Thứ Hai, 10 tháng 8, 2015

Phố Nhớ Tên Người - Già Làng Y Chang

                      
                   Phố Nhớ Tên Người

                                         *****
               Dựa vào số ký ức còn sót lại , tôi tự đưa mình trở về chốn cũ xa xưa của vùng trời kỷ niệm, của một thời để thương và để nhớ... 
               Có thể nói đường Lê Thánh Tôn là xương sống của phố núi Kontum. Con đường nằm vắt ngang giữa phố rồi chạy dài ra hai đầu Đông-Tây, nối kết các làng Phương Nghĩa, Lương Khế, Trung Lương và xóm ngoài của làng Tân Hương.
              Khởi đi từ hướng mặt trời mọc là làng Phương Nghĩa.  Nhắc đến tên làng nầy, tôi nhớ ngay đến hàng cau bên lề đường đầu làng.  Buổi sáng, hàng cau đẹp với ánh bình minh rực rỡ trên những tàu lá còn đẫm sương mai lóng lánh như bàn tay nõn nàcon gái nạm kim cương.  Buổi trưa, dưới ánh nắng chói chang, hàng cau đẹp bởi những vạt nắng bén nhọn xuyên qua kẽ bàn tay thon, ngón nhỏ đang vẫy chào trong làn gió
nhẹ đong đưa.  Buổi chiều tà lộng lẫy, hàng cau lại đẹp bằng những bàn tay dịu dàng níu kéo ánh chiều vàng đang đi dần vào tối.  

                     ( Cầu Dakbla hoàng hôn)

     Hoàng hôn phố núi tuyệt đẹp, không đơn điệu như hoàng hôn trên bãi biển.  Hoàng hôn phố núi có mặt trời thật to và rực đỏ.  (Có lẽ vì phố núi cũng như tình người phố núi cao ngất tầng trời). Có những áng mây nhiều màu diệu kỳ bao phủ rừng núi chập chùng, biến đổi cảnh sắc của núi rừng từ màu ửng vàng đến xanh lợt, xanh thẳm rồi xanh đen đậm ở cuối chân trời.  Hoàng hôn phố núi mang vẻ đẹp nhiệm mầu, không thể diễn đạt bằng lời được.
        Ngắm nhìn hoàng hôn tuyệt vời của núi rừng, người thường hỏi:  "Chiều lên hay ngày xuống vậy anh."  Người không bao giờ nhắc đến đêm vì người biết khi bóng đêm xuất hiện là lúc người phải về nhà để chờ ngày mai. Mà có khi ngày mai đó cả tuần hay cả tháng mới đến.
         Hàng cau luôn luôn tình và đẹp dù ở vào giờ khắc nào trong ngày. Đẹp vì lúc ấy hai đứa còn có nhau tay trong tay...

            Dắt nhau đi bộ dưới hàng cau
            Cau đang âu yếm cùng dây trầu
            Ghé tai anh nói lời ao ước
            Má em bừng đỏ, cấu anh đau...
                                       (thơ nvs)

            Đánh mất người khi tôi vừa tròn tuổi hai mươi.  Từ phương trời xa thật xa, cách quê hương mình nửa vòng trái đất, tôi được tin người đã lấy chồng. Trước đó hàng tuần thư người đến thật đều đặn. Lời thư người viết êm đẹp quá. Chân tình và tin yêu nồng cháy quá. Tôi đọc đi đọc lại nhiều lần không biết chán. Tôi cảm thấy ấm êm trong hạnh phúc người cho.  Rồi bẳng đi cả tháng thư người không đến nữa. Tôi thắc mắc, tôi trách móc người, kết tội người, để rồi tôi lại hết lòng biện hộ cho người.
Tôi đang lâm vào tình trạng bối rối ấy thì nhận được thư của một thằng bạn báo tin vui mà nó dư biết rằng tôi sẽ buồn.  Buồn thật nhiều.
            Đến ngày mãn khóa, tôi dững dưng nhận bằng tốt nghiệp.  Ngày mà tôi mong đợi từ lâu, nay tôi đón nhận nó một cách hờ hững.  Tôi đã từng dự tính sẽ trao mảnh bằng này cho người khi người ra đón tôi ở sân bay. Nhưng bây giờ thì mọi việc đều đổi thay. Tôi hụt hẫng và chìm lĩm...
             Hồi hương, tôi tìm về chốn cũ. Hàng cau xưa gục đầu ủ rũ trong mưa. Tôi một mình âm thầm đếm bước...

             Thơ thẫn một mình dưới hàng cau
             Cau xưa vẫn khắn khít cùng trầu
             Nhớ em, anh nhắn thầm trong gió
             Tim không ai cấu sao nhói đau?!
                                        (thơ nvs)

              Và tôi cố quên người từ đó.  Đến nay đã quá nửa cuộc đời  mà tôi vẫn còn phải cố quên...

             Tôi quên trí nhớ gợi sầu
             Tôi quên buồng phổi nhuộm màu khói đen
             Tôi quên huyết quản rượu mèm
             Tôi quên nhịp thở con tim dại khờ
             Tôi quên hẹn ước trăng xưa
             Tôi quên rồi thuở đón đưa dịu dàng
             Tôi quên pháo nổ rộn ràng
             Tôi quên xe cưới đưa nàng vào quên!
                                          (thơ nvs)

            Tôi vẫn đi trên đường Lê Thánh Tôn hướng về phía mặt trời lặn để bắt kịp tuổi đời của mình.  Xóm rau Phương Nghĩa rất dễ nhận nhờ những cái cần giọt để múc nước giếng tưới rau.  Những cần giọt hôm nay cũng buồn nên không làm việc.    Nhà thằng Thiệt Bụt lái máy bay khu trục và người yêu sầu mộng của nó ở khu này.  Tôi muốn ghé thăm coi nó có về nhà không nhưng sợ nhìn thấy hạnh phúc của tụi nó mà tủi phận mình nên lại thôi.

                               (Nhà thờ gỗ Kontum)

             Trước khi đến chủng viện là hang đá Đức Mẹ, nơi người đã cùng tôi từng ghé vào để dâng chung lời cầu.  Nhưng lời khấn nguyện đó không được chấp thuận vì lẽ một trong hai đứa mình chưa đủ thành khẩn cầu xin và thiếu tin yêu vào nhau.
             Trước mặt Đại Chủng Viện là nghĩa trang của  làng Phương Nghĩa và làng Tân Hương.  Lằn ranh giữa hai nghĩa trang là con đường "quên tên" từ cổng chủng viện chạy dài về hướng Nam cắt ngang đường Nguyễn Huệ và cuối đường là trường dòng Guinoz dành cho chủng sinh người Thượng.
              Ngay đầu đường, trên phần đất của nghĩa trang Tân Hương có cây trái béc thât to. (Trước Nhà Vuông trụ sở làng Tân Hương cũng có một cây nhỏ hơn). Hai cây thay phiên nhau ra trái chớ không chịu ra trái một lượt.  Trái béc cũng có mùi vị  giống trái trâm mà ăn không ngon bằng trái trâm đâu.Nhưng trái béc là nguồn "thực phẩm dự trữ" của tụi tôi.  Khi trâm hết trái thì béc bắt đầu chín. Tụi tôi phải ăn cho đỡ vã để chờ mùa trâm năm tới. Những trái cây tạp nhạp khác như chòi-mòi, trái gùi, chà-rang, giũ-giẽ, bứa, trái cơm nguội v.v... tụi tôi cũng không chừa. Có khi gặp khó khăn tụi tôi phải ăn độn với lá lưỡi trâu, búp đọt cây si, lá xoài non, lá chùm ruột và hoa mít nữa mới đủ sức trường kỳ chiến đấu.  Món nào cũng không thể thiếu muối ớt được.  Hoa mít nào cũng được chớ không kén chọn.  Hoa mít dừa, hoa mít mật, hoa mít ướt, hoa mít ráo gì gì cũng đá bú xua hết. Còn "Hoa Mít Nghệ" thì lâu lâu mới trúng mánh một lần. Chỉ có mình tôi mới trúng"mánh thượng"đó chớ tụi nó chỉ trúng mánh "nhi đồng" thôi.  Cũng là nhờ hồng ân của nàng Hoa Mít Nghệ lén đút lót. Tụi tôi còn phải lo cho mấy "bả" nữa chớ.  Tụi tôi đi đâu cũng đều kéo"rờ moọc"nhí của mình theo đó.  
              Tóm lại, trái béc là để ăn độn cầm hơi vì có mùi trâm để chờ mùa trâm năm mới. Trái trâm cũng có nhiều loại như trâm sẻ, trâm nai, trâm trâu, trâm dôm dôm và trâm cà nhót (loại trâm nầy thường mọc gần bụi tre gai đứa nào mà sớn sát đạp gai tre là phải đi cà nhót cho nên cây trâm mới có biệt danh này).  Còn "trâm người" thì không phải để ăn mà để cho đàn bà con gái nẫu cài tóc. Có nhiều người đọc "trâm" thành ra "châm."  Ca sĩ Mai Lệ Huyền hát : Cái "châm em cài" là do tình nhân em biếu đó... thì quý vị con nít ranh hát lái lại là: Cái "chai em cầm" là do thằng ve chai bán đó...!
              Khi tới ngã tư "yếu điểm" Lê Thánh Tôn - Phan Thanh Giản thì trước mặt là con phố chính của Thị Xã.  Quẹo trái là đi về hướng Trường Têrêxa và đường Phan Thanh Giản sẽ xuyên qua đường  Nguyễn Huệ  rồi tiếp giáp đầu con đường bờ sông Bạch Đằng có hàng phượng vĩ rực rỡ soi bóng trên dòng sông Dakbla khi ve hát ru mùa hè. Nhà sàn của tôi gần cầu Dakbla, nằm trên con đường có quá nhiều kỷ niệm này.
              Đối diện trường Têrêxa là khu quân sự gồm Ty An Ninh QĐ, Tiểu Khu, Quân Cảnh Tư Pháp v.v...  Dọc theo khu quân sự nầy có hàng cây "kền kện" song song với hàng phượng vĩ bên trường Bà Xơ mà không phải nữ sinh Têrêxa thì ít có ai biết đến.  Cây kền kện cao cỡ như cây keo mà không ai trèo lên được vì là khu quân sự. Chỉ có nước chờ trái khô rớt hột xuống rồi lượm. Mà ưu tiên một là mấy nường trường Bà Xơ vì là "cây nhà lá vườn" của nẫu. Hột kền kện y chang như viên kẹo sô-cô-la M&M của Mỹ màu vàng cứng như đá. Nhưng răng học trò tụi tui nam cũng như nữ còn cứng hơn đá. Hột kền kện rang lên ăn béo, giòn, và thơm mùi tay con gái Bà Xơ cho nên còn có nickname là "Hột Bà Xơ."  Thằng nào mà được mấy nường cưng lắm mới thí cho vài hột. Còn tôi thì không phải được cưng mà được trả ơn vì "có qua có lại."

                          (Phi trường Cù Hanh)

             Trở lại ngã tư "yếu điểm" hồi nãy. Bây giờ mà quẹo trái thì tới phố chính liền.  Nhưng khoan cái đã, cứ đi thẳng trên đường Phan Thanh Giản về hướng Bắc để ngửi mùi bún bò Huế Đông Ba chỉ cách ngã tư chừng mười chín bước... rưỡi. Nơi mà anh Hồ Công đã từng đóng đô thường trực 24/24. Cứ tiếp tục đi, qua khỏi Ty Thông Tin là con dốc thoai thoải dẫn lên đầu phi trường.  Ngay tại đầu dốc phi trường có xóm nhà
tranh từ Giọt Nước bị giải tỏa dời về đây.  Cả hai nơi Giọt Nước và đầu dốc phi trường đều là dấu ấn kỷ niệm trong đời nên tôi mới làm bài thơ "Mái Tranh Vách Lá" mà người
đọc không thể cảm nhận được một cách sâu sắc bởi vì chỉ có những người trong cuộc mới thấu hiểu. Cái dở của tôi là ở chỗ đó.
            Mái tranh đầu dốc phi trường
            Vách lá Giọt Nước yêu đương chuyện mình
            Mái tranh ấp ủ chân tình
            Vách lá rạng rỡ khi mình có đôi
            Bên này nhớ quá đi thôi
            Bên ấy còn nhớ võng đôi ân tình?
            Có nhớ thì cũng lặng thinh
            Để mình tôi nói cho mình tôi nghe
            Tôi về đây giữa nắng hè
            Hoa phượng ít nở, tiếng ve nhiều sầu
            Đổi đời, đời đổi theo mau
            Giọt Nước "mất nước"! Nhà đâu "còn nhà"!
                                  (thơ nvs)

 (Ghi chú : Bài thơ này viết sau khi  tác giả từ trại cải tạo được thả về.
    Người mà tác giả nhớ đến đã đi Mỹ).
            
    Chưa qua ngã tư đầu dốc phi trường thì hông Tòa Hành Chánh nằm bên phải, hông Chùa Bác Ái bên trái.  Sân trước của Chùa Bác Ái có cây hoa ngọc lan thơm ngát.Cũng vì hương thơm hấp dẫn của hoa ngọc lan mà hồi nhỏ tôi đã bị chú tiểu trong chùa "bá ngọ" nhiều lần 


             Qua khỏi ngã tư đầu dốc phi trường, có tượng Quang Trung Nguyễn Huệ cưỡi ngựa thì đã vào lãnh địa của làng Võ Lâm.  Tên làng nghe có vẻ "kiếm hiệp" nhưng mà người Võ Lâm rất hiền hòa và hiếu khách. Hình như không có ai học võ hết. Hai chị em Minh Hưng (con Chú Lít) ở làng nầy. Tôi cũng đã ghé nhà nhiều lần. Đi hết lãnh địa làng Võ Lâm là bắt đầu khu quân sự Thành Dakpha, Bệnh Viện 2 Dã Chiến v.v... Sư Đoàn 101 Nhảy Dù của Mỹ cũng từng đặt bản doanh tại đây, nơi mà tôi cũng đã thường xuyên ghé vào vì nhu cầu công tác báo chí.
              Dãy phố chính hai bên đường Lê Thánh Tôn, các cửa tiệm đếu sát vách nhau.  Nhà sách Kim Quang có cô Lucy "vang bóng một thời."  Có cô Cẩm Nên răng khểnh là bạn thân của Kim Ly em gái tôi.  Điều dễ nhớ nhất là Cẩm Nên có cùng sinh nhật với tôi (ngày 04 tháng 9) còn năm thì phải khác xa rồi.  Hỏi người đẹp trai Trương Tiến thì biết liền hà.  Bên kia đường có cô Thanh Lựu (Bà Bình), có Ngân Hạnh (Dược Sĩ Giao).  Trở lại bên nầy đường thì có Kinh Minh, có hai chị em Bích+Hà của Thiên Nam Phúc, có Thoa Bạch Đằng, có tiệm hớt tóc Bình Dân của Bác Hường. Hai anh em tôi khi tới kỳ hạn cắt tóc đều ra tiệm của Bác Hường mặc dù gần nhà có tiệm Bác Lụt, như vậy mới có dịp "du lịch nước ngoài" được.  Câu nói để đời của bác Hường dành cho tôi là: "Mụ nội mi, ngồi yên cho tau... cúp." Qua khỏi tiệm Bác Hường vài căn là tiệm Trường Sơn có cô Hải "ớt hiểm" là con cưng của Trường Bà Xơ lúc đó. 

                                              (Chợ Kontum)


       Chợ Kontum nằm đối diện.  Phía trước là tiệm tạp hóa Việt Thượng của ba má nàng Minh Tâm.  Phía bên kia là nhà cô Yến cháu ngoại Ông Đội Ái, kế bên là nhà Cẩm Lai con gái Bác Lê Văn Cang. Tôi ít khi thấy cô Cẩm Lai lắm vì rạp xi nê ma Bình Minh ở ngoài thì sáng như bình minh mà bên trong lúc tắt đèn chiếu phim tối thui thì "biệt nẹo mô mà mò!"
            Nhớ thời kỳ xe Honda bán cho Quân Đội nên người lính nào cũng mua được một chiếc với giá rẻ. Nhà nàng có ai đi lính đâu mà gỗ quí Cẩm Lai cũng có một chiếc. Những ngày mới có xe Honda thì Honda chạy đầy đường. Từ xa tôi thấy một em tóc thề đang lui cui đẩy. Tới gần mới biết là Cẩm Lai.  Nàng nhìn tôi cười tươi rói: "Sao ai cũng mua được Honda
mà em mua trúng xe "HonĐẩy!"  Tôi dựng xe Vélosolex rồi tình nguyện biến mình thành "phụ đẩy" xe "HonĐẩy."
             Lại thêm một ngã tư nữa.  Ngã tư Lê Thánh Tôn - Trình Minh Thế. Bất cứ ở đâu có tên con đường này người ta cũng gọi là Trịnh (dấu nặng), đúng ra làTrình (hấu huyền) mới phải. Tôi nhớ rõ Trình Minh Thế là vị Tướng của Cao Đài thời Ngô Đình Diệm, đã tử trận tại cầu Khánh Hội, Sàigòn và chiếc cầu đó cũng đã mang tên vị tướng này.
             Tôi dài dòng văn tự như vậy để lấy bình tĩnh chớ depot gạo của Bà Thu Tâm ngay ngã tư kia nè. Mỗi lần đi ngang tiệm gạo thì tôi sải thiệt nhanh, không phải vì sợ bị vác gạo -ai cho vác mà ham- nhưng vì đói bụng quá xá nên mùi thơm mì Quảng Châu át đi mùi gạo Thu Tâm! Tôi vô tiệm mì Quảng Châu để làm một công hai chuyện là vừa ngốn mì để dằn bụng, vừa tìm coi vách nhà có kẽ hở nào mà tôi có thể làm chuột chui
qua được không. Tôi lý luận rằng chẳng lẽ cả kho gạo mà không có hũ nếp nào để tôi sa vô hay sao?  Chuột nào mà không muốn sa hũ nếp? Ít ra cả kho gạo để bán thì cũng có một lu gạo để nấu cơm chớ. Chuột không có hũ nếp để sa thì rớt vô lu gạo cũng mập mình vậy.  
     Tôi xực hết hai tô mì -một khô, một ướt- rồi mà chưa tìm ra "khe hở pháp luật" mà tiệm mì đâu có ngồi lâu được.  Chỉ xực mìn, nhẩm xà, thảy xu rồi chẩu lớ. Nếu ngồi lâu thì thế nào xì thẩu cũng cỏn thòn hỏa: "Puông páng kiểu lày thì cha ngộ cũng xảy lớ.  Thiệt là dzách mánh tửu, cửu mánh dzầu."  Mấy câu đầu thì dễ hiểu còn câu sau cùng thì tôi phải tra tự điển Quảng Đông mới xíc được xỉu xỉu là: "bán có một đồng bạc rượu mà
hao tới chín đồng dầu."  Ý thằng chả muốn nói tôi ngồi đồng lâu quá mà sao Bà chưa chịu nhập cho rồi.
              Tôi băng qua bên kia đường, vô quán nhà dù ngay góc ngã tư -cũng ngã tư nữa- nơi tôi đã gửi chiếc velosolex mà ngồi đồng tiếp. Ở mấy quán Hàng Keo này khách muốn ngồi bao lâu cũng được. Tôi kêu một ly "bất hiếu " để câu giờ mà địa qua tiệm gạo chớ không dám uống sợ nó hết thì phải  kêu ly khác. Tại sao có thứ nước "bất hiếu?"  Vì nó là ly nước"đánh cha" cho nên bất hiếu mà đọc lái là "đá chanh" thì hiếu thảo như thường.
Ngồi cả buổi mà không thấy bóng dáng cô chủ đâu hết.  Ly "bất hiếu" đã bốc hết hơi cạn queo. Nhưng tôi tin thế nào người ta cũng thấy chiếc velosolex của tôi vì hồi đó Kontum mới có 2 chiếc, một của chị Huân và một của tôi.  Rồi tự nhiên tôi đâm lo. Lo rằng chiếc xe vélosolex của tôi làm sao mà chở nỗi bao gạo chỉ xanh nặng cả tạ!
                Thế rồi "cô chủ" tiệm gạo lên đường du học tận bên Tây, tạo "hai phương trời cách biệt."  Và tôi cũng không nhớ mình đã đi về đâu nữa.

     Già Làng Y Chang




Không có nhận xét nào: