NHỊ BÁT GIAI NHÂN
Đây là Quẻ Xăm thứ 105 của Địa Tạng Chiêm Sát Nghiệp Báo Pháp Xăm
-----地藏占察業報法籤文 第105籤-----
二八佳人刺繡遲, Nhi bát giai nhân thích tú trì,
紫荊花下囀黃鸝。 Tử kinh hoa hạ chuyển hoàng li.
可憐無限傷春意, Khả lân vô hạn thương xuân ý,
盡在停針不語時。 Tận tại đình châm bất ngữ thì !
宋.释中仁 Tống. Thích Trung Nhân
此籤典故出自於---
中天竺中仁禪師的開示法語
Quẻ xăm nầy là điển cố, có xuất xứ từ... Pháp Ngữ Khai Thị của Trung Thiên Trúc Trung Nhân Thiền Sư.
臨安府中天竺中仁禪師,圓悟克勤禪師之法嗣,洛陽人。中仁禪師少年時投東京奉先院出家,北宋徽宗宣和初年(1119)落發得度,受具足戒後,一度往來於三藏譯經場所,專攻經論。但是,他對於禪宗之事,卻未曾信人。
當時,圓悟克勤禪師居於天寧寺接眾。
Lâm An Phủ Trung Thiên Trúc Trung Nhân Thiền Sư, là người pháp tự của Viên Ngộ Khắc Cần Thiền Sư, người đất Lạc Dương. Khi còn trẻ người xuất gia tại Phụng Tiên Viện ở Đông Kinh (Khai Phong Phủ), được độ cho thế phát vào năm đầu Tuyên Hòa Tống Huy Tông đời Bắc Tống (1119). Sau khi đã thụ giới đầy đủ, một dạo thường tới lui nơi dịch kinh Tam Tạng, chuyên về kinh luận. Thế nhưng, đối với Thiền tông, lại chưa từng tin vào ai cả. Lúc bấy giờ, Viên Ngộ Khắc Cần Thiền Sư đang ở Thiên Ninh Tự để tiếp xúc với chúng tăng.
一天凌晨,中仁禪師入天寧寺禮謁圓悟禪師,正好趕上圓悟禪師為眾入室請益。中仁禪師一見圓悟禪師的威德,便生敬服之心,便大膽地走到圓悟禪師的跟前禮問。圓悟禪師道:「 依經解義,三世佛冤。離經一字,即同魔說。速道!!!速道!!!. 中仁禪師正要開口論對,圓悟禪師照著他的嘴一拳打過來,頓時一顆牙齒被打掉了,落在地上。中仁禪師當即豁然大悟。
Một buổi sáng sớm, Trung Nhân thiền sư vào Thiên Ninh Tự để ra mắt Viên Ngộ thiền sư, cũng vừa đúng lúc Viên Ngô thiền sư đang mở cửa cho mọi người vào thỉnh ý. Trung Nhân thiền sư vừa trông thấy vẻ uy nghiêm của Viên Ngộ thiền sư bèn sinh lòng kính trọng, mới bạo gan bước đến để chào hỏi. Viên Ngộ thiền sư bèn nói rằng: "Y kinh giải nghĩa, tam thế phật oan. Ly kinh nhất tự, tức đồng ma thuyết. Tốc đạo!!! Tốc đạo!!!" Trung Nhân thiền sư vừa mới muốn mở miệng luận đối, Viên Ngộ thiền sư bèn một quyền đánh tới trúng ngay miệng rớt ngay một cái răng xuống đất. Trung Nhân thiền sư bỗng nhiên giác ngộ.
中仁禪師悟道後,繼續留在天寧,向圓悟禪師請益,從此師資道合,請問無間。後開法於大覺寺,不久遷住中天竺,末後又移住靈峰。
Sau khi ngộ đạo, Trung Nhân thiền sư vẫn tiếp tục ở lại chùa Thiên Ninh, học hỏi thêm ở Viên Ngộ thiền sư. Từ đó về sau, hai người chí đồng đạo hợp, không ngừng trao đổi. Sau khai pháp ở Đại Giác Tự, ít lâu sau dời về Trung Thiên Trúc, cuối cùng lại dời về Linh Phong Tự.
南宋孝宗淳熙甲午年(1174)四月初八釋迦牟尼佛聖誕日,中仁禪師奉詔入禁中升座說法。孝宗皇帝舉「 不與萬法為侶」(註一)之公案,請中仁禪師拈提(對古人現成公案,進行評點發揮,以啟發學人)。中仁禪師拈提罷,作偈頌云:
Năm Giáp Ngọ Thuần Hi đời vua Hiếu Tông thời Nam Tống (1174), nhân ngày Phật Đản mùng 8 tháng tư, Trung Nhân thiền sư phụng chiếu vào cung cấm, đăng đàn thuyết pháp. Hiếu Tông Hoàng Đế đưa ra Công Án "Bất dữ vạn pháp vi lữ ": là "Không cùng làm bạn song hành với vạn pháp.(1) Mời Trung Nhân thiền sư thuyết giảng triển khai (Từ những Công Án có sẵn của cổ nhân, tiến hành phê phán điểm hóa phát huy, để gợi mở cho người học đạo). Sau khi thuyết giảng xong, Trung Nhân thiền sư bèn đọc bài kệ như sau:
秤鎚握出油, Xứng chùy ốc xuất du,
閒言長語休。 Nhàn ngôn trường ngữ hưu.
腰纏十萬貫, Yêu triền thập vạn quán,
騎鶴上揚州。 Kỵ hạc thướng Dương Châu!
Có nghĩa :
Qủa cân bằng sắt bóp ra dầu,
Nói dong nói dài chẳng nói đâu.
Mười vạn quan tiền lưng lận sẵn,
Một lèo cởi hạc tới Dương Châu!
中仁禪師接眾時,比較灑脫自由,常以閨閣中事,以逗學人之機。
Khi Trung Nhân thiền sư tiếp xúc với mọi người, thường với phong cách tự do thoải mái, lại hay lấy chuyện trong khuê các để làm cái cơ duyên gợi mở cho người học đạo. Xem bài kệ sau:
九十春光已過半, Cửu thập xuân quang dĩ qúa bán,
養花天氣正融和。 Dưỡng hoa thiên khí chính dung hòa.
海棠枝上鶯聲好, Hải đường chi thượng oanh thanh hảo,
道與時流見得麼? Đạo dữ thời lưu kiến đắc ma ?!
Có nghĩa :
Chín mươi ngày nắng xuân đã qua qúa nửa rồi.
Đúng lúc dung hòa giữa khí trời và việc trồng hoa.
Trên cành hải đường tiếng oanh đang hót rất vui tai.
Đạo và trào lưu thời đại có thấy được sao?
Diễn Nôm :
Chín chục thiều quang qúa nửa rồi,
Trồng hoa dung hợp với khí trời.
Hải đường oanh hót sao vui vẻ,
Đạo với trào lưu khó tách rời !
然雖如是,且透聲透色一句作麼生道?
Tuy rằng như thế, lại chỉ một câu cho thấu thanh thấu sắc mà sanh ra cái đạo được sao?
金勒馬嘶芳草地, Kim lặc mã tê phương thảo địa,
玉樓人醉杏花天。 Ngọc lâu nhân túy hạnh hoa thiên.
Có nghĩa :
Dây cương vàng, tiếng ngựa hí trên đồng cỏ xanh tươi.
Trong lầu ngọc, người say trong mùa hoa hạnh nở.
Lục bát :
Cương vàng ngựa hí đồng xanh,
Người say lầu ngọc đầy cành hạnh hoa!
又一次上堂,舉狗子無佛性話(註二),乃曰:
Lại một lần trên giảng đường, đang nói về " Cẩu tử vô phật tính" (2), sư bèn đọc bài kệ :
二八佳人刺繡遲, Nhi bát giai nhân thích tú trì,
紫荊花下囀黃鸝。 Tử kinh hoa hạ chuyển hoàng li.
可憐無限傷春意, Kha lân vô hạn thương xuân ý,
盡在停針不語時。 Tận tại đình châm bất ngữ thì !
Giai nhân tuổi vừa đôi tám ngồi thêu một cách lơ đểnh.
Dưới hoa tử kinh chim hoàng oanh đang hót líu lo.
Thương thay cái ý thương xót cho mùa xuân vô hạn của nàng, đều ở trong một lúc ngừng kim thêu mà không nói một lời nào !
Chú Thích :
THÍCH 刺 là Đâm. TÚ 繡 là Thêu. THÍCH TÚ 刺繡: là từ kép chỉ THÊU THÙA.
Câu đầu của bài kệ này hay bị hiểu nhầm chữ TRÌ 遲. TRÌ là TRÌ TRỆ 遲滯, TRÌ HOÃN 遲緩, có nghĩa là : Lôi Thôi, Lơ Đểnh. Chớ TRÌ ở đây không phải là CHẬM. Câu nầy thường được dịch là: "Người đẹp đôi tám ngồi thêu một cách chậm raĩ". Dịch như thế không sát NGHĨA chữ mà cũng không ăn với Ý của bài Kệ nữa! Tại sao?! Vì Nàng ngồi dưới khóm hoa Tử Kinh nghe chim Oanh hót là để thương cảm cho mùa xuân chớ không phải thật tình muốn ngồi để thêu thùa gì cả. Thêu chỉ là cái cớ, cái làm đẹp bên ngoài cho có vẻ, để che giấu đi nỗi lòng thương cảm của nàng đối với mùa xuân sắp qua đi mà thôi! Xem 2 câu tiếp thì sẽ rõ!
Diễn Nôm :
Thêu thùa lơ đễnh giai nhân,
Dưới cành hoa tím chim oanh hót chào.
Thương thay xuân sắc dạt dào,
Ngừng kim lặng lẽ biết bao ý tình !
修行最關鍵的,就是要能夠透聲透色,不為聲色所迷。避開聲色,潛入山林,作為修行的一個階段,固然不可缺少,但是,最終還是要回到聲色中來淬火,以顯示其金剛之性。「 金勒馬嘶芳草地,玉樓人醉杏花天」,於此極盡歡樂之地,能否透得過???若透不過,說一千道一萬,也只是知見。
Cái then chốt nhất của việc tu hành là có thể thấu Thanh thấu Sắc, không bị mê hoặc bởi THANH SẮC. Tránh xa Thanh Sắc, ẩn thân vào rừng núi để tu luyện, giai đoạn đó cố nhiên không thể thiếu. Nhưng sau cùng, cũng phải trở về với Thanh Sắc để chiụ thử thách, và để tỏ rõ cái tính Kim Cang bất chuyển vững chắc của mình. Giữa cảnh cực kỳ hoan lạc như: "Kim lặc mã tê phương thảo địa, Ngọc lâu nhân túy hạnh hoa thiên" mà có thể dửng dưng được, nếu bị lay chuyển, thì có thuyết giảng một ngàn một vạn lần cũng chỉ là hiểu biết suông mà thôi!
註一:
不與萬法為侶者的公案如是-----
龐居士於唐貞元年初,謁石頭和尚,
乃問不與萬法為侶者是什麼人?
石頭和尚以手掩其口,而豁然有省。
後參馬祖,問曰:
「不與萬法為侶者,是甚麼人?」
祖回答:「待汝一口吸盡西江水,即向汝道。」
遂於言下,頓悟玄旨。
CHÚ THÍCH 1.
Công án "Bất dữ vạn pháp vi lữ" là...
Đầu năm Trinh Nguyên đời Đường, Bàng Cư Sĩ yết kiến Thạch Đầu Hoà Thượng, có hỏỉ: Người mà "Bất dữ vạn pháp vi lữ" là người như thế nào? Thạch Đầu Hòa Thượng lấy tay che miệng lại, mà bỗng nhiên có chút giác ngộ.
Sau tham kiến Mã Tổ, lại hỏi rằng: Người mà "Bất dữ vạn pháp vi lữ" là người như thế nào? Tổ trả lời rằng:
- Khi nào ngươi có thể một hơi uống hết nước của sông Tây Giang, thì ta sẽ nói cho ngươi biết!
Sau lời nói đó, bỗng nhiên đốn ngộ huyền vi.
註二:
狗子佛性的公案如是-----
禪宗公案名。又作趙州狗子、趙州佛性、趙州有無、趙州無字。
「狗子有無佛性?」自古為禪宗破除執著於有、無之公案。
僧問趙州從諗禪師:『狗子還有佛性也無?』
趙州從諗禪師云:『有。』
僧云:『既有,為甚麼卻撞入這箇皮袋?』
趙州從諗禪師云:『為他知而故犯。』
又有僧問:『狗子還有佛性也無?』
趙州從諗禪師曰:『無。』
僧云:『一切眾生皆有佛性,狗子為什麼卻無?』
趙州從諗禪師云:『為伊有業識在。』
CHÚ THÍCH 2 :
Công án: Phật tính của chó.
Còn gọi là: Chó Triệu Châu, Triệu Châu Phật Tính, Triệu Châu hữu vô, Triệu Châu Vô tự.
"Chó có Phật tính hay không?" là Công Án của Thiền Tông từ xưa đến nay còn đang tháo gở giữa CÓ và KHÔNG.
Có tăng nhân hỏi Triệu Châu Tòng Niệm Thiền Sư rằng: "Chó còn có Phật tính không?" Sư đáp: "Có ." Tăng nói rằng: "Đã có Phật tính, sao còn chui vào cái lớp vỏ bọc nầy?"
Sư đáp: "Vì nó biết mà vẫn cứ phạm."
Lại có một tăng nhân hỏi: "Chó còn có Phật tính không?" Sư đáp: "Không." Tăng nói: "Nhất thiết chúng sinh đều có Phật tính, tại sao chó lại không có Phật tính?" Triệu Châu Tòng Niệm Thiền Sư đáp: "Vì nó đang mang cái nghiệp trên mình!"
南無地藏王菩薩 !
Nam mô Địa Tạng Vương Bồ Tác!
Đỗ Chiêu Đức dịch
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét