Chúa Nhật thứ ba của Tháng Sáu hằng năm là ngày LỄ CHA (Father's Day) của nước MỸ. Ngày LỄ CHA năm nay nhằm ngày Chúa Nhật 21 tháng 6 năm 2015.
Ta thường gọi ngày LỄ MẸ là NGÀY HIỀN MẪU, nên khi đến ngày LỄ CHA thì rất nhiều người theo thói quen, thay chữ MẪU bằng chữ PHỤ, và gọi ngày Lễ Cha bằng NGÀY HIỀN PHỤ??!!...
Ngày Lễ Cha, Father's Day, không thể gọi là ngày HIỀN PHỤ được, vì Hiền Phụ 賢婦 là VỢ HIỀN, chớ không phải CHA HIỀN. Muốn nói Cha Hiền thì phải gọi là TỪ PHỤ 慈父, lấy trong thành ngữ "Phụ Từ Tử Hiếu 父慈子孝 ", tương đương trong tiếng Nôm ta là "Cha Hiền Con Thảo." Trong gia đình Phong Kiến ngày xưa, người Cha luôn luôn nghiêm khắc và nghiêm cẩn trong mọi hành vi cũng như sinh hoạt của gia đình, nên còn được gọi là NGHIÊM ĐƯỜNG, NGHIÊM PHỤ. Lời dạy của Cha thì gọi là NGHIÊM HUẤN, như trong Truyện Kiều, khi Thúc Ông bắt Thúc Sinh phải bỏ cô Kiều, cụ NGUYỄN DU đã viết :
Thấy lời NGHIÊM HUẤN rành rành,
Đánh liều sinh mới lấy tình nài kêu.
Nhưng bây giờ mà ta gọi như thế thì nghe nghiêm khắc và xa rời con cháu quá! Còn một từ dùng để gọi cha ngày xưa nữa là XUÂN ĐƯỜNG (còn đọc là THUNG ĐƯỜNG) 椿堂. Theo sách Trang Tử, chương Tiêu Dao Du, thì XUÂN 椿 là loại cây cao bóng cả, tàng lá sum xuê, có tám trăm năm là mùa xuân, tám trăm năm là mùa thu, nên được dùng để ví với người cha là cột trụ chống đỡ và che chở cho gia đình. Khi cô Kiều khuyên Thúc Sinh về thăm Hoạn Thư, thì chàng mới...
Rạng ra trình lại XUÂN ĐƯỜNG,
Thúc Ông cũng vội khuyên chàng quy gia.
Sẵn trình bày luôn về từ dùng để chỉ Mẹ, đó là từ HUYÊN ĐƯỜNG 萱堂. HUYÊN 萱 là một loài thảo mộc được trồng trong nhà như cây Trường sinh, lá thon dài, nở hoa màu vàng và cho hương thơm dìu dịu, ăn được, ta thường gọi là Hoa KIM CHÂM, dùng để chỉ sự dịu dàng của người mẹ nên ta có từ gọi chung CHA MẸ là XUÂN HUYÊN. Khi hay tin Kiều đã bán mình chuộc cha, Kim Trọng đã vật vã khóc than đến nỗi "Máu theo nước mắt, hồn lìa chiêm bao", khiến cho :
XUÂN HUYÊN lo sợ xiết bao,
Hóa ra khi đến thế nào mà hay!
Xin được trở lại và nói thêm về từ HIỀN PHỤ 賢婦 là VỢ HIỀN; HIỀN 賢: Ngoài nghĩa trái với Dữ là Hiền Thục ra, Hiền còn có nghĩa là GIỎI GIANG. Ví dụ: Hiền Thần là Bề tôi giỏi để phò Vua giúp nước. Hiền Tài là người có Tài Giỏi và đây cũng là một chức sắc Giỏi Giang trong Cao Đài Giáo. Còn...
PHỤ 婦: Đây là kiểu chữ HỘI Ý, được ghép bởi bộ NỮ 女 bên trái là Cô Gái, và chữ TRỮU 帚 bên phải là Cây Chổi hàm ý là cô gái mà cầm cây chổi (để quét dọn nhà cửa) là đã trở thành người chủ của gia đình rồi, đã kết hôn rồi, nên PHỤ là Đàn Bà, là Người Vợ. Vì thế mà HIỀN PHỤ là VỢ HIỀN. PHỤ NỮ là chỉ chung tất cả CÁC BÀ CÁC CÔ có chồng hoặc "chổng chừa!". PHU PHỤ là Vợ Chồng. Hồi nhỏ thường hay nghe Má tôi hát ru em như thế nầy:
Sông dài cá lội biệt tăm,
Phải duyên PHU PHỤ ngàn năm em cũng chờ!
Nên...
HIỀN PHỤ 賢婦 : Chẳng những chỉ người đàn bà hiền thục, mà còn chỉ người đàn bà giỏi giang "Tướng phu giáo tử" (Giúp đỡ chồng và nuôi dạy con cái).
Ca dao của Việt Nam ta có câu :
Công cha như núi Thái sơn,
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra!
Nhưng...
Công cha như núi Thái sơn,
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra!
Nhưng...
Trong văn chương không thiếu những áng văn, những bài thơ ca tụng mẹ hiền, mà lại rất hiếm, rất khó kiếm được một bài thơ, một áng văn hay ca ngợi công cha, có thể sự dịu dàng hòa ái của bà mẹ gần gũi với con cái hơn là bộ mặt lúc nào cũng "Lập nghiêm" của ông cha. Cha thì lo việc lớn hơn, ngoài việc duy trì và nuôi sống gia đình, lắm ông còn phải chăm lo việc nước, việc ngoài xã hội... Nhưng cũng có những người cha có máu "giang hồ" thích lang bạt rày đây mai đó... Ta hãy cùng đọc một bài Ngũ Ngôn Tứ Tuyệt của Đỗ Mục đời Đường để thắm thía hơn với cái máu "giang hồ" của các ông cha ngày trước...
歸家 QUY GIA
稚子牽衣問, Trỉ tử khiên y vấn
歸來何太遲。 Quy lai hà thái trì?
共誰爭歲月, Cộng thùy tranh tuế nguyệt
贏得鬢如絲。 Doanh đắc mấn như ti
杜牧 Đỗ Mục
贏得鬢如絲。 Doanh đắc mấn như ti
杜牧 Đỗ Mục
Thích nghĩa :
QUY là về, GIA là nhà, QUY GIA là Về Lại Nhà.
1. Câu 1: Trỉ là non, Tử là Con. TRỈ TỬ: không phải là con non mà là Con Thơ. Khiên: là nắm, là níu, là dắt. Y là Áo, Vấn là Hỏi. Nghĩa toàn câu là :
"Con thơ níu áo hỏi"
2. Câu 2: Quy là Về, LAI là Xu hướng Động từ, chỉ sự di chuyển gần đến người viết hoặc nói. QUY LAI là Về lại, là Về "đây." QUY KHỨ là Về "đi " (KHỨ chỉ di chuyển Xa người nói hoặc viết). Hà là Sao? Thái là Quá. Trì là Trễ, muộn. Nghĩa cả câu:
QUY là về, GIA là nhà, QUY GIA là Về Lại Nhà.
1. Câu 1: Trỉ là non, Tử là Con. TRỈ TỬ: không phải là con non mà là Con Thơ. Khiên: là nắm, là níu, là dắt. Y là Áo, Vấn là Hỏi. Nghĩa toàn câu là :
"Con thơ níu áo hỏi"
2. Câu 2: Quy là Về, LAI là Xu hướng Động từ, chỉ sự di chuyển gần đến người viết hoặc nói. QUY LAI là Về lại, là Về "đây." QUY KHỨ là Về "đi " (KHỨ chỉ di chuyển Xa người nói hoặc viết). Hà là Sao? Thái là Quá. Trì là Trễ, muộn. Nghĩa cả câu:
"Sao muộn quá mới về lại nhà?"
3. Câu 3: Cộng là cùng, chung. Thùy là Ai? Tranh là giành, giựt. Tuế là Tuổi, là Năm. Nguyệt là Tháng.
Nghĩa cả câu :
Cùng với ai giành giựt năm tháng, ý nói: "Cùng với ai sống đua chen trong những năm tháng đó?"
4. Câu 4: Doanh là Lời, thắng, Ăn, thu hoạch. Đắc là được. Mấn là Tóc mai. Như là giống, giống như. Ti là Tơ.
Nghĩa cả câu :
(chỉ) lời được hai bên tóc mai trắng như tơ.
Diễn nôm :
Về Lại Nhà
Con thơ trì áo hỏi
Sao đi mãi đến giờ ?
Cùng ai ngày tháng ấy
Mà tóc đã bạc phơ!
Sao đi mãi đến giờ ?
Cùng ai ngày tháng ấy
Mà tóc đã bạc phơ!
Lục bát :
Con thơ níu áo hỏi cha
Đi sao lâu quá, bỏ nhà bỏ con!
Cùng ai ngày tháng mỏi mòn?
Sương pha tóc trắng chẳng còn như xưa!
Con thơ níu áo hỏi cha
Đi sao lâu quá, bỏ nhà bỏ con!
Cùng ai ngày tháng mỏi mòn?
Sương pha tóc trắng chẳng còn như xưa!
Hai câu đầu là lời chất vấn, thắc mắc, thơ ngây nhưng lắc léo của con thơ. Nhưng hai câu sau... hình như là lời than van, oán trách, khúc mắc, thở than của bà... nội tướng đã biết bao ngày khoắc khoải, mòn mỏi đợi chàng về!
Trong ngày LỄ CHA, mong rằng các ông cha luôn luôn trân quý sự sum họp và tình cảm gia đình để gắn bó hơn với con cái và các thành viên trong đó, nhất là với người đầu gối tay ấp, sao cho...
Một nhà sum họp trúc mai,
Càng sâu nghĩa bể càng dài tình sông!
Càng sâu nghĩa bể càng dài tình sông!
(Truyện Kiều)
Năm nay là năm Mùi, năm con DÊ, trong bài viết hồi đầu năm về "Năm Mùi nói chuyện dê" tôi có nhắc một câu trong "Tăng Quảng Hiền Văn" là :
羊 有 跪 乳 之 恩 , 鴉 有 反 哺 之 義 ,
Dương hữu qụy nhũ chi ân, Nha hữu phản bộ chi nghĩa,
你 及 他 未 及 ?
Nễ cập tha vị cập?
Chú Thích:
Quỵ Nhũ: Quỵ là Quỳ, Nhũ là Vú. Động từ có nghĩa là Bú. Quỵ Nhũ là Quỳ xuống để bú.
Bộ: là Mớm mồi cho ăn. Bộ nhũ: cũng có nghĩa là cho bú.
Phản Bộ: là Mớm ngược lại cho ăn.
Cập: là Bằng. Vị Cập là Chưa Bằng. Bất Cập là Không Bằng.
Quỵ Nhũ: Quỵ là Quỳ, Nhũ là Vú. Động từ có nghĩa là Bú. Quỵ Nhũ là Quỳ xuống để bú.
Bộ: là Mớm mồi cho ăn. Bộ nhũ: cũng có nghĩa là cho bú.
Phản Bộ: là Mớm ngược lại cho ăn.
Cập: là Bằng. Vị Cập là Chưa Bằng. Bất Cập là Không Bằng.
Nghĩa Câu:
Con dê vì biết ơn của mẹ nên quỳ xuống mà bú. Con quạ có cái nghĩa là khi mẹ già thì nó đi kiếm mồi mớm ngược lại cho mẹ ăn. Bạn có bằng được chúng chưa hay là không bằng?
Quả là một bài học luân lý và là một câu hỏi hóc búa khó trả lời! Mong rằng những ai còn Cha còn Mẹ hãy ráng mà trân trọng!
Câu nói trên cho ta biết Quạ và Dê là một CẦM một THÚ rất có hiếu với Cha Mẹ, nhưng trong đám Phi Cầm Tẩu Thú đó cũng có những con rất "bất hiếu". Ví dụ như con Chim Én chẳng hạn .... Thường thì một đôi chim én sanh được 2 hoặc 4 trứng, nở ra 1 hoặc 2 cặp chim trống mái. Đôi chim cha mẹ rất tích cực, vất vả tìm mồi nuôi con cho khôn lớn, líu lo dạy hót dạy kêu, rỉa lông rỉa cánh. Khoảng 30 đến 40 ngày sau, khi chim con đã đủ lông đủ cánh, chim cha mẹ mới đưa lên cành tập bay. Sau vài vòng bay thử, thấy đã cứng cáp, đôi chim con bèn bay thẳng mất hút luôn để tự tìm tự do cho mình. Bỏ lại đôi chim cha mẹ chít chiu buồn bã gọi mãi mà con nào có về lại tổ cũ nữa đâu! Đôi chim én nầy đã quên rằng, ngày xưa mình cũng đã bỏ cha mẹ mà bay đi như thế! Thế mới hay...
Sinh dưỡng đạo đồng, ơn Cha nghĩa Mẹ to lớn ngang bằng nhau, làm con phải hiếu thảo với cả Cha lẫn Mẹ. Có lắm người chỉ muốn con cái có hiếu với mình mà quên là mình cũng phải có hiếu với Cha Mẹ mình nữa, như đôi chim én nêu trên chẳng hạn!... Mời tất cả cùng đọc bài Ngũ ngôn trường thiên YẾN THI của Bạch Cư Dị đời Đường sau đây ...
燕詩 YẾN THI
白居易 Bạch Cư Dị
梁上有雙燕。 Lương thượng hữu song yến,
翩翩雄與雌。 Phiên phiên hùng dữ thư.
啣坭兩椽間。 Hàm nê lưỡng triện gian,
一巢生四兒。 Nhất sào sinh tứ nhi.
四兒日夜長。 Tứ nhi nhựt dạ trưởng,
索食聲孜孜。 Sách thực thanh tư tư.
青蟲不易捕。 Thanh trùng bất dị bổ,
黃口無飽期。 Hoàng khẩu vô bảo kì.
嘴爪雖欲弊。 Chủy trảo tuy dục tệ,
心力不知疲。 Tâm lực bất tri bì.
須臾十來往。 Tu du thập lai vãng,
猶恐巢中饑。 Do khủng sào trung ki ( cơ ).
辛勤三十日。 Tân cần tam thập nhật,
母瘦雛漸肥。 Mẫu sú sồ tiệm phì.
喃喃教言語。 Nam nam giáo ngôn ngữ,
一一刷毛衣。 Nhất nhất loát mao Y.
一旦羽翼成。 Nhất đán vũ dực thành,
引上庭樹枝。 Dẫn thượng đình thọ chi.
舉翅不回顧。 Cử xí bất hồi cố,
隨風四散飛。 Tùy phong tứ tán phi.
雌雄空中鳴。 Thư hùng không trung minh,
聲盡呼不歸。 Thanh tận hô bất qui.
却入空巢裹。 Khước nhập không sào lí,
啁啾終夜悲。 Chu thu chung dạ bi.
燕燕爾勿悲。 Yến, Yến nhĩ vật bi,
爾當反自思。 Nhĩ đương phản tự tư.
思爾為雛日。 Tư nhĩ vi sồ nhật,
高飛背母時。 Cao phi bội mẫu thì.
當時父母念。 Đương thì phụ mẫu niệm,
今日爾應知。 Kim nhật nhĩ ưng tri !
翩翩雄與雌。 Phiên phiên hùng dữ thư.
啣坭兩椽間。 Hàm nê lưỡng triện gian,
一巢生四兒。 Nhất sào sinh tứ nhi.
四兒日夜長。 Tứ nhi nhựt dạ trưởng,
索食聲孜孜。 Sách thực thanh tư tư.
青蟲不易捕。 Thanh trùng bất dị bổ,
黃口無飽期。 Hoàng khẩu vô bảo kì.
嘴爪雖欲弊。 Chủy trảo tuy dục tệ,
心力不知疲。 Tâm lực bất tri bì.
須臾十來往。 Tu du thập lai vãng,
猶恐巢中饑。 Do khủng sào trung ki ( cơ ).
辛勤三十日。 Tân cần tam thập nhật,
母瘦雛漸肥。 Mẫu sú sồ tiệm phì.
喃喃教言語。 Nam nam giáo ngôn ngữ,
一一刷毛衣。 Nhất nhất loát mao Y.
一旦羽翼成。 Nhất đán vũ dực thành,
引上庭樹枝。 Dẫn thượng đình thọ chi.
舉翅不回顧。 Cử xí bất hồi cố,
隨風四散飛。 Tùy phong tứ tán phi.
雌雄空中鳴。 Thư hùng không trung minh,
聲盡呼不歸。 Thanh tận hô bất qui.
却入空巢裹。 Khước nhập không sào lí,
啁啾終夜悲。 Chu thu chung dạ bi.
燕燕爾勿悲。 Yến, Yến nhĩ vật bi,
爾當反自思。 Nhĩ đương phản tự tư.
思爾為雛日。 Tư nhĩ vi sồ nhật,
高飛背母時。 Cao phi bội mẫu thì.
當時父母念。 Đương thì phụ mẫu niệm,
今日爾應知。 Kim nhật nhĩ ưng tri !
DIỄN NÔM :
BÀI THƠ CHIM ÉN
Trên rường nhà nỉ non đôi én,
Bay song song sớm tối có nhau.
Ngậm bùn kết cỏ trên cao,
Bốn con mới nở lao xao đêm ngày.
Bốn con nhỏ chít chiu trong tổ,
Miệng đòi ăn chim chíp không thôi,
Sâu xanh mẹ bắt mớm mồi,
Bốn con luôn đói cha thời mỏi mê.
Miệng mỏ đã tái tê hết cả,
Cố tìm mồi nên chả thấy chi.
Thoắt đi, thoắt lại, lại đi.
Sợ e con đói quản gì tấm thân.
Ba mươi ngày ân cần nuôi nấng,
Mẹ ốm dần con lớn thêm ra,
Líu lo dạy nói dạy ca,
Rỉa lông rỉa cánh bay qua bay vòng.
Mẹ ốm dần con lớn thêm ra,
Líu lo dạy nói dạy ca,
Rỉa lông rỉa cánh bay qua bay vòng.
Đến một hôm cánh lông đầy đủ,
Đưa bốn con bay thử trên cây,
Cất cao bay vút lên mây,
Bốn phương theo gió lần này... bay luôn!
Trống mái buồn kêu luôn luôn miệng,
Kêu hết hơi con vẫn bặt tăm,
Đành thôi về tổ âm thầm,
Chiu chiu chít chit buồn lòng suốt đêm.
.....................................
Én ơi én, chớ nên buồn nữa,
Hãy nhớ ngày xưa xửa chưa nhòa,
Cái ngày én tập bay xa,
Cao bay bỏ mẹ bỏ cha chẳng về.
Hãy nhớ ngày xưa xửa chưa nhòa,
Cái ngày én tập bay xa,
Cao bay bỏ mẹ bỏ cha chẳng về.
Lúc đó mẹ cha se sắt ruột,
Dạ nhớ con não nuột ủ ê,
Bây giờ én cũng một bề,
Nhân nào quả nấy tái tê lòng nào ?!
Đỗ Chiêu Đức diễn nôm.
Mừng ngày LỄ CHA, mong rằng tất cả chúng ta đều hiếu thuận với Cha mẹ để làm gương cho con cháu. Đừng để như đôi chim én kia phải chít chiu buồn bã khi đàn con đã vổ cánh bay xa !...
Chúc tất cả đều có một ngày LỄ CHA tuyệt vời!
Chúc tất cả đều có một ngày LỄ CHA tuyệt vời!
Đỗ Chiêu Đức
1 nhận xét:
Bài viết rất đầy đủ ý nghĩa về Ngày Lễ của Cha.
Cám ơn tác giã.
Đăng nhận xét