Thứ Hai, 29 tháng 5, 2017

Chữ Nho Dễ Học (Bài 36) mà học không dễ (Đỗ Chiêu Đức)

                   CHỮ NHO ... DỄ HỌC  (Bài 36)
                         Các bộ 14, 15, 16, 17 nét
                                    

       Như thường lệ, trước khi bắt đầu bài viết nầy, ta hãy cùng giải đoán câu đố của bài viết trước:
               二人並坐,            Nhị nhân tịnh tọa,
               坐到二更三鼓,    Tọa đáo nhị canh tam cổ,
               一畏貓兒一畏虎。  Nhất úy miêu nhi nhất úy hổ.
Có nghĩa :
                   Hai người cùng ngồi với nhau,
                   Ngồi cho đến canh hai ba hồi trống đổ,
                   Một người sợ mèo, một người sợ hổ !
Giải Đáp:
       Để giải đáp câu đố nầy, mời tất cả cùng nghe giai thoại sau đây:
       Tương truyền, vào giữa những năm Hoằng Trị triều Minh, ở đất Quỳnh Sơn tỉnh Quảng Đông có một học giả  tên là KHƯU TUẤN (1421-1495), tự là Trong Thâm, đậu Tiến Sĩ năm Cảnh Thái thứ 5, làm quan đến chức Lễ Bộ Thượng Thơ, Văn Uyên Các Đại Học Sĩ. Thế mà xém chút nữa đã bị thua một cô gái nhà quê con chủ quán. Truyện kể...
       Một đêm, khi Khưu Tuấn đang ở trong một quán trọ, chủ quán có một cô con gái rất thông minh, lại giỏi văn chương, nghe tin có Văn Các Đại Học Sĩ đến, bèn xin ra mắt. Sau khi đàm luận có ra cho ông một câu đố như thế nầy:
               二人並坐,            Nhị nhân tịnh tọa,
               
坐到二更三鼓,    Tọa đáo nhị canh tam cổ,
               
一畏貓兒一畏虎。 Nhất úy miêu nhi nhất úy hổ.
        Khưu Tuấn nghĩ ngợi hèn lâu, ông đang cân nhắc giữa câu hai người ngồi ngang nhau, có thể là 2 chữ "Nhân 人" mà lại một người sợ mèo một người sợ cọp, thì không phải là "2 người" nữa, mà là 2 con vật gì đó. Con gì sợ mèo? Là CÁ là NGƯ 魚. Con gì sợ cọp? Là DÊ là DƯƠNG 羊.  NGƯ 魚 và DƯƠNG 羊 ghép lại cho "ngồi chung" với nhau là chữ TIÊN 鮮 là Tươi Ngon. Chắc ăn như bắp, suy nghĩ xong, ông bèn vuốt râu mỉm cười nói ra đáp án. 
       Nào ngờ, cô gái cũng mỉm cười lắc đầu bảo: "Sai rồi!". Ông ngạc nhiên hỏi: "Sao lại sai?" Cô gái đáp: "Thế thì ông giải thích thế nào về câu: Tọa đáo nhị canh tam cổ? (Ngồi cho đến canh hai ba hồi trống đổ). Khưu Tuấn xịu mặt trầm tư, chợt ông tỉnh ngộ ra, vổ đùi đánh đét một tiếng bảo rằng: "Phải rồi! Canh hai là giờ HỢI 亥, còn Ba hồi trống đổ là Canh ba giờ TÝ 子. Ghép chữ TÝ 子 với chữ HỢI 亥 lại với nhau, ta có chữ HÀI 孩 là Hài Nhi phải không ?! Cô gái gật đầu cười đáp: "Đúng vậy! TÝ là Chuột sợ mèo; HỢI là Heo sợ Cọp!"
       Khưu Tuấn khen lấy khen để, cho đây là câu đố thật tuyệt vời!

             Inline image  Image result for 丘濬
                Tượng đài và khu mộ chí của Khưu Tuấn

       Trong Giai Thoại Văn Chương Việt Nam ta cũng có một câu đối tương tự của bà Đoàn Thị Điểm ra cho ông anh Đoàn Viết Luân khi bà chị dâu nửa đêm sanh con trai là:
             Bán dạ sanh Hài, Hợi Tý nhị thời vị định.
             半  夜   生   孩, 亥   子   二   時  未  定;
Có nghĩa :
         Nửa đêm sanh con, giờ Hợi hay giờ Tý còn chưa định;
      Đây là câu đối chiết tự  chữ HÀI 孩 là do chữ TÝ 子 và chữ HỢI 亥 ghép lại mà thành. Tý Hợi là 2 ngôi trong 12 Địa Chi.

      Ông Đoàn Viết Luân đã đối lại rất khéo là:
           Lưỡng tình tương phối, Tỵ Dậu tương hợp nãi thành.
              兩     情    相     配,   巳   酉    相     合   乃    成。
Có nghĩa :
      Hai tình phối hôn với nhau, do Tỵ Dậu hợp nhau mà thành.
      Chữ PHỐI là Hôn Phối 配 là do chữ TỴ 巳 và chữ DẬU 酉 ghép lại mà thành. Tỵ và Dậu cũng thuộc 2 ngôi trong 12 Địa Chi. TỴ DẬU SỬU lại nằm trong TAM HỢP của Tử Vi Đẩu Số.
     (Đúng ra chữ PHỐI 配 là do 2 chữ DẬU 酉 và KỶ 己 ghép lại mà thành. Nhưng Dậu là ngôi thứ 10 của Địa Chi; còn KỶ là ngôi thứ 6 của Thiên Can, nên không thể đối với HỢI TÝ ở trên được. Nhưng trong văn chương xướng họa, đôi lúc cũng phải biết linh động, mượn chữ nầy để xài cho chữ kia, mượn âm kia để thay cho âm nọ.  Ở đây ông Luân đã mượn chữ TỴ 巳 để thay cho chữ KỶ 己 vì hai chữ có tự dạng giống nhau).

1. BỘ TỊ  : ( 14 nét )
    TỊ   : là Cái MŨI. TỊ 鼻 là chữ Tượng Hình theo diễn tiến của chữ viết như sau:
      Nét bút        Giáp Cốt Văn Đại Triện  Tiểu Triện    Lệ Thư
筆劃
甲骨文
金文大篆小篆繁体隶书
Ta thấy :
     Từ Giáp Cốt Văn cho đến Đại Tiểu Triện đều là hình tượng của cả cái mũi được vẽ cách điệu từ xống mũi đến phần lổ mũi và cả phần nhân trung ở trên miệng nữa. Cái Mũi cũng là một phần chính của khuôn mặt, nên ta mới có từ MẶT MŨI để chỉ cả khuôn mặt. Ta còn có các từ:
     鼻子 TỊ TỬ : là Cái Mũi, 鼻梁 TỊ LƯƠNG: là Xống mũi; 鼻尖 TỊ TIÊM: là phần chóp mũi; 鼻翼 TỊ DỰC: là 2 cánh mũi; 鼻孔 TỊ KHỔNG: là 2 cái lổ mũi; 鼻涕 TỊ THẾ: là nước mũi ...
     鼻息如雷 TỊ TỨC NHƯ LÔI: Hơi thở từ lổ mũi vang như sấm, ta nói là Tiếng Ngáy như Sấm vang.
     鼻祖 TỊ TỔ: là Thuỷ Tổ, là ông bà ông vãi tự ngày xưa.
     開山鼻祖 KHAI SƠN TỊ TỔ: là Ông Tổ lập ra một dòng họ hay một môn phái nào đó.
     Khi dịch các từ của Phật giáo từ tiếng Phạn, thì TỊ 鼻 được đọc là TÌ, như trong từ A TÌ ĐỊA NGỤC 阿鼻地獄 (Avīci Niraja): Nơi giam giữ các hồn người đã chết để luận công luận tội.

          Image result for 阿鼻地獄  Image result for 阿鼻地獄
                          A TÌ ĐỊA NGỤC 阿鼻地獄

         Có tất cả 50 chữ được ghép bởi bộ TỊ 鼻, tiêu biểu có :
    HÃN 鼾 : là Tiếng ngáy khi ngủ. Thành ngữ "Tiếng ngáy như sấm", còn được nói thành HÃN THANH NHƯ LÔI 鼾聲如雷.
     
2. BỘ TỀ  :
    TỀ   : là Ngang Bằng. TỀ 齊 là chữ Tượng Hình, theo diễn tiến của chữ viết như sau:

甲骨文金文金文大篆小篆繁体隶书
Ta thấy :
     Giáp Cốt Văn là hình của những cây lúa, cây mạch, cây bắp mọc san sát ngang bằng nhau, đến Kim Văn Đại Triện thì vẽ cách điệu so le cho đẹp mắt, và đến Tiểu Triện thì lại thêm 2 vạch bên dưới tượng trưng cho mặt đất chỗ cao chỗ thấp, nên TỀ 齊 là Ngang bằng nhau, là ngay hàng thẳng lối. Như:
     TỀ THIÊN 齊天 : là Ngang bằng với Trời.
     Con khỉ đá Tôn Ngộ Không sau khi tu luyện được phép tiên thất thập nhị huyền công thì đòi làm TỀ THIÊN ĐẠI THÁNH 齊天大聖 có nghĩa là: "Ông Thánh sánh ngang bằng Trời." Nghe như có vẻ ngông cuồng, nhưng thực tế ở đời cũng có lắm người muốn có cái gì đó to lớn bằng Trời, nên ta mới có thành ngữ:
     PHÚC THỌ TỀ THIÊN 福壽齊天: là Phước và Thọ đều sánh ngang bằng với Trời.
     HỒNG PHÚC TỀ THIÊN 鴻福齊天: Có nghĩa là: Cái phúc lớn sánh ngang bằng trời. HỒNG PHÚC 鴻福 là Cái Phúc to lớn, còn được viết như thế nầy 洪福. Nghĩa cũng như nhau.
     HỒNG 鴻 nầy là Chim Hồng, loài chim to lớn và bay cao nhất.
     HỒNG 洪 nầy là Con nước to lớn, nước lũ, nước lụt.
     TỀ MY 齊眉: là Ngang Mày, nói tắt của thành ngữ CỬ ÁN TỀ MY 舉案齊眉: ÁN 案 là Cái Mâm có chân, nên Cử Án Tề My là "Nâng cái mâm ngang với chơn mày", ý chỉ sự kính trọng, theo tích sau đây:
        Lương Hồng người thời Đông Hán, tự là Bá Loan, ở đất Bình Lăng (thuộc thành phố Hàm Dương, tỉnh Thiểm Tây hiện nay), nhà nghèo học giỏi, khi học xong Thái Học Sinh, không muốn làm quan,  về quê cày ruộng, sống cảnh thanh bần. Địa chủ họ Mạnh trong huyện có cô con gái là Mạnh Quang rất giỏi thi thơ, chê đám công tử thanh niên trong huyện hời hợt, nên kén chồng đến năm 30 tuổi mà vẫn phòng không. Nghe tiếng Lương Hồng là người thanh cao nên mới cùng chàng kết duyên phu phụ. Vợ chồng cùng về ẩn cư ở vùng đất Lăng Sơn, tuy cuộc sống thanh bần, nhưng vợ chồng luôn luôn Tương Kính Như Tân 相敬如賓 là kính trọng lẫn nhau như đối với khách vậy. Mỗi lần chồng làm lụng vất vả về nhà, khi dọn cơm ra cho chồng ăn, nàng Mạnh Quang luôn luôn bưng mâm cơm cao đến ngang mày mà dâng lên, Lương Hồng vội đỡ lấy để xuống rồi vợ chồng mới ngồi vào cùng ăn.
         Nên CỬ ÁN TỀ MY 舉案齊眉 chỉ vợ chồng luôn luôn thương yêu kính trọng lẫn nhau. Sau nầy dùng rộng ra để tỏ sự kính trọng đối với người khác khi đưa một vật gì đó cũng nâng lên ngang mày, như chàng Kim Trọng khi muốn nghe Thúy Kiều đờn đã nâng cây nguyệt cầm lên dâng cho nàng vậy:
            Hiên sau treo sẵn cầm trăng,
  Vội vàng sinh đã tay nâng NGANG MÀY. 

            Inline image  Inline image
                   Nàng Mạnh Quang CỬ ÁN TỀ MY
     
         Ngoài nghĩa NGANG ra, TỀ 齊 còn có nghĩa là CÙNG, như:
    TỀ DANH 齊名 : là Cùng nổi tiếng như nhau.
    CHUNG CỔ TỀ MINH 鐘鼓齊鳴: là Chuông trống cùng vang lên.
    NHẤT TỀ TIỀN TẤN 一齊前進: Cùng nhau tiến về phía trước.
    TỀ TÂM HIỆP LỰC 齊心協力: Cùng chung lòng cùng chung sức.
    TỈ DỰC TỀ PHI 比翼齊飛: là Chắp cánh cùng bay.
         Năm 666, Diêm Bá Dư đến nhậm chức Đô Sát ở Hồng Châu, nhân tiết Trùng Cửu (Mùng 9 tháng 9 Âm lịch) mở đại yến ở Đằng Vương Các để chiêu đãi tân khách. Vì muốn khoe tài con rể là Ngô Tử Chương, Diêm đã cho Chương làm sẵn một bài Tự về gác Đằng Vương được gọt dũa thật mượt mà hoa mỹ, rồi trong bửa tiệc phát giấy bút cho tất cả văn thi nhân để cùng làm một bài văn về Đằng Vương Các.
       Lúc bấy giờ Vương Bột, mới 16 tuổi, một trong Sơ Đường Tứ Kiệt sau nầy, đang ở xa ngoài 700 dặm lại bị Mã Đương sơn cách trở, nhưng nhờ thuyền gia cho biết là nếu đi đường thủy thì có thể đến nơi kịp lúc. Bột nghe theo, qủa nhiên đêm hôm đó, trời nổi gió lớn, nên sáng hôm sau thì thuyền đã cặp bến Đằng Vương Các kịp lúc tiệc rượu mới bắt đầu. Vì tích này mà ta mới có câu:

         Thời lai phong tống Đằng Vương Các  時來風送滕王閣.
Có nghĩa :
         Khi thời cơ đến thì gió sẽ đưa đến gác Đằng Vương.

     Khi bước chân vào tiệc, người chưởng quản không muốn phát giấy bút cho Bột, vì thấy chàng là một thằng bé mới lớn lại xấu trai vô cùng, nhưng vì đã lỡ có lời hứa trước, nên miễn cưởng phát giấy bút cho chàng, nhưng lại cử người theo dõi đứng kề bên Bột, hễ chàng viết xong câu nào thì chép lại câu đó trình cho chủ nhân xem. Nếu thấy viết chẳng ra gì thì sẽ tống cổ ra khỏi cửa ngay. Nhưng không ngờ càng xem lại càng ngạc nhiên, không ngờ lại có một văn tài hiếm thấy như thế, kịp đến câu:
    Lạc hà dữ cô vụ tề phi,        落霞與孤鶩齊飛,
   Thu thủy cộng trường thiên nhất sắc. 秋水共長天一色.
Có nghĩa :
                Ráng chiều cò trắng cùng bay,
           Xanh lơ trời nước nước mây một màu !
    thì Diêm công phải vổ bàn khen là tuyệt cú, khi đọc xong bài viết của Vương Bột thì... Diêm Bá Dư dấu nhẹm luôn bài văn của con rể không dám chìa ra, vì so với Đằng Vương Các Tự của Vương Bột thì "nó" còn thua xa! Và...
        Vương Bột nổi tiếng khắp nước luôn từ đấy!

         Image result for 王勃 滕王阁 Image result for 落霞與孤鶩齊飛 秋水共長天一色 
         Đằng Vương Các Tự với " Lạc hà dữ cô vụ tề phi..."

     TỀ 齊 còn có nghĩa là Đạt được, Đạt đến. Bài đầu tiên của Minh Tâm Bửu Giám có câu:
        Kiến hiền tư tề yên, kiến bất hiền nhi nội tự tỉnh giả.
          見   賢   思  齊  焉,    見   不   賢   而   內   自  省  也。
Có nghĩa :
     Thấy người giỏi thì nên nghĩ là làm sao cho Đạt Được như người ta, thấy người không giỏi thì nên tự phản tỉnh xem mình có cái dở như người đó không, để ráng mà sửa đổi để cầu tiến!
      Có tất cả 6 chữ được ghép bởi bộ TỀ, tiêu biểu có chữ:
   TRAI 齋 : là Thư phòng, là Trường học, là Tiệm là Quán ăn. Như
   THƯ TRAI 書齋 : là Phòng đọc sách, là Nơi học tập của các thư sinh ngày xưa, nên THƯ TRAI tiếng Triều Châu có nghĩa là Trường học.
   LIÊU TRAI 聊齋 : là Thư phòng vắng vẻ, thường ở xa nhà nơi yên tịnh để cho tiện việc học hành.
   LIÊU TRAI CHÍ DỊ 聊齋誌異 : là Ghi chép lại những chuyện lạ nơi thư phòng vắng vẻ. Đây cũng là tựa của quyển truyện ma quái chồn tinh rất nổi tiếng của Bồ Tùng Linh ở cuối đời Minh đầu đời Thanh. Vì quyển truyện nầy mà ta có từ "Liêu Trai" để chỉ những chuyện chồn tinh ma quái diễm tình hay để diễn tả cái không khí ma quái nên thơ nhưng lại làm cho rợn người của những nơi chốn nào đó.
   PHẠN TRAI 飯齋 : là Phòng ăn chay, Tiệm bán cơm chay.
   TRAI PHẠN 齋飯 : là Cơm chay, là thức ăn của những người tu hành hoặc phát nguyện ăn chay.
   TRAI GIỚI 齋戒 : là tục lệ xưa, trước khi cúng tế thần thánh phải tắm gội sạch sẽ, không được uống rượu, không được ăn mặn, không được ngủ với vợ để chứng tỏ lòng thành của mình. 史记·廉颇蔺相如列传 theo Sử Ký- Lạng Tương Như-Liêm Pha liệt truyện: Triệu Vương thời Chiến Quốc phải TRAI GIỚI năm ngày để tỏ lòng thành khi đưa Lạng Tương Như mang ngọc Bích sang Tần.
   TRAI TĂNG 齋僧 : là thực phẩm dùng để cúng Phật và cho các hòa thượng ni cô ăn.
                                 *****
    BỘ 15 nét.
1. BỘ XỈ  :
    XỈ  : là Răng. XỈ 齒 là chữ Tượng hình theo diễn tiến của chữ viết như sau :

甲骨文金文金文大篆小篆繁体隶书
Ta thấy :
    Giáp Cốt Văn và Kim Văn đều là hình tượng của 2 hàm răng trong miệng, đến Đại Triện và Tiểu Triện thì được chồng thêm bộ CHỈ 止 ở trên đầu để chỉ âm đọc theo cách tạo chữ của Hài Thanh thời Chiến Quốc. XỈ 齒 là Răng, từ kép là NHA XỈ 牙齒: Ta nói là Răng cỏ. Thật ra, NHA 牙 : là Răng phía trước đến Răng Nanh, XỈ 齒: là Răng Cối, Răng Hàm.
     XỈ 齒 còn dùng để chỉ vật gì có Răng, như:
     LUÂN XỈ 輪齒: là Răng của bánh xe, bánh sắt có răng.
     CỨ XỈ 鋸齒: là Răng của cây cưa, ta nói là Răng Cưa.
     Một số Thành ngữ có chữ XỈ 齒 của tiếng Hoa rất gần gũi với tiếng Việt, như:
     THẦN HỒNG XỈ BẠCH 唇紅齒白  Môi hồng răng trắng, ta nói là "Răng trắng môi son."
     LINH NHA LỢI XỈ 伶牙俐齒  là Răng cỏ lanh lợi, ta nói là Miệng  Lưỡi Lanh Lợi hay Mồm Năm Miệng Mười.
     THẦN VONG XỈ HÀN 唇亡齒寒  Môi mất đi thì răng bị lạnh, ta nói là: Môi Hở Răng Lạnh. Theo tích sau đây:
     Thời Xuân Thu Chiến Quốc, Tấn Hiến Công 晉獻公 của nước Tấn muốn đánh nước Hoắc 虢國, nhưng nước Ngu 虞國 lại nằm giữa hai nước. Tấn Hiến Công mới nghe theo lời của mưu thần là Tuân Tức, dùng ngọc quý và ngựa báu tặng cho vua nước Ngu để mượn đường đánh Hoắc. Vua nước Ngu thấy ngọc đẹp ngựa quý thì đồng ý ngay. Cận thần là Đại Phu Cung Chi Kỳ 宮之奇 can rằng: "Không nên, không nên! Nước Ngu của ta và nước Hoắc là hai nước nhỏ liền nhau, nương tựa với nhau mà tồn tại, như môi với răng vậy, hễ môi hở thì răng lạnh, nên việc cho Tấn mượn đường để đánh Hoắc là việc không nên bao giờ; đại vương chớ khá nghe theo!" Vua Ngu vì tham của báu nạt rằng: "Tấn là nước lớn, nay lại hạ mình tặng ngọc quý ngựa báu để mượn đường, chả lẽ ta lại hẹp hòi mà từ chối hay sao?"  Cung Chi Kỳ bỏ ra buông tiếng thở dài: "Nước Ngu ta sẽ mất trong nay mai mà thôi!"  Bèn dắt díu vợ con bỏ đi nước khác.
        Qủa nhiên, sau khi tiêu diệt nước Hoắc, trên đường về Tấn Hiến Công bắt trói vua Ngu và nhập nước Ngu vào luôn nước Tấn của mình. 
         Inline image  Image result for 唇亡齒寒意思
           Mượn đường diệt Hoắc:       Môi hở răng lạnh.

     Trong Tăng Quảng Hiền Văn có câu:
    Bình sinh mạc tác trứu mi sự,         平生莫作皺眉事,
   Thế thượng ưng vô THIẾT XỈ nhân.  世上應無切齒人.
Có nghĩa:
       Trong đời sống hằng ngày, đừng làm những chuyện khiến người ta phải nhăn mày, thì trên đời nầy cũng sẽ không có ai NGHIẾN RĂNG NGHIẾN LỢI với ta cả!
      THIẾT 切: Có bộ ĐAO 刀 bên phải, có nghĩa là XẮC. THIẾT XỈ 切齒 là 2 hàm răng XẮC vào nhau, nên có nghĩa là NGHIẾN RĂNG khi thù hận hoặc giận dữ ai đó hoặc chuyện gì đó.
     Có tất cả 45 chữ được ghép bởi bộ XỈ nầy, tiêu biểu có :
     LINH 齡 : là Tuổi. Từ kép là NIÊN LINH 年齡: là Tuổi Tác.
     PHƯƠNG LINH 芳齡 : là Tuổi Thơm, dùng để chỉ tuổi tác của các cô gái mới lớn chưa chồng.   
     CAO LINH 高齡: là Những cụ già tuổi tác đã cao.
     HẠC LINH 鶴齡: là Tuổi Hạc. Tuổi mà tóc đã bạc trắng như con hạc trắng, thường dùng để chỉ những người từ 80 tuổi trở lên. Lúc Vương Viên Ngoại "Liều mình ông đã gieo đầu tường vôi", thì Kiều mới nhỏ to tìm lời khuyên can là :
                     Cỗi xuân TUỔI HẠC càng cao,
                Một cây gánh vác biết bao nhiêu cành ...
                                       *****
     BỘ 16 nét,
1. BỘ LONG  :
    LONG  : là Rồng. LONG 龍 là chữ Tượng Hình theo diễn tiến của chữ viết như sau:
甲骨文金文金文大篆小篆繁体隶书
Ta thấy :
     Rồng là con vật thần thoại, đầu lân mình rắn, có 4 chân như thú, lại có vẩy như cá, có thể đi trên bờ, lội dưới nước, bay lên mây làm mưa làm gió... nên Tượng Hình của con rồng từ Giáp Cốt Văn cho đến Đại Triện cũng vừa như rắn, vừa như cá, vừa như thú. Đến Tiểu Triện thì mới có dạng của chữ viết, nhưng vẫn mang Hình tượng nhe nanh múa vuốt như... Rồng!

              Image result for 龍  Image result for 龍

      Rồng là LONG 龍 không có thật, nhưng KHỦNG LONG 恐龍 lại là một loại sinh vật có thật ở thời cổ đại. Rồng ở Trung Hoa là một linh vật đứng đầu trong Tứ linh: LONG, LÂN, QUI, PHỤNG. Rồng còn tượng trưng cho nhà vua, nên tất cả mọi thứ có liên quan đến Vua đều có chữ LONG đi kèm như:
      LONG NHAN 龍顏: là dung nhan của nhà vua, là Mặt vua. LONG THỂ 龍體 : là thân thể của vua. LONG BÀO 龍袍: là Áo của vua mặc. LONG XA 龍車: là Xe của vua đi...
      Mặc dù là con vật trong thần thoại, nhưng Thành ngữ có chữ LONG trong cuộc sống thường ngày cũng nhiều vô kể, như:
      XA THỦY MÃ LONG 車水馬龍: là Xe như nước chảy, ngựa tợ rồng bơi, để chỉ cảnh phồn hoa đô hội, nhộn nhịp ngựa xe. Ta nói là:
       Ngựa xe như nước, áo quần như nen. 
      LONG ĐÀM HỔ HUYỆT 龍潭虎穴: là Đầm rồng hang cọp, dùng để chỉ những nơi hung ác hiểm trở.
      NGỌA HỔ TÀNG LONG 臥虎藏龍: là nơi Rồng nằm hổ phục, chỉ những nơi ẩn chứa những nguy hiểm hung ác mà bình thường không thể nhìn thấy trước được.
      LONG TRANH HỔ ĐẤU 龍爭虎鬥: Chỉ 2 thế lực hoặc 2 lực lượng ngang bằng nhau mà quyết hơn thua với nhau.
  Tăng Quảng Hiền Văn có câu :
   Long du thiển thủy tao hà hí,        龍游淺水遭蝦戲,
   Hổ lạc bình dương bị khuyển khi.   虎落平陽被犬欺.
Có nghĩa :
      Rồng mà lội ở nơi nước cạn thì bị tôm tép giởn mặt, còn...
      Cọp mà lạc xuống đồng bằng thì cũng bị lũ chó dễ ngươi!
      Cá chép hóa rồng là chỉ sự thành công vượt bực, một sự lột xác đổi đời mà ai ai cũng mong muốn, nên ta lại có thành ngữ:
      VỌNG TỬ THÀNH LONG 望子成龍: là Mong ước con được hóa rồng. Câu nầy nói lên mong ước của các bậc cha mẹ đối với con cái, mà cũng có thể dùng để chúc cho người khác nữa. 

      Có tất cả 12 chữ được ghép bởi bộ LONG nầy, tiêu biểu có :
BÀNG 龐 : có nghĩa là To lớn, ta có thành ngữ:
     BÀNG NHIÊN ĐẠI VẬT 龐然大物: Chỉ vật gì hoặc con gì đó to lớn hơn kích cở bình thường.
     BÀNG 龐 còn dùng để chỉ khuôn mặt, như DIỆN BÀNG 面龐 là Gương mặt.
      BÀNG 龐 còn là một trong Bách Gia Tính, họ BÀNG : như BÀNG ĐỨC 龐德 tự là Lệnh Minh, tướng của Mã Đằng thời Tam Quốc, sau theo Tào Tháo, được phong đến chức Quan Môn Đình Hầu.
      BÀNG QUYÊN 龐涓: Danh tướng nước Ngụy thời Chiến Quốc, cùng Tôn Tẫn theo học binh pháp với Quỷ Cốc Tử. Quỷ Cốc Tử có 4 môn sinh nổi tiếng đó là:
          Image result for 龐涓與孫臏 Inline image  
            Bàng Quyên, Tôn Tẫn, Tô Tần và Trương Nghi
                    được gọi là QỦY CỐC TỨ HỮU

2. BỘ QUY  :
    QUY    : là Con RÙA. QUY 龜 là chữ Tượng Hình theo diễn tiến của chữ viết sau đây:
甲骨文金文金文大篆小篆繁体隶书
Ta thấy :
     Từ Giáp Cốt Văn cho đến Kim Văn Đại Triện đều là hình tượng của con rùa không chối cải vào đâu được. Cho đến Tiểu Triện đã hình thành chữ viết hẵn hoi rồi, nhưng vẫn còn thấy được mang máng hình dáng của con rùa, nên QUY 龜 là từ chỉ chung các loại  Rùa, Ba Ba, Đồi Mồi, Cua Đinh...
      RÙA cũng là một trong Tứ Linh: Long Lân QUY Phụng. Rùa có rất nhiều chủng loại, nhưng ta chỉ phân biệt 2 loại trong văn học là: KIM QUY 金龜: Rùa Vàng và Ô QUY 烏龜: Rùa Đen.
      KIM QUY 金龜 : Rùa Vàng, tượng trưng cho vinh hoa phú quý. Theo Sử Ký, vào đời Hán làm quan từ Ngũ phẩm trở lên đến các Tướng quân, Thừa Tướng, Chư Hầu... ấn tín đều có đúc một con Rùa Vàng ở bên trên tay cầm. Đến đời Đường rùa vàng được thêu trên các túi gấm đeo bên mình của các quan từ Tam phẩm trở lên, nên Rùa Vàng  là biểu tượng của quyền qúy giàu sang, từ đó ta có thành ngữ: KIM QUY TẾ 金龜婿: Có nghĩa là Chàng rể qúy, cũng có nghĩa là Có chồng giàu sang, và lại phát sinh thêm thành ngữ: ĐIẾU KIM QUY 釣金龜: là Câu Rùa Vàng, tức là tìm cách để có được một tấm chồng giàu sang quyền qúy. Hai thành ngữ nầy vẫn còn rất thông dụng đến hiện nay. KIM QUY TẾ hiện nay chính là các Bác sĩ, Kỹ Sư, Thạc Sĩ, Tiến Sĩ... đó vậy. Tuy vậy, chớ nhiều khi có chồng là "Rùa Vàng" chưa chắc đã hạnh phúc, như bài thơ Vị Hữu của Lý Thương Ẩn đời Đường như sau:
                  VỊ HỮU                                       爲 有
        Vị hữu vân bình vô hạn kiều,              爲有雲屏無限嬌,
        Phụng thành hàn tận phạ xuân tiêu.   鳳城寒盡怕春宵.
        Vô đoan giá đắc kim quy tế,               無端嫁得金亀婿
        Cô phụ hương khâm sự tảo triều         辜負香衾事早朝.
                     Lý Thương Ẩn                             李商隱
Có nghĩa: 
                        VỊ HỮU   là   VÌ CÓ...
          Vì có bức bình phong vẽ mây ngũ sắc đẹp vô vàn, nên ở đất Kinh Thành nầy lúc cuối đông hết lạnh, lại thấy lo sợ cho những đêm xuân, vì  khi khổng khi không lại lấy phải ông chồng làm quan lớn thế nầy, nên chi sáng xuân (là thời khắc mặn nồng nhất của đôi lứa) ông ta lại phụ rãi bỏ mặc nệm ấm chăn êm thơm phức để đi chầu Vua buổi sáng sớm! 
 Diễn nôm:
                                               VÌ  CÓ
                                Vì có bình phong đẹp lắm mầu,
                                Kinh thành se lạnh, sợ canh thâu.
                                Khéo xui lấy phải ngài quan lớn,
                                Phụ bạc gối chăn, sớm phải chầu
 !
            Lục Bát :
                                   Bình phong đẹp đẽ yêu kiều,
                             Phụng thành đông hết, xuân tiêu đêm dài.
                                   Vô duyên lấy phải quan ngài,
                             Gối chăn bỏ hết mặc ai,... đi chầu !

         Rõ ràng là cái nũng nịu hết sức "dễ cưng" của những nàng mệnh phụ trẻ trung còn tràn trề nhựa sống!           
 
      Ô QUY 烏龜 : Rùa Đen, chỉ sự xui xẻo, hết thời, nhục nhã hèn hạ... Ô QUY còn dùng để chỉ những ông chồng bị vợ cấm sừng. Quy NÔ 龜奴 hoặc QUY TỬ 龜子 dùng để chỉ Chồng của các Tú Bà hay các Ma Cô bảo vệ kỹ nữ trong các kỹ viện. Đọc truyện võ hiệp của Kim Dung hay nghe câu chưởi: "Lũ Rùa Đen rút đầu hèn nhát trốn hết cả rồi!" Tuy nhiên, trong Tăng Quảng Hiền Văn cũng có câu:
      Cận lai học đắc Ô QUY pháp,     近來學得烏龜法,
      Đắc súc đầu thời thả súc đầu.    得縮頭時且縮頭.
Có nghĩa :
          Gần đây học được cách của con rùa đen là...
          Khi nào cần rút đầu thì hãy rút đầu lại!
    Ý nói : Con người cần phải biết tùy thời mà xử sự!
     
            Inline image   Inline image
                  金龜 Kim Quy       và         烏龜 Ô Quy

       Có tất cả 15 chữ được ghép bởi bộ QUY nầy, tiêu biểu có:
   MIẾT 龞 ( 鳖 ) : là Co Ba Ba.
   THU 龝 ( 秋 ) : là Mùa Thu.
                                       *****

    BỘ 17 nét :
1. BỘ DƯỢC  :
    DƯỢC   : là Một loại nhạc khí xưa, có 3 lổ hoặc 6 lổ như Tiêu, Sáo. DƯỢC 龠 là chữ Tượng Hình theo diễn tiến của chữ viết như sau:
甲骨文金文小篆繁体隶书
Ta thấy :
     Từ Giáp Cốt Văn đến Kim Văn Tiểu Triện đều là hình tượng của một hệ thống ống tiêu, sáo được xếp song song nhau. Vì loại nhạc khí nầy thường được làm bằng tre trúc, nên theo chữ viết Hội Ý chữ DƯỢC được chồng thêm bộ TRÚC 竹 ở trên đầu thành chữ THƯỢC 籥 cũng có cùng một nghĩa như trên.
            Image result for 籥  Image result for 籥  Inline image
                          Các loại tiêu sáo xưa nay

     QUẢN DƯỢC CHI ÂM 管籥之音 : theo sách Mạnh Tử (Chương Lương Huệ Vương hạ) chỉ Tiếng nhạc hòa âm hòa tấu giữa Tiêu và Địch (Địch 笛 là Sáo).
      Có 15 chữ được ghép bởi bộ DƯỢC nầy, tiêu biểu có:
HÒA 龢 ( 和 ) : là Hòa hơp, hòa tấu.
XUY 龡 ( 吹 ) : là Thổi. XUY TIÊU 吹簫 là thổi tiêu như trong bài Ỷ Hồ của Vương Duy đời Đường:
               XUY TIÊU lăng cực phố,         吹簫凌極浦,
               Nhựt mộ tống phu quân.        日暮送夫君。
               Hồ thượng nhất hồi thủ,         湖上一回首,
               Thanh sơn quyển bạch vân !   青山卷白雲。
Có nghĩa :
                    Thổi tiêu ra tận bến bờ,
            Trời chiều mình thiếp ngẩn ngơ tiễn chồng.
                 Quay đầu lòng những bâng khuâng,
             Núi xanh quyện lấy bạch vân ngỡ ngàng!

       Như thường lệ, trước khi kết thúc bài viết nầy, mời tất cả cùng đoán một chữ qua bốn câu sau đây:
                天無他大,       Thiên vô tha đại,
                人有他大.         Nhân hữu tha đại.
                牛無它不生,    Ngưu vô tha bất sanh,
                人無它不大.      Nhân vô tha bất đại.
Có nghĩa :
               Trời không có nó thì lớn,
               Người có nó mới lớn.
               Trâu không có nó thì không sanh,
               Người không có nó thì không lớn.

      Các bộ từ 1 đến 17 nét đã chấm dứt, mời đọc bài kế tiếp: Sự Tương Quan Mật Thiết giữa các Thành Ngữ  HOA- VIỆT.

                                      Đỗ Chiêu Đức







Không có nhận xét nào: