LINH
MỤC CAO VĂN LUẬN (1908-1986)
VÀ
LÝ TƯỞNG “LƯƠNG SƯ HƯNG QUỐC”
TRONG
ĐẠO KẺ SĨ (tiếp theo)
NGUYỄN
ĐỨC CUNG
b) Các cuộc gặp gỡ với Chủ Tịch Hồ Chí Minh.
Cuộc đời đã đưa đẩy linh mục Cao Văn Luận gặp nhiều nhân vật nổi tiếng trong lịch sử và đây là ba lần Linh mục Cao Văn Luận đã trực tiếp gặp Hồ Chí Minh.
Lần thứ nhất tại Pháp, khi Hồ Chí Minh từ Biarritz đến phi trường Bourget vào sáng 22-6-1946 thì Nguyễn Mạnh Hà trước đó đã cho linh mục biết Việt Minh đang có chủ trương đòi tách rời Giáo hội Việt Nam ra khỏi Tòa thánh Vatican. Trong buổi gặp lần thứ nhất tại Hôtel Royal, Hồ Chí Minh gợi ý cho Linh mục Cao Văn Luận là các linh mục trẻ như linh mục phải cùng với chính phủ ta, tranh đấu đòi lại quyền tự trị cho các địa phận đạo ở Việt Nam. Linh mục Cao Văn Luận, minh nhiên đứng về lập trường chân chính của Giáo hội Công Giáo Việt Nam, đã trả lời điểm này như sau:
-Thưa cụ chủ tịch, đây là điều tôi muốn thưa với cụ Chủ tịch hôm nay, tôi có nghe ở bên nước nhà có phong trào đòi lập giáo hội tự trị. Thưa cụ, những người công giáo Việt Nam chúng tôi cũng muốn tự lập theo một nghĩa nào đó. Chúng tôi đều mong cho các địa phận Việt Nam có đầy đủ những giám mục đều là người Việt Nam. Đó cũng là đường lối mà Vatican luôn luôn chủ trương là theo đuổi. Thưa cụ chúng tôi không thấy có gì phải phản đối, nếu những người công giáo Việt Nam muốn tự đảm nhiệm lấy sự cai quản việc đạo trong nước mình. Nhưng thưa cụ, tôi thiết nghĩ cách tiến đến sự tự lập cho giáo hội Việt Nam phải được suy xét và thực hiện đúng cách.
Rồi ngài gợi ý Hồ Chí Minh nên đến Rôma xin yết kiến Đức Giáo Hoàng đề nghị Đức Giáo Hoàng bổ nhiệm thêm các Giám mục VN để cai quản các địa phận VN. Hồ Chí Minh có vẻ không bằng lòng và trả lời “Đó không phải là việc chính phủ”.
Cũng lần này Hồ Chí Minh lại đưa ra ý kiến làm sao cho các giáo dân Việt Nam đừng đi cầu kinh với các cố đạo Pháp vì làm như vậy thì có vẻ còn nô lệ Pháp.
Linh mục Cao Văn Luận trả lời: “Thưa cụ Chủ tịch, người công giáo đi cầu nguyện ở đâu, có ai xướng kinh thì cũng chỉ cầu nguyện với Chúa chớ không hề có chuyện cầu nguyện với người Pháp. Vả lại theo tinh thần công giáo, thì chúng tôi coi mọi người giống nhau, các linh mục ngoại quốc, hay linh mục Việt Nam về phần đạo không có gì đặc biệt cả. Nếu chúng tôi còn phân biệt người Pháp với người Việt trong việc đạo, thì Tòa thánh sẽ cho rằng người công giáo Việt Nam còn ấu trĩ, thiếu kỷ luật đạo, và sẽ không thể xúc tiến việc trao quyền cai quản các địa phận và các họ đạo cho các giám mục và các linh mục Việt-Nam được” (Bên Giòng Lịch Sử, trang 81)
Khi Hồ Chí Minh hỏi như vậy không phải ông ta không biết rõ là người Công giáo phải đọc kinh cầu nguyện với Chúa và trung thành với Tòa Thánh Vatican, nhưng ý ông ta là muốn lung lạc tinh thần Linh mục Cao Văn Luận, và nếu Cha Luận không cứng rắn thì sẵn đà Hồ sẽ tiến tới luôn, nhưng khi Hồ nhận thấy đề tài này có thể gây rắc rối nên vội lánh sang chuyện khác. Chính sách tự trị tôn giáo trong câu hỏi thứ nhất của họ Hồ cũng là sự rập khuôn chính sách quốc tế của người Cộng Sản từ Liên Xô qua Trung Quốc đối với tôn giáo, thấy rõ nhất sau khi Mao Trạch Đông chiếm Hoa Lục năm 1949.
Lần thứ hai Linh mục Cao Văn Luận gặp Hồ Chí Minh là trong một buổi tiếp tân tại khách sạn Hôtel Royal có lúc còn được gọi là Hôtel Royal-Monceau, khách mời có khoảng 30 người trong đó có cha Nguyễn Văn Lập (sau này là Viện Trưởng Viện Đại Học Đà Lạt), cha Hoàng Trọng Tiến. Giữa câu chuyện có lúc Hồ Chí Minh nói:
-Chính phủ bên nước nhà đang theo đuổi mục tiêu tranh thủ độc lập, đem hạnh phúc lại cho toàn dân. Nhưng muốn đem hạnh phúc cho toàn dân, thì phải thực hiện xã hội chủ nghĩa. Giả sử mà chúa Giêsu sinh ra đời vào thời đại này, trước sự đau khổ của người đời như lúc này, mà Chúa muốn cứu vớt, thì chắc là cũng phải theo xã hội chủ nghĩa. (Bên Giòng Lịch Sử, trang 89)
Linh mục Cao Văn Luận viết tiếp:
“Tôi và các cha mỉm cười vì cái lối so sánh kỳ cục của cụ Hồ, tôi trả lời cụ:
-Thưa cụ Chủ tịch, về việc tranh thủ độc lập, thì mọi người Việt-Nam công giáo hay không công giáo đều sẵn sàng tham gia. Nhưng về việc thực hiện xã hội chủ nghĩa, thì chúng tôi thiết nghĩ có nhiều người không đồng ý rằng đó là giải pháp duy nhất để đem hạnh phúc lại cho con người.
Cụ Hồ vỗ vai tôi, cười:
-Cha lại tuyên truyền rồi.
Có lẽ lúc đó tôi còn trẻ, nên tôi có hơi long trọng trong câu chuyện một cách quá đáng. Tôi không cười, thưa lại:
-Thưa cụ Chủ tịch, tôi đâu có ý tuyên truyền. Tôi nói ra ai nghe thì nghe, ai không thì thôi, tôi chẳng bao giờ chủ trương bắt những người không nghe theo lời nói của mình vào trại tập trung cả. (Bên Giòng Lịch Sử, trang 90).
Trong lần gặp thứ hai này câu chuyện giữa Hồ Chí Minh với linh mục Cao Văn Luận cũng là sự tương khắc trong vấn đề tôn giáo. Hồ Chí Minh nửa đùa nửa thật khuyên các linh mục có mặt trong buổi tiếp tân: “Các chú còn trẻ và đẹp trai cả sao không chịu lấy vợ đi? Các chú không lấy vợ, xã hội, đất nước thiệt thòi biết bao nhiêu?” Lời khuyến cáo này của họ Hồ không còn nhuốm màu sắc chính trị mà chuyển sang sắc thái xã hội và chút ít nhân bản nhưng linh mục Cao Văn Luận đã cũng dùng giọng bông đùa để trả lời: “Xin lỗi cụ Chủ tịch, thế tại sao cụ không lấy vợ để làm lợi cho xã hội?”.
Ông Hồ đáp: “Tôi độc thân được, nhưng các chú còn trẻ, độc thân sao nổi. Trông thấy hoa, sao khỏi muốn hái được.
-Thưa cụ, bây giờ cụ đã già, nhưng trước kia cụ cũng trẻ như chúng tôi, mà cụ vẫn độc thân được, thì chúng tôi cũng có thể độc thân được: chúng tôi cũng có thể trông thấy hoa mà không muốn hái vì bận theo một lý tưởng khác.” (Bên Giòng Lịch Sử, trang 92).
Trong hai lần gặp gỡ này, rõ ràng Linh mục Cao Văn Luận đã lưu ý Hồ Chí Minh về những điều tinh tế của vấn đề tôn giáo, nhất là của Công Giáo với những lời lẽ bộc trực, đúng đắn mà rất thẳng thắn về cái mà người Cộng Sản coi là thuốc phiện của nhân dân. Cũng may cho Linh mục Cao Văn Luận là lúc bấy giờ Hồ Chí Minh đến nước Pháp trong tư thế hạ phong (1946) chứ nếu như là năm 1954, nghĩa là khi Hồ mới từ chiến khu trở về Hà Nội trong tư thế của kẻ chiến thắng thì chắc chắn linh mục thân yêu của chúng ta cũng đã gặp khó khăn không ít.
Cuốn hồi ký của Linh mục Cao Văn Luận có nói đến cuộc tiếp tân của Hồ Chí Minh vào ngày 25 tháng 6 với người tham dự rất đông gồm các chính khách, trí thức, nhân sĩ, báo giới Pháp bên trong khách sạn. Bên ngoài có khoảng trên ba trăm Việt kiều xen lẫn cán bộ Việt Minh kéo tới hoan hô, ủng hộ. Linh mục Cao Văn Luận mô tả: “Trong buổi tiếp tân này một đảng viên cộng sản Pháp, thuộc hệ phái Trostsky, tức là Đệ tứ Quốc tế, có hỏi trường hợp cái chết của Tạ Thu Thâu. Cụ Hồ làm mặt buồn rầu, thiểu não, đã trả lời rằng: Ông Thâu là một nhà ái quốc lớn, và chúng tôi rất buồn lòng khi hay tin ông mất. Bị hỏi dồn, ai là thủ phạm thủ tiêu ông Thâu, cụ Hồ trả lời gắng gượng: Tất cả những ai đi sai con đường tôi đã vạch, đều phải bị tiêu diệt. Con người cộng sản giáo điều ở cụ Hồ hiện rõ trong câu nói đó, và câu nói tàn bạo đó giải thích được những hành động sau này của chính phủ Việt Minh ở vùng gọi là giải phóng.”
Đây là một phát giác khá quan trọng về thực trạng sắt máu trong chính sách của ông Hồ Chí Minh, hình như cũng được sử gia Pháp Daniel Hémery có mặt trong buổi tiếp kiến đó ghi lại về sau.
Lần gặp gỡ thứ ba với Hồ Chí Minh là tại nhà ông Raymond Aubrac cùng với khá đông Việt kiều. Hồ Chí Minh cho biết một khi thương thuyết không có kết quả thì không còn có cách nào khác là phải đánh. Ông Hồ có nhờ Linh mục Cao Văn Luận viết một lá thư cho các Giám mục VN nhưng ngài tìm cách thoái thác.
Phương cách ứng xử của Linh mục Cao Văn Luận đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh bộc lộ sự thông minh, mẫn tiệp của một nhà trí thức, mẫu hình của một bậc lương sư, ưu tư đối với vận nước và tiền đồ của Giáo hội Công giáo Việt nam, không quá khắt khe trong khuôn mẫu tôn giáo, nhưng cũng thẳng thắn trình bày quan điểm của mình trước một vị nguyên thủ quốc gia.
c) Cuộc triều yết Đức Giáo Hoàng PIÔ XII của Linh mục Cao Văn Luận.
Khoảng đầu năm 1947, Linh mục Cao Văn Luận thu xếp cùng một số các linh mục khác như cha Mai, cha Khiết, cha Bồng sang Ý bằng xe lửa xin yết kiến Đức Giáo Hoàng lúc bấy giờ là Đức Giáo Hoàng Piô XII. Lý do là ngài muốn hiểu thêm trách nhiệm cũng như vai trò của một người công giáo, của một linh mục công giáo đối với số phận đất nước mình. Hồi ký “Bên Giòng Lịch Sử” cho biết các linh mục đồng hành đã giao hết cho cha Luận trách nhiệm và vinh dự hầu chuyện với Đức Thánh Cha… Trước đó các ngài đã gửi thư xin yết kiến Đức Thánh Cha lên Bộ Truyền Giáo của Tòa thánh Vatican , nên trong ngày đó, các linh mục đã đến gặp Đức Hồng Y và lấy giấy giới thiệu… Được biết Đức Thánh Cha đang nghỉ mát tại biệt điện Castel Gondolpho, hôm sau, các ngài đi xe buýt đến nơi đó, vào lúc 8 giờ…Tất cả ngồi trong phòng Đức Hồng Y phụ trách nghi lễ và tiếp khách một lúc, được dặn dò những cách thức quỳ lạy hôn tay Đức Thánh Cha. Một lát sau, tất cả được dẫn đến cửa văn phòng, và từ trong văn phòng, Đức Thánh Cha bước ra nhìn thẳng vào các ngài, mỉm cười hiền từ và nói chuyện với các vị nầy bằng tiếng Pháp: “Cha yêu mến dân tộc Việt Nam của chúng con nhiều lắm và cha rất sung sướng được gặp các con. Cha còn nhớ một người Việt Nam hiền đức mà cha thương mến, là Đức Nam Phương Hoàng Hậu… Tôi trình Đức Thánh Cha những thắc mắc của tôi, của những người Công giáo, và nhất là của những linh mục công giáo trong tình thế mới:
Kính tâu Đức Thánh Cha, chúng con muốn xin Đức Thánh Cha soi sáng cho chúng con một vài niềm băn khoăn. Hiện nay bên nước Việt Nam của chúng con có một phong trào đang nổi lên dành độc lập, đánh Pháp. Phong trào Việt Minh như một làn gió mạnh thổi từ Nam chí Bắc, nung nấu tâm chí mọi người Việt Nam, nhưng chúng con biết rằng phong trào đó đã bị cộng sản chi phối, mặc dầu mục tiêu đấu tranh của nó là mục tiêu chung của dân tộc Việt Nam chúng con. Chúng con là người công giáo lại là linh mục công giáo, chúng con không biết nên có thái độ như thế nào trước phong trào này.
Đức Thánh Cha có vẻ trầm ngâm, nghĩ ngợi một phút, giọng ngài chậm rãi, từ tốn, dè dặt:
-Cha biết rằng những người công giáo Việt Nam đang làm bổn phận người yêu nước của họ.
Tôi nhớ rõ nguyên văn câu nói bằng tiếng Pháp của Đức Thánh Cha: (Nous savons que les Catholiques Annamites font leur devoir de patriotes). Sau câu nói đó, Đức Thánh Cha im lặng nhìn chúng tôi, ánh mắt có vẻ nhiều buồn phiền, đau thương, xót xa. Ngài ban phép lành cho chúng tôi, và theo lệ thường, gửi phép lành về cho những người thân, cho đất nước chúng tôi. Câu nói của Đức Thánh Cha làm tôi suy nghĩ mãi từ đó không dứt. Câu nói có thể hiểu nhiều cách, không chê trách, không bắt buộc, không dạy bảo phải hành động như thế này hay thế kia, mà để toàn quyền lựa chọn và quyết định cho người trong cuộc. “Những người công giáo Việt Nam chỉ làm bổn phận người yêu nước”. Khi họ theo Việt Minh, dù biết Việt Minh là cộng sản, khi họ chiến đấu chống Pháp, họ cũng làm bổn phận người yêu nước.”
Sau cuộc triều yết này với Đức Thánh Cha Piô XII, Linh mục Cao Văn Luận cho biết: “Tôi cảm thấy như trút được gánh nặng. Giáo Hội không lên án người công giáo Việt Nam làm bổn phận người yêu nước. Quyền lựa chọn và quyết định là ở mọi người. Và riêng tôi đã có sự lựa chọn, quyết định. Tôi không thể dửng dưng, đứng ngoài, trốn tránh cuộc chiến tranh máu lửa trên đất nước tôi. Tôi phải về nước, mặc dù chưa biết sẽ làm gì, sẽ làm được gì. (Bên Giòng Lịch Sử, trang155-156).
4.- Con đường xây dựng và phục vụ chính nghĩa quốc gia thời Đệ I Cộng Hoà.
Tháng tám năm 1947, Linh mục Cao Văn Luận cùng 15 cha Việt Nam khác lên chiếc tàu Felix Roussel về nước. Tàu ghé Vũng Tàu rồi ngược giòng sông lên Sài Gòn. Từ đây ngài lấy vé tàu thủy ra Hải Phòng rồi từ đó lên Hà Nội, gặp Hoàng Bá Vinh cầm đầu một nhóm cán bộ của ông Ngô Đình Diệm đang hoạt động cho một giải pháp quốc gia thuần túy, nghĩa là không theo Việt Minh mà cũng không hợp tác với Pháp. Ít lâu sau, một số nhà trí thức không hợp tác với người Pháp, từ vùng Việt Minh trốn về đã đến gặp linh mục như Hoàng Xuân Hãn, Nguyễn Mạnh Hà, Vũ Văn Hiền, Nguyễn Dương Đôn v.v… Ngài cũng có gặp Nguyễn Thế Truyền là người từng viết tựa cuốn sách của Nguyễn Ái Quốc (tức Hồ Chí Minh), cuốn Le procès de la colonization francaise, nhưng không thấy gì xuất sắc ở nhân vật này.
Khoảng cuối năm 1947, ông Trần Văn Lý cầm đầu Hội Đồng Chấp Chính Trung Việt từ Huế ra Hà Nội, có đến gặp Linh mục và mời ngài về Huế, ngài nhận lời. Ngài cũng nhắc chuyện có một người tên là Nguyễn Khuê được Hoàng Bá Vinh đưa đến giới thiệu với ngài và trong lần gặp thứ hai Khuê ca tụng ông Ngô Đình Diệm và trao cho Linh mục một tập giấy viết tay, chữ ông Diệm trình bày cái giải pháp và chủ nghĩa của ông. Nguyễn Khuê này có lẽ là Hồ Sĩ Khuê sau này có viết quyển Hồ Chí Minh, Ngô Đình Diệm và Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam. Hồi ký “Bên Giòng Lịch Sử” ghi lại như sau: “Khuê trao cho tôi một tập giấy viết tay, chữ của ông Diệm, đoạn thì viết bằng tiếng Pháp, đoạn thì bằng tiếng Việt trong đó ông Diệm trình bày các giải pháp và cái chủ nghĩa của ông. Trên phương diện một người khảo sát văn chương hay triết lý thì tôi không thể nào phục cái gọi là chủ nghĩa Xã hội quốc gia gì đó của ông Diệm được. Lập luận đôi khi lúng túng vấp váp chẳng có gì khúc chiết vững chắc. Đại để thì tôi hiểu là ông Diệm chủ trương xây dựng một lực lượng quốc gia thuần túy, không phải cộng sản, mà cũng không theo Pháp, nhưng cũng lại không chủ trương đánh Pháp, mà hình như là chủ trương một sự thương thuyết nào đó với Pháp, trên căn bản Pháp phải công nhận đương nhiên và trước hết nền độc lập, thống nhất, chủ quyền của Việt Nam từ Cà Mâu đến Nam Quan. Lý thuyết thì không làm cho tôi phục được, nhưng cái tâm huyết của một người muốn tìm một đường đi cho quốc gia Việt Nam trong hoàn cảnh đặc biệt này thì làm cho tôi thấy thương mến, kính trọng ông.” (trang 167). Đối với một bậc “lương sư” như linh mục Cao Văn Luận, vốn được đào luyện kỹ càng trong môi trường chữ nghĩa và lý luận (triết học), dĩ nhiên ngài có thừa nhận thức và hiểu biết để đánh giá một lý thuyết, một chủ nghĩa, nhưng cái tâm của ngài vẫn là cái tâm bao dung, khoáng đạt trong cách nhìn người và nhìn sự việc.
Cuối năm 1947, Cha Luận vào Huế gặp Ngô Đình Cẩn, Trần Điền (khuynh hướng Đại Việt), được Trần Văn Lý đề nghị làm Giám đốc Nha Văn hóa Miền Trung, rồi từ Huế đi ra Đồng Hới (ngụ tại Giáo xứ Tam Tòa) rồi từ đây đi ca-nô ra Quảng Khê lên Ba Đồn và về xứ Đan Sa trông coi giáo xứ này. Lúc bấy giờ một số giáo xứ đã liên lạc với người Pháp xin súng để rào làng chống Việt Minh. Từ tháng tư 1948 nghe nói Bảo Đại về nước. Linh mục Cao Văn Luận từ Quảng Khê vào Đồng Hới và mua vé máy bay vào Huế. Bửu Lộc đánh điện mời Linh mục Cao Văn Luận lên Đà Lạt ý chừng nhờ ngài thuyết phục ông Ngô Đình Diệm lúc đó đang ở Đà Lạt ra thành lập một chính phủ nhưng khi gặp, ông Diệm lắc đầu.
Trong lần gặp đầu tiên, ông Ngô Đình Diệm đã tỏ ra có những nhận định chính trị rất chính xác và sắc bén:
-Vùng Cao nguyên này có một tầm quan trọng lớn về chiến lược và kinh tế. Về chiến lược, nó nằm ở giữa ba quốc gia Việt Miên Lào. Ai chiếm giữ được cao nguyên này có thề gây áp lực được đối với cả ba quốc gia đó. Người Pháp gọi vùng Cao nguyên là Hoàng Triều Cương Thổ chỉ là một lối trá hình trên thực thể, chủ tâm của họ là biến vùng này thành thuộc địa Pháp. Về mặt kinh tế, thì vùng Cao nguyên hết sức quan trọng đối với Việt Nam trong tương lai. Ở đó chắc chắn có nhiều tài nguyên thiên nhiên, nhiều khoáng sản chưa được khám phá và khai thác, nhưng chúng ta cần phải bảo vệ cho Việt Nam. Rồi còn vấn đề thể diện quốc gia, chủ quyền nữa. Không thể bỗng dưng nhường cho Pháp một vùng đất quan trọng như thế, nằm ngay giữa lãnh thổ quốc gia, người Việt Nam nào muốn lên lại phải xin thông hành!
Linh mục Cao Văn Luận tiếp lời:
-Cụ nói đúng. Tôi có đọc một cuốn sách đại ý rằng Pháp muốn ngăn chặn sức bành trướng của dân tộc Việt Nam về phía Tây, muốn để dân tộc Việt Nam dừng lại ở các miền duyên hải, còn Pháp thì phải giữ vững vùng Cao Nguyên Trường Sơn, vừa để ngăn chặn sức bành trướng của dân tộc Việt Nam, vừa canh phòng phía Lào. Như vậy khi lập Hoàng Triều Cương Thổ, đặt trực thuộc Pháp, thì Pháp đã bắt đầu thi hành đúng cái chính sách đó rồi.
Lần đó ông Ngô Đình Diệm cho biết đường lối chính trị của ông qua lời tâm sự với cha Luận như sau: -Trong một vài trường hợp, mình có thể tính chuyện hợp tác với người Pháp trên căn bản thỏa hiệp vịnh Hạ Long, với một điều kiện: Bảo Đại không phải là Bảo Đại. (Bên Giòng Lịch Sử, trang 179-180).
Trong dịp này, Linh mục Cao Văn Luận cũng được mời hội kiến với Cựu Hoàng Bảo Đại tại biệt điện sang trọng của ông nằm trên một đồi thông. Cựu Hoàng cho biết sở dĩ ông về nước làm việc cho quốc gia vì thấy nước Pháp chịu nhượng bộ khá nhiều theo thỏa ước vịnh Hạ Long. Bảo Đại cũng cho biết các nhân vật quốc gia chân chính phần nhiều đều từ chối hợp tác hoặc có vị đòi hỏi những điều kiện quá lý tưởng. Linh mục Luận cho biết Bảo Đại trông có vẻ chán chường và mệt nhọc khi có lúc nằm chuồi dài trên ghế bành mà nói chuyện.
Sau đó Linh mục Cao Văn Luận về Huế rồi trở lại Hướng Phương là một xứ đạo lớn của tỉnh Quảng Bình. Năm 1949, ngài rời Hướng Phương và vào Huế mở lớp Triết đầu tiên tại trường Quốc Học Huế mà theo ngài cho biết người học trò chăm nhất là Âu Ngọc Hồ. Các tác phẩm ngài biên soạn lúc đó gồm: Triết học đại cương, Tâm lý học, Luận lý học, Đạo đức học tất cả đều thuộc loại giáo khoa triết học biên soạn bằng tiếng Việt dùng để đi thi Tú Tài II. Ngoài ra ngài cũng phiên dịch các bộ sách khác như : Phương pháp luận (Discours de la méthode) của Descartes, Vật chất và Ký ức (Matière et Mémoire) của Bergson, Năng lực tinh thần (Énergie spirituelle) của Bergson, Hai nguồn mạch của đạo đức và tôn giáo (Les deux sources de la morale et de la religion) của Bergson.
Cũng từ đó, Linh mục Cao Văn Luận bắt đầu liên lạc với linh mục Emmanuel Jacques Houssa, người Bỉ, từng sống ở Phát Diệm từ 1939 đến 1945 là người đã tổ chức cho nhiều sinh viên du học nước ngoài và nhất là giới thiệu ông Ngô Đình Diệm để được tiếp đón tại dòng tu Maryknoll thuộc tiểu bang Maryland (có lẽ linh mục Luận nhớ lầm, dòng tu này thuộc tiểu bang New Jersey). Cũng cần nói thêm ở đây một chút. Theo Linh mục AntônTrần Văn Kiệm, trong cuốn hồi ký có tên Sự Thực Có Sức Giải Phóng , Đức Giám Mục Ngô Đình Thục, bào huynh của ông Ngô Đình Diệm là bạn học cùng lớp với Đức Hồng Y Francis Spellman khi ở Rô ma nên Đức Hồng Y New York đã bảo lãnh cho ông Ngô Đình Diệm khi sang Mỹ và giới thiệu nên ông Ngô Đình Diệm được các Giám Mục và Linh Mục thuộc dòng Maryknoll đón rước vào các tu viện của họ. Các vị này có hai cơ sở, một sở Ossining tiểu bang Nữu Ước, một ở Lakewood tiểu bang New Jersey. Trong thời kỳ làm tân khách, ông Diệm lui tới cả hai cơ sở: lúc thì ở Ossining, lúc khác ở Lakewood. (Hồi ký, 2013, trang 26). Các thanh niên ưu tú lúc bấy giờ như Âu Ngọc Hồ, Nguyễn Văn Mừng, Nguyễn Thị Quýt, Võ Thị Hồng Phúc, Phạm Đăng Tải, Phùng Viết Xuân được gửi sang Mỹ gặp cha Houssa. Về việc gửi các sinh viên trẻ đi du học nầy, Giáo sư Nguyễn Văn Trường, Giáo sư khoa học Đại Học Sư Phạm trong bài viết có tên “Huế, Viện Đại Học, Cha Luận và chúng tôi…” (trên mạng Namkyluctinh.org) đã viết: “Cha Viện Trưởng, vài năm trước khi thành lập Viện Đại Học Huế, đã có kế hoạch trồng người. Cha gởi nhiều học trò giỏi đi du học. Muốn là giáo chủ, khai đạo, phải có tông đồ. Nhưng tông đồ của cha, người đi thì có, người về không mấy ai. Cha tự an ủi: “Ở Sài Gòn, tức là thủ đô thời bấy giờ, quí vị ấy giúp Cha nhiều hơn.” Cũng vì thế, cha phải tuyển các hộ pháp, thời quân, sứ giả của cha ở nhiều nguồn khác nhau: tại chỗ, Sài gòn, Pháp, Anh, Đức, Bĩ… và đa số thì rất trẻ. Bên những bậc cha anh – như cụ Nhu, Cha Thích - bọn trẻ học hỏi và trưởng thành. Tôi bỗng dưng trở thành thời quân của Cha. Cũng tội cho tôi. Nhưng tôi đã được đền bù. Cuộc đời tôi nhờ đó mà đi lên”
Thời gian này ông Ngô Đình Diệm bị Việt Minh lên án tử hình và cơ quan Mật thám Pháp tỏ ý không đủ sức bảo vệ an ninh cho ông Diệm nên ông phải tìm cách lánh ra nước ngoài bằng cách xin đi dự Năm Thánh (1950) ở Rôma.
Tháng sáu 1953, Linh mục Cao Văn Luận, do sự thúc đẩy của ông Ngô Đình Cẩn, sang Pháp gặp ông Ngô Đình Diệm ở đây, và giữa những khó khăn do ông Diệm nêu ra, đã gợi ý ông Diệm nên nắm công an cảnh sát trước, quân đội sẽ tính sau. Cha Luận cũng gặp Nguyễn Đệ là Ngự tiền Văn phòng của Bảo Đại, vận động cho ông Ngô Đình Diệm bằng cách lưu ý Nguyễn Đệ rằng “Quốc dân lúc này không còn tin được vào ai nữa ngoài ông Diệm”. Trong dịp này, cha Luận cũng có cuộc hội kiến với một lãnh tụ Cộng Sản là Nguyễn Khắc Viện, con cụ Nguyễn Khắc Niêm từng là Thượng Thư Bộ Hình triều Nguyễn, sang Pháp học Y khoa từ năm 1936. Gặp cha Luận, Viện cố thuyết phục cha đừng ủng hộ ông Diệm vì đằng sau ông Diệm có Mỹ, và nếu có Mỹ nhúng tay vào thì cuộc nội chiến ở Việt Nam sẽ khốc liệt hơn. Cha Luận phản bác ý kiến của Viện, cho rằng với Mỹ, chế độ thực dân cũ đã cáo chung điển hình là Mỹ thắng Nhật rồi lại giúp Nhật phục hưng kinh tế mạnh mẽ. Mỹ vào Âu châu rồi cũng lại giúp Âu châu. Áp lực của Mỹ, nếu có theo chân ông Diệm dồn vào Việt Nam, cũng chỉ là một thứ áp lực kinh tế. Còn bên Viện, con đường nguy hiểm hơn nhiều vì sau lưng Cộng Sản Việt Nam là Trung Cộng. Năm 1953, cụ Nguyễn Khắc Niêm bị Việt Minh bắt đấu tố trong một đợt Cải Cách Ruộng Đất, chịu muôn phần sỉ nhục vì bị qui là địa chủ gian ác. Chịu không nổi nhục hình, cụ Niêm treo cổ tự tử chết trong chuồng trâu. Em ruột của Nguyễn Khắc Viện là Giáo sư Nguyễn Khắc Dương dạy ở Đại Học Đà Lạt cho người qua Pháp thông báo với Viện về cái chết của cha. Viện nói: “Về một phương diện nào đó thì cha cũng có tội với nhân dân.” Vì quyền lợi của Tầu, Mao Trạch Đông sẽ phải thôn tính Đông Nam Á. Cha Luận lưu ý Viện là dân chúng ủng hộ ông Ngô Đình Diệm, mong muốn ông về chấp chánh.
Những lần tiếp xúc sau đó với ông Ngô Đình Diệm, cha Luận khuyên ông nên gặp gỡ nhiều với các chính khách Pháp.
Từ Pháp, linh mục Cao Văn Luận sang Mỹ gặp cha Houssa, từ New York về New Jersey trú lại ở một nhà dòng các nữ tu, dịp này cha Luận làm quen với Linh mục Trần Văn Kiệm sang Mỹ từ nhiều năm trước. Cha Luận cũng gặp Phan Quang Đán lúc bấy giờ là một chính khách đang lên. Ông Đán tỏ ý muốn hợp tác với ông Diệm nếu được mời. Theo cha Luận, lúc này, “ông Diệm đang được lòng dân, ít ra là trong thành phần trí thức, tức là thành phần có ảnh hưởng lớn nhất trong một xã hội” (Bên Giòng Lịch Sử, trang 236).
Trong một đại hội các du học sinh VN ở Chicago, Linh mục Cao Văn Luận tới đây để thăm viếng cha Houssa và các sinh viên được ngài gửi đi học, ngài cũng phân tích tình hình chính trị trong nước. Khi có nhiều người vẫn tin tưởng rằng “cụ Hồ là một người yêu nước chỉ mượn sức mạnh cộng sản quốc tế để giải phóng quốc gia khỏi ách đô hộ của Pháp”, Linh mục nói: “Tôi giải bày với các anh em đó rằng cộng sản là một tổ chức quốc tế chặt chẽ, cũng như lý thuyết cộng sản có một sức quyến rũ lớn, làm cho ai đã gia nhập khó mà thoát khỏi. Tôi vẫn thán phục cụ Hồ, nhưng không tin rằng cụ có thể coi cộng sản như một cơ hội, một sức mạnh vay mượn, và về sau xong việc có thể mang trả được.” Việc tìm hiểu lập trường của ông Hồ không chỉ có những người thanh niên, sinh viên của Linh mục Cao Văn Luận lúc bấy giờ nêu ra (khoảng 1949-1950) mà sau này từ 1962, khi Bernard Fall vốn là một sử gia luôn đi sát Hồ Chí Minh khi gắng gượng hỏi Hồ Chí Minh về một đôi điều xem ra bí mật, đã được Hồ yêu cầu là cho ông ta giữ một ít bí mật về ông ta. Gần đây một sử gia Nhật Bản, Yoshiharu Tsuboi (Bình Tỉnh Thiện Minh, chữ của Giáo sư Trần Văn Toàn trong cuốn Đạo Trung Tùy Bút, Nhà xb. Tôn Giáo, 2008, trang 15)) tác giả cuốn sách nổi tiếng, “Nước Đại Nam đối diện với Pháp & Trung Hoa” (L’Empire Vietnamien face à là France et à la Chine, 1847-1885) cũng đã nêu quan điểm riêng, đọc thấy trên mạng một vài năm trước đây, khi cho rằng ông Hồ là cộng hòa hơn là cộng sản (sic). Tựu trung, có lẽ chỉ nhận định của Linh mục Cao Văn Luận nêu trên là chính xác hơn cả.
Từ Hoa Kỳ, Linh mục Cao Văn Luận sang Paris gặp thăm ông Ngô Đình Diệm. Bảo Đại lúc này đã đưa Bửu Lộc ra làm thủ tướng thay cho Nguyễn Văn Tâm. Ông Diệm vẫn tiếp tục đưa ra những điều kiện cũng giản dị: được toàn quyền điều hành chính phủ VN, đối phó trực tiếp với người Pháp dĩ nhiên vẫn nhân danh Bảo Đại trong khi ở bên nhà ông Ngô Đình Nhu và Ngô Đình Cẩn tiếp tục củng cố tổ chức đảng, thu phục thêm đảng viên, lôi cuốn nhân tài. Ông Diệm nói tuy lúc này không thể về trong những điều kiện chưa thuận tiện nhưng nếu bên nước nhà có một phong trào nhân dân mạnh mẽ đòi hỏi ông Diệm về chấp chánh thì Bảo Đại và Pháp phải chấp nhận những điều kiện của ông Diệm.
Ngày 7-7-1954, ông Ngô Đình Diệm về nước làm Thủ tướng. Ngày 20-7, đất nước VN bị chia đôi theo hiệp định Genève, và hàng vạn người Miền Bắc lũ lượt di cư. Nhiều khó khăn xảy đến cho Thủ Tướng Ngô Đình Diệm về phía Pháp, Bình Xuyên, quân đội do Nguyễn Văn Hinh cầm đầu khiến cho vị Thủ Tướng mới này chán nản, thất vọng có ý định bỏ nước ra đi. Giữa cảnh khó khăn đó, Linh Mục Cao Văn Luận sau khi được ông Ngô Đình Cẩn mời gặp, đã vào Sài Gòn, tìm ngay đến Thủ Tướng Ngô Đình Diệm trấn tỉnh ông, khuyên ông nên ở lại chấp nhận cuộc đấu tranh. Trong quan hệ được coi như “lương tể” đối với “minh quân”, Linh Mục nhấn mạnh trách nhiệm của cụ Diệm đối với quốc gia Việt Nam, dân tộc Việt Nam, nhất là trách nhiệm đối với hàng trăm ngàn dân di cư đã tin tưởng nơi cụ mà kéo vào đây. Linh Mục Cao Văn Luận cũng lưu ý cụ Ngô Đình Diệm rằng : “Đồng bào di cư Bắc và Nghệ Tĩnh Bình là một gánh nặng, nhưng cũng có thể là một sức mạnh, cụ đã nghĩ đến chuyện nhờ đến sức mạnh đó chưa? Những đồng bào di cư hiện đang sống khốn khổ, bấp bênh trong các trại tạm cư chen chúc nhau hàng chục người trong một căn phòng vài thước vuông vức, cụ có thể nỡ lòng bỏ họ trong tình trạng đó sao?... Cụ nên tập trung mọi phương tiện, mọi nỗ lực giải quyết vấn đề đồng bào di cư trước. Một khi cụ định cư họ được thì chính họ sẽ là lực lượng hậu thuẫn nồng cốt cho cụ.” (Bên Giòng Lịch Sử, trang 271). Linh mục Cao Văn Luận cũng giải bày cho cụ Diệm về thực chất yếu ớt của nhóm nhỏ người theo Tây, theo Bình Xuyên, việc bỏ đi lúc này là mắc mưu Pháp, Bảo Đại và bọn Tâm, Hinh, nhờ đó cụ Diệm thay đổi lập trường, trở nên sáng suốt và cứng rắn hơn. Trong câu chuyện, cụ Diệm nói ông đã có cách để đối phó với bọn Bình Xuyên, Tâm, Hinh. Ngày hôm sau, linh mục trở về Huế và vài hôm tiếp, ngài đã thấy cái cách cụ Diệm giải quyết nạn Bình Xuyên và Tâm, Hinh. Đó là dùng mọi cách chuyển các tiểu đoàn Bảo Chính Đoàn, Bảo An Đoàn, các lực lượng quân sự Việt Nam từ Bắc và Trung vào Sài Gòn bằng những phương tiện nhanh nhất. Cụ Diệm cũng cho thành lập hệ thống công an cảnh sát riêng và giao cho Mai Hữu Xuân trông coi. Cái sắc sảo của linh mục Cao Văn Luận là đã gợi ý cho cụ Diệm nhớ đến một sức mạnh chưa sử dụng, hàng chục vạn dân di cư và gia đình họ. Số người đông đảo này đang ở trong một thế kẹt, đang bị dồn vào đường cùng, và sẵn sàng liều mạng để chiếm một đất sống. Chính Linh mục Cao Văn Luận từng viết: “Tôi nghĩ rằng chính số người di cư lúc bấy giờ đã làm sống bừng dậy tinh thần dân tộc, lòng thương yêu rộng lớn, tình đoàn kết chân thật, và tạo được một khối quần chúng thuần nhất ủng hộ ông Diệm.” (Bên Giòng Lịch Sử, trang 275).
Về sau, khi đã ổn định được tình hình, TT Ngô Đình Diệm nói chuyện với Linh mục Cao Văn Luận để nhờ nói với Đức Cha Phạm Ngọc Chi giải tán phong trào Tập Đoàn Công Dân của ngài, chỉ để có Phong trào Cách mạng Quốc gia và đảng Cần Lao hoạt động thôi. Theo linh mục Cao Văn Luận, Phong trào Cách mạng Quốc gia và đảng Cần Lao không có cơ hội thử thách để trưởng thành và trở thành một đảng chính trị đúng nghĩa của nó. Lý thuyết Nhân Vị được dùng làm nền móng tinh thần cho Đảng và Phong trào cũng vấp vào nhiều khuyết điểm không có sức sinh động mạnh để thu hút quần chúng, những căn bản triết lý của nó cũng quá mập mờ, vá víu, và không bắt nguồn từ những truyền thống sâu xa của dân tộc Việt Nam. Ông Ngô Đình Nhu cũng có lần đề cập thuyết Nhân Vị với Linh Mục Cao Văn Luận nhưng ngài cố tránh để khỏi có ý kiến. Dù thuyết Nhân Vị có nhiều điều bất cập nhưng theo ngài ít ra nó cũng giúp cho người hành động một vài tiêu chuẩn hướng dẫn và một vài cách biện hộ.
Thời gian sau năm 1954, nhóm Lê Trọng Quát ở Huế có xin thành lập một chính đảng lấy tên đảng Cộng Hòa Xã Hội và có nhờ linh mục Luận nói chuyện với ông Ngô Đình Cẩn và cụ Diệm. Ông Cẩn giải thích rằng quan niệm đối lập của người Việt Nam mình thật thô sơ và sai lạc khi nói đến đối lập là chỉ nghĩ đến việc cướp chính quyền bằng mọi cách, bất chấp hiến pháp luật lệ và những thủ tục dân chủ hợp pháp. Theo nhận định của cha Luận, cái chủ trương độc đảng của ông Diệm trong giai đoạn đầu có thể chấp nhận được, nhưng về sau khi đã củng cố được chính quyền mong ông Diệm mềm dẻo hơn đối với các tổ chức chính trị, cho phép hoạt động đối lập chính trị công khai và hợp pháp.
Linh mục Cao Văn Luận cũng phát biểu ý kiến bất đồng về Luật gia đình của bà Ngô Đình Nhu trong đó có khoản cấm đa thê và cấm ly dị. Trước khi dự luật được đưa ra biểu quyết, cha Luận đã gặp TT Ngô Đình Diệm và nói lên sự phản bác đứng đắn của mình. Cha Luận nói lời ngài trình với TT Ngô Đình Diệm:
-Thưa cụ tôi thiết nghĩ là cụ không nên để bà Nhu đưa ra Quốc Hội cái dự luật gia đình đó, vì nước mình không cần phải làm luật cấm đa thê và cấm ly dị. Những biến chuyển kinh tế, văn hóa dần dà sẽ dẫn xã hội đến tình trạng một vợ một chồng, chớ mình không cần làm luật cấm đoán người ta làm gì, vả chăng luật lệ chỉ hợp pháp hóa phong tục trong xã hội, mà không tạo ra phong tục. Còn về cái điều cấm ly dị thì tôi cũng cho rằng không ích lợi gì mà có thể tạo nên nhiều phản ứng chống đối bất lợi cho chính phủ.” (Bên Giòng Lịch Sử, trang 295).
TT Ngô Đình Diệm đã không nghe lời trần tình này.
Thật ra không phải ai cũng có ý kiến phản bác như cha Luận đối với Luật Gia đình của bà Ngô Đình Nhu, chẳng hạn nhà văn Thế Uyên đã khen ngợi và viết trong cuốn sách có tên Sài Gòn sau mười hai năm, như vầy:
“Nhưng cũng như miền Bắc, miền Nam cũng phải đợi đến sau 1954, có độc lập có chủ quyền rồi, việc thực hiện bình đẳng nam nữ mới trở thành dứt khoát trên thực tế. Bộ luật gia đình, do một phụ nữ, lúc đó làm dân biểu, là bà Trần Lệ Xuân đưa ra, đã được nhanh chóng chấp nhận ở những điểm căn bản nhất: chấm dứt chế độ đa thê, trả quyền tự do kết hôn cho trai gái từ hai mươi mốt tuổi trở lên, xác nhận phụ nữ bình đẳng với nam giới trong gia đình cũng như ngoài xã hội… Bộ luật này tuy vậy lại có nhược điểm là bà Trần Lệ Xuân, vốn là tín đồ Công giáo, muốn đưa quan niệm thanh giáo của Tây phương thế kỷ 18 và 19 vào xã hội Việt Nam, thí dụ như cấm ly dị, cấm những trò vui chơi hội hè truyền thống của dân miền Nam. Nhưng dù có những nhược điểm đó, bộ Luật Gia đình này cũng đã chính thức chấm dứt tình trạng nam tôn nữ ty thời trước.” (Thế Uyên, Nhà xuất bản Xuân Thu, Cali, 1989, trang 178).
Năm 1956, khi đã ổn định tình hình, có lúc nhân dịp Linh Mục Cao Văn Luận đi Mỹ, TT Ngô Đình Diệm nhờ ngài theo dõi quan sát một số tòa đại sứ nước ngoài xem họ làm việc ra sao để tùy nghi chấn chỉnh. Lúc này Linh Mục và cả TT Ngô Đình Diệm đã có những lưu tâm đến các công cuộc phát triển văn hóa giáo dục ở Miền Nam, coi như một cuộc thi đua với Miền Bắc của Hồ Chí Minh.
(Còn tiếp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét