Thứ Sáu, 19 tháng 6, 2015

Viết Nhân Ngày Từ Phụ (Father's Day) - Hoàng Đằng


Viết Nhân Ngày Từ Phụ (Father’s Day)
 Hoàng Đằng

Trên đời, Chúa Giê-Su là trường hợp đặc biệt. Ngài là con của Mẹ Maria – trinh nữ có thai rồi sinh ra Ngài mà không có sự can thiệp của đàn ông. Còn mọi người đều có cha, có mẹ.
Sinh ra con, cha mẹ có thiên chức nuôi, dạy con trưởng thành. Thiên chức ấy gồm 9 bổn phận được sách xưa gói gọn trong 9 chữ cù lao: Sinh (đẻ ra), Cúc ( nâng đỡ), Phủ (vỗ về), Dục (dạy dỗ), Súc (cho bú), Trưởng (nuôi lớn), Cố (trông nom), Phục (ôm ấp) và Phúc (che chở).


Cũng do cha mẹ có công lao đối với con cái, con cái phải có lòng hiếu thảo với cha mẹ. Lòng hiếu thảo ấy một phần do tự sinh, còn một phần do giáo dục mà có. Mọi người mọi nơi đều có lòng hiếu thảo, chỉ việc biểu tỏ lòng hiếu thảo ấy như thế nào, lúc nào thì có khác nhau giữa nước này và nước khác, giữa dân tộc này và dân tộc khác.
Trong chiều hướng toàn cầu hóa và do sự ảnh hưởng của nước mạnh đối với nước yếu, ngày nay, ngày Hiền Mẫu (Mother’s Day) và ngày Từ Phụ (Father’s Day) của nước Mỹ đã phổ biến ra khắp thế giới. Ngày Hiền Mẫu cử hành vào Chủ Nhật thứ 2 trong tháng Năm; ngày Từ Phụ cử hành vào Chủ Nhật thứ 3 trong tháng Sáu.

Năm nay – 2015, ngày Từ Phụ nhằm ngày 21/6. Nhân ngày này, tôi muốn viết đôi điều. Công ơn Cha ai cũng biết và chắc chắn đã có nhiều người viết; riêng đối với tôi, bài hát thiếu nhi “Bố Là Tất Cả” với những hình ảnh diễn tả trong lời nhạc đã nói lên gần như tất cả:


“Bố là tàu lửa, bố là xe hơi, 
Bố là con ngựa em cưỡi, em chơi,
Bố là thuyền nan cho em vượt sóng, 
Bố là sông rộng cho thuyền em bơi, 
Bố, bố là bờ đê cho em nằm ngủ. 
Bố, bố là phi thuyền cho em bay vào không gian…” 


Ở đây, tôi muốn tưởng nhớ Father’s Day bằng cách xin đề cập đến những từ ngữ mà người Việt mình dùng để gọi Cha. Lẽ dĩ nhiên, những gì tôi viết không đủ vì kiến thức có hạn, lại do điều kiện, tôi không tham khảo sách báo được.

Cha là người “lấy” Mẹ để sinh ra mình. “Cha” là từ phổ thông vừa được dùng khi viết cũng như khi nói.
Còn tùy theo địa phương, tùy theo tập tục, người ta còn dùng nhiều từ khác để chỉ “Cha”.
Ở miền Bắc, người ta gọi “Cha” bằng “Thầy”, bằng “Bác”, bằng “bố”.
Ở miền Trung, người ta gọi “Cha” bằng “Bọ”, bằng “Cụ (Cậu)”, bằng “Chú”, bằng “Eng (Anh)”.
Ở miền Nam, người ta gọi “Cha” bằng “Tía”.
Bây giờ, từ thông dụng nhất là “Ba”, có gốc ở từ Papa trong tiếng Pháp.
Người ta gọi “Cha” bằng “Thầy” vì người ta nhấn mạnh đến bổn phận giáo dục nơi người Cha – giáo dục đối nhân xử thế và có thể giáo dục về chữ nghĩa.
Người ta gọi “Cha” bằng “Bác”, “Chú”, “Cụ”, “Eng” vì người ta muốn đứa con tránh khỏi sự dòm ngó, quở trách của ma quỷ; người xưa có cái mê tín là nhiều cặp vợ chồng, do số mạng, sinh con ra bị ma quỷ bắt đem đi; vì vậy, người làm cha được gọi bằng một từ để chứng tỏ không phải là người sinh ra đứa con.
Người miền Bắc gọi “Cha” bằng “Bố”, vì sao? “Bố” là âm tương tự với âm mà người Trung Quốc đọc từ Hán Việt “Phụ” (cha). Âm “Bố” ở miền Bắc vào đến Bắc Trung Bộ biến thành âm “Bọ”.
Người miền Nam gọi “Cha” bằng “Tía”, vì sao? Trong từ ngữ Hán Việt, ngoài “Phụ” là Cha, còn có từ “Da” là tiếng gọi “Cha”. Cách đây vài trăm năm, bên Trung Quốc, nhà Thanh giành ngôi nhà Minh, những người trung thành với nhà Minh bỏ Trung Quốc lánh nạn; số người qua Việt Nam ở rải rác khắp nơi, lập ra những làng Minh Hương. Ở miền Nam, người Minh Hương nhiều, người Việt cộng cư với họ và cũng nhận nhiều ảnh hưởng từ họ, trong đó, có ảnh hưởng ngôn ngữ. Người Trung Quốc phát âm từ “Da” (Cha”) thành diẽ, người Việt mình nghe “chỗ được chỗ mất” rồi nói thành “Tía”.
Xin nói thêm một tí về từ chỉ “Cha” dùng trong thờ phượng, cúng tế. Cha mới chết, chưa chôn, gọi là “Cố Phụ” – chữ viết trên lá triệu; chôn xong, gọi là “Hiển Khảo” – chữ viết trên thần chủ. Nói để biết vậy thôi, chứ “Cố Phụ” hay “Hiển Khảo” đều là từ Hán Việt mà hiện nay, viết ra hay nói ra cũng ít người hiểu; ít người hiểu thì chi bằng dùng từ thuần Việt cho rồi.
Ngày trước, trong cộng đồng, số người biết chữ Hán còn nhiều; trong giao tiếp, thỉnh thoảng chêm vào vài câu, vài từ Hán Việt để chứng tỏ mình là người có học. Hiện nay, tìm được một người biết chữ Hán trong cộng đồng khó lắm, thôi thì người Việt nên dùng văn tự Việt, ngôn ngữ Việt như đang có phong trào cổ xúy người Việt dùng hàng Việt vậy.
Ngay cả vai trò của Cha đối với con cái, ngày trước, người ta nói ví von: “Con có cha như nhà có nóc”, bây giờ, người ta đang xây nhiều nhà không nóc; câu tục ngữ trên cũng không còn áp dụng được nữa rồi.
Lan man đôi điều nhân ngày Từ Phụ đến đây xin tạm dừng.

17/6/2015 (02/5/Ất Mùi)




Không có nhận xét nào: