Thứ Năm, 14 tháng 2, 2019

Giai thoại văn chương ngày Tết: Bồng Lai Không Xa (Đỗ Chiêu Đức)

Giai Thoại Văn Chương Ngày Tết: 
                                 
                          BỒNG LAI KHÔNG XA

                             Inline image
        
          Tống Kỳ 宋祁 (998-1061), người đất An Châu (tỉnh Hồ Bắc hiện nay), người cao ráo đẹp trai, phong lưu tuấn tú, dáng người tiêu sái phiêu diêu như thần tiên giáng hạ. Lúc nhỏ nhà nghèo, gia đạo khốn khó, nhưng rất cố gắng và chăm chỉ học hành. Theo Trần Sử của Vương Đắc Thần ghi:
          Tống Giao 宋郊 (sau đổi là Tống Tường 宋庠) cùng em là Tống Kỳ 宋祁 lúc nhỏ cùng học ở đất An Lục. Cuộc sống của anh em rất chật vật, nghèo khó. Một năm, vào tiết Đông Chí, Tống kỳ mời các bạn đồng học cùng ngâm thơ uống rượu và cười nói với bạn bè rằng: "Tiết Đông Chí mà không tiền mua rượu, tôi phải cạy những hoa văn trang trí trên bao kiếm của Tổ tiên để lại  đem bán đi được hơn lượng bạc để mua rượu và đồ nhấm. Đông Chí thì ăn bao kiếm, đến Tết chắc phải ăn cả cây kiếm luôn!"  Bạn bè cùng cười ồ, nhưng đều cảm động cho sự khẳng khái của anh ta.
        Năm thứ hai Thiên Thánh đời Tống Nhân Tông (1024), Tống Kỳ cùng anh là Tống Tường đều cùng đậu Tiến Sĩ. Khi điện thí, Tống Kỳ được chấm đậu hạng nhất, tức đậu Trạng Nguyên, nhưng lúc bấy giờ, thái hậu Chương Hiến  đang phụ chính cho là: Anh em cũng ngang tài nhau, nếu để cho em đứng trên anh thì không hợp lễ tiết cho lắm, bèn chấm Tống Tường đậu Trạng Nguyên, còn Tống Kỳ xuống Tiến Sĩ hạng mười (?). Vì hai anh em đậu cùng khoa và đều họ Tống, nên các đồng liêu mới phân biệt gọi Tống Tường là Đại Tống, còn Tống Kỳ là Tiểu Tống. 
        Tống Kỳ làm quan rất công minh chính trực, không về theo phe phái nào cả. Tất cả những chức vụ mà ông đảm nhiệm, bất luận là về mặt chính trị, văn hóa, nội chính trị an... đều có thành tích rất tốt, vì thế mà con đường hoạn lộ rất thuận lợi suôn sẻ một lèo lên đến chức Hàn Lâm Học Sĩ rồi Công Bộ Thượng Thơ.

                    Image result for åéå·²æ¨è¬å±±é , æ´éè¬å±±å¹¾è¬éã 
 
                    Image result for åéå·²æ¨è¬å±±é , æ´éè¬å±±å¹¾è¬éã

        Tương truyền, khi đang làm Hàn Lâm Học Sĩ ở Kinh Thành, một hôm  đang lang thang trên đường phố, bất ngờ có một đoàn xe ngựa của hoàng tộc từ phía trước đi đến với một đoàn Ngự Lâm Quân đi trước mở đường. Tất cả bá tánh kể cả quan viên lớn nhỏ đều phải đứng nép vào hai bên lề đường, Tống Kỳ cũng đứng nép vào bên đường mà nhìn. Chợt trong một cung xa chạy ngang qua nghe có tiếng gọi: "Tiểu Tống!" Tống Kỳ giật mình nhìn lại thì thấy một bàn tay ngọc đang buông rèm xe xuống và thấp thoáng còn ẩn hiện một gương mặt thật đẹp của một cung nhân. Chàng Hàn Lâm Học Sĩ trẻ trung như bị hớp hồn, đứng ngẩn ngơ bên đường nhìn theo đoàn xe ngựa đi mất hút trong đám bụi mù mà lòng vẫn còn bàng hoàng ngơ ngẩn. Khi về đến phủ Hàn Lâm mà lòng vẫn cứ vấn vương vương vấn mãi hình bóng của ai kia: Nàng là ai, sao nàng lại biết ta là Tiểu Tống, nàng đã để mắt xanh đến ta từ bao giờ, sao ta không hề biết?... Qủa là "Ngổn ngang trăm mối bên lòng, nên câu tuyệt diệu ngụ trong tính tình", chàng bèn lấy giấy bút ra viết nên bài từ "Giá Cô Thiên 鹧 鸪 天" tuyệt diệu như sau:

     畫轂雕鞍狭路逢, Họa cốc điêu yên hiệp lộ phùng,
    一聲腸断绣帘中。  Nhất thanh trường đoạn tú liêm trung.
    身無彩鳳雙飛翼,   Thân vô thái phụng song phi dực,
    心有靈犀一点通。   Tâm hữu linh tê nhất điểm thông.
     金作屋,玉為籠,   Kim tác ốc,     Ngọc vi lung.
     車如流水馬游龍。   Xa như lưu thủy mã du long,
     劉郎已恨蓬山遠,   Lưu Lang dĩ hận Bồng sơn viễn,
     更隔蓬山幾萬重。   Cánh cách Bồng sơn kỷ vạn trùng!

Có nghĩa :
                 Xe vua trạm trổ đẹp qua đường,
                 Một tiếng ai kêu luống đoạn trường.
                 Hận không đôi cánh như chim phượng,
                 Lòng tựa Linh tê đã vấn vương.
                 Nhà vàng đó, lầu ngọc suông,
                 Ngựa xe như nước chạy bon bon,
                 Chàng Lưu vốn hận Bồng Lai cách,
                 Lại cách Bồng Lai mấy vạn đường!

                    
        
       Thật ra thì bài từ nầy cũng không phải là một tuyệt tác gì, chỉ sử dụng 4 câu trong hai bài Vô Đề của Lý Thương Ẩn, và câu "Xa như lưu thủy mã như long" trong bài Vọng Giang Nam của Lý Hậu Chủ, rồi viết thêm vài câu theo ý của tác giả cho đúng với hoàn cảnh trước mắt, chắp vá lại mà thành. Nhưng nó lại rất hay, rất sát sao với tình ý của tác giả lúc bấy giờ với câu chuyện tình giữa một vị Hàn Lâm với một cung nữ trong cung vua, nên bài từ nổi tiếng rất nhanh và được các ca nhi phổ nhạc hát khắp kinh thành. Chẳng bao lâu sau, bài từ được truyền vào đến hoàng cung, vua Tống Nhân Tông rất lấy làm lạ khi biết được viêc nầy, bèn cho tập hợp tất cả đoàn xe ngựa hôm đó lại để hỏi tra xem, cung nữ nào ngồi ở xe nào đã gọi tên "Tiểu Tống"?  Một cung nhân trẻ  đẹp đã thẹn thùng đứng ra nhận tội. Vua hỏi làm sao biết được "Tiểu Tống"? thì nàng cung nữ tâu rằng: Trước đây, khi thị yến trong cung với các quan tân khoa, đã nghe mọi người gọi là Tiểu Tống, mấy hôm trước khi  đi ngang qua phố tình cờ vén rèm thấy được nên mới buộc miệng gọi một tiếng "Tiểu Tống" mà thôi! 
      Nhà vua lặng thinh chẳng nói gì, ra lệnh cho đòi Hàn Lâm Học Sĩ Tống Kỳ vào cung. Tống Kỳ rất lấy làm lạ không biết là chuyện gì. Nhà vua thiết yến khoản đãi, trong buổi tiệc lại cho con hát hát bài "Giá Cô Thiên" của Tống Kỳ đã làm để tỏ tình với cung nữ. Tống Kỳ nghe xong, mồ hôi ra đầy mình, sợ quá, vội vàng quỳ xuống thỉnh tội. Nên biết rằng dưới chế độ phong kiến, các quan viên nào dám cả gan ghẹo đến người của hoàng tộc, nhất là các cung nữ của nhà vua, thì bị tội khi quân sẽ bị chém đầu như chơi. Nhưng...
       Tống Nhân Tông là một ông vua rất khoan dung hòa ái, lại yêu thích văn chương, nên vội vàng đỡ Tống Kỳ dậy, cười xòa mà bảo rằng: "Bài từ của ái khanh viết là: 劉郎已恨蓬山遠 Lưu Lang dĩ hận Bồng Sơn viễn, 更隔蓬山幾萬重 Cánh cách Bồng Sơn kỷ vạn trùng. "Bồng Lai" qủa thật rất xa xôi, nhưng hôm nay, trong cung nầy của Trẩm "Bồng Lai" của khanh ở rất gần nơi đây!" Nói  đoạn, nhà vua bèn cho đòi nàng cung nữ hôm nọ đến và hạ chỉ: Ban tặng nàng cho Tống Kỳ, kết thúc cho một cuộc nhân duyên rất nên thơ và có hậu.
          
                       
                           
       Truyện được lan truyền ra ngoài rất nhanh, tạo thành một giai thoại văn chương và một chuyện tình đẹp hiếm có lúc bấy giờ, nhờ vào lòng khoan dung của một vị vua nhân từ: Tống Nhân Tông. Truyện vừa đẹp vì tình yêu đôi lứa, vừa đẹp vì cái nghĩa quân thần của nhà vua và Tống Kỳ. Dân chúng ở kinh thành lúc bấy giờ thường kháo nhau rằng: Chỉ cần một bài từ, chỉ cần có hai câu thơ ao ước đến được cõi Bồng Lai, Tống Kỳ đã bồng được nàng cung nữ  đẹp đẽ từ cung vua về nhà mình!

       Riêng Tống Kỳ, ngoài tài văn thơ ra, ông còn là một nhà viết sử nổi tiếng khi cùng với Âu Dương Tu cùng nhau kiểu chỉnh lại Cựu Đường Thư, và mất mười mấy năm để viết nên bộ TÂN ĐƯỜNG THƯ gồm 225 quyển. Ông còn nổi tiếng với bài từ "Ngọc Lâu Xuân 玉 樓 春" trong đó có một câu rất hay là:

        Hồng hạnh chi đầu xuân ý náo   紅杏枝頭春意鬧
Có nghĩa :
        Ý xuân đang reo vui ở trên đầu cành hoa hồng hạnh.

       Nên Tống Kỳ còn được người đời gọi là  "Hồng Hạnh Thượng Thư".
                
                       

                                  Đỗ Chiêu Đức




                                   

Không có nhận xét nào: