Thứ Hai, 31 tháng 8, 2015

Thơ Xướng - Họa về cuộc đời: Cát Bụi (thơ của thân hữu Vườn Thơ Thẫn)



RỒI CŨNG QUA  ĐI

Ta đến và đi giữa cõi đời
Trong ngần năm ấy, bấy nhiêu thôi !
Bước vào - hạnh phúc - oa oa khóc
Lìa bỏ - đau thương - lặng lẽ cười 
Danh vọng, tiền tài đều ảo ảnh
Niềm vui, nỗi khổ chỉ trò chơi 
Trắng tay rốt cuộc hoàn tay trắng
Rồi cũng qua nhanh một kiếp người.

                           Phương Hà
**************************

Bài họa:  
TRẢ NỢ  

Lấy mốc trăm năm trọn cuộc đời,
Ít ai bách tuế đủ mà thôi.
Người thời nức tiếng công danh hảo,
Có kẻ đành im lặng mĩm cười.
Phú quý giàu sang về cát bụi,
Cơ hàn thảo dã lại rong chơi
Lìa đời há dễ mang tiền của,
Chín suối làm sao trả nợ người !

Mai Xuân Thanh
Ngày 25 tháng 08 năm 2015


********************

CÁT BỤI

Cát bụi trở về cát bụi thôi
Còn ta đâu khác? cũng y thôi.
Trách ư ai nhỉ không sao dễ
Hờn hả bạn a cũng thế thôi
Dài vắn do mình lo đấy nhé
Hơn thua tư bậu tỉnh ra thôi
Cầu mong mọi sự đều xuôi chảy
Cát bụi trở về cát bụi thôi.

Thái Huy, 8-23-15

*************************


ĐÚNG THẾ

Nào phải nhưng không sống giữa đời
Từ cao siêu ấy tạo nên thôi
Khi ra trần trụi-vui òa khóc
Lúc khuất cô đơn-khó mỉm cười
Trước mặt mang theo nhiêu vấp phạm?
Sau lưng bỏ lại bấy vui chơi
Thêm chi nguyên vẹn đôi tay trắng
Chấm hết lao đao một phận người.
Thái Huy, 8-26-15
*************************

TRỜI BIỂU THÔI ! (Thiên bôi thiểu)
Bạn hiền tái ngộ nhậu sao thôi ?
Rượu mít tự làm cũng đươc thôi
Chả trọng cỗ bàn đầy dĩa lớn
Mà vì nghĩa cữ hết mình thôi
Ít ly mến khách đà y lít
Bôi thiểu say tình chửa biểu thôi
Nếu chú giao thông không bắt xỉn
Chai này chai nữa dễ gì thôi.

Cao Linh Tử
25/8/2015

******************************

         ĐỜI MÀ
Rồi cũng qua nhanh một kiếp người
Lỡ sinh nhằm chỗ chả ngày chơi
Học hành thi cử rồi buông bỏ
Gánh vác đeo mang mãi khóc cười
Lật bật tuổi già nghe hốt hoảng
Lon ton cửa Phật lạy không thôi
Thì ra cuộc thế bày nhân quả
Tới chết chưa xong trả nợ đời.
 
Cao Linh Tử

*********************************


                               LẼ ĐẠO
                   Thái cực lưỡng nghi lẽ đạo thôi,
                   Âm dương tiêu trưởng tự nhiên thôi !
                   Trẻ trung nhân thế nhiều mơ ước,
                   Lão bệnh người đời cứ thế thôi .
                   Búng sẵn trên trời quay một chiếc,
                   An bày dưới thế bóng người thôi!
                   Cho hay cuộc sống là hư ảo,
                   Là bướm hay người cũng vậy thôi!

                                        Đỗ Chiêu Đức
GHI CHÚ :
       Theo lý luận của Đạo Giáo  (Lão Giáo), tất cả mọi sự vật, sự việc trên đời nầy đều do Thái Cực mà ra : Thái cực sinh Lưỡng Nghi  (Âm và Dương), Lưỡng Nghi sinh Tứ Tượng  (Thái Âm, Thiếu Dương, Thái Dương, Thiếu Âm). Tứ Tượng sinh Bát Quái  (Càn, Khảm, Cấn, Chấn, Tốn, Ly, Khôn, Đoài). Bát Quái sinh Vạn Vật....
      Âm Dương Tiêu Trưởng: là Hễ Âm tiêu thì Dương trưởng, và ngược lại Dương tiêu thì Âm trưởng. Ví dụ: Hết đêm thì tới ngày, hết mưa thì tới nắng, hết mạnh thì tới yếu, hết sướng thì tới khổ ......
        Con người ta không ai tránh khỏi Sanh, Lão , Bệnh, Tử .
      Cũng theo Lão Giáo thì đời sống thật sự của con người được diễn ra ở trên trời, còn đời sống ở cõi nhân thế chỉ là cái bóng, cái hình chiếu của cuộc sống trên trời mà thôi! Như Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều đã viết trong Cung Oán Ngâm Khúc :
                    Cái quay búng sẵn trên trời,
                    Mờ mờ nhân ảnh như người đi đêm!
      Người tiếp nối và phát huy truyền bá đạo Lão là Trang Tử . Trang Sinh thường hay nằm mơ thấy mình hóa bướm rong chơi đây đó, nên lúc tỉnh mộng đâm ra hoang mang tự hỏi là: Không biết là bướm hoá ra mình hay là mình đã hóa ra bướm?!  Quả là "Trang Sinh hiểu mộng mê hồ điệp" như Lý Thương Ẩn đã viết!

***********************************
Rồi Cũng Qua Đi

Tay cầm vụ lệnh bước vào đời
Mở miệng oa oa được vậy thôi
Hạnh phúc khởi từ duyên gặp số
Hình hài phát triển khóc xen cười
Gia đình đùm bọc trao tư thế
Xã hội sinh tồn dấn cuộc chơi
Ảo giác quay cuồng thân cát bụi
Đầy vơi bản chất một con người.

Nguyễn Đắc Thắng
20150827

******************************
                    XỨNG MỘT KIẾP NGƯỜI

                   Làm thân lữ khách mới thương đời
                   Dù có bôn ba cũng thế thôi
                   Số phận an bài là định số
                   Phong trần trời bắt cũng vui cười
                   Sang nghèo đâu cải do con tạo
                   Danh lợi như tuồng diễn hát chơi
                   Ngẫm nghĩ, mai sau về cát bụi
                   Thì nên sống xứng kiếp con người

                                   SONG  QUANG



Gỗ Đá Trở Mình - Như Phương


         GỖ ĐÁ TRỞ MÌNH
 Người đã gợi nét Huế tình,
 Làm muờng tượng gương mặt những cậu học trò,
 Tập tành
 Nâng li cafe góc phố
 Nội Thành.
 Hay là người lữ hành, hôm nay tóc muối tiêu,
 Có thấy tâm hồn hằn gỗ đá,

 Gió Nam hâm nóng bến hoang liêu,
 Ửng dôi má hồng mùa Hạ
 Thừa Phủ đò chiều,
 Còn không bóng cây la đà
 Bên bến dấu yêu,
 Lữ khách ơi, nỗi lòng người phương xa?

              Như Phương
               SJ. Aug.15.




Mỏng Mềm - Trầm Vân

Chủ Nhật, 30 tháng 8, 2015

Nhớ Thu - Thiều Trân


Nhớ Thu
Thơ: Thiều Trân

Thu ơi! Thu ơi! Em đến rồi.
Vui buồn lẫn lộn… nhớ chơi vơi.
Đất trời thắm dịu nhiều hoa tím,
Trỗi dậy trong tim nỗi bồi hồi.

Thu ấy, em đi không một lời,
Theo đời cơm áo, bước ra khơi,
Thuyền tình về bến người ta… đón.
Anh chết lặng ngơ giữa đất trời.

Anh hỏi: Vì đâu? Hỏi: Tại sao?
Tình ta như thể giấc chiêm bao.
Xa nhau, vội khép thời áo trắng,
Lỡ hẹn bài thơ… chẳng kịp trao.

Mấy độ thu qua, anh dõi theo
Đời em gánh nặng… lắm dốc đèo,
Hồng nhan, chồng sớm, nhiều vất vả,
Nhỏ lệ vào thu… những ngậm ngùi.

Nhiều khi, anh cũng muốn tới lui,
Nhưng mà nghĩ lại… rồi đành thôi.
Anh sợ tim mình không kìm nổi
Tình trong sẽ bị úa… lấp vùi.

Em ạ! Mùa thu đã tới nơi.
Trăng thu ngày đó đã vỡ rơi.
Chúng mình nhặt giữ từng kỷ niệm,
Ghép lại thu xưa… nhớ một người./.

     Thiều Trân




Thu Tha Hương (Nguyễn Cang) & Thu Buồn (Quang Tuấn)





Họa bài THU BUỒN của Quang Tuấn*:
   
   THU THA HƯƠNG Nguyễn Cang
Hiu hắt cành thông nhỏ giọt sầu
"Hoa Vàng Thung Lũng" ngập trời Thu
Mây giăng khắp nẽo, xa tầm mắt
Quạ réo ngoài sân, tận đỉnh đầu
Nhớ mái nhà xưa, lòng rộn rã
Thương người chốn cũ, mộng xanh xao
Chợt nghe khúc hát  buồn ly biệt
Thơ thẩn nhìn Thu biết nói sao?!!
  
       Nguyễn Cang

*Quang Tuấn, nhà thơ, cựu giáo chức, hiệu trưởng Trung học Thủ Đức SG trước 75. Tác giả đã in 3 tập thơ mang chủ đề về Quê hương, Tình yêu, Cõi trần . Thơ văn đăng trong sách "Lưu Dân Thi Thoại" năm 2003, nhà xuất bản Cội Nguồn, hội nhà văn Sanjose.
Bài thơ Đường luật dưới đây, Quang Tuấn làm trong lúc nằm dưỡng bịnh, mang nỗi buồn mênh mông, cô quạnh. NC

                             ********

     THU BUỒN/ Quang Tuấn


Rặng liễu đìu hiu nhỏ lệ sầu
Núi rừng trở giấc đón chào Thu.
Nắng phai nhạt nắng, cây vàng lá
Mây chập chùng mây, núi bạc đầu.
Gợi mối tình xưa, mưa rả rích
Khơi hoài niệm cũ, gió lao xao.
Ôi buồn man mác mùa hiu quạnh
Thơ thẩn nào ai biết tại sao?
  
Quang Tuấn
(Đầu Thu 2015)


Dòng Sông Quê Xưa - nvs.Vũ Thụy



DÒNG SÔNG QUÊ XƯA

Tôi đứng trên bờ sông
Quay đầu về với núi
Bàn tay che loa gọi
Nghe vọng vang tiếng dội
Tên em không thành lời

Tôi đứng trên bờ sông
Nhà Rông trong sương mỏng
Thoáng bóng em ra đồng
Bàn tay làm loa hú
Tiếng hú vào khoảng không

Tôi đứng trên bờ sông
Sau lưng khách sạn lầu
Xây trên nền nhà cũ
Từ đường tôi mất dấu
Tủi hận nào hằn sâu

Gục đầu khóc dòng sông
Nước đục chảy ngập lòng
Dòng sông giờ lạnh lẽo
Như vết sẹo chai lì
Từ nỗi buồn biệt ly!

         nvs.Vũ Thụy




Thu Sầu - Quang Yến

Thương Nhớ Cạn Ngày - Trầm Vân



Thương Nhớ Cạn Ngày

Nhớ thương người đã hết chiều
Tiếng chim hót mỏi lời yêu nồng nàn
Phố buồn gió lỡ sang ngang
Bỏ quên giọt nắng úa vàng thềm bên

Nhớ thương người đã hết đêm
Hồn tôi thao thức nổi chìm vực sâu
Gối chăn xô lệch bờ ngâu
Cơn mưa rưng rức bạc đầu giấc mơ

Nhớ thương người lạnh sông chờ
Con đò trôi ngược bến bờ lạ xa
Đêm tàn khép ánh trăng tà
Thoảng mùi mơ ảo hương hoa quỳnh về

Nhớ thương người đã cạn hè
Phượng hồng rũ cánh tiếng ve rụng buồn
Nỗi sầu lại ghé môi hôn
Công viên ghế đá bồn chồn gọi tên

Nhớ thương người nát con tim
Đành sao chơi cuộc trốn tìm tình đau
Thôi đừng hẹn tới kiếp sau
Tình tôi chết đuối bên cầu trần gian

 Trầm Vân





Thứ Bảy, 29 tháng 8, 2015

Lòng Mẹ - Phương Hà


LÒNG MẸ

Tơ trời ai để lọt qua rây
Từng sợi vây quanh dáng mẹ gầy
Khắc khoải từng đêm nhìn góc bếp
Thẫn thờ mỗi buổi ngóng chân mây
Thương chồng  nguyện ước chưa tròn vẹn
Xót cháu  nồi cơm chẳng được đầy
Sinh kế lo toan, con tứ tán
Bao giờ mới đủ mặt về đây ?!
                   Phương Hà
                ( Mùa Vu Lan 2015 )

Thành ngữ Lạc Cực Sinh Bi - sưu tầm của Huỳnh Hữu Đức

Tôi giới thiệu đến quý bạn về nguồn gốc Lạc cực sinh bi” (樂極生悲)


Thành ngữ Trung Hoa “Lạc cực sinh bi” (樂極生悲) có nghĩa là “Sướng quá hóa khổ”. Câu thành ngữ này xuất hiện đầu tiên trong “Hoạt kê liệt truyện” thuộc bộ “Sử kí” được viết bởi Tư Mã Thiên (khoảng năm 135-86 TCN).

Trong thời kỳ Chiến Quốc (475-221 TCN), các quốc gia trải qua khoảng thời gian yên bình ngắn ngủi.
Vua nước Tề, lúc bấy giờ là Tề Uy Vương lao những cuộc rượu thâu đêm, đến ngày hôm sau, ông vẫn còn quá say đến nỗi không thể lên triều. Tất cả các quan lại trong triều đều rất lo lắng nhưng hầu như rất ít khi can ngăn Ngài từ bỏ chấp trước vào rượu.
Các nước khác liền nhân cơ hội tấn công nước Tề. Vào năm 349 TCN, vua nước Sở đem quân tấn công nước Tề. Quá bất ngờ, vua Tề ngay tức khắc gửi một vị ngoại giao sứ có tài là Thuần Vu Khôn sang cầu cứu quân vương láng giềng – vua Triệu.
Thuần Vu Khôn là một nhà ngoại giao và chính trị gia xuất sắc. Mặc dù thấp bé và không ưa nhìn, nhưng ông được đánh giá cao bởi tài năng và khiến thức về Đạo. Ông mang tới cho vua Triệu nhiều ngọc ngà châu báu.
Vua Triệu nồng nhiệt nhận quà của Thuần Vu và đối xử với ông như thượng khách. Thuần Vu Khôn đàm luận về tình hình của các nước và chia sẻ quan điểm của ông về liên minh Tề Triệu. Ông đã thuyết phục được vua Triệu gửi 10 vạn đại quân tới giúp nước Tề.
Tin tức được lan truyền nhanh chóng. Nghe tin nước Triệu sẽ gửi 10 vạn đại quân giúp nước Tề, vua Sở lệnh cho quân đội rút lui.
Khi đó, vua Tề cảm thấy nhẹ nhõm và rất hài lòng trước sự thành công của Thuần Vu Khôn. Để tỏ lòng biết ơn của mình, vua Tề mở hoàng tiệc vinh danh ông. Các quan lại và các vị chức sắc cao cấp nhất đều được mời đến dự.
Trong bữa tiệc, nhà vua hỏi Thuần Vu Khôn: “Khanh có thể uống được bao nhiêu vò rượu trước khi say?”
Thuần Vu Khôn đáp: “Bẩm, điều này còn tùy, có khi thần mới uống một vò đã say nhưng cũng có khi phải đến mười vò mới say”.
Nhà vua cảm thấy khó hiểu trước câu trả lời của ông và nói lớn: “Quái lạ! Nếu như ngươi uống một vò đã say, làm thế nào ngươi lại uống được hết chín vò còn lại?”
Thuần Vu Khôn trả lời rằng: “Nếu thần uống rượu với bệ hạ và các quan ở đây trước sự chứng kiến của các cận vệ, thần rất lo sợ sẽ gây phiền toái cho bản thân mình dù chỉ uống có một vò rượu. Nhưng nếu thần uống rượu với người dân làng trong lễ mừng vụ mùa, thần sẽ cảm thấy rất hạnh phúc và thoải mái uống hết 8 vò rượu trước khi say.
“Nếu bệ hạ yêu cầu thần cùng thưởng thức rượu ngon với Ngài, thần thấy mình rất vinh dự và để minh chứng cho sự kiên gan bền bỉ của mình, thần sẽ uống hết cả 10 vò rượu. Nhưng bệ hạ thử nghĩ xem, các bậc tiền nhân thường khuyên răn rằng không nên quá lạm dụng rượu, bởi vì cái gì quá nhiều đều sẽ làm mất đi giá trị của nó”.
“Khi uống quá nhiều rượu Bệ hạ sẽ mất đi sự khôn ngoan. Đằng sau của sự vui sướng quá mức sẽ là khổ đau. Bởi vì, ‘sướng quá hóa khổ’. Đó là quy luật của vũ trụ”.
Nghe xong lời khuyên của Thuần Vu Khôn, các viên quan chức đều rất gật đầu đồng thuận. Nhà vua tỉnh ngộ tiếp nhận lời khuyên chân thành. Hiểu được sự si ngốc của mình, Ngài tâm phục khẩu phục, lặng lẽ không nói gì.

Kể từ đó, vua Tề bỏ rượu, chú tâm chăm lo cho vương triều.

Huỳnh Hữu Đức sưu tầm