Thứ Bảy, 22 tháng 8, 2015

* Học Hán Văn; Một Cách Góp Phần Làm Tiếng Việt Chuẩn Xác - Hoàng Đằng

Học Hán văn:
Một cách góp phần làm tiếng Việt chuẩn xác
Gần đây, đây đó, việc sử dụng tiếng Việt, viết chữ Việt có phần thiếu chuẩn xác. Nhiều học giả đã lên tiếng về vấn đề này. Họ muốn tiếng Việt phải trong sáng, chữ Việt phải được chuẩn hóa.
Từ mong muốn ấy, có vị đưa ra ý kiến nên đưa vào chương trình trung học mỗi tuần một hay hai tiết dạy chữ Hán – chữ cổ của người Trung Hoa đọc âm theo kiểu Việt Nam (1).
Trong tiếng Việt, có từ ngữ thuần Việt, có từ ngữ vay mượn; vay mượn ở đâu? Vay mượn từ kho ngôn ngữ những nước quanh nước ta hay có giao lưu, tiếp xúc với nước ta.
Trong phần vay mượn ấy, từ ngữ Hán-Việt chiếm số lượng khá lớn – một số học giả cho là đến 70% . Cũng không có chi lạ, nước ta ở gần nước Trung Hoa, lại bị họ đô hộ cả ngàn năm. Có điều may là trong khi vay mượn, ta phát âm theo kiểu của ta, khác đi – chữ Hán mà âm Việt; có lẽ nhờ thế, ta vẫn là ta, không bị đồng hóa và nước ta đến nay vẫn còn.
Nguyên do phát âm khác biệt ấy là một đề tài cần nghiên cứu, không biết có ai làm chưa.
Cũng vì từ ngữ Hán – Việt dùng nhiều, việc học Hán văn là cần thiết. Không học, không có kiến thức về từ Hán – Việt, chúng ta sử dụng tiếng Việt dễ lầm lẫn, dùng từ không chính xác; Việt ngữ sẽ lộn xộn, thiếu chuẩn mực.
Ngôn ngữ nào không chuẩn thì dẫn đến nhiều rắc rối. Có khi một văn bản hiểu cách này cũng được, cách khác cũng được; ngôn ngữ không chuẩn người trong nước học đã khó, mà người nước ngoài, khi cần, muốn học lại càng khó hơn.
Lại thêm, trong suốt thời kỳ độc lập kể từ năm 939 – năm Ngô Quyền giành lại chủ quyền từ tay nhà Hán – đến năm 1945 – năm kết thúc chế độ quân chủ, văn tự chính thức của ta là chữ Hán–Việt (2). Hán văn được dùng phổ biến trong hành chính, ngoại giao, lễ nghi, giáo dục, văn học, lịch sử… Sách vở viết bằng chữ Hán của ông cha ta khá nhiều: từ những pho sách trong triều đình, qua những trước tác văn thơ của các nho sĩ, đến những văn bản ruộng đất nhà cửa của dân gian. Để hiểu kho tàng văn hóa xưa ấy, việc dạy và học Hán văn phải được kế tục, nếu không, những thế hệ đến sau phần nào bị cắt đứt với quá khứ trong dòng chảy lịch sử văn hóa.
Dưới thời Pháp thuộc, giáo dục Hán học bị bỏ chính thức sau những khoa thi cuối cùng: Ở Nam kỳ, khoa thi Hương cuối cùng vào năm 1864, ở Bắc kỳ, khoa thi Hương cuối cùng vào năm 1915 và ở Trung kỳ khoa thi Hương cuối cùng vào năm 1918, khoa thi Hội cuối cùng vào năm 1919.
Các trường Pháp Việt mở ra để thay thế nền giáo dục Hán học.
Dù vậy, vào giai đoạn đầu chương trình bậc tiểu học và bậc trung học có bố trí giờ Hán văn, và môn Hán văn có đưa vào kỳ thi tốt nghiệp cuối cấp Thầy dạy là các cụ khoa bảng (có đậu đạt ở thi Hương, thậm chí ở thi Hội) được học thêm tiếng Pháp và sư phạm. Những ai có đi học trong thời Pháp thuộc đều, nhiều ít, có vốn Hán văn.
Tiếc là việc dạy và học Hán văn bị bỏ dần sau đó: Ở Nam kỳ, bỏ từ năm 1913; sau năm 1945, ở Trung kỳ và Bắc kỳ, chương trình giáo dục trong vùng Việt Minh còn dạy Hán văn, nhưng nơi có nơi không; sau năm 1950 mới bỏ hẳn.  Riêng ở vùng Quốc Gia, chương trình học vẫn còn môn Hán văn.
Thay chân các bậc khoa bảng già yếu, thầy dạy là những nhà giáo Tây học lớn tuổi.  Những vị này,  trước khi theo Pháp học, đều đã học Hán văn, có trình độ khá. Học sinh chỉ học Hán Văn cho biết thôi, chứ không phải bắt buộc thi môn Hán văn khi tốt nghiệp cấp học (3). Đến lượt những nhà giáo cao niên ấy, do tuổi tác, không dạy được nữa, ở miền Nam, thời Việt Nam Cộng Hòa, việc dạy và học Hán văn  có chuẩn bị để duy trì.
Chính phủ thành lập Viện Hán Học ở Huế kể từ năm 1959 mà mục đích chính là đào tạo thầy dạy Hán văn. Bất hạnh là dự án không thành, vì sau năm 1963, miền Nam lâm vào tình trạng rối rắm chính trị, cộng thêm những người lãnh đạo quốc gia kế nhiệm muốn đoạn tuyệt với mỹ ý và việc làm của người tiền nhiệm là Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Viện Hán Học phải đóng cửa hè 1965. Việc dạy và học Hán văn ở cấp trung học bỏ luôn.
Bây giờ, người viết bài này sống trong cộng đồng và nhận thấy rằng dân ta đa số còn nghiện dùng Hán văn – nghiện là thích dùng mà không hiểu chi hết.
Một người mới làm xong nhà, muốn viết mấy chữ trang hoàng trên bàn thờ; được hỏi ưa viết bằng chữ quốc ngữ hay chữ Hán, anh ta trả lời không chút do dự: ưa viết bằng chữ Hán; được hỏi vì sao? Anh ta trả lời: vì chữ Hán có dáng vẻ tôn nghiêm (!!!). Các “thầy phù thủy”, “thầy chùa”, “thầy tư văn gia lễ” vẫn dùng Hán Văn trong việc cúng, tế; thầy nào dùng chữ quốc ngữ thì ít được khách mời. Các công trình thờ tự như đình, chùa, miếu, đền …, dù mới được xây dựng, chứ không phải từ xưa còn lại, đa phần vẫn sử dụng Hán Văn ở liễn đối, hoành phi…
Nực cười là do không có trình độ Hán Văn, người ta nói, viết tùy tiện! Câu, bài khó hiểu; lại thêm, nhiều lúc nghĩa muốn nói là lành mà do từ sử dụng, nghĩa chuyển sang dữ, lạc lõng. Người viết bài này đã từng thấy trên nhiều thiếp cưới của nhà trai mà in: “ … lễ vu quy của con chúng tôi …” – trong khi nghĩa của “vu quy” là về nhà chồng. Trong lễ cúng ở một đám ma, người viết bài này từng nghe ông thầy cúng (!!!) đọc "CHUYỂN HỌA VI TỨ PHƯƠNG" (chuyển việc họa ra bốn phương), vô lý quá! Thật ra là thế này: Nguyên gốc bài văn cúng có mấy câu: “ … Biến hung vi cát. Chuyển họa vi tường. Tứ phương bát hướng chi chủ…” (cầu nguyện Thần Linh chuyển việc xấu thành tốt, chuyển việc họa thành may vì Thần Linh làm chủ cả bốn phương tám hướng). Do không hiểu nghĩa, qua thời gian, "tam sao thất bổn", người thầy cúng quên một vài từ rồi đành để sót và đọc kỳ quặc như thế.
Bây giờ, người ta đang đưa ra đề án gọi em lớp trưởng một lớp tiểu học là “chủ tịch”; trên các phương tiện thông tin đại chúng, người ta dùng từ “tư lệnh” để chỉ Bộ Trưởng Giáo Dục, Bộ Trưởng Y tế… Ông Tổng Giám Đốc tới nơi xem xét, đốc thúc việc xây dựng một công trình thì dùng từ "thân chinh."  Ông A. bà B. uống thuốc độc tự vẫn (tự vẫn: tự cứa cổ mà chết). Hai Bà Trưng nhảy xuống sông tự ải (tự ải: tự treo cổ mà chết). Dùng từ “dao to búa lớn” như thế, người ta tưởng hay; thật ra, không thích hợp, khiến tiếng Việt mất đi sự trong sáng, tinh tế.  Lỗi đó một phần do không có kiến thức về Hán văn.
Đề xuất đưa một ít tiết dạy Hán Văn vào chương trình giáo dục nhằm hạn chế những sai trái trong việc sử dụng Việt Ngữ là thiện ý. Tuy nhiên, do bị hiểu lầm, đề xuất ấy vấp khá nhiều chống đối. Chẳng hạn, ở hội thảo: “Phát triển và giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt trong thời kỳ hội nhập quốc tế hiện nay” tổ chức ngày 18/6/2010 tại Sài Gòn, PGS.TS. Đoàn Lê Giang  góp bài tham luận: “Cần khôi phục việc dạy chữ Hán trong nhà trường”, bài tham luận đã nhận được, ngoài những nhận xét góp ý theo hướng tích cực xây dựng, không ít lời châm chọc như “Ông thích học thì học một mình và qua Tầu mà ở …” (Lời của Căm Tàu), “Tiếng kêu lạc lõng của những người lỡ học chữ Hán làm nghề kiếm cơm …” (Lời của Võ Văn Tạo) …(3)  
Lý do nghĩ xấu cũng dễ hiểu thôi! Chính sách và việc làm của chính quyền Trung Quốc hiện giờ không tốt với Việt Nam, khiến cho đa số dân ta luôn ở trong tình trạng cảnh giác. Dân ta không còn thiện cảm với bất cứ cái gì liên quan đến Trung Quốc hay từ Trung Quốc đến; thành thử, thiện ý của những người đề xuất đem Hán Văn vào dạy ở trường học bị nghi ngờ. Sự nghi ngờ dựa trên cảm tính chứ không dựa trên sự suy xét kỹ lưỡng.
Không xa nước ta lắm, Hàn quốc, Nhật Bản – những nước xưa kia nằm trong vòng ảnh hưởng của Hán học như nước ta – đang dạy Hán văn trong chương trình giáo dục của họ.
Hãy biết cho rằng dạy và học Hán Văn không phải là theo phe nhà cầm quyền hiện thời Trung Quốc, dạy Hán Văn để giúp hiểu phần quá khứ của Việt Nam và tạo điều kiện cho Việt ngữ trong sáng, chuẩn xác.
Và  hãy biết cho rằng học tiếng Trung cũng không phải theo phe nhà cầm quyền Trung Quốc hiện thời. Hơn tỉ người trên trái đất này đang nói tiếng Trung, học tiếng Trung chỉ để giúp ta có thêm phương tiện bước ra thế giới.

        Hoàng Đằng
(Cựu sinh viên khóa 2 (1960-1965) Viện Hán Hoc Huế)
17/8/2015  (04/7/Ất Mùi)
(1) Bài “Cần khẩn trương khôi phục việc dạy chữ Hán trong nhà trường phổ thông” của GS. Nguyễn Đình Chú và bài “Cần khôi phục việc dạy chữ Hán trong nhà trường” của PGS. Đoàn Lê Giang.
(2) Theo Trần Bích San, chữ Pháp hoặc chữ Quốc Ngữ đã thay chữ Hán trong giao dịch của chính quyền Nam triều từ 1932.
(3) BàiViệc dạy chữ Hán trong nhà trường phổ thông ở nước ta trước năm 1945” – www.bachkhoatrithuc.vn; bài “Nho học và giáo dục công lập thuộc Pháp thời kì 1867 – 1917 của Trần thị Thanh Thanh; bài “Thi cử và nền giáo dục Việt Nam dưới thời Pháp thuộc” của Trần Bích San.
(4) Xem bài trên tuoitre online

Không có nhận xét nào: