Thứ Sáu, 26 tháng 6, 2015

Cười... Cười Cảm Tác Về Nụ Cươi - Ngọc Khuê

Cười... Cười - Cảm Tác Về Nụ Cười  
                                          Ngọc Khuê
     Đầu năm, mấy ông thầy tướng số thường nói về cầu tài, cầu phước, cầu danh vv… Xuất hành hướng nào thì gặp tài thần, hỉ thần… nhưng hình như không ai nói đến việc đầu năm nên cười cả!
     Cười có ích cho cuộc sống chúng ta không?
     Theo William Fry, giáo sư Đại Học Stanford thì “nếu mỗi ngày bạn cười 100 lần, bạn đã dùng sức tương đương với việc chèo thuyền trong 10 phút.”  Kinh thánh đã khuyên con người: “Lòng càng vui thì đời càng dài,”  và “một trái tim vui vẻ sẽ chửa bệnh như một ông thầy thuốc.”  Dân gian ta có câu: “Một nụ cười bằng 10 thang thuốc bổ”… Ngẫm ra, nụ cười có công hiệu rất lớn đối với sức khỏe con người.
     Chưa hết, nụ cười còn có ích cho chúng ta về nhiều phương diện.
     Ở Mỹ nếu ta đi phỏng vấn xin việc làm, ta có vẽ mặt tươi cười, vui vẻ, chắc chắn sẽ được thành công hơn là vẽ mặt nghiêm trang quá, lạnh lùng quá.
     Về mặt tình cảm, nụ cười gây một ấn tượng mạnh trong tâm hồn người.
     Trong kho tàng văn học Việt Nam, ta gặp rất nhiều nụ cười.
     Đây là nụ cười thanh tân của “người ngọc” dưới ngòi bút của cụ Nguyễn Du: “Hoa cười, ngọc thốt đoan trang”
     Sự ngọt ngào, dễ thương của nụ cười thiếu nữ khiến chàng trai nhớ mãi: “Tóc em dài em cài hoa thiên lý. Em mỉm miệng cười anh để ý anh thương” (dân ca miền Nam)
     Hay qua ca dao, ta lại gặp một nụ cười khó quên: “mình về mình nhớ ta chăng, ta về ta nhớ hàm răng mình cười.”
     Ta hãy nghe hình tượng thiếu nữ với nụ cười qua lời ca, ý nhạc: “Thoáng nghe dồn dập tiếng ca. Bóng em lã lướt, em cười vui, cười vui. Làn tóc xõa xuống, nhịp đưa cung đàn.” (Giấc mơ ngàn- Ngọc Bích ).
     Như vậy cười không những có tính cách cầu tài, mà còn …cầu duyên nữa.
     Tôi nhớ lại hồi xưa, cụ Nguyễn Văn Vĩnh, khi nói về những cái tật của người Việt Nam, cụ chê người mình gì cũng cười. Cụ nói: “nhăn răng cười một cái, mọi việc hết nghiêm trang.”
     Theo tôi, người Việt Nam đã có một nụ cười hồn nhiên, trải qua những giai đoạn lịch sử dù khó khăn nhất. Nhờ nụ cười, biểu lộ được niềm lạc quan của dân tộc dù gặp bao nhiêu thăng trầm, vinh nhục, người Việt Nam chúng ta mới có sức mạnh để tồn tại đến ngày nay.  Lúc lâm nguy, dân ta không thèm khóc lóc để đầu hàng nghịch cảnh, đúng như quan niệm của Alfred De Vigny:
Gémir, pleurer, prier sont egalement lâche.
(Xin tạm dịch: Rên rỉ, khóc lóc, van xin đều là hèn nhát)
Như vậy cái cười của người Việt ta phải đáng khen hơn là đáng trách.
     Tôi nhớ nhà thơ Thái Can, thi sĩ tiền chiến, đã từng viết:
“Đứng dậy đi em sống giữa đời
Đời dù cực nhọc đến mười mươi
Em nên điểm phấn tô sơn lại
Ngạo với nhân gian một nụ cười”.
Trong kho tàng ngôn ngữ Việt Nam, có rất nhiều từ ngữ diễn tả tâm trạng qua tiếng cười
  • Người ta cười vì lòng vui vẻ, thoải mái: cười mỉm, cười tủm tỉm, cười chúm chím, cười sằng sặc, cười hìn hịt hay hềnh hệch, cười hô hố, cười lỏn lẻn, cười ngỏn ngoẻn, cười toe toét, cười khúc khích, cười bò lê bò càng, cười vui, cười rộn rã như trong thơ Tế Hanh sau đây:
 “Ôi tất cả mùa xuân trong mùa hạ
Một nét mặt trăm tiếng cười rộn rã”…
(Nghỉ hè)
  • Người ta cười để xí xóa một điều gì đó mà ta nghĩ có thể làm mất lòng người đối diện hoặc không tiện nói ra: cười giả lả, cười cười, nhăn răng cười. Ví dụ bài đồng dao sau đây:
“Xay lúa xay má
Để cá mèo ăn
Chồng về chồng đập
Nhăn răng mà cười”
Người ta cười với niềm kiêu ngạo, khinh người: cười gằn. Đây có lẽ là kiểu cười của Saddam Hussein trước sự đe dọa tấn công của Mỹ hay Bin Laden sắp đưa quân đi khủng bố đâu đó.
  • Có những nụ cười diễn tả hơi khó hiểu tâm trạng: cười mím chi, cười rửa đọi (chữ Huế “đọi” là “tô”) hay cười ruồi, cười lạt, cười gượng.
  • Có những nụ cười ta nghe rất thô lỗ, đó là nụ cười của những anh chàng có máu dê. Nụ cười ấy có âm thanh hí…hí… kéo dài ra. Gặp mấy nụ cười này chắc các cô các bà phải lánh xa!
  • Có những nụ cười trong đau khổ: cười mếu như trong câu tục ngữ:
    “Khóc hổ ngươi, cười ra nước mắt” thì nụ cười có thể là mếu.
  • Có khi nụ cười, tiếng khóc diễn tả một tâm trạng phức tạp, có thể ngược với vẻ bên ngoài:
           “ Khốc như thiếu nữ vu quy nhật
              Tiếu tự thư sinh lạc đệ thì.”
Qua hai câu thơ xưa ta thấy cô gái sắp lên xe hoa lòng vui mà khóc- khóc vì xúc động- còn anh chàng đi thi, lỡ bị rớt, dẫu cho lòng buồn nhưng vì tự ái, cố che dấu bằng nụ cười!
  • Khi người đời tưởng tượng ra nụ cười mãn nguyện của người quá cố, người ta dùng chữ ngậm cười, như trong câu nói: “cha tôi cũng được ngậm cười nơi chín suối,” hoặc trong ca từ  “ngậm ngùi một nỗi vui” của Trịnh Công Sơn.
  • Cũng có những nụ cười long lanh nước mắt, diễn tả một tâm trạng ngổn ngang trăm mối, hay một niềm hạnh phúc vô biên vì niềm vui đến quá bất ngờ. Như cô gái đi thi hoa hậu, đoạt chiếc vương niệm mà cô không ngờ trước được, nên cô cười mà mắt cứ nhoè lệ. Một người vợ gặp lại ông chồng mà mình tưởng đã chết từ lâu ngoài mặt trận, cũng mang một cảm xúc đến bất ngờ, nàng khóc vì mừng mừng tủi tủi, nhưng nàng lại vừa cười vì chồng đã trở về-  một cô gái gặp lại cố nhân khi “người ta” đang cặp tay với ai đó đi cùng, có thể cười nhưng không vui, đó là kiểu cười “bề ngoài cười nụ, bề trong khóc thầm”.
     Nói đến cười, tôi lại nhớ hồi còn ở Việt Nam, tôi thấy mỗi ngày đều có một người đàn ông đi ngang qua nhà tôi, hai tay đánh đàng xa, chân bước mà cặp mắt nhìn vào cõi xa xăm vô định, miệng cười sằng sặc. Hình như ông ta cười hoài cả ngày! Loại người này ta gặp khá nhiều sau 75, đó là những người có nụ cười bệnh hoạn , mất trí.
     Đến đây tôi tôi muốn kể một vài chuyện vui vui, liên quan đến nụ cười.
     Trước hết là chuyện của người viết. Hồi còn ở Việt Nam, tôi đã có lúc cuời một nụ cười thông cảm với “chàng” (sau 75 rất nhiều người bất đắc chí, và ông xả tôi đã nằm trong số đó) khi thấy “chàng” sắp sửa đi đến một điểm hẹn hò để… lai rai với ai đó trong khi bên ngoài trời mưa gió. Tôi đã vẻ được chân dung của “người ấy" như sau:
“Bên ngoài mưa gió đổ ào ào,
Tiếng gọi tri âm bỗng giục gào.
Nôn nả chờ hoài mưa chẳng tạnh
Xuống đường, lóc cóc đạp xe mau.
“ Hội nghị Vườn Đào” nhóm tối nay,
Chén anh rồi lại chén tôi này.
Mưa gió cho lòng ta ấm lại,
Vui buồn mọi nỗi trút đi ngay.”
Rồi thì tôi đã tủm tỉm cười một cách thú vị.  Cái cười trong khoảnh khắc đã giúp tôi quên những rối rắm của đoạn đời sau khi ông xả tôi ở tù về!
     Nhớ lại hồi đi dạy học ở lớp Đệ Ngũ, tôi có một kỷ niệm vui như sau: hôm đó tôi kêu một em học sinh lên bảng đọc bài. Khi tôi vừa đọc tên em đó, không biết vì lý do gì cả lớp cười bò lê bò càng. Tôi nhẩm lại tên em ấy rồi liên tưởng đến cái tật hay nói lái của người Huế, tự nhiên tôi hiểu ra: tên em là Thái Hoàng Dũng mà nói lái ra… rất tục (xin lổi, tôi không dám viết ra ở đây).
     Rồi sau 75, trong một buổi gọi là học tập chính trị nghiệp vụ, có một ông nọ khi giảng về bài thơ “Chúc Tết” của cụ Trần Tế Xương, đến hai câu: “Phen này ông quyết đi buôn bạc, đồng rụng đồng rơi lọ phải cầu!” Ông ta giảng chử lọ” đây tức là bình đựng hoa! Ai cũng biết là sai quá, nhưng không dám cười. Bỗng có một cô giáo cười cười.  Ông ta hỏi: “Đồng chí Lệ, tại sao cười?”
Lanh trí, cô ta trả lời ngay: “Dạ, vì tôi phát hiện ra là hồi sáng nay, vì vội quá, tôi mang dép hai chiếc hai thứ”. Cả phòng họp được dịp phá lên cười thoải mái, vì có lý do để cười.
     Đến đây, xin chúc mọi người hãy tặng cho nhau nụ cười. Dù có đem cho nhau tiền của, danh vọng, cung vàng, điện ngọc và cả trái tim nồng bốc lửa mà cái mặt nhăn nhăn, nhó nhó cười không nổi, thì cũng chẳng giá trị gì, phải không các bạn?

             Ngọc Khuê





Không có nhận xét nào: