Thứ Sáu, 14 tháng 8, 2015

Còn Nhớ Phố Không - Già Làng Y Chang

                                       
                  (Cây xăng Shell gần cầu Dakbla - Kontum)

                   Còn Nhớ Phố Không     
                                  ***
          Đại Úy Ksor Lút, Đại Đội Trưởng ĐĐ Thám Kích đã tử trận vì viên đạn bắn sẻ.  Đại Đội nầy là một trong bốn Đại Đội Thám Kích trực thuộc Bộ Tư Lệnh Biệt Khu 24.  Ông Tư Lệnh kêu tui lên và bảo: "Chú mày viết gấp bài điếu văn cho cố Đại Úy Ksor Lút. Ngày mai an táng theo nghi lễ tử sĩ. Có vậy thôi, về làm đi." 
Tui thưa lớn : "Tuân lệnh!"   Đưa tay lên chào, đàng sau quay và dzọt lẹ ra ngoài mà quên khép cửa lại sau lưng. Cái mà tui bị "dị ứng" đã đến rồi đó. Từ thuở cha sanh mẹ đẻ tới giờ tui có viết điếu văn lần nào đâu.  Đúng là ghét của nào thì trời trao của đó. Làm sao bây giờ? Nếu ổng ra lệnh cho tui viết điếu văn bằng tiếng Thượng thì dễ dàng cho tui quá đi.  Tui có lý do chính đáng để thoái thác. Đằng nầy ổng biểu tui viết tiếng Việt thì tui có chạy đàntrời cũng hổng khỏi nắng được vì lý lịch tui có ghi là "biết đọc biết viết chữ quốc ngữ."  Chỉ có cách nhờ người khác viết giùm mới xong. Mà ai là người có đủ khả năng đáng tin cậy cho tui phó thác cái mạng cùi nầy đây. 
Giáo Sư Hán Việt thì hồi đó tui hổng có quen mống nào cả. Tui dzẫn thích kêu những người dạy TrungHọc ngày cũ là Giáo Sư,
dù rằng ở VN  bây giờ nẫu gọi là Giáo Viên ráo trọi và bên Mỹ họ đều gọi là teachers.  Túm lại, tui khoái kêu nẫu là Giáo Sư thì có sao đâu nà.  (Cho tới mãi sau nầy tui mới có được hân hạnh biết GS Hán Việt Minh Cam vợ anh Võ Gia Minh -"Minh Nheo" có đôi chân mày y hệt hai dấu ngã đậm nét-.Ngôn ngữ của chị Minh Cam đó.  Và một GS Hán Việt nữa thì tui chỉ nghe tên khi nữ sĩ nầy đã chiếm giải "VIẾT VỀ NƯỚC MỸ"do Việt Báo tổ chức.  Cái tên Hạ Vũ nghe như gió thoảng mây bay, mang âm hưởng của nhạc phẩm "EM GÁI XỨ QUẢNG" của nhạc sĩ NgọcThu, dân Kontum chính cống đó.         NS Ngọc Thu còn được bạn bè thân mật gọi là "Thu Lác," là anh của giai nhân "Hàng Cau" trong "PHỐ NHỚ TÊN NGƯỜI" tên H.H. trường Têrêxa, chớ hổng phải giai nhân của
DS Giao là Ngân Hạnh trường Hoàng Đạo gần bên Giọt Nước đâu nghe).
         Thầy Đồ thì kiếm đâu ra vì còn lâu mới tới Tết. Thằng Xít Kèo thì viết tiếng Tàu làm sao mà tui đọc cho được. Thằng Súy "nho chùm" thì suốt ngày nối nghiệp cha lắc trống tum tum, gánh nồi thuốc nhuộm đi lang thang đầu làng cuối xóm để nhuộm cuộc đời vì đời bạc bẽo với nó quá.  Các Cha Cố thì tui thấy trong mấy đám ma mấy ổng giở sách ra đọc toàn tiếng La Tinh không hà.  Chỉ còn mấy ông Sư mới giỏi chữ Hán, thông
chữ Nho mà viết điếu văn thì hết sẩy.  Giờ tui mới yên tâm chọn Thầy nào để "thoát nợ trần ai."  
Thầy mà tui quen thân là Thầy Thích Giải Minh thì ở tận trên Tân Cảnh, Dakto lận. Xa quá sợ hổng kịp giờ. Nếu mà có in-tờ-nét như bây giờ thì tiện biết mấy. Tui bèn chạy ra Chùa Tỉnh Hội năn nỉ Thầy TrụTrì ở đây cứu mạng một phen. Số tui hãy còn hên nên được Thầy tiếp liền hà. Tui lễ phép cúi chào Thầy nhưng chưa kịp mở miệng thì Thầy đã lên tiếng trước :
         -Anh Sự đến viếng Chùa chắc là có chuyện quan trọng?  
         -Dạ... không. Nhưng sao Thầy biết tên con?
         -Thành phố này ai mà không biết anh mới là chuyện lạ.
Tui đâm lo nên hỏi lại Thầy :
         -Chắc là nhiều tai tiếng xấu lắm hả Thầy?
Thầy cười :
         - Làm gì có. Mấy ngày lễ, tôi thấy anh xách máy ảnh chạy lăng xăng... Mà anh đến Chùa có chuyện gì cần vậy?
         -Dạ thưa Thầy. Con đến nhờ Thầy viết giùm bài điếu văn. Ông Tư Lệnh biểu con viết mà con thì dốt chuyện này quá Thầy ơi!
         -Chừng nào lấy?        
         -Dạ ngày mai là lễ an táng rồi Thầy.
         -Vậy sau giờ tụng kinh Ngọ anh trở lại lấy. Tên tuổi người quá cố, anh tự điền vô sau.
Thầy hổng hỏi ai chết, tại sao chết, chết ở đâu v.v... Chuyện sinh tử đối với Thầy đúng là chuyện đương nhiên. Tui mừng húm cám ơn Thầy rồi ra dzìa. Nhưng tui cũng không quên thưa với Thầy rằng:
         -Nếu Thầy viết bằng chữ Phạn thì con chịu chết đó Thầy.
Thầy lắc đầu cười nói dzừa đủ cho tui nghe:
         -Thiệt đúng như lời người ta nói...!
         Buổi an táng theo đúng lễ nghi quân cách.  Bài diếu văn quá hay, quá cảm động làm mọi người ứa lệ. Chính người đọc là Trung Tá Phạm Việt Thành, Trưởng Khối CTCT cũng nghẹn ngào phải ngừng đọc mấy lần... Ông Tư Lệnh vỗ vai tui nói: "Sẽ thưởng cho chú mày sau." 
  Tui ngượng ngùng thưa: "Dạ... bài điếu văn không phải em viết". 
Tư Lệnh nhìn tui nói tiếp: "Không phải thưởng chú mày về chuyện đó. Tụi nó đã đánh chiếm quận Dakto, chú mày lên đó để có bài... xác thực. Chưa đi đường bộ được, ra phi trường theo trực thăng. Nhớ cẩn thận để còn về mà lãnh thưởng." 
    Lời dặn dò của vị Tư Lệnh làm tui nhớ lại những cái chết của các phóng viên chiến trường trước đây dù là báo chí quân đội hay dân sự, dù là người Việt Nam hay ngoại quốc cũng đều thường bị tử thương vì quên rằng mình đang ở giữa lằn tên mũi đạn tại chiến trường thiệt sự. Trong khi quay phim trận mạc, hình ảnh thường bị che khuất bởi nhiều chướng ngại vật nên phóng viên phải nhóng cổ lên đưa máy theo để quay mà quên hết sự đời.  Chỉ một tiếng bùm là xong.  Người chết cũng chưa kịp biết mình chết.  
Theo lời dạy của các anh chị dày kinh nghiệm, tui luôn luôn đội nón sắt và giao cho anh lính đi theo một cái gậy dài khoảng hai thước và dặn dò anh phải luôn ở phía sau lưng tui.  Khi thấy đầu tui nhô lên khỏi chỗ ẩn núp, vừa tầm đạn thì lấy gậy đập mạnh lên nón sắt của tui để tui hụp xuống.  Nhiều lần anh gõ quá mạnh làm tui hết hồn xém quăng máy dzì tưởng đâu mình đã lãnh đủ!
                                     *****
Tôi sẽ không dùng lối viết đùa giỡn như trên để kể lại chuyện thương tâm này: 
         Câu chuyện đã xảy ra ở trại Dak Seang do Đại Đội Địa Phương Quân /Giáo Phái (Hòa Hảo) trấn đóng.  Ông Đại Đội Trưởng là Đại Úy Sảnh, tôi quen mặt vì đã đến tiền đồn đèo heo hút gió nầy nhiều lần. Và cũng đã vài lần "cưa đôi" hũ "Whisky Bà Quẹo," tức là rượu đế Bà Quẹo (Hóc Môn) ngâm rắn, rít, bồ cạp, rễ cây v.v... với ông. 
Người ta đồn rằng lính Hòa Hảo ăn gan, uống mật "vixi", xẻo tai "vixi" ngâm rượu uống thì tôi chưa thấy bao giờ.  Tôi chỉ biết một điều là họ hận thù "vixi" vì Giáo Chủ Huỳnh Phú Sổ
của họ được mời vô bưng họp rồi bị giết luôn.
    Chiếc trực thăng của Mỹ thả toán Special Forces Mỹ, nữ phóng viên người Ả Rập làm cho AP và tôi xuống tiền đồn Dak Seang vào buổi trưa. Mục đích là từ đây chúng tôi sẽ đi theo toán lính "Green Beret" Mỹ tìm xác Đại Úy con trai của vị Tướng Tư Lệnh Sư Đoàn 4 Không Kỵ Mỹ.  Đó là "nhiệm vụ nổi" của mấy người lính mũ xanh này. Ngoài ra họ còn có"nhiệm vụ chìm"-mission impossible-nào khác nữa thì tôi không được biết.
Trực thăng vừa "take off" thì trại bị pháo kích. Tôi không hiểu họ gặp trở ngại gì mà đã pháo chậm đi khoảng một phút. Thường thì khi càng trực thăng chưa chạm đất đã lãnh
pháo liền. Như vậy cho nên mới có cảnh "lạc bầy lẻ bạn" xảy ra trong những lần đổ bộ trực thăng vận.  Đơn vị trưởng và ban chỉ huy vừa nhảy xuống thì bị pháo dập liền nên những chiếc chở cánh quân còn lại phải lạng ra khỏi vùng ảnh hưởng dể tránh đạn. Mà đổ bộ trong lòng địch mới đáng sợ chớ.  Cái cảm giác lẻ loi đơn độc dễ tè này thì phải hỏi "Hắc Báo" Hồ Hữu của Cô Mai Anh (Mười Mai) mới biết rõ ràng hơn.
           Tôi ra dấu cho cô nhà báo Ả Rập lom khom chạy theo tôi xuống hầm chỉ huy.  Vừa thấy mặt, Đại Úy Sảnh hét vào tai tôi:
         -Tụi nó pháo bằng cối 82 ly tức là tiền pháo hậu xung dù là giữa ban ngày đó.
Ông gài nút cái áo cánh vẽ bùa tùm lum. Tui hét lại:
         -Áo giáp thiệt đâu sao ông không mặc mà bận cái áo gì dị hợm vậy? Ông quíu rồi hả?
         -Mặc áo giáp thì bắn không lủng thiệt, mà đạn nó chê áo giáp nên cứ tìm đầu, tìm cổ chui dzô không hà. Mặc áo bùa "cà tha" nầy chắc ăn như bắp. 
Tôi câm miệng lại ngay vì biết là không nên động chạm đến tín ngưỡng của người khác.  Đại Úy Sảnh chụp ống liên hợp máy truyền tin nội bộ dặn dò mấy "thằng em":
         -Tụi nó sẽ tấn công khi dứt pháo. Chờ mồi dzô tầm rồi mới phơ. Nhớ một viên kẹo là một con mồi nghe chưa. Thằng Hai dặn đám "mẽo" cũng phải chờ lệnh.
Rồi ông liền gọi pháo binh :
         -Chuẩn bị sẵn đi.  Khi nào tôi nói "xả láng" thì chơi trên đầu tôi luôn.  Đừng mắc cỡ gì hết nghe mấy cha.
Đại Úy Sảnh hỏi Thượng Sĩ Dậu đang trên máy không lục:
         -Nhận được thơ tình của "Tầm Sét" chưa?
         -Dạ rồi. Có "Mũi Lõ" ăn ké nữa.
         -Ngon lành quá xá rồi. Chuyến nầy lấy ăn.
Nói xong câu nói tự tin đó, Đại Úy Sảnh quay lại bảo tôi :
         -Mầy rành trại nầy quá mà. Còn chờ gì nữa mà hổng dẫn con "ghệ" nầy ra ngoài mần ăn đi. Tụi nó tràn dzô bây giờ đó.
     Tôi khều cô bé Ả Rập rồi chui vào một hang chuột. Từ hầm chỉ huy nầy đều có giao thông hào ra các tuyến. Trên các giao thông hào nầy đều được che bằng những tấm vĩ sắt lỗ "psp", bên trên vĩ sắt là nhiều lớp bao cát.  Trừ phi chúng nó pháo loại đạn "delay" thì mới có thể xuyên qua được, còn các loại đạn chạm nổ thì không ăn nhằm gì hết.
        Ra đến tuyến phòng thủ, tôi gặp ngay mấy anh chàng mũ xanh Mỹ đang trong tư thế sẵn sàng tác chiến. Tôi hỏi người trưởng toán xem ngoài việc chiến đấu tại chỗ, các anh còn giúp gì thêm không? Phi? Pháo? Người trưởng toán mỉm cười trả lời tôi:  "Don't worry. Everything's under control." 
    Lần đầu tiên từ khi nhảy xuống đây tôi mới thấy mặt cô bé Ả Rập tươi sáng hẳn lên. Đôi mắt của cô thiệt to, rất trong xanh và sâu thăm thẳm.  Hai hàng mi dài cong vút. Cái mũi Trung Đông của cô cao và đẹp "nhức nhối."  Môi đỏ thắm không cần bôi son.  Bờ môi dưới hơi trễ xuống như mời gọi. Phải công nhận là cô bé Ả Rập này đẹp "giàng trời mây," đẹp "quỉ kiến sầu" luôn. 
         Đúng như lời tiên đoán của Đại Úy Sảnh, pháo vừa dứt thì người ở đâu trào ra như kiến. Tiếng hô xung phong, tiếng kèn thúc quân, tiếng súng đủ loại từ ngoài bắn vào trại
nổ liên hồi. Trong khi đó quân trú phòng vẫn im lặng, nóng lòng chờ... chờ... và chờ... Rồi lệnh khai hỏa ban ra, quân trú phòng được "xả xú bắp" liền bắn trả dữ dội, khẩu đại liên
30 trước mặt tôi nhả đạn từng tràng, vỏ đạn văng tung tóe.  Trên pháo tháp trung ương trại khẩu đại liên 50 cũng gầm lên từng hồi như sư tử rống.  
      Cô bé nhà báo Ả Rập say sưa thu hình. Tôi biết cô ta đã ghi được những hình ảnh đẹp từ khẩu đại liên đang nhả đạn xuyên qua rào kẽm gai ra tới ngoài...  Xác địch chồng chất lên nhau. Nhưng tôi lại có những hình ảnh đẹp và "tình" hơn nhiều. Tôi quay từ sau cái lưng ong của một nữ phóng viên, qua
khẩu đại liên đang gầm thét dữ dội, xuyên nhiều lớp hàng rào kẽm gai và ra xa... 
     Khói lửa mịt mù, đạn pháo cày tung đất đá. Bom xăng napalm nổ tung tóe lửa cháy ngợp trời. Tôi "lia" ngang máy quay từ trái sang phải, tôi "zoom" máy từ xa đến gần để thấy rõ hơn dãy mìn "claymore" chống biển người đốn ngã những con thiêu thân khát máu đang điên cuồng tấn công trại.  Thình lình tôi thấy mặt nàng chần vần trong ống kính le lưỡi trợn mắt "hù" tôi.  Nàng ra hiệu đổi chỗ, tôi hiểu ý tiến tới phía trước để cho nàng ra sau mà quay.
Tôi tựa máy trên thành bao cát, khom người xuống, tiếp tục quay. Một lúc sau, thời gian đã đủ cho nàng, tôi quay đầu lại định hỏi nàng OK chưa. Thì hởi ôi! Nàng đã buông máy, người bật ngửa về phía sau, mắt trợn trừng. Một viên đạn trúng ngay giữa ngực nàng, máu tuôn ra xối xả.  Tôi vội chạy lại bên anh lính Mỹ thét lớn:  "Medic. Medic." và chỉ tay về phía nàng. Một người xách thùng cấp cứu phóng nhanh lại, đưa ngón tay sờ vào cổ nàng rồi đưa lên mũi nàng và lắc đấu nói với tôi: "Sorry!" 
          Sorry! Chỉ vậy thôi sao? Không còn gì nói thêm được nữa sao? Tôi nghẹn ngào vuốt mắt cho nàng và nói thầm vào tai nàng : "I didn't ask your name. Sorry! Baby!
         Hai người lính y tá Việt Nam đem "băng ca" (brancard) và thuốc men đến nhưng đã trễ! Tôi giúp họ đặt nàng nằm trên băng ca, tôi xếp hai bàn tay nàng lên bụng.  Những ngón tay búp măng đan vào nhau, tôi để máy quay phim, máy ảnh và dụng cụ hành nghề của nàng lên băng ca cùng với nàng.  

 Anh lính đi theo nhắc tôi thu hình nàng, tôi lắc đầu buồn bã. Tôi thừa biết giá trị hiếm quí của hình ảnh này nhưng tôi làm sao khai thác cho được khi tôi đang chìm trong trạng thái chân không... Tôi nhìn lại mặt nàng một lần cuối trước khi tấm poncho tàn nhẫn phủ kín cuộc đời son trẻ và quá ngắn ngủi của nàng. Họ khiêng thân xác và sự nghiệp của nàng vào hầm chỉ huy. Tôi nói lời vĩnh biệt cuối cùng như nói với chính mình : "Rest in peace!" 
         Trận chiến vẫn tiếp diễn ác liệt. Phi pháo yểm trợ tiền đồn thay phiên nhau liên tục bắn không tiếc đạn.  Hỏa châu soi sáng suốt đêm. Nhìn những chiếc dù trái sáng, tôi nhớ đến bản nhạc "Những Đóm Mắt Hỏa Châu" và tôi nhớ thật rõ cặp mắt to trong xanh sâu thẳm tình tứ của cô bé phóng viên trẻ đẹp người Ả Rập đã vĩnh viễn khép lại chiều nay!
                             *****


        Bây giờ thì tui trở lại trạng thái "già làng" như cũ được rồi.  Trực thăng dzừa dáp xuống Bộ Chỉ Huy Trung Đoàn 42, tui phóng thiệt lẹ ra ngoài, chạy một mạch chui xuống hầm trung tâm hành quân.  Gặp Trung Úy Niên, tui hỏi trổng:
"Ra sao rồi ông thầy?" 
Trung Úy Niên hiểu ý liền nói một hơi:"Anh Hòa đã chiếm lại quận Dakto. Tiếng súng vừa ngưng, Trung Tá Lai Văn Chu, Trung Đoàn Trưởng mới ra thị sát chiến trường bằng xe bọc thép Commando Car, ổng mở nắp pháo tháp, đứng lên quan sát
liền bị cắc cù và đã hy sinh ngay khúc quanh dưới chân đồi "TửThần!" 
    Anh Hòa mà Trung Úy Niên nói đã chiếm lại quận Dakto là Thiếu Úy Hồ Hòa chỉ huy Đại Đội Thám Báo được trực thăng vận nhảy trên đầu địch, tiêu diệt tụi nó và chiếm lại quận
đường chẳng khó khăn gì.  Trung Tướng Vĩnh Lộc, Tư Lệnh Quân Đoàn 2 đã gắn lon Đại Úy cho Thiếu Úy Hòa mà hổng cần qua cấp Trung Úy. Như dzậy anh Hòa đã mất dịp làm Trung Úy thiệt là uổng.  Chuyện là dzầy, hồi đó mấy em trao đổi ý kiến với nhau là Chuẩn Úy còn bú "sữa mẹ", Thiếu Úy thì bú "sữa bình", Đại Úy ba bông mai thì hết hai bông rưỡi te tua vì đã có chủ, chỉ có Trung Úy là "not too young, not too old, just right" dzừa đủ lớn nên được xếp làm đối tượng ưu tiên số 1.  Sau nầy anh Hòa làm Thiếu Tá Tiểu Đoàn Trưởng BĐQ tiếng tăm lừng lẫy.  Rể Kontum đó.  Hỏi cô Hà (Thiên Nam Phúc) để biết thêm chi tiết. Tui có gặp lại Hà tại nhà của anh chị Đông+Dư ở Cali.
                                                      ***** 
                       (Cầu Dakbla - Kontum năm 1967)     

  Tui muốn đi dzìa khu nhà đèn rồi xuống "ba toa" chơi nhưng xa vắng lâu ngày quá nên "lụt nghề." Dzì hổng nắm vững tình hình, nên tui hổng dám mạo hiểm xông dzô chỗ "dao búa."  Lò heo mà!  Rủi ro nẫu tưởng tui là heo nọc mà ra tay động dao động thớt thì tui đâu có biết tiếng heo mà kêu cứu!
           Phố đã lên đèn rồi, tui trở lại Hàng Keo. Dãy quán Hàng Keo toàn là những căn nhà dù "kiosque" riêng rẽ liên kế nhau. Quán nào cũng là quán giải khát hết trọi. Nói là quán gỉải khát
nhưng có đủ đồ nhậu ngon, bia và rượu đủ loại chỉ thiếu các "em." Là những quán "rũ sạch bụi đường" cho lính phong trần thì đúng hơn. Tui cũng là lính phong trần nên thường la cà ở dãy quán nầy.  Quán cô Phượng mới có tầm quan sát "nẫu" đạt tiêu chuẩn cho tui hơn. Đặc biệt là cô Phượng luôn luôn dành một chỗ cho "người ngồi đồng" là tui. 
      Trong những quán giải khát nầy có quán Cao Nguyên là "nổi tiếng kách mệnh."  Dĩ nhiên sau nầy tui mới biết. Chủ quán là bậc"trưởng thượng"của một người đẹp tui thân quen. (Người đẹp mà anh Ba Cẩn bầu chọn là hoa hậu phố Lê Thánh Tôn đó). Là "quán nhà", tui có thể ghi sổ dễ dàng, có khi còn được "free" theo qui chế "gia đình kách mệnh" nữa nhưng mà tui lại ít ghé dzô dzì hai lý do: một là quá xa tầm quan sát mục tiêu của tui, hai là lính"lôi hổ"đóng đô ở đó hơi kỹ. Mặc dù đàn anh TSQ"sát nút"của tui là anh Nguyễn Hải Triều làm Trưởng Trại Lôi Hổ B.15 đóng bên kia cầu Dakbla, đầu làng Phương Hòa. Từ  nhà tui phóng tầm mắt qua sông cũng thấy rõ ràng. (Xem hình khách sạn Hoàng Anh Gia Lai cùa đại tỉ phú Đoàn Nguyên Đức bây giờ đã được xây cất trên nền nhà cũ của Ông Sứ Tây, papa con Agnès.  Nhà rầm của tui chỉ cách bởi cây me cổ thụ "Bia Rông" mà tui có đề câp đến trong BÀI KHÔNG ĐỀ TỰA).  Và tui còn có ông anh họ tên Văn Thạch Bích, người làng Phương Nghĩa làm Trại Phó mà tui dzẫn tè mấy ông kẹ "cọp tha" nầy lắm.      
    Có một lần anh Nguyễn Hải Triều biểu tui: "Mầy là phóng viên chiến trường, lại là lính gà nòi TSQ thì mầy phải nhảy theo toán Delta làm phóng sự thì mới đúng chớ."  
   Tui nghĩ bụng nhảy toán lỡ bị tụi nó hốt thì chỉ có nước làm "phóng chung sự" cho nên tui lạnh cẳng lặn sâu luôn. Chưa phải hết đâu nghe. Tui còn có ông huynh trưởng Văn Công Báu Trưởng Trại Lực Lượng Đặc Biệt B12 và ông anh bà con Lê Bình Sanh, dân Phương Nghĩa, gốc gác Thiết Giáp, Chỉ Huy Trưởng Tổng Hành Dinh Bộ Tư Lệnh BK 24 nữa đó. Anh em cựu "lính sữa" tụi tui trừ tui ra thì ai cũng "ngầu" hết há. Ngay thằng Trung "Xì Mầm" em tui cũng lì đòn Trinh Sát
Nhảy Dù nổi tiếng như cồn.  Chỉ có tui thì lui cui xách máy quay phim "ăn theo" các trận chiến lớn nhỏ như Đức Cơ, Plei Me, Đồi 1416, Dak Ka Koi, Dak Seang..."Dak" tùm lum hết.            
             "Sáng Dak Rơ Ta chiều qua Dak Sé       
                  Đêm nay về anh ghé thăm em "
                           (không nhớ tác giả)
Trong tay tui hổng có một người lính nào để lấy oai. Tui đúng là lính "không quân" thứ thiệt!  Tui nhát như thỏ đế! Bởi dzậy cho nên tui chưa đánh mà đã thua cả mặt trận "Hàng Cau" lẫn
"Hàng Keo."
(Xin đọc lại bài "PHỐ NHỚ TÊN NGƯỜI" đã đăng)
         Để đến bây giờ thì tui ngồi tô đi vẽ lại vì sao đã tắt...
                Bầu trời muôn triệu vì sao
                Nam Tào, Bắc Đẩu khi nào gần nhau
                Sao em đẹp ánh tinh cầu
                Sao anh lạc cõi nhiệm mầu bao la
                Sông Ngân chảy tận cùng xa
                Ngàn năm ánh sáng cũng là chiêm bao
                Nhiều đêm lặng ngắm trời cao
                Anh tìm vẽ lại ngôi sao tắt rồi!
                                                                                                                                                       (thơ nvs)
  
         Từ bên dãy quán Hàng Keo nhìn qua bên kia đường là tiệm Thu Tâm, mì Quảng Châu, nhà thằng bạn tên Tâm (con  Ông Khuyến) làm quan ba thông ngôn, tiệm thuốc tây Huỳnh Công Hảo có chị em Tuyết Sương, tới phòng mạch Bác Sĩ Trương Cao Thạchnhà bà Hường có chị Nguyện, có ông thần Dương Xuân Long (Lô), Tôn Thất Sinh lái H.34. Trên phố Lê Thánh Tôn ngoài Sinh ra còn có Lê Đình Lay C.130, Nguyễn Ngọc Anh C.130, Huỳnh Hữu Thu H.34 và Hạm Trưởng
Nõ Thần Tống Phước Hải, anh của nàng Tống Kinh Minh. Phương Nghĩa có Trần Đình Thiệt lái Khu Trục, Nguyễn Hương C.47. Võ Lâm có Nguyễn Đăng Lưu L.19.  Tân Hương có Tuấn Michel tức là Tuấn "Sên" (anh của cô Simone) lái F.5. Còn tui thì lái... "velosolex" cà rịch cà tang èo uột nhứt xứ " măng le muối é."
            Nếu tui nhớ hổng lầm thì sát nách Chùa Trùng Khánh làng Trung Lương là nhà Cậu Ba Cẩn, bồ ruột của Cô 5 Phương Hướng và cũng là anh ruột của cô bé "lái phi công" H.34.  Đối diện với nhà Cậu Ba Cẩn là nhà Bác Thậm, thân phụ Dược Sĩ kiêm Nhạc Sĩ Huỳnh Trọng Tâm, cô "đầm" Thanh Lý, "nhỏ mọi kontum gốc Huệ" và... còn nữa hổng nhớ hết.
        Trước khi tới Chùa Trùng Khánh có con lộ tráng nhựa khá rộng. Quẹo phải trên con đường nầy đi dzìa hướng Bắc sẽ gặp nhà chị Lan, nhà Thu Lài, thằng Trần Tán Xuất (em Y Vân) cũng ở đây, kế bên là nhà cô Hồng con Bác Phu có xe be và trại cưa. Cũng một đôi lần tui mon men đến "cạy vỏ cây" nhưng không thành. Thằng Xuất xúi tui: "Nhào dzô đi mày, không thành công thì thành nhân, không thành nhân thì cũng thành... phân mà." 
    Nhà thằng Trịnh Anh Tuấn hát rất hay ở khu nầy. Phải hông Cẩm Nên? Tiếp tục đi thẳng thì sẽ thấy Ty Công Chánh, Dân Y ViệnTy Thú Y, Trại Chiêu Hồi bên tay trái, bên phải đường là MACV của Mỹ, khu nghĩa trang Q.Đ.  
     Chịu chơi thì đi cho đến làng Võ Định mới thấy cô thôn nữ đẹp như tranh tên Trung, em anh Tánh làm ở Ty Thông Tin. Anh Tánh có biệt tài "chuyên trị" về tiếng Thượng.  Vùng lãnh thổ Kontum có tất cả là 12 sắc dân Thượng và nói nhiều thổ ngữ khác nhau. Ngay chính người Thượng mà khác sắc tộc
cũng hổng hiểu nhau nữa.  Dzậy mà anh Tánh thông thạo hết. Tiếng Thượng nào mà có chữ viết, ảnh cũng thảo giùm truyền đơn dân vận luôn nữa đó. Tui phục anh Tánh sát đất. 
            Rồi tới làng Ngô Trang, làng Trí Đạo.  Đi mút chỉ cà tha thì lên Tân Cảnh, Dakto, Daksut, Dakpek... Con đường nầy có thể dẫn đến Quảng Nam. Mặt khác, phía cực Đông đầu phi trường Kontum là con đường qua Dinh Điền, Mang Buk, Kon Braih, Mang Đen (Plateau GI), Kon Plong, Gia Vực, Mộ Đức, Ba Tơ... ra đến Quảng Ngãi.
             Con đường từ Kontum đi dzìa hướng Tây-Bắc đến Tân Cảnh thì hồi đó tui một mình một ngựa lái xe jeep lên xuống đều chi hổng biết sợ là gì. Còn đường từ Kontum đi hướng Đông-Bắc ra đến Quảng Ngãi thì..."em hổng dám đâu." Lạnh mỏ ác lắm!
       Chiếc xe jeep người ta giao cho tui thấy bắt thảm. Xe hổng có mui,  kính chắn gió phía trước có mấy lỗ đạn xuyên thủng làm mặt kiếng nứt nẻ rằn rện hầu hết phía bên tài xế. (Có lẽ là bác tái trước đây đã không còn nữa). Kiếng trước của xe nào cũng dzậy, dù xe dân sự người ta đều làm kiếng hai lớp, giữa hai lớp kiếng là lớp nhựa dẻo và trong có tác dụng giữ cho mặt kiếng khỏi bị nát vụn.  Nếu hổng có lớp nhựa nầy thì chỉ cần một viên sỏi nhỏ văng trúng lúc xe đang dzọt cũng đủ làm cho kiếng bể nát và những người ngồi ghế trước thì rỗ mặt như té dzô thùng đinh. Mỗi lần ngồi lên lái xe, nhìn mấy lỗ đạn mà tui ớn lạnh. Tui bèn hạ nó nằm xuống để khỏi bị ám ảnh. Tui
còn lấy bao cát dằn hết sàn xe cho khỏi "nhột mông" dzì sợ cán trúng mìn. Nệm xe thì ghế tài xế còn lành chớ các ghế khác trước sau gì cũng rách beng, những cái lò xo tổ chảng được dịp vùng lên thách thức bàn tọa người đời.  
      Dzậy mà xe jeep của tui cũng được hân hạnh đón rước nữ ca sĩ Kim Loan từ phi trường dzìa Thành Dakpha hát ủy lạo cho lính tráng tụi tui.  Dzừa thấy Kim Loan ló dầu ra khỏi cửa máy bay quân sự C.47, tui liền lái xe rề lại sát cầu thang mà quên đi những cái lò xo đang chờ trả thù dzì đã bị áp bức lâu ngày.  "Ở đâu có áp bức thì ở đó có đấu tranh" mà ta. 
Đến khi Kim Loan định ghé ngồi mới phát giác ra mấy cái lò xo ngất ngưởng sừng sỏ trêu ngươi cách mạng. Nàng nhìn tui cười nói: "Anh chơi tui hén."  Tui giựt mình bối rối, lấy đại cái mũ đi rừng của Biệt Cách Dù tui đang đội chụp lên mấy cái lò xo rồi mời nàng an tọa. Nàng lại cười :
         -Dzậy đâu có được nà.
         -Sao không được. Còn sợ nhột... hả
         -Nón anh có gắn lon.
         -Lon giả đó mà.
         -Lon giả cũng là lon.          
Nàng cầm nón đội lên đầu rồi ngồi trên lò xo!  Tui xót xa liếc thấy nàng kín đáo nhăn mặt.  Mỗi lần xe giằn thì lò xo nhún nhẩy dzui mừng như đấu tranh thắng lợi.  Trong khi Kim Loan thì đau khổ còn hơn là bị bịnh trĩ. Còn tui thì hiểu biết thêm được một điều là khi "hạ cấp" bị bầm dập thì "thượng cấp" cũng phải nhíu mày nhăn mặt xít xoa!  Cũng may là đoạn đường chiến binh mà tui bắt Kim Loan phải vượt qua từ phi trường dzìa đơn vị hổng xa bao nhiêu.
     Khi còn ở Florida, tui có gọi qua Đức thăm Kim Loan.  Nàng còn nhắc lại chuyện trớ trêu nầy và đi đến kết luận: "Tui biết hồi đó anh chơi tui mà."
     
        Thiệt là "oan ơi ông Địa."  Tôi có chơi cổ hồi nào đâu cà!
                     
               Già Làng Y CHANG



Không có nhận xét nào: