NGƯỜI ƠI, NGƯỜI Ở ĐỪNG VỀ
Những ngày tù đầy ở đất Bắc đã lùi vào quá khứ hơn 40 năm, quá nửa một đời người, sao tôi chẳng thể nào quên, mà còn cộng thêm hai chữ thù hận, thật đúng là:
Miếng ngon nhớ lâu
Đòn đau nhớ mãi
Những đối xử tàn ác của bọn mất tính người: bỏ đói, lao động khổ sai, đưa đến việc tù ăn cóc nhái, chuột bọ để tự đào huyệt chôn mình, một hình thức trả thù man rợ của những con người cùng chung một dòng máu, nhưng lòng dạ thì khác. Chúng bị mê hoặc bởi một chủ nghĩa không tưởng là Cộng Sản, chủ nghĩa mà cả loài người đã lên án và vất vào xọt rác chủ nghĩa MARX, tượng Lenine đã bị kéo xập và đập phá tan tành ở những nơi mà ông ta "cấy và gieo mầm", ngay cả ở nước Nga, nơi ông ta sinh ra. Nay chỉ còn ba nước, cố bám vào cái "quái thai chủ nghĩa" đó để sống còn là Tầu Cộng, Việt Nam, và Bắc Hàn, và có thể còn một vài con "tép riu" ở đâu đó, mà tôi không biết?
Những ngày còn "nằm ấp" ở Trại 6, Hoàng Liên Sơn, nhìn những đồng bào thiểu số, đi trên con đường đèo, xa xa ở trước cửa trại tù, tôi thèm hai chữ TỰ DO như điên, như dại!
Chỉ một khoảng cách không xa, mà nơi đây, chúng tôi bị giam hãm, đói khổ, còn họ ở ngoài kia, được thở hít tự do, dù chỉ là một thứ tự do có giới hạn:
Trại tù, có nhỏ có to
Tù trong trại nhỏ, mong to được à?
Người dân Việt hôm nay vẫn bảo thế, như câu nói của tác giả ĐÊM GIỮA BAN NGÀY, Vũ Thư Hiên: "Mỗi người dân sống dưới chế độ CS là một "người tù dự khuyết."
ĐỜI TÙ, buồn hơn chấu cắn! Thế mà bọn cán bộ trại còn bắc loa, mở bài Quan Họ Bắc Ninh cho tù nghe: Người ơi, người ở đừng về, có chết không cơ chứ!
Phải chi tôi được một bát nước trà xanh, phong kẹo lạc, ngồi rung đùi trên một cái chõng tre, trước sân nhà quê tôi mà nghe điệu nhạc quê hương ấy thì thấm đậm biết là chừng nào:
Người ơi, người ở đừng về
Người về, em vẫn có khóc thầm
Đôi bên là bên song, như vạt áo
Ướt đầm như mưa
Người ơi, người ở đừng về...
Với điệu Quan Họ í a, í à... buồn muốn lịm cả người!
Chúng đánh chúng tôi bằng thể xác, chưa đủ, còn dùng đòn "cân não", không khác gì một "cú ân huệ", yếu bóng vía, tinh thần chao đảo, là "gục", không có ngày về với vợ, với con, hoặc có về thì thân tàn ma dại, thần kinh mà chết!
Với bản tính "vô tư" Trời cho (chứ luyện với tập gì đâu !), tôi tỉnh bơ trước ngón đòn thù ấy, vẫn tìm đến những thằng bạn thân, nghêu ngao, ca hát lén những bản nhạc Tiền Chiến, để chống lại những lời ru ngủ của "Người ơi, người ở đừng về":
Người về, em vẫn trông theo
Tình chung mà như nước chẩy
Mà này cũng có trông bèo, bèo trôi
Người ơi, người ở đừng về
*
Người về, em nhắn chứ đôi lời
Sông sâu thì xin chớ lội
Đò đầy, chớ qua
Người ơi, người ở đừng về...
Tôi "văng tục" một mình: Ông biết rồi, tắt đài đi các con! Điếc tai lắm!
Chúng còn định dùng "tâm lý chiến," mong thu phục nhân tâm, nhưng chẳng hề biết Nguyễn Trãi là ai! Ông là Thánh Tổ của nghành CTCT, từng theo phò Lê Lợi để làm nên nghiệp lớn:
Lê Lợi vi quân
Nguyễn Trãi vi thần
Và theo Binh Thư Tôn Tử:
Bất tri bỉ, bất tri kỷ
mỗi chiến, tất bại
(Không biết ta, không biết người, mỗi trận mỗi thua)
Nếu mà chúng học được câu của Nguyễn Trãi Tiên Sinh:
Lấy đại nghĩa để thắng hung tàn
Đem chí nhân mà thay cho cường bạo
Thì đất nước đã chả khốn nạn như hôm nay! Chúng học sách của Tào Tháo: Thà ta phụ người, còn hơn để người phụ ta, thà giết lầm còn hơn bỏ sót!
Trong lao tù, tôi mơ thấy một vùng quê, có mẹ :
Tôi muốn trở về, thời xa xưa có mẹ
Có cầu ao, giếng nước, sân đình
Có nụ cười của mẹ rất xinh
Tiếng đưa võng, một trưa hè nắng đổ
Hồn quê đó, một đời bỏ ngỏ
Lúc xa quê, vĩnh biệt, chẳng đâu ngờ
Trong chân tình, hoà quyện mấy vần thơ
Chữ nghĩa lên ngôi, ước mơ thành thi sĩ!
Mơ ước ấy, bỗng trở thành cũ kỹ!
Đời bao dung, thôi thế cũng vuông tròn
Có cần gì phải lội suối, trèo non...
Thơ và nhạc đã hà hơi cho tôi sống, trong những ngày tháng "địa ngục" đó, và ngày về, sau gần 6 năm, tôi vẫn cứ là tôi, máu không hề bị đổi mầu và óc tôi vẫn còn nguyên vẹn, để hôm nay, còn "gõ" được những dòng chữ này trên computer để vui, buồn với các bạn, nhất là lại sắp có ngày, tay bắt mặt mừng, tôi bỗng dưng thấy mình trẻ lại, dù tuổi 80 đang lấp ló sau hè...
AN HOÀNG
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét