọng San
Thuyền Đậu Sông Tần Hoài

Khói trùm nước lạnh, trăng lồng cát;
Thuyền đậu Tần Hoài, cạnh tửu gia.
Cô gái không hay buồn nước mất,
Bên sông còn hát Hậu Đình Hoa
Hình thức:

Trở lại bài thơ Xuân Tình của MHN. 
Đây là bài thơ Đường luật 7 chữ , 8 câu. Nó gồm 2 đoạn thất ngôn tứ tuyệt ghép lại, lấy từ 4 câu cuối của bài thơ  thất ngôn bát cú luật bằng vần bằng, nên bài thơ chỉ có 4 vần thôi chứ không phải 5 vần. Từ ngữ sử dụng chọn lọc, diễn tả đúng tình và cảnh một cách tự nhiên sinh động.  Ý thì cô đọng sâu sắc. Trong hai câu đề (1&2), tác giả khéo chọn từ ngữ thích hợp "hiểu nhật" để tả buổi sáng có nắng xuân hồng rực rỡ chiếu lên rèm châu, vừa gợi hình vừa gợi cảm đặc sắc. Hai câu thực (3&4) có từ ngữ "giao hoan" nghĩa là cùng chung hưởng với nhau một niềm vui  nhưng cũng có nghĩa là truy hoan xác thịt, tạo nhạy cảm, diễn tả sinh động chuyện ái ân chốn lầu xanh. Tác giả khéo dùng từ đa nghĩa, khiến người ta nghĩ theo nhiều hướng, kích thích tò mò. Hai câu luận (5&6) có "y đới oanh tiêm thảo" tả lúc ngồi vạt áo vương cỏ mịn, thật nên thơ. Khi nàng đi thì"quần cư tảo lạc mai", nghĩa là lai quần quét lên những cánh hoa mai rụng đêm hôm qua . Hai hình ảnh thật đẹp và thơ mộng như bức tranh. Thật tuyệt vời!
   Về luật thơ, tác giả giữ luật một cách tương đối. Hình như đây là dụng ý của tác giả chứ không phải sai sót. Phép đối được áp dụng triệt để làm nổi bật tính biểu cảm và nghĩa của câu. Trong câu 3&4: từ ngữ "dĩ yếm" đối với"tương tương"; "giao hoan" đối với "du hí" v.v.  Trong câu 5&6: từ ngữ "tọa thì y đới" đối với"hành tức quần cư" v.v
Phép đối rất chỉnh về thanh, ý, từ loại.
Tuy nhiên câu thứ 7: "Cánh đạo minh triêu bất đương tác", chữ thứ 6 "đương" theo lẽ  thanh trắc, vì nó phải hiệp thanh với chữ thứ 2 "đạo" hay nói khác đi chữ "đương" phải niêm với chữ thứ 6 "lạc" ở câu trên. Theo thiển ý thì tác giả muốn cách tân (hay phá thể) câu thơ một chút ở chữ thứ 6 của câu 7, để biến đổi âm, thanh, điệu, vừa gây chú ý người đọc vừa tạo xúc tích câu thơ thêm hay. Đó là một "thủ thuật" chứ không phải là một sai sót kỹ thuật! Một nhà thơ lừng lẫy danh tiếng như tiên sinh thì không thể không biết luật thơ Đường, cũng giống như bài thơ nổi tiếng "Hoàng Hạc Lâu" của Thôi Hiệu vậy.
     
Dịch thơ: 
       Tình Xuân
Lầu xanh nắng sớm chiếu rèm châu
Gương ngọc giục soi, phấn điểm mau
Tiếc gối vui chung giờ đã chán
Mê ao hớn hở dạo đài sau
Khi ngồi cỏ mịn vương áo
Lúc bước quần hồng quét lối vào
Lại bảo sáng  mai đừng thế nữa
Mời mang đàn sáo hát hòa nhau.
  
     Nguyễn Cang  
*
Bản dịch của Hải Đà

Lầu xanh nắng sớm rực rèm châu
Xuân điểm soi gương dục phấn màu
Tiếc gối chăn chung chừ đã chán
Thích ao hồ dạo dắt dìu nhau
Tà vương cỏ mịn khi ngồi nghỉ
Quần động mai rơi lúc bước mau
Nhắn nhủ ngày mai đừng thế nhỉ
Sáo đàn mời mọc đến vui lâu.
    Hải Đà
*
Bản dịch của mailang
Lầu xanh nắng sớm chiếu rèm ngà,
Gương báu dục người đỏ phấn thoa.
Chăn gối rã rời còn nuối tiếc,
Ao đài chung bóng dạo chơi qua.
Bước đi gấu quét hoa mai rụng,
Ngồi lại tà vương cỏ mượt mà.
Còn nói sáng mai đừng thế nữa,
Gọi riêng đàn sáo lại giao hoà.
   mailang
(Cali. 06/17/15
  Nguyễn Cang)