Vài Cảm Nghĩ Lan Man Về Ngày Father's Day
An Hoàng
Hôm nay , Chủ Nhật, là một"ngày của cha",nhưng rất im lìm và lặng lẽ! chẳng phải con cháu quên, nhưng nhất định không bằng ngày của Mẹ!
Nói thế, chẳng phải vì tôi ganh với CP , nhưng nói cho cùng , một sự việc gì xẩy ra trên trái đất đều có một nguyên nhân : con có thương mẹ hơn cha, chuyện ấy cũng thường: đứa bé lớn lên bằng bầu sữa mẹ, tiếng hát ru hời bên vàng nôi cũng từ lòng mẹ mà ra,hạt cơm đầu đời cũng từ mẹ mớm, giấc ngủ no tròn cũng trong vòng tay của mẹ...
Cũng vì tấm lòng của mẹ bao la như thế mà có biết bao nhiêu thơ ca, âm nhạc nói về mẹ , đi vào lòng người, tồn tại mãi với thời gian, tôi chẳng thể nào viết ra hết được, còn về cha: những thơ ca, âm nhạc "nhạt" như nước ốc ao bèo!...
Nhưng có một bài thơ lục bát về cha mà tôi nhớ được một đoạn, không biết của nhà thơ nào, nghe cũng hay :
CÁNH CÒ CÕNG NẮNG QUA SÔNG
CHỞ LUÔN NƯỚC MẮT CAY NỒNG CỦA CHA
CHA LÀ MỘT GIẢI NGÂN HÀ
CON LÀ GIỌT NƯỚC SINH RA TỪ NGUỒN ...
Ngày của mẹ, MOTHER' DAY được gọi là Ngày Hiền Mẫu, nhưng ngày của cha, FATHER' DAY liệu có gọi là ngày Hiền Phụ ? không, các bạn ạ. Bà chị dâu đã từng bỏ ra 5 năm học Hán văn ở Viện Hán Học Huế đã gởi cho tôi một bài của ông Đỗ đức Chiêu mà chị đã khen viết rất công phu. Theo tác giả phải gọi cha là Từ Phụ, lấy từ thành ngữ "phụ từ, tử hiếu", có nghĩa là cha hiền, con thảo.
Trong gia đình thời xưa (chứ không phải hôm nay!) , người cha luôn nghiêm khắc nên căn nhà mới được gọi là NGHIÊM ĐƯỜNG, lời của cha luôn là khuôn vàng thước ngọc, được gọi là NGHIÊM HUẤN, chứ thời nay, và ở xứ này, chuyện ấy trở thành " cổ tích"! chúng còn "cãi" lại nữa là đằng khác và cho mình là " chậm tiến"!
Có một bài thơ chữ Hán của Đỗ Phủ được ông Đỗ Chiêu Đức dịch ra Nôm:
VỀ LẠI NHÀ
Con thơ trì áo hỏi
Sao đi mãi đến giờ ?
Cùng ai ngày tháng ấy ?
Mà tóc đã bạc phơ
Đó là thơ 5 chữ ( ngũ ngôn ), còn đổi ra " lục bát", nghe còn hay hơn nữa :
Con thơ níu áo hỏi cha
Đi sao lâu quá, bỏ nhà bỏ con !
Cùng ai, ngày tháng mỏi mòn ?
Sương pha tóc trắng, chẳng còn như xưa !
Bà chị vốn là nhà giáo, dậy Việt Văn ở một số trường trung học tại Miền Nam (chị sinh trưởng ở Miền Nam), chữ nghĩa với chị không thể "tào lao" như tôi, bạ đâu viết đó, xem xong rồi bỏ!
Chị chẳng thể đem Hán văn ra mà kiếm cơm ở xứ Cờ Hoa này, nhưng văn hóa là cái gì muôn đời, niềm vui của chị với chữ nghĩa vẫn mãi mãi là một cái gì ở một tầng cao và tầng cao ấy chẳng thể đem ra so sánh với vật chất, tiền tài, danh vọng...
chẳng khác nào như ông tú Vị Xuyên( Tú Xương) thời xưa, than với nhân gian :
CÁI HỌC NHÀ NHÀ NHO ĐÃ HỎNG RỒI
MƯỜI NGƯỜI ĐI HỌC , CHÍN NGƯỜI THÔI...
Trở lại với bài thơ trên của Đỗ Phủ, hỏi các ông có vợ, có con, muốn " cưa sừng làm nghé" , về quê nhà kiếm " cỏ non", khi trở lại " ao nhà", liệu " sư tử " có hỏi han bằng những lời thơ êm đềm như thế không nhỉ ? xem chừng hơi bị hiếm, hay đúng hơn là chẳng bao giờ ! jamais de la vie !
Xin nhắc lại những vị đó là bài thơ ĐỒ SƠN vẫn còn sống mãi với thời gian :
CHƯA ĐI, CHƯA BIẾT ĐỒ SƠN
ĐI RỒI MỚI THẤY KHÔNG HƠN ĐỒ NHÀ
ĐỒ NHÀ TUY CÓ HƠI GIÀ
NHƯNG LÀ ĐỒ THẬT, KHÔNG LÀ ĐỒ SƠN
Đồ Sơn ( viết hoa) là một bãi biển nổi tiếng ở gần Hải Phòng
đồ sơn ( viết thường) là đồ sơn phết bên ngoài, bên trong có khi chỉ là gỗ tạp .
Ngày của cha mà tôi lại viết nhiều về mẹ, có thể là lạc đề, nhưng chủ yếu người viết muốn có tí "credit" để làm vui lòng Chính Phủ. Các bạn có cho là " nịnh đầm" thì cũng đành phải chịu !
AN HOÀNG ( Ngày Father' day 2015)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét