Dòng Sông và Con Đường Định Mệnh
Con đường từ ngã ba Mít Một về trường, khoảng gần 5 cây số ; trải dài ký ức thời đi học trung học, của tôi. Con đường nhựa êm ả, thanh bình, rợp bóng dừa cao, lạch nước hai bên. Từ năm 1962 lớp Đệ Thất, chúng tôi học buổi chiều, lóp học nam sinh trên lầu, dãy nhà xe của trường. Đối diện sân trường, là dãy lầu, dành cho các lớp nữ sinh. Sân trường thấp, trũng nước quanh khe rãnh, vốn là đất nghĩa địa thời xưa. Giờ ra chơi, chúng tôi ra dãy hành lang, hoặc ra cửa sổ, nhìn sang bên kia sân trường. Từ hành lang, nhìn xa xa, những đồng lúa xanh rì, và dòng sông Vàm Cỏ tỉnh lặng, lững lờ.Từ năm 1964 - 1965, con đường trở nên ồn ào, đầy khói bụi, khi cuộc chiến tranh đi qua đất Tây Ninh. Hàng đoàn Convoi,với thiết vận xa M113, M41, GMC chất đầy lính tráng, chạy trên đường, vào những buổi trưa, trời oi ả. Bóng dáng chiến tranh, làm thay đổi tất cả. Có những buổi chiều, tiếng súng nổ, máy bay quần đảo, đánh bom, phía Thanh Điền, Bến Cầu. Nhà trường lo lắng, thấp thỏm, đành cho học sinh ra về sớm. Từng buổi học đi qua, trong nổi âu lo, uể oải của Thầy và trò.
Chúng tôi, học sinh ngữ chính tiếng Pháp, từ lớp Đệ Thất đến Đệ Tứ. Một số bạn rũ nhau, đi học thêm môn nầy, nhà Thầy Hai, ở Mít Một.Thầy Hai, hiền lành, thương học trò,rất chịu khó trong giãng dạy. Nhà Thầy, có vườn rộng, trồng mận, bưởi, ổi… Giờ ra chơi, học trò thỏa thích hái trái cây, ngồi dưới tán lá râm, vừa ăn, vừa cười đùa huyên náo. Lớp học thêm, tập trung học sinh nam nữ của trường. Các bạn lớp C,D, A gồm có: Nhàn, Tuấn, Nông, Lộc, Anh,Hòa, Tường, Xem, Mon, Mơi, Chí Hùng, Dũng,Tuyết, Hoa, Hạnh, Thủy, Năng, Xuân Liễu, Hương, TNL… Chúng tôi chơi thân nhau, và gắn bó từ dạo ấy. Tôi vẫn nhớ, có những buổi học, vắng một đứa, cảm thấy nhớ buồn. Khi bạn đến trể, dầm mình dưới cơn mưa, đi đón.Trong số bạn học thêm Pháp văn, có một bạn nữ, TNL, có đôi mắt buồn, sâu lắng, hay làm tôi ngơ ngẫn, bâng khuâng, khi bắt gặp ánh mắt ấy. TNL chơi thân với B.T, Th.H… và nhóm nam của chúng tôi. Một đêm Noel, sau khi chung vui với các bạn, từ thị xã về nhà, nữa đêm, tôi măc chiếc áo lạnh màu trắng của bạn, cho mượn, tôi suýt bị lính bắt, tại ngã ba Giếng Mạch, do đi trong giờ giới nghiêm.
Năm 1969,sau khi đỗ Tú Tài II, tôi rời xa trường, về học ở Saigòn. Bạn bè xa nhau, ít có dịp gặp lại. Năm 1972, tôi bị động viên SQTB, sau khi học quân sự cơ bản bộ binh, ở Trung tâm huấn luyện Quang Trung,tôi được đưa ra Đồng Đế, học tiếp khóa 12B/72 SQ bộ binh. Từ khi đi lính, thỉnh thoảng, tôi trở lại Tây Ninh, bạn bè, mỗi người phiêu bạt mỗi nơi, kẻ mất, không một lời từ biệt nhau, đã đành. Người sống, chỉ biết qua tin tức, chuyền tai, trong số bạn bè ngày xưa. Sau năm 1975, tôi gặp lại một số bạn học cũ, trong cảnh ngục tù, nơi rừngsâu nước thẳm, phía Bắc Tây Ninh, chỉ biết đau xót nhìn nhau, không thốt nên lời.
Bạn tôi, TNL, qua lời kể lại của một số bạn bè, sau khi lập gia đình với một anh chàng cùng quê, Đốc Sự HC khóa 18, theo chồng về Pleiku. Tháng 3 năm 1975, Ban Mê Thuộc thất thủ. Lệnh di tản Q.K 2, ngày 16-3-1975, theo con đường Pleiku – Phú Bổn – Phú Yên dài 250km. Liên Tỉnh lộ 7B là con đường nhỏ, lồi lõm,bị bỏ hoang từ lâu, với những đoạn đường đầy bụi rậm, những khúc sông cạn. Cây cầu chính, bắc qua sông Ba, phía Nam Củng Sơn đã bị phá hũy. Đoạn đường đi Tuy Hòa vô cùng nguy hiểm, vì đầy mìn bẩy của quân đội Đại Hàn đã gài, phong tỏa trước đây.T N.L theo chồng, nhập vào đoàn người di tản, từ Pleiku về Phú Bổn. Hổn loạn bắt đầu, lúc 15h ngày 18-3-1975, khi Sư đoàn 320 CSBV bôn tập về Phú Bổn, chặn đánh đoàn di tản.Trước đó, ngày 19-3-1975, Tiểu đoàn K.9 và K.13 của Tỉnh đội Phú Yên, đóng chốt từ Hiếu Xương- Quận Sơn Hòa. Đoàn xe di tản ứ đọng, ngừng hẳn ở dòng sông Ba. Liên đoàn công binh chiến đấu 20 của QL/ VNCH lập cầu nỗi, bằng vĩ sắt, bắt ngang qua sông, với sự yễm trợ của Liên đoàn BĐQ 23.
Ngày 21-3-1975, Sư đoàn 320 BV với quân số, và hỏa lực áp đảo, đã tràn ngập vị trí phòng thủ của Liên đoàn 23 BĐQ tại Cheo Reo, cắt đoàn di tản làm hai khúc. Hơn 160,000 dân, và các Liên đoàn BĐQ 4,25, thành phần còn lại của LĐ/BĐQ 23, bị kẹt lại phía sau. Lính BĐQ được lệnh bỏ lộ chính, cắt rừng, tìm đường thoát hiểm.T N.L và chồng con thất lạc, trong đoàn người di tản. T N.L và một đứa con trai, chạy vào rừng, và bị VC bắt giữ với một số dân di tản. Chồng TN.L với một đứa con lớn, sau 12 ngày đêm đói khát, lặn lội trong địa ngục bom đạn, về được Tuy Hòa, Khánh Hòa. Trải qua hơn 20 ngày trong rừng rậm, chứng kiến cảnh bom đạn, hổn loạn, chết chóc, đói khát.T N.L suy sụp hoàn toàn, tinh thần hoảng loạn…
Sau khi được VC thả về, gia đình TNL về lại Tây Ninh. Chồng bị đưa đi cải tạo, con đi làm rẫy sinh sống. TNL mất trí, điên dại. Người ta, từng gặp TNL lang thang ở chợ cũ; đôi lúc, leo lên mái nhà, đứng múa man, ca hát… Vài năm sau, chồngTNL mất, do suy kiệt về sức khõe, và tinh thần. Một đứa con trai, bỏ nhà, đi tu, theo Phật Giáo. Người con nầy, đã đưa mẹ vào Tịnh xá Phương Liên, Đà Lạt. Thật kỳ diệu, từ khi vào chùa, TNL đã tỉnh thức, bình tâm, tuy không nhớ được gì…
Thế sự bể dâu, tang thương, nhấn chìm mọi ký ức, hy vọng mong manh của người con đất Tây Ninh hiền hòa, tĩnh lặng. Mọi thứ trở nên xa lạ, thờ ơ, lạc lõng. Không ai muốn nhớ, và chẳng biết nhớ cái gì. Tôi quay lưng, cúi mặt, lầm lũi đi, nhưng không biết đi về đâu… Chỉ biết mình còn sống sót, và còn nhớ, không thể nào quên được những người bạn ngày xưa; với tôi, cuộc sống là “A life beyond my nostalgic dreams."
Khánh Dũng.Tây Ninh, June 2015.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét