Thứ Tư, 15 tháng 1, 2025

Bóng Người Cùng Thôn - Truyện ngắn Vũ Thất

 Bóng Người Cùng Thôn

     Truyện ngắn Vũ Thất

Hai năm sau ngày về hưu vào tuổi 68, Lê Tâm đã quen với thú vui cuối tuần. Cứ sáng thứ bảy và chủ nhật thì ông cuốc bộ mười lăm phút từ căn chung cư đến nhà hàng nổi tiếng thức ăn và cà phê ngon để đấu láo với bạn bè.

Chủ nhật này một sự kiện xảy ra bất ngờ làm tâm hồn Lê Tâm chao đảo. Như thường lệ, trước khi rời quán, ông đặt mua vài món ăn cho suốt tuần và nhặt mấy tờ báo cho không dành đọc lai rai.

Về đến nhà, cũng theo thói quen, ông ngả người trên ghế có đấm bóp, mở từng tờ báo đọc hết nàngi này đến nàngi khác. Trong khi lật trang tìm nàngi, ông thường dừng lại các trang cáo phó, phân ưu. Tên các chiến hữu ngày xưa của ông thỉnh thoảng xuất hiện. Và ông ngậm ngùi chúc họ an giấc nghìn thu.

Hôm nay, một cái tên nghe quen gây tò mò: Cựu Trung tá Đinh Hoàng Long từ trần ngày 28 tháng 8 năm 2024. Hưởng thọ 78 tuổi. Lê Tâm tìm vội tên người đăng cáo phó: Vợ: Vương Diệu Hiền. Đúng là nàng, không thể ai khác. Kỷ niệm xưa ồ ạt kéo về làm ông không kịp thở.

Năm mươi ba năm về trước, một chiều cuối tuần, nàng bất ngờ đến với ông. Lúc đó ông đang mải mê đàn cho Hảo, cô bồ thằng bạn cùng lớp say sưa hát. Bỗng Hảo đột ngột ngưng hát, đứng lên reo to:
– Ê, Hiền!
Lê Tâm quay nhìn về phía cửa. Một khuôn mặt hiền hậu xinh xắn trong khoảnh khắc xâm chiếm cả tâm hồn anh. Cơn ngẩn ngơ xao xuyến khiến anh gần như không nghe tiếng Hảo:
– Anh Tâm cho Hiền vào tham dự nghe.
Lê Tâm buông đàn, hấp tấp bước ra cửa, lắp bắp:
– Thật vô vàn hân hạnh. Mời vào!
Lê Tâm kéo chiếc ghế trống. Hảo xăng xái nói:
– May quá có mày đến cứu bồ. Xin giới thiệu Diệu Hiền, bạn cùng lớp. Và đây là chủ nhà, anh Lê Tâm.
Hiền ngồi vào ghế cạnh Lê Tâm. Hảo lại líu lo:
– Mày đến thật đúng lúc. Tao cứ bổn cũ soạn lại, ca hoài ai cũng chán. Có mày, không khí đổi thay. Mày ca bản gì đây?
Hiền cười đáp tự nhiên:
– Để coi bản gì có thể hát làm quen anh Lê Tâm.
Hiền ngẫm nghĩ rồi reo lên:
– Hiền ở cùng dãy phố với anh. Vậy hát bản này là hợp nhất.
Nàng nhìn thẳng vào mắt Lê Tâm:
– Nhờ anh đàn bản “Bóng Người Cùng Thôn” của Y Vân.

https://www.youtube.com/watch?v=688i7AfFcbY&t=1s

Nhớ mãi câu ca chiều ấy
Êm ái như trong chiều nay
Có tiếng ai kia thầm nói
Vững tin nơi bàn tay
Đắp xây cõi đời…

Nếu nhớ nhau ta tìm đến
Dăm miếng cau nên tình duyên
Có lúa nâng niu đời sống
Có trăng soi tình thơ
Bóng ai cùng thôn…

Từ đó Lê Tâm và Diệu Hiền yêu nhau say đắm. Anh đã cùng nàng sắp xếp tương lai. Anh sẽ không tiếp tục đại học mà thi tuyển vào trường Sĩ quan Hải Quân. Hai năm sau ra trường, anh sẽ xin cưới nàng.

Thế nhưng chỉ mới nhập ngũ được một năm, anh đã mất Hiền. Lê Tâm đọc bức thư chia tay của Hiền mà người như xác chết. Ba nàng chọn một vị đại úy dưới quyền để làm chồng nàng. Và nàng không tài nào dám chống đối. Từ đó cả nàng và Lê Tâm không một lần nhìn thấy nhau nữa.

Hôm nay, 53 năm sau, bóng dáng Diệu Hiền lại hiện về rõ mồn một. Giọng hát ngọt ngào ngày đầu quen biết như vang đâu đây: “Nếu nhớ nhau ta tìm đến. Dăm miếng cau nên tình duyên”. Ông còn nhớ nàng, thì ông phải tìm đến nàng. Một yếu tố khác càng thúc đẩy ông gặp nàng. Phải gặp sau 53 năm, xem dung nhan đó bây giờ ra sao

Lê Tâm đọc kỹ bản Cáo Phó rồi bước đến bàn mở computer tìm mua vé máy bay bay thẳng từ New York đi Los Angeles.

***

Nhà quàn Tobia ở Santa Ana khang trang chiếm một mảnh đất thênh thang, phía trước và bên hông là bãi đậu xe rộng rãi, phía sau là nghĩa trang có đến hàng trăm ngôi mộ. Lê Tâm rời chiếc xe mướn, bước đến tiền sảnh. Ba người ăn mặc trang trọng nghiêng mình chào ông. Ông chào đáp nhưng không ai quen biết. Bước qua cửa chính, một người mời ông ghi tên vào sổ tang lễ. Ông ghi theo ba dòng hướng dẫn: tên, địa chỉ, điện thoại rồi đi dần vào trong. Một tiền sảnh phân chia hai gian phòng rộng, mỗi bên đều đang đông người. Theo một bản ghi chú, phòng bên phải là đám tang một người Mỹ. Bản ghi chú bên trái là đám tang của Cựu Trung tá Đinh Hoàng Long. Lê Tâm ngại ngùng bước vào phòng tang lễ, đứng sau một hàng dài trên lối hẹp phân hai dãy ghế đã có khá đông người ngồi. Cuối phòng là một bàn thờ với di ảnh có cầu vai mang hai hoa mai bạc. Liền bên phải là quan tài đặt giữa hai chậu hoa rất trang nhã đa phần màu trắng chen màu tím màu hồng. Tiếp theo là vô số tràng hoa đặt dọc theo vách…

Cứ vài bước đi, Lê Tâm nhìn quanh với hy vọng được gặp bạn bè. Một người đàn bà mặc đồ tang đứng cạnh hàng ghế cuối bên phải. Dù còn xa, ông cũng đã nhận ra dáng dấp thân thương ngày nào.

Khi đến lượt Lê Tâm đứng trước Diệu Hiền, khuôn mặt đẹp não nùng làm ông rung động mọi sợi thần kinh. Ông nghe xao xuyến như lần đầu gặp gỡ. Ông nhìn thẳng vào mắt nàng, run giọng:
– Xin chân thành chia buồn.
Đôi mắt Diệu Hiền đăm đăm nhìn ông, chớp sáng. Đôi môi có hơi mấp máy nhưng không thành nụ cười. Tiếng thốt ra như lời thì thào:
– Cám ơn anh Lê Tâm nhiều!
Nàng còn nhớ ông. Ông cảm thấy bao nhiêu mệt mỏi của chuyến bay lâu dài tiêu tan. Ông còn muốn nói nhiều nhưng không phải lúc. Đành ân cần vắn tắt:
– Hãy giữ gìn sức khỏe.
Nàng gật đầu môi mím chút nụ cười. Hoàn toàn thư thái Lê Tâm xoay người bước đến quan tài. Chồng nàng nằm đó. Bộ mặt xa lạ còn tươi như đang ngủ say. Lê Tâm đưa tay lên cuối chân mày, nói nhỏ “Chào Trung tá. Xin hãy an giấc ngàn thu.”

Ông bước sang bàn thờ, tiếp nhận một cây nhang từ cô gái có lẽ là con Diệu Hiền. Ông chắp tay trước ngực, nhìn di ảnh xá ba xá, lẩm bẩm: “Thành tâm cầu nguyện linh hồn Trung tá sớm siêu thoát.”

Lê Tâm trở lui, kín đáo hướng tia mắt về Diệu Hiền. Nàng đang bận rộn chào người mới tới. Ông ngồi vào một chỗ trống gần cuối phòng, theo dõi qua màn hình quãng đời sinh tiền của Trung tá Long. Thời ông còn trẻ. Thời ông làm sĩ quan tác chiến. Thời ông làm việc ở Bộ Tổng Tham Mưu. Cuôc đời ông tái hiện đầy đủ, xứng đáng một chiến binh. Ngày hôm nay, đám tang cũng rình rang tương xứng. Lê Tâm nghĩ đến ngày qua đời của mình. Người thân không có ai, chỉ có vài chiến hữu. Khi ông chết, hy vọng có một hội đoàn lo liệu…

Thỉnh thoảng ông nhìn Hiền nhưng nàng lúc nào cũng bận rộn. Vào 10 giờ, nàng tiếp đón đội chung sự thực hiện nghi thức phủ quốc kỳ. Rồi đến các nhà sư tụng kinh cầu siêu, đến lễ phát tang. Các quan khách phát biểu. Lời cảm tạ của người trưởng nam. Hiền đắm chìm trong nghi thức, không một lần nhìn anh. Nhân lúc giải tán để chuẩn bị di quan, Lê Tâm thấy đã đến lúc lặng lẽ rút lui …

***

Mười ngày sau Lê Tâm nhận được thư cám ơn do chính thủ bút của Diệu Hiền:

“Anh Tâm thân mến,
Diệu Hiền chân thành cám ơn anh đã không ngại đường xa và dành thời gian quý báu đến chia buồn và tiễn đưa anh Long đến nơi an nghỉ cuối cùng. Và cũng xin cám ơn lòng ưu ái của anh vẫn dành cho Diệu Hiền sau hơn nửa đời người không lần gặp lại. Diệu Hiền sẽ luôn luôn ghi nhớ tình cảm của anh.
Trân trọng.”

Lê Tâm rất vui đọc đi đọc lại đến thuộc lòng rồi mỗi ngày lại đọc đi đọc lại, chừng như chỉ còn những dòng cảm ơn đó là niềm vui độc nhất mỗi ngày đến cuối đời. Ông vẫn nhớ vợ, vẫn thắp nhang cho vợ hằng đêm, nhưng hình dáng cô nữ sinh áo trắng ngày xưa và của mệnh phụ áo đen ngày nay bắt đầu lởn vởn. Ông tin một ngày không xa hình dáng đó cũng sẽ mờ dần như 53 năm trước đây.

Nhưng sự việc trái với ông mong đợi. Ba tháng sau khi nhận thiệp cám ơn, Diệu Hiền gọi điện thoại. Vẫn giọng Sài Gòn dễ thương ngày nào:
– Hiền muốn đích thân bày tỏ lòng biết ơn anh đã đến dự đám tang.
– Anh có nhận thiệp cám ơn.
– Lý do thứ hai là Hiền cũng muốn chúc mừng năm mới vạn sự như ý!
– Cám ơn Hiền. Anh cũng chúc Hiền năm mới luôn an lành. Còn về lời chúc của Hiền thật là hiệu nghiệm. Từ hôm gặp Hiền, anh có nhiều thắc mắc về Hiền mà lại tin rằng sẽ không bao giờ được Hiền giải tỏa. Ngờ đâu hôm nay…

Giọng Hiền vui vẻ:
– Nhiều thắc mắc? Thí dụ như?
– Như… Hiền có mấy cháu? Chúng nó hiện ra sao?
– Cám ơn anh quan tâm. Hiền có hai trai hai gái. Chúng nó đều thành công, đều đã có gia đình hạnh phúc.”
Ông định hỏi, “Còn Hiền?”, nhưng kịp thấy câu hỏi thiếu tế nhị và vô duyên cho một quả phụ. Ông đổi ý khác:
– Thắc mắc thứ hai. Anh Long có bị đi tù không? Gia đình Hiền qua Mỹ năm nào?
– Theo sắp xếp thì Mỹ đưa gia đình Hiền rời Việt Nam nhưng đến phút chót vẫn không thấy phi cơ đến đón. Kể cũng lạ, trong lúc Hiền tuyệt vọng nhất thì bất ngờ cả gia đình Hiền được tàu Hải Quân cho di tản! Số của Hiền có duyên với Hải Quân, phải không anh?
– Có duyên mà không nợ!

Nói xong, Lê Tâm trách mình nhanh nhẩu đoảng! Nhưng Diệu Hiền lặng thinh. Ông ước phải chi Hiền đang đối diện để ông có thể nhìn phản ứng trên nét mặt Hiền. Ông đành tưởng tượng là Hiền mỉm cười và ông thì thầm với chính mình “Mong rằng rồi đây duyên đi với nợ.”

Tiếng của Hiền vang lên giúp ông tỉnh người:
– Thành thật mà nói, trong thời gian làm vợ anh Long, Hiền thỉnh thoảng có băn khoăn về cuộc sống của anh. Đôi khi Hiền có dịp ngang qua nhà mẹ anh, hy vọng thăm anh mà nhà lúc nào cũng đóng cửa…”
– Thì Hiền biết rồi, cuộc sống của anh rày đây mai đó…
– Hiền biết, nhưng hy vọng có lúc anh về thăm mẹ!
– Anh giận Sài Gòn nên mẹ phải vất vả tìm đến thăm anh. Lại còn dành nhiều thời gian trông nom cháu nội.
– Bao nhiêu cháu nội?
– Từng có một.
– Từng… nghĩa là sao?
– Là nay nó đã ở… bên kia thế giới với bà nội và mẹ nó!

Diệu Hiền kêu “Ô” rồi hối hả tiếp:
– Sao ra nông nỗi?
– Đều chết vì bịnh. Con và mẹ anh chết khi còn ở Việt Nam. Lúc đó anh đi tù.
– Hiền cũng từng thắc mắc không biết anh có bị đi cải tạo gì đó không. Cho nên đâm ra thích đọc bất cứ quyển sách nào nói về đời tù cộng sản. Tội nghiệp anh Tâm quá. Đã tù tội, còn mất mẹ mất vợ mất con! Chị mất ở đâu? Bao lâu rồi?”
– Ở Mỹ. Chúng tôi đi diện HO. Cũng vừa mãn tang!

Tiếng thở dài của Hiền như lẫn vào câu hỏi:
– Vậy là chị mất hai năm rồi, phải không?

Lê Tâm lẩm cẩm gật đầu xác nhận. Diệu Hiền như nhận biết, hỏi tiếp:
– Nhân tiện xin hỏi anh Tâm. Vì sao người chồng để tang cho vợ chỉ hai năm mà người vợ thì phải để tang cho chồng đến ba năm?
– Cũng dễ hiểu. Theo quan niệm xưa, người chồng để tang vợ ngắn hơn thời gian người vợ chịu tang chồng là vì người chồng còn có trách nhiệm bảo bọc con cái nhất là cần duy trì dòng dõi…

Giọng Hiền cằn nhằn:
– Người vợ cũng có bổn phận bảo bọc con cái…

Lê Tâm ôn tồn:
– Giả sử người vợ chết mà chưa có con, người chồng cần xả tang sớm để có thì giờ lo cưới người khác nhằm “nối dõi tông đường”. Trong khi đó, sau khi chồng chết người vợ cần bày tỏ tấm lòng chung thủy…”
– Theo anh Tâm, có hợp lý không? Quan điểm của anh ra sao?

Câu hỏi làm Lê Tâm ngơ ngẩn. Hiền đang để tang chồng, chẳng lẽ từ lâu Hiền đã dành cảm tình cho ai khác. Ông ngẫm nghĩ một lúc rồi đáp:
– Ngày xưa thì… như thế! Nhưng ngày nay xem ra đã lỗi thời. Thực tế cho thấy việc để tang lâu hay mau không còn dựa vào giới tính mà tùy vào tình cảm. Một khi đã hết tưởng nhớ, hết đau buồn thì bất cứ ai, bất kỳ lúc nào cũng có quyền bước đi bước nữa. Thậm chí cho dù còn ít nhiều tưởng nhớ, còn đôi chút buồn đau cũng… OK! Anh ủng hộ quan điểm “ngày nay…”

Giọng buồn buồn của Diệu Hiền vang lên:
– Đừng hiểu lầm. Nhân anh nói về chịu tang nên Hiền hỏi cho biết thôi chứ Hiền … già quá rồi, để tang tới chết cũng vui lòng.

Câu cuối như tiếng thở dài. Tự dưng Lê Tâm nhớ đến đoạn kết của quyển tiểu thuyết ông vừa đọc xong. Rồi ngẫm nghĩ nội dung, ông vô cùng ngạc nhiên khi thấy nhiều điểm tương đồng một cách thú vị. Ông hăng hái hỏi:
– Hiền có đọc tiểu thuyết “Tình Yêu Thời Thổ Tả?”
– Có nghe nhiều bạn khen nhưng bận lo săn sóc anh Long nên chưa có dịp đọc. Sao anh hỏi về truyện này?
– Là vì nội dung truyện xem ra khá giống chuyện anh với Hiền.
– Khá giống là sao?
– Thời trung học yêu nhau nhưng cha nàng buộc nàng phải đi lấy chồng.
– Như vậy là quá giống chứ khá giống nỗi gì!
– Anh nói khá giống là vì có phần quá giống, có phần na ná, có phần khác biệt. Phần na ná là trong truyện họ xa nhau 51 năm. Còn anh và Hiền xa nhau 53 năm.”

Giọng Hiền ngạc nhiên:
– 53 năm, đã lâu đến vậy sao? Còn phần khác biệt?
– Phần khác biệt là trong suốt thời gian trên 50 năm xa nhau, hai người trong truyện có mấy lần tình cờ thoáng thấy nhau nhưng anh và Hiền thì tuyệt đối không!
– Còn gì nữa?
– Thêm một phần quá giống khác mà chính Hiền là chứng nhân: Sau hơn năm mươi năm xa nhau, họ gặp lại cũng trong đám tang người chồng.
– Ồ, lạ lùng quá hả! Chắc anh bịa chuyện?
– Thật trăm phần trăm. Không tin thì Hiền đọc.

Giọng Hiền nôn nóng:
– Rồi… rồi đoạn kết ra sao? Thiệt giống, na ná hay khác biệt?
– Cái đó tùy Hiền.

Giọng Hiền bực bội:
– Thì anh nêu kết cuộc, Hiền sẽ cho ý Hiền.
– Anh rất tiếc là không nói được. Nói ra, Hiền đọc mất hay!
– Hiền đâu cần hay!

Lê Tâm cười gượng:
– Khó kể lắm. Phải đọc mới thấy thấm thía, mới có quyết định đúng đắn.

Diệu Hiền im lặng thật lâu có vẻ như đang hờn dỗi. Cuối cùng, nàng lên tiếng, giọng khẽ khàng:
– Được rồi, anh Tâm. Hiền sẽ đọc cái truyện thổ tả đó và Hiền sẽ cho anh câu trả lời đúng đắn! Xin chào anh Tâm. Hẹn sẽ gọi lại… ba năm sau!

Lê Tâm ngẩn ngơ. Ông còn nhiều điều muốn hỏi nhưng màn hình báo hiệu liên lạc đã cắt đứt.

                                          Vũ Thất

Tham khảo:

Mời nghe:

Tình yêu thời thổ tả

Mời đọc: 

Tình Yêu Thời Thổ Tả








Không có nhận xét nào: