Chủ Nhật, 9 tháng 8, 2015

* Tiếng Anh và Thời Đại Bây Giờ - Hoàng Đằng


Kỳ thi Trung Học Phổ Thông Quốc Gia năm 2015 vừa kết thức, các phương tiện thông tin đại chúng đưa lên tổng kết: “Phổ điểm (1) môn ngoại ngữ thấp”.
Ở Việt Nam, hiện thời, nhiều ngôn ngữ được dạy ở cấp trung học (Anh, Pháp, Trung, Nga, Nhật, Hàn …), trong đó, tiếng Anh được dạy ở nhiều trường nhất. Có điều là việc dạy và học ngoại ngữ chưa đạt mức mong muốn; đó là nhận xét chung của những ai quan tâm, từ người bình dân đến bậc trí giả.
Mình là người “ngoại đạo”, nghe nói thế thì tin thế. Tuy nhiên, là người thích suy nghĩ, mình mạn phép bàn luận miên man một chút về tầm quan trọng của tiếng Anh thời buổi bây giờ.
Ngày xửa ngày xưa, không biết tổ tiên chúng ta có học ngoại ngữ không và nếu có học thì học như thế nào, ở đâu, mình không biết.
Thời Pháp thuộc, tiếng Pháp được dùng như ngôn ngữ chính thức trong học đường ngay từ bậc tiểu học; và đương nhiên, những người có cơ hội và đủ điều kiện đến trường đều nói, viết, đọc, hiểu được tiếng Pháp.
Đến thời độc lập (từ năm 1945 đến giờ), tiếng Việt được sử dụng chính thức trong các trường học, bắt đầu ở bậc tiểu học, trung học rồi dần lên đại học. Ngoài Việt ngữ, các thứ tiếng khác mà được dạy và học trong nhà trường thì gọi là ngoại ngữ. Từ năm 1954 – 1975, ngoài Bắc, hình như nhà trường có dạy tiếng Nga, tiếng Trung, tiếng Pháp, tiếng Anh; trong Nam, chỉ dạy tiếng Pháp, tiếng Anh.
Hiện nay, trong các ngoại ngữ, tiếng Anh được đại đa số học sinh chọn học vì tiếng Anh được xem như một ngôn ngữ quốc tế. Tiếng Anh được sử dụng ở mọi lãnh vực: ngoại giao, chính trị, kinh tế, thương mãi, du lịch, lao động …
Trong xu hướng toàn cầu hóa, người nào, nước nào không sử dụng được tiếng Anh thì chắc chắn gặp nhiều khó khăn và chịu nhiều thiệt thòi.
Bạn đi du lịch nước ngoài, không nói được tiếng Anh thì, muốn tiện, chỉ chọn đi theo tua (tour), khó mà đi riêng. Ở sân bay, trên máy bay, người ta điều hành công việc bằng tiếng Anh, bạn làm sao hiểu được! Chả lẽ bạn đem theo một thông dịch viên! Đến nơi tham quan, hướng dẫn viên nói bằng tiếng Anh, chả lẽ bạn chỏng tai như “vịt nghe sấm”; thậm chí việc ăn uống, ngủ nghỉ, di chuyển của bạn hàng ngày cũng khó khăn. Thế thì, “đi một ngày đàng, học một sàng khôn”, chuyến đi chơi của bạn đã giảm phần hữu ích mà còn gây thêm khổ.
Bạn là nhà kinh doanh, bạn muốn mở rộng thị trường giao dịch, thương thảo các hợp đồng mua bán, trao đổi … Bạn không biết tiếng Anh, tất nhiên, bạn phải sử dụng thông dịch, mất thời giờ, tốn chi phí. Trong thương thảo, nếu bạn sử dụng thông dịch viên,  bạn sẽ mất bớt khả năng thuyết phục đối tác, có khi còn mất thiện cảm từ đối tác vì nghệ thuật “ăn nói” của doanh nhân nơi bạn không còn tác dụng..
Bạn đi lao động ở nước ngoài, dù bạn giỏi “đàng trời” trong lãnh vực chuyên môn mà bạn không biết tiếng Anh cũng chịu nhiều thiệt thòi, gặp nhiều rắc rối. Nếu bạn là chuyên gia cao cấp, vì quá cần phải mời bạn, người ta thuê thông dịch viên; trong trường hợp này, việc nói qua nói về giữa hai người cộng thêm lời dịch sẽ tốn hết 2 lần thời gian bình thường, chứ chưa đề cập đến khả năng người dịch không hiểu đúng ý người nói đưa đến thắc mắc rắc rối. Còn đối với lao động phổ thông, “ngôn ngữ bất đồng” tai hại lắm! Người ta nói “trâu bạc”, mình đoán mò là “trâu đen”. Lại còn chưa kể không biết tiếng Anh, bạn mất đi lợi thế khi phỏng vấn tuyển dụng. Cứ xem báo chí viết về lao động Philippines ở TP. Hồ Chí Minh thì rõ, vì không sử dụng được tiếng Anh, người Việt mình mất việc làm tại nơi mình sinh sống; các gia đình ngoại kiều, kể cả gia đình người Việt giàu có đều thuê người dọn vén nhà cửa, vườn tược, chăm sóc người già, con trẻ, đi chợ nấu cơm … là người Philippines vì người Philippines, ngoài chân thật và nhiệt tình, còn rành tiếng Anh.
Bạn là lãnh đạo quốc gia hay cán bộ cao cấp; bạn đi dự các diễn đàn quốc tế hay khu vực, nếu bạn không biết tiếng Anh, khi một vị nào đó phát biểu, bạn phải đeo máy nghe dịch, còn nếu bạn phát biểu, thay vì nói trực tiếp bằng tiếng Anh, bạn lại sử dụng tiếng mẹ đẻ, khiến các vị khác phải đeo máy vào tai. Nghe qua lời thông dịch, chán lắm! Xem TV, chúng ta  để ý mà xem, trong nhiều hội nghị quốc tế hay khu vực bàn về những vấn đề rất quan trọng, vậy mà thỉnh thoảng, có vị gỡ máy nghe dịch cho tai thoải mái chốc lát, như thế chứng tỏ rằng khi thì họ nghe, khi thì không. Hơn nữa, đặc điểm nổi trội nơi người làm lãnh đạo là tài hùng biện để cuốn hút, thuyết phục người nghe; mà nói qua thông dịch, thì tài hùng biện mất tác dụng. Chưa kể trong giờ giải lao của hội nghị, không biết tiếng Anh thì không chuyện trò tự nhiên với ai được, buồn dữ!
Bạn lấy chồng hay lấy vợ nước ngoài. Nếu bạn không biết tiếng nói của nước người phối ngẫu, ít nhất bạn cũng sử dụng được tiếng Anh, còn không, bạn cũng khó hưởng được cuộc sống hạnh phúc. Văn hóa, phong tục, tập quán đã khác, ngôn ngữ lại bất đồng, bạn làm sao tránh khỏi những va chạm không đáng có với gia đình nhà chồng hay nhà vợ. Ngay cả với chồng hay vợ, chả lẽ bạn chỉ dùng cơ thể để ra dấu (body language) khi ban “cần chuyện”.
Không chỉ chừng ấy, tiếng Anh còn cần thiết trong nghiên cứu khoa học, kỹ thuật để tiến sâu tiến xa trên đường học vấn, tiếp thu trực tiếp điều hay việc tốt để áp dụng vào cuộc sống. Vậy thì không những học sinh, sinh viên mà tất cả mọi người, nếu có điều kiện, cũng nên học tiếng Anh.
Sắp tới cộng đồng Asean sẽ thành hình, việc đi lại, trao đổi lao động, kinh doanh trong cộng đồng sẽ diễn ra dễ dàng và rộn ràng hơn; ngôn ngữ của cộng đồng là tiếng Anh, chúng ta không sử dụng được tiếng Anh thì việc làm ăn của chúng ta phần nào bị hạn chế.
Ngành Giáo Dục phải đề ra mục tiêu là học sinh tốt nghiệp trung học phải sử dụng được tiếng Anh trong giao tiếp hàng ngày, sinh viên tốt nghiệp đại học phải sử dụng được tiếng Anh trong nghiên cứu. Được thế, việc hội nhập thế giới của nước ta mới kết quả.
Bây giờ, học tiếng Anh dễ dàng hơn trước nhiều nhờ các chương trình dạy online, nhờ từ điển điện toán, nhờ truyền hình nhiều kênh nói tiếng Anh từ chậm đến nhanh.
Học một ngoại ngữ là học một thói quen; ở trường, hình như số tiết dành cho tiếng Anh còn quá ít, số lượng tiết cần nâng lên. Cô thầy gắng truyền hứng thú học cho học sinh; có hứng thú, học mới kết quả. Trong tập đọc và tập nói, học sinh cần tự tin; có tự tin, mới bạo dạn phát âm, tập diễn đạt; đừng sợ phát âm không chuẩn như người Luân Đôn bên Anh … rồi rụt rè, không dám mở miệng. Tiếng Anh có nhiều hình thái lắm: có tiếng Anh của người Anh (British English), có tiếng Anh của người Mỹ (American English), có tiếng Anh của người Úc (Australian English) …, đương nhiên cũng có tiếng Anh của người Việt (Vietnamese English). Môi trường sinh hoạt góp phần tạo ra cách riêng trong phát âm ngôn ngữ; cứ nghe người Việt chúng ta nói thì rõ, ở miền Bắc phát âm khác miền Nam. Sử dụng một ngôn ngữ chủ yếu hiểu nhau là được. Việc hoàn thiện phát âm sẽ đến dần khi cơ hội tiếp xúc đến nhiều.
Trong việc học ngoại ngữ, chúng ta có một thua thiệt so với dân ở nhiều nước, nhất là ở các nước Tây phương, là chúng ta hiếm có cơ hội tiếp xúc để tập nói - khách du lịch nước ngoài đến nước ta còn ít quá và đại đa số chúng ta lại không có điều kiện đi ra nước ngoài .
Nói tóm lại, tiếng Anh là phương tiện để đi ra với thế giới; không có phương tiện, chúng ta sẽ thua chúng kém bạn. Học tiếng Anh không khó, ai cũng có thể học được, cần kiên trì, đừng tự cho mình không có năng khiếu rồi chùn bước./.

Hoàng Đằng
      01/8/2015
    (17/6/Ất Mùi)
--------------------------------------------------------------
(1) Phổ điểm: mức điểm nhìn chung (theo tôi hiểu, đây là từ tôi mới gặp lần đầu)

Không có nhận xét nào: