Thứ Ba, 16 tháng 6, 2015

Anh và Chúng Ta - An Hoàng


                     Anh và Chúng Ta
                                    An Hoàng
Tôi hay viết về bạn bè, chẳng phải để đề cao hay tâng bốc, mưu cầu một chữ khen, thỏa mãn niềm kiêu hãnh, chút hư danh của một con người ...
Xin cám ơn những người bạn ấy đã cho tôi những "vật liệu" để xây cất một căn nhà, đó chính là nguồn cảm hứng làm cây viết chạy được trên những trang giấy trắng mà cứu cánh cũng không ngoài mục đích đem đến cho các bạn một niềm vui, chút kỷ niệm, sự chia sẻ hay có khi một nỗi buồn khi một người bạn cùng Khóa ra đi cùng dòng sông vĩnh biệt, The river of no return, cuốn phim mà tôi cũng như các bạn đã xem từ năm nảo năm nào...
Chúng ta hãnh diện với những người bạn ở chiến trường: những đại đội trưởng, tiểu đoàn trưởng, trung đoàn phó, liên đoàn phó và đặc biệt "con chim đầu đàn" Hoàng Mão, trung đoàn trưởng của Sư Đoàn 1BB với huy chương công trạng đứng nhất QLVNCH (khen anh, chẳng phải tôi ở cùng hành lang trung đội 20/ĐĐ/G với anh, trên ngọn đồi 1515 hơn nửa thế kỷ trước).
Sáu người bạn mang lon Trung tá là niềm hãnh diện cho cả Khóa chúng ta, nào đâu chỉ của riêng tôi?
Qua xứ tạm dung này, có bạn lấy BA, BS, MA và những thế hệ 2 ra Luật sư, bác sĩ, tiến sĩ và có cả cháu tốt nghiệp MIT...
Bên cạnh những vinh quang đó, có những bạn mang thương tật mà vẫn sống vươn lên, trên cả những bình thường như người lính Dù Trương Dưỡng, ngồi xe lăn hơn 40 năm nay mà vẫn viết lách, kể lại những trận đánh của cuộc đời binh lửa (MỘT CÁNH HOA DÙ),  làm chủ một tờ báo ở Florida, bánh xe lăn còn đưa anh vào cổng trường đại học HK để anh lấy xong bằng BA (nếu tôi nhớ không lầm).
Những chị quả phụ K20, dù cuộc tình "gẫy gánh giữa đường", vẫn nuôi dậy các cháu, chẳng những "nên người" mà còn thành đạt, có những chỗ đứng trong xã hội Mỹ, hơn cả dân bản xứ, biết nói sao cho hết những "lòng mẹ" bao la như biển rộng, sông dài này?
Hôm nay, tôi viết những giòng chữ kể về cuộc đời một người bạn cùng Khóa chúng ta, một người bạn bất hạnh nhất, nhưng cũng cho chúng ta niềm kiêu hãnh nhất: bạn QUÁCH VĨNH TRƯỜNG, người Đại úy mang cấp độ tàn phế 170% (xin được giải thích để các bạn khỏi thắc mắc là anh mất một tay, một chân, bể xương má, thủng hai màng nhĩ, mảnh đạn còn trong người... chỉ mất một tay, một chân là đã 100%, nay thêm 7 "độ gia tăng" là 170%). Với một thân thể như thế: di chuyển, sử dụng đôi tay, thích giác.. .còn đâu được hai chữ "bình thường" cho cuộc sống một con người? khác nào "rơi" từ đỉnh núi xuống chân đèo... thế mà anh vẫn đứng vững đôi chân, leo lại lên đỉnh Hoa Sơn, như trong truyện của Kim Dung.  Câu nói của nhà báo Phạm Long, gọi đây là một "huyền thoại", cũng chẳng có gì là quá đáng.
Khởi đi, cuộc đời của anh là một "cây guitar" của ban nhạc Võ Bị, chơi trên đài phát thanh Đà Lạt, giai đoạn còn học chung với K21, hợp cùng Phạm Văn Mại K20, Trần như Xuyên, Nguyễn Tứ Đức K21, ngoài guitar, Trường còn chơi được nhiều nhạc cụ khác.
Những ngày còn ở Trường Mẹ, tôi chẳng hề quen anh, mà cách anh một sân cỏ.  Chỉ gặp anh khi ngồi ở BTTM, làm giấy giải ngũ, thế mà anh cứ nhớ mãi mỗi lần gặp anh, anh lại "cám ơn An", cái ơn nhỏ bé không bằng một con muỗi, nào có đáng gì đâu!  Ngày tiễn anh chị đi Mỹ, trong đoàn người đưa tiễn, cũng có vợ chồng tôi, cùng các anh, các chị K20 mà tôi không nhớ hết.
Chuyện anh đậu thủ khoa Trường Luật Sài Gòn bằng phương tiện của một chiếc xe đạp do một người con gái học cùng lớp chở đi học năm 1968.
Cuộc tình khởi đi từ giảng đường đại học đã trở thành hôn nhân và người con gái đó chẳng ai xa lạ mà là hiền thê của anh sau này, chị Bích Kiều (sau khi lấy xong cử nhân Luật, chị đang học cao học thì mất nước), một cuộc tình đẹp gấp trăm lần trong nhạc Phạm Duy:

Con đường Duy Tân cây dài bóng mát
hay:
Uống ly chanh đường, uống môi em ngọt.

   Chuyện anh hy sinh thân thể, để cứu sống cả Trung đội, được đền bù bằng Đệ Ngũ BQHC do Tổng Thống Thiệu đích thân gắn cho anh, với  Đại Tướng Cao Văn Viên đi cạnh.   Đó là cả một niềm vinh dự cho một quân nhân, dù anh có phải "trả giá" cho sự mất mát này.
Qua Mỹ, anh không chịu khoanh tay để nhìn thân phận mình, mà đã lăn xả vào  học, bỏ ra 7 năm cho vấn đề hội họa ở COASTLINE COLLEGE, được vinh dự vẽ bức chân dung cho phu nhân ông Khoa Trưởng của trường, anh học cả về Graphic Design (sử dụng computer để phục hồi hình ảnh QLVNCH).   Trong cuốn tiểu sử của Quân Lực VNCH, anh đã đóng góp rất nhiều, viết tiểu sử về các vị tướng lãnh của Quân Lực ta, tiểu sử 31 Khóa VB.
Bức tranh vẽ Thủ Khoa Quách Tinh Cần dương cung, bán được 7 ngàn dollars, anh đã gửi về quê nhà để giúp đỡ các thương bệnh binh VõBị.
Anh là tác giả hình bìa đặc san Đa Hiệu, tập san BĐQ ngay từ số đầu tiên.
Nhiều ký giả, đài phát thanh ở Nam CA đã phỏng vấn về cuộc đời họ Quách: Nhà văn Phan Nhật Nam, ký giả Phạm Long, Huy Phương, Trọng Minh, Khoa học gia Dương Nguyệt Ánh...
Còn biết bao điều, tôi muốn nói về anh, mà một bài viết không thể nói hết được.
Anh chị chỉ có một người con trai, ở tuổi 30, một niềm vui hoà cùng niềm hãnh diện, khi cháu được chọn là quân nhân xuất sắc nhất của Tiểu Bang CA (Soldier of the year), cháu đang theo học cao học PhD về Social Work.
Những giòng chữ tôi viết hôm nay, chẳng phải để "ca tụng" bạn mình, vì anh cũng là bạn của  CHÚNG TA,  và tôi cũng chả có ngượng ngùng, vì đó là những gì chân thật.
Tên anh, ngoài họ ra, là một cái gì trường cửu: VĨNH TRƯỜNG.  Anh vẫn còn bên ta, trên con đường cái thênh thang, vẫn ngẩng cao đầu trong một niềm kiêu hãnh, anh đã không cầu "an lạc, dễ dàng", sau khi bị thương, vẫn xin ở lại QĐ (Trưởng ban nghiên cứu đài phát thanh Quân Đội) thuộc Cục TLC.
Anh muốn đóng góp những tài năng, dù hạn hẹp cho Trường, cho Khóa chúng ta trong quãng đời còn lại của anh...  Thôi thế cũng quá đủ rồi, Trường ơi !
Xin được gửi đến anh, người bạn cùng khóa vài câu thơ, tôi vội chép ra đây, trước khi nguồn cảm hứng đi vào ngõ cụt!

Anh vẫn đi bên cạnh cuộc đời
Có anh, có bạn, và có tôi
Gậy chống anh đi từng bước nhỏ
Cuộc sống gian nan, có khóc có cười... 

                    An Hoàng



Không có nhận xét nào: