Thứ Ba, 19 tháng 2, 2019

Anh Hùng Lỡ Vận, Phan Bội Châu Mở Lớp Dạy Thi - Nguyễn Cang

ANH HÙNG LỠ VẬN,  PHAN BỘI CHÂU MỞ LỚP  DẠY LÀM THI / Nguyễn Cang



Các nhà bình luận và nghiên cứu văn học đều công nhận Phan Bội Châu là một nhà yêu nước chân thành. Không như một số trí thức khác đương thời, ông dấn thân thực sự vào con đường đấu tranh giải phóng dân tộc hầu thoát khỏi sự đô hộ của thực dân Pháp. Từng  hoạt động trong nước, sau ra hải ngoại, sang Tàu, Nhật để tìm đường  cứu dân  cứu nước nhưng giấc mộng không thành ông phải trả giá bằng những năm tù tội cho tới chết, thật đáng kính nể!

 Sơ lược tiểu sử tác giả:
Phan Bội Châu vốn tên là Phan Văn San (潘文珊). Vì San trùng với tên húy vua Duy Tân (Vĩnh San) nên phải đổi thành Phan Bội Châu. Ông có hiệu là Hải Thụ, về sau đổi là Sào Nam. Tên gọi Sào Nam (巢南) được lấy từ câu "越鳥巢南枝" (Việt điểu sào nam chi) nghĩa là Chim Việt làm tổ cành Nam.  Phan Bội Châu còn có nhiều biệt hiệu và bút danh khác như Thị Hán (是漢), Phan Giải San, Sào Nam Tử, Hạo Sinh, Hiếu Hán vân vân.
Phan Bội Châu sinh ngày 26 tháng 12 năm 1867 tại làng Đan Nhiễm, xã Nam Hòa, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Cha ông là Phan Văn Phổ, mẹ là Nguyễn Thị Nhàn. Ông nổi tiếng thông minh từ bé, năm 6 tuổi học 3 ngày thuộc hết Tam Tự Kinh, 7 tuổi ông đã đọc hiểu sách Luận Ngữ, 13 tuổi ông thi đỗ đầu huyện. Năm 17 tuổi, ông viết bài "Hịch Bình Tây Thu Bắc" đem dán ở cây đa đầu làng để hưởng ứng việc Bắc Kỳ khởi nghĩa kháng Pháp. Năm 19 tuổi (1885), ông cùng bạn là Trần Văn Lương lập đội "Sĩ tử Cần Vương" (hơn 60 người) chống Pháp, nhưng bị đối phương kéo tới khủng bố nên phải giải tán.
       Gia cảnh khó khăn, ông đi dạy học kiếm sống và học thi. Khoa thi năm Đinh Dậu (1897) ông đã lọt vào trường nhì nhưng bạn ông là Trần Văn Lương đã cho vào tráp mấy cuốn sách nhưng ông không hề biết nên ông bị khép tội hoài hiệp văn tự (mang văn tự trong áo) nên bị kết án chung thân bất đắc ứng thí (suốt đời không được dự thi). Sau cái án này, Phan Bội Châu vào Huế dạy học, do mến tài ông nên các quan đã xin vua Thành Thái xóa án. Nhờ vậy, ngay khoa thi hương tiếp theo, năm Canh Tý (1900), ông đã đậu đầu (Giải nguyên) ở trường thi Nghệ An.

Hoạt động Cách mạng:
Lập Duy Tân hội, sang Nhật cầu viện.
Trong vòng 5 năm sau khi đỗ Giải nguyên, Phan Bội Châu bôn ba khắp nước Việt Nam kết giao với các nhà yêu nước như Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp, Nguyễn Thượng Hiền, Nguyễn Hàm... Phan Bộ Châu đả kích việc thực dân Pháp cấm giảng dạy lịch sử Việt Nam mà thay vào đó là lịch sử Pháp, phản kháng việc đào tạo ra một tầng lớp công chức và chuyên viên phục vụ cho nền cai trị và công cuộc khai thác thuộc địa của Pháp.
    Năm 1904, ông thành lập Duy Tân hội ở Quảng Nam để đánh đuổi Pháp, chọn Kỳ Ngoại hầu Cường Để - một người thuộc dòng dõi nhà Nguyễn - làm hội trưởng.
Năm 1905, ông cùng Đặng Tử Kính và Tăng Bạt Hổ sang Trung Quốc rồi sang Nhật Bản, để cầu viện Nhật giúp Duy Tân hội đánh đuổi Pháp. 
Tháng 6 năm 1905, Phan Bội Châu cùng Đặng Tử Kính mang theo một số sách Việt Nam vong quốc sử về nước. 
Tháng 8 năm 1905 tại Hà Tĩnh, ông và các đồng chí nồng cốt trong Duy Tân hội bàn bạc rồi đưa ra kế hoạch hành động. Đó là: Nhanh chóng đưa Kỳ Ngoại hầu Cường Để ra nước ngoài. Phát động phong trào Đông Du.
Tháng 10 năm 1905, Phan Bội Châu trở lại Nhật Bản. Năm 1906, Cường Để qua Nhật, được bố trí vào học trường Chấn Võ. Kể từ đó cho đến năm 1908, số học sinh sang Nhật Bản du học lên tới khoảng 200 người, sinh hoạt chung trong một tổ chức có quy củ gọi là Cống Hiến Hội...
Tháng 3 năm 1908, phong trào "cự sưu khất thuế" (tức phong trào chống sưu thuế) nổi lên rầm rộ ở Quảng Nam rồi nhanh chóng lan ra các tỉnh khác. Bị thực dân Pháp đưa quân đàn áp, nhiều hội viên trong phong trào Duy Tân bị bắt, trong số đó có Nguyễn Hàm, một yếu nhân của hội.
Tiếp theo nữa là Pháp và Nhật vừa ký với nhau một hiệp ước (tháng 9 năm 1908), theo đó chính phủ Nhật ra lệnh trục xuất các du học sinh người Việt ra khỏi đất Nhật. Tháng 3 năm 1909, Cường Để và Phan Bội Châu cũng bị trục xuất. Đến đây, phong trào Đông Du mà Phan Bội Châu và các thành viên khác đã dày công xây dựng hoàn toàn tan rã, kết thúc một hoạt động quan trọng của hội.
  Những người sống sót sau các đợt khủng bố đều phải nằm im, hoặc vượt biên sang Trung Quốc, Xiêm La, Lào để mưu tính kế lâu dài. Cuối năm 1910, Phan Bội Châu chuyển một đại bộ phận hội viên (trong đó có khoảng 50 thanh niên) ở Quảng Đông về xây dựng căn cứ địa ở Bạn Thầm (Xiêm La). Tại đây, họ cùng nhau cày cấy, học tập và luyện tập võ nghệ để chuẩn bị cho một kế hoạch phục quốc sau này.
    Năm 1913, thực dân Pháp cử người đến Quảng Đông "mặc cả" với Tổng đốc Long Tế Quang yêu cầu bắt Phan Bội Châu và các yếu nhân của hội. Ngày 24 tháng 12 năm 1913, Phan Bội Châu bị bắt. Nhưng nhờ Nguyễn Thượng Hiền lúc bấy giờ đang ở Bắc Kinh vận động, nên Long Tế Quang không thể giao nộp ông cho Pháp, mà chỉ đưa giam vào nhà tù Quảng Đông, mãi đến tháng 2 năm 1917, ông mới được giải thoát. Ra tù, Phan Bội Châu lại tiếp tục hoạt động cách mạng ông lại bị bắt ngày 30 tháng 6 năm 1925. Nhờ sự can thiệp của Toàn quyền Varenne, ông được về an trí tại Bến Ngự (Huế). Trong 15 năm cuối đời, ông (lúc bấy giờ được gọi là Ông Già Bến Ngự) vẫn giữ trọn phẩm cách cao khiết, không ngừng tuyên truyền tinh thần yêu nước bằng văn thơ, nên rất được dân  chúng yêu mến.
Phan Bội Châu mất ngày 29 tháng 12 năm 1940 tại Huế.
(nguồn Wikipedia)



Các nhà phê bình văn học đều công nhận rằng những tác phẩm còn để lại của Phan Bội Châu đều mang nội dung giáo dục lòng yêu nước, nêu cao tinh thần chiến đấu chống ngoại xâm, cảnh báo nỗi ô nhục mất nước. Một điều đáng lưu ý, cụ Phan không những là một nhà tranh đấu kiên cường mà còn là một người xuất sắc về thơ văn, một nhà khoa bảng hiển hách, một chiến sĩ, một trí sĩ, và một thi sĩ có tâm hồn đa cảm, biết thương dân yêu nước một cách chân thành, có nguồn cảm xúc dồi dào, biết đau trước cảnh quốc phá gia vong. Thơ văn ông để lại gồm nhiều loại bằng chữ Hán và quốc ngữ .
Lòng yêu nước của cụ Phan Bội Châu được thể hiện trong hầu hết những bài thơ văn còn lưu lại, cụ thể bằng những vần thơ sau đây mà khi đọc lên không ai mà không đau xót, thở dài cho một dân tộc bất hạnh:

Thương ôi! Lục tỉnh Nam kỳ
Ngàn năm cơ nghiệp còn gì hay không
Mịt mù một dải non sông
Hỏi ai ai có đau lòng chăng ai!

Hoặc bài thơ sau đây:

           SỐNG
(Tác giả: Phan Bội Châu) 
Sống tủi làm chi đứng chật trời!
Sống nhìn thế giới hổ chăng ai?
Sống làm nô lệ cho người khiến,
Sống chịu ngu si để chúng cười.
Sống tưởng công danh, không tưởng nước,
Sống lo phú quý, chẳng lo đời.
Sống mà như thế, đừng nên sống!
Sống tủi làm chi, đứng chật trời.

      Bài thơ trên đây, biểu lộ một khí phách hào hùng, một trái tim nóng bỏng tình yêu đất nước dân tộc, mỗi câu mỗi chữ như cây kim đâm vào tim óc chúng ta, đánh thức lòng tự ái dân tộc, tự ái mỗi con người,  hãy đứng lên tranh đấu giành độc lập. Trong cuộc tranh đấu nầy dầu có thất bại cũng xứng đáng anh hùng lưu danh hậu thế còn hơn sống mà phải chịu nhục, bị người ta sai khiến như con vật thì sống làm chi? Sống hèn như thế chỉ làm chật đất mà thôi.  Ở đây chúng tôi không đào sâu cuộc đời hoạt động cách mạng cũng như tư tưởng thâm sâu của tác giả  mà chỉ xét về nghệ thuật văn chương nhất là cách dùng điệp ngữ và phép đối trong thơ Đường để chúng ta cùng học hỏi cái ưu điểm của người xưa. 
Trong thơ Đường luật,  người ta kỵ việc lập đi lập lại một từ hay một ngữ nhiều lần vì nó làm cho bài thơ trở nên nặng nề, nhưng biết sử dụng khéo léo những điệp ngữ (kết hợp: âm, vận, thanh; từ ngữ chọn lọc, phân phối đúng vị trí) sẽ khiến cho bài thơ có hồn, tạo sự lôi cuốn hấp dẫn lạ thường! Hãy đọc 4 câu thơ của Hồ Xuân Hương ta sẽ cảm nhận được điều đó:

Một đèo, một đèo, lại một đèo,
Khen ai khéo tạc cảnh cheo leo.
Cửa con đỏ loét tùm hum nóc,
Hòn đá xanh rì lún phún rêu.
(Đèo Ba Dọi /Hồ Xuân Hương)

Ở đây cụ Phan  phá lệ,  dùng điệp từ "sống" liên tiếp trong mỗi câu mà lại đứng đầu câu nữa (thủ nhất thanh) chủ đích là nhấn mạnh ý nghĩa của chữ "sống". Bài thơ có 8 câu mỗi câu là một cách sống sao cho xứng đáng con người. Câu thơ vừa dẫn giải tha thiết vừa hô hào đấu tranh do đó điệp ngữ rất cần thiết cho thể loại nầy.
Tương tự bài Sống ở trên, cụ Phan làm tiếp một bài nữa tựa là Chết để bổ sung ý nghĩa bài trên làm thành một cặp đồng nhất tư tưởng:

          CHẾT
Chết mà vì nước, chết vì dân,
Chết đấng nam nhi trả nợ trần.
Chết buổi Đông Chu, hồn thất quốc,
Chết như Tây Hán lúc tam phân.
Chết như Hưng Đạo, hồn thành thánh,
Chết tựa Trưng Vương, phách hóa thần.
Chết cụ Tây Hồ danh chẳng chết,
Chết mà vì nước, chết vì dân.
(Phan Bội Châu)

Bài thơ sử dựng điệp từ "Chết" 8 lần ở đầu câu nhấn mạnh: Chết như thế nào cho xứng đáng để hậu thế lưu danh. Chết như Hưng Đạo, Hai Bà Trưng... để phách hóa thần. Đặc biệt chết như cụ Tây Hồ, danh chẳng chết! 
Trong thời gian bị giam lỏng ở Huế 1925, lúc nầy cụ có biệt danh là "Ông Già Bến Ngự", cụ Phan không còn hoạt động công khai nữa nhưng trong lòng vẫn nung nấu một tinh thần bất khuất, lo nỗi lo trứơc thiên hạ, làm sao cứu nước thoát khỏi cảnh lầm than nô lệ? Làm sao cải cách nền giáo dục để thanh niên biết nhục vong quốc mà đứng lên kháng chiến chống kẻ thù? Về sau, biến cố lịch sử ngày 17 tháng 6 năm 1930, Nguyễn Thái Học và 12 đồng chí bị xử chém tại Yên Bái, thêm vào là sự thất bại của phong trào Đông Du gây thiệt hại nặng nề cho thành viên, lớp bị bắt lớp bị giết, bị tù đày, khiến cụ xúc động mạnh, lòng nặng trĩu ưu tư, lo lắng cho vận mệnh dân tộc. Nhiều chiến sĩ cách mạng đã hy sinh mà vẫn chưa thấy ánh sáng ở cuối đường hầm, cụ như ngồi trên đống lửa. Theo tài liệu văn học còn ghi lại thì năm 1931 trên tờ Phụ Nữ Tân Văn ở Sài Gòn có đăng tin tức cụ Phan mở lớp "dạy làm thi"  mở đầu cho việc thành lập "Mộng Du Thi Xã". Hai chữ "mộng du" khiến người ta nghĩ tới phong trào Đông Du của bao chiến sĩ tìm đường học hỏi, vận động sự giúp đỡ của nước ngoài tìm cách cứu nước Việt. Ý tưởng nầy làm thành chủ trương "Đông du" mà cụ đã thực hiện bằng cách đưa  học sinh sang Tàu, Nhật, du học. Mặc dù bị cầm tù nhưng cụ vẫn hy vọng lớp người đi sau sẽ tiếp tục con đường đó. Cụ Phan gởi bức tâm thư, tâm sự cùng đồng bào nỗi ưu tư làm sao cứu dân cứu nước mà trước mắt là đưa học sinh du học. Bức tâm thư nầy được đăng trên hai tờ báo, một ở miền Bắc (Thực Nghiệp Dân Báo, số 3195 ngày 26/7/1931) và một ở miền Nam (Phụ Nữ Tân Văn, số 97 ngày 27/8/1931).
Việc mở lớp dạy thi, cụ có lời mở đầu nghe bình dị, khiêm tốn  mà tha thiết:
   Thưa bà con,
Tôi đã gần tuổi chết mà chưa chết. Vì chưa chết tôi phải có ăn, vì có ăn tất phải có làm. Nhưng tôi bây giờ biết làm cái gì? Tôi bây giờ vì còn có ăn nên tôi nghĩ một cách làm, song năng lực tôi với hoàn cảnh bây giờ thì không có cái thích hợp. Tôi định mở cửa hàng dạy thi gọi là "Mộng Du Thi Xã". Bà con ai dốt thi hơn tôi, muốn học làm thi, bằng lòng bảo tôi dạy, vô luận hạng người nào miễn có cao hứng muốn học làm thi thì không cần phải giáp mặt tôi hoặc tới nhà tôi, cũng không cần cho tôi biết họ tên, quê quán gì cả, chỉ viết thơ cho tôi biết cái ý muốn học làm thi, hoặc là đăng báo mà gởi cho tôi số báo ấy, hoặc đưa thi tới bảo tôi chấm, tôi xin hết lòng hoan nghênh biết chừng nào. Tôi xin đổ rương cạo túi mà cống hiến cho bà con.        Nay tôi viết một bài thi làm mẫu bày giải một vài cách làm thi, xin bà con xem thử có vừa mắt hay không? 
Thứ nhất là thi 7 chữ 8 câu gọi là "Thất ngôn luật thi" mà người mình thường hay làm. Lối thi nầy câu thứ nhất thứ hai không cần phải đối; câu (3,4),(5,6) phải đối nhau từng chữ, câu thứ 7 thứ 8 không cần phải đối.  Trong một bài, 5 chữ ở cuối câu 1,2,4,6,8 phải hợp một vần với nhau, riêng ra từng câu phải theo giọng bình giọng trắc cho đúng phép mà nhập lại, phải đúng niêm luật, ấy gọi là thi. 

BÀI THI LÀM MẪU:
1. Vàng  khè trắng toát khác đôi bên
2. Thây kệ ai chê mặc kẻ khen
3. Sông núi lỡ làng màu lịch sử
4. Gió trăng chờn chợ mối nhân duyên
5. Chẳng long lay đến lòng son sắt
6. Há hổ ngươi vì miếng bạc đen
7.  Ba chén xong rồi ai ấy bạn
8. Một pho kinh Phật một cây đèn.
                 (Phan Bội Châu)
Xem bài trên: bên, khen, duyên, đen, đèn, 5 chữ hiệp một vần. Câu 1, 2 không phải đối, cốt cho thông mạch. Câu 3, 4 "sông núi, gió trăng" là danh từ. "Lịch sử, nhân duyên" là hai chữ Hán Văn, nhập tịch tiếng ta đã thành tiếng quốc ngữ, đều đối với nhau mà thú vị nhất là 4 chữ: Lỡ làng, chờn chợ là tiếng thổ âm của ta, mà chữ "làng" đối với chữ "chợ" là vô tình mà thành ra đối nhau rất tự nhiên lại xung họp, là một cách khéo tự nhiên trong nghề làm thi. Câu 5, 6: "son sắt, bạc đen" đối rất cân nhưng cũng là thường, duy chữ "long" đối với chữ "hổ" là vô tình  mà được, gọi là đối tiếng nghe cũng lý thú. Câu 7, 8: câu thứ 7 kêu lên một tiếng hỏi để gọi thứ 8 "Ai ấy bạn", ba chữ nghe thật tầm thường mà nhờ nó nên câu thứ 8 mới hạ được một cách "môn cứng", không chi tiết rơm rác gì cả, đã chấn khí cả toàn bài mà hô ứng với hai câu khởi đầu.
Làm thi, thứ nhất là cốt cho thông ý. Thứ nhì là cốt trao lời, lời thông thuận mà ý sâu xa, lại có vẻ tự nhiên, tòan bài phải hô ứng thừa tiếp, như bài trên có lẽ cũng đã hợp pháp. Còn nhiều cách điệu phương pháp nữa, xin tùy vấn tùy đáp.
Phan Sào Nam (Huế)

Lời bàn: 
Tác giả dùng chữ "thi" thay thế cho chữ "thơ" (dạy làm thi/ dạy làm thơ). Theo giáo sư Dương Quảng Hàm thì chữ "thơ" của ta do chữ "thi" mà ra, nghĩa rộng thì "thơ" là một thể văn có thanh, có vận, có thể ngâm vịnh được.
Nội dung "bài thi mẫu" nói lên chí khí của một người yêu nước, bền gan, vững chí dầu nghịch cảnh có thế nào. Dù thân bị kềm kẹp, tù đày ra sao vẫn không nản lòng, vẫn tìm cách tranh đấu, không phải bằng bạo động mà bẳng thơ văn tuyên truyền, khích động lòng yêu nước lòng tự hào dân tộc.
   Dầu bị giam lỏng nhưng người Pháp ngày đêm theo dõi chặt chẽ, cụ Phan khó lòng thu nhận được học trò đến học làm thơ vì ai cũng sợ bị bắt. Cụ đăng báo quảng cáo lớp học chẳng qua là muốn che mắt người Pháp để truyền đi thông điệp "Mộng du thi xã" để đồng bào có được phương hướng cứu nước.
    Lời thơ thì nhẹ nhàng đầy khí khái của một nhà nho có khí tiết, của một bậc anh hùng lúc sa cơ lỡ vận vẫn giữ vững phong cách và hào khí của một bậc hiền nhân quân tử.
  Phép đối trong bài thơ thất ngôn bát cú nầy rất chỉnh, cân xứng, tuyệt vời, có thể dùng làm mẫu cho những ai muốn học làm thơ Đường. 

Bài thơ cảm tác  (Nguyễn Cang):
        NHỚ CỤ PHAN
Sào Nam Việt Điểu cụ Phan ơi!
Vĩnh biệt ngàn thu cụ mất rồi
Trách phận cuộc đời sao nghiệt ngã
Than thân số kiếp cũng đành thôi
Bao năm tranh đấu cho dân tộc
Một phút sa cơ khóc hận đời
Bến Ngự thân già đành bỏ cuộc
Trời Nam tan tác cánh chim rơi.
-----------
Nguyễn Cang (10/2/2019)







Không có nhận xét nào: