Thứ Sáu, 26 tháng 5, 2017

* Đổ Đốn - An Hoàng

                               Đổ Đốn

      Hai chữ mà bậc cha mẹ hay mắng con: "Mày lúc này đổ đốn!" để chỉ một thằng con trai hư hỏng: cờ bạc, rượu chè, hút sách, gái gú hay "đi phượt" ( từ ngữ ở quê nhà hôm nay để chỉ một kẻ lêu lổng, bụi đời...)
    Dính vào bốn thứ "tứ đổ tường" đó, quả thật cuộc đời đi vào ngõ hẹp, khó mà tìm thấy ánh sáng, dù có đi đến cuối con đường hầm! Nhất là cờ bạc, không "bán vợ, đợ con" thì cũng thất điên, bát đảo!
    Các bạn  vào casino, bỏ ra vài chục phút, "thăm dân cho biết sự tình", mà xem. Những bộ mặt thua đờ đẫn, mất thần, với những cặp mắt mang niềm hối tiếc, nhìn vào xa xăm... trông thảm hại vô cùng.  Có một điều, như đinh đóng cột là chẳng có sòng bài nào đóng cửa cả! Họ vô cảm với những đau khổ của giới đánh bạc, vì chính bạn có thua, họ mới sống, chứ bạn được, thì họ chết! Sòng có lúc thấy sòng lèo tèo, lúc như hoa mùa xuân nở rộ, không có máy để kéo và họ vẫn sống nhăn:
                    Mấy đời kéo máy mà ăn
               Máy nào kéo mãi, vẫn là thằng thua!

    Sức hút của casino còn hơn cả sức hút của trái đất, nhưng nghĩ cho cùng, nếu đàn ông mà không mắc phải một trong những thứ chết tiệt đó, họa chỉ có THÁNH!
     Chả lẽ trong cuộc đời, chưa uống một cốc rượu, chưa hút một điếu thuốc, chưa một lần đỏ đen, chưa có một cuộc tình "ngoài luồng"... trước khi có được vinh dự  làm chồng? Thượng Đế đâu đến nỗi bất công như thế bao giờ! Có điều, phải xét theo góc độ và mức độ để kết tội hay tha thứ.
Câu nói của một Ông MC:
          Nhai cơm như thể nhai rơm
       Cho nên vẫn phải vừa Cơm, vừa Quà...

   Dù cho ông ta cố tình "ngụy biện" cho việc lăng nhăng của phe đàn ông, nhưng An tôi chỉ biểu đồng tình, là khi còn trai trẻ, chứ một khi đã có Chính Phủ (Từ ngữ mới của Thợ Đểu, nên thêm vào tự điển Việt Anh, để lại cho con cháu đời sau ), thì không nên, kể cả chuyện "ăn bánh trả tiền".  Nó vẫn mang tính chất của một sự "phản bội", không có lý do để bào chữa!
Thỉnh thoảng tôi vẫn theo ông bạn già vào sòng bài (một, hai tháng một lần), tôi chỉ đánh cò con, thua hay được, cũng chỉ vài chục bạc. Tôi đi để  "mua cảm giác", còn anh, chơi thiệt tình, thua vài tờ Big Bill là chuyện thường và ăn vài tờ cũng có, anh nói: "Chơi 10 lần cũng có lần ăn, nhưng lần thứ 11 thì "trả lại" nó!
Tôi nghĩ bụng: từ chết tới bị thương, chứ còn gì nữa!
Chả ai bắt bạn phải vào sòng bài, đó là chuyện WILLING TO DO, và có thua thì cũng là WILLING TO LOOSE!
     Ông bạn vốn làm Social Worker, về hưu cả chục năm nay, thích lái xe nhà, thay vì đi bus của sòng bài, vừa đông, vừa bẩn, vừa ồn ào, được 20 Đô bonus, lại phải trả tiền vé.  Từ chỗ chúng tôi ở đến mấy "tọa độ" Jackson Rancheria, Thunder Valley, Cache Creek, Red Hawk chỉ hơn 2 giờ. Chúng tôi chỉ đi Thứ Bẩy, ngày thường phải đưa cháu đi học. Anh học rất giỏi, trước 1975, anh đã có MA, dậy Anh Văn ở Đaị Học Y khoa Sài Gòn.  Thời ấy, với bằng cấp đó, Sài Gòn chỉ có vài người, ngoài Nguyễn Ngọc Linh và một, hai người nữa là cùng.
    Đem chuyện bài bạc kể với các bác, thật chẳng hay ho gì, nhưng cũng là một cách "tiêu" thời gian, cho cuộc đời già bớt boring! Ăn uống không còn là một niềm hấp dẫn hay đam mê, rượu thấy "đắng" trên môi!
    Đêm về, search trên Youtube, kiếm một movie, có khi ngủ gục, quên tắt TV, chán mớ đời! Tôi cứ hay mơ về Sài Gòn và bỗng dưng bản nhạc của Trầm Tử Thiêng lại vọng về:

               Đêm nhớ về Sài Gòn
               Thấy phố phường buồn xưa chưa nguôi
               Những con đường thèm đôi chân vui
                Đã bao năm chờ đợi...
                              *
                 Đêm nhớ về Sài Gòn
                 Tiếng nhạc vàng gọi từng âm xưa
                 Ánh đèn vàng nhạt nhòa đêm mưa
                 Ai sầu trong quán úa...
                 Bóng mẹ hiền mờ mờ bên song
                 Mắt người tình một trời mênh mông
                 Gợi bao nhiêu cho cùng...

    Ánh sáng ban mai đã đưa tôi về với hiện tại: Một buổi sáng đang bắt đầu...
                                                                                                                                     AN HOÀNG



Không có nhận xét nào: