TIẾNG
THƠ TAO ĐÀN VÀ MIỀN NAM TỰ DO
Nguyễn Đức Cung
Sau bốn thập niên mất nước và “bầy chim bỏ xứ” ra đi, ngày
nay chúng ta có cơ hội ngâm lại những vần thơ cũ, những vần điệu trác tuyệt đầy
tính chất ngôn ngữ Việt Nam, nghe những khúc nhạc nồng nàn tình tự quê hương đất
nước, để hãnh diện trong niềm trân quý cái gia tài văn hóa mà các thế hệ cha
anh chúng ta đã trao lại từ những thập niên của thế kỷ XX trong một thoáng nhìn
qua “Tiếng
thơ Tao Đàn và Miền Nam Tự Do.”
Đây là một việc làm “đốt lò hương cũ…” cũng đầy ý nghĩa, bởi vì hành trình của
dòng thơ Miền Nam nước Việt trước năm 1975, quả thật là khơi nguồn một mạch sống
tinh thần đầy tính phục sinh và sáng tạo qua thể điệu thi ca và ngôn ngữ dân tộc.
I.-
Tiếng thơ Tao Đàn trong dòngThơ Mới (1932-1945).
Năm 1932, những nhà thơ mới của Việt Nam
mới bắt đầu đoạn tuyệt với lối thơ Đường gò bó trong thể thơ tám câu bảy chữ
hay tứ tuyệt, ngũ ngôn và khỉ sự đề ra một lối thơ gọi là Thơ Mới, đã mạnh dạn
nói đến cái tôi, xác định vị trí cá thể cơ hữu của mình.
Các nhà tiền phong của Thơ Mới chủ
trương thơ cốt chơn và vì thế Phan Khôi bày ra một lối thơ “đem ý thật có trong tâm khảm mình tả ra bằng
những câu có vần mà không bó buộc bởi niêm luật gì hết.” thể hiện trong bài
thơ Tình Già của ông trình diện làng
thơ ngày 10-3-1932.
Trước đó không lâu một nhà thơ được coi
là thi sĩ quá độ giữa hai dòng thơ cũ và thơ mới đó là Tản Đà với các bài thơ Thề
Non Nước và Tống Biệt. Các thi
nhân thơ mới hay nói về cái tôi kể cả những sự thật của đời sống nội tâm, thí dụ như Thế Lữ:
Tôi chỉ là khách tình si / Ham vẻ đẹp có muôn hình muôn thể. / Mượn lấy
bút nàng Ly Tao tôi vẽ, /Và mượn cây
đàn ngàn phiếm tôi ca.
Hoặc như Xuân Diệu:
Tôi là con chim đến từ núi lạ, / ngứa cổ hát chơi…
Hay là tình tứ hơn: Tôi muốn tắt nắng đi /Cho màu đừng
nhạt mất; / Tôi muốn buộc gió lại
/ Cho hương đừng bay đi…
Và Hàn Mặc Tử : Tôi làm trăng cổ độ, / Lượng trời rộng bao la. / Tôi
làm Tô Đông Pha, / Đàn
tương tư lạc điệu…
Trong tác phẩm bình thơ bất hủ in năm
1942 của hai tác giả Hoài Thanh và Hoài
Chân có tên Thi Nhân Việt Nam, giới thiệu 44 khuôn mặt các nhà thơ nổi tiếng
nam có, nữ có thì quả thật trên đất nước Việt Nam, giữa lòng thế kỷ XX đã xuất
hiện một Hội Tao Đàn có mặt đầy đủ
Nam, Trung, Bắc với các trường phái như phái tả tình, lãng mạn, tượng trưng, tả
thực, phái thiên nhiên, nông thôn, kể cả trường phái lập dị như trường phái thơ
Bạch Nga của Nguyễn Vỹ hay nhóm Xuân Thu Nhã Tạp của Nguyễn Xuân Sanh, Đoàn Phú
Tứ v.v…
Nếu nói rằng đã có một hội Tao Đàn Việt
Nam xuất hiện trong thập niên 30 của thế kỷ XX và được giới thiệu khá đầy đủ
trong tác phẩm bình thơ nổi tiếng nói trên thì điều đó cũng không phải là sai sự
thật. Tác phẩm đó đã dành cho các tác giả nhiều chỗ ngồi vinh dự trên văn đàn
Việt Nam.Thật vậy, đọc lại tác phẩm Thi
Nhân Việt Nam, chúng ta thấy tác giả Hoài Thanh đã trịnh trọng mở đầu bằng
một bài “Cung chiêu anh hồn Tản Đà”
với những đọan văn xác nhân danh xưng của một tập thể những người làm thơ, đồng
thời suy cử một vị nguyên soái của thi đàn, được trích dẫn như sau:
“Hội
Tao đàn hôm nay đông đủ hầu khắp mặt thi nhân; chúng tôi một lòng thành kính
xin rước anh hồn tiên sinh về chứng giám…”
Và trong đoạn văn dưới, Hoài Thanh viết
tiếp: “Có tiên sinh, người ta sẽ thấy rõ
chúng tôi không phải là những quái thai của thời đại, những đứa thất cước không
có liên lạc gì với quá khứ của giống nòi. Có tiên sinh, trên Tao đàn sẽ còn phảng
phất chút bình yên trong tin tưởng, chút thích thảng mà từ lâu chúng tôi đã mất.
Thôi, chúng tôi không muốn nói nhiều. Hội Tao đàn đến lúc mở.
Xin tiên sinh hãy khai hội bằng ít bài thơ.”
Danh xưng của thi đàn đơn giản là Hội Tao Đàn và tên vị nguyên soái là Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu (1889-1939). Vì sao Hoài Thanh và Hoài Chân đã chọn Tản Đà làm nguyên soái cho dòng thơ được gọi là Thơ Mới ở nước ta? Xin hãy nghe hai tác giả này biện giải: “ Đôi bài thơ của tiên sinh ra đời từ hơn hai mươi năm trước đã có một giọng phóng túng riêng. Tiên sinh đã dạo những bản đàn mở đầu cho một cuộc hòa nhạc tân kỳ đương sắp sửa.
Danh xưng của thi đàn đơn giản là Hội Tao Đàn và tên vị nguyên soái là Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu (1889-1939). Vì sao Hoài Thanh và Hoài Chân đã chọn Tản Đà làm nguyên soái cho dòng thơ được gọi là Thơ Mới ở nước ta? Xin hãy nghe hai tác giả này biện giải: “ Đôi bài thơ của tiên sinh ra đời từ hơn hai mươi năm trước đã có một giọng phóng túng riêng. Tiên sinh đã dạo những bản đàn mở đầu cho một cuộc hòa nhạc tân kỳ đương sắp sửa.
Ngay sau khi Tản Đả mất (1939), nhà thơ
trẻ Xuân Diệu đã ghi nhận công của thi sĩ Tản Đà với văn học Việt Nam như sau:
“Tản Đà là người thi sĩ đầu tiên mở đầu
cho thơ Việt Nam hiện đại. Tản Đà là người thứ nhất đã có can đảm làm thi sĩ,
đã làm thi sĩ một cách đường hoàng bạo dạn, dám giữ một bản ngã, dám giữ một
cái tôi.”
Theo dòng thời gian, Tiếng thơ Tao Đàn
thể hiện trong dòng thơ mới đã dần dà chiếm lĩnh ưu thế của trận địa.
II.-
Tiếng thơ Tao Đàn chìm khuất trong dòng thơ chính trị ở Miền Bắc Việt Nam (1945-1975).
Năm 1943, Trường Chinh, lý thuyết gia của đảng CS đưa ra bản Bản Đề Cương Văn Hóa Việt Nam với
câu viết nhấn mạnh rằng “Cách mạng văn
hóa có thể hoàn thành khi nào cách mạng chính trị thành công” và một chỗ
khác ông nhấn mạnh: “Đảng tiên phong phải
lãnh đạo văn hóa tiên phong.” Ngoài ra Trường Chinh cũng vạch rõ: “Nền văn hóa mà cuộc cách mạng văn hóa Đông Dương
phải thực hiện sẽ là văn hóa xã hội chủ nghĩa.” Kể từ đó, tiếng thơ của những
kẻ đi theo Cộng Sản không còn là tiếng thơ Tao Đàn.
Sau khi cướp được chính quyền năm 1945, thơ
chính trị dưới sự lèo lái của Việt Minh CS,
phát triển trong các vùng do Việt Minh kiểm soát. Hồ Chí Minh trong tập thơ ‘cầm nhầm’ Ngục trung nhật ký có những câu được coi như là tuyên ngôn về
thơ :
Nay
ở trong thơ nên có thép, / Nhà thơ cũng phải biết xung phong.
Khinh mạn đối với lịch sử, đối với tiền
nhân là tội ác mà Hồ Chí Minh đã phạm. Khi tới thăm Đền Kiếp Bạc ở Hải Dương
nơi thờ Đức Trần Hưng Đạo, Hồ Chí Minh đã làm một bài thơ tự ví công lao mình
còn hơn cả Đức Trần Hưng Đạo với những lời lẽ ngang tàng như sau:
VỊNH TRẦN HƯNG ĐẠO
Tôi
anh hùng, bác cũng anh hùng
Tôi, bác cùng chung nghiệp kiếm cung.
Bác đuổi quân Nguyên thanh kiếm bạc,
Tôi bình giặc Pháp ngọn cờ hồng.
Bác đưa một nước qua nô lệ,
Tôi dắt năm châu tới đại đồng.
Bác có khôn thiêng cười một tiếng,
Mừng tôi cách mạng đã thành công.
Về sau nghe dư luận quần chúng VN chỉ
trích mạnh mẽ, bài thơ đó cấm phổ biến nhưng nhiều người còn thuộc và ghi lại
cho lịch sử phê phán.
Tuy nhiên, trong các vùng Việt Minh kiểm
soát đã có nhiều dấu hiệu báo trước một trận bão sắp tới, và cảnh cáo trước rằng
cái tôi trong thi ca của các nhà thơ
Việt Nam sẽ không còn đất đứng, không còn chỗ dung thân theo cùng với cơn lốc
kháng chiến. Họ đã bị o ép hay tự nguyện cải tạo bản thân, lột xác, tẩy não sau
các đợt chỉnh huấn, chỉnh quân, chỉnh phong của các văn nghệ sĩ, bộ đội hay cán
bộ.
Lãnh tụ thi ca Cộng SảnTố Hữu từng viết
những câu thơ như chỉ thị:
Chúng
con thành khẩn lột người / Từ nay xin
nguyện suốt đời ăn năn.
Người cộng sản đã lội dòng nước ngược,
phủ nhận quá khứ, phủ nhận quyền con người bởi vì từ những thập niên 30 của thế
kỷ XX, Thơ Mới thời tiền chiến đã làm một cuộc cách mạng lớn, nếu không là lớn
nhất trong lịch sử thi ca Việt Nam, khi đem cái “tôi” vào thơ và qua cuộc cách
mạng đó nhà thơ hiện diện trong thơ như một chủ thể, một cá thể.
Năm 1954, chế độ CS sau khi chiếm lĩnh
trọn bộ quyền hành ở Miền Bắc, hàng ngũ các nhà thơ theo kháng chiến đã trước
sau phủ nhận các tác phẩm của mình.
Trước năm 1945, tiếng thơ Xuân Diệu từng rung trên những phiếm
tơ: Làm sao sống được mà không yêu, /
Không nhớ, không thương một kẻ nào, thì
trong các đợt cải cách ruộng đất, cũng Xuân Diệu, tác giả những câu thơ sắt
máu, đã thét câu khẩu hiệu hung bạo này:
Anh
em ơi! quyết chung lưng / Đấu tranh tiêu diệt tàn hung tử thù. / Địa hào, đối lập
ra tro / Lưng chừng phản động tới giờ tan xương.
Huy
Cận ngày xưa từng lặng lẽ buồn khi viết :
Tai
nương nước giọt mái nhà
Nghe trời nặng nặng, nghe ta buồn buồn.
Ngày nay Huy Cận viết như phủ nhận cá
nhân, đề cao cái tập thể:
Mưa
xưa rời rạc tần ngần
Mưa nay riú rít nhân quần tiếng vang
Giọt mưa cũ ố vàng thơ phú
Triều mưa nay đoàn tụ lúa xanh.
Chế
Lan Viên cũng như Hoài
Thanh là những người tỏ ra mẫn cán nhất trong vai trò thi nô của mình, nhiệt
liệt buộc tội những biểu hiện buồn rầu trong thơ.
Tiếng thơ của Tố Hữu không còn là tiếng thơ của cách mạng mà toàn những ngôn từ nịnh
hót: Yêu biết mấy, khi nghe con học nói
/ Tiếng đầu lòng con gọi Xít Ta Lin.
Nhận được tin Xít Ta Lin chết, Tố Hữu đã
khóc thay lời vợ: Thương cha, thương mẹ,
thương chồng, / Thương mình thương một,
thương ông thương mười.
Từ thơ chính trị chủ trương ca tụng đất
nước, tổ quốc, thi ca cộng sản dần chuyển hướng sang thơ chính sách khi người
CS đã nắm được chính quyền với dụng ý dùng thi ca để củng cố chế độ, xây dựng
chiếc ghế độc tôn của đảng cộng sản.
Tuy nhiên, văn nghệ sĩ nói chung là những
người chịu ảnh hưởng nền văn hóa tự do của Tây phương nên ước muốn sống một đời
tự do, hay ý thức tự do vẫn còn tiềm tàng trong huyết quản của họ. Trước đây họ
hy sinh theo đảng CS, đặt mình dưới sự lèo lái của đảng CS vì mục đích để đánh
Pháp, giành lại độc lập. Nay người Pháp đã thua trận Điện Biên Phủ, đã chịu rút
lui khỏi VN thì khi văn nghệ sĩ về Hà Nội họ đã cương quyết đòi Đảng CSVN phải
trả lại cho họ quyền tự do sáng tác, không bị lãnh đạo bởi đảng cho nên mới nảy
sinh ra vụ án Nhân Văn – Giai Phẩm tại Hà Nội từ tháng 2 đến 12 năm 1956. Người
ta có thể kể hằng trăm văn nghệ sĩ và giới cầm bút đó là Nguyễn Hữu Đang, Trần
Thiếu Bảo, Lưu Thị Yến tức Thụy An, Phùng Quán, Hoàng Cầm, Trần Dần, Lê Đạt,
sau đó có thêm Phan Khôi, Trương Tửu, Phùng Cung, Trần Lê Văn, Nguyễn Mạnh Tường,
kể cả Đào Duy Anh và một số nhà thơ, nhà văn, giáo sư đại học như Hữu Loan, Trần
Duy, Chu Ngọc, Trần Đức Thảo và nhóm sinh viên Bùi Quang Đoài.
Trong Giai Phẩm Mùa Xuân (tháng 2-1956), Trần Dần trong bài thơ Nhất định
thắng can đảm viết:
Tôi
bước đi / không thấy phố, / không thấy
nhà. / Chỉ thấy mưa sa / trên mầu cờ đỏ.
Hoàng Cầm đã có câu thơ được coi như tuyên
ngôn của cả nhóm: Dù sợi tóc còn cứa vào
nhân phẩm / Tôi còn thét to dù khản
tiếng khàn hơi.
Phùng Quán có những câu đã đi vào
lòng người chân chính:
Yêu nhau cứ bảo rằng yêu / Ghét nhau cứ bảo rằng ghét / Dù ai
cầm dao dọa giết / Cũng không nói ghét thành yêu / Dù ai nói ngọt nuông chiều /
Cũng không nói yêu thành ghét.
Sau năm 1956, vụ Nhân Văn – Giai Phẩm nổ
ra ở Miền Bắc với hàng trăm văn nghệ sĩ bị chế độ Cộng Sản đấu tố, bắt giam và
tước quyền tự do sáng tác của họ, đày đi lao cải tại các nông trường, nhà máy
cho đến hơn ba mươi năm sau. Giai Phẩm ra được ba số, Nhân Văn ra được 9 số
đánh thẳng vào thành trì của chế độ CS gây vang dội vào tận Miền Nam.
Cũng từ năm 1956 trở đi, thi ca Miền Bắc
hoàn toàn mang vóc dáng một dòng thơ chính sách nghĩa là thuần cổ vũ, ngợi ca
các chính sách của đảng CS. Thơ của họ cũng có nói cái “tôi” nhưng là cái tôi đại
biểu phát ngôn quan điểm, tình cảm của một giai cấp. Thơ cộng sản nghèo nàn vì quanh đi quẩn lại
cũng một vài đề tài do đảng CS chỉ định, giả tạo vì nói chung, tả chung một
khuôn mẫu tình cảm như nhau . Xa nhau không hề rơi nước mắt / Nước mắt để
dành cho ngày gặp mặt. (Nam Hà)
Chế Lan Viên từng viết hai câu thơ
được coi là tuyên ngôn của thơ cộng sản:
Ta
cầm lấy trái tim mà bóp chặt /
Tiếng
yêu thầm rên rỉ dưới bàn tay.
Bởi vì thơ cộng sản là thơ chính sách
nên sinh ra giả tạo từ đó dẫn tới đơn giản và đơn điệu và đã bị những người
chính trong hàng ngũ CS quy kết đó là một nền
thơ vô nhân đạo. Trên báo Văn Nghệ
số ra ngày 12-3-1988, Hoàng Phủ Ngọc Tường,
nguyên là một trí thức miền Nam theo cộng sản từ năm 1965, phát biểu: “Văn học sẽ trở thành vô nhân đạo và vô trách
nhiệm nếu nó tỏ ra không cần biết rằng trên đất nước yêu quý của chúng ta vẫn tồn
tại những con người bị lăng nhục.” Thơ cộng sản hủy diệt nhân phẩm và biến
thân phận con người trở thành số mệnh của một tên đầy tớ.
Thơ cộng sản chỉ là công cụ tuyên truyền,
phục vụ chế độ để được cấp tem phiếu mua lương thực trong một xã hội mà cái đài
bán dẫn, chiếc xe đạp là nỗi mơ ước cả một đời con người.
Xuân
Diệu, nhà thơ tình yêu thời tiền chiến, nay hạ mình viết những câu thấp kém
như sau:
Con
quỳ trước Bác mênh mông.
Hoặc
là :
Chúng
con dưới vực sai lầm / Đang vươn mình, được Bác cầm tay lên.
trong
khi đó Xuân Diệu lại rất sắt máu với cả đồng bào ruột thịt: Lôi cổ bọn nó ra đây / Bắt quỳ gục xuống đọa đày chẳng thôi / Bắt
chúng đứng chẳng cho ngồi…
Chế Lan Viên, tác giả tập thơ Điêu Tàn nổi danh thời tiền chiến, nay hạ
bút viết những câu như:
Miền
Nam ta ơi, / Cái hầm chông là điều nhân đạo nhất.
Hoặc
giả:
Ta
đánh mày hân hoan như sinh đẻ / Và thiêng liêng như xây dựng kỳ đài.
Nói tóm lại, nhà thơ phải có nhân cách;
không có nhân cách thì nhà thơ chỉ được coi là thi nô, không hơn không kém.
Trong
một xã hội Cộng Sản mà trong văn nghệ không được nói đến cái tôi, mà chỉ nói
chúng ta. không đề cập đến tình cảm riêng tư, muốn yêu ai phải xin phép đảng
(trường hợp Trần Dần yêu một thiếu nữ Công Giáo ở Hà Nội), ruộng đất toàn bộ bị
sung công biến thành hợp tác xã, phá bỏ triệt để quyền tư hữu, chủ trương đấu
tranh giai cấp, cấm tự do tôn giáo, tín ngưỡng thì xã hội đó là một nhà tù tập
thể, không hơn không kém. Làm sao có văn chương, làm sao có thi ca đúng nghĩa
trong một xã hội như vậy được ?
Hồ
Chí Minh đã từng nói: “Tất cả những
ai đi ngược lại đường lối tôi đã vạch ra đều phải bị tiêu diệt.”
Chế độ cộng sản huy động các nhà thơ
sáng tác nhanh, xuất bản nhiều thi phẩm nhưng chất lượng nghèo nàn, nội dung
kém cỏi, đơn điệu một chiều, chỉ biết ca tụng một số lãnh tụ khiến cho Xuân Diệu,
trong năm 1986 qua bài Sáu mươi năm phía
trước in trong tập 40 năm văn học,đã
phải thành thật thừa nhận rằng: “Chúng ta
có rất nhiều thơ, nhưng ít thi sĩ, ít thi gia.” (trang 60)
III.- Tiếng Thơ Tao
Đàn hay Dòng Thơ Tự Do của Miền Nam Việt Nam (1954-1975).
Năm 1954, trên cửa vào
nhiều con tàu há mồm chở dân Bắc vào Nam, người ta đọc thấy câu khẩu hiệu
“ This is your passage to freedom, Đây
là con đường TỰ DO của bạn.” Trong số gần một triệu người đó có cả một “thủ
đô văn hóa” đang di cư vào Nam gồm 1200 sinh viên từ Bắc vào Sàigòn. Họ là những
thanh niên thuộc giới trí thức trẻ hay giới
trẻ đã học thành tài ở các nước Tây phương cũng chọn về Miền Nam
(Tổng Thống Ngô Đình Diệm)
(Tổng Thống Ngô Đình Diệm)
Trong Lời Mở Đầu của Bản Hiến Pháp Việt
Nam Cộng Hòa do Tổng Thống Ngô Đình Diệm ban hành năm 1956, có viết câu sau đây
làm nền tảng cho đường hướng xây dựng con người:”Tin tưởng ở giá trị siêu việt của
con người mà sự phát triển tự do, điều hòa và đầy đủ trong cương vị cá nhân
cũng như trong đời sống tập thể phải là mục đích của mọi hoạt động Quốc Gia…”
Trong bài diễn văn đọc trước Lưỡng Viện
Quốc Hội Hoa Kỳ ngày 9-5-1957, Tổng Thống Ngô
Đình Diệm đã nói: “Bản chất của dân chủ là nỗ lực không ngừng để
tìm mọi biện pháp chính trị khả dĩ bảo đảm cho tất cả các công dân, quyền tự do
tiến triển, phát huy sáng kiến, đảm đương trách nhiệm, và sinh hoạt tinh thần tối
đa.”.
Chủ trương một nền văn hóa tôn trọng
nhân vị con người, chế độ của Tổng Thống Ngô Đình Diệm đã thật sự mở ra một hướng
tiến vĩ đại cho Miền Nam để một mặt lo cho cuộc sống của người dân, một mặt thu
hút người dân Miền Bắc đang quằn quại dưới chế độ độc tài của CS, đồng thời tạo
cơ hội cho thế giới ủng hộ chế độ VNCH. Tất cả những yếu tố nhân tài nói trên,
cộng với một chính quyền thực sự vì dân đã hình thành một nền văn hóa phục vụ
con người và tất cả mọi quyền tự do của con người.
Năm 1953, TT Ngô Đình Diệm có viết một
bài thi Đường luật để nói lên tâm sự của mình như sau:
NỖI LÒNG
Gươm đàn nửa gánh quẩy non sông
Hỏi bến: Thuyền không, lái cũng không.
Xe muối nặng nề thương vó Ký,
Đường mây rộng rãi tiếc chim Hồng.
Vá trời lấp biển người đâu tá?
Bán lợi mua danh chợ vẫn đông.
Lần lữa nắng mưa theo cuộc thế
Cắm sào đợi khách, thuở nào trong?
Ngô Đình Diệm, 1953.
Tất cả những yếu tố về người lãnh đạo,
chính sách và nhân sự nói trên quả thật là một vườn ương để cây văn hóa trổ
sinh và phát triển, trưởng thành trên một vùng đất mới, đất hứa của Việt Nam giữa
lòng thế kỷ XX.
Miền Nam và mảng văn học ấy (trong đó có
thi ca) mang sắc thái đặc thù cá biệt dựa trên một chính thể pháp định, có tự
do con người, tự do dân chủ, tự do tư tưởng dẫn đường đưa đến có tự do sáng tác
(Nguyễn Văn Lục, Tinh thần tự do sáng tác
trong giới làm văn học miền Nam. Đàn Chim Việt, ngày 30-06-2007)
Ở Miền Nam Tự Do, từ ngày 7 đến 16 tháng
01 năm 1957, Đại Hội Văn Hóa Toàn Quốc với trên ba trăm văn nghệ sĩ, chính
khách, nhà báo, nhà văn, nhà thơ được triệu tập thời TT Ngô Đình Diệm, người ta đưa ra ba tiêu ngữ ứng dụng trong lãnh vực
văn hóa, đó là Dân tộc, Nhân bản, Khai phóng. Trong đại hội đó, một Dân biểu Miền
Nam, ông Nguyễn Phương Thiệp trình bày về tự do tư tưởng trong Hiến pháp VNCH
và cho rằng sự “chỉ huy văn hóa” của cộng sản đã tiêu diệt sáng tác văn hóa vì
nó phủ nhận bản sắc cá nhân của mọi người nghệ sĩ, nguồn gốc của sự sáng tác.
(Theo Trần Anh, Chủ nghĩa quốc gia của
chánh quyền Đệ Nhứt Cộng hòa, 1954-1963, Tạp chí Talawas số mùa Thu 2009, chuyên đề “Bao nhiêu chủ nghĩa dân tộc là đủ?).
Từ khoảng giữa năm 1955, trên Đài Phát
Thanh Sài Gòn, hằng tuần vào tối Thứ Tư lúc 9 giờ trên làn sóng ngắn, người dân Miền Nam thường nghe một lời giới
thiệu rất quen thuộc, giọng Bắc, rắn rỏi mà lôi cuốn “Đây Tao Đàn, tiếng nói của Thi
Văn Miền Tự Do, do Đinh Hùng phụ trách”. Sau đây xin nghe vài đoạn thơ
của Đinh Hùng (1920-1967) :
Nhà văn Mặc Đỗ cho biết :”. Con người tài hoa này không riêng trong hoạt động thơ văn, mà còn muốn biểu hiện tư chất tài hoa trong lối sống…”
Nhà văn Mặc Đỗ cho biết :”. Con người tài hoa này không riêng trong hoạt động thơ văn, mà còn muốn biểu hiện tư chất tài hoa trong lối sống…”
Nhà văn Phan Lạc Phúc nói về tổ chức Tao Đàn như sau : “Ban Tao Đàn ngoài trách nhiệm đã được minh
thị “tiếng nói của thơ, văn miền Tự Do” còn tiềm ẩn một nghĩa vụ ‘đem theo văn
hóa của 1 triệu người miền Bắc vừa định cư ở miền Nam.” Thơ, văn Tao Đàn phần
đông là văn hóa Bắc Hà, là những làn điệu của văn minh sông Hồng, sông Mã giao
duyên cùng văn minh Hương Giang và Cửu Long Giang. Bao nhiêu năm đã trôi qua,
bây giờ từ vĩ tuyến 17 trở vào trong, chúng ta có một lối ngâm thơ đã trở thành
phổ biến: ngâm thơ Tao Đàn.” ( Kỷ Niệm
Tao Đàn, Tạp chí Tân Văn, số 39, tháng 10/2010, trang 58).
Cũng theo sự sưu khảo của nhà văn Phan Lạc
Phúc: “Chương trình Tao Đàn có thể chia
ra làm 3 bộ phận. Bộ phận quan trọng nhất là ban biên tập và diễn đọc gồm Đinh
Hùng, Thanh Nam, Thái Thủy; vài năm sau có Huy Quang Vũ đức Vinh từ Nha Trtang
vào cộng tác. Bộ phận thứ hai là ban ca ngâm gồm những tài tử nam, nữ trình diễn
thường xuyên hay tùy hứng. Người “đa năng” nhất trong ban Tao Đàn là Tô Kiều
Ngân. Anh vừa là tài tử diễn âm, vừa biên tập, vừa trong ban nhạc. Tiếng sáo Tô
kiều Ngân réo rắt thường được coi là “indicatif” của Tao Đàn, hợp cùng tiếng
đàn thập lục trầm bổng của Bửu Lộc, tiếng piano trầm ấm của Ngọc Bích, sau của
Phạm Đình Chương. Về giọng ngâm nam ngoài họ Tô, còn có Hoàng Thư; một thời giọng
ngâm Thanh Hùng cũng có góp tiếng trên đài. Tô Kiều Ngân tuy giọng không khoẻ
nhưng anh là người ngâm “khéo” nhất, ngâm giọng Bắc, giọng Trung đều nhuyễn.
Hoàng Thư có chất giọng say sưa, mạnh mẽ được đời nhớ mãi trong Bài Ca Ngư Phủ
của Vũ Hoàng Chương. Thanh Hùng với giọng thổ pha kim, xuất sắc trong những tác
phẩm bi hùng. Có những giọng ngâm không có mặt lâu năm trên đài nhưng vẫn được
đời ghi nhớ như Quách Đàm trong những bài lục bát hay Thiếu Lang trong Hồ Trường
của Nguyễn Bá Trác.
Về giọng ngâm nữ lúc khởi đầu phải nhắc tới cái ngọt ngào của
Giáng Hương nhưng các tay sành điệu đều không thể nào quên giọng ngâm đổ hột đặc
sắc của bà Đàm Mộng Hoàn, một danh tiếng vang lừng tại Khâm Thiên tiền chiến
trong Tỳ Bà Hành. Giọng ngâm nữ nhiều năm làm thổn thức trái tim thính giả là Hồ
Điệp trong những bài thơ nức nở TTKH. Về sau, có một giọng nữ như sương như
khói làm khởi sắc những vần ca dao dân tộc và những bài ca huyền sử. Đó là giọng
ngâm Hoàng Oanh.” (Phan Lạc Phúc, bài đã dẫn, trang 59)
Đinh Hùng là một thi sĩ nổi tiếng thời
tiền chiến với các tập thơ Mê Hồn Ca, Đường
Vào Tình Sử, từng được mệnh danh là nhà
thơ của tình yêu. Ông cũng chuyên viết tản văn.
Nhưng nói đến thi ca Miền Nam phải nói đến
một bậc thi bá đó là Vũ Hoàng Chương (1916-1976). Vũ Hoàng Chương lúc nhỏ học
chữ Hán ở nhà, học Albert Sarraut Hà Nội, đỗ tú tài năm 1937. Ban đầu ông học
Luật rồi chuyển qua học toán, đi dạy học, sáng tác thơ và kịch, chuyển sang dạy
văn từ năm 1950 đến 1975. Năm 1954, ông di cư vào Nam. Năm 1959 ông đoạt giải
“Văn học Nghệ Thuật Toàn Quốc” của VNCH với tập thơ Hoa Đăng. Trong năm này ông sang Bỉ tham dự Hội nghị Thi ca Quốc Tế
ở đây. Năm 1964 ông tham dự Hội nghị Văn Bút Á Châu họp tại Bangkok; năm sau,
1965 lại tham dự Hội nghị Văn Bút Quốc Tế tại Bled, Nam Tư. Cần nhớ là Miền Bắc
không được tham dự trong tổ chức Văn Bút Quốc Tế này. Năm 1967 Vũ Hoàng Chương
lại tham dự Hội Nghị Văn Bút Quốc Tế họp
tại Abidjan, thủ đô Côte d’Ivoire, Thời gian 1969-1973 Vũ Hoàng Chương là chủ tịch
Văn Bút Việt nam. Năm 1972 ông đoạt giải văn chương lần thứ hai. Ông còn được
vinh danh là “Thi bá” Việt Nam tức là hoàng đế trong lãnh vực thi ca.
Nhắc đến Vũ Hoàng Chương, chúng ta thường
nhớ những câu này :
Một
nét dao bay nghìn thuở đẹp,
Dù
sai hay trúng cũng là dư.
(Bài ca Sông Dịch)
Hay:
Em
ơi lửa tắt, bình khô rượu
Đời
vắng em rồi say với ai.
(Say)
Các bài thơ chữ Hán của Vũ Hoàng Chương
cũng được giới nghiên cứu văn học trong nước đánh giá cao. Ngày nay một số tác giả có uy tín trong lãnh
vực nghiên cứu văn học Miền Bắc như Nguyễn Huệ Chi, Phạm Xuân Nguyên, Trần Mạnh
Hảo, Vương Trí Nhàn rất trân quý sự nghiệp văn chương của Vũ Hoàng Chương và nền
văn học nghệ thuật của VNCH. Họ đã tỏ ra công bình hơn khi đánh giá biết mình
biết người hơn chứ không như 39 năm trước đây cái gì của Miền Nam, chế độ CS cũng
cho là phản động và đồi trụy hết.
Nói đến thơ tình yêu là phải nhắc tới
Nguyên Sa:
Đường
Sài Gòn anh đi mà chợt mát,
Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông.
Quách Thoại từng viết:
Lỡ một mai tôi chết trần truồng không cơm áo
Thì hồn tôi xin phảng phất chốn trăng sao.
Nhận xét chung về thơ Miền Nam giai đoạn
1954-1975, nhà văn Nguyễn Hưng Quốc
cho rằng các nhà thơ Miền Nam khai thác cái “tôi” chủ yếu ở góc độ nhận thức trong mối quan hệ với lịch sử và với
con người. Cái “tôi” trong thơ Miền Nam là cái “tôi” trí tuệ, nhân vật trung
tâm không còn là người tình mà là những kẻ thao thức, hoang mang trước những ngả
ba đường.
Các
nhà thơ Miền Nam đã chuyển hướng sang dòng thơ thời thế với những khắc khoải,
những phẫn uất trước một lịch sử mịt mùng. Những người như Thanh Tâm Tuyền, Tô
Thùy Yên, Bùi Giáng. Trong tập hồi ký xuất bản trước đây Phạm Duy cho rằng Miền Nam là nơi đất lành chim đậu. Ông cũng ca ngợi
nhiều thành quả của VNCH về phương diện thi ca, nghệ thuật, nhất là âm nhạc, điện
ảnh. Nguyễn Văn Lục trong một bài viết
trên Web Đàn Chim Việt khẳng định tính tự do trong sáng tác của các tác giả Miền
Nam.
Quả thật, trong khi ở Miền Bắc hàng trăm
văn nghệ sĩ có tài, có tâm đã phục vụ kháng chiến tích cực lại bị chính quyền
CS hãm hại đến tận nơi tận chốn lý do chỉ vì họ muốn có quyền tự do tư tưởng, tự
do sáng tác theo cảm quan của mình, muốn thoát ra khỏi sự chỉ huy văn nghệ của
đảng CS thì ở Miền Nam đã mở ra một chân trời thật sự tự do, dân chủ cho nhiều
tầng lớp người nghệ sĩ, mà ở đây chỉ trong lãnh vực thi ca xin trân trọng nêu
phương danh những thi sĩ nổi tiếng như Quách Tấn, Đông Hồ, Bàng Bá Lân, Kiên
Giang, Nhất Hạnh, Cung Trầm Tưởng, Tuệ Mai, Nguyễn Đức Sơn, Tô Thùy Yên, Thanh
Tâm Tuyền, Nhã Ca, Nguyễn Bắc Sơn, Trụ Vũ, Du Tử Lê, Trần Dạ Từ, Viên Linh, Trần
Tuấn Kiệt, Quách Thoại, Tường Linh, Luân Hoán, Trần Hoài Thư, Hà Huyền Chi, Hà
Thúc Sinh, Vi Khuê, Vũ Hữu Định, Nguyễn Tất Nhiên, Vương Đức Lệ, Kim Tuấn, Nhất
Tuấn, Hoàng Anh Tuấn, Chu Vương Miện, Cao Thoại Châu, Cao Tần, Lê Tất Điều,
Nguyễn Hồi Thủ, Khế Yêm, thường Quán, Hoàng Xuân Sơn, Đinh Linh…
Nhóm
Sáng Tạo của Miền Nam là tượng trưng cho nền thi ca lấy tự do của con người
làm căn bản trong sáng tác. Nhạc sĩ Cung Tiến cho biết: “…Nhóm Sáng Tạo là cái nhóm nổi tiếng nhất, xuất phát từ con người di cư
nhưng đó là con đường văn học nghệ thuật của Miền Nam tự do. Hoạt động nhằm mở
ra một con đường mới về ngôn ngữ, hình ảnh, cũng như về lý tưởng tự do, đó là
nhóm Sáng Tạo.” Nhóm này gồm có Trần Thanh Hiệp, Thanh Tâm Tuyền, Quách Thoại, Doãn Quốc Sỹ, Mai Thảo, Tô Thùy
Yên, Cung Trầm Tưởng, Nguyễn Sỹ Tế, Thái Tuấn, Duy Thanh, Ngọc Dũng hay Cung Tiến…
Quách Thoại từng viết :
Nếu
một mai tôi chết trần truồng không cơm áo,
Thì hồn tôi xin phảng phất chốn trăng sao.
Phạm
Xuân Nguyên, nhà nghiên cứu văn học sinh ra từ Miền Bắc của chế độ CS đã viết
về Thanh Tâm Tuyền như sau:
“Nhóm
văn nghệ sĩ tập hợp quanh tờ tạp chí Sáng Tạo (1956-1961) chủ trương làm “văn
nghệ hôm nay” trước hết là thơ. Họ kêu gọi đoạn tuyệt Thơ Mới (gọi là thơ tiền
chiến), họ tuyên bố làm thơ bây giờ. Nhà thơ tiên phong của nhóm, người triệt để
thí nghiệm thơ tự do – thơ bây giờ, Thanh Tâm Tuyền, cho ra ngay tập Tôi không còn cô độc, “biến cố thứ nhất
của văn học thời hậu chiến’ (Cao Thế Dung). (Talawas, ngày 23.9.2006)
Tạp chí Thơ, số 3-2006, Hội Nhà Văn Việt Nam, đưa năm trang giới thiệu về
Thanh Tâm Tuyền và nêu ý kiến: “Chắc chắn
sẽ còn nhiều điều cần được trao đổi, tường giải, song thơ Thanh Tâm Tuyền cùng
những quan niệm về thơ của ông giữa cuối những năm năm mươi và đầu những năm
sáu mươi thế kỷ trước là một hiện tượng tạo được nhiều quan tâm, là một bước
ngoặt đáng trân trọng, là một tài năng có nhiều tâm huyết đóng góp cho quá
trình hiện đại hóa thơ. Thơ Thanh Tâm Tuyền có sức ám ảnh và không dễ cắt nghĩa được hết.”
(Talawas, ngày 25.9.2006)
Nhà thơ Trần Mạnh Hảo, ở Sài Gòn viết: “Trong
dòng văn học chính thống của Miền Nam Việt Nam, Thanh Tâm Tuyền giữ một vị trí
khá quan trọng. Về thơ, ông là ngọn cờ của nhóm Sáng Tạo.” (Talawas, ngày
23.9.2006).
Trong Hội nghị Thi ca tại Bled, Nam Tư
năm 1965 nói trên, Vũ Hoàng Chương đã đọc một bài diễn văn bằng tiếng Pháp trước
nhiều đại diện các quốc gia khác, trong đoạn cuối ông nhấn mạnh:
“Con người phải được tự do, luôn luôn tự do;
mọi cuộc xâm lăng phải chấm dứt, bất kể chúng được ngụy trang khéo đến đâu! Các
dân tộc phải có quyền tự định đoạt số phận; nhân loại phải sống yên vui, trong
hòa bình toàn diện và đích thực dựa trên
những tình cảm cao quí chứ không phải trên phương sách biến người thành máy hoặc
hạ thấp nó xuống hàng nô lệ.” (Bách
khoa, số 14 , ngày 1-8-1965, trang 83).
Tự do của con người, nhất là tự do của
nhà văn hay nhà thơ nói chung là một cái gì cao quý nhất. Nhà văn Dương Thu Hương đã viết sau ngày
30-4-1975: “… khi đội quân chiến thắng vào Sài Gòn năm 1975, trong khi tất cả mọi người
trong đội quân chúng tôi đều hớn hở cười thì tôi lại khóc. Vì tôi thấy tuổi
xuân của tôi đã hy sinh một cách uổng phí. Tôi không choáng ngợp vì nhà cao cửa
rộng của miền Nam, mà vì tác phẩm của tất cả các nhà văn miền Nam đều được xuất
bản trong một chế độ tự do; tất cả các tác giả mà tôi chưa bao giờ biết đến đều
có tác phẩm bầy trong các hiệu sách; và đầy dẫy các phương tiện thông tin như
TV, radio, cassette. Những phương tiện đó đối với người miền Bắc là những giấc
mơ.”
Điểm lại tiếng thơ Tao Đàn trong thế kỷ
XX, để thấy rằng chỉ có chế độ nào tôn trọng sự tự do của văn nghệ sĩ thì tiếng
thơ mới cất cánh xa bay được, còn không thì văn nghệ sĩ chỉ là hạng văn nô, thi
nô, một phường ăn cơm chúa múa tối ngày, chỉ được phép tung hô “thánh thượng vạn
tuế” là HCM và bọn đầu sõ trong Bộ CT theo “thánh chỉ” mà thôi.
Ngày nay niềm hãnh diện của chúng ta về
nền văn hóa của Việt Nam Cộng Hòa đã có nhiều cơ sở vững chắc. Niềm hãnh diện
đó không phải là để trả lời câu hỏi “ai thắng ai?” trong lãnh vực văn hóa nhưng là để hỏi “bên thắng cuộc” đất nước này
sẽ đi về đâu khi bọn bá quyền Trung Quốc đang hờm sẵn sau lưng?
Nguyễn
Đức Cung – K.1 Viện Hán Học Huế
Philadelphia, 15-4-2014
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét