Thứ Hai, 8 tháng 5, 2017

Soi Đời - Đào Anh Dũng

Soi đời                               
đào anh dũng                                          

Tạp chí Văn Hoá Việt Nam
Số 76, Mùa Xuân 2017

    Dạo phố Budapest, tiết thu lành lạnh, nhóm du lịch chúng tôi ghé một quán nhỏ, uống ly rượu vang pha ướp với cam, mật, quế, đinh hương... hâm nóng, bàn chuyện du hí thật thú vị và ấm lòng. Vậy mà trước khi rời quán, không ai quên "phận sự" riêng tư của mình. Vì sao? Vì đây là khu du lịch nên việc gì cũng phải "chi địa", kể cả chuyện tiểu tiện. 

image1.JPG
     Trở về bàn, chú Tánh, người bạn trẻ tuổi nhất, tủm tỉm cười và nói với cả nhóm: 
    "Mẹ, mới đến tuổi này, có một con ruồi mà tui... tè mãi không trôi!" 
    Câu nói làm quý bà ngạc nhiên. Tôi phải giải thích rằng quán này có một sáng kiến thật tiếu lâm, đánh trúng tâm lý đàn ông. Họ dán hình một con ruồi vào cầu tiểu để quý ông không đi bậy ra ngoài. Ai cũng cười xoà, khen hay, chỉ có anh bạn Ngọc ngồi trầm tư trong giây lát, bỗng cất tiếng, nói:
    "Ai có đi làm lao công như tui hồi mới đến Mỹ, mới biết nỗi khổ nhục của cái nghề này. Trước đó có mấy tháng, mình đường đường là một sĩ quan, rồi ai có ngờ đâu phải đi chùi cầu tiêu kiếm tiền nuôi vợ con..."
    Nghe giọng nói của bạn nao nao, bùi ngùi, tôi ngại câu chuyện sẽ làm cho nhóm mất vui nên vội nói đỡ lời:
    "Thì đa số dân tỵ nạn chúng mình, lúc mới đến, chân ướt chân ráo, ai cũng vất vả làm những công việc tay chân, sau đó mới có dịp tìm hiểu, người đi học lại, kẻ kiếm được việc làm đỡ cực nhọc hơn.  Nhậu xong rồi, mình đi đâu đây?"
    Tưởng bạn Ngọc biết ý, bỏ qua chuyện xưa, nhưng không, anh ta hớp ngụm rượu còn lại trong ly rồi nói tiếp: 
    "Quý vị thấy đó, người đời mà, xứ nào cũng vậy! Nhà mình thì ai cũng cẩn thận. Nếu không, bà xã cằn nhằn, chịu đời sao thấu!?  Nhưng ở nơi công cộng thì thiên hạ vung vẩy tứ tung, đâu có nghĩ đến những người quét dọn. Lúc đầu tui thấy nhục lắm, nhất là anh sếp toán lao công cứ chê tui chùi cầu không sạch. Khi ấy, tui có làm mấy câu thơ để than thân phận mình. Nghỉ hưu xong, có thời giờ rỗi rảnh, tui chép lại những bài thơ xưa nay của mình, giữ trong cái iPhone này, thỉnh thoảng lấy ra đọc mà ngẫm chuyện đời. Để tui tìm đọc cho quý vị nghe chơi."
    Nói xong, anh bạn Ngọc lấy chiếc điện thoại cầm tay, quẹt qua, quẹt lại một hồi, mỉm cười nói: "Đây, tui tìm ra rồi! Mời quý vị nghe:
     Thôi đành cam phận kiếp lao công,
     Đánh bóng cầu tiêu, quét dọn phòng,
     Soi đời tỵ nạn, thân chiến bại,
     Quê Mẹ xa rồi, dạ nhớ mong."

image2.JPG
       "Hay quá, bác Ngọc! Rồi bác dính với cái  job này bao lâu vậy?" 
    "Gần cả năm sau tui mới tìm được việc làm khác, lúc đã đi học trở lại. Chuyện này tui nhớ hoài và hôm nay muốn nhắc lại cho quý vị nghe là tui mang ơn anh sếp lao công đó. Chê tui được vài lần không xong, anh chàng ra tay, dạy tôi cách chùi cầu tiểu. Quý vị biết không, chùi xong cầu nào anh chàng cũng đứng ra xa nhìn xem cái bồn cầu có bóng hay chưa nữa chứ! Khi ấy, tui mới nhớ lại lời ông thầy lớp ba của tui dạy hồi xưa, đại khái là làm việc gì, dù lớn hay nhỏ, ta cũng phải tận tâm, tận lực mới nên. Bài học này đã giúp tui rất nhiều trong thời gian đi học rồi đi làm, những lúc ứng xử ngoài đời cũng như trong gia đình. Và, nó cũng giúp tui nghiệm ra rằng, trong đời này không có nghề nào xấu xa, nhục nhã cả. Chỉ có những việc làm trái với lương tâm, đạo đức mới đáng cho ta khinh bỉ mà thôi."
     "Còn khi mần thơ thì sao hả bác?" 
    Tôi hỏi đùa anh bạn Ngọc cho vui. Không ngờ anh ta thật tình trả lời:
    "Mình cũng phải cẩn thận từng âm, từng chữ sao có vần, có điệu cho hay, theo đúng luật thơ nếu không phải là thơ tự do. Nhưng nếu mình đi quá lố, hồn thơ có thể bay mất, không khéo thì thi sĩ thành thợ sắp chữ! Thôi, bây giờ tui đề nghị mình tản bộ ra bờ sông Danube, biết đâu phong cảnh thi vị sẽ gợi hứng giúp tui làm một bài thơ."
    Cả nhóm chưa kịp kéo ghế, nhón chân chị bồi bàn đã mang ra một mâm rượu mới, khói còn nghi ngút trên mặt ly. Ai nấy ngạc nhiên, chưa kịp lên tiếng hỏi, chú Tánh đã giải thích:
    "Câu chuyện của bác Ngọc kể nghe thấm thía làm sao! Nhân đây, vợ chồng em xin đãi quý anh chị một chầu rượu cho vui, để... để em xin thọ giáo bác Ngọc dạy em làm thơ. 1975 em phải bỏ học, rồi qua đây em đi học, đi làm chung với Mỹ, tiếng Việt không quên nhưng chuyện thơ văn thì em bù trất."
    Ai đó buột miệng, nói hơi to: "Thiện tai! Thiện tai! Lại thêm một nhà thơ!" làm cả nhóm không nhịn được, tiếng cười át luôn tiếng lách tách cụng ly.

         đào anh dũng



Không có nhận xét nào: