Thứ Năm, 27 tháng 8, 2015

* Người Chết Còn Linh - Hoàn Đồng


Người Chết Còn Linh                                 
     Truyện ngắn của Hoàn Đồng

Mới ngủ dậy, mụ Cam sai con dâu đi chợ. Hôm nay là ngày giỗ chồng mụ - ông Cẩn. Cả ngày hôm qua, mụ không đi đâu, ở nhà sai mấy đứa cháu nội ngoại vệ sinh nhà cửa, lau chùi, sắp xếp tự khí trên bàn thờ, chưng hoa vào độc bình, chưng trái cây vào “mâm quả bồng”.

Ông Cẩn mất đã hơn bốn mươi năm rồi; năm nào, đến ngày giỗ, mụ cũng có cúng; mâm cỗ đơn giản thôi - một con gà luộc xoáy 2 cánh dựng cái đầu dậy trong một cái dĩa lớn, thêm một dĩa lớn nữa đơm đầy xôi. Cúng xong, chỉ người nhà hưởng lễ; bà con bên nội bên ngoại không mời ai. Mụ cúng để con cháu biết ngày ông mất tích, còn trong lòng, mụ đau buồn lắm, không sung sướng gì mà bày biện. Mụ cứ mường tượng xác thân ông hoặc vùi lấp không được kín đáo ở một nơi nào đó hoặc chó tha quạ rỉa chẳng còn gì và nơi ông nằm xuống chưa hề có ai đến thắp cho một nén nhang.
Năm nay thì khác, mụ đã bàn với dâu, với con, tổ chức thịnh soạn kỵ ông; ngoài bà con thân thuộc, mời thêm một vài vị trong họ, trong làng. Hình thức vừa cúng  kỵ vừa ăn mừng.

Ông Cẩn - chồng mụ - là người cùng làng. Ông mụ lấy nhau lúc còn rất trẻ - ông 20, mụ 18. “Hỏi vợ thì cưới liền tay; chớ để lâu ngày sinh chuyện mất hay”, kinh nghiệm dân gian đã bảo thế mà!
Lúc ấy, tình hình đất nước đang đi vào một khúc quanh. Hiệp định đình chiến Genève chia đôi Việt Nam vừa được ký kết. Cán bộ Việt Minh đang vận động những gia đình có con em đang tuổi thanh thiếu niên tập kết ra Bắc học hành thành tài, đừng ở lại trong Nam mà phải bị bắt lính làm bia đỡ đạn cho giặc. Trai làng nhiều toán lần lượt đã lên đường.
Ông Cẩn mới cưới vợ mà nghĩ đến chuyện phải đi xa thì buồn lắm, bịn rịn, do dự; nhưng nghĩ lại chỉ xa hai năm, tổng tuyển cử thống nhất đất nước rồi về; tối đến sáng ra, thời gian cũng ngắn thôi. Cuối cùng, ông đã đi Bắc theo đợt cuối cùng.
Người ta đi tập kết vì nghĩ rằng miền Bắc sẽ thắng tổng tuyển cử, ngày về, trong tư thế người chiến thắng, sẽ được làng xóm trọng vọng và thế nào cũng có một chức gì đó trong bộ máy nhà nước, ít nhất ở cấp thôn xã, không chừng lên đến cấp huyện, cấp tỉnh. Viễn cảnh tươi hồng đó khiến ông Cẩn mạnh dạn lên đường.
Vượt sông Bến Hải, ra Vĩnh Linh, tới Quảng Bình, toán ông Cẩn – những thanh niên cả đời chưa ra khỏi lũy tre làng -không biết phải đến đâu, trình diện với ai.
Bơ vơ, ăn tiêu hết tiền, họ quay trở lại. May! chỉ còn mấy ngày nữa đóng tuyến thì về đến nhà.

Vợ chồng ông Cẩn mụ Cam được bố mẹ tách hộ ra ở riêng, sinh sống bằng mấy sào đất lúa, mấy thước đất màu do làng quân cấp từ quỹ đất công. Thời trước, mỗi làng tự quản lý lấy ruộng đất do tổ tiên dân làng cùng nhau khai khẩn, khai canh. Ruộng đất ấy là phương tiện giúp dân làng có nơi ăn chốn ở.
Cuộc sống ông Cẩn, mụ Cam tưởng sẽ trôi qua bình lặng, đơn giản như mọi gia đình nông dân từ bao đời nay.
Nào ngờ …
Một thời gian ngắn sau, chính quyền miền Nam tuyển quân, tăng cường lực lượng vũ trang để đối trọng với miền Bắc; ông Cẩn đăng ký vào lính quốc gia.
Đất nước còn hòa bình; đối với người nông dân, đi lính sướng hơn ở nhà nhiều: khỏi lao động vất vả, khỏi chân lấm tay bùn, đến bữa được ăn uống đầy đủ, cuối tháng có lãnh lương, ngoài lương bản thân còn lương vợ lương con.
Ông Cẩn vào lính. Đồn đóng gần nhà; ông có nhiều cơ hội về với mụ; con đẻ năm một - nhiều con thì thêm lương, dại chi mà không đẻ! Dân gian có câu hát trêu:”Mỗi năm một đứa thì sưa. Hai năm ba đứa không sưa không dày.”
Tiếc là hòa bình chưa được bao lâu thì chiến tranh tái diễn, lính xung trận thỉnh thoảng có người chết, xác đưa về quê nhà. May cho ông Cẩn! Do tuổi tương đối lớn, ông được bố trí làm bếp ở hậu cứ. Nguy cơ thương vong, đối với những người lính già như ông, cũng khó xẩy đến.

Tuy nhiên, “chạy trời không khỏi nắng”, tai họa của chiến tranh chẳng chừa một ai.
Đêm hôm ấy, lực lượng giải phóng pháo kích không ngưng nghỉ vào đồn; sáng ra, thường dân chạy lánh nạn đầy đường, tin loan truyền bộ đội và xe tăng từ trên núi đang tràn về. Cấp chỉ huy doanh trại cho lệnh rút chạy.
Cả đơn vị hốt hoảng, vội vàng đến nỗi người lên xe chưa hết mà xe đã nổ máy. Ông Cẩn, do tuổi tác, chậm chạp, bám vào phía sau thùng xe, một chân lên được, một chân còn kéo lê; xe chạy, ông cố níu, xe ra tới đường cái, tăng tốc, ông rơi “chạch” xuống đường, đầu ngã đập vào nền nhựa, ông vùng vẫy mấy cái rồi nằm bất tỉnh … chết. Xe cứ chạy. Cả vùng vào tay quân giải phóng.
Trời mùa hè, nắng oi bức, xác ông ban ngày khô teo, ban đêm sình dậy, ruồi nhặng, ngửi mùi, rủ nhau tới bâu đầy; vài con chó vắng chủ kiếm ăn, ngoặm một miếng thịt đã rữa thối, nuốt cho đỡ đói rồi bỏ đi.
Ổn định xong tình hình, chính quyền giải phóng vận động số dân ở lại không tản cư làm vệ sinh môi trường. Phát hiện xác ông, người ta đào một cái rãnh nhỏ, cạn bên đường, kéo xác ông xuống rồi lấp đất qua loa.

Mụ Cam và các con nhận tin ông Cẩn chết, không lấy được xác. Lãnh tiền tử tuất về, mụ mời thầy chiêu hồn luyện cốt lập mộ cho ông.
Làm thế rồi, tưởng yên mà nào có yên! Mấy chục năm qua, trong giấc ngủ, mụ cứ chiêm bao ông hiện về, quần áo rách rưới, ốm o gầy còm. Nhiều đêm đông lạnh, ông về bảo với mụ lạnh quá; nhiều đêm hè nóng, ông về bảo với mụ khát nước quá. Mụ đi xem bói, thầy bói phán ông chết oan, phải giải oan. Dành dụm được bao nhiêu tiền, mụ nhờ thầy lo lễ.
Giấc ngủ của mụ vẫn chập chờn ác mộng - “tiền mất tật mang.”

Đất nước thống nhất. Đứa con cả của mụ, ngoài làm nông trong hợp tác xã, tranh thủ lúc rảnh rỗi làm thêm nghề đi xe ôm. Anh thường đứng chờ khách ở cổng chợ.
Cách đây hơn năm, một hôm, anh ngồi trên chiếc xe máy, đầu gục xuống ghi-đông, nửa ngủ nửa tỉnh. Anh đậu xe cách các đồng nghiệp khác khoảng 10 mét. Một người đàn ông đến vỗ nhẹ vào lưng anh. Ông này tuổi chừng 60, đầu đội nón cối bộ đội màu ô-liu, chân mang dép cao su, vai choàng cái dây níu cái xách bằng vải bố cứng chứa đồ căng đầy.
- Eng có phải đi xe ôm khôông? Người đàn ông cất tiếng hỏi. Nếu phải, nhờ eng chở tui ra văn phòng Nông Trường Cồn Tiên, chờ tui vào đó có chút việc khoảng nửa giờ, rồi chở tui về thăm quê ở trong xã Hải Thành, huyện Hải Lăng. Đi chừng ấy thì eng cho tui trả mấy đây?
- ÔÔng cho 250,000 đồng. Anh ngẩng đầu dậy, mắt nhắm mắt mở, trả lời gọn lỏn.
- Xe ôm nơi miềng đây lấy đắt dữ hè! Người đàn ông than thở. Tui có hỏi mấy eng đầu nớ, eng mô cũng đòi giá đó. Tui thì hết tiền, trong túi chỉ còn 150,000 đồng.
Đường thì xa, đi bộ không nổi mà tiền không đủ để đi xe ôm, người đàn ông đứng ngẩn ngơ, mặt lộ vẻ thất vọng, buồn… nhìn khách qua lại; tự dưng ông cất tiếng trách móc bâng quơ:
- Đời mình từng mần nhiều việc thiện, người ta nói “Tích thiện phùng thiện” (Gom góp việc lành thì sẽ gặp điều lành), rứa mà sau mấy năm đi kinh tế mới trong Tây Nguyên, chừ có chút việc về thăm quê, gặp ai cũng tính toán thiệt hơn, không có một chút tình cảm với người lỡ bước.
Nghe ông nói vậy, anh xe ôm đinh ninh là ông ấy đang ám chỉ mình, nổi máu tự ái, lớn tiếng:
- ÔÔng nói từng làm việc thiện, việc thiện của ôông là những chi, kể nghe coi! Đời chừ mà còn lên giọng đạo đức. Kinh tế thị trường, cái chi cũng có giá, cứ theo đó mà thi hành. Đạo đức không chừng có ngày chết đói.
Người đàn ông quay mặt qua phía anh xe ôm, nhỏ nhẹ:
- Tui buồn chuyện đời thì tui nói, nói cho hả dạ, chớ tui có dám nói chi tới eng mô! Xin eng thông cảm, đừng vội nóng! Mà eng đã yêu cầu tui kể việc thiện tui đã từng làm, thì tui sẵn sàng nghen! Việc tui làm thì nhiều lắm, chừ tui chỉ kể cho eng nghe một chuyện thôi, thời giờ mô mà kể nhiều. Chuyện này xảy ra ở vùng ni, cũng lâu lắm rồi, không chừng nghe xong, eng lần ra manh mối  giúp người khác tìm ra người thân.
Theo lời ông khách xe ôm, sau năm 1972, tỉnh Quảng Trị thuộc quyền của quân giải phóng; ông ở lại không tản cư vào Nam. Khi tình hình tương đối ổn định, ông tham gia lực lượng Thanh Niên Xung Phong. Một hôm, đội của ông dọn vén đoạn đường nằm trước doanh trại quân cộng hòa trước đây – ông đưa tay chỉ về hướng của đồn lính ngày xưa - tình cờ, khi giẫy cỏ ở mép đường, cuốc của ông đụng phải một bộ xương người, ông moi lên thì thấy lẫn trong hài cốt cái thẻ bài ghi tên HO CAN, có cả số quân và loại máu mà giờ ông đã quên; ông cùng đồng đội, cất bốc cải táng hài cốt ấy qua một gò đất cách đường chừng 100 mét. Trưa lại, sau bữa cơm, thay vì nằm nghỉ giải lao như các đồng đội khác, ông tranh thủ thời gian đi nhặt những tảng đá lớn, những cục gạch nằm rải rác, bưng tới dựng quanh chỗ chôn thành một ngôi mộ tử tế. Sau đó, ông vào Tây nguyên làm ăn. Cứ mỗi dịp về thăm quê, ông đều đến xem tình hình ngôi mộ và hương khói. Đợt này, ông về làm thủ tục giấy tờ để xin hưởng “chế độ” dành cho Thanh Niên Xung Phong; cách đây hai hôm, ông có ghé đó và dành cả buổi ngồi nhổ cỏ dại mọc ràng rịt trên mộ.
Nghe ông kể, anh xe ôm cảm giác như một luồng điện đang chạy qua thân mình từ đầu xuống đến chân tay, anh xe ôm nghĩ đó là mộ ba mình rồi. Ba của anh là Hồ Cẩn, chữ khắc trên thẻ bài không dấu thành HO CAN. Anh nổ máy xe, đến cạnh người đàn ông; với cách xưng hô tình cảm hơn, anh nói hấp tấp trong nhịp thở mạnh:
- Thôi mời bác lên xe, cháu chở bác đi những nơi bác muốn, rồi bác trả cho cháu mấy đó cũng được, mà không trả cũng được; miễn là sau khi bác xong việc, cháu chở bác tới chỉ ngôi mộ đó giúp cháu.
          Xế chiều trong ngày, anh xe ôm đã đến xem ngôi mộ. Mấy hôm sau, chọn được ngày lành giờ tốt, gia đình đi cải táng hài cốt về khu mộ gia đình. Hài cốt chỉ còn một ít xương lớn và cái hộp sọ, quan trọng là cái thẻ bài vẫn còn - chính cái thẻ bài đã tạo niềm tin cho mọi người.

Tháng trước, mụ Cam cùng con cháu quyết định đóng góp tài chính xây lăng. Lăng xây xong, màu sơn tươi rói; dù nằm trên quả đồi chi chít lăng mộ, lăng ông cũng không mấy khó khăn để người đứng xa nhận ra. Hai trụ cổng đắp đôi câu đối lột tả hoàn cảnh của ông, ai đọc cũng cảm động, trầm trồ khen hay:
Những tưởng xác thân vùi hố lạnh,
Nào ngờ bia mộ rạng niềm vui.     
Ngày khánh thành lăng, mụ Cam thoa một chút son lên môi, đánh một chút phấn lên má, bận chiếc áo dài gấm đỏ sẫm phủ lên chiếc quần lụa trắng láng, mụ cứ đi quanh mộ ông, đưa tay xoa tới xoa lui thành mộ, thỉnh thoảng, mụ gục đầu xuống; mấy đứa cháu nội ngoại đến bên mụ, thì thầm hỏi:
- Mệ thương ôông lắm, hả mệ? Mệ nhớ ôông lắm, hả mệ?
Má mụ hồng thêm, tai mụ đỏ lên, hai giọt nước mắt ứa ra, long lanh – mụ vừa e thẹn, vừa cảm động. Mụ bẽn lẽn như con gái đang ngồi với người yêu mà tình cờ bị ai bắt gặp dù mụ đã ở tuổi 80.

11/8/2015 (27/6/Ất Mùi)




Không có nhận xét nào: