Thứ Bảy, 8 tháng 8, 2015

Túc Hoa Âm Tự (Nguyễn Trung Ngạn) và các bài dịch của thi hữu Vườn Thơ Thẫn & Giai thoại về Phong Kiều Dạ Bạc


                          
     
             TÚC HOA ÂM TỰ
   Nguyên tác: Nguyễn Trung Ngạn
Bản dịch: Mailoc, Chân Diện Mục, Phương Hà, Đỗ Chiêu Đức.

     Xin chuyển đến bạn thơ một bài thơ của Nguyễn trung Ngạn, một bài thơ mang sắc thái thiền khiến lòng tôi vô cùng cảm khái.
            Nguyễn trung Ngạn (1289-1370) tự là Bang Trực, hiệu Giới Hiên, người làng Thổ Hoàng, huyện Thiên Thi, tỉnh Hưng Yên. Năm 16 tuổi đỗ Hoàng Giáp đời vua Trần Anh Tôn ( cùng khoá với Mạc đỉnh Chi ), làm quan tới chức Đại Hành Khiển Tước Thân Quốc Công, thọ 82 tuổi.
                                                           Thân kính
                                                             Mailoc

    Túc Hoa Âm tự
 (Nguyễn Trung Ngạn) 

  宿花陰寺
偶徬招提宿,
僧留半榻分。
石泉朝汲水,
紙帳夜眠雲。
松子臨窗墜,
猿聲隔岸聞。
粥魚敲夢醒,
花雨落繽紛。

       Túc Hoa Âm tự
  Ngẫu bạng chiêu đề túc,
 Tăng lưu bán tháp phân.
 Thạch tuyền triêu cấp thuỷ,
 Chỉ trướng dạ miên vân.
 Tùng tử lâm song truỵ,
 Viên thanh cách ngạn văn.
 Chúc ngư sao mộng tỉnh,
 Hoa vũ lạc tân phân.
 
  Dịch Nghĩa :
 Ngẫu nhiên vào ngủ đêm trong chùa
 Sư dành cho nửa giường
 Sáng ra đi múc nước ở suối đá ,
Đêm ngủ với mây trong trướng giấy .
 Qủa thông rụng trước cửa sổ ,
Tiếng vượn bên kia sông .
 Mõ chùa khua tỉnh giấc mộng ,
 Mưa hoa rơi xuống tơi bời.  

 --Bản dịch của Mailoc—
 
     Trọ tại chùa Hoa Âm
 
 Ghé trọ chùa tình cờ đêm tối
 Sư nhượng cho nửa gối chăn giường .
 Sáng ra múc nước suối nguồn
Đêm về trong trướng mây vương ngủ vùi .
 Ngoài song cửa thong rơi một trái
 Vượn gọi bầy vẳng lại bên sông .
 Mõ chùa lay tỉnh giấc nồng
 Từ đâu tan tác mưa bông rợp trời
                     Mailoc


       GHÉ NGỦ CHÙA

  Ngẫu nhiên ngủ nhờ chùa vắng
Sư nhường nửa chõng tre nằm
Sáng ra múc nước suối đá
Đêm nằm mượn mây thay màn
Trái tùng vào song cũng thích
Vượn kêu bờ suối inh vang
Sáng ra giật mình tỉnh mộng
Quanh mình mưa bụi mênh mang
         C.D.M.   

TRỌ ĐÊM TẠI CHÙA

Ngẫu nhiên được trọ lại trong chùa
Chia với sư già chiếc chõng thưa
Nước suối trong veo khua thỏa thích
Phòng mây ấm áp ngủ say sưa
Thông rơi lộp độp ngoài song cửa
Vượn hót véo von cách khoảng bờ
Tiếng mõ vang đều xua giấc mộng
Rào rào hoa rụng xuống như mưa.
             Phương Hà (Lộc Mai)
             
   ĐÊM TRỌ CHÙA HOA ÂM

            Tình cờ tá túc Hoa Âm,
            Sư chia một nửa giường nằm qua đêm.
            Nước trong suối đá êm êm,
            Màn mây trướng giấy êm đềm giấc mơ.
            Ngoài song tùng rụng ơ hờ,
            Cách bờ vượn hú ngẩn ngơ khách chùa.
            Giật mình tiếng mỏ sáng khua,
            Tơi bời hoa rụng như mưa trước thềm !

                                Đỗ Chiêu Đức.

         Về bài thơ PHONG KIỀU DẠ BẠC của Trương Kế, vì là bài thơ nổi tiếng nên có rất nhiều huyền thoại vây quanh như bạn đã thắc mắc là có SẦU MIÊN SƠN không? Sự thật thì không có Sầu Miên Sơn đâu, mà có tới 2 cây cầu trong câu thơ số 2 nầy :
         Giang phong ngư hỏa đối sầu miên.
là tên của 2 cây cầu : GIANG KIỀU và PHONG KIỀU nằm đối diện nhau như chìm trong giấc cô miên, chứ không có núi Sầu Miên nào cả!
         Về câu thơ chót: "Dạ bán chung thinh đáo khách thuyền" cũng có một truyền thuyết giai thoại như sau :

         Theo truyền thuyết, khi làm xong 2 câu đầu của bài "Phong Kiều Dạ Bạc" nầy là:

      Nguyệt lạc, ô đề, sương mãn thiên       月落乌啼霜满天
      Giang phong, ngư hỏa, đối sầu miên     江枫魚火對愁眠

thì nhà thơ Trương Kế của ta bí lối, bí vần, bí xà lù... không biết phải làm tiếp 2 câu kế như thế nào, nên cứ trằn trọc mãi, không ngủ được. Thời may, từ đâu vọng đến tiếng chuông chùa trên núi Hàn San gần đấy, làm cho ông xúc cảnh sinh tình mà hạ nốt 2 câu chót rất bất hủ là :

      Cô Tô thành ngoại, Hàn San tự                姑蘇城外寒山寺
      Dạ bán chung thinh đáo khách thuyền.     夜半锺聲到客船

Tiếng chuông vừa khuấy động không gian tĩnh mịch của đêm thanh, vừa như cảm thông với người lữ thứ cô đơn mà vọng đến để an ủi, vỗ về... Nhưng, tại sao giữa đêm khuya (dạ bán: là nửa đêm) lại có tiếng chuông chùa vọng đến thế kia? Thường thì rựng sáng chùa mới có hồi chuông công phu, sao chùa Hàn San lại công phu giữa đêm.  À, thì ra lại có một câu chuyện giai thoại văn chương như thế nầy:

           Tương truyền, đêm hôm ấy, khoảng mùng 3, mùng 4 gì đó, nên vành trăng non đầu tháng treo lơ lửng trên không, khiến cho Sư Cụ trong chùa ngắm trăng rồi xúc động mà ngâm thành 2 câu thơ sau :

   Nhất phiến ngọc hồ phân lưỡng đoạn     一片玉弧分两段
   Bán trầm thủy để, bán phù không            半沉水底半浮空

       Có nghĩa: Một cây cung bằng ngọc, được chia ra làm 2 đoạn. Một nửa chìm dưới đáy nước, một nửa nổi ở trên không trung. Ý thơ hay quá, vì 2 mảnh trăng lưỡi liềm, một trên trời, một dưới nước, nếu ráp lại với nhau thì như là một vành cung bằng ngọc.
          Nhưng, khổ nỗi, là thầy cũng không tìm ra được 2 câu nối để hoàn tất bài thơ Thất Ngôn Tứ Tuyệt. Nên chi, thầy không ngủ được, thao thức mãi mới bật dậy đi quanh chùa, tình cờ thầy gặp một chú Tiểu cũng đang thơ thẩn cạnh hồ sen.  Sau phút ngạc nhiên, hỏi ra, thì ra chú Tiểu ta cũng thấy trăng non mà xúc động nên làm ra 2 câu thơ, và cũng không tìm được 2 câu nối, nên cũng không ngủ được mà còn thơ thẫn ở đây.  Quả là sự ngẫu nhiên trùng hợp.  Sư Cụ mới bảo chú Tiểu đọc ra 2 câu thơ đó xem sao, thì cũng vừa vặn ráp với 2 câu của Sư Cụ thành một bài Tứ Tuyệt như sau:

    Sơ tam sơ tứ nguyệt mông lung,            初三初四月朦朧
    Bán tự ngân câu, bán tự cung                半似银钩半似弓
    Nhất phiến ngọc hồ phân lưỡng đoạn,   一片玉弧分两段
    Bán trầm thủy để, bán phù không.         半沉水底半浮空

         Hay quá, lại vừa đúng niêm luật, lại vừa đúng vận, thành một bài thơ Thất Ngôn Tứ Tuyệt toàn bích.  Sư Cụ mới bảo với chú Tiểu là: Không biết sau nầy thầy trò ta có cùng tu thành chánh quả hay không, chứ hiện nay thì thầy trò ta đã cùng gặp nhau trong văn chương rồi, âu đây cũng là ý của Phật Tổ chứng chiếu, vậy thì con hãy vào nấu nước pha trà, để thầy trò ta cùng tạ ơn Phật Tổ. Chú Tiểu vâng lời thầy, nên sau khi thắp nhang cúng Phật, mới có tiếng chuông chùa nửa đêm vọng xuống thuyền của Trương Kế, để nhà nhơ hoàn tất bài thơ bất hủ "Phong Kiều Dạ Bạc" là thế! (楓橋夜泊 Đêm ghé thuyền ở bến Phong Kiều ).

      Sau đây là bài thơ diễn nôm của nhà thơ Tản Đà như sau :

                           Trăng tà, tiếng quạ kêu sương
                     Lửa chài, cây bến, sầu vương giấc hồ
                           Thuyền ai đậu bến Cô Tô,
                     Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn San.

Và sau đây là bài diễn nôm của Đỗ Chiêu Đức:

                     Trăng tà lạnh, tiếng quạ kêu sương xuống
                     Giấc sầu miên, sông vắng, đối lửa chài
                     Chùa Hàn San ngoại thành Cô Tô ấy
                     Nửa đêm buồn, chuông vẳng đến thuyền ai!
           Giai thoại trên đây có thể do người đời sau đặt ra để tô điểm thêm cho bài thơ càng huyền hoặc và hấp dẫn hơn, đồng thời cũng giải thích cho việc tại sao lúc nửa đêm lại có tiếng chuông chùa công phu bất chợt, nhưng dù sao thì chúng ta cũng được thưởng thức thêm một, bài thơ hay nữa, cũng tốt thôi...

        Nhưng theo Canh Hề Thi Thoại thì giải thích như sau: " 庚溪诗话 " 解釋說:“然余昔官姑苏,每三鼓尽,四鼓初,即诸寺钟皆鸣,想自唐时已然也。后观于鹄诗云:‘定知别后家中伴,遥听缑山半夜钟。"Xưa ta làm quan ở Cô Tô, hễ cứ mỗi sau trống canh ba, đầu canh tư, thì tất cả các chùa đều đồng thanh gióng chuông đêm.  Sau đọc được thơ của VU HỘC là: Định tri biệt hậu gia trung bạn, Dao thính Hầu sơn bán dạ chung."   Có nghĩa:
                           Bạn nhà sau buổi chia tay,
                   Nửa đêm xa vọng chuông ngoài Hầu san.

                                  Đỗ Chiêu Đức                                       




Không có nhận xét nào: