LINH
MỤC CAO VĂN LUẬN (1908-1986)
VÀ
LÝ TƯỞNG “LƯƠNG SƯ HƯNG QUỐC”
TRONG
ĐẠO KẺ SĨ
Nhìn vào lịch sử Việt Nam, Nghệ Tĩnh (cũng
có khi gọi là An-Tĩnh, theo các tư liệu của Tạp chí Bulletin Des Amis Du Vieux Hué viết tắt BAVH) là một kết hợp của
hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh nói chung là đất của văn hóa và lò lửa của cách mạng,
nhất là trong thế kỷ XX. Những con người
xuất thân từ vùng đất này sở dĩ nổi tiếng là vì một nguyên tắc phong thủy bất
di bất dịch đó là “địa linh” tất phải sinh “nhân kiệt”. Ngày nay vấn đề đô thị
hóa tại Việt Nam có thể đã ảnh hưởng phần nào về địa mạch, long mạch, thế đất nên
nguyên tắc phong thủy này có thể đã biến dạng hay suy giảm phần nào, tuy nhiên
khi đề cập tới một nhân vật khá nổi tiếng của Hà Tĩnh, Linh Mục Cao Văn Luận
(1908-1986), Viện Trưởng Viện Đại Học Huế (1957-1964), thiết tưởng không thể không
đề cập đến quê hương Hà Tĩnh của Ngài, một vùng đất mà cụ Tôn Thất Đàn khi làm
Thượng Thư Bộ Hình, năm 1930, trong quyết tâm tiêu diệt cái gọi là phong trào Xô
viết Nghệ Tĩnh của đảng Cộng Sản Đông Dương, đã nói: “Hữu Nghệ Tĩnh bất phú, vô Nghệ Tĩnh bất bần” 有
乂 静 不 富 , 無 乂 静
不
貧. Dĩ
nhiên ngày nay quan điểm nặng phần tiêu cực đó không thể được chấp nhận và sự
nghiệp của một con người không thể tách ra khỏi phần lịch sử chung của một địa
phương.
1.-
Từ bối cảnh không gian văn hóa của một vùng đất địa linh…
Trong bài diễn văn Bergson (1859-1941), triết gia người Pháp,
được giải Nobel 1927, đọc tại Đại học đường Birmingham ở Anh ngày 29 tháng 5 năm
1911, và về sau đã xuất bản với mấy bài khác trong quyển Năng lực tinh thần, đã được Linh-mục CAO VĂN LUẬN dịch ra Việt ngữ,
bài Ý thức và sự sống, có nêu lên câu
hỏi và tự trả lời: “Chúng ta thường căn-cứ
vào dấu hiệu nào để nhận biết một người hoạt-động, người đã để lại dấu vết mình
trên những biến-cố mà hoàn-cảnh đã làm cho nó xen vào?Há chẳng phải là căn-cứ vào
sự người ấy đã bao quát được một khoảng thời gian kế tiếp khá dài trong một cái
nhìn chớp nhoáng? Quãng quá-khứ bao hàm trong hiện-tại của người ấy càng lớn,
thì cái trọng-khối người ấy đẩy vào tương-lai để thúc-bách các biến-cố lâm-thời
đang được chuẩn-bị, lại càng mạnh: hành-động của người ấy giống như một cái tên,
quan-niệm về hành-động ấy càng được kéo căng ra về phía sau, thì nó càng được bắn
mạnh về phía trước.” (Tạp chí ĐẠI HỌC số 1, năm thứ IV. Tháng 2-1961, trang
169). Tư tưởng triết lý này xem ra khá thích hợp khi được sử dụng làm tiêu chuẩn
để khám phá lại phần nào của cuộc đời một nhân vật đã cống hiến những gì là phần
tinh hoa nhất của mình cho đất nước.
Thêm nữa, Hippolite Taine (1828-1893), một triết gia, sử gia
và là một nhà phê bình Pháp nổi tiếng đã từng nghĩ rằng có thể cắt nghĩa con
người bằng những phương pháp khoa học. Theo ông thì những con người thần tài, bất
cứ thi sĩ hay chính khách đều được cấu tạo nên bởi những yếu tố như dòng giống,
thời thế và hoàn cảnh xã hội (la race, le temps, le milieu). Mà bởi vì những người thần
tài đó tạo nên lịch sử, nên lịch sử phải được giải thích theo những yếu tố đó.
(Nguyễn Phương, Phương pháp sử học,
Phòng Nghiên cứu sử Viện Đại Học Huế xuất bản, 1964, trang 158).
Ý kiến của Henri Bergson được trích dẫn vắn gọn trong bài diễn
văn nêu trên cùng với quan điểm của H.Taine
xuất phát từ cảm giác say sưa với bầu khí khoa học của hạ bán thế kỷ 19 ở Âu châu
cũng có thể trùm phủ lên quan điểm Đông phương vừa nêu ra ở phần dẫn nhập của bài
viết này, có thể cung ứng cho chúng ta một số tiêu chuẩn để tìm hiểu con người
và phong cách xử trí công việc của Linh mục Cao Văn Luận, người thầy kính yêu của
chúng ta.
Trong Đại Nam Nhất Thống
Chí do Quốc Sử Quán triều Nguyễn biên soạn, ở mục Đạo Hà Tĩnh, có viết đại
cương về cảnh quan địa lý và nhân sinh phong thổ của Hà Tĩnh, vốn là quê hương
của Linh Mục Cao Văn Luận, như sau: “Ruộng
đất phần nhiều rắn xấu, ít bằng phẳng; ruộng núi thì cao khô mà nước khe không
tưới được mấy; ruộng gần biển thì thường bị nước mặn, có đắp đập ngăn cũng khó
thành công, vì thế nhân dân yên phận nghèo nàn mà chuộng cần kiệm. Đồng nội phần
nhiều trồng khoai củ làm lương ăn, dầu gặp năm mất mùa đói kém mà dân không đến
nỗi phải phiêu lưu.” (Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam Nhất Thống Chí, tập 2, Nhà xuất bản Thuận Hóa, 1997, trang
88). Câu chuyện “cá gỗ” được truyền miệng trong dân gian theo lời kể của các cụ
ngày trước kể lại nói lên tinh thần chịu khó học hành, khắc phục gian khổ, thiếu
thốn của người trí thức Nghệ Tĩnh Bình. Các cụ kể rằng: “Khi thi Hội, phải vào Kinh, tức là Huế, mang theo lều chõng lỉnh kỉnh, đi
bộ hết mấy tháng trời, các anh học trò nghèo mỗi lần vào quán nghỉ chân, chỉ dùng
độc vị cơm muối vừng (mè). Nhiều khi vì đi đường xa, quá mệt mõi không sao nuốt
cơm xuống, nên lấy trong bị ra một con cá óng ánh màu vàng như đã rán (chiên)
chín, đặt vào cái đĩa vừa ngắm nghía, vừa ăn ngon lành. Dù vậy có khi vì mệt quá,
nuốt cơm không được, bèn đổi món ăn bằng cách kiếm chút nước mắm ruới lên con cá
ấy và thêm vài lát ớt, món ăn càng trở nên hấp dẫn, cơm lại thiếu mất! Con cá ấy
chính là con “Cá Gỗ” đã được khắc chạm tỉ mỉ, lại còn cẩn thận bôi nghệ vàng chói,
xem rất đẹp. Sau khi ăn cơm xong, lấy cá rửa sạch cất vào bị, để khi khác dùng.
Nhiều bạn đồng liêu ở các nơi tò mò nhìn thấy cảnh tình ấy cũng nực cười và cho
là hữu lý, muốn học đòi, nhưng không được, vì thiếu ý chí, thiếu cần cù và kiên
nhẫn. Thành ra anh học trò xứ Nghệ độc quyền món ăn ấy! Mãi về sau hễ gặp dân
Nghệ Tĩnh, thì cứ bảo là “Dân Cá Gỗ”. (Hồ Đức Hân, Lược sử Giáo Phận Vinh, Nhóm thân hữu Nghệ Tĩnh Bình phát hành,
1989, trang 31).
Linh mục Phaolô Cao Văn Luận sinh năm 1908, quê quán xã Đông
Tràng thuộc Thọ Ninh, huyện Đức Thọ tỉnh Hà Tĩnh. Năm 1908 là thời điểm quan trọng
trong lịch sử Việt Nam vì đó là năm xảy ra một biến cố quan trọng mà các nhà sử
học gọi là “Trung Kỳ Dân Biến” hay Loạn đồng
bào hay đầu bào tức là việc nông
dân cùng rất nhiều thành phần khác xuống đường xin giảm sưu thuế khởi đi từ huyện
Đại Lộc (Quảng Nam) rồi lan ra ngoài tới Nghệ An và trong tới Bình Thuận. Tinh
thần đấu tranh của những vùng đất Miền Trung trong đó có Hà Tĩnh không thể nào
không ảnh hưởng đến một nhân vật mà sau này có những hoạt động trong lãnh vực văn
hóa, chính trị, tôn giáo ghi những dấu ấn cụ thể để lại cho nhiều người biết tới.
Xét về phương diện địa lý, quê quán Đông Tràng của Linh mục
Cao Văn Luận chịu ảnh hưởng “của sông La
Giang ở Hà Tĩnh, quen gọi là sông Cái, bắt nguồn từ dãy Trường Sơn nước chảy yếu
hơn, chỉ tạo được các bãi nhỏ ở Voi Bổ hoặc ở Ngàn Trươi và bồi đắp cho một số
làng ở ven sông, nhưng có nơi đất đai lại bị nước xói lở cuốn trôi mất. Những
cánh đồng ở sát bờ sông rất lợi hại là như thế. Những vùng có ảnh hưởng bởi giòng
sông này: Đông Tràng, Thọ Ninh, Nghĩa Yên, Kẻ Tùng, Láng Ngạn… Các vùng Nam
Đàn, Đức Thọ vì nằm sát bờ sông Lam và sông La rất thích hợp cho nghề trồng
mía.” (Hồ Đức Hân, Sách đã dẫn, trang 28).
Về thổ ngữ, theo nhận xét chung của nhiều người trong đó có tác
giả Hồ Đức Hân, “Hoan Châu (tức Nghệ Tĩnh)
lại có vẻ độc đáo về danh từ ngôn ngữ qua văn chương thi phú. Nhất là ở nông thôn
càng được truyền tụng nhiều hơn thành thị. Thường họ dùng những danh từ hóm hĩnh,
sâu sắc, châm biếm, linh động và đặc biệt nhà quê. Nhưng khi nào cũng nhằm mục đích
uốn nắn rèn đúc con người sống theo nề nếp cha ông và giữ phong cách đạo lý cổ
truyền. Nhiều bà ở nông thôn hễ mở miệng nói là dùng ca dao tục ngữ. Điều đó chứng
tỏ Nghệ Tĩnh Bình có một nền văn hóa cổ kính đã ăn sâu vào tiềm thức con người.
Thật là một điểm độc đáo đáng quý.” (Hồ Đức Hân, Sđd, trang 25).
Trước đây, những ai từng là học trò của
Linh mục Cao Văn Luận, những cộng sự viên của Ngài ở các cơ sở văn hóa giáo dục,
chắc không thể nào quên giọng nói của Ngài trong các bài diễn văn, diễn từ, lời
chỉ thị dặn dò, các buổi trò chuyện riêng tư. Cái cung giọng đó được một tác giả
xuất thân từ Nghệ Tĩnh ghi lại tổng quát như sau: “Ngôn ngữ gồm cung giọng và tiếng nói. Vì là ở miền Trung, cung giọng
Nghệ Tĩnh Bình tương tự như Quảng Trị, Huế: Không nhẹ nhàng, không lên bổng xuống
trầm, nhưng cũng không nặng chịch như một đôi người nghĩ, và khi muốn nhại tiếng
Nghệ Tĩnh Bình thì toàn bỏ dấu nặng. Ở Bắc, cung giọng miền biển nặng hơn cung
giọng miền trung châu nhiều. Nhưng ở Nghệ Tĩnh Bình, cung giọng miền biển xem
như không khác nhiều lắm đối với cung giọng trung châu, nhưng họ thường nói rất
lớn. Có lẽ vì quen nói lớn để làm lấn át tiếng sóng gió từ ngoài khơi vỗ vào bờ,
nên mới có câu: Ăn sóng nói gió! Ở Nghệ Tĩnh Bình có mấy loại giọng nói khác
nhau, nhưng theo phong tục, họ không thích kẻ khác nhại tiếng nói của mình.” (Hồ
Đức Hân, Sđd, trang 20).
2.- Đến bầu khí đạo hạnh của một dòng tộc Công Giáo trí thức nở
rộ hoa viên mãn nơi xứ lạ.
Trong cuốn Từ điển Nhân
vật Xứ Nghệ của Ninh Viết Giao có ghi Linh mục Cao Văn Luận quê xã Sơn Mỹ,
huyện Hương Sơn, tỉnh Nghệ An, rõ ràng là có sự sai lầm vì huyện Hương Sơn vốn
thuộc đất Hà Tĩnh. Còn cái tên Sơn Mỹ không biết ngày nay có phải là tên hành
chánh của giáo xứ Đông Tràng ngày trước hay không? (Ninh Viết Giao & Hội Văn
nghệ Dân gian Nghệ An, Từ điển Nhân vật Xứ
Nghệ, Nhà xb Tổng Hợp TPHCM, 2006, trang 114).
Như đã nói ở trên, linh mục Cao Văn Luận sinh năm 1908, quê
quán xã Đông Tràng, thuộc Thọ Ninh, tỉnh Hà Tĩnh. Trong tài liệu của Hồ Đức Hân,
xã Đông Tràng thuộc Hạt Nghĩa Yên gồm các xứ: Nghĩa Yên, Thọ Ninh, Đông Tràng,
Kẻ Mui, Kẻ Đọng, Đông Cường, Cam Lâm, Tràng Đình. (Hồ Đức Hân, Sđd, trang 64).
Xứ là xứ đạo hay giáo xứ; Hạt gồm nhiều giáo xứ hay cũng gọi Giáo hạt. Vị linh
mục đứng đầu Giáo hạt thì gọi là Hạt trưởng. Tác giả kê đầy đủ các xứ đạo trong
Giáo phận Vinh gồm 14 Hạt và cho biết vì viết bằng trí nhớ nên có thể sai một vài
chi tiết.
Trong cuốn Lịch sử Giáo phận Vinh, Linh mục Cao Hữu Phan
đã cung cấp một bài thơ lục bát gồm 135 tên xứ trong đó có kể đến xứ Đông Tràng
như sau:
Đông Tràng, Nhượng
Bạn, Làng Truông
Kẻ Mui, Kẻ Đọng, Đồng Cường, Tam
Đa
(L.M. JBT. Cao Hữu Phan, Lịch sử Giáo phận Vinh, 1996, trang 466)
Giáo xứ Đông Tràng được thành lập năm 1888, dưới thời Đức cha
Pineau Trị với con số giáo dân ghi nhận trước ngày 30-4-1975 là 1404 người. Đây
là thời mà Giáo phận Vinh được hoàn toàn yên ổn, cảnh lương giáo không còn tương
tàn nữa.
Theo
Linh mục Cao Hữu Phan thì nguyên gốc đời
ông nội, bà nội ở giáo xứ Thọ Ninh, hạt Nghĩa-Yên, tỉnh Hà-Tĩnh. Đến đời cha thì
di cư lên lập nghiệp ở giáo xứ Đông Tràng. Ông nội của Ngài là anh ruột của linh
mục Phêrô Cao Văn Phong (1838-1904). Thân sinh là cụ Cao Văn Trí, em ruột linh
mục Phêrô Cao Thiên Đạt (1850-1931) du học Pénang, nổi tiếng thông minh.
Cũng theo Linh mục Cao Hữu Phan, lúc thiếu thời cậu Luận ở với
cha già Lê Văn Minh tại xứ Đông Tràng, sau một năm được gửi ra ở với cha Cao
Thiên Đạt bị mù, hưu dưỡng ở Xã Đoài (về sau chết tại Hà Tĩnh).
Năm 1922, cậu Cao Văn Luận nhập Tiểu chủng viện Xã Đoài (giáo
phận Vinh) dưới thời Thừa-sai Le Gouriérec làm Giám-Đốc. Năm 1928, qua sáu năm
học hành xuất sắc, đến hạn đi giúp xứ. Nhưng may mắn ngài không phải đi, vì
theo chương trình cải tổ Chủng Viện, Thừa-Sai Văn can thiệp được với Đức Cha Bắc
(Eloy) cho hai người tên là Cao Văn Luận và Trương Cao Khẩn đi học ở Pellerin
Huế. Về sau có thêm một số thầy cùng đi và sau trở thành linh mục, đó là các
cha Trần Văn Sáng, Vũ Minh Khiêm và Bùi Đình Đề. Qua năm 1933, cả hai tốt nghiệp ban Thành chung, rồi tiếp nhập vào
Đại Chủng Viện Xuân-Bích Hà Nội. Trong thời gian học tại đây, ngài dọn hai chương
trình đạo đời cùng một lúc và đến cuối năm 1935, ngài đậu Tú Tài II. Theo phong
tục thời đó, đáng lẽ ngài phải làm lễ vinh qui bái tổ, nhưng ngài không chịu
cho ai tổ chức gì. Đến ngày 8.6.1939, ngài và thầy Trương Cao Khẩn cùng thụ
phong linh mục.
Cũng năm 1939, theo LM Cao Hữu Phan, nhờ nhà nước Bảo Hộ thay
đổi chính sách kỳ thị giáo sĩ nên Giáo phận Vinh được ưu tiên một học bổng du học
Pháp. Bề trên Giáo phận đã dành cho Linh mục Cao Văn Luận học bổng này và ngài
ghi danh vào học ở Sorbonne, theo khoa Triết và Văn chương, trọ ở Institut
Catholique. Năm 1942 ngài đậu Cử nhân Triết học và Văn chương. Từ năm
1942-1943, ngài chuẩn bị gia nhập Hội dòng Xuân Bích, nhưng rồi bất thành.
Qua năm 1944 ngài ghi danh làm luận án Tiến sĩ và theo học
trường Sinh ngữ Á châu ở Paris, tốt nghiệp năm 1945. Cách mạng tháng 8 năm 1945
bùng nổ và ngài bỏ luôn việc làm luận án Tiến sĩ. (LM Cao Hữu Phan, Lịch sử Giáo phận Vinh, từ trang 420-421 và Lê Ngọc Bích, Nhân vật Giáo phận Huế, từ trang 389-390).
3.- Những sinh hoạt và tiếp xúc với các
chính trị gia, lãnh đạo tôn giáo ở hải ngoại.
Năm 1971, Linh mục Cao Văn Luận cho xuất bản cuốn hồi ký được
quảng cáo mà theo ý ngài là hơi khoe khoang “Hồi ký lột mặt nạ lịch sử” trên báo chí lúc bấy giờ, nên sau đó đổi
là “Bên
Giòng Lịch Sử, hồi ký 1940-1965”, phát hành tại Miền Nam Việt Nam và được đánh
giá là một tập hồi ký giá trị.
Qua hồi ký đó trước hết phải ghi nhận rằng Linh mục Cao Văn
Luận là người có lập trường quốc gia chân chính. Tại Pháp, ngài sống liên hệ mật
thiết với các tổ chức sinh viên VN và Việt kiều, thành lập Hội Liên hiệp những
người Đông Dương (Fédération Des Indochinois de France) với chủ tịch đầu tiên
là Trần Hữu Phương và các hội viên sáng lập như Trần Đức Thảo, Phạm Huy Thông,
hai anh em Hoàng Xuân Mãn, Hoàng Xuân Nhị
(em Hoàng Xuân Hãn). Ngài tiếp xúc với Đại Tá Paul Arnoux từng làm chánh mật thám
tại Đông Dương. Sau khi hội này tan rã, ngài lập Hội Những Người Công Giáo
Việt Nam tại Pháp (Association des catholiques Vietnamiens de France). Các
lãnh tụ của hội mới này cũng bị bắt trong đó có Nguyễn Hy Hiền (em Linh mục
Nguyễn Văn Thích ở Huế). Theo linh mục Cao Văn Luận, người công giáo VN có thể
không chấp nhận chủ nghĩa CS nhưng lại ở cái thế bắt buộc phải ủng hộ việc đòi
hỏi độc lập cho đất nước. Ngài cũng hy vọng chút ít ở bài diễn văn của De
Gaulle đọc tại Brazzaville ngày 30-1-1944 trong đó có những đoạn hứa hẹn để các
dân tộc tại các lãnh thổ thuộc địa tiến bộ dần đến có thể tự quản trị.
Ở Paris cũng có Linh mục Trần Thanh Giản, gốc làng Phú Ninh,
Đồng Hới, trở lại Công Giáo và đi tu làm linh mục, qua Pháp rất sớm và lo cho
sinh viên VN du học ở đây. Ngài là người thành lập Giáo xứ Việt Nam và mới chết
cách đây vài năm.
a) Cuộc hội kiến hi hữu giữa
Linh mục Cao Văn Luận với Cựu Hoàng Duy Tân.
Khi nói về cuộc gặp gỡ
này thiết tưởng cũng nên nhắc lại đôi điều về Cựu Hoàng Duy Tân. Vua Duy Tân
sinh ngày 19.9.1900, con vua Thành Thái. Là người có khí tiết từ nhỏ lúc mới
lên ngôi, vua Duy Tân không ưa người Pháp. Nhiều giai thoại về vị vua này phổ
biến bên ngoài khiến ông được sự cảm mến, kính trọng của nhân dân. Thí dụ có
hôm ngồi câu cá ở Cửa Tùng, Quảng Trị, vua Duy Tân có đọc một câu: “Ngồi trên nước không ngăn được nước, Chót
buông cần phải lỡ vì câu.” Một lần khác, thấy tay vua nhơ, một vị quan múc
nước cho ngài rửa tay. Vua hỏi: “Tay nhớp
lấy nước mà rửa. Nước nhớp lấy chi mà rửa?”. Do sự liên hệ mật thiết với
các nhà chí sĩ yêu nước, vua bí mật tán thành cuộc khởi nghĩa năm 1916 của Thái
Phiên và Trần Cao Vân. Cuộc khởi nghĩa bất thành, vua bị bắt và ngày 3-11-1916
bị đày sang đảo Réunion. Trong thế chiến 2, ông gia nhập kháng chiến quân Pháp
chống lại phe quốc xã Đức. Ông là hội viên của Hội Tam Điểm và có chút ít giao
thiệp với Tướng De Gaulle. Từ năm 1936 đến 1940 nhiều lần ông gửi thư xin phục
vụ trong Quân đội Pháp nhưng đều bị Bộ
Thuộc Địa Pháp bác đơn vì tờ khai lý lịch bị phê là “…parait difficile à acheter, extrêmement indépendant…, intrigue pour
quitter la Réunion et rétablissement trône d’Annam.” (Có vẻ khó mua chuộc, rất
độc lập, mưu đồ rời khỏi đảo Réunion để tái lập ngôi báu ở An Nam). (Lâm Lễ
Trinh,Việt Nam trong thế bí: De Gaulle và
vua Duy Tân qua những tiết lộ của Hoàng tử Vĩnh San, Tạp chí Định Hướng, số 43- Mùa Hè 2005, trang 54
). Trong tập Hồi ký Chiến tranh, chính Tướng De Gaulle nhận xét vắn gọn về vua
Duy Tân: “… Đó là một nhân vật đầy cương
nghị. Mặc dù bị lưu đày ròng rã 30 năm trời, hình ảnh của ông không hề phai mờ
trong tâm hồn của dân tộc Việt Nam.” (Lâm Lễ Trinh, bài đã dẫn, trang 46).
Lần thứ nhất vào mùa đông 1944, Cựu Hoàng Duy Tân, trong bộ
quân phục của Pháp với cấp bậc chuẩn úy đã tìm tới gặp Linh mục Cao Văn Luận tại
nhà riêng, cho biết ông muốn trở lại hoạt động chính trị nhưng chưa bộc lộ hẳn
theo chiều hướng nào. Cựu hoàng cho biết ông gia nhập lực lượng kháng chiến chống
quốc xã Đức và Pháp đưa ông đến Madagascar. Ông nói: “Tôi được mang cấp bậc chuẩn úy, như ngài thấy. Tôi nghĩ rằng nếu chúng
ta giúp nước Pháp trong hoạn nạn, hay ít ra tỏ lòng hào hiệp với nước Pháp
trong lúc đó, thì có thể gây cho họ sự kính nể đối với ta về sau họ phải nghĩ lại
nhiều hơn khi tái chiếm Đông Pháp.” (Bên
Giòng Lịch Sử, trang 34). Cựu hoàng nhờ linh mục thu xếp để được gặp sinh
viên và Việt kiều trong một cuộc tiếp tân tổ chức sau đó chừng một tuần.
Trong lần gặp thứ hai này, Cựu hoàng Duy Tân tới thăm với vẻ
mặt trầm ngâm xen vẻ băn khoăn. Qua câu chuyện, khi có người đặt vấn đề hợp tác
với Pháp cũng được nhưng hợp tác như thế nào? theo cương vị nào? Cựu hoàng Duy
Tân trả lời: “Người Pháp đang cần sự hợp
tác của chúng ta để tái chiếm Đông Pháp. Họ có thể chấp nhận cho ta thành một
quốc gia tự trị trong Liên hiệp Pháp. Thiết tưởng điều đó cũng không trái với
quyền lợi quốc gia. Dần dà chúng ta đòi thêm quyền hành về cho chúng ta. Trước
binh lực hùng hậu của Pháp, và hậu thuẫn của đồng minh Tây phương, chúng ta biết
làm gì hơn? Chống Pháp. Chúng ta đã thấy những tấm gương chống Pháp, và tôi đây
là nạn nhân của một lối chống Pháp nóng nảy vụng về. Rồi đất nước chúng ta sẽ
phải chịu một cảnh chiến tranh tàn khốc mà kết quả chưa biết là thắng hay bại.”
(Bên Giòng Lịch Sử, trang 41-42).
Khoảng hơn hai tuần sau, có lẽ vào cuối năm 1944, vua Duy Tân
trở lại gặp Linh mục Cao Văn Luận và các anh
em Việt kiều, sinh viên. Cuốn hồi ký cho biết: “Lần này tôi thấy ông thay đổi nhiều. Trước hết là y phục. Ông mặc quân
phục sang trọng đúng một loại áo thẳng nếp và lại là loại quân phục dạo phố. Ở
cầu vai ông mang cấp hiệu Đại-Tá bộ binh Pháp. Tôi linh cảm như có một sự thay đổi
quan trọng hơn ở vua Duy Tân, trọng đại gấp mấy lần sự thay đổi hình thức y phục.”
Tác
giả “Bên Giòng Lịch Sử” viết tiếp: “ Vua Duy Tân cho biết rằng, ông được người Pháp
giúp đỡ thành lập một đạo quân toàn người Việt Nam, với mục đích sẽ đi tiền
phong trong cuộc hành quân tái chiếm Đông Pháp. Hiện nay đạo quân này do ông cầm
đầu, và tuyển mộ được một tiểu đoàn. Tiểu đoàn này được đem sang đóng ở
Constance, bên Đức. Phần lớn quân số tiểu đoàn này là những lính thợ, lính khố đỏ,
và một ít người Việt gia nhập kháng chiến ở Madagascar và các thuộc địa khác.”
Linh mục Cao Văn Luận nói rõ suy nghĩ của mình: “Tôi bắt đầu thấy rõ mưu mô của người Pháp. Họ
muốn dùng vua Duy Tân như một lá bài. Chính vua Duy Tân biết điều đó, nhưng lại
chấp thuận hợp tác với người Pháp.” (Bên
Giòng Lịch Sử, trang 43)
Vua Duy Tân đề xướng ra phong trào Cờ Tự Trị, dự định tổ chức
các Việt kiều ở Pháp thiện cảm với ông thành môt đảng. Linh mục Cao Văn Luận từ
đó không tiếp xúc với vua Duy Tân nữa. Ít lâu sau nghe nói vua Duy Tân tử nạn máy
bay khi sang Algérie thăm vua Hàm Nghi. Vua Duy Tân hưởng dương 45 tuổi và ngày
2-4-1987, hài cốt ông được đưa từ đảo Réunion về Huế, cải táng tại An-lăng, Huế
bên cạnh vua cha là Thành Thái.
Lúc này khuôn mặt một minh chủ rất cần thiết, đó là điều dĩ
nhiên nhưng ai sẽ là minh chủ xứng đáng để qui tụ quần thần, tả hữu, toàn dân. Đó
là vấn nạn bắt đầu xuất hiện trong đầu Linh mục Cao Văn Luận. Cũng lúc này, qua
hồi ký (trang 47) linh mục cho biết “Tôi
chưa có một dự tính nào về một vai trò cho mình trong lịch sử Việt Nam, hay cạnh
những người có hy vọng làm lịch sử Việt Nam”.
Tháng
giêng năm 1946, De Gaulle rút lui và Bidault thuộc Mouvement Républicain
Populaire (MRP – Phong Trào Cộng Hòa Bình
Dân) lên làm Thủ tướng Pháp chủ trương chiếm lại xứ Đông Pháp bằng mọi giá. Trước
những khó khăn sắp xảy tới, Linh mục Cao Văn Luận tỏ ra sáng suốt là khuyên các
sinh viên VN và Việt kiều nên tập họp nhau lại trong một đoàn thể có tổ chức, có
sinh hoạt và sau đó Hội Fédération Des Indochinois De France được thành lập với
Bửu Hội làm chủ tịch, Trần Hữu Phương tổng thư ký.
(Còn tiếp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét