Thứ Sáu, 8 tháng 2, 2019

Thằng Con Có Phước - Nguyễn Cang



               Thằng Con Có Phước
                                                 Nguyễn Cang

    Sáng nay anh Tư, sau khi chở thằng con trai đi học, trở về nhà anh tỏ vẻ buồn bã. Không phải anh mệt nhọc mà anh rầu cho gia đình bất hạnh, có thằng con trai đầu lòng mà bị tật do sốt tê liệt gây ra, lúc thằng nhỏ được 5 tuổi. Nó đi đứng khó khăn, cà quặc cà quẹo một cách chậm chạp.  Mỗi ngày anh phải chở nó bằng xe đạp tới trường, trưa rước về. Không phải anh hy vọng gì ở tương lai nó nhưng vì thằng nhỏ thấy bạn bè cùng lứa tuổi đều đi học nên nó cũng đòi đi theo, lâu dần nó coi việc học là một thú vui. Nhờ nó học giỏi nên được thầy yêu bạn mến, nó cũng tạm quên thân phận tật nguyền của mình. 
   Gia đình anh Tư rất nghèo, anh thì lao động đủ thứ nghề, còn vợ thì buôn bán rau cải ngoài chợ Cẩm Giang. Vì gia đình nghèo nên khi thằng con bị bịnh sốt tê liệt, không tiền đi bác sĩ cũng không kịp chở đi bịnh viện, hậu quả thằng nhỏ bị tật đi đứng không bình thường như những đứa khác. Có lẽ vì ân hận điều gì đó nên cả hai vợ chồng lúc nào cũng buồn rười rượi.
Mấy lúc sau nầy anh có vẻ khác lạ trong cử chỉ và hành động, có khi rước thằng con về nhà xong, anh đạp xe đi đâu mất, vợ có hỏi thì anh bảo đi gặp bạn  bàn chuyện làm ăn, chứ ở nhà hoài biết  bao giờ mới khá. Vợ nghe nói cũng tạm yên lòng không buồn để ý gì thêm.
   Tối nay ở tận sâu bên trong khu rừng thưa cạnh ngôi mộ hoang, anh Tư đang ngồi nói chuyện với một người đàn ông lạ. Họ có vẻ lo lắng sợ sệt điều gì, mà họ nói với nhau những gì cũng không ai nghe được. Mảnh trăng chênh chếch trên ngọn bằng lăng chiếu những tia sáng yếu ớt vàng vọt xuyên qua kẽ lá rọi xuống gương mặt làm anh giật mình. Anh vội đứng lên từ giã người đàn ông rồi biến mất trong màn đêm sương mờ lạnh ngắt...
      Sáng nay như thường lệ, anh Tư chở thằng con đến trường sớm hơn một chút, bỏ nó đứng trứơc cổng trường Cẩm An, xã Cẩm Giang, quận Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh, rồi đi đâu đó, trông vội vã khác thường. Trường thằng con học nằm cạnh quốc lộ số 22, đường lên Tây Ninh, bên nầy sông Vàm Cỏ Đông. Giờ nầy còn sớm, lác đác quanh đây một vài đứa cũng tới sớm như nó, đang ôm ngực nép vào hàng rào trường.  Thằng Hoàng không như những đứa trẻ khác, lúc nào bên nách nó cũng kẹp một cái nạng trông rất thô sơ do ba nó chặt cây rừng đẽo sơ sài như chính cuộc đời rách nát của nó, giúp nó đi đứng khá hơn một chút. Trưa nay khi tan học, lũ học trò vừa túa ra khỏi lớp thì bên kia đường bỗng xuất hiện một đoàn xe quân sự, súng ống dềnh dàng. Ô kìa, nó đậu bên nầy sông, các họng súng đại bác đều hướng về biên giới Campuchia trong tư thế sẵn sàng nhã đạn. Nhiều người tò mò bước tới xem, đứng cách xa hơn 200m, mấy thằng Mỹ la hét huơ súng quát tháo om sòm nhưng chẳng ai hiểu nó muốn nói gì. Lũ con nít hoãng sợ chạy tán loạn. Thằng Hoàng cùng mấy đứa bạn cũng mon men tới coi. Thình lình một thằng Mỹ to con có vẻ như người chỉ huy, phất một lá cờ nhỏ màu đỏ đồng thời la lên một tiếng thì 5 khẩu đại bác cùng nhã đạn một lựơt. Tiếng súng vang dội chát chúa cả một góc trời. Nhiều đứa nhỏ bỏ chạy thật xa, có đứa té lăn cù, còn người lớn thì lùi hẳn về sau. Lính Mỹ bắn một chập rồi ngưng. Độ 15 phút sau chúng tiếp tục bắn trở lại,  một giờ sau thì ngừng hẳn. 
   Mấy đứa nhỏ mon mem tới gần. Vài lính Mỹ còn trẻ thấy con nít thì nhớ tới con nó ở quê nhà Mỹ quốc nên đi tới đi lui nhìn trân trân mấy đứa nhỏ, có thằng tặng kẹo cho trẻ nhỏ nữa. Thằng Hoàng cũng thích kẹo lắm, nó rứơn tới đễ nhận kẹo từ tay một lính Mỹ, bất ngờ bạn nó phóng tới làm thằng Hoàng té nhào. Thằng Mỹ nầy nhận trách nhiệm, nó nghĩ tại nó không cẩn thận đưa kẹo nên thằng nhỏ mới té, bèn lật đật đỡ thằng nhỏ lên, lúc đó nó mới nhận ra thằng bé bị tật. Thằng Hoàng nằm gọn trong vòng tay to lớn rắn chắc của lính Mỹ, nó sợ qúa dãy dụa dữ dội, càng dãy thằng Mỹ càng ôm chặt vì sợ nó té ! Thằng Mỹ buông nhẹ nó xuống đất, thằng Hoàng bị văng mất cây nạng lúc nào không hay nên đứng lảo đảo. Thằng Mỹ nói một tràng... Trong nhóm lính Mỹ, có một người Việt Nam, đi tới nói với thằng Hoàng: "Ông Mỹ hỏi mầy có muốn chữa lành bịnh hôn?" Thằng Hoàng gật đầu.
    Lính Mỹ bắt đầu rút quân, họ thu xếp súng ống đạn dược chuẩn bị lên đường. Bỗng từ xa, trên bầu trời xanh ngắt, một chiếc trực thăng bay tới, tiếng động cơ nổ ầm ầm, định đáp cạnh khoảng đất trống gần đó. Mọi người hoảng hốt bỏ chạy, vì sợ máy bay đụng đầu mình. Thằng Hoàng cũng bỏ chạy nhưng bất ngờ một cánh tay rắn chắc ghì nó lại. Một lính Mỹ từ trên trực thăng nhào tới bồng thằng Hoàng đưa lên trực thăng bay mất trong không gian mờ mây khói.
Chuyện xảy ra nhanh quá và bất ngờ nên không ai phản ứng kịp, bây giờ chợt tỉnh ra mới hoàn hồn, nhiều người la lớn: Mỹ bắt cóc trẻ! Mỹ bắt cóc! Mỹ bắt cóc con thằng Tư rồi, bà con ơi!... Mọi người  túa ra, chạy tới chạy lui coi Mỹ có thả thằng nhỏ ở đâu đó không, nhưng vô ích!
Má thằng Hoàng buôn bán gần đó bỏ ngang phiên chợ chạy đi tìm con, rồi ba nó cũng hay tin nên cũng chạy tới hiện trường tìm dấu vết. Có người bảo đi cớ trưởng ấp, xã trưởng mong tìm ra tông tích thằng con nhưng tất cả đều vô ích. Bóng chiều dần xuống, rớt nhẹ những tia sáng vàng vọt bên kia sông. Những vạt nắng vô tình chiếu lấp lánh trên mắt, trên vai hai vợ chồng bất hạnh như trêu gan, thách thức sự đau khổ tột cùng của kiếp nhân sinh. Hai vợ chồng ngồi lỳ chỗ thằng Hoàng bị bắt cho tới khi trời tối mịt. Bóng hai người bứơc đi liêu xiêu giữa màn đêm lạnh ngắt, cái lạnh trời đêm không lạnh bằng cái lạnh và cái đau thấu tim trong lòng một người mất con.
  Từ ngày mất con hai vợ chồng anh Tư không tha thiết gì tới ăn uống, vợ bỏ luôn mấy phiên chợ, còn anh Tư thì đi tới đi lui như người mất trí , miệng lúc nào cũng nguyền rủa: Mỹ xâm lược, Mỹ ác ôn, Mỹ ăn cướp... hết ngày nầy qua ngày nọ. Thỉnh thoảng người ta thấy có vài bóng đen thấp thoáng trong nhà anh.
Thời gian trôi mau, đầu năm 1966, kể từ lúc thằng Hoàng bị "bắt cóc", đúng một tháng rưỡi, vào một buổi trưa, ngay chỗ thằng nhỏ bị bắt lúc trước, một chiếc trực thăng đáp khẩn cấp rồi cất cánh lên nhanh sau khi bỏ thằng nhỏ xuống đất. Từ trong bước ra một thằng nhỏ giống hệt thằng Hoàng. Nó đi nhẹ nhàng bằng một cây nạng inox, màu bạc sáng loáng. Thấy lạ người ta chạy tới, mừng rỡ sau khi nhận ra đúng là thằng Hoàng con anh Tư xóm trong. Mấy đứa nhỏ nắm tay thằng Hoàng hỏi han rối rít: Thằng Mỹ nó có đánh mầy hông, Hoàng? Nó có cho mầy ăn cơm hông? Bao nhiêu câu hỏi làm nó xúc động không trả lời kịp. Có người chạy về nhà nó báo cho cha mẹ nó biết, thằng Hoàng xua tay: "Thôi, để tôi về nhà một mình!" Nói xong nó bước đi về phía đường cái. Ai nấy ngạc nhiên khi thấy nó đi đứng dễ dàng.
   Một lát sau ba má nó tới, hai người ôm con vào lòng khóc nức nỡ vì sung sướng. Mẹ nó hỏi: "Thằng Mỹ nó chở con đi đâu vậy? Nó có đánh con không?" Như để kiểm lại cho chắc, má nó nắn bóp hai chân nó coi thế nào. Thấy thằng nhỏ mạnh khỏe, đi đứng vững vàng hai người mới nhẹ nhõm. Chị Tư chấp tay lên trời xá xá mấy cái, miệng cám ơn Phật trời rối rít. Thằng Hoàng kể: "Mấy ông Mỹ tốt lắm mẹ ạ , họ cho con ăn uống no nê sau đó họ mỗ chân con, xếp xương lại cho ăn khớp rồi băng bó cẩn thận. Họ còn dặn mỗi tháng tái khám một lần. Bây giờ con khỏe mạnh lắm rồi ba má ơi!"
Mười năm sau, bên thắng cuộc chiếm trọn miền Nam. Gia đình anh Tư đổi đời, thuộc lớp người có công với Cách mạng, với đất nước. Anh chị Tư không còn vất vả như trước. Mấy đồng chí không còn núp ló trong vườn cây, cạnh gò mã nữa mà công khai ăn nhậu trong nhà, trong khách sạn cao sang trong  khi nhiều gia đình không đủ cơm ăn áo mặc. Mấy đứa bạn của thằng Hoàng ngày xưa bây giờ cũng đã khôn lớn, đứa còn đứa mất, đứa lưu lạc phương trời nào không ai biết, còn thằng Hoàng thì nhờ có công với cách mạng nên được đề bạt lên làm thủ trưởng hợp tác xã nông nghiệp. Có người hỏi nó về câu chuyện Mỹ "bắt cóc" là có thật hay không? Nó chỉ trả lời: "Chuyện xưa rồi tôi không còn nhớ, mà tôi cũng không muốn nhớ, hãy để nó trôi vào quá khứ đi!"

                Nguyễn Cang

                 (29/1/2019)

Lời người viết: Tôi viết bài nầy theo lời kể của một người bạn. Anh yêu cầu đổi tên nhân vật và địa điểm. Câu chuyện là có thật, xảy ra khoảng năm 1966 lúc đó Mỹ đã vào tham chiến tại VN. Nhiều cuộc hành quân chống cộng sản có pháo binh yễm trợ được thực hiện trên khắp miền nam Việt Nam. Đối chiếu câu chuyện với thời điễm 1965, tôi tin đây là chuyện thật không hư cấu cốt truyện. Năm 1965 tại bệnh viện Chợ Rẫy Sài Gòn có chương trình chữa bịnh miễn phí cho người nghèo do người Mỹ thực hiện như mỗ mắt, vá môi, mũi, mỗ chân tay có tật v.v. Thằng Hoàng trong câu chuyện có thể được Mỹ chở thẳng vào bệnh viện Chợ Rẫy hoặc chở ra tàu Hope đậu ngoài biển Đà Nẵng, cũng có thể đưa vào Bệnh Viện 3 Dã Chiến Huê Kỳ. Để tôn trọng sự thật tôi không kết thúc "có hậu" như một số truyện ngắn khác.
Bốn mươi bốn năm qua bên thắng cuộc vẫn còn mạnh miệng chửi Mỹ là quân xâm lựơc, vô nhân đạo, gây biết bao tội ác cho nhân dân ta. Thử hỏi Mỹ xâm lựơc sao Mỹ không lấy một tấc đất nào của VN? còn ông bạn vàng 4 tốt 16 chữ vàng giúp đỡ ta sao lại lấn chiếm biển đảo và đất liền của ta? Nước VN ngày nay diện tích còn lại bao nhiêu? Biển đảo, đất liền bị mất dần. Hội nghị Thành Đô sắp tới ngày sát nhập vào Trung Cộng. Người ta không muốn tin nhưng thực tế xảy ra hằng ngày trên đất nước VN khiến những ai còn nghĩ tới quê hương không khỏi đau lòng, hoảng hốt khi nghĩ tới một ngày... không còn thấy tên VN trên bản đồ thế giới! Hãy nghe tổng thống Mỹ Reagan nói để dự đoán tương lai nước Việt sau nầy:
(Ronald Wilson Reagan là tổng thống thứ 40 của Hoa Kỳ (1981–1989). Trước đó, ông là thống đốc thứ 33 của bang California (1967–1975)). Khi Mỹ rút quân khỏi VN, ông tuyên bố một câu để đời:
"Chấm dứt chiến tranh không đơn thuần là chỉ rút quân về nhà là xong. Vì lẽ, cái giá phải trả cho hòa bình là ngàn năm đen tối cho các thế hệ sinh tại Việt Nam về sau."
Ai chịu trách nhiệm về tai họa khủng khiếp sắp tới cho dân tộc VN? Câu trả lời nầy dành cho bạn đọc. 
NC





Không có nhận xét nào: