GIÁO DỤC HÁN HỌC TRONG BIẾN ĐỘNG VĂN HOÁ
XÃ HỘI: VIỆN HÁN HỌC HUẾ (1959-1965)(1)
Nguyễn Tuấn Cường
Lời Ban Biên soạn của Đặc San 55 Năm Nhớ Lại
Trong khi tiến hành biên soạn Đặc san, chúng tôi may mắn nhận được bài này của tác giả Nguyễn Tuấn Cường từ Hà Nội. Đọc xong, chúng tôi rất mừng. Tác giả tuy còn khá trẻ (sinh năm 1980), nhưng trình độ học thuật rất già dặn. Sau khi tìm hiểu, chúng tôi biết được anh đã đậu Tiến sĩ ngành Hán Nôm, từng nhận học bổng du học ở Nhật Bản, học bổng làm việc ở Viện Harvard-Yenching (thuộc Đại học Harvard, Hoa Kỳ) với tư cách học giả khách mời (visiting scholar) và mới trở về nước cách đây không lâu. Hiện nay anh đang giữ chức Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hán Nôm tại Hà Nội. Anh đã tham dự nhiều cuộc hội thảo khoa học quốc tế tại Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản và Hoa Kỳ với các đề tài liên quan đến lĩnh vực Hán học, Nho học, và văn hoá truyền thống.
Riêng với bài viết này, chúng tôi đánh giá rất cao về năng lực nghiên cứu, về tính khách quan, và về tấm lòng của anh đối với sự nghiệp giáo dục Hán Nôm và bảo tồn di sản văn hóa này của dân tộc.
Xin cảm ơn Tiến sĩ Nguyễn Tuấn Cường.
________________
(1). Bài viết này trích từ một đề tài nghiên cứu về các thực hành văn hoá Nho giáo tại Miền Nam Việt Nam (1955-1975). Trân trọng cảm ơn Viện Harvard-Yenching đã tài trợ học bổng nghiên cứu tại Đại học Harvard từ tháng 8/2013 đến tháng 5/2014.
Cám ơn GS.TS Hue-Tam Ho Tai và TS Nguyễn Nam (Đại học Harvard) đã chỉ dẫn về đường hướng nghiên cứu trong thời gian tôi làm việc tại Đại học Harvard.
Cảm ơn bà Phan Thị Ngọc Chấn, thư viện viên Thư viện Harvard-Yenching, đã giúp đỡ và hướng dẫn sử dụng nguồn tài liệu phong phú trong hệ thống thư viện Đại học Harvard.
Cám ơn bà Võ Hồng Phi, cựu sinh viên khoá 2 của Viện Hán học, đã cung cấp các bức ảnh chụp thầy trò VHH Huế và cho phép sử dụng.
Cám ơn ông Nguyễn Lý Tưởng (khoá 1) và bà Võ Hồng Phi đã giúp liên hệ với các thầy và cựu sinh viên khác của VHH, đồng thời cung cấp nhiều thông tin hữu ích qua trao đổi riêng bằng email (lytuongnguyen@..., haiphivo2003@...).
Cám ơn các vị cựu sinh viên VHH: ông Nguyễn Lý Tưởng, bà Võ Hồng Phi, ông Ngô Văn Lại, ông Phan Thuận An đã vui lòng đọc góp ý cho bài viết này.
*****
Sau Hiệp định Genève năm 1954, đất nước Việt Nam chia làm hai nửa Bắc và Nam, ngăn cách bởi vĩ tuyến 17 dọc sông Bến Hải thuộc tỉnh Quảng Trị. Một cuộc chiến dai dẳng đã diễn ra giữa hai bên, và chỉ chấm dứt sau đó 20 năm, vào thời khắc lịch sử ngày 30/4/1975 khi Tổng Thống Dương Văn Minh của chế độ Việt Nam cộng hoà ở miền Nam tuyên bố đầu hàng. Xã hội miền Nam Việt Nam (MNVN) giai đoạn 1955-1975 nằm trong quá trình hiện đại hoá với những sắc thái văn hoá mới đến từ Âu Mĩ, điều này đã tạo sức ép lên việc duy trì các thiết chế văn hoá truyền thống, đặc biệt là truyền thống Hán học. Trong bối cảnh ấy, Viện Hán học (VHH) thuộc Viện Đại học Huế (1957~, VĐH Huế) đã tồn tại với tư cách đơn vị giáo dục Hán học của chính quyền MNVN đương thời. Số phận đặc biệt của VHH khiến cho đơn vị đào tạo Hán học này ít được nhắc tới, kể cả trong những cuốn sách kỉ niệm về VĐH Huế.
(1)
Lịch sử và sự tồn tại của VHH trở thành một kí ức ngày càng phai nhạt dần, ít người biết tới; nếu được nhắc đến cũng chỉ dưới dạng kí ức hoặc kỉ niệm cá nhân, mà thiếu vắng nguồn sử liệu.
(2)
Dưới đây, lịch sử của VHH sẽ được trình bày thông qua sự kết hợp hai nguồn tư liệu, một là tư liệu lịch sử, tức nguồn công văn hành chính và báo chí đương thời liên quan đến hoạt động của VHH; hai là tư liệu kí ức của cựu sinh viên, thông qua các bài viết của họ đã công bố, cũng như qua những trao đổi riêng giữa họ với tác giả (1)
(1). Có 2 cuốn sách kỉ niệm về Viện đại học Huế: (1) Lê Thọ Giáo chủ biên, Đại học Huế, Hội Thân hữu Đại học Huế tại Hoa Kỳ tổ chức biên soạn kỉ niệm 32 năm thành lập Đại
học Huế, San Jose, CA, 1990, 150 trang;
(2) Lê Thanh Minh Châu và Lê Văn chủ trương biên tập, Kỷ-niệm bốn mươi năm Viện Đại-học Huế (1957-1997), in trong Tập san Dòng Việt số 4, Huntington Beach, CA, mùa Thu năm 1997, 286 trang.
Cả hai tập sách kỉ niệm này đều được biên soạn gồm 2 phần: thứ nhất là phần kỉ niệm, in lại một số bài viết cũ của các lãnh đạo VĐH Huế, có thêm một vài bài hồi ức của cựu sinh viên và/hoặc cựu giảng viên về lịch sử VĐH Huế hoặc chân dung nhân vật; thứ hai là trích tuyển một số bài nghiên cứu khoa học tiêu biểu của các cựu Giáo sư VĐH Huế. Đây không phải
là những công trình nghiên cứu lịch sử của VĐH Huế một cách có hệ thống. Trong 2 tài liệu này, VHH hầu như không được nhắc đến, trong những lần hiếm hoi được nhắc đến thì lại có sai sót, ví dụ, cho rằng Giám đốc đầu tiên của VHH là Linh mục Nguyễn Văn Thích [1997: 22b, 35].
Về quá trình tồn tại sau năm 1975 của VĐH Huế,
xem website của Đại học Huế hiện nay: http://hueuni.edu.vn.
(2). Xem: Kí ức và hoài niệm: Đặc san kỉ niệm 50 năm thành lập Viện Hán học Huế 1959-2009, tài liệu lưu hành nội bộ, Huế, 2009.
1. THÀNH LẬP
Nghị định thành lập VHH: Viện Hán học được chính quyền MNVN cho phép thành lập cuối năm 1959, theo Nghị định số 389-GD ngày 8/10/1959 của Tổng thống Ngô Đình Diệm. Toàn văn Nghị định này như sau:(2)
NGHỊ-ĐỊNH số 389-GD ngày mồng 8 tháng mười năm 1959 thiết-lập viện Hán học Huế.
TỔNG-THỐNG VIỆT-NAM CỘNG-HOÀ
Chiếu sắc-lệnh số 4-TTP ngày 29 tháng mười năm 1955 và các văn-kiện kế-tiếp, ấn-định thành-phần Chánh-phủ;
Chiếu những văn kiện tổ-chức viện đại-học Quốc-gia Việt-nam và những trường chuyên-môn đặt thuộc quyền bộ quốc-gia giáo-dục;
Chiếu sắc-lệnh số 45-GD ngày mồng 1 tháng ba năm 1957 thiết-lập viện đại-học Huế;
Chiếu nghị-định số 95-GD ngày mồng 1 tháng ba năm 1957 mở các lớp tại viện đại-học Huế trong niên-khoá 1957-1958;
Chiếu nghị-định số 61-GD ngày 21 tháng hai năm 1959 thiết-lập và tổ-chức các khoá đại-học và trường cao-đẳng chuyên-môn tại viện đại-học Huế kể từ niênkhoá 1958-1959;
Chiếu đề-nghị của bộ quốc-gia giáo-dục,
NGHỊ ĐỊNH:
Điều thứ nhất.--- Nay thiết-lập tại viện đại-học Huế một trường đại-học chuyên dạy Hán-văn gọi là “Viện Hán-học”.
Điều thứ 2.--- Viện Hán-học đặt dưới quyền điều khiển của một giám-đốc do bộ-trưởng quốc-gia giáo-dục bổ-nhiệm.
Điều thứ 3.--- Số sinh-viên ưu-tú của viện Hán-học được cấp học-bổng và định-xuất học-bổng sẽ do nghị-định bộ-trưởng quốc-gia giáo-dục ấn-định.
Điều thứ 4.--- Tổ-chức nội-bộ của viện Hán-học, điều-kiện và thể-thức thi nhập học, chương-trình học khoá, thể thức thi lên lớp và thi mãn khoá, việc cấp-phát văn-bằng tốt-nghiệp sẽ do nghị-định bộ-trưởng quốc-gia giáo-dục ấn-định sau.
Điều thứ 5.--- Kinh-phí về việc thiết-lập và hoạt-động của viện Hán-học do ngân-sách quốc-gia (bộ quốc-gia giáo-dục) đài-thọ.
Điều thứ 6.--- Viện Hán-học có thể tổ-chức những ban nghiên-cứu Đông-y, dịch-thuật sách vở và tài-liệu Hán-văn và dạy Hán-văn theo lối hàm-thụ. Việc tổ-chức các ban trên đây sẽ do nghị-định bộ-trưởng quốc-gia giáo-dục ấn-định, theo đề-nghị của viện-trưởng viện đại-học Huế.
Điều thứ 7.--- Bộ trưởng tại phủ Tổng-thống và bộ-trưởng quốc-gia giáo-dục, chiểu nhiệm-vụ, thi-hành nghị-định này.
Sài-gòn, ngày mồng 8 tháng mười năm 1959
NGÔ ĐÌNH DIỆM
Theo Nghị định trên, VHH tồn tại với tư cách là một trường đại học kiêm viện nghiên cứu nằm trong một VĐH, ngang hàng với các Đại học Văn khoa, Đại học Luật khoa... Mặc dù trực thuộc VĐH Huế, nhưng VHH nằm dưới quyền quyết định tối cao của Bộ Quốc gia Giáo dục (QGGD) về các vấn đề đào tạo, tài chính; còn hoạt động nghiên cứu, dịch thuật và dạy hàm thụ (giáo dục từ xa) thì Bộ sẽ quyết định căn cứ theo đề nghị của VĐH Huế. Giám đốc VHH do Bộ QGGD bổ nhiệm.
VHH là cơ quan kiêm nhiệm cả đào tạo và nghiên cứu Hán học ở MNVN, tuy nhiên, 2 trách nhiệm đó đều có những đơn vị khác chia sẻ. Về đào tạo Hán học thì còn có các Ban Hán văn hoặc Ban Việt Hán trong các trường Đại học Văn khoa và Đại học Sư phạm ở từng vùng; về nghiên cứu Hán học và phiên dịch thư tịch Hán Nôm thì còn Viện Khảo cổ, Ủy ban Dịch thuật (thuộc Nha Văn hoá, Bộ QGGD), Hội Việt Nam Nghiên cứu Liên lạc Văn hoá Á châu…
Ở miền Bắc, đơn vị đào tạo Hán (Nôm) học ở bậc đại học đầu tiên được thành lập năm 1972, là Bộ môn Hán Nôm thuộc Khoa Ngữ văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội, nay là Bộ môn Hán Nôm, KhoaVăn học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội. (1) Nhưng cần lưu ý, Bộ môn Hán Nôm là một phân khoa (sub-department) chuyên về lĩnh vực đào tạo, thuộc một khoa (department) nằm trong một phân hiệu đại học (college) thuộc một trường đại học tổng hợp (university); còn VHH được tách thành một đơn vị riêng, một phân hiệu đại học (college, faculty) nằm trong một đại học tổng hợp (university), có vị thế cao hơn một khoa. Còn đơn vị nghiên cứuHán Nôm chuyên sâu ở miền Bắc là Ban Hán Nôm (thuộc Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam) được thành lập năm 1970, đến năm 1979 thì đổi thành Viện Nghiên cứu Hán Nôm, ngày nay trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam. (2) Như vậy, về danh nghĩa, VHH ở MNVN được thành lập sớm hơn về thời gian, và tổng hợp hơn về nhiệm vụ công tác so với các đơn vị ở miền Bắc.
Ngay khi VHH được thành lập tại Huế, tập san Minh Tân của Hội Khổng học Việt Nam (KHVN) ở Sài Gòn đã đăng bài viết ngắn tỏ ý hoan nghênh nhiệt liệt sự ra đờicủa một trung tâm giảng dạy và nghiên cứu Hán học, “vì đã 3 năm nay rồi trong những tài liệu của hội Khổng-học Việt-Nam, cũng như trên mặt báo Minh-Tân, chúng tôi đã từng đề nghị lên chính phủ và hô hào nhân dân phải học thêm chữ Hán. Vì sự thực người Việt Nam cũng như Việt văn, không thể không học chữ Hán được. Thì ngày nay sự mong ước của chúng tôi đã được thực hiện”. Tờ báo cũng tỏ ý tiếc rằng dù Sài Gòn là nơi tập trung nhiều sinh viên và học sinh nhất, nhưng lại “chưa hân hạnh được hưởng thụ phần lợi ích cần thiết ấy”, bởi vì một mô hình như VHH mới chỉ có ở Huế, chứ chưa có ở Sài Gòn.
Nguyên nhân thành lập: Mĩ ý của Tổng thống
Về nguyên nhân thành lập Viện, theo hồi ức của Nguyễn Lý Tưởng, cựu sinh viên khoá 1, trong ngày khai giảng khoá đầu tiên, Viện trưởng Cao Văn Luận đọc diễn văn khai mạc đại ý nói rằng “Đây là mĩ ý của Tổng thống Ngô Đình Diệm muốn bảo vệ nền cổ học và văn hoá đạo đức của nước nhà do tổ tiên để lại” [2000: 112]. Bài hồi ức của Lý Văn Nghiên [2009] cũng nhiều lần nhắc đến cái “mĩ ý của Tổng thống Ngô Đình Diệm”. Từ đó có thể thấy Ngô Đình Diệm chính là người chủ trương thành lập một đơn vị đào tạo cấp Đại học (nằm trong VĐH) chuyên đào tạo cử nhân Hán học từ năm 1959.
Nhân vật Ngô Đình Diệm (1901-1963) dù xuất thân trong một gia đình Công giáo mộ đạo, bản thân ông cũng là người Công giáo, nhưng lí lịch và cách hành xử của ông vẫn mang đậm tính chất của một con người Nho giáo, gắn với nền Hán học truyền thống. Từ năm 1921 đến năm 1933, ông lần lượt trải qua các chức Tri huyện, Tri phủ, Quản đạo, Tuần vũ (Tuần phủ), và lên đến Thượng thư bộ Lại dưới triều vua Bảo Đại khi mới 32 tuổi, là Thượng thư trẻ nhất triều Nguyễn lúc bấy giờ, dù chỉ giữ chức này trong vài tháng rồi từ chức do những xung đột chính trị trong triều đình. Khi làm Thủ tướng (từ 1954) và sau đó là Tổng thống (từ 1955) ở MNVN, Ngô Đình Diệm đã thể hiện chính sách quản lí nhà nước “kết hợp giữa đạo đức Công giáo với chủ nghĩa gia trưởng quan lại Nho giáo”, như đánh giá của Don Luce và John Sommer (1). Một đánh giá gần như tương tự đến từ Stanley Karnow, khi ông cho rằng Ngô Đình Diệm là “một người Công giáo khổ hạnh ngấm đẫm trong truyền thống Nho giáo, một sự pha trộn giữa tu sĩ và quan lại”. (2) Denis Warner thậm chí còn mô tả Tổng thống Diệm như một “nhà Nho cuối cùng”.(3) Gần đâynhất, Edward Miller cho rằng tư tưởng về chính trị và xã hội của Ngô Đình Diệm được hình hành qua một nỗ lực đầy tham vọng bằng cách tổng hợp các trào lưu tư tưởng đương thời, gồm có Công giáo, Nho giáo, và tư tưởng quốc gia.(4) Truyền thống Nho giáo - Hán học đó hẳn đã thôi thúc Tổng thống Ngô Đình Diệm thiết lập một số thiết chế nhà nước liên quan đến Hán học, trong đó có VHH mà chúng ta đang bàn tới.
(Các Giáo Sư và SV Viện Hán Học Huế trong lễ Khai Giảng niên khóa 1961-1962 tại Phủ Nội Vụ - Huế)
(Các Giáo Sư và SV Viện Hán Học Huế trong lễ Khai Giảng niên khóa 1961-1962 tại Phủ Nội Vụ - Huế)
2. TỔ CHỨC
Nghị định tổ chức VHH
Nghị định số 1505-GD/NĐ ra ngày 9/12/1959 do Bộ trưởng Bộ QGGD Trần Hữu Thế kí,(1) gồm 28 điều quy định tương đối chi tiết về 7 nhóm vấn đề liên quan tới việc tổ chức VHH: mục đích thành lập, các ban học, quản trị, nhân viên, chương trình học, các kì thi, văn bằng. Nghị định này chưa quy định về chương trình học và các môn học cụ thể.
Dưới đây sẽ trình bày lại một số nội dung then chốt.Về mục đích, VHH có mục đích “đào-tạo một số chuyên-viên Hán-văn cần-thiết cho các cơ-quan và các học-đường, nghiên-cứu và dịch-thuật các pho cổ-văn và kim-văn viết bằng chữ Hán hoặc chữ Nôm và nghiên-cứu Đông-y-học”. Viện có 3 ban chuyên môn là Ban Hán học, Ban nghiên cứu và dịch thuật, Ban nghiên cứu Đông y dược. Việc phân ban như thế cho thấy Viện vừa có vai trò một trường đại học, nhưng cũng là một đơn vị nghiên cứu, chính vì vậy nên không gọi là “Đại học...” như truyền thống gọi tên các trường đại học thuộc VĐH ở MNVN giai đoạn 1955-1975. Ở đây tôi sẽ lưu ý tới mảng đào tạo Hán học, là mảng quan trọng nhất của Viện. Về nhân sự, ngoài các nhân viên quản lí và hành chính, đội ngũ nhân viên làm chuyên môn được quy định có 3 nhóm: giảng viên, nhân viên khảo cứu, và dịch thuật viên, tương đương với 3 ban chuyên môn kể trên. Các nhân viên chuyên môn này được “tuyển-dụng trong số các vị khoa-bảng cũ hoặc các công-chức và tư-
_________________________
(1). Don Luce và John Sommer viết: “[Ngô Đình] Diệm là người Công giáo (ông từng suýt trở thành linh mục), và với tư cách Tổng thống, ông cai trị đất nước bằng cái mà nhiều người gọi là sự kết hợp giữa đạo đức Công giáo với chủ nghĩa gia trưởng quan lại Nho giáo”. Xem:Viet Nam: The Unheard Voices, Ithaca: Cornell University Press, 1969, p. 114: “Diem was a Catholic (he nearby became a priest), and as president he ruled the country with what many called a combination of Catholic morality and Confucian mandarin paternalism”.
(2). “An ascetic Catholic steeped in Confucian tradition, a mixture of monk and mandarin […]”, xem: Stanley Karnow, Vietnam: A History, New York: Penguin Books, 1985, p. 213.
(3). Denis Warner, The Last Confucian, New York: Macmillan Company, 1964.
(4). Edward Miller, Misalliance: Ngo Dinh Diem, the United States, and the Fate of South Vietnam, Cambridge, MA: Harvard University Press, 2013, p. 21.
nhân có thành-tích về Hán-học hay Đông-y-học”. Nhóm giảng viên hưởng lương theo giờ giảng, hóm nhân viên khảo cứu “đượchưởng lương khoán theo thể-lệ hiện-hành cho nhânviên khế-ước”, nhóm dịch thuật viên hưởng thù lao dịch theo số trang quy định. Viện lập một “Hội đồng quản trị và hoàn bị” gồm 4 nhân viên chính thức đương nhiên và 5 nhân viên chỉ định. Hội đồng họp ít nhất mỗi năm 1 lần vào cuối năm học, có nhiệm vụ lập chương trình hoạt động cho Viện để trình Bộ, đề xuất các ý kiến để tổ chức các việc thuộc chuyên môn và về tổ chức Viện, cho ý kiến về ngân sách, và giúp sinh viên tốt nghiệp tìm công việc. Hội đồng giáo sư gồm Chủ tịch là Giám đốc Viện và tất cả các giảng viên, họp mỗi năm ít nhất 2 lần vào đầu và cuối năm học. Hội đồng giáo sư có các nhiệm vụ: (1) Soạn thảo chương trình học, thời khoá biểu; (2) Soạn thảo nội quy; (3) Nghiên cứu và đề nghị sửa đổi về phương pháp sư phạm; (4) Nghiên cứu và đề nghị sử dụng các sách và tài liệu giáo khoa; (5) Nghiên cứu các vấn đề liên quan đến danh dự nhà trường, hạnh kiểm và sự học hành của sinh viên; (6) Quyết định về kỉ luật nhà trường, thưởng phạt sinh viên: (7) Cứu xét tất cả các vấn đề do Giám đốc đưa ra.
Về sinh viên(của Ban Hán học), mỗi khoá học trong 5 năm. Số lượng tuyển sinh do Bộ ấn định theo từng năm. Điều kiện dự tuyển là có quốc tịch Việt Nam, không quá 30 tuổi (sau đó được sửa thành “không quá 20 tuổi”) tính đến ngày 31/12 năm nhập học, có bằng Trung học Đệ nhất cấp hay một văn bằng tương đương. Hồ sơ dự tuyển gồm: (1) Đơn xin dự thi; (2) Bản trích lục giấy khai sinh; (3) Giấy khám sức khoẻ không quá 3 tháng; (4)Giấy cho phép của phụ huynh nếu thí sinh còn vị thành niên; (5) Bản sao văn bằng. Sinh viên của Viện sẽ theo chế độ áp dụng cho sinh viên các trường cao đẳng chuyên nghiệp, chứ không theo chế độ của các trường đại học. Học bổng và chương trình học chưa được ấn định cụ thể trong Nghị định này.
Thi nhập họctheo chương trình của lớp đệ tứ bậc Trung học Đệ nhất cấp (hết lớp 9), gồm có 4 môn thi, trong đó có 3 môn bắt buộc là Luận Việt văn (3 giờ, hệ số 4), Sinh ngữ (dịch Pháp văn hoặc Anh văn ra Việt văn, 2 giờ 30 phút, hệ số 3), Sử địa (2 giờ, hệ số 2), và 1 môn không bắt buộc là Dịch Hán văn ra Việt văn (2 giờ, hệ số 3). Số điểm bài thi môn Dịch Hán văn ra Việt văn chỉ tính khi nào thí sinh được điểm trên trung bình của môn đó. Thí sinh có thể đăng kí dự thi tại Hội đồng giám thị tại Sài Gònhoặc Hội đồng giám thị tại Huế. Bài thi được niêm phong và gửi kèm hồ sơ về cho Hội đồng giám khảo trung ương đặt ở Huế chấm điểm.
Thi lên lớpđược tổ chức vào cuối mỗi năm học, sinh viên chỉ được lên lớp nếu có số điểm trung bình tổng quát từ 12/20 trở lên. Chi tiết về các kì thì lên lớp do VĐH Huế quy định theo đề nghị của VHH. Trong 5 năm học, sinh viên được phép lưu ban một lần nhưng phải được Bộ phê duyệt. Thi mãn khoá được tổ chức vào cuối năm học thứ 5, thể thức và nội dung thi sẽ theo quyết định của Bộ chiếu theo đề nghị của VĐH Huế và VHH. Sinh viên trúng tuyển kì thi mãn khoá sẽ được Bộ trưởng Bộ QGGD cấp “văn-bằng tốt-nghiệp viện Hán-học”. Về bổ dụng, “Những sinh-viên tốt-nghiệp viện Hán-học có thể được bổ-dụng lần lượt theo thứ-tự trong bảng danh-
______________________________
(1). Gồm: Viện trưởng Viện Đại học Huế, Đại diện cơ quan giáo dục tại trung nguyên và cao nguyên Trung phần, Thị trưởng thành phố Huế hoặc đại diện, Giám đốc hoặc Phó giám đốc VHH.
(2). Gồm: 2 đại diện giảng viên, 2 đại diện các nhân viên khảo cứu và dịch thuật, 1 đại diện hội Ái hữu cựu sinh viên VHH.
sách trúng-tuyển mãn khoá, tuỳ theo nhu-cầu công-vụ và khả-năng ngân-sách, vào các chức-vụ sau với chỉ-số [lương] 370: - Chuyênviên tại các toà đại-sứ và sứ-quán Việt-nam tại các nước thuộc Đông-nam-Á, - Chuyên-viên tại viện khảo-cổ, - Giáo-sư trunghọc đệ-nhất cấp (ngành Hán-học)
”
Môn Hán văn trong trường Trung học(1)
Nhân Nghị định tổ chức VHH nhắc đến ngành Hán học ở bậc Trung học, thiết tưởng cũng nên trình bày sơ bộ về chương trình Trung học và việc dạy Hánvăn ở bậc Trung học thời đó.
Để thay thế cho chương trình giáo dục của Pháp dành cho người bản xứ, chính phủ Trần Trọng Kim ban hành Dụ số 67 ngày 3/6/1945 do Hoàng đế Bảo Đại kí, quy định Chương trình Trung học áp dụng trên toàn quốc từ niên khoá 1945-1946. Đây là chương trình Trung học đầu tiên tại Việt Nam sử dụng chữ Quốc ngữ trong giảng học. Chương trình này do GS Hoàng Xuân Hãn, Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Mỹ thuật chủ trì hội đồng soạn thảo, nên về sau gọi tắt là “Chương trình Hoàng Xuân Hãn”. (2)
Từ cuối thập niên 1940, trong vùng Pháp kiểm soát (gọi là vùng “Quốc gia”), người Pháp vẫn chưa có một chương trình nào khác, cộng thêm điều kiện chiến tranh nên các trường học chưa mở cửa. Đến mãi những năm 1948, 1949 thời Quốc gia Việt Nam, các trường phổ thông ở đây mới bắt đầu khai giảng. Từ năm 1955 trở đi, có nhiều lần sửa đổi Chương trình Trung học, tập trung vào các đại hội giáo dục toàn quốc các năm 1958, 1965, tuy nhiên vẫn giữ lại rất nhiều dấu ấn của Chương trình Hoàng Xuân Hãn từ năm 1945. Nói cách khác, ở MNVN, “Chương trình Hoàng Xuân Hãn” đã được dùng làm nền tảng cho mọi cải cách chương trình Trung học qua các thế hệ lãnh đạo giáo dục Phan Huy Quát, Nguyễn Thành Giung, Vương Quang Nhường, Nguyễn Dương Đôn, Trần Hữu Thế, Nguyễn Quang Trình, Nguyễn Lưu Viên, Trần Ngọc Ninh, Ngô Khắc Tỉnh, tức là trong suốt giai đoạn 1949-1975.(1)
Ở MNVN, chương trình Trung học chia thành Trung học Đệ nhất cấp và Trung học Đệ nhị cấp. Trung học Đệ nhất cấp, trước năm 1970 là từ lớp đệ Thất đến lớp Đệ tứ, từ năm 1970 gọi là lớp 6 đến lớp 9 (tương đương với Trung học cơ sở ở Việt Nam ngày nay, cũng gọi là lớp 6 đến lớp 9). Trung học Đệ nhị cấp là từ lớp Đệ tam đến Đệ nhất, tức lớp 10-12. Học hết lớp Đệ tứ (lớp 9) thì được dự thi bằng Trung học Đệ nhất cấp, hết lớp Đệ nhị (lớp 11) thì được thi bằng Tú tài I (Tú tài bán phần, từ năm 1974 trở đi bãi bỏ thi Tú tài I), hết lớp Đệ nhất (lớp 12) thì được thi bằng Tú tài II (Tú tài toàn phần). (2)
__________________________
(1). Bậc tiểu học thời Quốc gia Việt Nam và sau đó là MNVN không bố trí môn Hán văn. Xem Nghị định số 4-ND/GD do Bộ trưởng Phan Huy Quát kí ngày 27/8/1949 ấn định chương trình tiểu học áp dụng từ năm học 1949-1950, in trong: Công báo [Quốc gia] Việt Nam, 27/8/1949, tr. 45-72.
(2). Xem Chương trình Trung học Hoàng Xuân Hãn trong: La Sơn Yên Hồ Hoàng Xuân Hãn, tập I, Hữu Ngọc và Nguyễn Đức Hiền sưu tập, biên soạn, Hà Nội: Giáo dục, 1998, tr. 773-850. Để biết tường tận hơn về Chương trình này, xem: (1) Nguyễn Anh Dũng, “Chương trình Hoàng Xuân Hãn trong tiến trình giáo dục Việt nam”, La Sơn Yên Hồ Hoàng Xuân Hãn, tập I, đã dẫn, tr. 84-87; (2) Nguyễn Q. Thắng, “Giáo sư Hoàng Xuân Hãn: Nhà giáo dục và Chương trình Trung học Việt Nam năm 1945”, La Sơn Yên Hồ Hoàng Xuân Hãn, tập I, đã dẫn, tr. 260-272.
Các trường Đại học và Cao đẳng tuỳ theo yêu cầu đầu vào cao hay thấp để quy định thí sinh dự tuyển (thi tuyển hoặc xét tuyển) phải có bằng cấp loại nào. Theo thống kê, trong 9 năm từ 1954 đến 1962, mỗi năm chỉ có từ 18 ~ 35% thí sinh dự thi đỗ Trung học Đệ nhất cấp, 15 ~ 37% đỗ Tú tài I, 25 ~ 64% đỗ Tú tài II. (3) Những con số này cho thấy đây là những kì thi thực sự khó khăn đối với học sinh phổ thông trung học thời kì ấy.Ngày 5/9/1949, Bộ trưởng Bộ QGGD Phan Huy Quát của chính phủ Quốc gia Việt Nam kí Nghị định số 9-ND/GD ban hành chương trình bậc trung học, áp dụng kể từ năm học 1949-1950. Trong chương trình này, môn Hán văn được giảng dạy ở cả bậc Trung học Đệ nhất cấp và Đệ nhị cấp. Chương trình Đệ nhất cấp có 2 ban: Cổ điển và Sinh ngữ, môn Hán văn được dạy mỗi tuần 4 giờ đối với các lớp Ban Cổ điển, mỗi tuần 1 giờ đối với các lớp Ban Sinh ngữ. Từ năm 1953 thì Đệ nhất cấp không chia Ban nữa, nhưng vẫn dạy môn Hán văn. Chương trình Trung học Đệ nhị cấp gồm 4 ban: Khoa học A, Khoa học B, Cổ điển, Sinh ngữ; môn Hán văn được bố trí phức tạp hơn: các lớp Đệ tam (10) và Đệ nhị (11) của Ban A và B học mỗi tuần 1 giờ (lớp Đệ nhất thì không phải học); cả 3 lớp của Ban Sinh ngữ đều học mỗi tuần 1 giờ; Ban Cổ điển thì học mỗi tuần 6 giờ Hán văn. (1) Từ năm 1957, Chương trình Trung học Đệ nhị cấp được vi chỉnh, gồm 4 ban: Khoa học A (Toán), Khoa học B (Thực nghiệm), Văn chương Sinh ngữ C, Văn chương Cổ ngữ D. Các môn học Hán văn tập trung vào Ban D, gồm có 2 ngành Cổ ngữ Hán văn (còn gọi Cổ ngữ Hán tự) và Cổ ngữ Latin tuỳ theo sự lựa chọn của học sinh.
Sau năm 1949, trải qua nhiều lần sửa đổi Chương trình Trung học, số lượng giờ giảng môn Hán văn có xu hướng giảm đi. Muộn nhất là đến năm 1972, môn Hán văn bị loại khỏi các trường Trung học Đệ nhất cấp; ở trường Trung học Đệ nhị cấp thì các lớp thuộc Ban A, B, C cũng không còn bố trí giờ Hán văn nữa. Ngay cả Ban Văn chương Cổ ngữ (D), lớp Cổ ngữ Hán văn cũng chỉ giảng còn mỗi tuần 5 giờ học chữ Hán cho lớp 10, 11, và 4 giờ cho lớp 12. Ở lớp 10 và 11 học các nội dung: giảng văn, văn học sử, ngữ vựng, văn phạm, bài tập (lớp 10 có thêm thư pháp); ở lớp 12 chỉ có giảng văn, văn học sử, và bài tập.(2)
Nghị định tổ chức VHH ghi công việc mà sinh viên Viện tốt nghiệp có thể đảm đương là “Giáo-sư trung-học đệ-nhất cấp (ngành Hán-học)”, tức là phụ trách giảng dạy các môn Hán văn trong chương trình Trung học Đệ nhất cấp (lớp Đệ thất đến Đệ tứ, tức lớp 6-9). Việc giảng dạy môn Hán văn còn tuỳ thuộc vào số lượng học sinh lựa chọn học Ban Văn chương Cổ ngữ (D), vì ban này có 2 ngành là Cổ ngữ Hán văn và Cổ ngữ Latin.
Trên thực tế đào tạo từ năm 1949 trở đi, số lượng học sinh trung học chọn học môn Cổ ngữ Hán văn (thuộc Ban D) ngày một ít đi, và cũng tuỳ thuộc vào từng địa phương. Qua trao đổi
_______________________
(1). Về lịch sử các Chương trình Trung học ở MNVN giai đoạn 1945-1975, xem: Nguyễn Q. Thắng, Khoa cử và giáo dục Việt Nam, TP HCM: Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 2005, tr. 184-262.
(2). Xem: Nguyễn Thanh Liêm chủ biên, Giáo dục ở miền Nam tự do trước 1975, Santa Ana: Lê Văn Duyệt Foundation, 2006, tr. 12-50.
(3). Số liệu thống kê trích từ: Thành tích chín năm hoạt động của chánh phủ Việt Nam Cộng Hoà, Saigon: Ấn quán Mai Linh, 1963, tr. 398; các số liệu % đã được làm tròn.
riêng, bà Võ Hồng Phi, cựu sinh viên khoá 2 của VHH cho biết, trong những năm đầu thời Đệ nhất Cộng hoà (1955-1963) vẫn còn dạy môn Hán văn ở một số ít trường Trung học, mà chủ yếu là ở Huế, lí do là thiếu thầy có trình độ chữ Hán. Theo một sư huynh lớn tuổi của bà, thì lớp ông học chỉ bố trí 2 giờ Hán văn một tuần ở Trung học Đệ nhất cấp. Khi bà học lớp Đệ thất (lớp 6) ở trường trung học nữ sinh lớn nhất Sài Gòn là trường Gia Long, mà cũng không có Ban D.
Đến thời Đệ nhị Cộng hoà (1967-1975) thì càng hiếm trường trung học dạy môn Hán văn. Năm 1965 khi bà tốt nghiệp VHH và đi dạy, thì đã không còn Ban D ở hai trường trung học lớn ở Huế là trường Quốc học và Đồng Khánh; tuy vậy vẫn còn kì thi Tú tài Ban D cho môn Cổ ngữ Hán văn, có nghĩa là môn Hán văn vẫn còn học sinh trung học đăng kí thi; cũng có thể học sinh tự học hoặc có người nhà kèm riêng chứ không đến trường, nhưng vẫn đăng kí thi môn Hán văn ở kì thi Trung học Đệ nhất cấp, Tú tài I và Tú tài II. Còn ông Nguyễn Lý Tưởng, cựu sinh viên khoá 1 thì cho biết, trong kì thi Tú tài II (hết lớp 12) năm 1962, thí sinh phải dịch một bài Hán văn ra Việt văn, là trích đoạn truyện “Nam Cung Trường Vạn” trong sách Đông Chu liệt quốc, năm đó đa số học sinh các lớp Trung học không dịch nổi, mà chỉ có sinh viên VHH tham dự kì thi trên mới dịch được.
Linh mục Cao Văn Luận, Viện trưởng VĐH Huế, đang phát biểu trong lễ khai giảng VHH khoá 1961-1962,
tại Phủ Nội Vụ - Huế.
3. HOẠT ĐỘNG ĐÀO TẠO
Cơ sở vật chất
Trụ sở VHH ban đầu được đặt tại tòa Di Luân đường, từ năm học 1961-1962 thì chuyển vào phủ Nội Vụ trong Đại Nội, đến năm 1964 lại chuyển tới lầu ông Viễn Đệ trên đường Phan Đình Phùng, gần Bến Ngự. Theo nhận xét của cựu sinh viên khoá 2 Lý Văn Nghiên, “Viện Hán học chỉ “đóng đô” những nơi nào dư thừa và người ta chê không sử dụng đến” [2009: 235]. Còn theo cựu sinh viên khoá 1 Nguyễn Lý Tưởng, sau hai khoá đầu tiên tuyển sinh chia thành 3 lớp, nhưng “tất cả đều học tại Di Luân đường, không có phòng học riêng, phảingăn cách bằng các tấm bảng viết bằng gỗ” [2000: 116]. Có nghĩa là, dù nhiều lần thay đổi trụ sở, nhưng đó đều là những nơi không đủ không gian hoặc không phù hợp với việc giảng dạy và nghiên cứu của một đơn vị đại học, Viện phải tận dụng cơ sở hạ tầng cũ vốn được thiết kế không phải với mục đích dùng làm giảng đường đại học.
Cán bộ quản lí và giảng dạy
Ban giám đốc VHH giai đoạn đầu bao gồm: Linh mục Cao Văn Luận, Viện trưởng VĐH Huế, kiêm nhiệm chức Giám đốc VHH; Lương Trọng Hối, Cử nhân Hán học khoa cử, Dân biểu quốc hội, giữ chức Phó giám đốc; VHH), VĐH Huế liên tục thay Viện trưởng, từ Trần Hữu Thế, qua Trương Văn Chôm, rồi Cao Văn Luận tái nhiệm ít ngày, đến tháng 9/1964 thì bổ nhiệm Bùi Tường Huân, cựu Bộ trưởng Bộ QGGD. Cuối năm 1963, Võ Như Nguyện được cử làm Phó giám đốc VHH, nhưng rồi ngay sau đó ông lại chuyển công tác đi nơi khác, nên VHH không có người lãnh đạo, việc điều hành Viện do Phạm Ngọc Hương đảm nhiệm. Hội đồng giáo sư của VHH nhiều lần đề nghị Bùi Tường Huân kiêm nhiệm chức Giám đốc VHH nhưng không được đồng ý, Bùi Tường Huân đề cử Nguyễn Văn Thích và tiếp đó là Đỗ Đình Thạch làm Giám đốc, nhưng không được Bộ QGGD chấp thuận. Đến mãi ngày 5/2/1965, Bộ mới ra quyết định cử Trần Điền, cựu Tỉnh trưởng Quảng Trị, làm Xử lí thường vụ Giám đốc VHH. (1) Ban Giảng huấn giai đoạn đầu gồm có: dạy Hán văn có các nhà cựu khoa bảng Hà Ngại, Võ Như Nguyện, Nguyễn Duy Bột, Hồ Đắc Định, Phạm Lương Hàn, Ngô Đình Nhuận, Châu Văn Liệu, Nguyễn Huy Nhu, và các GS đại học ở Huế như Nguyễn Hy Thích, Nguyễn Văn Dương, Nguyễn Hồng Giao, Phan Chí Chương, La Hoài (1), Dạy Quốc văn có các GS Nguyễn Văn Dương, Phan Văn Dật, Phạm Ngọc Hương. Dạy triếtcó các GS Đỗ Đình Thạch, Nguyễn Văn Dương, Nguyễn Văn Trọng. Dạy sửcó các GS Nguyễn Phương, Nguyễn Hữu Châu Phan, Nguyễn Duy Bột. Dạy địacó các GS Lê Khắc Phò, Nguyễn Hữu Châu Phan. Dạy Anh văn có các GS Bửu Kế, Vĩnh Quyền, Paul Vogle, Cao Xuân Duẫn, Trương Xuân Trực. Dạy Pháp văn có các GS Cao Hữu Hoành, Nguyễn Văn Kháng, Nguyễn Doãn Thám, Phạm Kiêm Âu, Trần Điền.(3).
Có thể thấy, giảng viên của Viện là sự kết hợp của 2 nhóm, nhóm thứ nhất là các nhà khoa bảng “cựu học” còn sót lại, nhóm thứ hai là một số trí thức“tân học” về khoa học xã hội và nhân văn đương thời, tổng cộng khoảng 30 người, thể hiện một phong khí “ôn cố - tri tân”, vừa kế thừa nền tảng cựu học, lại vừa mở ra những cách tiếp cận mới qua tri thức tân học. Nhóm khoa bảng uyên thâm về Hán học, vừa tham gia giảng dạy cho sinh viên, lại vừa kiêm nhiệm việc phiên dịch tài liệu cổ và nghiên cứu Đông y, tức là 3 nhóm công việc được quy định trong Nghị định tổ chức VHH (đã dẫn). Phần đông các nhà khoa bảng ấy là những thành viên cốt cán của Hội Việt Nam cổ học (thường gọi là Hội Cổ học Huế), (1) đó là Nguyễn Huy Nhu (Hội trưởng), Nguyễn Văn Thích, Võ Như Nguyện, Hà Ngại (Phó Hội trưởng), Phạm Lương Hàn, La Hoài (Cố vấn), Lương Trọng Hối (Tỉnh hội trưởng Tỉnh hội Cổ học Quảng Nam). Toà Di Luân đường là trụ sở của cả VHH và Hội Cổ học. Mối quan hệ giữa VHH và Hội Cổ học cho thấy sự kết hợp chặt chẽ giữa một thiết chế nhà nước về Hán học với một hiệp hội văn hoá tự do về Hán học. Sự kết hợp như vậy là một mô hình chung của nền Hán học MNVN giai đoạn 1955-1975.
____________________
(1). Lương Trọng Hối được chỉ định giữ chức Phó giám đốc theo Sắc lệnh số 356-GD ngày 24/12/1959 của Tổng thống Ngô Đình Diệm, xem: CBVNCH, 9/1/1960, tr. 72, điều thứ nhất viết: ”Nay đặc-nhiệm Ô. Lương trọng Hối, dân-biểu Quốc-hội, trong thời-hạn 12 tháng kể từ ngày 1-1-1960 để giữ chức-vụ phó giám-đốc viện Hán-học thuộc viện đại-học Huế”. Theo thông tin trong cuốn Cổ học tinh hoa văn tập của Tỉnh hội Cổ học Quảng Nam (Quảng Nam, 1962, bìa 2), thì Lương Trọng Hối là Hội trưởng Tỉnh hội Cổ học Quảng Nam, một chi nhánh quan trọng của Hội Cổ học Việt Nam có trụ sở chính tại Huế.
_______________________
(1). Theo Lý Văn Nghiên, 2009, tr. 232-233. Nguyễn Lý Tưởng cho rằng Võ Như Nguyện làm Giám đốc VHH từ năm 1962, Trần Điền làm từ năm 1964. Xem: Thuyền ai đợi bến Văn Lâu, California: tác giả xuất bản, 2001, tr. 215.
(2). Bà Võ Hồng Phi cho biết, 2 GS Phan Chí Chương và La Hoài là người gốc Hoa. (3). Danh sách Ban giám đốc và Ban giảng huấn của VHH được rút từ bài viết của Nguyễn Lý Tưởng [2000: 112], có điều chỉnh lại một số tên người, như Cao Xuân Duẫn, Trương Xuân Trực, Ngô Đình Nhuận chứ không phải Cao Xuân Dũng, Lê Văn Trực, Ngô Xuân Nhuận.
________________________________
(1). Qua trao đổi riêng, ông Nguyễn Lý Tưởng kể rằng năm đầu có khoảng 700 thí sinh nộp đơn dự thi vào VHH.
(2). Nghị định số 456-GD/HB/NĐ của Bộ QGGD kí ngày 16/3/1960 về việc cấp học bổng cho sinh viên VHH năm học 1959-1960 kể từ ngày 1/1/1960, xem: CBVNCH, 9/4/1960, tr. 1545-1546)(3). Danh sách 40 sinh viên khoá 1 theo thứ tự gồm: Ngô Văn Lại, Dương Trọng Khương, Hoàng Văn Sự, Phan Thị Hồng Hạnh, Tôn Thất Nguyên, Trần Vinh Anh, Vương Hữu Lễ, Hồ Xuân Nhơn, Phan Cao Quang, Nguyễn Đức Cung, Phan Rơi [tức Phan Thuận An], Hồ Tú, Hồ Thị Lài, Hoàng Công Phu, Ngô Hữu Kỉnh, Nguyễn Hữu Tuân, Đặng Văn Cơ, Ngô Khôn Liêu, Phạm Liễu, Nguyễn Lý Tưởng; và 20 sinh viên được cấp học bổng bán phần gồm: Hoàng Xuân Minh, Trần Văn Thăng, Phan Trị,Lê Nhất, Lê Ngọc Bích, Nguyễn Thị Kim Chi, Thân Trọng Thanh, Hoàng Hối, Phạm Hữu Vinh, Nguyễn Đức Đô, Hồ Văn Ngữ, Nguyễn Đăng Phú, Trần Văn Hoành, Trần Duy Lộc, Trần Bá Nhẫn, Lê Văn Phụng, Trương Quý Đô, Nguyễn Phong, La Cảnh Hùng, Trần Đình Tuấn (những tên người in nghiêngkhông có trong danh sách của Nguyễn Lý Tưởng). Danh sách họ tên trong bài báo của Nguyễn Lý Tưởng thật ra có 31 người,
chứ không phải 30 như tác giả nói [2000: 116]. Tác giả cũng ghi nhầm tên 4 người (có lẽ là do ghi theo trí nhớ sau 40 năm): Trương Quý Đô thành Ngô Đình Đô, Đặng Văn Cơ thành Lê Văn Cơ, Trần Duy Lộc thành Trần Đình Lộc, Nguyễn Đăng Phú thành Nguyễn Đức Phú.
(4). Về học bổng, Nguyễn Lý Tưởng [2000: 112] kể lại, theo thông tin tuyển sinh của Bộ đăng trên báo chí, khoá đầu sẽ lấy 30 sinh viên, Bộ cấp học bổng toàn phần (700 đồng một tháng) cho 15 sinh viên, số còn lại sẽ hưởng học bổng bán phần (350 đồng một tháng). Bà Võ Hồng Phi cho biết, một số bạn đồng môn của bà vẫn nhớ rằng học bổng toàn phần được cấp là 450 đồng một tháng.
Lễ khai giảng niên khoá 1960-1961 tại Di Luân đường,bên trái là biển hiệu “Viện Hán học”,
bên phải là biển hiệu “越南古學會館” (Việt Nam cổ học hội quán).
Tuyểnsinh
Có lẽ chính vì đầu vào thì yêu cầu thấp, không nhất thiết phải có bằng Tú tài, còn đầu ra lại rất hứa hẹn, cho nên ngay từ năm đầu VHH đã thu hút được rất nhiều thí sinh đăng kí dự thi, nên “tỉ lệ chọi” rất cao.(1)
Năm học 1959-1960 tuyển khoá đầu tiên, Nguyễn Lý Tưởng và Lý Văn Nghiên đều cho rằng năm ấy lấy 30 sinh viên, nhưng căn cứ theo một Nghị định cấp học bổng cho sinh viên khoá 1(2) , thì khoá đầu đã lấy đỗ 40 sinh viên.(3).Nghị định này ghi danh sách 20 sinh viên được cấp học bổng toàn phần 450 đồng một tháng, “tương-đương với học-bổng bực cao-đẳng”, và 20 sinh viên được cấp học bổng bán phần (4) .Ông Ngô Văn Lại, cựu sinh viên khoá 1, qua trao đổi riêng cho biết, trong số sinh viên khoá đầu tiên, có 1 người không theo học, 1 người chỉ học vài tuần rồi bỏ, 6 người chưa học hết năm đầu tiên, 2 người học hết năm thứ nhất rồi bỏ, 11 người học hết năm thứ 3 rồi bỏ, tổngsố người bỏ học giữa chừng là 21 người.(1) Nguyễn Lý Tưởng, qua trao đổi riêng, còn cho biết, đa số những người trúng tuyển là người đã học hết lớp Đệ nhị (lớp 11) và thi rớt Tú tài I, hoặc là người có bằng Trung học Đệ nhất cấp (hết
lớp 9) nhưng giỏi Hán văn, nhờ cộng thêm điểm Hán văn mới trúng tuyển.
_________________________
(1). Qua trao đổi riêng, ông Nguyễn Lý Tưởng kể rằng năm đầu có khoảng 700 thí sinh nộp đơn dự thi vào VHH.
(2). Nghị định số 456-GD/HB/NĐ của Bộ QGGD kí ngày 16/3/1960 về việc cấp học bổng cho sinh viên VHH năm học 1959-1960 kể từ ngày 1/1/1960, xem: CBVNCH, 9/4/1960, tr. 1545-1546)
(3). Danh sách 40 sinh viên khoá 1 theo thứ tự gồm: Ngô Văn Lại, Dương Trọng Khương, Hoàng Văn Sự, Phan Thị Hồng Hạnh, Tôn Thất Nguyên, Trần Vinh Anh, Vương Hữu Lễ, Hồ Xuân Nhơn, Phan Cao Quang, Nguyễn Đức Cung, Phan Rơi [tức Phan Thuận An], Hồ Tú, Hồ Thị Lài, Hoàng Công Phu, Ngô Hữu Kỉnh, Nguyễn Hữu Tuân, Đặng Văn Cơ, Ngô Khôn Liêu, Phạm Liễu, Nguyễn Lý Tưởng; và 20 sinh viên được cấp học bổng bán phần gồm: Hoàng Xuân Minh, Trần Văn Thăng, Phan Trị,Lê Nhất, Lê Ngọc Bích, Nguyễn Thị Kim Chi, Thân Trọng Thanh, Hoàng Hối, Phạm Hữu Vinh, Nguyễn Đức Đô, Hồ Văn Ngữ, Nguyễn Đăng Phú, Trần Văn Hoành, Trần Duy Lộc, Trần Bá Nhẫn, Lê Văn Phụng, Trương Quý Đô, Nguyễn Phong, La Cảnh Hùng, Trần Đình Tuấn (những tên người in nghiêngkhông có trong danh sách của Nguyễn Lý Tưởng). Danh sách họ tên trong bài báo của Nguyễn Lý Tưởng thật ra có 31 người, chứ không phải 30 như tác giả nói [2000: 116]. Tác giả cũng ghi nhầm tên 4 người (có lẽ là do ghi theo trí nhớ sau 40 năm): Trương Quý Đô thành Ngô Đình Đô, Đặng Văn Cơ thành Lê Văn Cơ, Trần Duy Lộc thành Trần Đình Lộc, Nguyễn Đăng Phú thành Nguyễn Đức Phú.
(4). Về học bổng, Nguyễn Lý Tưởng [2000: 112] kể lại, theo thông tin tuyển sinh của Bộ đăng trên báo chí, khoá đầu sẽ lấy 30 sinh viên, Bộ cấp học bổng toàn phần (700 đồng một tháng) cho 15 sinh viên, số còn lại sẽ hưởng học bổng bán phần (350 đồng một tháng). Bà Võ Hồng Phi cho biết, một số bạn đồng môn của bà vẫn nhớ rằng học bổng toàn phần được cấp là 450 đồng một tháng.
Năm học 1960-1961, mở 2 lớp, tuyển 60 sinh viên, với 2 hội đồng thi tuyển đặt tại Huế (dành cho thí sinh miền Trung) và Sài Gòn(dành cho thí sinh miền Nam). Năm thứ ba, niên khoá 1961-1962, tuyển 80 sinh viên, cũng chia làm 2 lớp.(2) Tới năm 1962, với tổng số 3 khóa khoảng 140 sinh viên còn theo học,(3)VHH trở thành một phân khoa lớn trực thuộc VĐH Huế. Năm học 1964-1965, Viện đổi quy chế, yêu cầu đầu vào có bằng Tú tài, tức là đặt ra yêu cầu cao hơn đối với thí sinh đầu vào. Cho đến cuối năm 1963, VHH có 159 sinh viên theo học.(4) Đến tháng 4/1964, trong một công văn cấp học bổng cho sinh viên chỉ còn ghi danh sách tổng số 149 sinh viên của 5 khoá, trong đó từ khoá 1đến khoá 5 có số sinhviên tính ra lần lượt là: 20, 52, 34, 28, 15.(1). Lịch sử những con số này chứng tỏ tỉ lệ sinh viên chuyển sang trường khác cũng ngày một nhiều, số lượng tuyển sinh của các khoá cuối ngày càng ít đi. VHH không còn hấp dẫn như mấy năm đầu.
Học và thi
Về nội dung học, trên thực tế thì số môn học cũng như thời lượng giảng dạy mỗi môn có thể thay đổi tuỳ theo từng khoá. Viện không dạy các môn khoa học tự nhiên, mà tập trung vào Hán văn, triết Đông,triết Tây, văn sử Trung Quốc, văn sử địa Việt Nam, lịch sử Nhật Bản, lịch sử phương Tây, Trung văn, Anh văn, Pháp văn. Các môn Hán văn chiếm một nửa thời lượng học, gồm có Hán văn giảng luận (Tứ thư, Ngũ kinh), Hán văn giáo khoa (trích giảng danh tác Hán văn Trung Quốc và Việt Nam). Một người tâm huyết với Hán học đương thời là Hoàng Bồng cho biết, chương trình học của VHH là 5 năm, mỗi tuần học 11-12 giờ Hán văn, 3-4 giờ Việt văn, 6 giờ sinh ngữ, 2 giờ sử địa.(2). .
Qua trao đổi riêng, bà Võ Hồng Phi cho biết, đến năm thứ 5, sinh viên khoá 1 còn học về phương pháp sư phạm, tâm sinh lí trẻ, và thực tập giảng dạy các môn Việt văn ở hai trường Trung học Đồng Khánh và Quốc học Huế; đến khoá 2 thì không học những môn ấy nữa. Điều này cho thấy chương trình học có xu hướng mở rộng lĩnh vực nghề nghiệp, tạo điều kiện cho sinh viên tốt nghiệp có thể giảng dạy các môn Việt văn ở bậc Trung học, trong điều kiện ngày càng ít trường có môn Hán văn.
____________________________
(1). Nghị định số 688-GD/HB/NĐ ngày 18/4/1960 “bôi tên 2 sinh-viên trong danh-sách sinh-viên năm thứ nhất viện Hán-học Huế niên-học 1959-1960”, là 2 sinh viên “Tran đinh Tuan và Hoang Hoi” (nguyên bản viết không dấu, tức Trần Đình Tuấn và Hoàng Hối) “vì đã tự ý bỏ học”, đồng thời bổ sung một thí sinh tên là “Tran đinh Đinh” vốn đậu dự khuyết, được cấp học bổng bán phần kể từ ngày 1/2/1960. Nghị định số 995-GD/HB/NĐ ngày 10/6/1960 “huỷ bỏ phần học-bổng cấp cho 2 sinh-viên năm thứ nhất viện Hán-học về niên-học 1959-1960”, là sinh viên Hồ Tứ và Phan Trị, kể từ ngày 1/4/1960, lí do “vì đã thôi học”. 4 sinh viên thôi học kể trên không nằm trong danh sách mà Nguyễn Lý Tưởng cung cấp; sinh viên “Tran đinh Đinh” được bổ sung nhưng có lẽ không theo học, vì không có trong danh sách của Nguyễn Lý Tưởng. Xem hai Nghị định này tại: CBVNCH, 14/5/1960, tr. 2164; 2/7/1960, tr. 3071.
(2). Số sinh viên của 3 khoá đầu tiên, theo Lý Văn Nghiên thì lần lượt là 30, 60, 60 [2009: 226], theo Nguyễn Lý Tưởng thì là 30, 60, 80 [2000: 116]. Nguyễn Lý Tưởng còn ghi đầy đủ họ tên của toàn bộ sinh viên từng khoá.
(3). Theo con số của Nguyễn Lý Tưởng, nếu cộng lại tổng số thì là 170 sinh viên, nhưng có lẽ do điều kiện nào đó mà một số sinh viên chuyển trường hoặc thôi học, cho nên đến năm 1962 chỉ còn tổng số 140 sinh viên. Xem: Thành tích tám năm hoạt động của chánh phủ Việt Nam Cộng Hòa, Saigon: Ấn quán Mai Linh, 1962, tr. 786.
(4). Thành tích chín năm hoạt động của chánh phủ Việt Nam Cộng Hòa, Saigon: Ấn quán Mai Linh, 1963, tr. 400.
Trong quá trình học, theo cảm nhận của Lý Văn Nghiên [2009], sinh viên khóa 2, nguyên Chủ tịch Ban đại diện sinh viên VHH, thì sinh viên của Viện phần lớn bị mặc cảm khi tiếp xúc với sinh viên các phân khoa kháctrong VĐH Huế; mà trong con mắt của sinh viên các phân khoa khác, nhất là sau sự kiện chính quyền đàn áp Đài phát thanh Huế năm 1963, và phong trào phản đối chính quyền Ngô Đình Diệm đàn áp Phật giáo đã nổ ra ở Huế, thì sinh viên VHH bị ngộ nhận “là con đẻ của Ngô Tổng thống và quyền lợi của sinh viên VHH gắn liền với sự tồn vong của gia đình họ Ngô”. Do vậy, sinh viên VHH đã chịu ít nhiều sự nghi kị từ học đường và xã hội. Về việc thi tốt nghiệp cho sinh viên khoá 1, Nghị định 501-GD/HV/NĐ ngày 6/3/1964 của Bộ QGGD có 12 điều, quy định rõ cách thức tổ chức kì thi tốt nghiệp Hán học: lịch thi (vào 3 ngày, từ 8-10 tháng 6 năm 1964), hình thức thi (viết và vấn đáp), tổ chức kì thi, thành lập hội đồng giám khảo, quy trình chấm thi, điều kiện tốt nghiệp, xử lí kỉ luật thi cử. 8 môn thi viết là Hán văn (3 giờ - hệ số 3), Quốc văn (2-2), Sinh ngữ (Anh hoặc Pháp, 2-2), Văn hoá Việt Nam (1-1), Triết lí Đông phương (1-1), Sử Trung Quốc và Đông Nam Á (1-1), Sử địa Việt Nam (1-1); 4 môn thi vấn đáp đều lấy hệ số 1, gồm: Hán văn, Quốc văn, Sinh ngữ (Anh hoặc Pháp), Bạch thoại và Quan thoại.(1)
Hiệu quả đào tạo
Về hiệu quả đào tạo Hán văn, thật khó đánh giá nếu nhìn từ con mắt của người ngoài cuộc, vì vậy tôi xin để những người trong cuộc - các cựu sinh viên - tự nhận xét về mình. Tựu trung có 2 quan điểm khác nhau, một bên đánh giá tiêu cực, một bên đánh giá tích cực. Cựu sinh viên khóa 2, Lý Văn Nghiên, cho rằng, do đầu vào sinh viên chưa học phổ thông Trung học Đệ nhị cấp, nên “5 năm học thì hết 3 năm lo bồi dưỡng kiến thức phổ thông, còn 2 năm cuối cùng thì quan điểm trên không nhận được sự đồng tìnhcủa đa số cựu sinh viên khác của VHH. Bà Võ Hồng Phi, qua trao đổi riêng, cho rằng trong 3 năm đầu, sinh viên VHH được học kiến thức Hán văn
______________________
(1). Nghị định số 501-GD/HV/NĐ do Tổng trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục Bùi Tường Huân kí ngày 6/3/1964, ấn định kì thi tốt nghiệp cho sinh viên năm thứ nhất Viện Hán học, khoá 1959-1964; xem: CBVNCH, 28/3/1964, tr. 1086-1087.
cao hơn và sâu hơn hẳn so với các môn Hán văn ở trường Trung học Đệ nhị cấp. Không kể các môn Tứ thư, Ngũ kinh, văn học cổ Trung Quốc và Việt Nam đều học trực tiếp bằng chữ Hán hoặc chữ Nôm, thì ngay cả giờ học môn lịch sử Trung Quốc, GS Nguyễn Duy Bột cũng cho học bằng văn bản chữ Hán cổ. Tiếc là từ năm thứ 3 của khoá 2, tức năm học 1963-1964, có nhiều hoạt động chính trị - xã hội làm ảnh hưởng tiêu cực tới việc học của sinh viên: tình hình bất ổn chính trị (xuất phát từ biến cố Phật giáo 1963 ở Huế), sinh viên biểu tình, lãn khoá, Giáo sư từ nhiệm, nguy cơ giải tán VHH, sinh viên khoá 1 đã tốt nghiệp phải đấu tranh để được bổ dụng... Ông Nguyễn Phong, khoá 1, qua lời kể của bà Võ Hồng Phi, cũng khẳng định rằng “Chúng tôi học ngang trình độ Đại học Văn khoa về văn chương, lịch sử, triết học, chưa kể chữ Hán”. Một cựu sinh viên khác, ông Nguyễn Lý Tưởng, khoá 1, cũng qua trao đổi riêng, đánh giá cao khả năng tiếp thu tri thức Hán văn của sinh viên VHH:
“Nói chung, một sinh viên sau khi theo học 5 năm tại VHH, tốt nghiệp với trình độ không thua gì một sinh viên tốt nghiệp cử nhân Đại học Văn khoa (đa số các sinh viên VHH đều có ghi tên theo học Đại học Văn khoa ban Việt Hán và họ đã tốt nghiệp Đại học Văn khoa sau khi tốt nghiệp VHH một cách dễ dàng).
Trình độ Hán văn của một sinh viên tốt nghiệp VHH hơn hẳn một sinh viên tốt nghiệp Đại học Sư phạm (ban Việt Hán) hoặc một sinh viên tốt nghiệp Đại học Văn khoa (cử nhân văn chương Việt Nam). Sinh viên VHH năm thứ 3, bỏ VHH thi qua Đại học Sư phạm đã trúng tuyển với vị thứ rất cao (đỗ đầu, đỗ thứ 2,3,4...) các ngành Việt Hán, Sử Địa... Những người có căn bản Hán văn xuất thân từ VHH, khi qua học Văn Khoa hay Sư Phạm đều xuất sắc hơn sinh viên có Tú tài rồi trúng tuyển vào Đại học Sư phạm hay Văn khoa. Tôi muốn nói một sinh viên học hết năm thứ 3 VHH giỏi hơn một sinh viên có Tú tài II (đặc biệt về sinh ngữ cũng như cổ ngữ Hán văn)”
Tốt nghiệp và tuyển dụng
Khoá 1 (1959-1964) lấy đỗ 40 người, nhưng do một số người bỏ học hoặc chuyển sang học ngành khác, nên đến khi ra trường chỉ còn 19 người,(1), trong đó 3 người đứng đầu lần lượt là Vương Hữu Lễ, Dương Trọng Khương, Phan Thuận An. Tuy nhiên, khi khoá đầu tiên ra trường năm 1964, thì đến tận tháng 11 vẫn hầu như không được bổ nhiệm (trừ thủ khoa Vương Hữu Lễ) như Bộ QGGD đã hứa hẹn trong Nghị định tổ chức Viện, trong khi đó sinh viên tốt nghiệp từ Đại học Sư phạm cùng năm đều đã có nhiệm sở. Đến tận đầu tháng 4/1965 mới có thêm 5 người nữa được bổ nhiệm. Điều này gây hoang mang trong tâm lí các khoá sinh viên còn đang học, “sinh viên các lớp đến trường nhìn nhau với nét mặt lo lắng. Ai cũng trông ngóng, ai cũng thắc mắc, ai cũng thất vọng. Ngày nào gặp quý Thầy hay Ban giám đốc thì câu trả lời vẫn là “sắp...”(1) Đó là tình trạng của khoá đầu tiên tốt nghiệp. Nếu khoá tiếp theo sẽ có hơn 50 sinh viên tốt nghiệp nữa, thì vấn đề tuyển dụng sẽ còn khó khăn đến mức nào? Chính việc khó khăn trong vấn đề tuyển dụng, tìm việc làm đã ảnh hưởng rất lớn đến số phận của VHH, như sẽ trình bày ở phần sau đây.
Các GS và sinh viên Viện Hán học Huế trong lễ khai giảng khoá 1961-1962, tại Văn phòng Quốc trưởng Bảo Đại, Đại Nội Huế. Hai tấm băng-rôn ghi nội dung “Tu tề trị bình 修齊治平” và “Lễ nghĩa liêm sỉ 禮義廉恥”, là những chủ trương của Nho giáo.
(Còn tiếp)
(Còn tiếp)
Harvard, 2013-2014
N.T.C
(TS., Viện Nghiên cứu Hán Nôm)
(Trích Đặc San 55 Năm Nhớ Lại của cựu sinh viên Viện Hán Học Huế để kỷ niệm 55 năm ngày thành lập trang 234 - 275)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét