Chỉ
Riêng Mình Người Hiểu
Chiều thứ sáu, Ngữ đến trường Văn Học, dạy hai giờ toán cho lớp
Đệ Nhị, cái công việc mà anh đã nhận từ hơn bốn tháng qua, sau ngày được anh
Đăng giới thiệu cho ông hiệu trưởng. Anh Đăng, dạy ở đây lâu lắm rồi, anh tốt
nghiệp đại học Sư phạm, dạy toán rất giỏi, bị động viên vào lính, bị thương ở
trận Bình Giã, giải ngủ với cấp bậc Đại úy. Anh là người con lớn của bà dì năm
bên ngoại, Ngữ gặp anh đôi ba lần, khi về Gò Dầu ăn giỗ ngoại, nhưng không có dịp
nói chuyện nhiều, vì những ngày tháng đó, Ngữ còn là thằng em nhỏ nhất, trong mắt
của bà con bên ngoại. Sau khi dạy xong, Ngữ không bỏ về như thường ngày mà nấn
ná tán dóc với đám học trò trong sân. Ngoài đường, chiều chưa xuống hẳn, nắng
tuy muộn nhưng vẫn còn sáng. Đường phố không lúc nào vắng người, tiếng cổng xe lửa, trên khúc đường Lê Văn Duyệt, từ từ
khép nặng chình chịch chận ngang. Ở phía trên xa, có tiếng còi chuyến xe từ
ngoài miền Trung về, con nít nhà ở hai bên đường rầy, ùa chạy ra đứng chờ, gọi
nhau ơi ới.
Ra khỏi cổng trường, Chiêu ngồi trên xe Honda chờ Ngữ ngay bờ tường, chắc
có chuyện gì lạ, vì thường ngày ít khi nào cô đến tìm Ngữ ở đây chiều thứ sáu,
Chiêu làm dấu cho Ngữ lái xe đi mà không nói gì cả. Đến công trường Duy Tân,
vào một quán kem nhỏ ngó qua bên kia trường Luật, hai đứa chọn cái bàn vắng
trong góc, Chiêu nhìn Ngữ, nhưng chưa nói lời gì, nhưng nét mặt xem ra có cái
gì đó chừng như quan trọng lắm. Phố xá chưa lên đèn, trời dịu mát dần, lưa thưa
bên sân trường Luật, vài ba cô ở lại muộn, tụm hai tụm ba cười nói. Chiêu mở
xách tay, đưa cho Ngữ lá thư gì đó, bảo anh đọc đi rồi sẽ nói chuyện. Ngữ mĩm
cười, đọc thư, lại thêm một lá thư nữa của Tường gởi cho Chiêu từ Đà Lạt, trong
thư lần này, ngoài những câu thăm hỏi nhớ nhung thông thường, Tường mở lời xin
cưới Chiêu, sau khi anh ta tốt nghiệp trường Sĩ quan Đà Lạt, bảo Chiêu hãy trả
lời sớm để anh còn lo liệu.
Cũng trong thư, Tường cho biết, khóa anh có thể ra trường sớm hơn những
khóa trước vì nhu cầu chiến trường, đang cần có thêm cấp chỉ huy. Quân Bắc cộng,
càng lúc càng xâm nhập vào Nam nhiều hơn và đã tung ra các trận đánh lớn trong
vài tháng gần đây. Bạn bè lại có thêm đôi ba thằng tử trận, bỏ đời ra đi một
cách tình cờ. Tiếng súng tiếng bom, hình như sát lại gần thành phố hơn trước
đây nhưng người ta vẫn sống, dù sống vội vã hay sống chán chường. Con đường trần
gian mà ông Trời vạch sẵn ra vẫn có người đi người về, đi bao lâu rồi cũng phải
về, sớm hay muộn. Ngữ bỏ lá thư xuống bàn, ly nước còn đầy, chưa đứa nào đụng tới,
cả hai người nhìn nhau, không biết phải bắt đầu câu chuyện như thế nào đây.
Chuyện của Tường, thật ra, cứ lẩn quẩn trong đầu Ngữ cũng như Chiêu từ bao lâu
rồi. Ngữ nhìn mông lung ra đường, đèn trên đường vừa lên, vệt nắng cuối ngày đã
tắt ở phía bên kia phố. Một lần nữa Sài Gòn vào đêm. Vì là chuyện cũ nên hai đứa
chẳng cần phải nói gì, Chiêu bưng ly nước lên uống một hơi, chút nước đá lạnh của
ly sinh tố làm Chiêu chợt tỉnh, Chiêu mĩm cười, giục Ngữ ăn ly kem kẻo kem chảy
tan theo sức nóng cuối ngày.
Hai người đồng ý, với nội dung lá thư mà Chiêu sẽ viết trả lời cho Tường
nay mai trên đường Chiêu đưa Ngữ về nhà. Chiêu sẽ cám ơn, tình cảm mà Tường đã
dành cho, xin Tường cho Chiêu có thời gian suy nghĩ và dịp tốt nhất, là sau khi
ra trường, chừng một năm mấy nữa, khuyên anh ta yên tâm học hành. Tùng đứng thơ
thẩn trước nhà, cười toe toét chào, Ngữ thong thả xuống xe, Chiêu vẫy tay, rồi
lái xe bỏ đi. Tùng nấn ná, chờ Ngữ chưa chịu ăn cơm, nhà đối diện lại bắt đầu
có tiếng con nít ồn ào, giành nhau chỗ ngồi trước sân, chờ coi chương trình
truyền hình buổi tối.
Ngữ lặng lẽ về Tây Ninh sáng Thứ Bảy mà không nói với ai tiếng nào, cả
Tùng cũng không biết Ngữ đi đâu khi Chiêu và Thảo Ly qua tìm. Lời Tường viết
trong thư cứ vướng mắc đâu đó trong đầu. Cái buồn nao nao làm Ngữ chợt dưng nhớ
nhà, nhớ Bến Cầu ray rứt, nhớ đôi mái đầu bạc của ba mẹ như bông bưởi sau nhà,
nhớ chiếc xuồng ba lá của anh chị Thương, nằm nhấp nhô, lẻ loi, cuối bờ mương
ra con rạch nhỏ, nhớ tiếng mưa rớt từng giọt dài trên mái căn nhà chòi tranh chất
củi, ở đó, có lửa bập bùng nướng khoai lang trong những ngày đầu đông, nhớ tiếng
ễnh ương khi mất khi còn, theo ánh lửa đèn câu lập lờ ngoài ruộng. Một chút nhớ
đó, cũng đủ làm Ngữ phải về Bến Cầu, về để nhớ để thương và cũng về, để trốn
cái nghiệt ngã sầu, mà Tường vô tình quấy đọng trong lá thư vô tình vô tội.
Tới Cẫm Giang, thì tàu đò lớn cũng vừa qua tới, cho nên Ngữ về Bến Cầu,
trời mới quá xế trưa. Chị năm Thương, đi đâu đó từ phía bên kia sông, về ngang
bến tàu, thấy Ngữ la ơi ới. Chị chẳng màng hỏi tiếng nào, cười một cái rồi bỏ
đi trước, chị đi thật lẹ mà không cần ngoái lại xem Ngữ ra sao, Ngữ nhìn theo
bóng chị cười một mình. Nắng từ từ dịu đi, bên kia sông lớn, trời xem ra có vẻ
sắp nổi giông, mây từng cụm đen kéo về hướng chợ. Chị năm đứng kế bên ba mẹ Ngữ
ngoài sân trước cười khúc khích, Ngữ đi nhanh vào nhà, ai nấy đều ngạc nhiên,
không ngờ Ngữ lại về bất chợt như vầy. Chị năm lo cơm nước sớm, cả nhà Ngữ cùng
gia đình chị quây quầng dưới mái hiên sau, mùi cá lìm kìm kho xả ớt thơm không
thể tả.
Cơm nước xong, trời cũng vừa đổ mưa, Ngữ cùng anh em thằng Thiết thằng
Tha, con của anh chị năm Thương, bắt ghế ngồi trước hàng ba, nhìn trời tán dóc,
vài anh lính Nghĩa quân quen, từ hướng văn phòng xã đi ngang, vẫy tay chào. Lẻ
loi, tiếng ễnh ương còn kêu ngoài đám ruộng gần truông, trời mưa lưa thưa,
không nặng giọt. Hai ba căn nhà phía bên kia đường đã lên đèn.Có tiếng đại bác
vọng về từ một hướng nào xa xa, bọn Ngữ vẫn còn ngồi đó, trong bóng đêm vừa xuống
qua mái hiên. Mẹ Ngữ và chị năm Thương lục đục gì đó trong bếp. Anh năm từ bên
nhà, cầm cây đèn dầu nhỏ, băng qua sân, nói khẻ với bọn Ngữ “chút xíu mình có
chè đậu xanh ăn rồi”. Ngữ thức, nói chuyện với ba mẹ tới giữa khuya, đêm nay
không có tiếng súng.
Sáng sớm, Ngữ theo Thiết đi bằng xe Honda, qua ngã Trà Cao, cho nên tới chợ
Gò Dầu còn sớm. Hai người vào uống cà
phê trong một cái quán hủ tiếu nhỏ, ngay ngã ba, ngó qua văn phòng Chi Khu Quận.
Trời sáng dần, bến xe Sài Gòn, nằm kế sát bên hàng rào Chi Khu, vẫn chưa có mấy
người đi. Gió từ phía sông thổi lên, lành lạnh và thơm mùi lục bình pha hương mạ
mới cấy. Thiết từ giã Ngữ rồi lái xe xuống chợ quận. Chuyến xe đầu ngày Gò Dầu
– Sài Gòn vừa rục rịch mở máy, khách chưa có ai, nên Ngữ tìm chỗ ngồi cho vừa ý
mình không khó lắm. Nắng lên thật nhanh từ hướng bên kia sông, sáng rực mấy nhịp
cầu xi măng, chia đôi phố chợ một màu vôi trăng trắng. Ở một phía nào đó cuối
đường, có tiếng chuông chùa Thạnh Lâm thong thả đổ.
Thuyên Huy
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét