Chuyện bây giờ mới kể
VÀI DẬT SỰ NGỘ NGHĨNH CHUNG QUANH
HAI BÀI THƠ BÍ HIỂM XUẤT HIỆN DƯỚI THỜI
THIỆU TRỊ
Thái Trọng Lai
Hai bài
thơ bí hiểm ấy, một bài có nhan đề Vũ
trung sơn thủy ( non nước trong mưa),
bài kia có nhan đề Phước viên văn hội
xuân dạ mạn ngâm (ngâm tràn trong đêm xuân ở cuộc hội văn ở Phước viên ).
Cả hai bài được khảm bằng xà cừ lên hai mặt gỗ quý, bố cục thành vòng tròn, các
chữ xếp theo cách hồi văn kiêm liên hoàn,
mỗi bài được đọc thành 64 chương ngũ ngôn, thất ngôn, mặc dù nội dung của
khung thơ khảm xà cừ ấy chỉ có vỏn vẹn 56 chữ.
Tính ra
sự có mặt của hai bức khảm ấy đã kéo dài từ thời Thiệu Trị (1840 – 1847) cho
tới khi chấm dứt khoa cử chữ Hán (1918) tính ra có đến hơn 70 năm tức trải qua
13 khoa thi chính thức theo thông lệ, chưa kể các khoa đặc biệt như cát sĩ khoa, nhã sĩ khoa, ân khoa tổ
chức đột xuất, số sĩ tử đỗ đạt trong hăm mấy khoa ấy (các hạng tiến sĩ xuất thân,
đồng tiến sĩ xuất thân, phó bảng, cử nhân, tú tài) thống kê không dưới 20 nghìn
người. Trong số ấy tất có nhiều người
thử tìm đọc hoặc cố khám phá cách đọc và không rõ có ai thành công hay không
chưa thấy công bố trên phương tiện truyền thông nào. Hai bài thơ ấy có lẽ nhận
được sự dửng dưng của dư luận, chúng chỉ là thứ vật phẩm trang trí thuần túy
trước sự tham quan vô tâm của khách thập phương.
Trong
tình hình đó, tôi cho rằng hai bức khảm xa cừ nọ ít ra cũng đánh động trí tuệ
của hai nhân vật khá quan trọng: Ngô Đình
Nhu và Đặng Phương Nghi. Hai nhân vật này tốt nghiệp khoa Cổ tự học của
một học viện trứ danh (Chartres) của Giáo hội Thiên chúa. Nghe đâu học viện này
có đầu vào rất khắt khe, chỉ tuyển chọn mấy chục người còn đầu ra thật hạn chế.
Thế nhưng chưa thấy hai vị ấy công bố kết quả.
Năm
1962, dư luận mới thật sự quan tâm về sự hiện diện của hai bài thơ nọ do một
thông báo của Viện Khảo cổ Sài Gòn trên tập san Khảo cổ số 2. Thông báo chứa
nội dung kêu gọi thật tha thiết các nhà nghiên cứu trẻ vào cuộc thay cho các vị
khoa bảng đã luống tuổi, không còn sức nhạy bén. Thời điểm ấy cả nước số cựu
khoa bảng chỉ còn hai cụ tiến sĩ ( Nguyễn Huy Nhu và Nguyễn Sĩ Giác ) và cụ phó
bảng Bùi Kỹ cùng các cụ cử nhân Bùi Lương, Hà Ngại, Lương Trọng Hối, v.v… Theo
một cuốn biên khảo ở Huế vào đầu thế kỉ XXI thì bài kêu gọi của Viện Khảo cổ đã
có kết quả khá tích cực, thậm chí có cả một nhà nghiên cứu người Pháp cũng hăm
hở vào cuộc và ông này đã khám phá cách đọc của 10 chương trong tổng số 128.
Sở dĩ
khá nhiều nhà nho được viện Khảo cổ trực tiếp gửi bản in mẫu cho các cụ nghiên
cứu nhưng Viện nọ không nhận được kết quả là vì thâm tâm các cụ nghi ngờ 56 chữ
lại có thể đọc thành 64 bài. Sự nghi ngờ ấy có cơ sở từ hàng ngàn năm vì câu
chuyện Chức cẩm hồi văn, tương truyền
là của nàng Tô Huệ đời Hán ở Trung Quốc dệt thành bức tranh bằng gấm dâng lên
vua Hán xin cho chồng mình là Đậu Thao kết thúc cuộc đời đi đồn thú xa xôi. Bài
thơ dệt gấm tương truyền của Tô Huệ thực chất là hàng giả viết theo thể hành, câu cuối đại khái: Chức tương nhất bức hiến thiên tử, Nguyện
phóng nhi phu cập tảo hoàn ( dệt nên một tấm dâng thiên tử, xin tha chồng
thiếp kịp sớm về ). Với ý nghĩa đơn sơ, cụ thể như thế mà kẻ bịa chuyện dám
ngoa truyền là bức hồi văn ấy có thể
đọc thành 200 bài theo dạng Triền cơ đồ thì
với câu thơ kết thúc ấy khó thể hình dung ra những cách đọc nào được. Gần như các
nhà cựu học bị bài Chức cẩm hồi văn ấy
ám ảnh nên không thể nào thừa nhận có thể đọc những bài thơ khác đến 64 bài.
Các cụ đinh ninh đấy chỉ là trò lỡm của kẻ nhiễu sự nào đó ( bằng chứng là
không lưu lại tên tác giả. Có người gọi bừa là của vua Thiệu Trị mặc dù không
hề ghi kèm “ngự chế” và đã là vua thì chả có cơ hội…mạn ngâm đêm xuân ở hội văn ).
Đọc
hai bài Vũ trung sơn thủy và Phước viên văn hội xuân dạ mạn ngâm, thâm
tâm tôi linh cảm khả năng đọc như lời ghi chú của tác giả (mỗi bài có thể theo
lối Hồi văn kiêm liên hoàn đọc thành
64 chương ngũ ngôn, thất ngôn). Trước khi quyết tâm khám phá cách đọc, tôi đem
chuyện ấy hỏi cụ nghè Nguyễn Huy Nhu nhân lúc tình cờ gặp cụ đi bộ quãng cửa
Thượng Tứ. Cụ trả lời giọng hơi khó chịu như bị làm phiền nhảm nhí:
- Người ta nhiễu sự như thế chứ làm quái
gì có chuyện đó ? Tôi thử đọc cũng chỉ được bốn bài. Ngay như bài Chức cẩm hồi văn bảo rằng đọc theo cách Triền cơ đồ thành 200 bài, thế nhưng hai
nghìn năm nay nào đã thấy ai đọc bài nào đâu ?
Tôi
cũng đem thắc mắc nọ hỏi cụ Hồ Đắc Định. Cụ Hồ là người tài hoa, tôi nghi có
thể cụ hoàn thành công việc ấy từ trước, mình vào cuộc không khéo hóa lên thừa.
Thế nhưng cụ Định trả lời:
- Tôi
cũng đã thử nhưng cũng chỉ đọc được có bốn bài. Câu ấy của cụ khiến tôi nhẹ
người, yên tâm vào cuộc. Bấy giờ nhằm vào mùa Thu năm 1962, tôi giữ việc kèm
trẻ tư gia, gia chủ dành riêng cho tôi một bộ ván nhỏ trên gác xếp, rất tiện
cho suy nghĩ riêng tư. Chỉ trong vài ngày sau, tôi chợt khám phá thành công cách
đọc đủ 64 chương của bài Vũ trung sơn
thủy. ( Tôi sướng điên lên, đập tay giậm chân gây huyên náo cả xóm. Vài tư
gia và cả ngôi chùa trong xóm phải thức dậy nổi chuông ngõ làm lễ cầu an đột
xuất ). Tôi viết ngay cho Viện Khảo cổ. Trong vòng một tuần tôi đã có thư phúc
đáp. Người kí tên là Quyền Viện trưởng Nghiêm Thẩm (năm 2002 tình cờ chuyện trò
với cô cháu gái gọi ông bằng chú, tôi được biết ông này bị ám sát năm 1975. Công
an không truy ra thủ phạm)
- Cuối
năm ấy tôi về quê ăn Tết, tình cờ gặp một chuyện thật kì lạ, mãi đến nay tôi
vẫn canh cánh bên lòng, không sao lí giải nổi. Đấy là chuyện do anh thầy bói
tên Cung tạo nên.
Anh là
người làng, bên tôi quen biết từ trước. Lúc bấy giờ anh ở trọ nhà tôi cho thuận
đường làm nghề hằng ngày ở Đà Nẵng.
Chiều hôm nọ về nhà thấy tôi, anh vui vẻ hỏi:
- Nghe
nói chú học giỏi lắm phải không ? Tui thấy chú lêu bêu long bong chớ có học
hành như con người ta đâu ? Vậy mà giờ đây chú học hành ăn đứt thiên hạ hả ? Bộ
dân Huế nó không chịu học hành gì hay sao ?
- Sao
lại không ? Chỉ có điều họ học một, tui học ba. Nhưng thôi, nói chuyện về anh
đi ! Anh dựa nghề của ông già (thầy bói Cúc cả đời làm nghề bói mù) nên đi
phỉnh gạt mấy mụ Thanh Khê Đà Nẵng phải không ?
Tôi
ghẹo anh quá đỗi xấc xược nhưng có lẽ anh cố tránh đụng độ đứa hỗn xấc con bà
chủ trọ nên anh vẫn nheo mắt cười hì hì:
- Giỡn
chú ! Chú không tin tui bói trúng chóc cho coi ?
Tôi
nói:
- Ừ
thì bói ! Thật lòng tôi chỉ cốt đùa cợt anh chứ không tha thiết biết trước
chuyện công danh, gia sự gì.
Anh
thầy bói sáng nọ cất tiếng:
- Chú
bói gì ?
- Bói
bài đi !
Anh giở
tráp lấy ra một bộ bài tây bẩn thỉu ghê hồn hơn bất cứ đồ nghề của thầy bói nào
khác. Có lẽ không dưới vài nghìn bàn tay đầy mồ hôi cùng cáu ghét xóc đi xóc
lại bộ bài thê thảm ấy. Thông thường thì thầy bói lẫn người coi bói đều vận
dụng lòng thành tối đa mới mong được quẻ bói ứng nghiệm. Thế mà tôi lấc cấc
thấy rõ, còn anh khăng khăng tự tin là bói trúng cho kẻ không cần niềm tin thì
quả là chuyện chẳng hề có tiền lệ.
Tôi từng đã có thời hơi tin tin môn bói bài.
Đã mua sách dạy nghề, lại còn thử bói cho vài người bạn, nhưng chẳng đâu vào
đâu. Bộ bài của tôi chưa dùng quá mươi lần. Còn giờ đây nhìn thấy bộ bài của
anh, máu lấc cấc của tôi càng tăng thêm, thử coi anh ta diễn được trò vè gì.
Tôi làm theo lời chỉ bảo của anh: xào bài, xốc
bài rồi chọn bài những lá anh chỉ định.
Anh trang bài thành mấy hàng rồi phán:
- Quẻ này cho biết rằng chú có mối lợi lớn
nhưng giờ đây mối lợi ấy đã bị người ta đoạt rồi!
Tôi
cười ngất, cất giọng mỉa mai:
- Thầy đoán trật lất rồi thầy ơi! Tui đi học
chớ có phải đi buôn đi bán gì đâu mà có lợi? Thôi! Anh thử bói năm nay tui đậu
mấy cái đi!
Anh thầy bói sáng nọ đăm chiêu vài giây, đăm đăm ngắm các lá bài rồi
phán như đinh đóng cột:
- Chú chỉ đậu có hai cái. Còn một cái… bạn
chú làm cho chú không đậu.
Lời phán
này nghe càng chướng tai hơn. Tôi càng bất phục, gân cổ cãi :
- Ở
Đại học tụi tui ngồi thi lẫn lộn, đứa nào lo phần đứa nấy, bài thi có giống
nhau đâu mà có thể đứa này quấy rối đứa khác ?
Nói
chung tôi coi cuộc chuyện trò với anh thầy bói tên Cung ấy chỉ là cuộc trò
chuyện bông phèng vô bổ giữa khách trọ với chủ nhà. Xong cuộc chế giễu, đùa cợt
ngạo mạn ấy, tôi chẳng nghĩ gì về anh nữa. Ăn Tết xong tôi quay ra nhà trọ. Vừa
mở khóa phòng trọ, va li mới đặt ở bệ cửa thì Tống Phước Hải, người bạn trọ
phòng bên reo lên:
- “Cha” ra sớm quá
hả! “Cha” có biết “thằng” giáo sư Dương Đình Khuê không? Anh ta là vậy. Người
trước mặt anh mới được gọi bằng cha, mọi người khác đều bị gọi bằng thầy, chỉ
có một số ít người được coi là ngoại lệ. Giọng anh rổn rản:
- Bài thơ cổ thời Thiệu Trị phải đọc
thành 64 chương mà nó đọc cũng được! Tài quá là tài!
Tôi giật mình rồi ngẫm nghĩ:
- Tại sao có chuyện lạ vậy nhỉ? Rồi tôi
ngẫm nghĩ một mình: “ Có lẽ người ta cũng gặp may như mình.” Tôi sực thấy mình
sơ hở tày trời! Tôi vội ngồi vào bàn viết ngay cho Viện Khảo cổ xin bổ sung một
điều là ghi ở cuối công trình của mình là tháng 9 năm 1962 (Năm năm sau đấy tôi
mới biết thư ấy vào tay ai ).
Người bạn cùng trọ đưa cho tôi một
tờ nội san của Nha Cảnh sát. Tôi hơi lạ là một công trình nghiên cứu như thế
sao lại đăng ở nội san Cảnh sát? Có lẽ giáo sư Dương Đình Khuê là một nhân vật
tầm cỡ nào đó của Nha nọ?
Đầu năm mới, một hôm học giờ Hán văn
của cụ Nhu ở lớp Dự bị Văn khoa , cụ hỏi bâng quơ:
- Có anh nào biết Phạm Liễu hay
không? Nghe nói anh ta đọc được hai bài thơ bí hiểm ấy rồi hả ?
- Thưa cụ. Anh ta về ăn Tết chưa ra
ạ! Tôi đáp lời cụ Nhu mà cảm thấy lưỡi mình đắng nghét như bao nhiêu vị đắng
của đời cô đặc lại. Cảm giác tồi tệ ấy xảy ra chỉ vì Liễu vốn là bạn thân của
tôi từ nhiều năm qua, bạn bè đều biết rõ. Lẽ ra anh đừng xóa đi mấy năm trời
học nhóm cùng nhau trên gác Di Luân Đường!
(Anh qua đời hơn ba mươi năm rồi tôi mới thông cảm thật sự với thủ đoạn
ấy của anh). Tôi không ngờ gặp chuyện
đểu như vậy, nhưng nghĩ kĩ chung quy chỉ tại mình hớ hênh ngờ nghệch. Nhiều năm
sau nghĩ lại chuyện ấy tôi mới thấy thông cảm thực sự với thủ đoạn ngày ấy của
anh ta. Cụ Nhu hỏi bâng quơ như vậy chứng tỏ là cụ chưa diện kiến trực tiếp anh
ta. Có lẽ cụ chỉ nghe cô gái rượu của cụ kể lại. Cô này là nữ sinh nhan sắc
trên trung bình của trường Đồng Khánh và có hàng tá sinh viên Huế trồng cây si.
Có lẽ Phạm Liễu là cây si cổ thụ nhất và quyết tâm nhất nhưng ít hy vọng nhất
tuy bản lĩnh dạn dĩ có thừa. Rất có thể anh ta mượn chuyện ấy để tăng cân lượng
cho cuộc đối đầu cạnh tranh tuy thành quả chả đâu vào đâu.
Năm 1963 ấy, cố đô Huế rung chuyển vì biểu
tình, tuyệt thực, tự thiêu xảy ra liên tục. Đứng trên lầu của phòng thi Văn
khoa, nhìn xuống đường phố thấy nhà sư T.Q đứng kề viên đại biểu Chính phủ
Trung Phần NVĐ trên chiếc xe mui trần,
cả hai mồ hôi nhễ nhại dưới cái nắng hè nghiệt ngã xứ Huế trông thật bi đát. Cả
hai lại còn phải ra rả đích thân lặp đi lặp lại các lời trấn an dân chúng phố
xá liên tục. Ở chân cầu Tràng Tiền một đám sinh viên tuyệt thực uể oải ngồi xơ
rơ, suy nhược lộ rõ. Chứng kiến thảm cảnh ấy, tôi nghĩ đeo đuổi việc thi cử của
mình là chuyện có hơi lố bịch nhưng thâm tâm chủ trương nước đôi: không ôn tập
gì, chỉ lang thang phố xá quan sát, tìm hiểu thông tin thời sự, còn các cuộc
thi nếu có tổ chức thì cũng tham gia, được chăng hay chớ. Kết quả là lần thi
ấy, tôi bỏ cuộc ngay lúc vừa nhận đề do thấy đầu óc trống rỗng không làm bài
nổi. Thế nhưng do quyết định quá nhanh nên lúc tôi rời phòng thi có nhiều cặp
mắt khâm phục dõi theo. Cùng bỏ thi tức thì như tôi có một thí sinh khác là Nguyễn
Mộng Giác (nhà văn lớn về sau). Chính anh ta thực sự quyết tâm còn tôi chỉ là
kẻ lừng khừng nửa nạc nửa mỡ. Giác giữ tôi lại trao đổi đôi chút chuyện thời sự
vì mấy hôm trước, anh biết tôi là kẻ đầu têu cự tuyệt kí vào bản kiến nghị ủng
hộ đường lối, chủ trương của nhà nước. Cuối giờ thi hôm ấy, Trần Văn Du từ trên
lầu băng xuống, xăm xăm sà đến chỗ tôi:
- Mi khinh tau lắm hả Lại ? Đây là
chứng chỉ cuối cùng của bằng cử nhân Triết, tau không đành hi sinh một năm học nên
phải muối mặt xấu hổ với mi.
Tôi an ủi thật lòng bằng lời lẽ cố hết
sức mềm mỏng:
- Cậu đừng nói quá lời như thế, oan
cho mình lắm. Mình không khinh gì cậu
đâu. Mình bỏ cuộc là đầu hàng vô điều kiện do mấy tháng nay chỉ long bong theo
dõi tin tức thời sự chứ có đầu óc đâu ngó ngàng gì đến bài vở. Du nhìn trân vào
mắt tôi tỏ vẻ không tin. Trong lúc miệng tôi nói thế nhưng đột nhiên trí tôi
lại lóe lên lời phán của anh thầy bói Cung… “ Chú chỉ đỗ hai cái, cái thứ ba bị
bạn chú làm cản trở ” … Tôi có vắt óc nghĩ bảy ngày cũng chả đời nào đoán ra
kiểu cản trở lạ lùng tinh tế mà quẻ bói trời ơi nọ biểu hiện!
Mấy ngày sau tôi nhận được lá thư thứ
hai của Viện Khảo cổ. Cũng vẫn thư đánh máy kiểu chữ Triumphe trông thật trang
trọng trên giấy lụa sờ mát cả tay. Trước
kia và sau này tôi chưa có dịp gặp thư từ công văn nhà nước chơi sang như thế.
Thư vẫn kí tên Q. Viện trưởng Nghiêm Thẩm. Nội dung đại khái: Viện chúng tôi
không chủ trương thủ đắc bản quyền, thành thử ông có toàn quyền đưa công trình
nghiên cứu của mình đăng ở tạp chí khác.
Tôi không
biết xử sự ra sao nên đem tư vấn thầy Phan Văn Dật, đang dạy tôi ở Viện Hán Học
Huế. Thầy bảo: “Anh mới bắt đầu viết, không nên làm thế mà bất liêm. ” Nhiều năm sau tôi mới hiểu thâm ý của lời
khuyên ấy ở lá thư của Viện nọ. Người ta cố tình ngọt nhạt như vậy chỉ cốt đánh
lừa cho tôi đăng bài mình lên tạp chí nào đó rồi chỉ việc trích dẫn khơi khơi,
tôi không có quyền đòi hỏi nhuận bút như lời hứa ở bức thư thứ nhất: “Hội đồng
Viện chúng tôi đã họp bàn và đồng ý trả ông nhuận bút đặc biệt mỗi trang 500
đồng. Lâu nay chúng tôi chỉ thanh toán thù lao hạng A 150 đồng, hạng B 50 đồng,
còn hạng tin tức thông thường chỉ 30 đồng. Với chủ trương “không thủ đắc bản quyền” ấy có lẽ thầy Dật bấy giờ cũng chưa mảy
may nghĩ tới thủ đoạn tinh vi ấy. Cũng
trong lá thư thứ nhất ấy, hội đồng Viện Khảo Cổ cho biết rằng số bài vở năm
1963 đã được thông qua nên công trình của tôi phải chờ đăng ở số thứ tư tức vào
năm 1964.
Thế
nhưng năm 1964 ấy tôi không tìm được Khảo Cổ tập san ở các cửa hàng sách. Năm
1965 tôi tốt nghiệp sư phạm, vào nhận việc ở Nha Trang, tôi mới thấy Viện Khảo
Cổ phát hành số kép nhưng không công bố công trình của tôi như lời hứa tha
thiết ở lá thư gửi tôi hồi cuối năm 1962. Vài năm sau, vào một ngày nọ, tôi tình cờ nhìn
thấy một khung cáo phó về sự từ trần của giáo sư Dương Đình Khuê, Chủ sự Phòng
Hành chánh Viện Khảo Cổ. Tôi đứng chôn chân như hóa đá trước quầy báo. Chung
quanh chẳng có bạn bè để tâm sự cho dịu ấm ức. Thật ra năm ấy tôi dạy học kín
mít thời khóa biểu. Họa hoằn lắm, cả tháng trời tôi mới sà lại quầy báo không
quá ba lần mà mỗi lần cũng chỉ năm ba phút là cùng! Thế mà trời xui đất khiến
làm sao tôi lại nhìn thấy rành rành cái cáo phó đặc biệt nọ để thấu rõ ngọn
ngành: Dương Đình Khuê đăng bài nọ trên tập san Bạn Dân của Tổng nha Cảnh sát số
Xuân 1963 chỉ cốt hù dọa cho tôi ớn khỏi dò la nhiễu sự còn địa vị chính thức của ông là trưởng phòng
Hành chánh Viện Khảo Cổ tức bộ phận phụ trách việc ấn hành tập san Khảo Cổ hằng
năm! Sau vụ ém bài báo tôi gởi, giáo sư DĐK Chủ Sự phòng Hành Chánh chỉ tồn tại
thêm ba năm nữa rồi thất lộc, chưa kịp về hưu theo thông lệ! Đến nay chuyện ứng
nghiệm của anh thầy bói Cung thật trọn vẹn. Hơn bốn chục trang tôi viết mỏi tay
và được hứa hẹn niềm nở có thể nhận hơn ba cây vàng theo thời giá bấy giờ nhưng
rốt cuộc thành chuyện đầu voi đuôi chuột… nhắt! Những điều anh thầy bói Cung
phán nghe chắc cứng, nhưng bấy giờ lời lẽ ấy của anh chỉ lọt tai tôi không chút
phần trăm nào! Tôi hối hận thái độ láo lếu quá đáng của mình, từ đó tôi không
còn cơ hội gặp lại anh ta và cứ tự hỏi mãi có cái gì trong mấy lá bài bẩn thỉu
ấy lại cung cấp cho anh lượng thông tin linh diệu đến vậy. Cái kiểu chính xác
tận nanomet như thế khiến tôi cảm thấy ấm ức. Lẽ nào số mệnh lại sinh sự quá
đáng đến thế hay sao.
Bẵng đi
hơn hai mươi năm tình cờ tôi cộng tác với tạp chí nọ ở Đà Nẵng vào dịp cuối
năm, một biên tập viên gạ tôi:
- Chú
viết bài báo Tết đi! Báo Tết cần nhiều bài lắm! Tôi sựt nhớ hai bài thơ nọ nên
hỏi lại anh có đủ chỗ đăng không. Anh
sốt sắng nhận. Cùng năm ấy tôi gởi một bản sao cho tạp chí Kiến Thức Ngày Nay.
Tôi hí hửng thầm mong có lẽ tới hồi trúng mánh. Không ngờ xôi hỏng bỏng không, bản thảo ở KTNN
chẳng rõ theo đường nào lại trôi qua báo Xuân Thanh Niên, không rõ “tác giả”
nào xử lí kiểu ấy, còn bài gởi ở báo nọ ở Đà Nẵng thì chín tháng sau đã được
xuất hiện nguyên cuốn hoàn chỉnh của nhà nghiên cứu Nguyễn Tân Phong. Tôi cố
công dò hỏi thì được biết anh này là người gợi ý tôi gởi bài báo Xuân nọ, rồi
sau đó ảnh cũng giã từ Tòa Soạn kiếm một chân ổn định ở Ban Bảo Tàng Di sản Cố
đô Huế. Tôi có người bạn làm việc nhiều năm ở đấy nên gởi thư đề nghị anh ta
xác nhận nhân vật nọ có phục vụ ở cơ quan nọ hay không nhưng không thấy trả lời. Mấy năm sau ấy, có
tin hay anh ta qua đời. Điều tôi buồn nhất là nghe đâu anh chàng nọ từng có
thân phận nhà sư trong quá khứ. Tin này tôi không có dịp kiểm tra.
Như
vậy việc đề xướng khám phá bí hiểm của hai bài thơ ấy có kết quả cuối năm 1962
do một chàng sinh viên năm thứ ba khóa I của Viện Hán Học Huế nhưng người sử
dụng là Dương Đình Khuê vào năm 1963 rồi bẵng đi ngót hai chục năm sau, chuyện
ấy tái hiện ở báo Thanh Niên và sách của ông Nguyễn Tân Phong cùng xảy ra một
năm trùng lần gửi bài của tôi trong khi hơn hai mươi năm đằng đẵng im hơi lặng
tiếng không có ai đá động tới!
Lại
bẵng đi một thời gian nữa, Đằng Ngoài lại xuất hiện công trình của giáo sư
Nguyễn Tài Cẩn (nay đã quá cố). Tôi không hay biết gì về công trình trễ nãi
ngót 40 năm của ông nhưng nghe dư luận đồn đãi thì công trình ấy đồ sộ hơn,
danh giá hơn những gì anh sinh viên Hán Học Huế đã thực hiện hồi cuối năm 1962.
Tuy nhiên việc đọ ấy để lộ ra những chỗ phi lí:
Bài
thơ bí hiểm đã qui định đọc thành 64 chương. Người ta đã đọc đúng số ấy rồi thì
làm thế nào xáo trộn thứ tự và thêm bớt số lượng các chương khác với số lượng
tác giả đã quy định ?
Những
chương do Dương Đình Khuê, Nguyễn Tân Phong và kết quả ở báo Thanh niên, cả ba
đầu mối ấy cùng trùng hợp với kết quả đầu tiên của Trọng Lai gởi cho Khảo Cổ
Tập San năm 1962. Bất kể trong bao nhiêu năm nữa, với bao nhiêu người “tiếp tục”
khám phá nữa thì chuyện quy định số chương đọc cũng chỉ có thế. Việc so đọ nhà
nghiên cứu Đằng Trong với Đằng Ngoài, có thể mượn lời Mạnh Tử (372 – 289 tr.CN.)
“ Bỉ hà nhân dã, ngô hà nhân dã, ngô hà úy bỉ tai!” (Gã là người nào, ta là
người nào, ta nào sợ gì gã chứ!)
Tôi
lại phải kể một chuyện bên lề, nếu không thì tiếc lắm. Chuyện xảy ra năm 2002 với
một nhà ngoại cảm ở Đà Nẵng tên là cô Chi. Lần tìm mộ liệt sĩ thứ tư, có người
khuyên tôi tìm cô. Trông cô thanh lịch, khó ai nghĩ rằng cô là công nhân một
nhà máy nọ trong nhiều năm trời. Thoạt nhìn tôi cô bảo:
-
Anh có tin tưởng
gì tôi đâu mà phải coi?
Tôi
hơi khó chịu không biết mặt mũi mình ra sao lại lộ ra dấu vết ấy để cho người
ta bắt quả tang. Giọng tôi xẵng một chút:
- Tôi
lặn lội đến đây ngót mười cây số sao cô nghi vậy? Cô lặng thinh tiến hành công
việc tôi yêu cầu. Đặc biệt cô mô tả diện mạo thời còn sống hồi bốn mươi năm
trước của anh tôi. Tôi phục lăn, đặc biệt là mô tả vị trí anh tôi nằm. Cô ái
ngại:
Ngót
bốn mươi năm rồi, chả còn gì đâu để tìm. Huống chi đấy là lòng suối, giờ là con
đập, may lắm chỉ còn vài sợi tóc và mấy đốt xương ngón chân…
Nhìn
vẻ mặt thất vọng của tôi, cô thương hại :
-
Chuyện liệt sĩ là vậy, anh có coi chuyện của anh không?
Tôi đâu cần phải coi gì? Chỉ coi bao
lâu nữa ra nghĩa trang thôi!
Đã
buồn câu nói thêm buồn. Cô nhoẽn một nụ
cười thật tươi rồi bảo:
- Anh
có cái đặc biệt để coi đấy!
-
Thật vậy sao?
- Thứ
nhất, nhìn diện mạo anh không ai ngờ đã thoát hai lần chết đói! (quái quỷ! Tấm
thân 72 kí hơi mà lại trông có vẻ suy dinh dưỡng đến thế!) Thứ hai, anh có đồng
nào khá khá thì có người nghĩ cách tiêu hộ anh ngay! Tôi giật thót như nhận một
cú knock out, choáng váng cả mấy giây. Té ra Dương Đình Khuê, Nghiêm Thẩm… toàn
là những người hiền khô đầy thiện ý không hề làm hại gì tôi cả. Chính cái lẽ thứ
hai của nhà Cảm xạ học vừa nêu đã tiến hành những trò ma mãnh ấy! Thế mà trong
quá khứ, tôi lại còn tham gia nhiều cuộc hùn hạp, làm ăn này nọ lại không nhận
được lời cảnh báo như thế lần nào!
Đà Nẵng 2015
T.T.L
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét