Người Thương Binh Ấy
An Hoàng
Như tôi đã nói ở bài trước là tôi muốn viết nữa về anh, QUÁCH VĨNH TRƯỜNG, người bạn cùng Khóa 20 Võ Bị Đà Lạt của chúng ta. Những bài báo, những bài phỏng trên truyền thanh, truyền hình về anh tràn ngập, tôi ví mình như một "thợ xây dựng", không thể đem đổ những "vật liệu" đó xuống sông, xuống biển! Và không muốn mang tội của một kẻ phí phạm của Trời.
Trở về quá khứ, sau ngày 30 tháng 4/75, người bạn chúng ta đã phải đi bán từng ổ bánh mì để sống (xin hãy đọc bài chị Hoàng Đình Đạt viết về anh trên Diễn Đàn trước đây). Anh lấy bánh từ lò bánh mì "chui" Trương Dưỡng, hai tâm hồn đau khổ đã hoà chung một nhịp, có ai hiểu được nỗi lòng các anh không?
Đoạn trường ai có qua cầu mới hay...
Những ngày anh còn làm việc ở Cục Tâm Lý Chiến, vẫn phải chăm lo cho người cha bị mù lòa và bà mẹ bệnh họan, anh đã vượt qua cả cái "sức người có hạn," chính anh đã thực hiện châm ngôn "tự thắng" của Trường Mẹ, không phải để "chỉ huy" mà là để TỒN TẠI. Con người khi bị dồn đến chân tường, sức mạnh nội tâm bỗng gia tăng vì CÁI CHẾT và SỰ SỐNG mong manh đến độ không còn ranh giới nữa!
Anh cùng Trương Dưỡng vẫn tích cực trong những kỳ Đại Hội Thương Binh nhớ về đồng đội ở quê nhà: kêu gọi, đóng góp khi các anh đã hiểu nỗi đau của những con người mất mát một phần thân thể cũng chỉ vì TỔ QUỐC, DANH DỰ , TRÁCH NHIỆM.
Chúng tôi cũng không quên anh Sáu Thọ (Nguyễn Hữu Thọ) đã gửi từng gói quà về quê nhà để ấm lòng anh em trong lúc đói khổ , khi chương trình HO chưa thành hình:
"Một miếng khi đói bằng một gói khi no
Của tuy tơ tóc nghĩa so nghìn trùng."
Tôi vẫn còn nhớ mãi câu anh viết trong thư: "Tao vừa lãnh trợ cấp cái chân cụt, gửi về mày chút quà...." Hay những ngày tháng hôm nay, Đặng Hữu Hải, với tấm lòng lúc nào cũng hào hiệp, hay một Hoàng Mão, khi nào cũng đóng góp "trên chân" mỗi khi cần đến một chữ TIỀN (Hoàng Mão thì giầu có hơn ai cơ chứ!)
Với Hoàng Mão, tôi chẳng cần viết thêm về anh nữa, một viên "ngọc quý" của Khóa chúng ta, làm rạng danh chẳng phải riêng cho Võ Bị mà cho cả QLVNCH:
"A diamond needs not the paint"
Tôi bỗng nhớ tới bài hát "Nhớ người thương binh" của Phạm Duy:
"Chàng về, chàng về nay đã cụt tay
Máu đào đã nhuốm trên thây bao nhiêu quân thù..."
Lời ca ấy chưa đủ để nói về thân phận của Trường, tôi muốn được thêm vào:
Chàng về nay đã cụt chân
Áo chàng xung trận, tấm thân sa trường
Từ ngày anh đã bị thương
Xu vùng lửa khói, mang viên đạn thù
Bốn mùa là bốn mùa Thu
Lá vàng rơi xuống, gió ru điệu buồn
Nụ cười như thể cầu hồn
Nỗi buồn thân xác cũng trôi theo dòng.
Xin trả lại anh những mất mát, thiệt thòi, làm sao mà "chia sẻ" cùng anh được? Hôm nay, xin đi vào một "góc" khác của anh, tôi muốn nói đến những bài thơ anh làm khi niềm đau thương đến tột cùng. Bài thơ NIỀM ĐAU THÂN PHẬN được nhiều người nhắc đến, được đọc trong chương trình DẠ LAN, được Quang Minh ngâm trên đài Tiếng Nói Quân Đội trong chương trình Thi Nhạc Giao Duyên và Mai Lan ngâm trong chương trình Thúy Hằng:
Con có tội, xin Ngài cho vắn số
Sao nỡ đành lấy mất một bàn tay?
Và giờ đây con chỉ biết thở dài
Khi tiếc nuối cung đàn xưa xa vắng.
Chúng ta cứ hình dung mới ngày nào, anh còn cầm cây guitar gửi những thanh âm và cung bậc tới thính giả của Thành Phố Sương Mù, để thấy hết niềm đau và thân phận của anh, rồi anh viết tiếp :
Quân cướp nước sao Ngài không tận diệt?
Con tội gì Ngày cắt bớt một chân?
Rồi mai đây phiêu bạt nẻo đường trần
Con khập khiểng độc hành trên hoạn lộ...
Bài thơ anh làm năm 1968 , sau khi bị thương năm 66.
Và một bài" thơ tình" anh viết gửi người bạn đời mang tên NGÕ HỒN:
Em hãy ngắm ngõ hồn anh rộng mở
Nhìn vào đây thấu suốt mảnh hồn anh
Trong mắt anh không thấm đượm màu xanh
Nhưng hi vọng vẫn tràn trong khóe mắt.
Em mong muốn những gì trên khuôn mặt?
Một nụ cười trong ánh mắt reo vui
Thấm hồn em trong cuộc sống dập vùi
Tia nắng ấm ru hồn vào sâu kín.
Đây cửa ngõ của vùng trời thanh tịnh
Chỉ nhìn nhau trong sóng mắt lặng yên
Đừng dìu nhau vào lãnh vực ưu phiền
Hãy nghĩ đến tia nhìn âu yếm nhất
Anh cùng em hướng nhìn về mặt nhật
Thầm nguyện rằng ánh sáng ngập hồn ta
Và nhìn nhau trong cay đắng thiết tha
Cùng nghĩ đến thiên đường tràn lý tưởng.
Khép bờ mi thả hồn vào tưởng tượng
Anh mong gì trong giấc ngủ cô đơn?
Anh không mong điều hờn tủi oán hờn
Nên chỉ thấy tình em đầy thông cảm.
Anh mơ thấy khung trời Thu ảm đạm
Nhặt lá rơi em nâng khẽ tặng anh.
Cả mùa Thu ướp ánh mắt trong lành
Anh đón nhận tình yêu trong chiếc lá.
(1967)
Người thương binh QUÁCH VĨNH TRƯỜNG, với thương tật 170% vẫn muốn đóng góp nữa cho cuộc đời, anh không có tham vọng để được "lưu danh," nếu có ai nghĩ anh như thế. Nhưng riêng tôi, cho đó là niềm đam mê, muốn được "cống hiến" trong những ngày tháng còn lại của anh dù chỉ còn một khối óc với một bàn tay bốn ngón...
AN HOÀNG
( Viết cho người bạn mà tôi mến mộ)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét